Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

NGÀY NÀY NĂM XƯA:

30-11-1669: Ngày sinh nhà châm biếm vĩ đại Suýp Giônathan (Jonathan Swift). Ông sinh ra tại Ailen, gốc người Anh và qua đời ngày 19-10-1745. Cuốn tiểu thuyết bất hủ Guliơ du ký đã làm ông nổi tiếng trên thế giới

Jonathan Swift: người khổng lồ của nhân loại

 Jonathan Swift: người khổng lồ của nhân loại

Gần ba thế kỷ biến mất khỏi thế gian, cuộc đời của tác giả Gulliver Du Ký vẫn còn là một điều bí ẩn. Ông vĩ đại không chỉ trên cương vị một nhà văn mà còn vì những tư tưởng tiến bộ đi trước thời đại.

Jonathan Swift: người khổng lồ của nhân loại
Đầu thập niên 20 của thế kỉ 17, có một cô gái vướng vào chuyện tình cảm với một người đàn ông hơn cô hai mươi tuổi. Cô rơi vào cuộc tình cháy bỏng với ông ở London rồi lại theo ông đến Dublin. Ông thu hút cô đầy mạnh mẽ mà không hề cam kết bất cứ điều gì. Ông khăng khăng cho rằng mối quan hệ của họ nên được giữ bí mật. Họ cách xa nhau phần lớn thời gian và giao tiếp thông qua những lá thư. Đôi khi cô gần như tuyệt vọng khi ông dường như đang tìm cách từ chối cô.

"Em cam đoan là em có thể đã buồn đến mức chẳng thiết sống, còn hơn là những lời lẽ cay độc của ông". Tuy nhiên cũng có lần ông đáp lại thư theo cách mà cô muốn. "Hãy yên tâm", ông tuyên bố, "rằng không ai trên đời từng được yêu thương, tôn vinh, quý trọng, sùng bái bởi những người bạn của họ mà bởi chính bản thân họ". Bất cứ khi nào ông viết như thế, cô hẳn sẽ rất vui lòng ˗ "ông ngày càng biết cách thể hiện rồi đấy, em sẽ không bao giờ cãi vã nữa nếu em có thể chịu đựng được". Trong một thời gian, họ bí mật gặp nhau mỗi tuần một lần tại nhà riêng của ai đó ở Dublin.

Họ có một thứ mật mã riêng cho những lá thư. Người đàn ông gợi ý rằng "một cơn đột quỵ vì ˗ ˗ ˗ – đã nói lên tất cả". Từ đó trở đi dấu gạch dưới xuất hiện ngày càng dày trong những lá thư: "Tôi đã chờ đợi trong mòn mỏi cả ngày vì những tiếng thở dài và đêm đêm với những mộng tưởng hão huyền về ˗, ˗, ˗, ˗". Chỉ mình họ hiểu những từ trong dấu gạch.



Rõ ràng, từ cà phê cũng là một trong số những đoạn mật mã. Trong một vài lá thư viết bởi người đàn ông vài năm sau đó, từ "cà phê" ẩn chứa một lời gợi ý: "Tôi ước tôi đã tản bộ cùng em năm mươi lần quanh khu vườn nhà em, và sau đó, uống cà phê của em", "Tôi đã không uống cà phê kể từ khi xa em, và cũng không có ý định làm điều đó cho đến khi gặp lại em, không có thứ gì đáng để uống ngoài của em". "Nếu không có sức khỏe, em sẽ mất hết tất cảm ham muốn đối với cà phê". Có lúc sự thiếu vắng những tách cà phê của cô khiến ông thấy khó chịu đến mức bế tắc trong khi đang sáng tác trên tư cách một nhà văn: "Tâm trạng của tôi không đủ dễ chịu để có thể sáng tác, vì tôi tin rằng uống cà phê mỗi tuần một lần là cần thiết".

Người đàn ông trong câu chuyện lãng mạn kỳ lạ này là Jonathan Swift, và cuốn sách ông đã cố gắng thực hiện khi ấy chính là Gulliver Du Ký. Ông thích trở thành một bí ẩn đối với tất cả mọi người, không chỉ đối với những phụ nữ trẻ, và ngay cả những người biết rõ ông nhất cũng phải bối rối bởi những mâu thuẫn bên trong ông. Một người bạn của Swift từng nói nhân vật trong câu truyện của ông "vô cùng kỳ lạ, nhiều góc độ, và khó hiểu" trong khi một người bạn khác gọi ông là "ông bạn viết bằng chữ tượng hình".

Swift tự xếp loại mình là một tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà thơ, nhà văn châm biếm, người viết thơ thể thư và tiểu luận chính trị. Cả đời mình, ông chỉ thất bại ở hai điều ông mong muốn nhất: trở thành một người Anh trái ngược với sự thù ghét dành cho Ireland, và chức giám mục. Tên của ông được đặt theo tên của một ông Jonathan Swift nào đó đã qua đời trước khi ông ra đời. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy đó là cha ruột của Swift. Người y tá đã bắt cóc ông từ Dublin khi ông còn là một trẻ sơ sinh và đưa ông đến Anh cùng bà. Đáng ngạc nhiên là gia đình vẫn để cho Swift ở lại đó cùng bà trong nhiều năm. Cho đến khi được đưa trở lại Dublin, mẹ ông lại một mình đến Anh. Swift không gặp mẹ mình thêm một lần nào nữa cho đến tận khi trưởng thành. Ông sống cùng người chú cũng là người giám hộ của ông ở Dublin và được chi trả cho một nền giáo dục đắt tiền. Tuy nhiên Swift sau này đã tuyên bố ông được hưởng "sự giáo dục của một con chó".

Sự tức giận của Swift đối với những cư dân bản xứ Ireland thể hiện bằng những lời mỉa mai gay gắt rằng đó là "nơi khó chịu nhất châu Âu", "một cái chuồng chó bẩn thỉu, rách nát và tù túng", nơi ông hy vọng sẽ "chết. . .trong một cơn thịnh nộ, giống như một con chuột bị ngộ độc trong một cái lỗ". Hay "Chủ yếu tôi ghét và ghét cay ghét đắng loài vật được gọi là con người ấy, mặc dù tôi chân thành yêu John, Peter, Thomas…Tôi đã nhận được một tài liệu hướng đến một luận điểm chứng minh rằng định nghĩa về loài vật là sai. Điều đó chỉ có thể được thể hiện bằng khả năng của bộ não".

Ngay cả khi sự hận thù của ông với Ireland tan biến, có một thời gian Swift không thể đi lại trên đường phố của Dublin mà không mang theo vài người tùy tùng để bảo vệ mình khỏi sự tấn công cho đến khi công bố The Drapier's Letter – một sự nhạo báng về nỗ lực của Anh trong việc buộc giảm giá đồng tiền của Ireland được xuất bản dưới tên tác giả nặc danh, giống như phần lớn những gì Swift đã viết. Có lửa và chuông reo mừng ngày sinh của ông, và ông được coi là người phân xử tuyệt vời cho những phán quyết của mình.

Tuy nhiên điều biến Swift thành bất tử vẫn là câu truyện kinh điển vĩnh hằng dành cho cả người lớn và trẻ em trong Gulliver Du Ký – sự kết hợp giữa chất Robinson Crusoe của Daniel Defoe với giọng văn châm biếm hoàn hảo bằng tiếng Anh (và có lẽ bất kỳ ngôn ngữ nào). Người ta nhận ra hình ảnh của Gulliver ngã gục trên mặt đất dưới sức kéo của những người tí hon, ngay cả khi chưa từng đọc kiệt tác viết về anh chàng. Mặc dù chỉ trích quan điểm chính trị của Swift, George Orwell từng thú nhận đã đọc đi đọc lại không biết chán và xếp Gulliver Du Ký vào danh mục "sáu cuốn sách cần bảo lưu khi tất cả những cuốn khác đã bị phá hủy". Cho đến nay, ít nhất vẫn có hàng tá nhà xuất bản vẫn tiếp tục cho in cuốn sách mà danh tiếng của nó đã vượt xa khỏi cộng đồng các nước nói tiếng Anh.

Mặc dù về cơ bản là một người theo chủ nghĩa truyền thống, Swift đã luôn đi trước thời đại trên nhiều phương diện. Ông hoàn toàn ủng hộ sự giáo dục và sáng tác dành cho phụ nữ (khi đó họ bị cấm học Đại học). Ông đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy công lý ở Ireland mặc dù ông căm ghét nơi này, và ông chủ trương tôn giáo khoan dung dẫu cho bản thân ông là một người theo Anh Giáo. Thái độ của Swift đối với nền y học đương thời thì ngược lại, ông được cho là một người hăng hái rèn luyện sức khỏe và thường đi bộ hoặc cưỡi ngựa thay vì ngồi xe. Ông phản đối chế độ nô lệ, điều mà phần lớn những người khác – ngay cả Daniel Defoe – cũng tán thành. Là một thành viên của giáo hội, ông chỉ đạt được chức danh trưởng tu viện Thánh Patrick (một trong hai nhà thờ lớn của Dublin). Trở thành một giáo sĩ đối với Swift cũng chỉ là một công việc bởi người ta trả tiền cho tài năng của ông trên những trang viết và những bài thuyết giảng trước công chúng.

Trên cương vị một tác giả văn xuôi, Swift cũng chứng tỏ sự xuất chúng của mình. Chẳng hạn như sự cấp tiến của ông thể hiện trong cuộc bút chiến với A Tale of a Tub đã lên tiếng biện hộ cho "vị thế tao nhã và cao thượng của hạnh phúc, được gọi là sự sở hữu nhờ bị đánh lừa một cách hoàn hảo, trạng thái yên bình thanh thản khi là một kẻ khù khờ sống giữa đám bất lương". Hoặc trong bài phát biểu thai nghén cho một tư tưởng như "chúng ta chỉ hiểu biết về tôn giáo đủ để khiến chúng ta thù ghét người khác, chứ chưa đủ để yêu thương lẫn nhau". Mục đích của Swift trong những bài thuyết giảng là khiến những con người có địa vị nhỏ bé nhất cũng hiểu được. Vì vậy, ông sẽ lớn tiếng đọc tác phẩm của mình cho đám gia nhân nghe để khi họ không hiểu, ông sẽ viết lại cho đến khi họ hiểu. "Tôi viết cho những người thô tục, nhiều hơn là cho những người có học" – Swift tuyên bố.

