Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018


   LÁ THƯ TẠM BIỆT
DƯƠNG NINH NINH là một cây bút trẻ trên mạng (sinh năm 1995), rất thân thiết với nhà thơ Nguyễn Khôi, nhà thơ Đặng Xuân Xuyến và tôi, Nguyễn Bàng.
Tháng Tám ta năm 2017, Ninh Ninh lấy chồng người Trung quốc và theo chồng về Thâm Quyến. Cô gửi lá thư tạm biệt này.



Kính gửi hai ông Nguyễn Khôi, Nguyễn Bàng
        Và chú Đặng Xuân Xuyến,

        Lẽ ra cháu phải đến tận nhà hai ông và chú để nói lời tạm biệt mới là phải đạo. Nhưng vì công việc, không gian và thời gian không cho phép nên cháu đành thất lễ gửi đến hai ông và chú mấy lời nói này bằng thư điện tử. Không gian mạng đã cho cháu được biết hai ông và chú thì chắc không gian mạng cùng hai ông và chú cũng sẽ cảm thông mà tha lỗi cho cháu về sự thất lễ này.
        Hai ông và chú sẽ hỏi, Dương Ninh Ninh đang chuẩn bị đi xa? Vâng, cháu sắp phải xa thêm không chỉ gia đình và bè bạn mà còn xa cả đất nước nữa bởi cháu sắp thành một: “kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”, theo chồng về Trung Quốc rất đỗi mới lạ nhưng chắc rồi cũng sẽ quen. Còn nơi đây Sài Gòn, Hà Nội, Việt Nam, gia đình, bè bạn và cả những cuộc chơi chữ nghĩa trên mạng cho dù thân thiết mấy, yêu thương mấy cũng sẽ là quá khứ mà thôi.
        Hẳn hai ông và chú Xuyến còn nhớ trong bài ĐI TÂY VÀ ĐỌC THƠ NGUYỄN KHÔI Ở BÊN TÂY, cháu đã mượn ông Nguyễn Khôi câu thơ:
        Nhà Tây…vợ Việt ai chê cơm Tàu
        Rồi edit đi một chữ thành câu:
        Nhà Tây, chồng Việt… ai chê cơm Tàu
        Những tưởng coi đó như  là một tuyên ngôn của mình về việc sẽ lấy chồng.
        Vậy mà giờ đây chồng cháu không phải là người Việt mà là một người nước ngoài, nói cho chính xác là một người Trung Quốc. Có thể nhiều người sẽ bảo, cháu không giữ được lời hứa trong câu thơ đã tuyên  ngôn vì không thoát khỏi sự quyến rũ của một gia tộc giàu sang. Cháu xin nói ngay, hoàn toàn không phải thế mà bởi vì con đường tình, nó có lối đi riêng của nó và tình yêu, nó có tiếng nói riêng của nó.
       
Khi được tuyển vào làm cho bà chủ người Sing gốc Đài, lần đầu tiên được được gặp bà chủ, bà hỏi: Tên cháu là gì?. Cháu thưa, là Dương Ninh Ninh ạ thì bà cười rất vui và bảo, cô cũng tên là Ninh, Lý Diễm Ninh. Rất mong hai Ninh chúng ta sẽ làm việc với nhau thật tốt.
        Được mấy tháng sau, chẳng hiểu sao bà chủ lại mở album ảnh của bà trên Ipad cho cháu xem rồi chỉ vào ảnh một chàng trai chừng ba mươi nom rất khôi ngô, bà cười rất vui bảo với cháu:
        - Cháu ruột cô đấy, doanh nhân Lý Thành Cương đang sống ở Hoa lục.
        Rồi ít ngày sau, bà chủ lại bảo:
        - Cô có cho Thành Cương xem ảnh cháu. Nó khen cháu rất xinh. Hay là làm cháu dâu cô nhé!
