Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018


  MỘ 
                                                                                    
                                                  Sống về mồ về mả
                                                               Chẳng ai sống cả bát cơm




 Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ bần hàn… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả.
Trăm năm nào có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. (Nguyễn Gia Thiều)
Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty , cõi âm, âm phủ, địa phủ hay vào chín tầng địa ngục. Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh của một thế giới khác,
Dù theo quan niệm nào, người Việt chúng ta vẫn coi trọng nấm mồ của người đã chết và ao ước ngàn đời của dân ta vẫn là: “Sống đẹp nhà, làm ma đẹp mồ 
 Người thường dân nhìn thế giới mai sau không hoàn toàn tách rời khỏi hiện thế. Thế giới mai sau cũng không phải là "mạt thế", theo nghĩa "tận thế", đó là một thế giới rất cụ thể:
"Sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm."
Hay:
"Sống mặc vải Bùi, chết vùi vàng tâm."
     Và: “Trần sao âm vậy”. Bởi thế mới có lễ Tảo mộ vào Tết Thanh minh, hay đi thăm mộ nhân ngày giỗ hay vào những ngày năm hết tết  đến với tâm nguyện mời người nằm dưới mồ về ăn giỗ Tết với gia đình cùng với tục đốt vàng mã cho người ở dưới suối vàng.




Vậy mà tôi đã có tội với tổ tông, hơn hai chục năm không nhìn ngó gì tới mộ phần của gia đình. Lỗi không hoàn toàn ở tôi mà một phần vì hoàn cảnh. Tôi không ở làng mà ở với ông cậu ruột ngoài Hà Nội để ăn học. Đường về quê không xa, chỉ vừa đúng 8 cây số, đi hai chặng tàu điện từ chợ Hôm lên Bờ Hồ rồi từ Bờ Hồ về Cầu Giấy 7 cây số mất hơn một giờ, sau đó cuốc bộ thêm một cây nữa là về đến làng. Nhưng việc học không phải muốn về lúc nào cũng được lại thêm cậu tôi rất nghiêm khắc, thường chỉ cho về ít ngày vào dịp hè hay mấy ngày nghỉ tết. Hàng tháng u tôi ra thăm một lần, vừa thăm con vừa thăm gia đình em trai và thêm một việc là gánh theo một nồi gạo ngon biếu cậu mợ tôi, gọi là đóng góp chút phần cho con ăn học. Những năm sau hòa bình lập lại, làng quê lại đầy biến động khi CCRĐ nên tôi lại càng không thể về. Quê tôi lại có tục tảo mộ và việc họ vào những ngày sau Tết. Ở quê đã có anh tôi tham dự các việc ấy và đóng góp đủ hai suất đinh cho hai anh em nên mọi người từ trong nhà đến trong họ coi thế là đầy đủ.

Năm 1957, không khí yên bình đã trở lại với làng, anh em tôi đều đã trưởng thành, cậu tôi đã di cư vào Nam, tôi mới có dịp về nghỉ hè dài ngày ở quê và mới hỏi chuyện về mồ mả
cùng các ngày giỗ kỵ của gia đình. Bấy giờ mới biết: Mồ mả thì chỉ có hai ngôi của ông nội và bà nội Liêm nhưng ngôi mộ ông nội đã bị mất nấm vì những trận vỡ đường nhiều năm về trước; nay mỗi lần tảo mộ cũng chỉ hương khói ở chỗ đất còn đọng trong trí nhớ mà thôi. Tháng Mười năm ấy, sau vụ gặt, tiết trời trong sáng và khô ráo, anh tôi nhắn tôi về để tìm mộ ông nội. Anh mời ba bốn người trong họ tham dự và thuê mấy người đào bới. Mộ ông nội trước đặt ở trong một bãi đất nhỏ bên cạnh cái ao lò lớn ở gần chùa Hà. Ao lò là ao hình thành từ  tay các daan đào đấu lấy đất làm gạch thường ở xa làng, rất sâu và rộng. Ao thường chỉ thả bèo tây, nước trong vắt nhưng không ai dám tắm hay giặt giũ một phần vì xa khu dân cư nhưng phần chính là lời đồn thổi truyền đời rằng dưới ao lò có con nam nam chết đuối chỉ chờ dịp là lôi chân người dìm xuống ao chết để nó được đầu thai kiếp khác. Cuộc đào bới tìm kiếm mất gần trọn một ngày nhưng không thấy một chút dấu vết nào. Ai nấy đều cho rằng chiếc tiểu sành đựng xương cốt của cụ đã bị nước xoáy cuốn xuống ao lò rồi mệt mỏi chán nản ra về.

