Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

 

LÀNG  TA

 


Tối Chủ nhật một ngày chớm hè.

   Vừa xong bữa cơm, cô giáo Hằng vội vã vào ngay bàn làm việc để chấm bài Tập làm văn của học sinh lớp mình. Đề bài đã ra là:

   “Phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao:

   Làng ta phong cảnh hữu tình.... "

   Mở tập bài, xem lướt qua một lượt, Hằng thấy lòng vui vui vì bọn trẻ nhỏ của cô đã tiến bộ nhiều về chữ viết. Nhưng khi chấm được 5 bài đầu thì niềm vui nhỏ bé ấy vụt tắt ngấm. Hằng không tìm thấy đoạn văn nào có cảm xúc nồng hậu cả. Một thoáng thất vọng gợn lên trong lòng cô giáo, chả lẽ bài dạy của cô đã nhạt nhẽo như mấy giọt nước mua cuối mùa, không có sức thấm vào hồn con trẻ?

   Chợt có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Hằng vội đặt cây bút mực đỏ xuống bàn và ra mở cửa. Khách là một người đàn ông trạc trên bốn chục tuổi, lịch sự trong bộ áo quần mùa hè màu sáng. Ông ta dựng chiếc xe máy bóng nhoáng trên vỉa hè, nhã nhặn cúi đầu chào cô giáo và tự giới thiệu:

  -      Thưa cô, tôi là bố cháu Hải Minh. Xin cô cho phép được gặp đôi phút ạ !

  Hằng chào đáp lai và mời khách vào nhà. Khi cô rót xong chén nước lọc, quay ra mời khách thì thấy ông ta đã đặt một túi lớn cam ở trên bàn và nhìn  cô tươi cười nói:

-      Gia đình có chút quà đem biếu cô!

     Hằng nhẹ nhàng từ chối:

   -      Cảm ơn ông đã đến thăm còn món quà này...Cô chưa kịp nói hết lời thì ông khách với nụ cười rạng rỡ đã lại nhanh nhảu nói:

   -      Cam vườn nhà đấy cô ạ! Mong cô vui lòng nhận cho!

  Nghe ông ta nói “Cam vườn nhà”, Hằng giấu một nụ cười thầm và tự hỏi. Ông Phụ huynh hoc sinh này muốn gì đây ? Hơn mười năm dạy học, cô đã tiếp khá nhiều cha mẹ học sinh đến nhà và cho quà như thế này. Người nào cũng bảo; Đây là quà của nhà, không phải mua tốn kém gì. Thậm chí có bà đem cho cô một mảnh vải đẹp để may một bộ quần áo thời trang cũng đã cười rất hồn nhiên mà rằng: Vải của nhà đấy cô ạ! Rồi sau những nụ cười và  những câu nói như thế, các vị ấy dần dà đi đến cái đích của việc đến thăm cô giáo. Là bố mẹ những học sinh khá hoăc giỏi, thì họ làm thân, tỏ lời cảm ơn cô giáo đã tận tụy dạy dỗ chăm sóc con cái họ và mong sẽ được cô quan tâm tới cháu hơn nữa. Là bố mẹ các cô cậu có sai phạm gì đó hay học quá yếu kém thì họ xin cô giáo cảm thông ”Con dại cái mang”, ‘Trăm sự nhờ cô giáo”, mong cô tha thứ cho cháu hoặc nâng cho cháu thêm ít điểm để cháu được lên lớp...Nhưng bây giò trước mặt Hằng là ông bố của Hải Minh. Con ông ta là một đứa bé hiền lành ngoan ngoãn, sức học trung bình, không có gì nổi trội cả. Hằng dạy nó từ năm lớp 6 đến nay đã gần hết năm lớp 7. Đã năm lần lớp họp phụ huynh học sinh, Hằng chỉ thấy mẹ của Hải Minh đi họp. Nghe đâu ông bố làm giám đốc một công ty Nhà nước, bận lắm. Vậy mà hôm nay...

