Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019


HĂM BA ÔNG TÁO ÔNG CÔNG


Hôm nay ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Tuất chợt nhớ mấy câu trên báo Tia Sáng số Xuân hồi nhỏ học ở Hà Nội:

Có bà gào đứt cả hơi
Tiếng chua như mẻ rao ngoài phố đông
Hăm ba ông Táo ông Công
Có ai rước ngựa cho ông về Trời

Ngựa đây chính là con cá chép để ông Công ông Táo cưỡi bay lên chầu Trời. Dạo áy người chư đông, chợ chưa nhiều nên người ta phải quẩy thúng bán rong cá chép trên đường phố. Mà cũng là cá chép trắng thôi chứ không phải cá chép vàng như ngày nay. 

Ngày 23 tháng Chạp, theo dân gian là ngày cúng Táo quân, hay còn gọi là Táo công, vua bếp. Đây không phải hủ tục mê tín dị đoan mà là tín ngưỡng giàu ý nghĩa nhân văn của người Việt, hướng mỗi người sống lương thiện, làm việc tốt. Tín ngưỡng này có nguồn gốc từ 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành huyền tích 2 ông 1 bà, tức vị thần đất, thần nhà và thần bếp núc.



Khi Táo quân lên chầu trời, sẽ báo cáo với Ngọc hoàng chuyện tốt xấu của gia chủ trong năm, vậy nên gia chủ thường chọn bánh mật cúng, với mục đích Táo quân sẽ báo cáo "những lời ngọt ngào" với Ngọc hoàng, có lợi cho gia chủ. ý nghĩa giáo dục của ngày này, là mọi người trong gia đình sống như nào để khi ông Công ông Táo về trầu trời sẽ nói những điều tốt đẹp về gia đình, theo đó các quan thần linh thổ địa sẽ phù hộ cho gia chủ.

Ngoài mâm cỗ, mũ mão, vàng mã..., người ta thường chuẩn bị 3 con cá chép và thường  để cúng. Có 2 lý do để người ta chọn cúng cá chép vào ngày 23 tháng Chạp.

Thứ nhất, nền văn minh của người Việt là phát triển lúa nước, mà cá chép là sản vật sông nước được coi trọng. Việc người dân dùng sản vật quý để cúng là tôn trọng thần linh. Thứ hai, theo truyền thuyết thì cá chép có khả năng hóa rồng và có thể bay lên trời. Gia chủ cúng cá chép để mong cá hóa rồng đưa Táo quân lên trời.




Bây giờ thấy có một số gia đình còn dùng cá chép giấy để thay thế nên chợt nghĩ, những người làm hàng mã đã sản xuất ra biệt thự, xe hơi, tủ lạnh, máy tính, tivi, máy giặt, tiền , vàng, đô la và cả máy bay bán cho nhiều nhà mua về đốt cho người thânđã chết.Với cách cư xử với người âm như thế, biết đâu nay mai người ta sẽ sáng chế ra tàu bay giấy để cúng ông côn ông Táo về Trời thay cá chép?


Quan trọng nhất vẫn là lòng thành, mong mọi người cúng lễ sao cho nghiêm chỉnh!

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019


MAI CỐT CÁCH, NGỌC TINH THẦN

 
Mai cốt cách


Hoa mai nở trong giá lạnh, một mình ngạo nghễ gió sương băng tuyết. (Ảnh: nipic.com)

Hoa mai nở trong giá lạnh, một mình ngạo nghễ gió sương băng tuyết, là loài hoa đầu tiên báo mùa xuân đến khiến cho mọi người đều ca tụng. Mai có dáng vẻ đẹp mềm mại, thanh mảnh nhẹ nhàng thoát tục khiến người ta say mê. Hoa mai tỏa hương thanh khiết thấm sâu vào tâm can khiến người ta ngắm nhìn mà khởi lòng tôn kính.

Mai không sợ gió sương mưa tuyết, tinh thần không khuất phục không suy chuyển và sức sống ngoan cường của mai mang lại nguồn cổ vũ to lớn, khiến con người lập chí mà phấn chấn tiến bước.

Hoa mai báo xuân về đã trở thành phong cảnh đẹp và diễm lệ nhất trong những ngày đông hàn, khiến mọi người nhận ra những điều tốt đẹp và hy vọng của mùa xuân, từ đó mà hun đúc và tu dưỡng nên khí chất kiên cường, chính trực cao khiết.


 
Ngọc tinh thần


Ngọc có những phẩm chất cao quý tựa tinh thần người quân tử. (Ảnh: epochtimes.com)

Ngọc được coi là một tài sản quý báu của người Á Đông, hòa hợp trong quan niệm đạo đức và lễ nghi, tượng trưng cho đạo đức và tinh thần của con người. Lấy khí chất của ngọc để ví với đức người quân tử, Nho gia đã trao cho ngọc nội hàm đạo đức và đưa ra diễn giải tinh tế sâu sắc.

Khổng Tử nói: “Đức người quân tử như ngọc” và: “Người quân tử không có duyên cớ thì ngọc bất ly thân”. Ông đã liên hệ ngọc với người quân tử, đã quy phạm sự tu dưỡng tư tưởng cho các chính trị gia và các văn nhân sỹ đại phu.

Một lần Tử Cống hỏi Khổng Tử rằng: “Thưa thầy, con mạo muội xin thỉnh giáo thầy tại sao người quân tử quý ngọc mà lại coi nhẹ đá đẹp? Chẳng lẽ là do ngọc hiếm mà đá đẹp thì nhiều hay sao?”.

Khổng Tử trả lời:

“Không phải là ngọc hiếm mới tôn quý, đá đẹp nhiều mà coi nhẹ. Người quân tử xưa ví đức hạnh của mình với tính chất của ngọc, là vì:

Ngọc ôn hòa, ích lợi lại sáng bóng, giống như chữ ‘Nhân’ của người quân tử.

Ngọc mịn tinh tế mà lại rắn chắc, giống như trí tuệ người quân tử, tâm suy nghĩ chi tiết kỹ lưỡng mà xử sự chu đáo.

Khi ngọc bị va đập rồi vỡ, tuy cũng có góc cạnh nhưng không sắc bén, không làm tổn thương người, cũng giống như chữ ‘Nghĩa’ của người quân tử, chính trực cương nghị, nhưng lòng lại nhân ái, suy nghĩ cho hết thảy.

Khi đeo ngọc, giống như dáng vẻ sắp rơi, tượng trưng cho người quân tử khiêm hạ cung kính cẩn thận, có lễ nghi, có chừng mực.

Khi gõ vào ngọc sẽ phát ra những âm thanh cao trong trẻo, sau đó đột nhiên ngừng lại, tương tự như đức tính của âm nhạc.

Ngọc tuy có vết nhưng cũng không vì vậy mà che lấp mất ưu điểm, nên ngọc vẫn rất đẹp. Vết ngọc cũng hiển lộ dễ thấy, giống như chữ ‘Trung’ của người quân tử, không thiên lệch, không che đậy.


 
Ngoài ra màu sắc đẹp của ngọc thì ở phương diện nào cũng có thể nhìn thấy, giống như chữ ‘Tín’ của người quân tử, trong lòng và biểu hiện đều nhất trí, cho dù có để trong phòng tối thì cũng thành tín không lừa dối.

Ngọc lấp lánh sáng bóng như cầu vồng trắng, tương tự như khí trắng của Trời. Đây chính là tương xứng với Trời, tương ứng với Thiên Đạo.

Tinh thần của ngọc có thể thấy trong núi sông, như: ‘Ngọc ở vực sâu thì sông tỏa sáng, ngọc ở trong núi thì cỏ tốt tươi’. Nơi có ngọc đều được cảm hóa, giống như đức người quân tử, bao dung vạn vật, lợi ích khắp một phương.