Khi bà nội Chi qua đời lại thêm một ngôi mộ. Bấy giờ tôi ở ngân hàng Thuận Châu thủ phủ Khu tự trị Thái Mèo không về chịu tang được. Sau đó vì chuyện bỏ việc ở Ngân Hàng Thuân Châu, tôi tìm đường thoát khỏi cảnh bị địa phương quản lý và giáo dục, chui lủi xuống Hải Phòng xin một chân giáo viên dân lập cấp 2, mai danh ẩn tích mấy năm cho đến khi mọi chuyện đã mờ nhạt thì chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của Mỹ mở rộng, tôi phải nhập ngũ rồi lại được thoái ngũ trở lại nghề “Godautre” nhưng phải sơ tán về nông thôn, không mấy dịp dám lặn lội dưới bom đạn về quê thăm nhà nói gì đến viếng thăm hai nấm mộ của hai bà nội




 Thế rồi sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, về quê tôi mới hay tin mộ bà nội Liêm lại mất nấm vì mộ đặt ở rìa bãi, bị người ta phát bờ cuốc góc ruộng lấn dần vào rồi mưa gió góp phần làm sụp đổ không còn dấu vết. Thế là mộ bà cũng chẳng được như mộ Đạm Tiên “sè sè nấm đất bên đường” mà mất hẳn hình hài trong con mắt mọi người. Hương hoa cho bà những ngày tảo mộ lại đặt vào chỗ đất theo trí nhớ! Năm 1997, theo phong trào nhờ các nhà ngoại cảm tìm mộ, gia đình tôi cũng mời một thầy về giúp đỡ. Lúc nhận lời thầy nói như đanh đóng cột đã nhìn thấy nấm mộ nằm ở đâu rồi nhưng khi vào thực địa thì thầy lắc đầu bảo để về xác định lại rồi mất tăm luôn. Mà chúng tôi cũng nản lòng tin không muốn trở lại vấn đề nữa.

Năm 2006, u tôi qua đời, được hỏa thiêu tại Đài hóa thân Hoàn Vũ Văn Điển. Làng Dịch Vọng đã thành phường, các bãi tha ma làng đã bị giải tỏa gần hết, quy tụ về nghĩa trang thành phố Hà Nội ở tận Bất Bạt Sơn Tây, cách làng tôi gần bảy chục cây số. Thấy ở làng vẫn còn một vài mảnh đất của tư nhân bán cho những ai muốn tạm đặt mồ ở đấy chờ khi nào giải tỏa đền bù thì đem đi một thể. Tôi đề xuất ý kiến mua một miếng đất như thế, đợi 49 ngày u tôi thì đặt bình tro vào đấy cho linh hồn u được mát mẻ. Nhưng anh tôi không nghe, lấy cớ đặt đâu thì đặt một lần cho xong, không vẽ vời hai lần. Tôi lại bảo, vậy đưa hẳn bình tro lên Bất Bạt, thì ông ấy bảo hãy đợi ngày tháng thuận lợi sau. Thôi đành để quyền ông anh trưởng quyết.

Từ khi u mất, nhà chúng tôi có 5 cái giỗ: Ông nội, hai bà nội, ông Cát và ông Cổng giỗ chung và u tôi. Nhưng mộ chỉ có mỗi một ngôi. Buồn rơi lệ, nên ngày giỗ ông nội mồng chín tháng Chín 2006, tôi có mấy dòng thơ:

MỒ MẢ GIA TIÊN CẢM TÁC

"Sống đẹp nhà, làm ma đẹp mồ"
(Thành ngữ)
                                 
Nhà có năm cái giỗ
Mộ chỉ có một ngôi
Khói hương tìm nghẹt thở
Hồn tổ tiên đâu rồi

Sau mấy cơn lũ lụt
Mộ ông nội cuốn trôi
Con cháu không đoái hoài
Mộ bà nội mất nấm

Giỗ chung ngày chung tháng
Hai ông bác chết non
Dẫu thiêng như ông mãnh
Mộ cũng đâu có còn!

Bố bỏ nhà biệt xứ
Sống chết nào ai hay
Con có lòng tưởng nhớ
Đâu biết tháng biết ngày!

Mẹ chết đã nửa năm
Vẫn chưa có đất nằm
Bình tro còn kí gửi
Trong căn phòng tối tăm!

Chỉ còn bà nội cả
Mẹ hai bác chết non
Lẻ loi một nấm cỏ
Chết vẫn còn cô đơn!

Nhà có năm cái giỗ
Nhưng mộ chỉ một phần
Khói hương tìm muôn ngả
Đâu thấy người muôn năm!