   Chừng như đoán rằng cô giáo sẽ lại từ chối món quà của mình, ông bố Hải Minh nói tiếp luôn:

     -      Chả là thế này cô giáo ạ! Hôm thứ hai đầu tuần này, cháu nhà tôi đi học về với tâm trạng phấn chấn khác thường. Trong bữa cơm, nó hớn hở khoe với vợ chồng tôi là lớp nó vừa được học mấy bà ca dao về quê hương hay lắm. Rồi nó quên cả bát cơm đang bưng trên tay, lấy giọng diễn cảm  đọc làu làu một hơi bài “Làng ta phong cảnh hữu tình” cho bố mẹ nghe. Đọc xong, nó ngước mắt nhìn mẹ nó rồi nhìn tôi một cách hãnh diện tựa hồ như ở nhà này, chỉ có mình nó biết bài ca dao đó. Rồi bất chợt nó hỏi tôi: "Bố ơi! Cái Làng ta của nhà mình ở đâu hở bố? Phong cảnh ở đó có hữu tình như bài ca dao cô giáo đã dạy con không? Hôm nào bố cho con về làng ta chơi nhé!”

   Khách ngừng lời, nhấp một hớp nước nhỏ. Cô giáo thoáng thấy vẻ mặt ông ta hơi ửng đỏ như có chút gì ngượng ngập. Cô đang lựa lời để nói câu gì đó cho ăn nhập với câu chuyện thì đã thấy ông khách hạ thấp giọng và chậm rãi nói:

    -      Thú thật với cô giáo, câu hỏi của cháu làm cho lòng tôi áy náy nhớ đến quê nhà mà đã bao lâu xa cách. Năm 18 tuổi, tôi lên thành phố học Đại học. Năm năm đời sinh viên miệt mài đèn sách, tôi chỉ về thăm quê khoảng hơn chục lần, đó là những dịp nghỉ hè hay nghỉ Tết. Ra trường với mảnh bằng trong tay, tôi hết vào công sở này sang công ty khác, mải mê lập nghiệp và say sưa làm giàu. Lần cuối tôi về quê là khi tôi đã sắm được nhà ở thành phố, về để đón bố mẹ tôi lên sau khi đã thư từ thuyết phục được hai cụ bán nhà đất cho một ông chú họ. Tệ hơn nữa là, khi bố mẹ tôi lần lượt qua đời, tôi cũng lại lần lượt bước qua lời nguyền của hai cụ là đưa các cụ về an nghỉ ở cánh đồng làng. Tôi đã bỏ ra một món tiền lớn mua một khu đất đẹp, trong khu vực một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở ven thành, xây mộ đẹp đặt hài cốt hai cụ ở đó để hàng năm vào các dịp Thanh minh giỗ Tết , tôi đưa vợ con đi thăm mộ cho gần. Bàn chân tôi như cánh chim bay đã đưa tôi đến rất nhiều nơi xa xôi hàng nghìn cây số. Tám giờ sáng, tôi còn làm việc ở Hải Phòng nhưng chỉ đến hai giờ chiều, tôi đã đang họp ở thành phố Hồ Chí Minh. Hàng chục lần, tôi đã xách cặp bay ra nước ngoài để ký kết các hợp đồng kinh tế...Vậy mà, cái làng quê nhỏ bé của tôi, chỉ cách nơi tôi ở chưa đầy một trăm cây số thì cứ lùi xa, lùi xa vào dĩ vãng. Phải đến lúc cháu Hải Minh hỏi, tôi mới trạnh nhớ cái “Làng ta” của tôi, của con tôi, nơi cũng có một khúc của con sông Lụa uốn qua. Khúc sông đó giờ ra sao? Người dân quê tôi đã đổi mới như thế nào?

   Như không hề biết, tôi đang nghĩ ngợi, điều gì cháu Hải Minh lại hồn nhiên nói tiếp:

     -      Cô giáo giảng rất kỹ cho chúng con hiểu ý nghĩa của từng từ ngữ như : Làng ta là thế nào? Hình ảnh con long đẹp ra sao, người dân quê ta truân chuyên nghề nghiệp lam lũ mà đáng yêu biết mấy. Và kết thúc bài dạy, cô bảo với cả lớp: “Là người Việt Nam, hầu như chúng ta ai cũng có một cái làng quê thiêng liêng gần gũi. Và trong chúng ta, ai cũng mang cội nguồn từ một người dân quê chân chất thô mộc và bình dị. Cô mong rằng, các em đừng bao giờ đánh mất  những nét đẹp vô giá đó!”.