Khi đi lại, tay cầm ngọc khuê ngọc chương chế tác từ ngọc, không cần mượn vật khác mà đã tự nhiên hợp với lễ, giống như đức người quân tử, không cần mượn ngoại vật để hiển thị, tự nhiên đức lưu phương.

Thiên hạ không ai không tôn quý ngọc đẹp, đó chính là sự hiển hiện của Đạo. Như Kinh Thi có nói: ‘Nhớ người quân tử, ôn hòa như ngọc’. Ta đang nhớ người quân tử xưa, phong thái người quân tử xưa như mỹ ngọc ôn hòa nhuận trạch vậy. Do đó người quân tử tôn quý ngọc, vì phẩm chất ngọc thể hiện Nhân, Trí, Nghĩa, Lễ, Trung, Tín, chính là đức người quân tử vậy”.

Bản dịch trên ĐKN
***

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

VUI MỘT TÝ



THÔNG BÁO KHẨN:

 Đúng10 ngày nữa tình hình Việt Nam sẽ có biến động lớn: 

1- Hàng loạt nhà máy, cửa hiệu đóng cửa, toàn bộ nền kinh tế đình trệ. 
2- Một cuộc di tản tự phát sẽ được diễn ra trên quy mô cả nước, người dân rời bỏ ruộng đồng, cuối cùng các thành phố lớn & nhà máy sẽ bị hoang vắng; 
3- Ngân hàng đóng cửa, tiền mặt trong các cây ATM sẽ bị rút hết; 
4- Người giàu sẽ cùng gia đình chạy ra nước ngoài 
5- Người lao động không còn biết làm gì ngoài rượu chè, cờ bạc; 


6- Các gia đình sẽ phải tích trữ thức ăn do khan hiếm diện rộng, giá cả tăng phi mã; 
7- Trẻ em sẽ phải lang thang khắp nơi để xin tiền; 
8- Tại một vài địa phương sẽ có mùi thuốc súng trên đường phố; 
9- Nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ xảy tại một số tuyến quốc lộ, đường vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh.  Tai nạn giao thông đường sắt và đường bộ sẽ gia tăng, có thể làm chết cả trăm người;


10- Người dân không biết làm gì, chỉ còn cầu nguyện cúng khấn nhiều ngày liền...

Chúng ta thường quen gọi tình trạng đó là… TẾT!!!

(St trên net)

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

NGÀY NÀY NĂM XƯA:

 24-1-1848: James Marshall tìm thấy một viên vàng nhỏ tại California. Tin này được lan truyền nhanh chóng, gây ra cơn sốt đổ xô tìm vàng, thu hút rất nhiều người từ châu Âu, châu Á và châu Mỹ Latin. 


TÌM VÀNG Ở CA LI

Ẩn mình kín đáo giữa một thung lũng cây xanh tuyệt đẹp, nép dưới chân rặng núi Sierra và men theo con đường cao tốc 49 lịch sử của California, thắng tích ghi dấu cuộc săn vàng Marshall Gold Discovery ở ngay cuối ngã ba sông American River. Tại đây, ngày 24 Tháng Giêng năm 1848, doanh gia James Marshall tình cờ phát hiện những vụn vàng lấp lánh dưới lòng sông cạn, mở màn cho cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại thời đó.


Trải hàng ngàn năm, các bộ tộc Nisenan và Miwok sinh sống dưới bóng núi, trong những ngôi nhà mái vòm tự tay họ dựng lên bằng gỗ tùng, quây quần thành làng mạc ven những con suối nhỏ chảy ra sông American mà họ thương yêu gọi tên là “Cullumah,” ngày nay phát âm là Coloma. Cuộc sống trên sông nước êm đềm cho họ nguồn thực phẩm cá tươi đánh bắt dồi dào hàng ngày cùng với nhiều loại chim thủy sinh, hươu nai rừng và thức ăn căn bản của họ là hạt, quả từ cây sồi. Ngoài việc chăm nuôi con cái, thời giờ rảnh rỗi, phụ nữ các bộ tộc này tự tay đan những chiếc giỏ tre đựng hạt giống rất mỹ thuật. Dân làng sinh hoạt khép kín, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài cho tới cuối năm 1820, khi những tay đi săn lùng lông thú tìm tới đây và gặp gỡ họ. Cuối năm 1830, tiếc thay, số người mới xâm nhập vùng này mang theo họ các thứ tật bệnh dẫn tới tử suất dân làng tăng cao. Tiếp theo đó, vàng được khám phá dài theo dòng sông American trong thung lũng Coloma và khối đông người đi tìm vàng lập tức nắm quyền kiểm soát các địa điểm tập họp đánh cá của thổ dân. Năm 1849, con số thổ dân sống còn qua gian khổ, bệnh tật và mâu thuẫn đối nghịch với thành phần mới hạ cánh ở nơi này ngày càng tản mát vào sâu trong các thung lũng hoang vu, một số đổi sang nghề phu mỏ, một số làm công cho chủ nông John Sutter, người đã xây dựng nên vùng đất ngày nay có tên là Sacramento.



Đãi vàng

Ngoài vị thế làm chủ một đế chế nông nghiệp lớn trong thung lũng Sacramento, John Sutter sau kết hợp với James W. Marshall làm thêm công nghệ đốn gỗ và chính trong quá trình xoay chuyển hướng con nước từ dòng sông American để thuận tiện cho việc chuyên chở cây tới xưởng cưa, một buổi sáng Tháng Giêng năm 1848, James W. Marshall đã bất ngờ thấy vàng. Trong thời khoảng 50 năm tiếp theo biến cố này, ước lượng chừng 125 triệu ounce vàng đã được khai thác từ các ngọn đồi trong vùng, ảnh hưởng đến sự phát triển và hưng thịnh sớm sủa của California, tạo nên một nền văn hóa đa dạng và một đại chúng tiến bộ về mặt kỹ thuật. Nếu không có vàng, mọi thuận lợi khác của Cali như khí hậu, tài nguyên, vị trí địa dư… hẳn vẫn còn mai một trong bóng tối thêm một thời gian lâu nữa.

Tin tức về vàng của Cali lan rộng trên toàn thế giới. Người dân ở Trung Hoa gọi California là “Gum San, Kim Sơn, núi vàng.” Giới lao động Hoa kiều chạy trốn chiến tranh và cảnh nghèo khó, đổ xô tới miền đất hứa Coloma, Cali, với hy vọng tạo dựng sự nghiệp. Họ chỉ có chừng 50 người nhưng kỹ năng khai thác vàng của họ đạt năng suất quá cao khiến lực lượng phu mỏ tại đây than phiền bị người Hoa xâm lăng lấn chiếm. Không khí thù nghịch trong giới phu mỏ đưa tới những luật lệ và chính sách thuế khóa kỳ thị áp dụng cho “người nước ngoài” khiến một số Hoa kiều bỏ cuộc nhưng một số nhỏ vẫn kiên trì bám trụ, ở lại làm các dịch vụ khác còn lưu dấu vết tại thắng tích lịch sử ở Coloma. Trong tòa nhà Man Lee có ngân hàng và một cửa tiệm bán các loại dụng cụ gia dụng, có tiệm ăn với bảng hiệu ghi bằng Hán tự hai chữ Wah Hop, phiên âm là Hòa Hợp (?).