Có lẽ khía cạnh hấp dẫn nhất trong cuộc đời của Swift là những mối tình của ông, từ lời cầu hôn sớm dành cho Jane Waring, hay còn được biết đến với tên Varina (ông đã đặt những cái tên thi vị dành cho những người phụ nữ đặc biệt) cho đến mối quan hệ sâu sắc với Hester Johnson và Esther Vanhomrigh hay còn gọi là Stella và Vanessa của ông.

Swift đã làm thư kí bí mật cho một nhà ngoại giao về hưu người Anh trong suốt mười năm sau khi tốt nghiệp Đại học. Stella khi ấy mới lên chín là con gái người quản gia của gia đình và được sắp xếp chăm nom việc học hành bởi Swift. Khi trưởng thành, cô chuyển tới Dublin cùng Swift khi ông trở lại ở đó, và là người bạn thân thiết của ông trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Mối tình vụng trộm của họ và những lá thư viết bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt đã trở nên quá nổi tiếng đến nỗi thậm chí nhiều người còn cho rằng họ đã bí mật kết hôn. Tuy nhiên, cũng chưa có bằng chứng về một người thứ ba đã có mặt trong lễ cưới của họ.

Vanessa thậm chí còn trẻ hơn, qua những lá thư mà cô gửi riêng cho Swift cho thấy cô yêu ông nồng nhiệt. Swift thường hành hạ cô bằng những lá thư hồi âm chậm hoặc những câu trả lời không lãng mạn, mặc dù họ có gặp riêng nhau hay ít nhất cũng trao đổi những lá thư tình. Tuy nhiên những bóng hồng trong cuộc đời Swift đều ra khi ở độ tuổi khá trẻ. Stella qua đời khi mới ngoài 40 còn Vanessa mới ngoài 30. Trong đó, sự ra đi của Stella thực sự khiến Swift suy sụp. Ông bắt đầu viết về cái chết và mắc phải một hội chứng tâm thần khiến cho những ngày cuối đời quả thực là bi kịch khi ông không thể nói hay đi lại và bị mất trí nhớ.

Ngày 19/10/1745 Jonathan Swift tạ thế. Thể theo di chúc để lại, ông được chôn cất cạnh mộ của Esther Johnson và toàn bộ tài sản của ông được hiến tặng để thành lập một bệnh viện cho người tâm thần. Trong một tài liệu được tìm thấy, Swift đã tự viết những dòng chữ sẽ xuất hiện trên bia tưởng niệm của chính mình:

"Nơi đây yên nghỉ cơ thể của Jonathan Swift S.T.D [tiến sĩ thần học Sacrae] trưởng tu viện của Nhà thờ, nơi sự căm phẫn man rợ không còn giằng xé trái tim ông. Hãy lên đường, du ngoạn và bắt chước nếu bạn có thể, một nhà vô địch dũng cảm và kiên cường của tự do". Ai đó có thể đã viết thêm "và nhà văn vĩ đại".

Kết quả hình ảnh cho minh họa gulliver phiêu lưu ký

Theo HẠ VŨ

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

BÀI HỌC TỪ "1000 CON ẾCH"


Một người nông dân lên thành phố và hỏi người chủ một nhà hàng xem ông ta có cần 1000 cặp đùi ếch để chế biến thức ăn không

Người chủ ngạc nhiên và hỏi người nông dân làm sao ông ta có thể cung cấp nhiều ếch như vậy.
Người nông dân trả lời: “Có một cái hồ nước gần nhà tôi đầy ếch ở trong đó – cả ngàn con. Chúng kêu ộp ộp suốt cả đêm khiến tôi muốn điên lên được”.
Thế là ông chủ nhà hàng và người nông dân ký một giao kèo – mỗi ngày người nông dân sẽ cung cấp cho nhà hàng 50 con ếch cho đến khi hết số ếch trong hồ.

Sáng hôm sau, người nông dân trở lại với vẻ mặt bối rối, trên tay chỉ có chục cặp ếch. Người chủ nhà hàng hỏi: “Thế cả ngàn con ếch đâu hết rồi?”
Người nông dân trả lời: “Tôi đã lầm. Chỉ có chục con này ở trong hồ thôi. Nhưng rõ ràng là chúng kêu rất ồn mà!”

Bài học:

Nếu bạn nghe thiên hạ ầm ầm chỉ trích hay lên án mình, hãy nhớ rằng có thể đó chẳng qua chỉ là vài cặp ếch ồn ào.

Có khi nào bạn nằm trằn trọc trên giường vào buổi tối lo lắng về một chuyện dường như bao phủ khắp nơi – như là cả ngàn con ếch đang kêu ộp ộp?
Rất nhiều khả năng là khi bình minh đến và sau khi bạn nhìn kỹ hơn, bạn sẽ ngạc nhiên về những tiếng ồn ào thực ra chẳng có gì cả!

ST trên Net

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Bức thư tuyệt mệnh 
của người mẹ 80 tuổi ‘hối hận vì đẻ 4 con trai’

Ảnh minh hoạ: Peoples daily.
Ảnh minh hoạ: Peoples daily.

Bức thư cuối đời của người mẹ Trung Quốc được đăng tải trên People’s Daily làm nhiều người bật khóc.

“Con trai,

Hôm nay, ngày 6 tháng 6, tôi đã qua tuổi 80, có nghĩa là, tôi đã sống được 80 năm.

Trong một thời gian dài như vậy, tôi đã sinh ra 4 đứa con, và nuôi thêm 8 đứa cháu. Thế nên, tôi đã đủ già để hiểu nhiều thứ.

Vài năm trước, sau khi cha các anh qua đời, tôi rõ ràng cảm thấy rằng các anh thiếu kiên nhẫn với tôi. Tôi thực sự hy vọng rằng con trai tôi có thể đưa tôi về nhà, tôi muốn sống với các con, và tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn.

Qua 2 tháng, trái tim tôi như đóng băng, tôi biết, sẽ không ai sẽ đưa tôi về. Nhưng nếu thực sự quan tâm tới tôi, mỗi người có thể đến nấu cơm cho tôi mỗi tối, thì tôi đã bớt cô đơn đến nhường nào. Thật sự, sống gần hết đời người, điều gì là sợ nhất? Đó chỉ có thể là nỗi cô đơn.

Các anh đã dành đúng một năm chín tháng chăm sóc cho mẹ, khoảng 630 ngày. Là một người mẹ, tôi biết ơn các anh vì nghĩa cử cao đẹp đó.

Sau đó, khuôn mặt của các anh ngày càng trở nên xấu xí. Các anh đến không có một lời chào, và đi cũng không có một câu nào. Có vẻ như các anh đang bước vào một khách sạn, lướt qua bà già không có một chút thân quen nào trong mắt.

Tôi không muốn xúc phạm bất kỳ ai trong số các anh, mặc dù tôi không ăn của các anh một bữa ăn nào, không mặc quần áo của các anh, thậm chí không tiêu tốn một xu của các anh. Nhưng các anh làm tôi cảm thấy việc các anh đến thăm tôi là một món nợ lớn của tôi với các anh.

Ngay cả khi tôi trở nên lú lẫn, các anh vẫn lặng lẽ bỏ về mỗi tối, không ai trở lại, và đã cho tôi một sự cô đơn đáng sợ.

Ổn thôi, sau tất cả, sau khi cha của các anh qua đời, các anh đi cùng tôi trong một năm và chín tháng. Tôi biết ơn vì điều này. Ở phần còn lại của cuộc đời, tôi sẽ đi một mình.

Tôi đã phải vật lộn trong cô đơn hơn hai năm qua. Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình, tôi được các anh đến chúc “Sống lâu trăm tuổi!”, tôi cười và nghĩ sống lâu trăm tuổi thật vô dụng.

Gần đây, trong lòng tôi ngày càng khó chịu hơn. Tôi không nói điều đó, và tôi không biết phải nói gì. Tôi hy vọng rằng bệnh tật sẽ đưa tôi đi sớm. Một vài ngày trước, tôi đã mơ về cha của các anh. Ông ấy mỉm cười và nhìn tôi và nói, “đi với tôi nhé, bà sẽ không bao giờ cô đơn nữa”.

Tôi rất biết ơn tình yêu của ông ấy trong cuộc đời này, và tôi biết ơn sự đồng hành trong 630 ngày của các anh.

Tôi bị đau tim. Tôi hiểu rằng ngày ấy đang đến, vì vậy tôi đã viết lá thư này.

Tóc tôi bạc hết rồi, tôi thề với mái tóc trắng của tôi rằng, tôi thực sự đánh giá cao những gì các anh làm. Nhưng ngoài câu này, tôi còn có một điều nữa để nói: Tôi rất hối hận khi đẻ ra các anh, nếu có kiếp sau, tôi không muốn nhìn thấy các anh nữa.

Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng cả 4 người sẽ hạnh phúc trong những năm tháng sau này, sẽ không bị bỏ rơi bởi 8 đứa con của mình.

Sau lá thư này, tôi muốn dừng lại tất cả…”

Sau một vài ngày, người phụ nữ nhắm mắt xuôi tay một cách bình yên trên giường, cầm trong tay bức ảnh duy nhất của bà và chồng.

Nhặt trên Net

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

231, GIÁO DỤC & CHUYÊN CHẾ

Bài viết của nhà giáo Chu Văn Sơn
1.