         Nghe cháu kể say sưa về bài giảng “Làng ta” của cô, tôi càng thấy áy náy trong lòng. Và như để chuộc lại lỗi lầm của mình, tôi bảo cháu:

      -      Được, bố sẽ thu xếp đưa mẹ và con về thăm làng ta vào cuối tuần này.    Và chính vì vậy, từ chiều hôm qua, thứ bẩy đến hết hôm nay, chủ nhật, chuyến đi của chúng tôi đã được thưc hiện. Về đến nhà, tôi phải đến ngay cô giáo để cảm ơn.

   Đáp lại thịnh tình đó, cô giáo Hằng ân cần hoi:

     -      Thưa ông, hẳn là cháu nó vui sướng lắm?

     -      Vâng! Tôi có cảm giác nó như một con chim non được về tổ ấm. Chúng tôi đưa cháu đi thăm hỏi bà con họ hàng, đi xem các cảnh đẹp xưa cùng các công trình mới xây dựng gần đây của làng, rồi ra ngoài đồng thăm bà con quê tôi đang bắt đầu gặt “Vụ năm”, chỗ nào cháu nó cũng mải mê ngắm nhìn hình như không muốn rời chân. Nhưng có lẽ vui sướng nhất khi được tắm mát trong khúc sông Lụa. Vừa trông thấy mặt sông, nó đã reo lên thích thú: “Con long của làng ta đẹp quá!”

    Mà cô giáo ạ! Không chỉ mình cháu nó vui đâu. Mẹ nó cũng vui. Tôi cũng rất vui. Tôi có cảm giác mình đã làm một chuyến hành hương đầy bổ ich. Đã lâu lắm, tôi mới lại thấy mùi thơm của rơm rạ và cỏ hoa đồng nội, được sống lại với buổi chiều quê mát mẻ, được hưởng lại một đêm trăng, thơ mộng huyền dịu ở làng quê và nếm lại hương vị dẻo thơm của bát cơm gạo mới. Còn cái này nữa, cái quý giá nhất là, tôi đã kịp níu kéo lại cái “Làng ta” của tôi mà chính tôi xuýt để vuột mất!

   Khách vừa nói vừa từ tốn đứng dậy như có ý muốn tạ từ:

   -      Chắc bây giờ cô giáo sẽ không nỡ từ chối chút quà quê của tôi. Cam này bố tôi trồng hồi sinh thời cụ, nay được ông chú họ tiếp tục chăm bón đấy. Trước khi ra về, tôi xin cảm ơn cô đã dạy cho con tôi một bài học quý báu. Mà đó cũng là bài học cho cả tôi nữa.

 Cảm ơn và tiễn khách ra về, cô giáo Hằng trở lại bàn chấm bài. Cô lật tìm bài của Hải Minh xem thằng bé viết ra sao. Đây rồi, thằng bé viết bài này dài hơn hẳn các bài trước. Hằng chăm chú đọc. Hình như có một giọng điệu Hải Minh khác trong mạch văn trôi chảy với những cảm xúc dạt dào đằm thắm của một đứa trẻ lần đầu tiên được biết đến cái “Làng ta” trong một bài ca dao cổ.

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

 



CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG

VỀ CÔ BÉ TẬT NGUYỀN


*

Anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt, ông lại bán xe rồi hay sao mà lại đi tàu lên đây. Anh cúi đầu trả lời lý nhí trong sự hổ thẹn, ừ, bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm. Chị sầm mặt xuống, ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không thể ngóc đầu lên được, hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy? Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều anh muốn nhờ cậy. Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối anh, nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e rằng sẽ chẳng còn được bình yên. Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối, con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được, anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi, chỉ nửa năm hay vài ba tháng cũng được, em là phụ nữ, em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian, để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh lại đón nó về. Chị thở dài, ông lúc nào cũng mang xui xẻo đến cho tôi, thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã, có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau. Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.

Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Đông Đức. Chị theo học Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây xin tị nạn. Chị tốt nghiệp Đại học và về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau. Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Đức. Vừa sang Đức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt. Đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán. Chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu, để có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được. Nên không dám mạo hiểm ra làm ăn "Đồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng...", đó là câu nói của miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương. Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nửa năm mới được về nhà. Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số. Bé Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh. Chị nói, ông buông tha cho tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý, vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ rằng buộc sẽ làm khổ chị. Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ. Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn.

Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá. Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới.

Thành phố Bremen là thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống. Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay noel, chị cũng có quà riêng cho con bé, nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày lễ giáng sinh nữa. Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Nhưng chị biết dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu, nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà.

Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm. Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh. Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được. Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Đứa em trai cùng mẹ của nó, mẹ nó, và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.

Em trai nó học thêm Piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn Piano rất đẹp để ở phòng khách. Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lỏm bỏm,.. đàn..đàn...klavia....con muốn... Anh thở dài và hát cho nó nghe. Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần. Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó dở chứng.

Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn Piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi Piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn Piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm. Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì. Chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: "...Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo... Sống với cha êm như làn mây trắng... Nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con.... Với tháng năm nhanh tựa gió.. Ôi cha già đi cha biết không...". Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lòng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó hỏi, con sao vậy hả con yêu của mẹ. Nó ngước nhìn mẹ nó rất trìu mến rồi chìa cho mẹ nó một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát. Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa 4 ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, 4 tháng rồi hả. Nó gật đầu. Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài. Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Đại ý là nó diễn đạt rằng: -"Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra đi được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con..". Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ, ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg....

Tôi nghe người ta kể chuyện lại chuyện đó, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị. Khi thấy em gái đệm đàn piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát "Người Cha Yêu Dấu" bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Đức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy

*


Lấy từ trang Đặng Xuân Xuyến

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

 

Ngày  này năm xưa: 16/ 4 /1877

LEV STOY SÁNG TẠO NÊN TIỂU THUYẾT ANNA KARENINA

&

 

ANNA KARENINA NGƯỜI PHỤ NỮ NGA THẾ KỶ 19

 


 

 

Lev Tolstoy - “con sư tử” của văn học Nga thế kỉ XIX - đã tạo ra những tác phẩm vĩ đại từ chất liệu tươi ròng của đời sống. Mỗi nhân vật được ông khắc họa luôn trở thành những điển hình nghệ thuật bất diệt, có tác động sâu đậm đến mọi tầng lớp xã hội. Trong số này, Anna Karenina được coi là một tiểu thuyết hiện thực xuất sắc, phản chiếu xã hội Nga sau cải cách nông nô vào giữa những năm 70 của thế kỉ XIX, vừa lột trần bản chất mục ruỗng của giai tầng phong kiến, vừa bóc mẽ sự huênh hoang rởm đời của giai cấp tư sản đang lên. Nhân vật chính của tiểu thuyết là điển hình cho số phận người phụ nữ Nga thế kỉ này, những người dám yêu, dám sống hết mình nhưng rốt cục vẫn không quẫy đạp thoát ra nổi thế giới tàn nhẫn, đầy những giả dối, lọc lừa

Xây dựng nhân vật Anna Karenina, Lev Tolstoy đã lấy nguyên mẫu từ một người phụ nữ có thật là bà Maria Alexandrovna Gatun - người con gái đầu lòng được thi sĩ Pushkin hết mực yêu thương. Điều này lí giải vì sao khi đến tham quan bảo tàng quốc gia về nhà văn vĩ đại ở Moskva, người ta có thể được ngắm chân dung của bà Maria trong phần giới thiệu cuốn tiểu thuyết Anna Karenina. Có thể nói, nàng Anna trong tiểu thuyết của Tolstoy đã “mượn” những nét ngoại hình nổi bật của bà Maria Gatun và đại văn hào của chúng ta vô cùng thích thú khi sử dụng những chi tiết miêu tả lấy chất liệu từ hiện thực.

Nhưng cần phải nhấn mạnh một điều, tài năng của Tolstoy là ở chỗ ông đã không bê nguyên xi hiện thực đời sống thô ráp vào tác phẩm mà luôn có sự tìm tòi, tưởng tượng, tái hiện và khắc họa nhân vật theo  điển hình nghệ thuật đúng nghĩa. Anna có thể giống Maria về ngoại hình nhưng tuyệt nhiên không giống về tính cách và số phận. Maria lấy chồng, hạnh phúc trong sự lựa chọn của mình còn Anna thì không. Maria chỉ bất hạnh khi người chồng của cô tự sát oan uổng nhưng Anna thì đau khổ kiệt cùng khi không có được tiếng nói chung với người chồng vô cảm, vô tâm. Sức tưởng tượng vô hạn và tấm lòng vĩ đại của Tolstoy đã tạo nên một nhân vật là hợp thể của những nguyên mẫu khác nhau nhằm chuyển tải những ý đồ mà nhà văn muốn thể hiện.