Thợ đào vàng Trung Quốc

Đến khu đất lịch sử này mới thấy cung cách làm ăn đáng sợ của người Hoa. Họ không chỉ bỏ xứ đến Mỹ để lập nghiệp với tư cách người phu mỏ ăn trùm kẻ đồng hội đồng thuyền mà họ đến với đầu óc thống lĩnh để tận thu thành quả mồ hôi nước mắt của đám đông. Họ làm đường xe lửa để chuyên chở vật liệu và dụng cụ nặng cần cho kỹ nghệ tìm vàng, từ những máy móc cồng kềnh, búa xẻng, đĩa sắt để đãi vàng cho tới cái cân tiểu ly nhỏ xíu đặt trong lồng kiếng. Họ cung cấp không thiếu một thứ gì các phu mỏ cần. Họ mở nhà băng giúp trao đổi tiền tệ kiếm lời, họ mở tiệm ăn, tiệm rượu… Những người phu mỏ làm việc vất vả suốt ngày ngoài bãi sông, chiều về mang số vụn vàng kiếm được bán cho xì thẩu thu mua, đổi lấy chút tiền nào lại đem nộp tiếp cho xì thẩu ở ngân hàng, ở quán ăn, tiệm rượu, sòng bạc, một xu cũng không lọt ra ngoài mạng lưới phục vụ tinh vi của các doanh nhân Hoa Kiều. Nhiều chứng tích còn lưu lại trong khu vực tìm vàng, đánh dấu sự có mặt sớm sủa cùng với quyền lực và sự khôn ngoan bên trong những đôi mắt một mí sắc sảo, những cái đầu tóc tết đuôi sam dài quá thắt lưng nhìn thấy ở rất nhiều hình ảnh trưng bày tại khu công viên lịch sử Marshall Gold Discovery. Bên trong tòa nhà Wah Hop tường đá sứt mẻ nay là phế tích được trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng khởi thủy, xưa là cao lâu hay tửu lầu, du khách có dịp nhìn tận mắt giá treo thức ăn, bát đĩa, nậm rượu, ấm chén uống trà, đặc biệt bàn tính bằng gỗ cả chục cái vứt lăn lóc. Họ biết xây cả lò để quay thịt hay làm bánh mì ngay trong tiệm. Tôi đứng giữa cảnh vật hoang tàn, bụi bặm, ngửi thấy mùi thời gian ẩm mốc và hình dung ra một thời náo nhiệt với đông đúc người đến đây. Họ là những phu mỏ địa phương hoặc tới từ các tiểu bang lân cận, xa xôi nhất từ bên kia bán cầu là những người Hoa đánh hơi cơ hội kiếm tiền. Họ thở ra hơi rượu và tham vọng, thể hiện cơn sốt vàng từng khiến cho thành phố San Francisco vắng đi một nửa dân số bởi vì thanh niên trai tráng đổ xô về đây. Trong phút giây bất chợt, tôi rùng mình với cảnh tượng trước mắt, cảm giác như một người vừa thoát nạn khiến tôi bàng hoàng xúc động. Một ngàn năm bắc thuộc, bị thống trị bởi một sắc dân thông minh, quyền biến như vậy mà Việt Nam vẫn đứng vững, vẫn nguyên vẹn, hóa ra tổ tiên tôi, dân tộc tôi tài giỏi, xuất sắc, lẫm liệt đến thế! Cả kho sử sách làu thông dưới mái trường, chỉ một tích tắc cơ duyên đủ để cháy lên ngọn lửa huy hoàng âm ỷ nhiều thế kỷ.


Tàu neo đầy cảng San Francisco, 1850-1851

“Giàu sang chưa chín một nồi kê.” Buổi bình minh nạm vàng nhanh chóng nhường chỗ cho hoàng hôn ảm đạm. Tháng chạp cùng năm 1848, một trận lụt lớn gây khó khăn cho xưởng cưa và chủ nhân chính, ông John Sutter, rút khỏi công ty. Marshall tìm hai cổ đông thay thế nhưng về sau, công việc quản trị gặp nhiều rắc rối về luật pháp, khiến công ty phải ngưng hoạt động rồi đóng cửa hoàn toàn sau năm 1850. Marshall tiếp tục theo đuổi công việc tìm vàng không mấy thành công. Năm 1857, ông mua 15 mẫu đất ở Coloma với giá $15, cất cho mình ngôi nhà gần nhà thờ Thiên Chúa giáo và đầu tư vốn vào nhiều giống nho ngoại quốc. Ông lập vườn nho trên lưng ngọn đồi nhìn xuống nghĩa trang, làm hầm chứa rượu và bắt đầu sản xuất rượu vang đưa vào thị trường. Năm 1860, thương vụ của ông phát triển tốt đẹp, nhận được bằng khen của hội chợ quận hạt nhưng cuối thập niên ấy, một loạt trở ngại lại đưa ông về khởi điểm. Trong thời gian này, ông cũng có cơ hội đồng sở hữu một mỏ thạch anh gần Kelsey. Nuôi hy vọng gây quỹ để có vốn khai thác dự án mới, ông hăng hái lên đường chỉ để thấy may mắn không cười với ông dễ dàng như trong buổi sáng cuối tháng giêng 1848, khi ông nhặt được từ lòng sông những hạt vàng đầu tiên đẹp như mơ. Không còn một xu dính túi, nhờ từ tâm của một người bạn mua tặng tấm vé xe, ông về thăm mẹ và em gái ở New Jersey, sống với họ vài tháng trước khi quay lại Kelsey.

Do công trạng của ông trong cơn sốt vàng, năm 1872, Quốc Hội tiểu bang ân thưởng cho ông trợ cấp $200 hàng tháng và trong hai năm. Nhờ vậy, ông thanh thỏa được một số nợ nần và mở cơ sở lò rèn ở Kelsey. Trợ cấp này sau giảm một nửa và kéo dài thêm được bốn năm nữa rồi chấm dứt vào năm 1878, giữa dư luận eo xèo bình phẩm về tật uống rượu của ông.

Từ đây cho tới cuối đời, bên cạnh công việc sinh nhai bằng nghề lò rèn, ông vẫn lặn lội chắt mót quanh cái mỏ vàng nho nhỏ của mình gần Kelsey. Năm 1885, ông qua đời ở tuổi 75, mộ phần nằm trên sườn ngọn đồi trông xuống thành phố. Năm 1890, bia tưởng niệm lịch sử đầu tiên của tiểu bang California, uy nghi, lộng lẫy, chạm khắc phương danh ông, niên đại tìm thấy vàng, các dụng cụ dùng để đào và đãi vàng với tượng toàn thân ông đứng trên chóp cao, tay co, tay duỗi, chừng như ngập ngừng nửa cầm chắc, nửa cho đi, được dựng trên đỉnh đồi, nhìn bao quát toàn cảnh khu vực khám phá ra vàng, đánh dấu nơi James W. Marshall yên nghỉ.

Theo Người Việt Online

HOA TẾT - Tùy bút Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Đặng Xuân XuyếnLeave a Comment