        -Thưa cô, thiếu gì các cô gái Trung Quốc đẹp như các sao hoa ngữ để cô chọn cho anh Cương mà cô cứ đùa cháu thế?
        Cháu cười ngượng ngùng lúng túng đáp lại và cũng mong đó chỉ là lời nói đùa của bà chủ.
        Nhưng trong chuyến ĐI TÂY theo chân bà chủ, vào một buổi sáng đẹp trời ở miền Đông Bắc nước Pháp, Bà chủ tươi cười bảo cháu:
        - Hôm qua, Lý Thành Cương voice chat với cô. Biết cháu đang cùng cô ở Pháp, nó có lời hỏi thăm cháu đấy.
        Thì cháu hiểu ra rằng, bà chủ chưa hề nói đùa mà vẫn có ý định gắp cháu cho cháu của bà ấy! Cháu đã khôn khéo lịch sử trả lời:
        - Dạ, cô cho cháu gửi lời cám ơn anh ấy.
        Bề ngoài làm ra vẻ bình thản nói thế nhưng trong lòng cháu đầy nỗi băn khoăn rồi sẽ đến lúc phải trả lời thật với bà chủ ra sao? Nói thật lòng như câu thơ của ông Nguyễn Khôi: Nhà Tây, chồng Việt…ai chê cơm Tàu  thì phụ lòng tốt của bà chủ trong mọi đối xử với cháu mà Ok gật đầu nhận làm cháu dâu bà ấy thì sao được vì trong lòng cháu chưa hề có một vệt bóng hình nào của Lý Thành Cương.
        Ba tháng sau, bà chủ điện bảo cháu tạm xếp công việc ở Sài Gòn sang Sing gặp bà ngay. Tưởng việc gì gấp hoá ra cháu bà, anh Lý Thành Cương từ Thâm Quyến sang Sing thăm cô ruột và xin cô mời cháu sang để anh ấy được gặp người trong ảnh.
        Cứ tưởng chuyện gặp mặt anh ấy sẽ chỉ là cuộc gặp mặt với một người dưng đầy vẻ xa lạ và gượng ép. Nhưng chỉ sau nửa giờ nói chuyện thì sự gượng ép đã tan biến dần khi Lý Thành Cương cho biết, bố anh ấy, sinh năm 1958, trước là người Hoa ở Hải Phòng và hồn nhiên kể lại:
        Cuối 1977 và đầu 1978, đông đảo Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam bắt đầu trốn khỏi đất nước, trở thành“những người tị nạn” lênh đênh trên biển khơi. Cũng khoảng thời gian đó, Hoa kiều ở miền Bắc Việt Nam, nơi hệ thống xã hội chủ nghĩa đã tồn tại hơn hai thập kỷ, trong đó có gia đình bố anh cũng phải bắt đầu vượt biên giới Việt Trung, trở thành những người tị nạn trên đất liền giống như bộ phận đang vượt biển do sự sụp đổ khối liên minh Trung – Việt  
    Tháng 2 năm 1979, khi TQ khởi động cuộc chiến kéo dài 3 tuần chống lại Việt Nam, bố anh bị bắt vào lính cầm súng trở lại Việt Nam với lý do đã sống ở Việt Nam và biết nói tiếng Việt. May sao, sau cuộc chiến, ông còn nguyên vẹn trở về Trung Quốc và bị đưa vào nông trường Nam Ninh. Chỉ khi gặp lại bà chị ruột Lý Diễm Ninh, bố anh mới đổi đời, lên Thâm Quyến làm ăn bằng vốn và những kinh nghiệm kinh doanh của bà chị rồi lấy vợ rồi sinh ra anh ở đấy.
Lý Thành Cương nói thêm, bố anh cũng đã học ở Hải Phòng từ trường Kiều tiểu sang trường chung lớp riêng cấp 2 với học sinh người Việt rồi lên trường Kiều trung , có học cả văn học và lịch sử Việt Nam và vẫn thuộc  nhớ câu thơ Chinh phụ ngâm:
        Trên trướng gấm có hay chăng nhẻ?