Bình tro của u tôi ký gửi ở phòng số 3 của nghĩa trang Văn Điển. Năm hai lần, vợ chồng tôi về viếng u vào tết Thanh minh và vào những ngày năm hết tết đến bằng hai chặng xe buýt khởi từ Hà Nội. Căn phòng rộng chừng 20m2, ba mặt tường, mỗi mặt gắn một giá ba tầng, mỗi tầng chia làm nhiều ô; các bình tro ký gửi được đặt trong những ô đó, có số thứ tự, có khóa bảo quản. Khi có người đến viếng, hai ngọn đèn nê ông được bật sáng còn không thì ngày tối mù đêm tối mịt, ẩm thấp quanh năm. Tết Thanh minh 2007 viếng u, tôi buồn cảm tác viết mấy dòng thơ sau:

THANH MINH
                 
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Mẹ đâu được thấy cỏ hoa ngoài trời.
Bình tro miệng gắn chặt rồi
Một căn hộc nhỏ, khóa ngoài lạnh tanh.
Nào ai nô nức yến anh,
Nào ai trẩy hội đạp thanh dập dìu?
Căn phòng kí gửi cô liêu,
Con về thăm mẹ chín chiều ruột đau!

 Sau hai năm rưỡi, bình tro di cốt của u tôi gửi trong căn hộc nhỏ đó mới được chuyển lên nghĩa trang Bất Bạt xa xôi cách trở vào ngày Bính Tý 6 tháng Mười một năm Mậu tý, nhằm ngày 2 tháng 12 / 2008!



 Công việc tiến hành từ 5 giờ rưỡi sáng đến 2 giờ chiều mới hoàn tất. U tôi đã có nơi yên nghỉ cuối cùng nhưng đường xá xa xôi cách trở quá, chị em tôi thì đã đang tuổi về già, các cháu kẻ xa đứa gần đều phải lo mưu sinh, không dễ gì mỗi lúc lên hương khói cho cụ. Lại buồn, cảm thán với lời từ biệt vong linh cụ:
Mẹ về yên nghỉ xứ Đoài
Cháu con cách trở ai người viếng thăm?!






Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018



NÓI LÁO MÀ CHƠI


Bồ Tùng Linh

Khoe còm he he
Nguyễn Quang Lập

Từ Ngày bọ mở blog có rất nhiều cái còm hay, nhiều còm viết kì khu như một bài phê bình thực thụ, đó là những cái còm của Lê Mai, Stranger, Sao Hồng, Gocomay, Nguyễn Lâm Cúc, Tú Trinh, Đông A…Nhưng chưa có cái còm nào lại viết hẳn một cái truyện, truyện hay hẳn hoi, để còm cho Quê choa chí dị 1- phần 2 như cái còm của Người làng cốm. Bọ rất mừng và cảm động, vội vàng post lên đây khoe với bà con


NÓI LÁO MÀ CHƠI




Tiên sinh Bồ Tùng Linh đang ngồi bên cốc bia hơi óng ánh vàng như mật ong trong quán Âm Hồ (Không phải là quán bia hơi Vân Hồ, nơi trao giải phê bình “K‎y‎ Ức Vụn”) thì tên tiểu đồng hớt hải chạy vào:

– Dạ, thưa thầy,…thưa thầy,…


– Có việc gì con hãy bình tĩnh nói ta nghe!- Bồ tiên sinh nhẹ nhàng nói.

– Dạ, thưa thầy, ở nước Annam trên dương thế có một tên văn nô vừa mới tung ra 2 kỳ thiên truyện “Quê choa chí dị”!


– Sao lại gọi người ta là văn nô?

– Dạ, con đâu có dám mà chính gã ta khoe mình là văn nô, lại còn khoe là đồng liêu với tên sử gia Dương Trung Quốc nào đó. Hiện gã đang mở một chiếu rượu lớn và bọn người biết đọc trên trần xúm đông xúm đỏ trên cái chiếu rượu đó.

– Chúng tụ tập cùng nhau say sưa nhậu nhẹt à?

– Dạ, không phải! Chiếu rượu đây là cái blog “Quê choa” trên mạng của Nguyễn Quang Lập, tên đầy đủ của gã văn nô đó. Gã còn được cư dân mạng gọi nôm na thân thiết là bọ Lập. Trang blog này chuyên đăng tải các bài gã viết và các bài thấy trên mạng mà gã cần chuyển tải cho nhiều người được đọc vì hàng ngày, có tới dăm bảy nghìn kẻ vào thăm blog của gã; và hàng trăm kẻ đọc xong đã viết bình luận phản hồi mà bọn chúng gọi là “còm” rất nhiệt tình trong khi chủ nhân nhiều trang blog khác mơ được dăm ba cái còm cũng không có nổi.

– Không biết văn vẻ “Quê choa” ra sao mà lắm người đọc và bình luận thế? Mà sao cái nước Annam ngày nay nảy nòi ra nhiều Kim Thánh Thán làm vậy!

– Dạ, gã nhà văn bọ này có nhiều bạn đọc không chỉ vì văn tài mà còn vì tấm lòng của gã. Ý con nói là, gã trân trọng từng lời còm của bạn đọc và bỏ ra cả chục tiếng đồng hồ mỗi ngày để recòm tức là trả lời từng cái còm một. Gã nói, mỗi cái còm hay của bạn đọc là một niềm hạnh phúc đối với gã!