HOA TẾT
*
(Tác giả Nguyễn Bàng)
Còn hơn mười ngày nữa mới đến Tết, vậy mà ngồi trong nhà nhìn ra ngoài ngõ đã thấy bà con dân phố nườm nượp đi chợ Xuân mua hoa Tết. Mỗi nhà mỗi thích, mai, đào quất, phong lan, cây thế có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu bạc và cả kỳ hoa dị cảnh hàng trăm triệu. Nhìn cảnh đó bỗng dưng nhớ tới hai ông bạn thân ở ngoài Bắc.
Người thứ nhất là ông bạn học từ thuở thiếu thời đang sống ở Hà Nội. Tết năm nào, ông ta cũng chỉ chơi hoa giấy với câu nói thành thơ ngồ ngộ:
Người ta đi sắm hoa đào
Nhà ta hoa giấy cắm vào là xong.
Hồi còn trẻ, lần đầu tiên đến chúc Tết vợ chồng ông, thấy thế hỏi thì được bạn trả lời:
- Tôi may mắn lấy được người vợ giỏi nữ công gia chánh và đặc biệt là rất khéo tay làm các loại hoa bằng giấy, không mấy tốn kém mà có vẻ đẹp không khác gì hoa thật. Nhà tôi chế tác nhiều mẫu hoa, mô phỏng các loài hoa tự nhiên từ  các loài hoa mang những cái tên dân giã như hoa bìm bìm (hoa loa kèn), hoa dừa cạn, hoa  mơ, hoa mận… đến các loài hoa có những cái tên rất đẹp như hoa mẫu đơn, hoa tường vi, hoa quỳnh…  rồi cắt tỉ mỉ từng cánh, uốn cánh và kết từng cánh bằng chỉ may quần áo và "thổi hồn" cho những bông hoa giấy ấy đẹp lung linh như hoa thật. Thế thì sao tôi lại đi mua hoa thật về, vừa tốn kém vừa phụ hai bàn tay xinh đẹp tài hoa của người bạn đời của mình. Rất sướng là tôi thích hoa gì thì nhà tôi làm chohoa đó. Lại còn thêm cái sướng nữa là mỗi khi vợ tôi làm hoa giấy đón Tết, tôi thường ngồi bên cạnh, chờ được sai vặt lấy hộ tờ giấy này, con dao kia hay se chỉ luồn kim giúp, sướng như hồi bé con được mẹ sai vặt ấy.
Nghe bạn hồ hởi khoe, tôi vừa uống trà vừa ngắm nghía cành hoa đào bằng giấy cắm trong một chiếc bình gốm trắng như ngọc với những hoạ tiết trang trí rất đặc trưng Việt Nam như cụm hoa sen, cá chép bơi lội và những bông thạch thảo tim tím nhẹ nhàng. Dưới ánh sáng của căn phòng pha màu vàng dịu của ánh điện với màu hồng nhẹ của buổi sáng mùa Xuân, tôi có cảm giác cành hoa đào bằng giấy ấy đẹp lung linh hơn cả cành đào thật.
Vậy mà, lời giải thích của bạn tôi tuy rất chân thật nhưng không tránh khỏi điều tiếng nói ra nói vào của một số người quen biết, kẻ cho là vợ chồng anh gàn bát sách, người cho rằng là đồ keo kiệt…
Người thứ hai là ông bạn đồng nghiệp khi tôi xuống Hải Phòng kiếm sống. Năm nào, gần tới Tết, ông ta cũng phải tranh thủ về Hà Nội. Nói là để thăm lại nơi chôn rau cát rốn của mình ở ngôi làng ven đô xưa, nhưng đó chỉ là việc phụ mà việc chính là tìm mua bằng được một cành đào Nhật Tân đang nụ đem xuống Hải Phòng ăn Tết. Thời ấy tàu xe đi lại cực nhọc lắm, chủ yếu là đi bằng xe lửa, bỏ công xếp hàng mua vé cũng mất cả buổi rồi phải mất thêm gần trọn một ngày tàu chạy như bò trên con đường sắt dài mới về tới nhà. Tàu giáp Tết thường chật cứng người phải chen chân nhau đứng, mùa đông mà vẫn vã mồ hôi hột, đôi chân tê mỏi mà cái tay cầm cành đào vẫn phải giơ cao lên quá đầu giữ cho nó không bị va chạm để khỏi nát cành rụng nụ.
Nghe ông nói thế, tôi hỏi:
- Sao ông phải vất vả kỳ công như thế để có được một cành đào chơi Tết? Chợ hoa Hải Phòng người ta cũng bán đào Nhật Tân mà!
Ông bạn cười rất vui không trả lời mà hỏi lại tôi:
- Ông đã đọc vở chèo Quang Trung của Trúc Đường, anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính chưa? Tác giả Trúc Đường chuyên viết kịch bản về đề tài lịch sử cho thể loại chèo tuồng, và trong vở diễn “Quang Trung” do ông sáng tác có chi tiết cành đào. Chuyện là thế này, vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, 1789, đại quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh thắng quân Mãn Thanh và tiến vào Thăng Long. Năm ấy, hoa đào Thăng Long nở rộ, Nguyễn Huệ thấy vậy bèn chọn cành đào Nhật Tân đang nụ, sai người mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân hoàng hậu. Cành đào được buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng. Phu dịch các trạm thay nhau hỏa tốc đưa cành đào vào Nam, chỉ hai ngày sau; ngày mùng 7 tháng Giêng là đã đến tay người nhận. Nhân vật Nguyễn Huệ của Trúc Đường phải là người vừa kiêu hùng vừa lãng mạn lắm, nên mới nảy ra được cái ý dùng cành đào Thăng Long làm tin báo tiệp gửi vào Phú Xuân như thế, ông nhỉ?
Tôi hỏi:
- Ông có tin cành đào Nguyễn Huệ là câu chuyện có thật?
Ông bạn đáp:
- Tra lục lại tất cả tài liệu nói về trận đánh này, tôi không thấy ghi chép gì về câu chuyện cành đào nói trên. Nhưng không biết từ khi nào chi tiết câu chuyện cành đào này được thừa nhận gần như chính thức. Nó đã được đưa vào lễ hội Đống Đa hàng năm ở thủ đô. Trong quá khứ và kể cả hiện tại, nội dung này được nhiều văn nghệ sĩ khai thác; từ đó câu chuyện được nhìn nhận như là một chi tiết của lịch sử!
Tôi chẳng vua chúa hay vương tước gì. Tôi cũng không biết chuyện cành đào Nguyễn Huệ trong vở chèo của Trúc Đường là thật hay là hư cấu và sự nhìn nhận của nhiều người hôm nay là sự thật lịch sử hay chỉ là giai thoại. Nhưng tôi là dân quê ven đô. Vợ tôi thì dân gốc phố cổ Hà Nội. Nay vì cuộc sống, chúng tôi phải lưu lạc xuống đất Cảng nhưng cũng chỉ cách Hà Nội có hơn trăm cây số. Thế thì sao không tranh thủ về thăm quê rồi đem một cành đào Nhật Tân xuống ăn Tết vừa ấm lòng cái Tết tha hương của cả hai vợ chồng, vừa được vợ khen tôi yêu nàng không kém gì vua Quang Trung yêu công chúa Ngọc Hân?
Tôi nửa đùa nửa thật khen:
- Tôi thật ngưỡng mộ lòng yêu quê nhà và hoa đào Nhật Tân của ông và cũng xin bái phục cái tài nịnh vợ của ông, đấy!
Ông bạn tôi cười ròn tan sung sướng:
- Thì ông đã biết, nịnh vợ có hại gì đâu mà chỉ có tốt mà thôi. Cụ Tú non Côi ngày xưa cũng nịnh vợ nổi tiếng đấy:
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.
Hai ông bạn thân ấy của tôi, ông thứ nhất tôi gọi vui là ông Hoa Giấy, còn ông thứ hai là ông Đào Nhật Tân. Nhưng thật tội nghiệp hai ông. Tính tới Tết năm nay thì ông Đào Nhật Tân ra người thiên cổ đã ba năm rồi còn ông Hoa Giấy vẫn đang sống ở Hà Nội nhưng bà vợ ông cũng đã về cỗi Vĩnh Hằng từ 5 năm về trước. Tôi ở trong Nam, vẫn thường điện thoại hỏi thăm ông Hoa Giấy và bà vợ ông Đào Nhật Tân, đặc biệt là mỗi khi Tết đến Xuân về.
Ông Hoa Giấy cho tôi biết, từ ngày vợ ông chết, không còn ai làm hoa giấy cho ông đón Tết nữa. Nhưng may mắn là ông đã cất giữ được mấy cành hoa đẹp cũ nên ông vẫn có hoa đẹp bày phòng khách hàng ngày và có hoa chơi Tết. Ông nói: “Ngắm những cành hoa ấy, tôi có cảm giác nhà tôi chưa đi xa mà vẫn đang ở bên tôi với khuôn mặt thảo hiền xinh đẹp và hai bàn tay tài hoa khéo léo một đời”. Ông lại bảo, ông đã dặn các con ông, khi nào ông chết hãy cho vào áo quan ông nằm những cành hoa ấy để sang Thế giới bên kia gặp bà, bà sẽ thấy được tấm lòng đá vàng thủy chung của ông với bà.
Bà vợ ông Đào Nhật Tân thì vừa sụt sịt vừa kể lể, ông nhà tôi tuy đã mất nhưng Tết năm nào tôi cũng vẫn có cành đào Nhật Tân đón Xuân ông ạ. Ấy là do thằng cả nhà tôi biết chuyện bố nó và cành đào Nhật Tân nên năm nào gần Tết nó cũng về Hà Nội, thăm quê bố quê mẹ rồi mua một cành đào Nhật Tân đang nụ mang về Hải Phòng, bảo để đón hương hồn bố nó về cùng ăn Tết với cả nhà. Có lần tôi nói, con bận làm ăn, theo lệ của bố con như thế làm gì cho khổ thân thì nó bảo, bây giờ tàu xe đi lại nhanh chóng thuận lợi lắm chứ đâu khổ như thời bố còn trẻ, mẹ không phải lo gì mẹ ạ!
Nhân nói chuyện hoa Tết của hai ông bạn, tôi cũng xin nói thêm về chuyện hoa Tết của tôi.
Năm tôi lập gia đình với một cô gái người Hải Phòng. Gần tới Tết, tôi kể chuyện ông Hoa Giấy và ông Đào Nhật Tân cho nhà tôi nghe. nàng mim cười nói:
- Anh cũng dân Hà Nội như hai ông bạn nhưng lấy phải người vợ như em không biết làm hoa giấy và cũng không thích đào Nhật Tân chơi Tết. Khổ thân anh nhỉ?
Tôi biết đó chỉ là một lời trêu đùa nên bảo vợ:
- Ngày mai, chợ Hoa Xuân ở trung tâm thành phố bắt đầu mở cửa rồi em ạ. Mình cùng nhau dạo chơi chợ hoa rồi sắm hoa Tết luôn thể. Chúng mình sẽ chọn mua  mấy chậu tường vi đem về bày Tết nhé?
Tôi tưởng nhà tôi sẽ vui vẻ nhận lời ngay nhưng không, nàng bảo:   
- Em không khéo tay như vợ ông Hoa Giấy. Em cũng không đòi hỏi anh phải lên Hà nội mua đào Nhật Tân về vì em sao dám sánh với công chúa Ngọc Hân xinh đẹp của vua Quang Trung. Nhưng thật may, vợ chồng mình có căn nhà tuy chỉ là nhà cấp 4 nhưng có một mảnh vườn nho nhỏ. Và anh xem kìa, trong vườn nhà mình ngoài mấy luống rau xanh còn có hàng chục loại hoa, ngày nào vợ chồng mình cũng sớm chiều tưới tắm cho chúng và chúng cũng không phụ lòng mình, bảo nhau phô sắc cho mình xem ngắm chúng hàng ngày lại còn tỏa hương thơm tự nhiên của chúng quanh nhà cho mình thưởng thức nữa. Thế thì hà cớ gì, ngày Tết mình lại bỏ quên chúng mà đi mua hoa người khác trồng đem về nhà thưởng lãm?!
Mà sao anh lại bảo mua mấy chậu Tường vi về chơi Tết nhỉ?
- Thì anh nhớ hồi mới yêu nhau, em bảo em rất thích hoa Tường vi nhưng trong vườn nhà ta không có Tường vi mà chỉ có mấy khóm Hải đường, Mẫu đơn, Hồng và nhiều nhất là hoa Cúc nên anh mới nói thế.
Nhà tôi cười bẽn lẽn:
- Hồi còn con gái em yêu Tường vi vì Tường vi tượng trưng cho sự trong trắng, trinh nguyên. Nay, sự trinh nguyên trong trắng ấy em đã trao hết cho anh rồi. Vườn nhà mình không có Tường vi nhưng anh không thấy toàn hoa đẹp và đầy ý nghĩa đấy thôi mà như anh nói nhiều nhất là hoa Cúc, loài hoa tượng trưng cho tình yêu bền bỉ, thắm thiết lâu dài, được nhiều người yêu quý bởi đây là loài hoa "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa”, lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân. Anh không muốn được sống với người mình yêu đến đầu bạc răng long hay sao?
Tôi không ngờ nhà tôi lại có ý nghĩ giản đơn mà đẹp như thế. Tôi cám ơn nàng rồi chi rủ nàng đi chơi chợ Hoa Tết hôm ấy thôi.
Khi nghỉ hưu, vợ chồng tôi chuyển vào Nam sống. Vét voi đủ mọi thứ tiền bán nhà ở Hải Phòng và tích cóp cả một đời, chúng tôi cũng chỉ đủ tiền mua một căn nhà nhỏ trong hẻm nên khi bàn tính chuyện chỗ ở, nhà tôi bảo, ăn hết nhiều ở hết mấy, mình cố mua bằng được một căn nhà dẫu có nhỏ bé nhưng phải có vài ba thước đất để làm vườn. Chúng mình sẽ lại trồng hoa để có hoa thưởng lãm quanh năm, mình nhé!
Bởi vậy, hôm nay tôi vẫn bình chân ngồi trong nhà nhìn ra ngoài ngõ xem thiên hạ đua nhau vui sắm hoa Tết. Ngày mai tôi sẽ gọi điện hỏi thăm và chúc Tết tới ông bạn Hoa Giấy ở Hà Nội và bà vợ ông bạn Đào Nhật Tân ở Hải Phòng. Xong, tôi sẽ lại rủ nhà tôi, hai vợ chồng già dắt tay nhau dạo chơi chợ Hoa Xuân ngoài đường phố.