        Mặt chinh phu ai vẽ cho nên
Ông cũng đọc thơ Đường và thuộc nhớ thơ Đỗ Phủ:
        Thấy chăng Thanh Hải biên cương!
        Xưa nay mấy kẻ nhặt xương trắng tàn?
        Kìa ma cũ mới khóc than
        Mưa như tiếng nấc oan hồn tỉ tê.
        Và bảo chiến tranh là do những nhà cầm quyền gây ra còn người dân bất kỳ ở nước nào, thời đại nào cũng không ai muốn có chiến tranh. Khi bị bắt cầm súng quay về Việt Nam, mặc dù đã được tẩy não bằng lời dạy của Đặng Tiểu Bình: ” tiến hành một cuộc chiến tranh để dạy cho Việt Nam một bài học”, bố anh vẫn cảm thấy rất tội lỗi vì có thể sẽ phải bắn vào những người trên đất nước đã nuôi sống bao năm gia đình mình. 
        Lúc chia tay cháu để trở về Thâm Quyến, Lý Thành Cương bảo:
        - Anh không dám hay đúng hơn là không có quyền hỏi em có yêu anh không. Nhưng xin em ghi nhận cho, rằng anh thật lòng yêu em, yêu từ khi mới chỉ được thấy em trong ảnh và giờ được gặp em, anh càng yêu em thêm vì em là mối tình đầu của anh. Anh cũng xin em thi thoảng cho anh được Voice chat, Cam chat với em qua mạng để khỏi nhớ nhung em.
Qua ba ngày gặp gỡ chuyện trò cùng Lý Thành Cương,  sự chân tình cởi mở cùng tính chân thật của anh ấy đã khiến những cảm giác người dưng xa lạ về anh ấy trong cháu mờ nhạt dần đi để thay vào đó là chút quyến luyến khi anh ấy về Thâm Quyến.
        Hơn bốn tháng sau, Lý thành Cương lại sang gặp cháu. Lần này anh không đi Sing chỗ bà cô Lý Diễm Ninh mà thẳng tới Sài Gòn chỗ cháu đang làm việc. Vừa gặp mặt, anh ấy đã làm cháu thật bất ngờ vì từ lời chào hỏi đến khi vào chuyện, anh ấy đều nói bằng tiếng Việt, một thứ tiếng Việt khá trôi chảy chứ không “Tả tảo khủng pu”  lơ lớ như giọng người đàn bà Tàu trong truyện ngắn cùng tên của cụ Nguyên Hồng năm xưa viết về  một bà mẹ Trung Quốc chạy loạn sang Việt Nam đã tham gia vào cuộc đấu tranh của công nhân.
Thành Cương hớn hở khoe:
        - Anh học tiếng Việt từ bố anh đấy. Khi anh nói với bố, anh đã đem lòng yêu một cô gái Việt thì ông mỉm cười nhìn anh rôi đưa mắt nhìn xa xăm ra ngoài khung cửa sổ và nói: Nếu không có sự sụp đổ khối liên minh Trung – Việt khiến ông phải cùng gia đình vượt biên giới Việt Trung, trở thành những người tị nạn trên đất liền năm 1978, chắc ông sẽ lấy một cô gái Việt Nam làm vợ. Ấy là cô bạn cùng phố, cùng trường, học sau bố anh 2 lớp. Tối hôm sắp dời Hải Phòng, ông cùng bạn gái hẹn gặp nhau bên bờ sông Lấp. Bố anh nói việc phải vượt biên giới Việt Trung và rủ cô bạn cùng đi nhưng cô ấy lắc đầu buồn bã nói, không thể được vì hai người chưa danh phận gì và nói thêm, nếu có duyên phận với nhau thì sẽ có ngày gặp lại nhau thôi. Từ đó đến nay, họ không gặp lại nhau. Bố anh bảo giờ muốn gặp lại người xưa không khó nhưng tìm gặp lại để làm gì? Duyên phận đến thế thì đành chỉ thế thôi để giữ mãi hình ảnh của người bạn gái trẻ trung xinh đẹp trong lòng.