– Đúng là một nhà văn có cả tài có cả tâm đấy! Thế con có biết “Quê choa chí dị” viết về cái gì không?

– Dạ! thưa thầy, con không biết ạ, vì con đâu có biết đọc biết viết cái chữ của bọn người trần mắt thịt !- Tên tiểu đồng gãi đầu bẽn lẽn đứng yên một lát rồi laị mạnh dạn nói tiếp- Nhưng con nghĩ, gã bọ này viết “Quê choa chí dị” ắt hẳn là bắt chước theo “Liêu trai chí dị” của thầy rồi. Con sợ gã lại đạo văn của thầy.

– Sao con lại nghĩ thế?

– Dạ thưa, ở cái nước An nam của gã văn nô ấy mấy năm nay nạn đạo văn nghệ phát triển mạnh như nấm độc mọc sau mưa phùn: Bọn nhạc sĩ đạo nhạc, bọn hoạ sĩ đạo tranh, bọn nhiếp ảnh đạo ảnh, bọn văn sĩ đạo văn; gần đây bọn dịch thuật cũng đạo thơ của người làm thơ của mình luôn. Con e rằng gã văn nô Nguyễn Quang Lập cũng một phường trộm cắp văn chương nghệ thuật ấy. Cả một đời thầy chịu đói khổ, vắt óc hoà máu mới có được bộ kỳ thư “Liêu trai chí dị” 431 thiên mà nay bị nó trộm cắp thì đáng giận lắm!




Người Làng Cốm 2009


– Con không nên vội nói như thế.- Bồ Tiên sinh vẫn khoan dung nói- Tốt nhất, con hãy lên ngay trần thế nước Annam xem có cách gì đem về cho thầy hai kỳ “Quê choa chí dị” để thầy đọc rồi hãy hay!
Chú tiểu đồng gãi gãi đầu như mở khóa bộ óc rồi nhoẻn cười rất tươi:

– Dạ, thưa thầy, con có cách rồi! Con sẽ thuê người ta copy rồi in ra một bản đem về cho thầy đọc!
Nói rồi, không đợi phép của thầy, thằng bé con con thoắt biến đi ngay. Và đúng lúc vại bia của Bồ tiên sinh vừa cạn, thì chú bé đã trở về kính cẩn dâng lên trước mặt thầy một tập giấy A4. Bồ tiên sinh xốc lại gọng kính, mở cuộn giấy ra chăm chú đọc ngay. Xong, ngài mỉm cười, nhìn chú tiểu đồng:

– Con nghi oan cho người ta rồi! Hầu hết các truyện ta viết trong “Liêu trai chí dị” nói về thần tiên ma quái, hồ li lang sói, hổ báo khỉ vượn, voi rắn độc trùng cho tới cây cỏ hoa lá, khói mây gạch đá v.v. nhưng không chỉ vậy, xuyên suốt các tác phẩm là những câu chuyện về người và việc trong cuộc sống hiện thực. Tất cả những đề tài trên đã được ta xử lý khéo léo, ít nhiều ngầm ý chỉ trích nền chính trị tàn bạo của triều đình Mãn Thanh đương thời, phê phán thói hư tật xấu của bọn nho sỹ, thể hiện những tư tưởng dân chủ trong vấn đề hôn nhân và tình yêu. Còn “Quê choa chí dị” của Nguyễn Quang Lập viết về những chuyện kỳ dị ở miền đất quê hương ông ta, chả dính dáng gì đến văn vẻ cũng như cốt truyện của ta hết.
Nghe thầy nói, chú tiểu đồng thành khẩn nhận lỗi ngay:

– Thế mà con cứ nghĩ xấu cho Nguyễn Quang Lập. Để rồi, con sẽ tìm cách báo mộng xin lỗi ông ta. Dạ, thưa thầy, thế ông ta viết có hay không ạ?
Bồ tiên sinh gật đầu:

– Hay lắm và cũng lạ lắm, con ạ! Văn ông ta cứ như lời nói trong miệng chảy ra rót vào mắt vào tai người đọc một cách rất tự nhiên. Mà chuyện ông ta kể cũng rất quái dị nhưng cũng rất đời thường. Chẳng hạn nói con chôông là giống ma l., muốn chôông bò ra cho bắt thì vuốt chim thật thẳng rồi nhét vô hang, dập thật mạnh vào, một lúc chôông sướng củ tỉ, bò ra liền. Ta đã sống tạm trên trần thế 71 năm nhưng chưa bao giờ được nghe chuyện đó. Hay là chuyện từ ngọn cây trâm bầu trước mặt một đống đen thui to bằng cái rổ rơi xuống cái xoạp, tiếng rơi như đống áo quần ướt rơi trên cát khiến hai đứa trẻ sợ toát mồ hôi, lạnh cột sống tưởng có con ma to lắm đang hiện hình. Nhưng khi đi về phía cây trâm bầu, nơi có đống đen thui rơi xuống thì chẳng thấy ma đâu mà chỉ có vệt hằn cái lưng và hai cái cùi chỏ tay…Kỳ 2 có chuyện cũng ghê ghê: anh cu Thái, bí thư chi đoàn đang đuổi bắt kẻ rình trộm mình thì bỗng kêu lên ối á rồi ngã lăn quay ra, ôm hạ bộ quằn quại, nói có đứa bóp dái anh, cấp cứu cấp cứu như bị ma làm. Lại có chuyện này mới thật lý thú: Chuyện đồng chí Mao Trạch Đông ở cố quốc Trung Hoa vĩ đại của chúng ta vì hoạt động trong lòng địch nên đã phải lấy rất chi là nhiều vợ để che mắt quân thù khiến ai nấy đều khen người Tàu ta mưu lược. Đại để là thế, con ạ!

– Dạ, thưa thầy, nếu đúng thế thì đọc “Quê choa chí dị” vừa sờ sợ vừa buồn cười chứ không hoàn toàn kinh hãi mất hồn như đọc “Liêu trai chí dị” của thầy với những cuộc ái ân, giao hợp dị kỳ giữa người nam và nữ là hồ ly tinh hoặc quỷ quái nguyên là thú vật như chồn, cáo, sói…, kể cả côn trùng.

– Con hiểu đúng lắm!- Bồ tiên sinh ban lời khen ngợi cho chú tiểu đồng rồi trầm ngâm giây lát- Mà kể cũng lạ! Thời ta sống tạm trên trần cách đây đã ba thế kỷ, khoa học chưa phát triển, con người còn sống mông muội nhiều chuyện ma quỷ đã đành. Lại thêm ở đời bấy giờ nhiều người rất thích nghe chuyện láo, chuyện ma qủy vì chuyện đời thực… chán quá! Chính vì thế, đầu tập “Liêu trai chí dị” của ta, Vương Ngư Dương đã đề bài thơ nổi tiếng mà một danh sĩ nước Annam tên là Tản Đà cũng đã dịch tuyệt hay:

“Nói láo mà chơi nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời”

Còn bây giờ trần gian là thế kỷ 21, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh như ánh sáng, cuộc sống của loài người đầy văn minh hiện đại mà sao vẫn còn lắm chuyện ma quái và người đời vẫn rất thích nghe các chuyện đó? Chả nhẽ chuyện đời thực ở trên ấy hiện tình cũng …chán quá hay sao?

Nghe thầy hỏi, chú tiểu đồng lễ phép thưa:

– Dạ, thưa thầy, con được thầy hay cho phép lên trần thế chơi, con thấy trên ấy cũng nhiều chuyện nhiễu nhương lắm. Không nói về nước Mỹ siêu cường hay nước Trung Hoa đông dân nhất địa cầu, cố quốc của chúng ta mà chỉ nói riêng cái nước Annam nhỏ bé của nhà văn bọ Lập đã có không biết cơ man nào là chuyện đáng chán. Thầy chẳng cần đi thực tế, cũng chẳng cần đọc báo chí hay nghe đài, xem tivi mà chỉ cần lướt qua mấy mấy cái tiêu đề trên blog “Quê choa” mới đây cũng đủ thấy cái sự đời chán ngán đó, ví dụ như: Không thể hiểu nổi, Tàu thì lạ sự hèn hạ thì quen, Nghĩ về sự đồng thuận, Ai ăn ai lăn vào bếp, Đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ…
Chú bé định thao thao một lô tiêu đề nữa thì Bồ Tiên Sinh ra hiệu ngừng lại:

– Thôi, để hôm nào đẹp trời, con đưa ta lên trên đó thăm thú một lần xem sao. Còn bây giờ, đọc xong hai kỳ “Quê choa chí dị” ta tự nhiên thấy nhớ bút nghiên quá. Ta cũng muốn viết ngay vài dòng bình luận phản hồi cùng Nguyễn Quang Lập lắm nhưng tiếc là ở Cõi Âm chẳng có một chiếc máy vi tính nào. Người trần mới chỉ đua nhau đốt mã tải xuống đây đủ mọi thứ vàng bạc châu báu, nội tệ, ngoại tệ, đầu máy, ti vi, xe máy, nhà lầu, xe hơi thậm chí cả người hầu kẻ hạ mắt phượng mày ngài đẹp hơn cả hoa hậu…Trần sao âm vậy mà sao chưa một ai đốt máy vi tính cho người âm? Chả lẽ bọn hàng mã chưa sản xuất nổi loại hàng này hay sao?

