NHỚ PHƯỢNG
Sáng nay đi bộ xong, tìm một cây xanh để đứng tập một vài động tác tay chân mà mãi không tìm được cây nào có hoa và có cả bóng mát. Ở đây người ta chỉ trồng bàng Đài Loan và Bọ cạp vàng. Về cây bàng Đài Loan thì khi nhập về trồng người ta bảo Bàng Đài Loan là cây tạo bóng mát trên đường phố, các công viên, khu ở, tăng mảng xanh, cải tạo bầu không khí xung quanh. Cây có tán lá đẹp, xếp tầng, mang lại nét hiện đại và xanh mát cho các tuyến đường, cho cảnh quan đô thị. Nhưng đã gần chục năm rồi, mấy cây bàng Đài Loan ở đây tán lá vẫn nhỏ bé lưa thưa không che nổi ánh mặt trời buổi sáng mà lá và những quả nho như hạt xoan lại rụng đầy lối đi trông rất bẩn. Cây bọ cạp vàng thì có cả một dãy tên nghe rất đẹp vả thơ mộng như: Bò cạp vàng, Muồng Hoàng yến, Lồng đèn, Hoàng hậu (hạ), Mai dây, Cây xuân muộn, Mai nở muộn có nguồn gốc tít tận miền nam Pakistan về phía đông trên khắp Ấn Độ tới Myanmar và Thái Lan và phía nam tới Sri Lanka. Nhưng cây bọ cạp vàng này hay rụng lá có chùm hoa lớn, hoa màu vàng hay rủ xuống trông rất yếu đuối, khi quả khô vỏ cứng có mùi hôi rất là khó chịu, cành lá cành cao cành thấp tất cả đều như muốn chúi xuống đất không thể gọi là cây có bóng mát.
Bất giác lại nhớ về Hải Phòng rợp trời cây phượng vĩ.
Cây phượng, dân Hải Phòng còn gọi là cây ba-giăng. Hoa ba-giăng màu đỏ rực rỡ, xòe 5 cánh giống như đuôi chim phượng nên người Hải Phòng đặt tên là Hoa Phượng vĩ một cách tôn vinh, âu yếm. Cơn bão năm 1971 đã “nhổ” gần hết số cây phượng của Hải Phòng trong đó có cây phượng vĩ bên hè trước cửa nhà mình. Một thời gian sau đó thành phố cho trồng thay thế bằng cây gạo gai vì thấy loài cây này chóng to lớn. Nhưng sau gần hai mươi năm mới nhận ra cây gạo gai thân dòn, rễ chùm dễ đổ mỗi mùa mưa bão về, nên năm nào cũng cây đổ, chết người, xô vào cột điện làm mất điện toàn thành phố... Đã thế hạt cây gạo gai lại rất độc , bệnh viện Trẻ em TP đã có lần tiếp nhận 5 học sinh tuổi từ 8 đến 12 tuổi với các triệu chứng đau bụng, đau đầu, bí đái do các em đã ăn hạt cây gạo gai. Vì thế hàng loat gạo gai lại bị chặt bỏ. Người Hải Phòng chợt nhận ra thành phố hoa phượng đỏ, không còn hoa phượng nữa mà nhiều phố không một bóng cây, những con đường nắng cháy không một bóng râm.
Và, người ta lại bắt đầu trồng lại phượng, tràn ngập những cây phượng thiếu nhi, bé nhỏ, run rẩy, sợ hãi mỗi khi mùa mưa bão về. Cho đến bây giờ, vào mùa hè Hoa Phượng đỏ lại rợp trời Hải Phòng như ngày nào cùng với những tiếng ve ve inh ỏi kêu ran trong những chùm hoa lá phượng vĩ gợi nhớ những năm tháng học trò đẹp nhất trong đời.
Hải Phòng tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ!
Phượng vĩ có nguồn gốc từ Madagascar, tại đó người ta tìm thấy nó trong các cánh rừng ở miền tây Malagasy. Người Pháp, từ cuối thế kỷ 19 đã đem nó về Việt Nam trồng làm cây bóng mát từ Sài Gòn đến Hà Nội và đặc biệt trồng nhiều nhất ở Hải Phòng vì họ thấy thổ nhưỡng Hải Phòng gần giống với Madagascar . Thế mới biết, người Pháp không chỉ phát triển đô thị mà họ còn rất chú trọng đến việc trồng cây xanh, cây bóng mát và họ chọn lựa cây trồng thật tài giỏi. Hà Nội có 172 loài cây xanh bóng mát, trong đó có những cây nổi tiếng như sấu, sao đen, sưa trắng, sà cừ, có lẽ là thành phố nhiều cây xanh nhất nước nhưng đặc trưng nhất có lẽ là loài sấu. Khó có thể hình dung được Hà Nội sẽ ra sao, nếu thiếu những hàng sấu cổ thụ xanh rì, cho bóng mát quanh năm. Những cây sấu lớn nhất của Hà Nội nằm chủ yếu trên những con đường chính và ở trung tâm Thủ đô với tán lá dày xanh mướt, thân cây dai chắc, ít gãy. Và mỗi độ cuối hè, khi sấu bắt đầu thay lá thì cả con phố trở thành khung cảnh đầy lãng mạn như trong các bộ phim tình yêu thi vị. Cũng khó có thể hình dung Hải Phòng sẽ ra sao nếu thiếu những cây phượng vĩ hiên ngang chắn nắng mưa, che bão tố khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa, đi vào thơ văn, nhạc họa và cuộc đời của mỗi người Hải Phòng. Và mỗi mùa hè về hoa phượng lại nở đỏ rực một góc trời gợi nhớ bao nhiêu mối tính học trò ngây thơ vụng dại bên gốc phượng . Đi bộ dưới hay đứng tập thể dục dưới bóng mát của hàng phượng vĩ trên bờ hồ Tam Bạc vào mùa nào cũng cảm thấy lòng vui nhẹ nhõm, nhất là mùa phượng ra hoa, có cảm giác một trời hoa trùm khăn đỏ rực, khoác áo đỏ rực cho mình.
Với riêng mình những cây phượng vĩ ở sân UBND thành phố còn có thêm kỷ niệm. Ấy là khi mấy đứa cháu ngoại lúc còn bé thơ thường rất lười ăn, phải đẩy xe nôi đưa chúng ra sân chơi dưới những tán phượng vĩ mát dịu rồi dỗ chúng thì chúng mới chịu ăn cho từng thìa bột một.
Hải Phòng quê hương thứ hai, không phải nơi chôn rau cát rốn nhưng lại là nơi sống và làm việc ở đó đã gần 60 năm và chắc sẽ trọn đời. Phượng vĩ là một phần linh hồn của thành phố. Vì vậy nhớ phượng cũng là nhớ Hải Phòng.
Hải Phòng tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét