Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018


CÁI TÊN CÁI TUỔI (1)

Image result for tranh vẽ  cậu bé nhà quê

 
 Người ta khi mới làm quen nhau thường hỏi tên tuổi nhau trước rồi mới đến quê quán, nghề nghiệp…khi cho một nhân vật xuất hiện, các tác giả cũng thường giới thiệu tên tuổi ở phần đầu lai lịch của nhân vật đó. Kim Trọng xuất hiện lần đầu với câu:
Họ kim tên Trọng vốn nhà trâm anh
Sau đó gián tiếp cho thấy tuổi áng chừng của chàng Kim: “ Với Vương Quan trước vốn là đồng môn”- đồng môn chứ không phải cùng lớp. Và ai cũng đã biết tuổi Vương quan suy từ tuổi cô chị Thúy Kiều: “ Xuân xanh xẫp xỉ tới tuần cập kê”, thì tự suy ra tuổi chàng Kim.
   Với nhân vật phản diện Mã giám sinh khi đến nhà Thúy Kiều để mua nàng, cũng phải:
Hỏi tên, rằng Mã giám sinh
Hỏi quê rằng huyện Lâm Thanh cũng gần
Quá niên trạc ngọai tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Mỗi cái tên không chỉ gắn liền với cuộc đời mỗi con người mà còn là nơi gửi gắm những ước mong của cha mẹ. Vậy mà suốt hơn 10 năm đầu đời, tôi không có tên chính thức mà chỉ có cái tên tạm là Cu Con.

Dân làng tôi thời ấy nhiều nhà vẫn còn theo lệ đặt tên tạm cho con như Tèo, Tý, Nhớn, Bé. Cái tên này đi theo với thời gian cho đến khi người con đó lớn khôn và có gia đình. Lúc bấy giờ cha mẹ hoặc chính người đó mới nghĩ đến chuyện tìm một cái tên thật mà đặt cho. Nhưng cũng đã có nhiều nhà đặt tên chính thức cho con ngay từ lúc lọt lòng mẹ và hầu hết đều tìm những tiếng vần với tên của bố mẹ để đặt cho con. Không mấy gia đình đặt tên con để phản ảnh ước nguyện, kỷ niệm hay ký ức của cha mẹ hay đặt theo tên các loài hoa đẹp, trái cây, các đức tính, các đồ vật, các con vật quý…

Năm u tôi sinh con trai đầu lòng, thầy tôi mới 17 tuổi lại ham rượu chè cờ bạc nên chẳng cất công nghĩ ngợi về cái tên đặt cho con, tạm gọi nó là Táo như tên cây táo vườn nhà,  mà bố tên Tiến, con tên Táo chả vần với nhau đấy thôi! Nhưng thật buồn, anh Táo tôi cũng chỉ được làm người chừng hơn 10 ngày thì chết vì sài uốn ván do bà mụ cắt rốn bằng dao cật nứa. Năm sau u tôi sinh con gái, thầy tôi đặt ngay tên chính cho chị là Đô . Ban đầu định gọi là Độ cho vần với tiếng Bộ là tên u tôi, sau cảm thấy tiếng Độ có âm nặng nên đổi sang là Đô. Ba năm sau u tôi sinh anh tôi, bà nội Chi và thầy tôi mừng lắm. Bấy giờ thầy tôi đã 21 tuổi, có phần chững chạc hơn trong việc làm bố lại cũng có vài năm được học chữ nghĩa, thầy tôi đặt tên cho anh là Tước- Nguyễn Xuân Tước và lấy làm đắc ý lắm. Cái tên vừa vần với tên thày tôi Nguyễn Xuân Tiến mà còn hàm ý sau này lớn lên đứa con sẽ có một phẩm hàm chức vị gì đó trong xã hội. Nhưng chỉ mấy tháng sau, có một người trong xóm đến gặp bà nội Chi và thầy tôi khẩn khoản xin đổi cái tên Tước ấy đi vì có một ông tổ trong họ nhà ông ấy cũng tên là Tước. Vì tình làng nghĩa xóm, bà nội Chi và thầy tôi bằng lòng nghe theo ngay, không gọi anh tôi là Tước nữa nhưng cũng không còn phấn chấn để tìm tòi cho anh một cái tên khác mang ý nghĩa nào đó. Thấy trong vườn nhà có một cây hồng mà quê tôi gọi là cây cậy, thầy tôi bảo thôi thì gọi nó là thằng Cậy vậy. Nhưng có lẽ chẳng ai thích cái tên cậy, kể cả thầy tôi nên lại theo tục xưa cứ gọi anh tôi là Cu và để phân biệt với các Cu nhà khác, người làng gọi cụ thể hơn là thằng Cu, con nhà Tiến Bộ, réo một lúc cả hai cái tên của thầy u tôi! Khi anh tôi được gần ba tuổi, u tôi ở cữ tôi, thầy tôi vẫn chưa lấy lại hứng thú đặt tên cho con nên cả nhà tiện miệng gọi luôn tôi là thằng Cu Con, người trong xóm thì gọi là thằng Cu Con nhà Tiến Bộ! Và thế là anh tôi trở thành Cu Lớn.

 Cuối năm 1949, sau hơn ba năm bốn u con tôi tản cư theo cậu ruột tôi là ông Đào Văn Đổng lên ấp Đại Bái thuộc địa phận tỉnh Phúc Yên cũ, một trang ấp 500 mẫu ruộng đất của chị em bà Đỗ Thị Ý, vợ cậu  rồi lại chạy lên Vĩnh Yên ở nhờ trang ấp 1000 mẫu của ông điền chủ Trung bạn cậu, thì Tây nhẩy dù bắt về Phúc Yên rồi cho lên xe cam nhông hồi cư về Hà Nội. Cậu tôi cùng vợ và hai con gái nhỏ tạm ở nhờ nhà bà Tư, mẹ đẻ của bà Ý tại phố Nhà Thờ Lớn còn gia đình tôi về quê ở Dịch Vọng. Bà nội Chi không muốn nhờ vả đằng nhà cậu tôi nên lấy cớ tuổi già không đi tản cư mà ở lại làng. Nhà tôi bị đốt phá tiêu thổ kháng chiến, bà phải ở nhờ nhà ông trưởng Ngãi. Những ngày đầu trở về, phải lo việc đồng ruộng để có miếng ăn lại lo thu nhặt từng viên gạch cháy vỡ trong đống đổ nát ngổn ngang trên khuôn viên nhà cũ để dựng lại một túp nhà ở, u tôi chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến việc học của các con. Mãi gần hết năm 1949, cậu tôi về mới bảo phải cho chúng tôi đi học. Chị Đô là con gái, tuổi cũng đã 17, lại phải theo mẹ công việc đồng áng thì thôi; anh tôi đã theo cậu tôi và đã được đi học hai năm, hồi cậu làm trưởng ty điền địa tỉnh Phúc Yên, nay sẽ xin học lại lớp 2; còn tôi chưa đi học bao giờ sẽ xin vào lớp Vỡ lòng. Muốn đi học thì phải có giấy khai sinh. Hồi đưa anh tôi lên Phúc Yên cậu tôi đã làm khai sinh cho anh tôi bỏ, cái tên Cậy trước đây thầy tôi chọn nhưng không ai gọi mà thay chữ Cậy bằng chữ Hồng vì cây hồng cũng là cây cậy nhưng tiếng hồng đẹp hơn. Nay giấy tờ đi học của anh tôi đã thất lạc nhưng vẫn sẽ khai lại với cái tên là Hồng. Còn tôi thì thằng anh là Hồng, thằng em là Bàng luôn cho vần mà lại hợp với hai chữ Hồng Bàng rất quen thuộc trong dân gian. Tên tôi là Bàng từ đó! Về chữ đệm, cậu tôi không lấy chữ Xuân như ý thày tôi trước đây đã đặt tên cho anh Hồng là Xuân Tước mà lấy chữ Văn: Nguyễn Văn Hồng và Nguyễn Văn Bàng! Cậu bảo với bà nội Chi và u tôi: Cả làng mình có họ nào đệm ngoài chữ Văn; từ ngõ trong ra ngõ ngoài toàn các họ đệm chữ Văn: Lê Văn, Đặng Văn, Nguyễn Văn, Đào Văn rồi Ngô Văn, Phan Văn. Ngày xưa, khi đặt tên con, các cụ thường đệm Văn cho con trai và Thị cho con gái giúp người khác phân biệt được giới tính của con người ngay trong cái tên gọi. Đây là một quan niệm cho rằng con trai lo việc văn chương đèn sách, con gái thì đảm đang việc chợ búa, nội trợ. Anh Tiến là Văn Tiến chứ đâu phải là Xuân Tiến, chẳng qua anh thấy họ bà nội Chi bên Hà là Nguyễn Xuân, thích chữ Xuân mới đổi theo như vậy mà thôi!