        Anh học nói tiếng Việt ngày đêm với bố và được ông rất công phu và nhiệt tình dạy bằng các kinh nghiệm ông đã học tiếng Việt qua người Việt khi ở Hải Phòng. Anh cần phải biết nói tiếng Việt để khi gặp em khỏi phải nói với nhau bằng tiếng Anh mà anh có cảm giác không thoải mái như phải xem một cuốn phim có phụ đề.
        Quả thật, Lý Thành Cương nói đúng. Được trò chuyện với anh ấy bằng tiếng Việt và nghe anh ấy chuyện trò lại với mình cũng bằng thứ tiếng yêu thương ấy, cháu thấy lòng mình thật ấm áp, không còn thấy anh ấy là một người Trung Quốc mà hoàn toàn là một bạn trai người Việt rất thân tình với cháu.
        Sau 5 ngày ở chơi Sài Gòn, tối trước hôm bay về Thâm Quyến, Lý Thành Cương mời cháu dùng bữa tại nhà hàng ẩm thực trên tầng 50 tòa nhà Bitexco Financial Tower, một tòa nhà chọc trời nhưng duyên dáng thanh thoát như một búp sen ở trung tâm quận Nhất Sài Gòn.  Sau bữa ăn, anh ấy ngỏ lời cầu hôn với cháu khiến cháu lại thật bất ngờ. Cháu đâu biết rằng, những ngày qua, trong lòng cháu đã có những tình cảm rất mới lạ với Thành Cương. Anh ấy đến với cháu không phải bằng những lời thề non hẹn biển hay những lời đường mật có cánh, mà là thông qua những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống mà thể hiện ra tình cảm chân thật của anh ấy dành cho cháu khiến những những con sóng tình yêu với Thành Cương đã lăn tăn gợn trong lòng cháu từ lúc nào rồi mà cháu không hay và giờ chính là lúc chúng được dịp cuộn lên thành những ngọn sóng nồng nàn ý biếc ngân vang tha thiết nói với cháu rằng, cháu đang đi trên lối riêng của con đường tình với Lý Thành Cương và những tiếng lòng của anh ấy cũng chính là tiếng nói riêng của tình yêu dành cho cháu. Cháu đã nhận lời cầu hôn. Và lần đầu tiên trong đời của một người con gái, cháu đã cho Lý Thành Cương ôm hôn cháu.
        Khi cháu về Hà Nội thưa chuyện với gia đình, bố cháu chỉ nghiêm cẩn nói, hạnh phúc của con do con quyết định, bố tôn trọng sự lựa chọn của con. Mẹ cháu có phần lăn tăn: “Chỉ sợ miệng tiếng người đời nói nhà mình vì tiền bạc mà cho con đi lấy người nước ngoài như trăm ngàn các cô gái Việt đã phải làm dâu ở xứ Hàn xứ Đài”.
Nghe mẹ cháu nói thế, bà ngoại cháu mắng ngay con gái:
        - Sao lại có thể so sánh nông cạn như thế!  Truyện thơ Nôm xưa có kể về Hoàng Trừu, một hoàng tử Trung Quốc có tài có đức, lặn lội khắp 18 nước chư hầu kén bạn trăm năm; cuối cùng, kết duyên cùng công chúa Nam Việt vì thấy nàng vừa có nhan sắc vừa có đức hạnh. Thằng Thành Cương nó chưa được như Hoàng Trừu lặn lội nước này nước khác để kén vợ nhưng nó cũng đã cât công lúc sang Sing, khi đến Sài Gòn tìm gặp con Ninh Ninh nhà mình và nó hơn hẳn ông hoàng kia ở chỗ vì yêu Ninh Ninh, nó học  tiếng Việt để nói chuyện với người mình yêu. “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên chồng vợ”.  Cái cốt yếu là làm sao để luôn gìn giữ cuộc sống vợ chồng bền chặt. Muốn thế thì tài sản quý báu nhất trong gia đình phải là người vợ hiền đức mà hiền đức của người phụ nữ trước hết là lý trí, kế đó là dịu dàng.