231 cái tát khiến học trò phải nhập viện. Và bây giờ cô giáo đang lãnh vô vàn cái tát của công luận cùng việc ra toà.
Cô có giải thích thói hành xử của mình là do áp lực của thi đua. Và chúng ta vội vàng kết tội chủ nghĩa thành tích trong giáo dục.
Đúng là, chủ nghĩa thành tích gây ra rất nhiều vấn nạn và hệ lụy cả trong và ngoài giáo dục. Nhưng việc này mà đổ lỗi cho chủ nghĩa thành tích, e chừng, không thật thuyết phục. Vì hầu hết thầy cô trong giáo dục đều bị áp lực thi đua và thành tích, nhưng có phải ai cũng hành xử dã man như cô đâu !
Vậy, do đâu ?
Trước hết, không thể chối cãi được, là do cá nhân cô. Cô đã quá thiếu yêu thương và quá thừa hung bạo, quá thiếu kiên nhẫn và quá thừa nóng giận nên đã hành xử như thế, và không chỉ với một học sinh này.
Nhưng, hình như hiện tượng này có nguyên ủy sâu xa hơn : ấy là thói chuyên chế, là lề thói giáo dục nặng tính chuyên chế. Nó có nguồn gốc từ truyền thống “yêu cho vọt ghét cho ăn”, nhưng được dung túng và bao che bởi một nền giáo dục không thực sự trân trọng những giá trị người.
Chuyên chế và độc tài nhiễm vào giáo dục với vô vàn biểu hiện và quan hệ. Trong quan hệ thầy trò, nó hiện ra thành lối giáo dục áp đặt, áp chế. Thầy bảo trò phải nghe. Nhất nhất. Cấm cãi.
Kẻ chuyên chế định ra một trật tự rồi bắt tất cả phải phục tùng trật tự ấy, dù rằng trật tự đó chưa hẳn đã hợp lý, hợp quy luật sự sống. Tuân thủ trật tự được xem là bổn phận, thậm chí, là đạo đức của con người. Nếu tuân thủ thì được xem là ngoan, là công dân tích cực. Nếu trái ý là hư, là thoái hoá biến chất, là tự diễn biến, là phải trừng phạt. Cách trừng phạt hiệu quả nhất là trừng trị bằng bạo lực. Dùng bạo lực để trừng trị khiến cho sợ hãi để duy trì trật tự là bảo bối của nền chuyên chế. Nó không biết rằng bạo lực là vũ khí tệ hại của kẻ không có sức mạnh thật sự.
Cô giáo này là hình ảnh rất chuẩn cho thói chuyên chế đó. Tất nhiên, không chỉ trong giáo dục.
2.
Tự dưng lại nhớ đến hoa súng
Chỉ nở mà không nổ
Yêu thương không sát thương
Vũ khí không sát khí
Là hoa súng trong vườn

Trong hình ảnh có thể có: thực vật, hoa, ngoài trời, thiên nhiên và nước

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

HIỂU ĐÚNG NGHĨA
CÂU HÁT CỦA TRỊNH CÔNG SƠN NHƯ THẾ NÀO?

 Tác giả Hoàng Đằng

Chiều 19/11/2018 vừa rồi, trời đẹp, một học trò cũ đem xe đến nhà mời tôi – một thầy giáo già “mất dạy” từ 1975 – đi thăm một thầy giáo cũ của em đang bệnh hoạn, già yếu ở một làng quê xa trong dịp ở Việt Nam Ngày Nhà Giáo Việt Nam đang được cả xã hội quan tâm rộn ràng.
Đi xong về, tôi nói với em học trò – gọi là em nhưng đã xấp xỉ 70 tuổi:
- Tối nay, thầy sẽ viết vài dòng về chuyến đi này, đưa lên facebook cho những người thân quen biết.
- Đừng, dạ thưa thầy, đừng! Em học trò cản ngay.
Tôi thắc mắc:
- Tại sao?
Em trả lời:
- Như Trịnh Công Sơn đã viết đó, thầy nờ! “Để gió cuốn đi!”
Tôi hiểu “gió cuốn đi” khác với em học trò của tôi, thành thử, tôi đã đưa lên facebook mấy dòng, đại khái, như thế này:
Trịnh Công Sơn viết trong một bài hát: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng! - Hỏi làm gì, em biết không? - Để gió cuốn đi!" Bài hát được hát nhiều trong dịp tổng kết chiến dịch từ thiện của các nhóm, các tổ chức ...
Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của mấy lời hát trên chắc còn ít người hiểu đúng. Đại đa số nghĩ rằng "để gió cuốn đi!" là làm được chi đó rồi,  xong việc, cho nó chìm vào quên lãng, đừng nhắc đi nhắc lại.
Đúng, người làm việc thiện mà rồi tự mình nhắc đi nhắc lại như kể ơn thì việc thiện của mình giảm giá trị rất nhiều, thậm chí không còn giá trị. Nhưng mình làm việc thiện mà dư luận biết được, truyền bá việc thiện của mình cho nhiều người cùng biết thì ấy là việc tốt, tại sao không? Dư luận sẽ làm cho việc thiện lan toả, thăng hoa, tạo thành tấm gương cho mọi người soi và  noi theo.
Trịnh Công Sơn viết: "Để gió cuốn đi!" nghĩa là gió sẽ cuốn đưa việc tốt của mình ra cho nhiều người biết - gió ở đây tức là dư luận - chứ gió (hay dư luận) không phải đẩy việc thiện tan biến.
"Nhiều người biết" để làm chi? Lòng tốt, việc tốt sẽ tạo ảnh hưởng tốt đến mọi người, còn ảnh hưởng tốt ấy nhiều hay ít thì tuỳ hoàn cảnh, trình độ, giáo dục, môi trường và bản tính của người đón nhận.
Thử tưởng tượng trong một xã hội, một quốc gia, một thế giới, ai cũng có tấm lòng thì xã hội, quốc gia, thế giới ấy đáng sống biết chừng nào!
Cách hiểu của tôi đưa lên facebook đón nhận được một số ý kiến không đồng tình và một số ý kiến đồng tình.

Kết quả hình ảnh cho minh hoạ để gió cuốn đi

* Ý kiến không đồng tình lập luận như sau:
Trạn Trương Văn:
Từ xưa đến nay, người ta nói "để gió cuốn đi" nghĩa là mất hết, không còn gì hết, chớ không ai nói ""để gió cuốn đi" là "đưa việc tốt của mình cho mọi người biết" … bao giờ. Chữ "cuốn đi" khác với chữ "lan tỏa" một trời, một vực. Có người nói với tôi Trịnh Công Sơn viết câu nầy rất "không nhân bản"; tấm lòng mà để gió cuốn đi thì vô ý nghĩa vì tấm lòng đó bay mất hết. Người có tấm lòng thì phải làm gì tốt đẹp cho đời, chớ "để gió cuốn đi" thì xem như chẳng làm chi hết … Thật tình, tôi thấy những câu trên của Trịnh Công Sơn cũng không song suốt và hơi nghịch lý, nhưng vì ông là một “thần tượng âm nhạc” nên người ta cứ hùa theo mà khen, rồi mỗi người cứ theo ý chủ quan của mình mà giảng giải. Thật ra, câu văn “một tấm lòng để gió cuốn đi” rất tối nghĩa và nghịch lý …
Trần Hào Trần Hào:
Theo tôi cuốn đi không phải lan tỏa, mà quên đi, nghĩa là làm việc thiện là bản năng tự nhiên của con người, không nhắc làm gì nữa…

Còn ý kiến đồng tình lập luận như sau:
Văn Thanh: 
Theo tôi, thầy Hoàng Đằng giải thích chuẩn giá trị của cụm từ "để gió cuốn đi" với tinh thần bài hát và việc làm từ thiện. Gió vô tư, gió không có chủ đích, gió cuốn theo thời vụ, việc tốt hay xấu đều lan tỏa theo chiều gió một cách tự nhiên, và con người cảm thụ có điều kiện theo tâm lý và hoàn cảnh … Gió cuốn, nói lên sức mạnh đặc trưng của gió và lan tỏa là tất yếu.
Hoàng Hữu Chiểu:
Trong tự nhiên , hạt giống cũng nhờ “gió cuốn đi'' để tồn tại sự sống! Tấm lòng, cứ nghĩ, như hạt giống tốt vậy! Cũng nhờ '' gió cuốn đi '' để rồi lan tỏa...
Triêm Hoàng:
Một chiếc lá ở điểm A mà bị " gió cuốn đi" thì nó sẽ tồn tại ở một điểm B nào đó, chứ không thể bị triệt tiêu vì "gió cuốn đi ". Hiểu như thế thì "gió cuốn đi " là để truyền bá, lan toả "một tấm lòng" mà Trịnh Công Sơn muốn gởi gắm với đời … Độ sâu cảm xúc của một người nghệ sỹ đôi lúc chúng ta khó có sự thấu cảm để cảm nhận những gì họ muốn truyền tải.
Từ trải nghiệm một chuyện bình thường hằng ngày, tôi muốn viết đôi dòng để chia xẻ cách hiểu lời hát trên của tôi với bạn đọc thân thương.
Tôi vẫn giữ cách hiểu của tôi: “… Cần có một tấm lòng … để gió cuốn đi” là gió mang lòng tốt đến cho nhiều người biết. Từ “cuốn” không phải làm cho lòng tốt bị nhận chìm mà đưa lòng tốt qua sự sàng lọc của dư luận để xem đó phải thật sự là lòng tốt không.
Dù sao, tôi vẫn tôn trọng cách hiểu khác của các bạn trên. Cùng một sự vật, mỗi người nhìn thấy sự vật ấy không ai giống ai; một bài thơ đem ra bình giảng, mỗi người bình giảng mỗi khác. Và giả sử Trịnh Công Sơn còn sống, ai đó hỏi nhạc sĩ: Vì sao cần có tấm lòng rồi để gió cuốn đi; chắc chắn câu trả lời của ông là: ai muốn hiểu sao thì hiểu. Vậy thì quan trọng là sống ở đời, chúng ta luôn tìm tòi để khám phá ra cái chưa ai nói, phát minh ra cái chưa ai làm.
Còn bạn, giờ này, nhân tôi nhắc lại lời nhạc của Trịnh Công Sơn, bạn hiểu thế nào?