Vậy là đên  năm 12 tuổi tôi mới được đặt tên chính thức. Cái tên cho tôi không là từ ý nghĩ đơn giản cũng không phải là từ văn hóa đặt tên của các bậc cao niên nho nhã ngày xưa; không phải là tên quê mùa mộc mạc như chính cuộc sống lam lũ và vất vả của những gia đình thuộc tầng lớp nông dân nghèo thường đặt cho con cái của họ kiểu như: Gái, Hến, Mơ, Mận, Đào, Nương , Điền, Lực... Thêm, Cố, Chót; cũng không phải tên các gia đình thuộc "giai cấp trên" chăm chút kiếm tìm để đặt  tên gọi con cái họ. Nó cũng chẳng theo một quy tắc đặt tên nào trong trăm ngàn vạn cái tên ở đời…Cái tên cho tôi chỉ là tiếng gọi vần vèo với tên của thằng anh mà tên của thằng anh vốn cũng bắt nguồn từ cái tên được bộc phát gọi cho xong chuyện của thầy tôi.

Năm 1950, mợ tôi sinh lần thứ ba, con trai sau hai lần sinh trước con gái. Ông ngoại tôi mừng lắm coi đứa bé như cháu nội đích tôn vì bác Hanh con trưởng của ông chỉ có một mụn gái đã 13 tuổi rồi mà chưa có em. Suốt một tuần, ngày nào ông tôi cũng đem mấy quyến sách mực Tàu giấy bản ra ngồi dưới hàng hiên tràn ngập ánh sáng nghĩ suy, tra tìm  rồi mới quyết định đặt tên cho thằng cháu là Đào Văn Đắc. Ông bảo với mọi người, bố nó là Đổng nó là Đắc. Đắc là được, có nó như được vàng; chữ “đắc” lại hơn chữ “đổng” một cái dấu. Thế là “con hơn cha là nhà có phúc”! Sau này khi tôi có ý định đi xin học chữ nho do cụ Trần Lê Nhân, cử nhân Hán học, người soạn dịch “Cổ học tinh hoa” nổi tiếng cùng với cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, dạy miễn phí trong đền Ngọc Sơn, tôi mạnh dạn hỏi ông ngoại tên tôi chữ nho viết như thế nào. Ông bảo tôi mài mực rồi lấy bút lông chấm vào nghiên viết ra giấy đủ ba chữ và chỉ vào từng chữ giảng giải: Đây là chữ Nguyễn, đây là chữ Văn còn đây là chữ Bàng; tên mày là Bàng nghĩa là cây bàng, mày có thấy chữ bàng có nhiều tầng như tán bàng không? Tôi chăm chú nhìn và gật đầu đáp, thưa ông có ạ! Quyển vở ngày đầu tiên đến học cụ Trần Lê Nhân ở đền Ngọc Sơn, tôi đã viết tên tôi như thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...