Mời thư giãn với nhạc phẩm LẮNG NGHE MÙA XUÂN VỀ
của Dương Thụ, qua tiếng hát Bằng Kiều và Hồng Nhung:
             


*

Sài Gòn, 18 tháng Chạp năm Mậu Tuất
NGUYỄN BÀNG                                                
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019


    

HOA TẾT


Còn hơn mười ngày nữa mới đến Tết, vậy mà ngồi trong nhà nhìn ra ngoài ngõ đã thấy bà con dân phố nườm nượp đi chợ Xuân mua hoa Tết. Mỗi nhà mỗi thích, mai, đào quất, phong lan, cây thế có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu bạc và cả kỳ hoa dị cảnh hàng trăm triệu. Nhìn cảnh đó bỗng dưng nhớ tới hai ông bạn thân ở ngoài Bắc.

Người thứ nhất là ông bạn học từ thuở thiếu thời đang sống ở Hà Nội. Tết năm nào, ông ta cũng chỉ chơi hoa giấy với câu nói thành thơ ngồ ngộ:

Người ta đi sắm hoa đào
Nhà ta hoa giấy cắm vào là xong.

Hồi còn trẻ, lần đầu tiên đến chúc Tết vợ chồng ông, thấy thế hỏi thì được bạn trả lời:

- Tôi may mắn lấy được người vợ giỏi nữ công gia chánh và đặc biệt là rất khéo tay làm các loại hoa bằng giấy, không mấy tốn kém mà có vẻ đẹp không khác gì hoa thật. Nhà tôi chế tác nhiều mẫu hoa, mô phỏng các loài hoa tự nhiên từ  các loài hoa mang những cái tên dân giã như hoa bìm bìm (hoa loa kèn), hoa dừa cạn, hoa  mơ, hoa mận… đến các loài hoa có những cái tên rất đẹp như hoa mẫu đơn, hoa tường vi, hoa quỳnh…  rồi cắt tỉ mỉ từng cánh, uốn cánh và kết từng cánh bằng chỉ may quần áo và "thổi hồn" cho những bông hoa giấy ấy đẹp lung linh như hoa thật. Thế thì sao tôi lại đi mua hoa thật về, vừa tốn kém vừa phụ hai bàn tay xinh đẹp tài hoa của người bạn đời của mình. Rất sướng là tôi thích hoa gì thì nhà tôi làm chohoa đó. Lại còn thêm cái sướng nữa là mỗi khi vợ tôi làm hoa giấy đón Tết, tôi thường ngồi bên cạnh, chờ được sai vặt lấy hộ tờ giấy này, con dao kia hay se chỉ luồn kim giúp, sướng như hồi bé con được mẹ sai vặt ấy.