                                                                Hoàng Đằng
                                                                 23/11/2018

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018


NGÀY NÀY NĂM XƯA:

22-11-1871: Nhà yêu nước Nguyễn Trường Tộ qua đời. Ông sinh nǎm 1828, quê Hưng Nguyên, Nghệ An.

 

Nguyễn Trường Tộ: Bi kịch tư duy vượt tầm thời đại


Nguyễn Trường Tộ sinh trong một gia đình theo Công giáo Roma từ nhiều đời tại làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cha là Nguyễn Quốc Thư, một thầy thuốc Đông y, nhưng mất sớm. Thuở thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán với cha và các thầy trong vùng. Vì thông minh, học giỏi, nên được truyền tụng là "Trạng Tộ". Thế nhưng, ông không đỗ đạt gì, có thể vì ông là người Công giáo nên không được đi thi, hoặc do ông không muốn đi theo con đường khoa cử. Sau khi thôi học, ông mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời dạy chữ Hán trong Nhà chung Xã Đoài, huyện Nghi Lộc. Tại đây, ông được Giám mục người Pháp Gauthier dạy tiếng Pháp và truyền đạt các môn khoa học thường thức của phương Tây. Cuối năm 1858, ông đi cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng tránh nạn phân biệt gia đình Công giáo và sau đó đưa ông sang Hương Cảng và một số nước khác...

Đầu tháng 2-1861, sau khi chiến tranh ở Italia và ở Trung Quốc kết thúc, Đô đốc Léonard Charner được lệnh gom quân ở Trung Quốc về Sài Gòn mở rộng vùng chiếm đóng. Charner đã thuyết phục được một số giáo sĩ Pháp đang lánh nạn ở Hồng Công, trong số đó có Giám mục Gauthier, về Sài Gòn cộng tác. Nhận lời, Giám mục Gauthier dẫn Nguyễn Trường Tộ cùng về làm “từ dịch” (phiên dịch các tài liệu chữ Hán) cho thực dân Pháp.

Trong bài "Trần tình" (viết ngày 7-5-1863), Nguyễn Trường Tộ phân trần: Lúc bắt đầu khởi hấn (năm 1859, lúc quân Pháp chuẩn bị tấn công thành Gia Định), quân Pháp có mời ông cộng tác, nhưng ông một mực từ chối. Sau khi đồn Chí Hòa thất thủ (tháng 2-1861), ông thấy rằng phải tạm hòa theo đề nghị của Pháp, để dưỡng quân và củng cố lực lượng. Chính vì thế Nguyễn Trường Tộ đã nhận làm từ dịch cho Pháp để mong có tiếng nói góp phần vào việc hòa đàm.
Ngày 29-11-1861, Đô đốc Louis-Adolphe Bonard lên thay Đô đốc Léonard Charner, và ông này liền xua quân mở rộng cuộc chiến chiếm đóng Đông Nam bộ. Thấy vậy, Nguyễn Trường Tộ bèn xin thôi việc. Sau khi thôi việc, Nguyễn Trường Tộ đã dồn hết tâm trí vào việc thảo kế hoạch giúp nước. Nhờ sự hiểu biết sâu rộng về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... đến đầu tháng 5-1863, ông đã thảo xong 3 bản điều trần gửi lên Triều đình Huế là: "Tế cấp luận", "Giáo môn luận" và "Thiên hạ phân hợp đại thế luận"; nhận thức sâu sắc bối cảnh và khuynh hướng vận động chung của thế giới thời bấy giờ.

Song tất cả bản điều trần đều không được phúc đáp. Đầu năm 1864, ông lại gửi cho Đại thần Trần Tiễn Thành bản điều trần nữa để thuyết phục Triều đình Huế nên tạm hòa với Pháp và mở rộng bang giao. Cuối năm 1864 cho đến đầu năm 1865, Nguyễn Trường Tộ đã gửi liên tiếp 3 bản điều trần nữa cho Đại thần Trần Tiễn Thành, và 2 bản điều trần cho Đại thần Phạm Phú Thứ, để nhờ đưa các vấn đề quan trọng lên vua và triều đình. Nhưng đề xuất của ông không được thi hành, ông chán nản và xin về Nghệ An (ngày 10-4-1866).

Tài cao, mệnh bạc

Ngày 15-9-1866, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ vào Sài Gòn. Trong thời gian lưu lại, hai ông đã có những cuộc tiếp xúc với Đô đốc Lagrandìere và Lãnh sự Tây Ban Nha để nắm tình hình theo yêu cầu của triều đình. Sau đó, Nguyễn Trường Tộ đã có 6 bản báo cáo gởi về Huế. Qua các văn bản này, ông trình bày cho triều đình thấy là có sự khác nhau giữa ý đồ của Pháp soái (tức Đô đốc Lagrandìere) ở Sài Gòn và chính sách của chính phủ ở Pháp. Pháp soái muốn bằng mọi cách thôn tính 6 tỉnh Nam Kỳ và áp đặt trên phần đất còn lại của Việt Nam một hiệp ước bảo hộ; trong khi ấy ở chính quốc có nhiều dư luận chống đối các cuộc phiêu lưu quân sự ở các vùng đất xa xôi...

Sau mấy tháng ở Huế, có thể vì không có việc gì để làm, hoặc vì bệnh cũ tái phát, Nguyễn Trường Tộ đã xin phép trở về Nghệ An. Giữa năm ấy, ông về lại Xã Đoài, và đến ngày 22-11-1871 thì đột ngột từ trần. Lúc ấy, ông mới 41 tuổi. Con ông là Nguyễn Trường Cửu, cho biết trước khi mất, ngày 10-10, ông Tộ làm câu thơ rằng:

Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu thị bách niên cơ
(Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận
Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm)

Là một nhà khoa học canh tân, Nguyễn Trường Tộ đã có 58 bản kiến nghị, tấu trình gửi triều trình (liên tục trong vòng 10 năm), với những đề nghị tâm huyết nhằm góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng phong bế, lạc hậu và tạo nên sự thay đổi lớn lao bên trong, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhìn vào nội dung các bản điều trần, chúng ta nhận thấy Nguyễn Trường Tộ đã đi trước, và vượt lên trình độ của các tầng lớp trí thức nho sĩ đương thời. Song thật tiếc, những điều tâm huyết ấy lại không được chấp nhận. Những tấu trình của Nguyễn Trường Tộ và sự đợi chờ của ông chỉ là vô vọng. Không những thế, ông lại còn bị triều đình nghi ngờ có quan hệ, làm việc cho Pháp, là tín đồ Công giáo bị phân biệt đối xử lúc bấy giờ.

Ngày 8-5-1863 ông đã viết bản “Trần tình” bộc lộ những suy nghĩ và khát vọng của mình về thế cuộc, giãi bày tấm lòng mình: "Sau khi tướng Bonard sang, tôi thấy ông ta có những hành động ngược lại sự bàn hòa, tình thế đã khó lại khó thêm, tôi mới quyết ý xin thôi không làm nữa. Họ không chịu xét. Tôi nhất định từ, không nhận bổng lộc, ai cũng cười là ngu. Mặc dầu họ có sai người đến cố nài ép trao cho tôi, tôi cũng bỏ đi. Thấy lòng tôi quyết định, chí tôi vững, họ lại đem quan chức ra dụ tôi. Tôi nói: Nhận quan chức thì được bổng lộc, không nhận thì dù bần cùng đến phải làm đứa ăn xin chứ không chịu theo mà phụng sự cho họ".
Mặc dù không được triều đình trọng dụng, nhưng lòng ông vẫn mong được phò vua, cứu dân. Tấm lòng ấy thể hiện rất rõ qua những bài thơ ông để lại:
Mặt trời cho dẫu không soi đến
Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ

Di sản kiến quốc lưu danh

Nguyễn Trường Tộ cả một đời vì đất nước, vì Nhân dân nhưng khao khát của ông không hề được toại nguyện. Ông ra đi giữa tuổi xanh tràn đầy nhiệt huyết. Thiết nghĩ nếu ông chưa vội ra đi, nếu những bản điều trần đó được thực thi, lịch sử Việt Nam sẽ có những bước ngoặt lớn: không lâm vào cảnh mất nước, nhà tan, đời sống Nhân dân bớt khốn khổ, đất nước không bị tụt hậu như đã có trong lịch sử.

Fukuzawa Yukichi (1835-1901).

Giới nghiên cứu và phân tích hậu thế đã đánh giá cao di sản của ông trong nội dung các tấu trình với triều đình. Về chính trị, ông trình bày những chiến lược cơ bản trong "Thiên hạ phân hợp đại thế luận" (1863) và đề xuất "Kế ly gián giữa Anh và Pháp" (1866). Không hề ảo tưởng về dã tâm của thực dân Pháp, nhưng ông rất sáng suốt chủ trương tạm hòa hoãn với Pháp, gợi ý với nhà vua về lợi ích lớn của việc "Mở rộng quan hệ với Pháp và các nước khác". Về tăng cường sức mạnh triều chính, Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình tinh giản bộ máy chính quyền để đỡ hao tốn công quỹ, xác định rõ chức năng công việc của từng loại quan lại để giảm những người ăn lương mà không biết làm gì. Mặt khác, nên có chính sách đối với những nho sinh để họ không thể dựa vào chút chữ nghĩa, trốn tránh nghĩa vụ đối với nước nhà. Ngoài ra, muốn cho đội ngũ viên chức giữ được thanh liêm phải tạo điều kiện cho họ làm giàu chính đáng...