        Vì vậy bà chỉ nhắc cháu gái bà phải luôn luôn  đừng để sơ sẩy chuyện gì dù vô tình hay hữu ý khiến vợ chồng mất lòng tin ở nhau như công chúa Nam Việt vì sơ sẩy đã phải chịu bao đắng cay oan khổ.
        Mấy đứa bạn mày tao từ Tiểu học của cháu, khi biết cháu đã nhận lời cầu hôn của Lý Thành Cương thì Hằng Thục Nữ, Nga Vịt Còi và Nhân Tò Mò Sĩ chỉ nói rất gọn: “Ok cùng mày”; thằng Vinh Con Mọt Sách thì dài dòng hơn:
        - Có lần mày đã hỏi tao, nếu mày Ok nhận làm cháu dâu bà chủ thì sao  nhỉ? Và tao đã trả lời thì lấy Tàu, sang Tàu chứ sao. Mày đã đi Tây, giờ sẽ sang Tàu, cống hỷ, mét xì hơn đứt cả cụ Tú Xương rồi. Mà này, tao đọc sách và chiêm nghiệm ngoài đời thấy, phụ nữ Việt lấy Tây hay lấy Tàu khi sinh những đứa con lai đứa nào cũng rất đẹp; ngược lại đàn ông Việt lấy Đầm hay lấy phụ nữ người Hoa thì không được như thế. Bao giờ mày có baby Việt Hoa đem nó về chơi với bọn tao nhé!
        Ông Lý Tôn Cường, bố của Lý Thành Cương đã cùng bà Lý Diễm Ninh qua Hà Nội thăm gia đình cháu. Hai nhà đã thống nhất và hoàn tất mọi nghi lễ để sang tháng Tám tiết quý thu này, khi cảnh vật bên Trung Quốc nhuốm đầy vẻ đẹp:
        “Cái cò bay với ráng sa
        Sông thu cùng với trời xa một màu”.
Thì  lễ hợp hôn của cháu và Lý Thành Cương sẽ được tổ chức ở thành phố trẻ Thâm Quyến. Họ cũng đã chuẩn bị nơi ăn nghỉ, vé máy bay để đón những người ruột thịt và mấy đứa bạn thân của cháu sang dự lễ cưới.
        Bà Lý Diễm Ninh vừa hỏi vừa như chỉ dẫn đôi tân lang tân nương sắp tới:
        - Hai đứa đã tính sau lễ cưới sẽ đi hưởng tuần trăng mật ở đâu chưa? Theo cô, nên đi Hàng Châu vốn được gọi là Hoa thành, thành phố của hoa tươi, bốn mùa ấm áp, hoa nở quanh năm lại có cảnh Tây Hồ tuyệt mỹ.
        Lý Thành Cương đáp:
- Dạ thưa cô, chúng cháu sẽ đi Cao Mật ạ!
        - Có phải đó là tên một vùng đất trong cuốn tiểu thuyết Cao Lương Đỏ của Mạc Ngôn? Mà sao lại chọn đi nơi ấy nhỉ?