Nghe bạn hồ hởi khoe, tôi vừa uống trà vừa ngắm nghía cành hoa đào bằng giấy cắm trong một chiếc bình gốm trắng như ngọc với những hoạ tiết trang trí rất đặc trưng Việt Nam như cụm hoa sen, cá chép bơi lội và những bông thạch thảo tim tím nhẹ nhàng. Dưới ánh sáng của căn phòng pha màu vàng dịu của ánh điện với màu hồng nhẹ của buổi sáng mùa Xuân, tôi có cảm giác cành hoa đào bằng giấy ấy đẹp lung linh hơn cả cành đào thật.

Vậy mà, lời giải thích của bạn tôi tuy rất chân thật nhưng không tránh khỏi điều tiếng nói ra nói vào của một số người quen biết, kẻ cho là vợ chồng anh gàn bát sách, người cho rằng là đồ keo kiệt…

Người thứ hai là ông bạn đồng nghiệp khi tôi xuống Hải Phòng kiếm sống. Năm nào, gần tới Tết, ông ta cũng phải tranh thủ về Hà Nội. Nói là để thăm lại nơi chôn rau cát rốn của mình ở ngôi làng ven đô xưa, nhưng đó chỉ là việc phụ mà việc chính là tìm mua bằng được một cành đào Nhật Tân đang nụ đem xuống Hải Phòng ăn Tết. Thời ấy tàu xe đi lại cực nhọc lắm, chủ yếu là đi bằng xe lửa, bỏ công xếp hàng mua vé cũng mất cả buổi rồi phải mất thêm gần trọn một ngày tàu chạy như bò trên con đường sắt dài mới về tới nhà. Tàu giáp Tết thường chật cứng người phải chen chân nhau đứng, mùa đông mà vẫn vã mồ hôi hột, đôi chân tê mỏi mà cái tay cầm cành đào vẫn phải giơ cao lên quá đầu giữ cho nó không bị va chạm để khỏi nát cành rụng nụ.

Nghe ông nói thế, tôi hỏi:

- Sao ông phải vất vả kỳ công như thế để có được một cành đào chơi Tết? Chợ hoa Hải Phòng người ta cũng bán đào Nhật Tân mà!

Ông bạn cười rất vui không trả lời mà hỏi lại tôi:

- Ông đã đọc vở chèo Quang Trung của Trúc Đường, anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính chưa? Tác giả Trúc Đường chuyên viết kịch bản về đề tài lịch sử cho thể loại chèo tuồng, và trong vở diễn “Quang Trung” do ông sáng tác có chi tiết cành đào. Chuyện là thế này, vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, 1789, đại quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh thắng quân Mãn Thanh và tiến vào Thăng Long. Năm ấy, hoa đào Thăng Long nở rộ, Nguyễn Huệ thấy vậy bèn chọn cành đào Nhật Tân đang nụ, sai người mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân hoàng hậu. Cành đào được buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng. Phu dịch các trạm thay nhau hỏa tốc đưa cành đào vào Nam, chỉ hai ngày sau; ngày mùng 7 tháng Giêng là đã đến tay người nhận. Nhân vật Nguyễn Huệ của Trúc Đường phải là người vừa kiêu hùng vừa lãng mạn lắm, nên mới nảy ra được cái ý dùng cành đào Thăng Long làm tin báo tiệp gửi vào Phú Xuân như thế, ông nhỉ?

Tôi hỏi:

- Ông có tin cành đào Nguyễn Huệ là câu chuyện có thật?

Ông bạn đáp:

- Tra lục lại tất cả tài liệu nói về trận đánh này, tôi không thấy ghi chép gì về câu chuyện cành đào nói trên. Nhưng không biết từ khi nào chi tiết câu chuyện cành đào này được thừa nhận gần như chính thức. Nó đã được đưa vào lễ hội Đống Đa hàng năm ở thủ đô. Trong quá khứ và kể cả hiện tại, nội dung này được nhiều văn nghệ sĩ khai thác; từ đó câu chuyện được nhìn nhận như là một chi tiết của lịch sử!

Tôi chẳng vua chúa hay vương tước gì. Tôi cũng không biết chuyện cành đào Nguyễn Huệ trong vở chèo của Trúc Đường là thật hay là hư cấu và sự nhìn nhận của nhiều người hôm nay là sự thật lịch sử hay chỉ là giai thoại. Nhưng tôi là dân quê ven đô. Vợ tôi thì dân gốc phố cổ Hà Nội. Nay vì cuộc sống, chúng tôi phải lưu lạc xuống đất Cảng nhưng cũng chỉ cách Hà Nội có hơn trăm cây số. Thế thì sao không tranh thủ về thăm quê rồi đem một cành đào Nhật Tân xuống ăn Tết vừa ấm lòng cái Tết tha hương của cả hai vợ chồng, vừa được vợ khen tôi yêu nàng không kém gì vua Quang Trung yêu công chúa Ngọc Hân?


Tôi nửa đùa nửa thật khen:

- Tôi thật ngưỡng mộ lòng yêu quê nhà và hoa đào Nhật Tân của ông và cũng xin bái phục cái tài nịnh vợ của ông, đấy!

Ông bạn tôi cười ròn tan sung sướng:

- Thì ông đã biết, nịnh vợ có hại gì đâu mà chỉ có tốt mà thôi. Cụ Tú non Côi ngày xưa cũng nịnh vợ nổi tiếng đấy:

Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.

Hai ông bạn thân ấy của tôi, ông thứ nhất tôi gọi vui là ông Hoa Giấy, còn ông thứ hai là ông Đào Nhật Tân. Nhưng thật tội nghiệp hai ông. Tính tới Tết năm nay thì ông Đào Nhật Tân ra người thiên cổ đã ba năm rồi còn ông Hoa Giấy vẫn đang sống ở Hà Nội nhưng bà vợ ông cũng đã về cỗi Vĩnh Hằng từ 5 năm về trước. Tôi ở trong Nam, vẫn thường điện thoại hỏi thăm ông Hoa Giấy và bà vợ ông Đào Nhật Tân, đặc biệt là mỗi khi Tết đến Xuân về.

Ông Hoa Giấy cho tôi biết, từ ngày vợ ông chết, không còn ai làm hoa giấy cho ông đón Tết nữa. Nhưng may mắn là ông đã cất giữ được mấy cành hoa đẹp cũ nên ông vẫn có hoa đẹp bày phòng khách hàng ngày và có hoa chơi Tết. Ông nói: “Ngắm những cành hoa ấy, tôi có cảm giác nhà tôi chưa đi xa mà vẫn đang ở bên tôi với khuôn mặt thảo hiền xinh đẹp và hai bàn tay tài hoa khéo léo một đời”. Ông lại bảo, ông đã dặn các con ông, khi nào ông chết hãy cho vào áo quan ông nằm những cành hoa ấy để sang Thế giới bên kia gặp bà, bà sẽ thấy được tấm lòng đá vàng thủy chung của ông với bà.