Để phát triển đất nước, Nguyễn Trường Tộ đề nghị chấn hưng "nông, công, thương nghiệp" để làm cho dân giàu nước thịnh, bằng những hành động cụ thể như: tổ chức khai hoang, bảo vệ rừng, thành lập các đoàn tàu đem hàng nông sản đi bán, cử người thăm dò tài nguyên, khai thác mỏ, thành lập các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đào tạo thợ kỹ thuật… Ông đề nghị cải cách "việc học, việc thi" để chọn được nhân tài hữu ích. Không nên tiếp tục lối học "máy móc, tín điều" kiểu Trung Hoa. Đáng chú ý là việc ông đề nghị đem các môn khoa học vào trong chương trình học, nhất quyết phải dùng quốc văn (chữ Nôm) để dạy học và soạn sách, kể cả trong các giấy tờ hành chính.

Họa xâm lấn biển Đông cũng được ông phân tích cặn kẽ, đề ra giải pháp cách đây gần 150 năm. Trong bản điều trần gửi vua Tự Đức ngày 10-4-1871, Nguyễn Trường Tộ viết: “Mấy năm gần đây, sở dĩ nước ta mỗi ngày thêm nhiễu nạn cướp biển là vì Trung Quốc thịnh vượng ngành mậu dịch. Họ tạo được nhiều tàu tuần dương chạy máy và các tàu buôn, nhà binh của phương Tây qua lại biển Đông như mắc cửi. Nay nếu ta mua được 5-6 chiếc thuyền máy chắc chắn, mỗi thuyền có độ 10 khẩu đại pháo lớn nhỏ. Rồi lại thuê người Anh, người Pháp trông nom máy móc, tập bắn, hợp cùng lính của ta vừa đi tuần, dàn thành chữ nhất đi từ Nam ra Bắc và ngược lại, gặp thuyền phỉ đều bắt hết, sung công. Thuyền máy của ta tập hợp lại phá hủy sào huyệt thuyền giặc, giặc sẽ tan vỡ, khó có thể xâm nhập nội địa được”.

Những tư tưởng của ông đã tiến rất gần tư tưởng tiến hóa luận của phương Tây. Có thể nói, những cách nghĩ, cách nhìn cởi mở và táo bạo hàng thế kỷ về sau vẫn đáng suy gẫm. “Nguyễn Trường Tộ quả là một con người có trí thông minh, nhìn xa thấy rộng, có khả năng ứng dụng vào thực tế vốn liếng tri thức uyên bác cũng như những điều mình sở đắc. Tiếc thay, ông lại "sinh không gặp thời", do đó ông đã không thực sự đóng một vai trò nào trong lịch sử, ngoài vai trò "làm chứng về tấm lòng của một con người, về vận hội của một đất nước" - GS. Nguyễn Huệ Chi nhận xét.
GS. Nguyễn Hữu Tá nêu nhận xét: “Ở tuổi 30, Nguyễn Trường Tộ đã có một vốn kiến thức rộng và sâu cả về phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Với tiềm lực chất xám rất quý như thế, nếu ông được tin dùng, được tạo điều kiện để hoạt động, tình thế có thể sẽ rất khác. Bi kịch của Nguyễn Trường Tộ, ngẫm ra là một nghịch lý khó tin nhưng có thật. Yêu nước nhưng không thể giúp nước vượt qua đại họa ngoại xâm; thực sự có tài năng xuất chúng nhưng vấp phải vật cản quá lớn - sự trì trệ bảo thủ, dị ứng với chủ trương duy tân, tự cường của triều đình Tự Đức và sự nghi ngờ dai dẳng của họ với người theo đạo Công giáo”.

Trông người lại ngẫm đến ta

Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi sinh cùng thời đại, có tầm nhìn thông tuệ, hai nước lại ở xa nhau trong điều kiện thông thương vô cùng gian nan lúc đó, nên không thể nói “học bài” lẫn nhau. Điểm lý thú là cả hai đều có tư tưởng tiến bộ, tâm huyết canh tân đất nước và nhiều quan điểm rất tương đồng.
Do tinh thông nhiều ngoại ngữ, được đi nhiều nước nghiên cứu tình hình thế giới nên hai nhà học giả - trí thức đương thời này đều nhận thức được các nước trong khu vực châu Á mới ở mức "bán văn minh", không thể là tấm gương nước mình học hỏi. Trong bài "Thoát Á luận", Fukuzawa kêu gọi nước Nhật hãy "tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây". Ông chủ trương mở cửa giao thương với phương Tây, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm quản lý xã hội của phương Tây để phát triển Nhật Bản. Quan điểm này của Fukuzawa đã được chứng minh bằng thực tế: Ở châu Á, chỉ có Nhật Bản và Thái Lan, hai nước chủ trương mở cửa, là tránh được sự xâm lược và thôn tính của các nước phương Tây. Chính sự du nhập của những giá trị dân chủ và nền giáo dục khoa học kiểu phương Tây đã khiến Nhật Bản không bị phương Tây xâm lược, mà ngược lại, trở thành cường quốc từ cuối thế kỷ 19.

Fukuzawa và Nguyễn Trường Tộ đều cho rằng giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc. Cả hai cùng phê phán lối học “tầm chương trích cú”, “máy móc, giáo điều” theo kiểu Trung Hoa đã cản trở sự phát triển: Nó vừa cổ hủ vừa chậm phát triển, hàng nghìn năm vẫn không thay đổi, chỉ coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo mà coi thường chân lý, không khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo và độc lập. Chính vì vậy, cả hai đều kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục thực học của phương Tây, dựa trên nền tảng khoa học và kỹ thuật, từ đó đóng góp sức mình vào phát triển xã hội, không phải học để ra làm quan theo lối suy nghĩ truyền thống Nho học hủ lậu.

Nguyễn Trường Tộ mất khi còn khá trẻ. Những tư tưởng cách tân của ông bị chôn vùi, triều đình vẫn duy trì tư tưởng bảo thủ “bế quan tỏa cảng” và chỉ tin vào chính mình, dẫn đến đất nước suy vong, bị xâm chiếm hàng thế kỷ. Trong khi đó ở Nhật, Fukuzawa Yukichi với những tư tưởng cách tân của mình, đã tác động đến triều đình và cả các tầng lớp trong xã hội. Ông được công nhận là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Nhật Bản cận đại, đã làm thay đổi toàn diện nước Nhật và tiến lên trở thành cường quốc thế giới.
Cả hai nhà trí thức phong kiến đều có kinh nghiệm học được từ người phương Tây qua sách vở và những chuyến thị sát. Điểm khác nhau dẫn đến thành công/thất bại, là do Nguyễn Trường Tộ chỉ một mực tâu báo triều đình, còn Fukuzawa Yukichi thì nhiệt huyết truyền bá những tư tưởng tiến bộ bằng mọi cách có thể. Fukuzawa đã tách mình ra khỏi hệ thống chính trị cuối thời Mạc phủ Edo, thầm lặng dịch và viết sách. Tài năng văn chương trác việt cùng tầm nhìn sâu rộng, sự đánh giá sắc sảo thể hiện qua các trước tác của Fukuzawa, đã cuốn hút mối quan tâm không chỉ của giới trí thức mà cả những người dân thường. Bản thân ông đã tiên phong nêu gương về tinh thần độc lập, đề cao thực học, thực hiện cải cách bằng việc mở trường Keiō-gijuku, trường đại học tư thục hiện đại đầu tiên và hiện nay vẫn là một trong những trường đại học tư lớn, có chất lượng giáo dục uy tín hàng đầu của Nhật Bản. Đây chính là nguồn cung cấp nhân tài về chính trị, khoa học, giáo dục với những tri thức tiên tiến khi Nhật Bản chuyển mình sang thời đại mới, thời kỳ Minh Trị.
Với trí tuệ và tầm nhìn sắc sảo, Fukuzawa và Nguyễn Trường Tộ đều nhận định văn minh phương Tây phát triển hơn châu Á về nhiều mặt, và các nước châu Á khó lòng duy trì được nền độc lập nếu cứ đóng cửa trước văn minh phương Tây. Bởi lẽ, giành được quyền tự trị chưa phải đã là độc lập, mà nền độc lập thật sự chỉ có thể thành hiện thực thông qua việc trở thành một quốc gia tiên tiến và văn minh. Đây chính là “giọt lệ ngàn thu” đối với những nước bỏ lỡ cơ hội, tầm nhìn hạn hẹp trong bối cảnh thế giới xoay chuyển không ngừng.

Theo Báo Mới

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018



BA BIẾN KHÚC VĂN CAO - NGUYỄN TRỌNG TẠO

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà
1.
Người gọi ông là “ba đỉnh núi sương mù”. Người gọi ông là “Dòng sông ba nhánh”. Người gọi ông là “Nghệ sĩ đa tài”. Người gọi ông là “Bậc tài danh thế kỷ”… Khi tôi gặp ông thì ông đã 57 tuổi, chòm râu dài phất phơ ngả bạc như tiên lão bảy mươi. Ông ngồi một mình trên đi-văng đệm vải cũ càng, mắt nhìn vào chén rượu gạo bình dân như chẳng chờ đợi một điều gì. Có lẽ ông đã ngồi như vậy mấy chục năm liền. Những chai rượu đầy vơi vơi đầy không nhớ đã bao lần.
Cũng không nhớ đã bao lần trên đất nước này và cả những nước khác, người ta đã hát vang bài ca của ông, bài Quốc ca Việt Nam mang hồn thiêng sông núi: Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa.
Khi nghe Phan Lạc Hoa giới thiệu tôi, mắt và miệng ông ánh lên nụ cười gần gũi, bình dị: “À, cái anh Nghệ nhận Quan Họ làm quê đây!”. Ông với tay kệ tủ lấy thêm ly, và Nguyễn Thụy Kha rót rượu. Ông đối với bọn trẻ chúng tôi như với bạn. Khi thân mật rồi, hầu như chẳng còn khoảng cách tuổi tác. Có lẽ vì thế mà ông luôn luôn mới. Chúng tôi rủ ông đến quán lòng lợn tiết canh đầu chợ Đuổi, ông đồng ý ngay, nhưng nhắc là nên mua rượu ở quán cạnh bến xe Kim Liên, loại rượu gạo ông thường uống. Quán đông quá, chúng tôi mượn một cái chiếu trải vào túp lều tranh bỏ trống bên cạnh. Cứ ngồi xếp bằng mà uống rượu và hút thuốc lào như ở làng ở xã. Người ra vào chợ đông đúc, ồn ào, hình như cũng không ai biết ông già ngồi quán bình dân này là tác giả Quốc ca. Còn chúng tôi, lần đầu tiên được biết những bài thơ ông làm để rồi cất lại trong lòng, không đưa in đâu cả, mà dù có đưa in thì người ta cũng chẳng in cho. Mấy chục năm nay, ông chỉ làm bìa sách, vẽ hình minh họa cho báo và làm nhạc… không lời. Những bài thơ của ông khiến chúng tôi nổi cả da gà, kinh ngạc vì thán phục. Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ của ông thật đến siêu thực. Thơ của ông mới bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên.
Buổi sáng nay cả phố phường như mở hội.
Mọi con người đeo mạt nạ đi chơi.
Vui lên cành non
Lá bàng trên phố xanh màu ngọc