– Dạ thưa thầy, không phải thế ạ. Theo con biết thì trên dương thế hơn 6 tỉ người mới có khoảng 1,6 tỉ người có khả năng tiếp cận Internet trong số đó có một thực tế cay đắng là chưa tới một nửa có thu nhập đủ hấp dẫn các nhà quảng cáo. Ở một số nước, người dân còn bị cấm đoán, chẳng biết mặt mũi cái máy vi tính nó ra sao. Ngay ở nước Annam mà con vừa lên chơi, hầu hết trong số trên tám mươi triệu dân vẫn còn lạ lẫm với Internet lắm!
Bồ Tiên sinh khẽ thở dài:

– Thế thì thầy muốn có một cái máy tính để online cũng khó thay!
Chú tiểu đồng lại gãi đầu ngẫm nghĩ và chưa đầy một phút trên môi chú đã nở nụ cười phấn khởi:

– Dạ, thưa thầy, không khó lắm đâu ạ! Ở cố quốc Trung Hoa chúng ta hiện giờ không cấm Internet. Thầy có thể báo mộng cho ai đó trong số các hậu duệ của thầy đốt mã cho thầy một cái máy tính, thế là có ngay ạ!
Bồ Tiên vui sướng nhìn vẻ mặt rạng ngời của chú tiểu đồng, khen ngợi:
– Con thật thông minh dĩnh ngộ! Ngay đêm nay ta sẽ báo mộng cho một đứa chắt chít của ta đang sống ở cố hương Sơn Đông. Có được máy tính, ta sẽ còm ngay với Nguyễn Quang Lập. Còn bây giờ ta về nhà thôi chứ con!

See the source image

Dứt lời, tiên sinh đứng dậy ngay và khoan thai cất bước. Chú tiểu đồng vội nâng cái túi của thầy theo sau. Men bia hơi quán Âm Hồ hòa với men văn “Quê choa chí dị” khiến tâm hồn tác giả “Liêu trai chí dị” lâng lâng như bước trên những con sóng êm ả. Bồ Tiên sinh cất tiếng ngâm nga:

“Nói láo mà chơi, nghe láo chơi…”

Advertisements
Bình chọn
57 thoughts on “Khoe còm he he”

1. Gocomay29.07.2009 lúc 3:21 sáng
Bác Cốm Làng Vòng đã ngoại thất tuần rùi mà còn chịu chơi quá đi thui. Trước thấy bác chỉ “còm” ngắn, cứ tưởng bác chỉ thích “chơi trống bỏi” chút gọi là để “níu” xuân xanh. Nhưng nay bác phảng cả một còm dài mà hay cỡ ấy thì kính phục bác quá mất rùi. Bác đúng là cụ “mọt sách” có cỡ của xứ An Nam mình thiệt rùi.
Qua quê choa, xin chúc bác luôn phong độ để “chim đầu đàn” mãi cho lớp trẻ yêu chữ nghiã xứ mình noi theo và thăng tiến mãi!

1.  NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết29.07.2009 lúc 6:41 sáng
bác Gocomay qua văn vận người rất giỏi. Bac NLC đã trên 70 vẫn như thanh niên cả sức khỏe lẫn trí não, tư duy còn tuô mới lắm, cảm phục

2. Nụ Cười28.07.2009 lúc 1:41 chiều
Hay quá ! Cái còm đáng khoe lắm ! Một truyện ngắn rất hay và thâm sâu !  

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết28.07.2009 lúc 2:24 chiều
Ua chầu NC đi môi về mà mần một loạt com như ri hè

3. bachduongqt306527.07.2009 lúc 10:57 sáng

Bởi: Sao Hồng ngày 26.07.2009
lúc 6:26 chiều
“Bạch Dương ơi, gợi chuyện nhâm nhi với “cốm xanh”, vô tình làm bác “Người Làng Cốm” buồn lắm đó. Nỏ được như Đông Hà thị lên Đông Hà thành của BD. Làng cốm của bác í nay bị quy hoạch thành đất Quận của thủ đô rồi. Mai đây còn ruộng vườn mô nữa mà có cốm xanh cốm vàng nhâm nhi với chuối ngự và rượu nút lá chuối hột ???
Bạch Dương làm bác Người Làng Cốm đang tủi thân tê tề ! He he…”
Chào anh QL ! Oa chầu chầu anh QL ơi ? Răng mà BD kiếp trước có duyên nợ chi với các “siêu sao” ko nhỉ ^_^ ? Mà bựa trước có bạn sao nhỏ ( may là sao nhỏ chứ là sao to e thôi rồi Lượm ơi huhi ). Bựa ni lại được bạn Sao Hồng hỏi thăm với 1 mũi tên bắt trúng 2 đích ( vừa nói Đông Hà của BD lại vừa nói Thủ đô của Bác NLC ) quả là đáng nể…đáng nể…
Sao Hồng ơiiii dù Thủ đô trái tim của đất nước bị quy hoạch thành sân gôn 18 lỗ hết thì cốm xanh cốm vàng vẫn còn đó …trong đời thường và cả trong ký ức của mỗi người dân VN , giống như 2 lá thư của chị Biển Khơi gửi cho anh Binh Chủng hy sinh trong trận 81 ngày đêm tại Thành Cổ QT yêu thương, vẫn còn vẹn nguyên trong Bảo tàng Thành Cổ, cứ mỗi lần khách cả nước đến tham quan đều nghẹn ngào nước mắt khi cô hướng dẫn viên đọc lá thư ấy… BD nỏ biết bạn đang ở tọa độ mô nhưng nếu chưa 1 lần nghe thì hãy ghé Bảo tàng Thành Cổ bạn nhé dù chỉ 1 lần đi ngang… như cua ^_^
Hi,BD mượn blog anh đùa vui với bạn SH tý, BD gửi sách nhanh cho anh sáng ni rồi nhé ! Nhận được đừng giật chắc nhé ! Hiiiii