        - Dạ, thưa cô đúng ạ! Vì Ninh Ninh rất yêu văn học nên chúng cháu quyết định sẽ về một mảnh đất cuộc đời và vùng đất văn học của nhà văn Mạc Ngôn, người đã đoạt giải Nobel văn chương năm 2012 với tác phẩm Cao Lương Đỏ để hiểu được tấm lòng và thái độ của Mạc Ngôn đối với quê hương mà ông đã viết: “ nơi tôi yêu nhất và cũng là nơi tôi ghét nhất, mãi sau này lớn lên học hành, giác ngộ, tôi mới hiểu ra không nơi nào trên trái đất đẹp nhất và xấu nhất như Cao Mật, cực kỳ siêu thoát và cũng cực kỳ thế tục, sạch sẽ nhất và bẩn thỉu nhất, anh hùng hảo hán nhất và đầu trộm đuôi cướp nhất...”
        - Một ý tưởng hay! - Bà Lý Diễm Ninh khen- Các nhà văn Trung Quốc đã đợi quá lâu, người Trung Quốc đã đợi quá lâu đến nay mới có giải Nobel Văn chương. Mặc dù ông Tập Cận Bình nói rằng: ”Con sư tử Trung Quốc đã thức dậy, nhưng đây là một con sư tử hòa bình, dễ mến và văn minh.”  Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Nhưng tự do dân chủ thực sự  ở Trung Quốc thì vẫn còn trong tương lai. Vì vậy, cô tính một vài năm tới các cháu nên tìm đến một nước trong top 10 quốc gia đáng sống nhất thế giới để làm ăn sinh sống và để được hưởng sự tốt đẹp về mọi quyền con người. Còn một lẽ nữa, ở Trung Quốc chỉ được sinh một con mà nhà họ Lý chúng ta đang cần có đông con cháu nên cô trông cậy vào sự góp phần này ở hai đứa.
        Giờ  sắp đến ngày “Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa”  rồi. Cháu  sẽ phải lưu luyến giữa tình yêu quê hương, gia đình, bè bạn để đi theo chồng “cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày” như  trong cảnh ly hương viễn xứ khi Tôn Phu nhân qui Thục:
                Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng
                Duyên về đất Thục đượm màu hồng
        Nên biết bao nỗi nhớ cùng ập đến trong lòng trong đó có nỗi nhớ hai ông Nguyễn Khôi, Nguyễn Bàng và chú Đặng Xuân Xuyến mà cháu coi như các bậc cha ông trong gia đình và quý trọng như những người bạn lớn về Văn chương chữ nghĩa trên Văn Đàn. Ông Nguyễn Khôi đã đem đến cho cháu nhiều bài thơ mà cháu mạo muội gọi đó là những thiên ký sự bằng thơ rất dung dị chứa đựng những cảm xúc rất đời thường, đôi khi tưởng như rất nhỏ bé nhưng thật ra lại rất sâu đậm tính nhân văn. Ông Nguyễn Bàng cho cháu học cách viết cẩn trọng, muốn viết cho tốt thì phải đọc rộng hiểu nhiều. Chú Đặng Xuân Xuyến cho cháu một mảng thơ tình cảm dầy xúc động về một nhà thơ lận đận đường tình nhưng là một ông bố trẻ rất yêu thương và hy sinh hết mình vì con đồng thời cũng là một người bạn mến khách được nhiều lứa tuổi quý trọng.
        Với nhiệm vụ mới sắp tới là làm vợ, làm người phụ tá cho chồng trong thương trường và rồi sẽ làm mẹ những đứa con như bà Lý Diễm Ninh mong đợi, dẫu cháu chỉ muốn được ở nhà nấu ăn, đọc sách báo, thơ văn, chăm sóc gia đình như bao người phụ nữ bình thường khác cũng chưa chắc dễ gì cho được.
        Vì vậy, lá thư thay lời chia tay này khi tới hai ông Nguyễn Khôi, Nguyễn Bàng và chú Đặng Xuân Xuyến có chút dài dòng, cháu rất mong được hai ông và chú thông cảm.
        Cháu kính chúc hai ông và chú luôn vui khỏe và an lành trong mọi sự.


       
Cháu DNN
        Sài gòn 15/9/2017











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...