Qua những trang viết, chúng ta như được thả mình vào dòng đời của nàng Anna. Anna là người đàn bà không được hưởng hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Vì hoàn cảnh bố mẹ mất sớm, nàng buộc phải lấy bá tước Karênin, “lấy chồng không phải vì tình yêu hoặc không hề biết đến tình yêu”, đành chấp nhận một nếp sống “yên ổn nhưng buồn tẻ, sang trọng nhưng u uất”. Tám năm trời đằng đẵng bên người chồng vô vị, chưa lúc nào ngọn lửa sống nhiệt thành có thể lụi tắt trong tâm hồn nàng. Tận đáy lòng, nàng đã tự nhủ về quyền được hưởng hạnh phúc của mình: “Sống không phải là tội ác, rằng Chúa đã tạo ra cho mình là người như vậy, mình cần phải sống và yêu”. Nên ngay sau cuộc khiêu vũ với Vrônxki ở Moskva, trái tim nàng đã xao động và nhen nhóm một khát vọng yêu đương. Buổi đầu nàng cố cưỡng lại những xao động này. Vì chính nàng cũng đang bị ràng buộc bởi biết bao quy ước khắt khe của lễ giáo phong kiến và nhà thờ. Anna do dự, đã từng tìm gặp Vrônxki để yêu cầu chấm dứt, từng “cảm thấy mình có lỗi”. Nhưng rốt cục, niềm khao khát tiềm ẩn trong “người đàn bà trẻ trung, có ánh sáng ma quỷ trong tâm hồn” ấy đã bùng lên và tình yêu đã giành phần thắng. Kể từ đây, nàng chấp nhận hi sinh cho tình yêu, gạt bỏ hết mọi ràng buộc lễ giáo và “kiên quyết không dừng lại trước bất cứ một cái gì trên con đường tội lỗi của mình”.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

 BÓ  HOA  ĐẸP  NHẤT

BÓ HOA ĐẸP NHẤT


 

Đang  giờ Văn của thầy Nguyễn, thằng Minh bỗng thấy bụng ngâm ngẩm đau, vội đặt chiếc bút ghi bài xuống mặt bàn, đưa tay xuống xoa bụng và thấy cơn đâu dịu dần. Nó lại cầm bút, dỏng lên  nghe, ghi đúng từng lời giảng của thầy vào vở.

Ba năm học qua, tù lớ 6 đến lớp 8,cả lớp nó tịnh không  một đứa thích học  mon Văn. Cô giáo Duyên dạy lớp 6 thì mang cái bụng lùm lùm vào giờ day với những câu nói lúc nào cũng hut hơi Chẳng đứa nào buồn nghe nhưng cũng chẳng đứa  nào làm cô phiền lòng bằng cách ngồi im rồi len lén  giải  những bài toán học thêm của cô chủ nhiệm  Lên lớp 7, cô Hương dạy thì chuyên đời kéo dài thời gian kiểm tra bài cũ và cho tập đọc bài mới . Ai đời một tiết dạy có 50 phút, cô gọi tới 4 đứa lên bảng, hết học thuộc lòng đến phát biểu cảm nghĩ ngốn toi 15 phút. Sang bài mới thì đọc to, đọc diễn cảm rồi đọc hân vai, thêm 15 phút nữa.  Còn 20 phút giảng bài mới, cô gọi mấy đưa đúng lên trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa là vừa vặn trống  điểm hết tiết. Cô Hồng dạy lơp 8. Nghe nhà trường giới thiệu cô là hội viên Hội Văn học nghệ thuật của Thành  phố những tưởng học Văn cô thích lắm. Ai dè đang giảng bài, cô lại quay sang say sưa khoe thơ mình đã in và sẽ in trên tờ Van nghệ của địa phương khi 3 tháng, khi nửa năm mới ra một số  Có đứa nói, “Cô  lại lên đồng chập cheng rồi”, có đứa mim cười  “Cô đang tự sướng đấy!” . Suốt ba năm, không có học sinh nào  được điểm Văn trên 6 phẩy khiến bố mẹ mấy đứa muốn con mình là học sinh giỏi phải đôn đáo chạy mấy cửa mới xin cho chúng lên được 6,5.  Vậy mà không ngờ năm nay lên lớp 9, giò Văn của thầy Nguyên lại sống động  như nàng công chúa bừng thức dậy sau giác ngủ trăm năm trong rừng.  Mọi người vẫn gọi đùa thầy Nguyễn  là người đàn ông còn sót lại của khu rừng nhà trường vì thầy là giáo viên nam duy nhất trong cả hơn  một trăm thầy cô. Thầy đã ngoài 50, trông sú sì như một bác nông dân nghiện thuốc lào, thế mà khi giảng bài, đôi mát của thầy lấp lánh như hai vì sao và giọng nói của thầy vô cùng truyền cảm. Ngay từ tiết đầu tiên học thầy, cả lớp trầm trồ ca tụng thầy, vừa tiếc nuối  ba năm học cũ.  Trời ơi! Văn hay như thế mà sao bây giờ mới được học?