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết27.07.2009 lúc 11:12 sáng
he he cảm ơn BD, tối qua xem truyền hình trực tiếp thấy chương trình nghiêm trọng quá, hơi nặng nề

4. Bùi Ngọc Thảo Ly27.07.2009 lúc 10:49 sáng

Vì cái còm của Người làng Cốm quá đặc biệt, Bọ còn không biết post phần 3 lẹ hơn kế hoạch một chút cho bà con nhờ, he he…

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết27.07.2009 lúc 11:10 sáng
hi hi bọ đang cố nhưng cũng khó hoàn thành nhiệm vụ BNT giao

5. hoacuc8127.07.2009 lúc 9:02 sáng
Tuyệt thật, Bọ à. Bọ viết hay mà còm cũng hay nữa. Cái thú nhất của cháu khi đi làm là đọc blog của Bọ đấy. (Nói nhỏ chứ sếp cháu mà biết thì…)

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết27.07.2009 lúc 9:06 sáng
hi hi biết đâu sếp cháu cũng đọc blog bọ thì sao?
2. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết27.07.2009 lúc 8:20 sáng

He he lại được top post

6. Nunu26.07.2009 lúc 9:21 chiều
hehe…thiệt là một cú còm đáng đã bọ hị! Khen nhau thế mới tài chứ lị! Học hỏi! Học hỏi!^^

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 9:56 chiều
Ua chầu chầu, lâu ngày quá Nunu hè, có giôông chưa rứa?

8- duymanvu26.07.2009 lúc 8:11 chiều
Bọ thật xứng đáng với những lời khen của Bồ Tùng Linh và sự hâm mộ của bạn đọc. Xin chúc mừng bọ.

Mèo bự26.07.2009 lúc 7:52 chiều
Hê hê, bác NLC có cái còm độc quá. Như vậy là bác đã đặt cục gạch xí một chỗ cho giải còm rồi đó.
Tình hình này muốn kiếm chai rượu của bọ uống Tết có vẻ căng thẳng đây…

2. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 8:11 chiều
độc thật, viết một cái còm bằng một cái truyện thì xưa nay hiếm

karamen26.07.2009 lúc 6:53 chiều
Có lẽ Bọ nên tổ chức buổi trao giải thưởng cho blogger Người làng Cốm ở quán Bia Vân Hồ, Linh Đàm đi thôi… heh

3. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 8:04 chiều
hi hi cũng là một sáng kiến hay

7. Dong26.07.2009 lúc 3:35 chiều
Gớm cho cái dân văn vẻ nhà Bọ, khen nhau mà có bài có bản, có lọng có tán.
Bọ cũng chớ vội mừng, khen hay thì chê cũng hay, lỡ bữa nào bị bác ấy chê thì đòn cũng thấm thấm lắm.
Có điều bữa nay mới biết Bọ được đánh giá cao quá trời. Cẩn thận Bọ ơi. Bọn em soi Bọ một, có bọn người soi Bọ mười.

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 3:52 chiều
Bọ cũng chớ vội mừng, khen hay thì chê cũng hay, lỡ bữa nào bị bác ấy chê thì đòn cũng thấm thấm lắm- chê hay bọ càng sướng, chỉ sợ chê dở thôi, chê dở bọ mới tức