Những mặt nạ gặp nhau chào hỏi

Ô kìa
Nước mắt mồ hôi
Sao chảy ra trên từng mặt nạ

Đến giờ, tôi vẫn nhớ giọng vang trong của ông đọc thơ trong quán rượu. Bài thơ Năm Buổi sáng không có trong sự thật ông làm năm 1960 mà tôi tưởng ông vừa làm trong quán rượu năm 1980 này. Chúng tôi nghe như nuốt từng lời thơ của ông vào tâm khảm. Khi ngấm rượu, ông nói hay đến nỗi tôi tưởng là đang nghe ông trong giáo đường chứ không phải giữa chợ. Vì thế mà chúng tôi đều thuộc bài thơ ngắn Không đề ông làm năm 1967. Bài thơ như một cuốn phim cực ngắn chứa đầy âm nhạc và treo lơ lửng một câu hỏi trước cuộc đời:
Con thuyền đi qua
Để lại sóng
Đoàn tàu đi qua
Để lại tiếng
Đoàn người đi qua
Để lại bóng
Tôi không đi qua tôi
Để lại gì?

Hơn 20 mươi năm “im lặng” về thơ lại chính là thời gian ông làm thơ nhiều nhất. Những bài thơ chi chít trong cuốn sổ tay nhỏ xíu úa màu thời gian vàng vọt. Những bài thơ viết trên vỏ bao thuốc lá nhặt được trong quán rượu. Có bài thơ được ghi lại không phải chữ của ông mà là chữ của vợ ông, bà sợ ông quên đi mất nên bắt ông đọc lại để bà chép lại. Năm 1987, Nguyễn Thụy Kha đã lần mò chép lại những bài thơ trong tập bản thảo nhòe mờ ấy của ông rồi đưa cho tôi đọc. Giữa quá nhiều bất trắc cuộc đời, tiếng thơ Văn Cao chẳng bao giờ đổi giọng. Chữ nghĩa của ông như được viết ra từ ngòi bút kim cương chứ không phải bút lông bút sắt. Và khi tiến hành chọn bản thảo tập thơ Lá, Văn Cao rất vui lòng ủy thác cho Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo và tôi tuyển chọn. Hầu như ông hoàn toàn yên tâm về việc đó. Ông nói: “Ba thằng mày bảo được là được!”. Dù là trong thời kì “đổi mới” rất mạnh mẽ, chúng tôi vẫn thấy ông có một bài thơ mà nhà xuất bản khó lòng chấp nhận, đấy là bài Đồng chí của tôi viết năm cải cách ruộng đất (1956). Bài thơ tràn đầy lòng tin vào chủ nghĩa xã hội mà cảnh tỉnh những sai lầm của hiện tại, nó là tiếng lòng thống thiết của người cộng sản bị xử bắn oan gửi tới các đồng chí của mình. Không trung thực với Đảng, không có lòng can đảm của một đảng viên, không chan chứa một trái tim nhân đạo… không thể viết được một bài thơ rớm máu như thế. Nhưng 30 năm và hơn thế nữa, nó vẫn chỉ là bài thơ của riêng ông. Chúng tôi biết điều đó, và đề nghị ông “để lại”, ông đồng ý ngay. Đầu năm 1995 này, tôi nhắc lại với ông bài thơ ấy, và thấy đã đến “thời” bài thơ có thể in được rồi, nhưng ông nói sau khi nhấp một ngụm rượu: “Thôi, cứ để sau khi mình chết rồi in cũng chưa muộn”. Ngày ông qua đời, tôi bỗng mở sổ tay xem lại bài thơ ấy, và tôi đã khóc.
Người ta các đồng chí của tôi
Treo tôi lên một cái cây
Đợi một loạt đạn nổ
Tôi sẽ dẫy như một con nai con
Ở đầu sợi dây
Giống như một nữ đồng chí
Một anh hùng của Hà Tĩnh
Tôi sẽ phải kêu lên
Như mọi chiến sĩ bị địch bắn
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Vẫn còn là một đảng viên
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam
Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ
đã nuôi cách mạng
Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
dẫy chết
Có mẹ tôi
Ba lần mang cơm đến nhà tù
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi
Tôi sợ các cụ già không sống được
Bao năm nữa
Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
Của chúng ta.
Chết đi mang theo hình đứa con
Bị bắn
Tôi sợ các em còn nhỏ quá
Sẽ nhớ đến bao giờ
Đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây
Bị bắn
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi…
Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Đảng Lao động…
(1956)