Thằng Minh lại thấy bụng ngâm ngẩm đau, Nó lại ngừng bút để xoa  Nhưng lần này, bàn tay nó không còn mầu nhiệm nữa mà hình như có một bàn tay vô hình đang thọc ngoáy trong gan ruột nó khiến nó đau chảy cả nước mắt  Lạ thật, sáng nay mình có ăn gì đâu ngoài nắm xôi trắng còn nóng hổi rắc tí muối vừng trên đường đi học. Nó luôn nhớ lời mẹ dăn, đang thời dịch tiêu hoá nên không dám ăn phở, bát  canh bánh đa cua hay bún cá cay , sợ nước dùng  chưa chín hoặc bát đĩa rửa qua quít  hàng trăm cái chỉ trong cái xô nước  xám đen quánh vàng mỡ, cọng hành. Ngay cả món banh mì ba tê khoái khẩu, nó cũng sợ ba tê ôi Chả nhẽ cái nắm xôi trắng muối vừng đựng trong túi nylon mỏng như giấy bóng kính mà nó đưa lên miệng ngọam  từng miếng  chứ đâu có bốc tay cũng lắm vi khuẩn sao?

Thằng Ninh ngồi cạnh, thấy thằng Minh như khóc, khẽ hỏi:

-Mày sao thế?

-Tao đau bung!  .

- Xin phép thầy đi vệ sinh đi!

-Tao sợ phải vào nhà vệ sinh lắm!

-Ừ vào đấy bẩn thật. Cả tháng nay tao toàn nhịn về nhà đi đái thôi.

-Tao cũng vậy.  Mẹ tao bảo cứ thế sớm muộn gì cũng  sẽ bị sỏi thận.

-Mà sao cái nhà vệ sinh cũ phá ra làm lai mãi vẫn chưa xong nhỉ? Thằng Minh toan trả lời thì cái bàn tay quỷ quai lai vò xoắn ruột  nó. Nó nín chặt hậụ môn cho bụng ép  dẹp lai nhưng cái bàn tay vô hình tỏ ra độc ác hơn lại vò xoắn liền mấy cái. Hai tai không còn nghe thấy tiếng thầy Nguyễn, nhưng cái đầu vẫn ý thức được là phải mau ra khỏi lớp. Nó vội quệt ngang nước mắt, lâp cập đứng lên xin phép thầy đi vệ sinh.

Nhưng thật lạ! Vừa ôm cái bụng đến trước cửa nhà vệ sinh, thằng Minh bỗng thay cơn đau biến mất.  Không hiểu vì bản thân nó sợ nhà vệ sinh hay con  quỷ quái ác sợ đã  bỏ chạy . Đúng vây, thà bị phạt đứng góc lớp còn hơn phải vào trong đó,  dù chỉ một phút.  Vào đấy, đứng đái còn rùng mình huống hồ lại phải ngồi xổm trên cái hố xí.

Đây là cái nhà vệ sinh làm tạm để đập  phá xây dựng  lại khu  nhà vệ sinh cũ của ngôi truong lớn nhất thành  phố này  do người Pháp xây dựng cho con em họ từ đầu thế kỷ  trước  Chả hiểu sao, trường mỗi buổi  học có cả gần nghìn học sinh mà người ta chỉ làm tạm có một dãy nhà thấp lụp  xụp , mái lợp bằng  những tấm tôn cũ lôi về từ các rào chắn các công trình đã hoàn thành, có tấm rạn nứt, có tấm lỗ chỗ thủng nhìn thấy cả trời  cao. Dãy nhà chia làm hai gian, một cho nữ, một cho nam. Mỗi gian  có cái mang hẹp đi tiểu và ba ngăn hố   xổm chật như ôm bó lấy người ngồi  Cửa ngăn bằng gỗ của các thùng hàng cũ ghép lại , cái thì mất bản lề, cái thì long một hai mảnh khiến nhưng ai  còn biết xấu hổ cảm thấy như bị thách đố khi phải  ngồi sau cái  cửa che đậy ấy Đã thế, bồn chứa nước luôn cạn kiệt vì người ta cũng chỉ treo tạm trên cả hai gian một cái bồn nhựa  500 lít.