Bà vợ ông Đào Nhật Tân thì vừa sụt sịt vừa kể lể, ông nhà tôi tuy đã mất nhưng Tết năm nào tôi cũng vẫn có cành đào Nhật Tân đón Xuân ông ạ. Ấy là do thằng cả nhà tôi biết chuyện bố nó và cành đào Nhật Tân nên năm nào gần Tết nó cũng về Hà Nội, thăm quê bố quê mẹ rồi mua một cành đào Nhật Tân đang nụ mang về Hải Phòng, bảo để đón hương hồn bố nó về cùng ăn Tết với cả nhà. Có lần tôi nói, con bận làm ăn, theo lệ của bố con như thế làm gì cho khổ thân thì nó bảo, bây giờ tàu xe đi lại nhanh chóng thuận lợi lắm chứ đâu khổ như thời bố còn trẻ, mẹ không phải lo gì mẹ ạ!

Nhân nói chuyện hoa Tết của hai ông bạn, tôi cũng xin nói thêm về chuyện hoa Tết của tôi.

Năm tôi lập gia đình với một cô gái người Hải Phòng. Gần tới Tết, tôi kể chuyện ông Hoa Giấy và ông Đào Nhật Tân cho nhà tôi nghe. nàng mim cười nói:

- Anh cũng dân Hà Nội như hai ông bạn nhưng lấy phải người vợ như em không biết làm hoa giấy và cũng không thích đào Nhật Tân chơi Tết. Khổ thân anh nhỉ?

Tôi biết đó chỉ là một lời trêu đùa nên bảo vợ:

- Ngày mai, chợ Hoa Xuân ở trung tâm thành phố bắt đầu mở cửa rồi em ạ. Mình cùng nhau dạo chơi chợ hoa rồi sắm hoa Tết luôn thể. Chúng mình sẽ chọn mua  mấy chậu tường vi đem về bày Tết nhé?

Tôi tưởng nhà tôi sẽ vui vẻ nhận lời ngay nhưng không, nàng bảo:   

- Em không khéo tay như vợ ông Hoa Giấy. Em cũng không đòi hỏi anh phải lên Hà nội mua đào Nhật Tân về vì em sao dám sánh với công chúa Ngọc Hân xinh đẹp của vua Quang Trung. Nhưng thật may, vợ chồng mình có căn nhà tuy chỉ là nhà cấp 4 nhưng có một mảnh vườn nho nhỏ. Và anh xem kìa, trong vườn nhà mình ngoài mấy luống rau xanh còn có hàng chục loại hoa, ngày nào vợ chồng mình cũng sớm chiều tưới tắm cho chúng và chúng cũng không phụ lòng mình, bảo nhau phô sắc cho mình xem ngắm chúng hàng ngày lại còn tỏa hương thơm tự nhiên của chúng quanh nhà cho mình thưởng thức nữa. Thế thì hà cớ gì, ngày Tết mình lại bỏ quên chúng mà đi mua hoa người khác trồng đem về nhà thưởng lãm?!
Mà sao anh lại bảo mua mấy chậu Tường vi về chơi Tết nhỉ?

- Thì anh nhớ hồi mới yêu nhau, em bảo em rất thích hoa Tường vi nhưng trong vườn nhà ta không có Tường vi mà chỉ có mấy khóm Hải đường, Mẫu đơn, Hồng và nhiều nhất là hoa Cúc nên anh mới nói thế.

Nhà tôi cười bẽn lẽn:

- Hồi còn con gái em yêu Tường vi vì Tường vi tượng trưng cho sự trong trắng, trinh nguyên. Nay, sự trinh nguyên trong trắng ấy em đã trao hết cho anh rồi. Vườn nhà mình không có Tường vi nhưng anh không thấy toàn hoa đẹp và đầy ý nghĩa đấy thôi mà như anh nói nhiều nhất là hoa Cúc, loài hoa tượng trưng cho tình yêu bền bỉ, thắm thiết lâu dài, được nhiều người yêu quý bởi đây là loài hoa "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa”, lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân. Anh không muốn được sống với người mình yêu đến đầu bạc răng long hay sao?


Tôi không ngờ nhà tôi lại có ý nghĩ giản đơn mà đẹp như thế. Tôi cám ơn nàng rồi chi rủ nàng đi chơi chợ Hoa Tết hôm ấy thôi.

Khi nghỉ hưu, vợ chồng tôi chuyển vào Nam sống. Vét voi đủ mọi thứ tiền bán nhà ở Hải Phòng và tích cóp cả một đời, chúng tôi cũng chỉ đủ tiền mua một căn nhà nhỏ trong hẻm nên khi bàn tính chuyện chỗ ở, nhà tôi bảo, ăn hết nhiều ở hết mấy, mình cố mua bằng được một căn nhà dẫu có nhỏ bé nhưng phải có vài ba thước đất để làm vườn. Chúng mình sẽ lại trồng hoa để có hoa thưởng lãm quanh năm, mình nhé!

Bởi vậy, hôm nay tôi vẫn bình chân ngồi trong nhà nhìn ra ngoài ngõ xem thiên hạ đua nhau vui sắm hoa Tết. Ngày mai tôi sẽ gọi điện hỏi thăm và chúc Tết tới ông bạn Hoa Giấy ở Hà Nội và bà vợ ông bạn Đào Nhật Tân ở Hải Phòng. Xong, tôi sẽ lại rủ nhà tôi, hai vợ chồng già dắt tay nhau dạo chơi chợ Hoa Xuân ngoài đường phố.

18 tháng Chạp năm Mậu Tuất
         
           









Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019


NGÀY NÀY NĂM XƯA:


22-1-1995: Ngày mất nhà văn Phùng Quán. Ông sinh ra tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế. Tác phẩm của ông: Vượt Côn Đảo (tiểu thuyết), Tuổi thơ dữ dội (tiểu thuyết 3 tập) - đạt giải thưởng hàng nǎm của Hội nhà vǎn - đã dựng thành phim Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo

Người đàn bà đau khổ và hạnh phúc bên Phùng Quán

 Chuyện tình của nhà văn Phùng Quán với cô giáo Bội Trâm còn hơn một cuốn tiểu thuyết bởi đó là một mối tình đầy sóng gió và bi kịch. 

Sinh thời, chị Bội Trâm kể: "Anh Quán từ một anh Vệ quốc đoàn từ Bình Trị Thiên ra Bắc, thành một anh lính văn nghệ lang thang giữa Hà thành không thân thuộc. Quán chơi với em trai tôi là nghệ sĩ Vũ Hướng. Hướng đưa Quán về nhà tôi giới thiệu với bố mẹ tôi. Một cô gái Hà thành, gặp anh lính trẻ xứ Huế, trong tôi hình như dấy lên tình thương mến. Một hôm Phùng Quán bảo em tôi: “Tớ yêu chị cậu mất rồi!”.       

Người con đất Thừa Thiên ấy mười bốn tuổi rời lưng trâu đã phải xa mẹ làm anh lính vệ quốc trong Trung đoàn Trần Cao Vân chiến đấu khắp chiến trường Trị Thiên… Mười bảy tuổi viết những vần thơ yêu nước nồng nàn: “Đất ơi, con nguyện yêu người với tất cả máu xương/Với tất cả cuộc đời con mười bảy tuổi”… 22 tuổi viết Vượt Côn Đảo. Nhưng thời thanh niên tươi đẹp ấy nửa chừng bị liên lụy vì vụ án văn chương…Và tình yêu của cô gái Hà Nội Vũ Bội Trâm đã níu giữ anh với cuộc đời, làm nên chân dung một nhà văn lớn – người mà cuối cùng đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật…

Phùng Quán đã yêu cô gái Hà thành ấy một tình yêu mãnh liệt khi anh viết: Khách tình yêu xưa nay ít lễ độ/ Bước vào buồng tim chẳng gõ cửa bao giờ... (Yêu em). Chị Trâm kể: “Thấy Quán ốm yếu, tôi thương anh vô cùng. Đã có lần tôi thổ lộ với mẹ: Mẹ cho con lấy anh ấy để có điều kiện chăm sóc anh. Tôi yêu anh cũng bởi anh yêu đất nước. Thơ anh cháy bỏng một tình yêu không bờ bến đối với đất nước và chế độ... Anh yêu chế độ này hơn cả bản thân mình. Không đồng cảm và yêu thương tấm lòng cao cả ấy, tôi đã không lấy anh.    