8. bachduongqt306526.07.2009 lúc 3:27 chiều
Chào anh QL ! Em bảo rồi mà, nếu bác Người làng cốm mà giật giải chi đó của blog Quê choa em phải xin bác cho em 1 ly để nhâm nhi với cốm xanh gói lá sen, chắc ngon trên cả tuyệt vời
Dứt lời, tiên sinh đứng dậy ngay và khoan thai cất bước. Chú tiểu đồng vội nâng cái túi của thầy theo sau. Men bia hơi quán Âm Hồ hòa với men văn “Quê choa chí dị” khiến tâm hồn tác giả “Liêu trai chí dị” lâng lâng như bước trên những con sóng êm ả. Bồ Tiên sinh cất tiếng ngâm nga:
“Nói láo mà chơi, nghe láo chơi…”
Hiiiiiiiiiiiii chúc bác Người làng cốm và tác giả Quê ta chí dị luôn mạnh khỏe,suôn sẻ, vui vẻ để lớp trẻ noi theo

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 3:50 chiều
he he cảm ơn BD, cái còm rất liêu trai được rất nhiều người đọc, sướng

2. Sao Hồng26.07.2009 lúc 6:26 chiều
Bởi: bachduongqt3065 ngày 26.07.2009
lúc 3:27 chiều:
“…nếu bác Người làng cốm mà giật giải chi đó của blog Quê choa em phải xin bác cho em 1 ly để nhâm nhi với cốm xanh gói lá sen, chắc ngon trên cả tuyệt vời..”
***
Bạch Dương ơi, gợi chuyện nhâm nhi với “cốm xanh”, vô tình làm bác “Người Làng Cốm” buồn lắm đó. Nỏ được như Đông Hà thị lên Đông Hà thành của BD. Làng cốm của bác í nay bị quy hoạch thành đất Quận của thủ đô rồi. Mai đây còn ruộng vườn mô nữa mà có cốm xanh cốm vàng nhâm nhi với chuối ngự và rượu nút lá chuối hột ???
Bạch Dương làm bác Người Làng Cốm đang tủi thân tê tề ! He he…

3. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 6:41 chiều
he he té ra SH biết NLC à?

9. Bắctien26.07.2009 lúc 2:56 chiều
Hôm nay bọ lại có chuyện hay quá cha! Đến Bồ Tiên sinh ở nơi chín suối tại cố quốc Trung Hoa còn mong có được cái vi tính để còm với bọ Lập thì thật tiếc cho những ai ở cái nước Annam hiện nay còn chưa biết đến “Quê choa” của bọ để thỉnh thoảnh được ghé chiếu cùng bọ.
Hôm nào tui mà bận, không được ghé chiếu bọ thì nhớ bọ vô cùng.

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 3:49 chiều
hi hi cảm ơn BT, bác Người làng cốm thật hóm hĩnh khi nói cụ Bồ muốn còm với bọ. Ua chầu chầu được cụ Bồ còm cho một phát thì sướng rêm

10. dhiben26.07.2009 lúc 2:06 chiều
Ở dưới cõi Âm bên Tàu hông biết có Green Damn không he ? Nếu có chắc cụ Bồ vô Yahoo cũng chẳng được   !

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 2:31 chiều
hi hi, khỏi lo cho cụ Bồ đi, cụ Bồ quen chí dị rồi, kiểu gì cụ cũng vô được

11. thanhPQ26.07.2009 lúc 12:38 chiều
Kham phuc cai com va ca nguyen nhan cua cai com nay la “Que choa chi di cua Bo”

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 2:29 chiều
he he thay mặt NLC cảm ơn thanhPQ

12. Sao Hồng26.07.2009 lúc 12:05 chiều
“Trần sao âm vậy mà sao chưa một ai đốt máy vi tính cho người âm? Chả lẽ bọn hàng mã chưa sản xuất nổi loại hàng này hay sao?”
***
Cụ Bồ Tiên sinh chớ có dại mà mơ “Internet về… cõi ÂM” !
Lúc đó các chú tiểu đồng nảy nòi học đòi chát chít, phim phéo đâm chém,… rồi thì là khoe đồ khoe hàng tươi mát dưới cõi âm thì Cụ Bồ Tiên sinh chỉ có mà khóc nghe ! He he..

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 2:28 chiều
Chắc chi cụ Bồ khóc, biết đâu cụ được coi hàng hiệu sexy đời mới cụ càng sướng thì sao hi hi

13.  Sao Hồng26.07.2009 lúc 12:01 chiều
Bái phục Bác Người Làng Cốm ! Bốn lạy ba xá Bác !

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 2:27 chiều
he he sH cũng mần được rứa, kém chi mô hè

14. Nguyễn Hồng Khoái26.07.2009 lúc 11:27 sáng
Còm hay hoặc còm chưa hay, đã xem Bờ lóc của bọ là đọc hết. Hay thì mở diện mạo của anh còm hay kết bạn tiếp.
Không hay thì Gút bai
Dân tư vấn kế toán chỉ có vậy
Chấm hết
Chủ nhật chúc bọ vui hè

1. NGUYỄN QUANG LẬPTác giả bài viết26.07.2009 lúc 11:31 sáng
he he HK nói thẳng tưng vậy ta

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...