Hai tháng trước, thằng Minh cũng đa một lần mót ị. Nhưng khi vừa đẩy  một cánh cửa gô ọp ẹp, nó rùng mình vì thấy trước mắt  lúc nhúc  lũ giòi trắng mầm  trong  lớp phân bê bết  quamh miệng hố xí. Nó oẹ khan mấy tiếng và tịt ngay cơn buồn  Về nhà đang bữa trưa, lũ  giòi bọ lại hiên lên trong trí  nó, khiến nó nôn thốc nôn tháo, làm rơi vỡ cả bát cơm. Tù đấy nó  tự rèn luyên có thói quen ỉa đái ở nhà cho bằng hết trước khi đi học.

-Cháu đi vệ sinh à?

Thằng Minh quay lại  pa  tiếng nói và nhận ra bác Mùi , lao công mới xin vào làm việc cho trường vài ngày nay thay cô lao công cũ xin thôi hợp đồng  vì không chịu nổi việc quét dọn nhà vê sinh tạm này. Nó ngượng ngập chưa kịp chào  thì  bác Mùi đã tươi cười nói:

-Cháu sợ bẩn hả? Không bẩn đâu cháu ạ , bác mới quét dọn đó!  Vào đi, xong thì nhớ giội nước nhé!

Dứt lời , bác tong tả bước về phía phòng bảo vệ. Thằng Minh cảm thấy có chuyện lạ  Vừa lúc bụng  nó ngâm ngẩm đau trở lai nên nó mạnh dạn bước vào nhà vệ sinh  Quả đúng như lời bác Mùi, từ cái máng đái đến ba cái hố xí xổm đều đã sạch bong, không thấy mùi khai thối mà còn nực lên mùi nước tẩy rửa Vim siêu sạch. Nó vững tâm ngồi xuống một ngăn.

Ra khỏi nhà tiêu với cái bụng nhẹ tênh êm ả, thằng Minh thở phào khoan khoái.  Nó thấy bác lao công và ông bảo vệ đang đứng bên cây phượng gần đó.  Ông bảo vệ chỉ tay về phía nhà vệ sinh cũ đã bị phá dỡ ngổn ngang:

-Cái nhà vệ sinh kia gần 100 tuổi rồi đó. Không hiểu sao, ngày xưa trường  có 10 phòng hoc mà có tới 14 cái hố xí. Thật là thoải mái. Các ông ấy bảo nó xuống cấp, phá đi xây lại nhưng  tôi ăn ngủ ở cái trường này hơn mười năm nay, tôi thấy nó còn tốt chán. Có chăng  chỉ nên lại nền, ốp lại tường và sửa lai hệ thống nước rửa. Vây mà chả hiểu ai giải quyết, ban xây dựng quận ầm ầm kéo quân về xây dựng qua quýt cái nhà vệ sinh tạm này rôi đùng đùng phá tanh banh khu nhà vệ sinh cũ đi.

-Sao cát gạch ngổn ngang thế kia mà không thấy thợ làm ?

-Nghe đâu trên bắt dừng lại vì có đơn tố cáo ông giám đốc tham ô

-Làm cái nhà vế sinh thì có gì mà tham ô.

-Bà nhầm! Khối thứ ăn được đấy sắt thép thanh nào tốt mang đi, các mẩu vụn thì gọi chè chai bán cân. Tiếc nhất là những tấm đan bê tông lót đậỵ các bể  phốt. Cách đây trăm năm  mà sao người ta tài thế, tấm nào tấm ấy dài rộng chằn chặn với hàng trăm lỗ tròn đều tăm tắp. Chắc là của hiếm nên tôi thấy ông giam đốc cho hết lên ô tô chở đi đâu không biết. Sau này còn sắt thép xi măng và đủ các vật liệu mới, tha hồ mà ăn ấy chứ !