Cuộc đời anh quá bi kịch. Nhưng cả trong hoàn cảnh ấy, anh không hề oán hận ai. Anh cao thượng và cao cả làm trái tim tôi rung động sâu sắc. Có thể là do tôi quá lãng mạn? Lấy anh tôi bị dằn vặt nhiều, cân nhắc mãi chuyện bên tình bên hiếu. Bố mẹ sợ tôi lấy anh sẽ khổ cả một đời, nhưng tôi đã quyết. Mẹ tôi khóc hết nước mắt có lẽ vì thương tôi và cả thương anh. Ai dám lấy một người bị cái “án” văn chương lúc ấy, lại không nhà cửa, không có công việc. Tôi bảo với mẹ: Không cho tôi lấy anh Quán thì tôi không lấy ai nữa…

Vì thương tôi, bố mẹ đồng ý mà tôi biết lòng song thân rất buồn. Tôi lấy anh không có lễ vu quy như bao bạn bè cùng trang lứa, không có lễ tơ hồng, không được làm cô dâu, không cả xe hoa, không giường cưới không chăn màn ga gối…” 

Kể đến đây, chị Trâm mở tủ lấy cho tôi xem tấm bưu thiếp cũ, vật kỷ niệm của ngày cưới hai người. Tấm thiếp còn nguyên nét chữ nắn nót của Phùng Quán. Cả những lỗi chính tả của người Huế khi viết sai dấu hỏi thành dấu ngã: Kính gữi cô! Chúng em đã ra ở riêng ngày 12/1/1962. Chúng em nhờ những bông hoa này mang tin vui đến với cô, mong cô chia vui và mừng cho hạnh phúc của chúng em/ Học trò của cô: Vũ Bội Trâm, Phùng Quán.

“Đây là tấm thiệp báo hỷ chúng tôi gửi cho cô giáo tôi là bà Mai Vũ Từ dạy văn ở trường Trưng Vương.  Cô đã giữ tấm thiệp này mãi đến 30 sau, bà tặng lại tôi để ghi dấu câu chuyện tình như một kỷ vật vô giá. Trên tấm thiệp còn hình đôi chim câu rất đẹp do HS Lê Huy Quang vẽ tay tặng... 

Cưới mà không thể làm đám cưới vì gia đình tôi sợ ảnh hưởng vì lý lịch của anh. Cuối cùng tôi chọn cách báo hỷ sau khi mang hết trầu cau biếu họ hàng láng giềng coi như việc chạm ngõ đã xong. 

Sau ngày chúng tôi có nhau, anh hình như yên ổn hơn, khôi phục niềm tin vào cuộc đời, cùng tôi đi qua những năm dài khổ hạnh.  Sau này anh không ở nhà bà mẹ nuôi trên Nghi Tàm nữa mà chúng tôi phải mỗi người ở một nơi chẳng khác nào Ngưu Lang - Chức Nữ. Anh Quán thì được phân cái gác nhỏ ba mét vuông trên phố Lê Văn Hưu. Mẹ con tôi thì về ở với bên ngoại. Phải nói người đồng hành lớn nhất trên đường đời với tôi là mẹ. Không ai khổ đau và thương yêu tôi như mẹ. Tiếc là mẹ đã không còn đến ngày thấy con rể của mẹ được phục hồi danh dự, tiếng tăm... Ngày mẹ mất, anh Quán đã khắc lên tấm bia những câu thơ thể hiện tình cảm của mình với mẹ”.

Phùng Quán tự nhận mình ba mươi năm “văn lậu, cá chui, rượu chịu”. 30 năm anh viết bài in báo phải mượn tên người khác. 30 năm chuyên câu cá trộm Hồ Tây và vì nghèo quá thường xuyên mua chịu rượu…


Phùng Quán cùng vợ và hai con

Tôi hỏi vui, rằng hình như anh Phùng Quán cũng có số…đào hoa, liệu có bao nhiêu “người thứ ba”? Chị Trâm thành thật: Làm sao mà không có cô này, cô nọ cho được. Anh nghệ sĩ và tài hoa thế…Nhưng tôi luôn tin anh, chỉ là để tìm cảm hứng cho thơ…Còn các cô thì tưởng thật. Nhiều cô trẻ đẹp. Cả khi anh đã “râu tóc” rồi mà vẫn có những bóng hồng xuất hiện. Anh thường bảo rằng: “Yêu thế nào được. Tôi đã vợ con, còn các cô chưa chồng…”. 

 -  Chị có biết có khi nào anh xiêu lòng trước phụ nữ? – tôi hỏi

 - “Ai biết ma ăn cỗ”, nhưng tôi tin anh. Anh không thể đánh đổi được. Anh bảo mỗi ngươì đều có tình yêu và lý tưởng để tôn thờ. Anh viết tặng tôi bài thơ có tên Kinh cầu nguyện buổi sáng. Mỗi ngày anh đều nguyện như vậy: 

“Tôi sẽ đi với em
Cho đến mút chót con đường
...Ngày lấy em tôi đã có lời nguyền
Nếu tôi bỏ em lại bơ vơ dọc đường
Tôi sẽ bị trời tru đất diệt
Em là cây Thập tự của đời tôi
Tôi phải mang vác cho tới ngày chung cuộc...”

Anh bảo đây là bài thơ tình hay nhất của anh, nhưng tôi không thích cái câu anh viết rằng anh “phải mang, vác” . Nghe có vẻ... nghĩa vụ quá”.

Chị Trâm dừng câu chuyện. Vâng, có thể Phùng Quán là như vậy. Với tôi, tôi nghĩ may bên ông có một người con gái Hà Nội là tri âm tri kỷ, nên ông đã sống, đã viết cả khi ngã lòng Vịn câu thơ mà đứng dậy... Nhưng trong trái tim lãng mạn nhiệt thành ấy vẫn có những khoảng rung động thật. Có mối tình đơn phương với người thiếu phụ Huế đẹp như mơ. Ông viết hẳn một Trăng Hoàng cung, cuốn tiểu thuyết bằng thơ để tặng người đẹp bên sông Hương núi Ngự.

Về những mối tình đi qua đời Phùng Quán, chị Bội Trâm cười vui bảo: Thi sĩ như anh ấy, đôi khi cũng... “vui đâu chầu đấy”. Tôi tin anh cũng như tin vào tình yêu của anh”.  Quả thật, với chị, trong bài Yêu em, Phùng Quán đã viết: 

Người yêu tôi không có gì đẹp cả
Người yêu tôi đi không có ai nhìn theo ngơ ngẩn bồi hồi
Nhưng tôi yêu người yêu tôi như người lính yêu cây gươm bằng thép
Như người cộng sản yêu ngọn cờ đỏ tươi
Như bông hoa yêu ánh mặt trời
...
Tôi yêu em vì một lý do giản dị vô cùng
Không yêu em tôi không sống được.



Phùng Quán đã sống tận cùng đã yêu đến tận cùng máu thịt. Một tình yêu trước sau dành cho đất nước, một tình yêu người vợ hiền tần tảo cùng anh đi suốt cuộc đời… Bây giờ thì chị Trâm không còn. Lấy ai đọc thơ anh, kể chuyện đời anh suốt tháng suốt năm? Chị Trâm ơi! 

Tân Linh
(Thể Thao Văn Hoá)

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...