Tập thơ Lá của ông được in ra không đúng như chúng tôi đã chọn dưới sự ủy thác của ông, 5 bài thơ ông tâm đắc bị bỏ ra, và thay vào mấy bài thơ ông in báo hồi kháng chiến chín năm. Tuy không được hài lòng lắm, nhưng ông cũng mỉm cười sau 30 năm trở lại thi đàn. Ông lại tiếp tục viết những bài thơ mới. Vẫn là Văn Cao tươi ròng, không tuổi.
Tôi đẻ ra trần truồng
được những lót tã
là của cải…
2.
Sao tôi lại nhớ sinh nhật 60 tuổi của ông? 15 -11 -1983. Chiều, trong căn phòng gác hai số nhà 51 Trần Hưng Đạo, nơi Bảo Đại từng ở sau cách mạng tháng Tám, nơi mà một phần tư thế kỷ trước Văn Cao thường xuất hiện cùng bạn bè đồng nghiệp văn nghệ sĩ. Lâu quá rồi ông mới xuất hiện chính thức thức trở lại nơi này, và là nhân vật chính của buổi lễ sinh nhật 60 tuổi do Hội Nhạc sĩ tổ chức. Hoa và rượu. Những lời chúc tụng, những bài hát của ông vang lên mừng tuổi ông. Có cả Thiên Thai, Trương Chi hơn 30 năm vắng bóng trở về, khiến cả hội trường lặng phắc, ân hận và khâm phục. Chiếc dương cầm Đặng Thái Sơn tặng Hội Nhạc sĩ sau lần đăng quang, vang lên những bản nhạc không lời Văn Cao. Những bản nhạc ông viết sau cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn – Giai phẩm kết thúc, sau cái đêm trắng đi cùng với Hữu Loan quanh hồ Ha-le ngột ngạt, u ám, không biết nói gì trước khi chia tay nhau để tác giả Màu tím hoa sim trở về Thanh Hóa làm một “Lão nông tri điền”. Những bản nhạc chứa đầy nỗi đau chia cắt cùng với khát vọng thống nhất cháy bỏng. Đấy là các bản Hàng dừa xa, Sông tuyến và Biển đêm. Rồi đến lượt Văn Cao xuất hiện trước cây dương cầm. Im lặng. Chờ đợi. Ông cứ ngồi im trước cây đàn đến mấy phút liền. Một bàn tay của ông đã bị chấn thương trước đó 10 năm, khi ông đang đi bách bộ trên hè đường và bị một chiếc xe com-măng-ca không số từ dưới đường tạt lên chèn ngã. Ông sẽ chơi đàn thế nào đây? Bỗng bàn tay ông nắm lại thành một nắm đấm. Ông bất ngờ đấm vào những phím đàn, vang lên hợp âm chói gắt như bom nổ. Thêm một nắm đấm nữa. Hai nắm đấm của ông cùng với cả cùi tay trút bão táp vào cây đàn, hết đợt này đến đợt khác. Chuỗi âm thanh ghê gớm ấy bỗng lặng đi đột ngột. Mọi người như nín thở. Ông dùng ngón tay trỏ chầm chậm mổ nhẹ vào một phím đàn, từng tiếng, từng tiếng một vang lên rành rọt, chậm dần, nhỏ dần cho đến khi ông thu bàn tay lại, trong tiếng vỗ tay ào lên không dứt của mọi người.
Trước Văn Cao, chưa thấy ai chơi đàn như thế. Chính vì thế mà ông luôn là ông, không giống ai, và nếu ai muốn giống ông thì cũng khó mà giống được.
Tối hôm đó, ông hẹn mấy người về nhà ông uống rượu. Tôi và Kha tới thì đã thấy Văn Cao đang ngồi cùng Trịnh Công Sơn và Cao Xuân Hạo. Ông nhờ tôi sang gọi Trần Dần bên kia đường Vũ Lợi. Ông bảo: “Có thêm Trần Dần nữa mới vui”. Tôi đến nhà Trần Dần thì ông đang bên nhà hàng xóm. Trong lúc đợi vợ ông đi gọi ông về, tôi nhìn vào bức tường và thấy hiện rõ một hình nhân. Đấy là nơi Trần Dần tựa lưng suốt mấy chục năm qua. Tôi rùng mình hình dung ra cái bóng đang động cựa như một con người thật. Vừa lúc Trần Dần về trong bộ quần áo pirama ngả màu cháo lòng, ông gầy yếu quá, gầy yếu hơn cả cái bóng của chính mình trên tường nhà.
- Anh Văn mời anh sang nhà uống rượu – Tôi nói – Hôm nay sinh nhật anh ấy. Sáu mươi rồi.
- Thế à? Những ai?
Tôi kể tên mấy người. Trần Dần mỉm cười:
- Thế thì sang.
Vợ ông nhắc ông thay quần áo. Nhưng bộ quần áo mới cũng đã cũ lắm rồi. Ông kém Văn Cao ba tuổi, nhưng trông già nua và chậm chạp như một ông lão khổ hạnh. Chỉ có đôi mắt là lúc nào cũng có lửa. Cái ngọn lửa đó đã rực cháy trong nhiều tác phẩm văn thơ của ông dọc các nẻo đường kháng chiến: Cách mạng tháng Tám, Trường ca Việt Bắc, Nhất định thắng, Người người lớp lớp… và hàng loạt tác phẩm còn nằm trong bản thảo như tiểu thuyết Cổng Tỉnh, Mùa sạch, Ngã tư những cột đèn, v. v…
Văn Cao với tay lên kệ tủ lấy thêm một cái ly thủy tinh đặt trước mắt Trần Dần. Trong khi tôi rót rượu, ông dặn tôi: “Dần sức yếu, dễ say đấy”. Nhưng sau khi cụng ly, chỉ riêng Trần Dần là uống cạn.
Chuyện trò, đọc thơ, và hát. Cao Xuân Hạo nhớ nhiều những kỷ niệm thời kháng chiến chống Pháp, về những bài hát thời bấy giờ của Văn Cao mà anh đã hát. Văn Cao cũng nhắc lại vài bài hát của Cao Xuân Hạo mà ông đặt nhiều hy vọng. Cao Xuân Hạo có một giọng hát thật vang trong, bay bổng, đã ở tuổi 53. Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe bài hát thuở xưa của anh. Văn Cao nói rằng, ngày ấy nếu Hạo đi hẳn vào nhạc, chắc chắn sẽ thành đạt, dù sau này là một dịch giả nổi tiếng về Lép Tônstôi, Đôxtôiepski, Aitmatốp… Trần Dần chỉ lặng im uống và nghe, dù là nghe chính những câu thơ lấp lánh, táo bạo của ông do Nguyễn Thụy Kha hay Văn Cao đọc lên. Chỉ đến khi nghe Trịnh Công Sơn hát, ông mới nheo mắt cười cười, buột ra mấy tiếng: “Tiểu quỷ! Mày là tiểu quỷ!”, rồi cũng chẳng giải thích gì thêm. Cứ thế mà cuộc rượu kéo dài tới nửa đêm, mặc cho bà Băng nhắc nhở về thời gian, và ép người này người khác ăn các món do chính tay bà nấu.
Khi chúng tôi chia tay vợ chồng Văn Cao bước xuống cầu thang, chuông đồng hồ nhà bên điểm 12 tiếng. Thế là trọn ngày sinh nhật của ông. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng, cuộc đời đã bắt đầu bước vào một ngày mới.
3
Hai mươi năm cuối đời, Văn Cao chỉ viết vài ba bài hát, đấy là bài Mùa xuân đầu tiên(1976) và bài Tình ca Trung du (1984). Bài mùa xuân đầu tiên ông viết sau ngày nước nhà thống nhất, khi cảm xúc trào lên ào ạt ở những người khác, thì cảm xúc của ông lắng lại, bình thản sau quá nhiều xáo trộn cuộc đời. Ông nhìn thấy “mùa xuân dặt dìu theo én về”, ông lắng nghe tiếng “gà đang gáy trưa bên sông”, và ông khẳng định rằng cái “mùa bình thường” đã về: “Từ đây người biết quê người – Từ đây người biết thương người – Từ đây người biết yêu người”. Âm nhạc của ông vẫn đẹp, ấm và sang trọng, thoát hẳn ra ngoài những bài hát reo vui đại thắng lúc bấy giờ. Đó là bí mật tài hoa của riêng ông. Bài hát liền sau đó được dịch và in ở Liên Xô. Chỉ tiếc rằng, hầu như nó chẳng được phổ biến trong đất nước của mình. Có lẽ ông ít viết bài hát ở giai đoạn sau là vì thế. Rồi mùa thu 1984, tôi đi cùng ông trong tốp nhạc sĩ lên Vĩnh Phú theo lời mời của bộ tư lệnh Thông tin. Có lẽ lâu lắm rồi, ông mới có dịp “đi sáng tác tập thể” như lần này. Chúng tôi về một nhà máy thông tin dưới chân núi Thắm, tiếp xúc với những người lính thợ, nghe thành tích của họ, xem họ làm việc và nói chuyện, đọc thơ, hát cho họ nghe. Văn Cao kể lại những kỷ niệm xưa bên dòng sông Lô đã giúp ông viết nên bản Trường ca Sông Lô bất hủ. Trên đường về, gặp nhà thơ Bút Tre, hai ông hôn nhau xúc động chảy nước mắt. Nguyễn Thụy Kha gọi Văn Cao và Bút Tre là tiêu biểu cho hai “trường phái thơ hiện đại Việt Nam”. Các ông được xếp “đồng hạng” với nhau, lấy làm thích thú lắm. Sau chuyến đi ấy, chúng tôi đều viết về bộ đội thông tin, chỉ riêng Văn Cao là viết tình ca. Bài Tình ca Trung du giai điệu sáng láng, lời ca đẹp như thơ. Một cánh tay sông Hồng. Một cánh tay sông Lô. Hai cánh tay như ôm trung du. Và ở đoạn kết là lời hẹn hò trở lại thật bâng khuâng: “Hẹn trở về bên núi Thắm, vào một ngày mùa thu sáng láng… nắng trên đồi như trôi trên sông”.
Càng ngày, sức khỏe Văn Cao càng giảm. Huyết áp thường bị tụt. Phổi bị khô. Cột sống bị thoái hóa, có giai đoạn phải mặc “áo giáp” để đỡ cột sống. Nhưng ngồi với ông, lúc nào cũng vui. Tháng tư 1985, Thanh Thảo ra Hà Nội tổ chức cho Văn Cao, Nguyễn Thụy Kha và tôi vào thăm Nghĩa Bình theo lời mời của Tỉnh. Ông mừng lắm, thậm chí còn nói rằng, có thể đây là chuyến đi cuối cùng về phía nam. Đang chuẩn bị thì ông bị đau, may mà qua nhanh được. Thanh Thảo lấy thêm vé máy bay cho vợ ông, vì nếu thiếu bà thì chuyến đi sẽ dễ gặp bất trắc, bà còn là “bác sĩ riêng” của ông. Cả tỉnh Nghĩa Bình mừng vui đón ông, chỉ thiếu dựng cổng chào. Tôi nói vui như thế, vì ở đâu ông cũng được quần chúng hâm mộ và kính trọng như đối với một nhân vật đặc biệt của đất nước. Còn ông thì đối với ai cũng bình dị, gần gũi. Đêm ghé vào khách sạn Sa Huỳnh, cả khách sạn mời ông ở lại trọn đêm. Ông gọi những người ở đây bằng em và bảo họ cứ gọi ông là anh. Và ông tự giới thiệu: “Anh chỉ hai mươi thôi – rồi ông chỉ vào vợ – còn đây là bồ của anh”. Chính tâm hồn trẻ đẹp của ông đã xóa đi sự ngăn cách về tuổi tác, về sự mặc cảm giữa con người.
Trong chuyến đi này, ông “phát hiện” ra rượu Bàu Đá, một loại rượu trắng được nấu từ các lò rượu làng Bàu Đá, cách thành Bình Định tám chín cây số. Văn Cao cho rằng trong đất nước này, chỉ có rượu Bàu Đá mới có thể sánh được với rượu Làng Vân nổi tiếng, ông nhấp rượu Bàu Đá và nhận xét: “Rượu Vân mỏng, rượu Bàu Đá dày”. Xe đi tới đâu cũng chở theo rượu Bàu Đá, vì ông không hợp với bia. Đến huyện Mộ Đức, trong bữa tiệc chiêu đãi, thấy ông mang rượu trắng ra uống, người ta liền mang ra mấy chai Napoléon thật đặc biệt: vỏ chai sần sùi bởi những con sò biển đã bám chặt từ bao giờ. Đấy là rượu huyện vừa vớt được từ dưới đáy biển Ngang. Chả là hồi 1976, một con tàu chở rượu từ Sài Gòn ra Hà Nội phục vụ đại hội Đảng đã bị đắm ở đây. Ôi, rượu Napoléon dưới đáy biển cả chục năm trời, thế gian này đã mấy ai được uống? Thế mà Văn Cao và chúng tôi đã gặp may mắn bất ngờ.
Mấy ngày sau, Văn Cao viết được hai bài thơ Qui Nhơn 2 và Quy Nhơn 3 khép lại chùm thơ Qui Nhơn độc đáo mà bài Qui Nhơn 1 ông đã viết ở Hà Nội. Khuya lắm rồi, ông gõ cửa phòng tôi, gọi tôi sang phòng ông uống rượu, và nghe thơ mới làm. Tôi giật mình khâm phục bài thơ và sức sáng tạo của ông. Chúng tôi, ai mà chẳng nhìn thấy những tháp Chàm đơn côi dọc miền Trung, nhưng cái nhìn của ông thật lạ lùng:
Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm

Tôi đọc kỹ hai bài thơ mới của ông, và xin ông sửa một chữ trong đoạn kết bài Qui Nhơn 2: “bỗng một ngày bà mẹ Qui Nhơn – nói với tôi một lời – một tiếng – chào con!”. Theo tôi không nên dùng chữ chào, bà mẹ mà chào con thì khách sáo thế nào ấy, nên dùng chữ à con, nó vừa tự nhiên, vừa tình cảm. Văn Cao khoái lắm, ông khen tôi: “Mày đúng là thằng Nghệ”. Và ông nhờ tôi lấy bút sửa vào bản thảo giùm ông. Trong nghệ thuật, Văn Cao là một người biết lắng nghe. Chính vì thế mà ông trở thành tầm cỡ.
Mỗi lần ra Hà Nội, tôi thường cùng Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo hoặc Hoàng Phủ Ngọc Tường ghé thăm ông ở căn nhà 108 Yết Kiêu. Lần nào cũng được ông dành cho chai rượu ngon. Những chai rượu người ta tặng ông. Lần cuối cùng gặp ông ở Đại hội Nhạc sĩ, ông lại bảo: “Tao dành chai rượu, trước khi về, mày đến mà mở”. Nhưng tôi đã lỡ hẹn với ông. Ngày Hà Nội đưa tang ông, tôi ở Huế buồn quá, đến nhà Mai Khắc Ứng uống rượu, cùng nhau tưởng nhớ ông. Tôi uống gần hết bình rượu mà Mai Khắc Ứng không dám ngăn, vì sợ tôi buồn. Mãi ngày sau tôi mới biết, đấy là bình rượu nhung hươu bạc triệu của ông bạn họ Mai. Trong cõi Thiên Thu, giá mà biết chuyện này, chắc Văn Cao sẽ cả cười…
Huế, tháng Bảy, 1995

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

LAI LỊCH NGÀY 20/11  

Kết quả hình ảnh cho hoa tặng thầy cô 20/11

Có thể nhiều người chưa chắc hiểu rõ lai lịch ngày 20/11?
Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE).

Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.[Wikipedia]

Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953. Năm 1957 FISE hợp tại Warszawa (hội nghị có 57 nước tham dự), lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Từ 1958 đến những năm 1970, giáo giới VN vẫn tổ chức Ngày Hiến chương các nhà giáo vào 20/11 một cách vui vẻ, chứ chưa có lệ đi “tết lễ các thầy, cô” rầm rộ.
Đã nhiều năm, Bộ Giáo dục dùng cái Huy hiệu FISE, nhỏ, xinh để tặng cho các giáo viên có nhiều cống hiến vì sự nghiệp giáo dục. Huy hiệu ở phía trên là bó đuốc, dưới có dòng chữ FISE. Nay tìm trên mạng không còn thấy nữa!

Thế rồi nhân dịp kỷ niêm 10 năm ngày “Bác Hồ gửi thư cho ngành giáo dục” 15/10/1968 – 1978, không biết ai nghĩ ra và quyết định lấy ngày 15 tháng 10 làm “NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM”. Nhà nước chỉ thị, tổ chức mít tinh, tuyên truyền ầm ĩ, băng rôn, cờ quạt tưng bừng, nhảy múa, ca hát rối rít... Nhưng lạ, đến 20/11, HS, phụ huynh cứ đi thăm thầy cô, tặng hoa, tặng quà túi bụi, át cả ngày Nhà giáo VN 15/10. Chẳng lẽ 2 tháng có 2 ngày Nhà giáo?

Thế là, ngày ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đành ban hành quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam". Hóa ra “phép vua thua lệ làng”. Thế là 20/11 từ ngày “Quốc tế” thành ngày “Quốc gia” của các nhà giáo Việt Nam.


Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Trong hình ảnh có thể có: văn bản



Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

NGÀY NÀY NĂM XƯA:
19-11-1938: Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp qua đời

Thương cho một kiếp tài hoa mệnh bạc

Số phận ưu ái cho chàng thi sĩ ấy một phần tài hoa, nhưng kéo theo đó là mấy phần truân chuyên. Phải chăng hồn thơ thấm đẫm ưu tư ấy được xây nên từ những đa đoan của kiếp người.

Khi nhắc đến cái tên Nguyễn Nhược Pháp với nhiều độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, có lẽ sẽ nhận lại những cái lắc đầu. Nhưng những lời ca quen thuộc của bài thơ mà sau này là bài hát Em đi chùa Hương, thì luôn ở trong lòng nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam. Ít ai biết rằng, đằng sau con người viết nên những vần thơ đầy chất nhạc và thấm đẫm hồn quê ấy lại là một  câu chuyện buồn.

Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12/12/1914 tại Hà Nội. Ông là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Sinh thời, cha ông vốn là một người hào hoa, phong nhã và đặc biệt rất đa tình. Những năm đầu thế kỉ XX, học giả Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ nổi tiếng tài cao học rộng mà còn là người giàu có, sở hữu nhiều đất đai và biệt thự trong nội thành Hà Nội.

Trong đó, có một căn biệt thự rộng ở gần bờ Hồ, đoạn giáp giữa phố Lý Quốc Sư và phố Hàng Trống được ông dùng làm khách sạn. Đây chính là nơi gặp gỡ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và giai nhân Phan Thị Lựu. Bà Lựu là con gái của một thổ ty giàu có ở Lạng Sơn, ngoài dáng vẻ thướt tha bà còn giỏi ăn nói và rất thạo tiếng Pháp.

Mỗi khi có dịp về Hà Nội, bà Lựu lại nghỉ ở khách sạn của ông Vĩnh để tiện thăm thú phố phường. Dù đã có vợ con đề huề nhưng nhìn thấy vẻ đẹp sắc sảo, kiêu sa của người con gái phố Đồng Đăng, trái tim đa tình của học giả Nguyễn Văn Vĩnh bị khuất phục ngay lập tức.

Nguyen Nhuoc Phap: Thuong cho mot kiep tai hoa menh bac hinh anh 1

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh: tư liệu.

Hằng ngày, vào buổi trưa, học giả Nguyễn Văn Vĩnh sẽ tới khách sạn ăn cơm, trò chuyện và đưa bà Lựu đi dạo. Đến tối, ông Vĩnh lại về ngôi nhà trên phố Mã Mây với bà vợ cả là Đinh Thị Tính và các con. Cậu bé Nguyễn Nhược Pháp ra đời chính là trái ngọt cho mối tình đậm màu sắc tiểu thuyết của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và bà Phan Thị Lựu.

Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, khi Nguyễn Nhược Pháp lên 2 tuổi thì bố ông say mê một cô đào lai Pháp vô cùng xinh đẹp. Vui bên tình mới, học giả Nguyễn Văn Vĩnh có phần lạnh nhạt với bà Phan Thị Lựu.

Khi mọi chuyện vỡ lỡ, quá đau khổ, buồn bã và quẫn trí, bà Lựu đã tự tử. Sau cái chết của người vợ hai, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đem cậu con riêng còn chưa nói sõi về cho vợ cả là bà Đinh Thị Tính nuôi nấng.

Là người phụ nữ truyền thống, tính tình nhân hậu, lại cam chịu, bà Tính đồng ý nuôi con riêng của chồng, không buông một câu oán thán. Cùng là phận đàn bà, bà chỉ trách bà Lựu sao lại quẫn trí đi “ghen ngược” rồi làm điều dại dột, bỏ lại đứa con còn chưa nhớ được mặt mẹ. Bởi chính bà Tính mới là người phải đánh ghen.

Là phận con riêng, nhưng Nguyễn Nhược Pháp được mẹ cả yêu thương, đối xử công bằng như con ruột. Khi bà Đinh Thị Tính mất, bà yêu cầu con cháu an táng bà cạnh phần mộ của cậu con cưng Nguyễn Nhược Pháp. Tuy không cùng một mẹ sinh ra, nhưng cùng sống dưới một mái nhà từ thuở nhỏ, các con của học giả Nguyễn Văn Vĩnh sống với nhau rất tình cảm, không có sự phân biệt.

Là một người tiếp xúc với nền Tây học từ rất sớm, lại giỏi tiếng Pháp nhưng khác với tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ, nhờ sự ảnh hưởng của cha, Nguyễn Nhược Pháp có một lòng yêu thích đặc biệt với văn hóa và văn học dân gian. Các tác phẩm như: Chùa Hương, Sơn Tinh- Thủy Tinh, Chuyện Mị Châu, Giếng Trọng Thủy… thể hiện rõ điều đó.

Trong thơ Nguyễn Nhược Pháp luôn thấp thoáng bóng một người con gái dịu dàng với làn da trắng và đôi môi đỏ. “Nàng thơ” ấy chính là “ánh chiếu” của tiểu thư Đỗ Thị Bính, con của thương gia Đỗ Bá Lợi. Bà là một trong “tứ đại mỹ nhân Hà Thành” thời bấy giờ. Bà cũng chính là người con gái mà sinh thời nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp thầm thương trộm nhớ.

 Nguyen Nhuoc Phap: Thuong cho mot kiep tai hoa menh bac hinh anh 2
Bà Đỗ Thị Bính, bóng hồng trong nhiều bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh: tư liệu.

Mỗi lần đi qua hiệu buôn của thương gia Đỗ Bá Lợi, ở phố Hàng Đẫy, chàng công tử Nguyễn Nhược Pháp khi ấy, đã bị hút hồn bởi vẻ ngoài của giai nhân đài các.

Người ta kể rằng cô Bính có làn da trắng nõn, mịn màng, ý thức được thế mạnh của mình, cô tiểu thư xinh đẹp vẫn thường mặc đồ màu đen. Nguyễn Nhược Pháp vẫn gọi cô Bính là “người con gái áo đen”.

Tuy hào hoa, nhưng Nguyễn Nhược Pháp lại không thừa hưởng sự bạo dạn của người cha. Không chỉ viết thư, chàng thi sĩ còn làm thơ đề tặng tiểu thư Bính và nhờ người gửi tới phố Hàng Đẫy, chứ không dám hẹn gặp người đẹp. Lúc bấy giờ, quan niệm phong kiến vẫn còn ảnh hưởng nặng nề nên cặp “trai tài gái sắc” lâm vào cảnh “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.

Năm 1938, sau cái chết của hai chị gái và cha, Nguyễn Nhược Pháp đau lòng và lâm bệnh lao hạch. Chàng thi sĩ ấy ra đi ở tuổi 24, khi tài năng mới chỉ bắt đầu và vẫn chưa được gặp mặt để ngỏ lời với giai nhân. Biết tin Nguyễn Nhược Pháp mất, bà Đỗ Thị Bính rất đau lòng, mối tình tưởng như rất đẹp vì “sinh ly tử biệt” mà dang dở.

Theo Zing


  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...