-Liệu ông ta có sao không?

-Chả sao cả. Báo An ninh thành hố có hẳn bài phóng sự điều tra đấy nhưng làm gì được nhau. Ông ta là em ruột ông Chủ ticn quận. Không kiện thì còn làm chứ đã kiện và điều tra thì nghỉ chơi, cho thầy trò chúng mày ỉa đái lênh lảng ra đấy!

-Chỉ khổ bọn trẻ con thôi!- Bác Mùi chép miệng – Thôi, tôi đi  chuẩn bị nước uống cho lũ trẻ sắp ra chơi đây!

Nói rồi bác đi về phía nhà bếp.

Thằng Minh cũng vội chạy về lớp, nhưng vừa đến cửa thì trống ra chơi đã điểm. Gặp thằng Ninh, nó khoe ngay:

-Nhà vệ sinh hôm nay sạch lắm. Mày thử vào mà  xem

-Thật không?  - Thằng Ninh nghi ngờ hỏi.

-Thật đấy!

-Thế thì tao phải đái một phát cho nó sướng

Hai đứa kéo nhau đến nhà vệ sinh và thấy hàng chục đứa đang xúm quanh bác lao công ngoài cửa.

-Các cháu đừng chen lấn xô đẩy nhau, nhé. Rồi cũng tới lượt mà! – Bác Mùi ôn tồn nói – Hãy giúp bác, vệ sinh xong xối ngay nước rửa cho sạch. Bồn nước nhỏ nhưng bà đã nhờ ông bảo vệ liên tục bơm  đủ cho các cháu dùng.

Bây giờ, gần chuc đứa con gái từ gian nữ bước ra cũng túm ngay lại bên bác Mùi. Một cái miệng nhỏ xinh nói:

-Nhà vệ sinh hôm nay sạch quá! Chúng cháu cảm ơn bác.

-Nhiệm vụ của bác chứ ơn huệ gì? – Bác lao công hồn hậu đáp – Nhưng sức bác có hạn,  sạch hay không là nhờ ỏ các cháu cả. Chỉ cần chúng ta bảo nhau giữ gìn vệ sinh chung thật tốt  thì không sợ nhà vệ sinh bị bẩn. Các cháu có đồng ý không?

-Có ạ! – Hàng chục cái miệng  vang lên đáp lại khiến những cành phượng vĩ cũng rung rinh như hưởng ứng theo. Một thằng đầu đinh gạt nhẹ bọn con gái ra, xấn lên trước mặt bác lao công:

-Bu ơi!Trước kia bu làm gì? 

- À, bác là lao công quét rác đường phố, cháu ạ! Giờ được nghỉ hưu, bác xin làm thêm cho trường để vừa đỡ buồn tay vừa có thêm tiền nuôi con gái bác đang học Đại học trên Hà Nội!

-Thế thì bu cực giỏi mà con gái bu cũng  cực giỏi - Một thằng đeo kính cận từ phía sau nói chen vào – Nhưng sao bu không kiếm việc gì khác cho nhàn nhã mà lại dính vào cái công việc quét dọn bẩn thỉu này?

-Cả đời bác chỉ quen vói công việc làm sạch đường phố thôi. Vả lại bác cũng yêu cái nghề quét dọn này.

-Thật thế hả bác? - Thằng Minh ngạc nhiên hỏi!

-Thật đấy! Hồi nhỏ bác được nghe nhiều lần, Bác Hồ đi thăm đâu, trước tiên cũng  xem nơi ăn chốn ở nhà vệ sinh của mọi người ở đó chứ không quan tâm tới cờ hoa biểu ngữ diểm binh tưng bừng đón bác! Thế là lớn lên, bác  xin làm lao công quét rác. Các cháu thử nghĩ xem, một con đường không có người quét dọn, một trường học không có nhà xí sẽ ra sao. Đừng bảo bác nói tục, chứ chuyện ỉa đái là không thể thiếu được. Chuyện ỉa đái không có gì là bẩn nhưng  để nơi ỉa đái mất vệ sinh mới là bẩn thỉu.

-Bác nói hay quá! – Thằng Ninh từ trong nhà vệ sinh ra cũng  góp luôn lời – Hôm nay nhà vệ sinh tạm sạch lắm.  Cháu cám ơn bác!

-Lại cám ơn rồi! – Bác lao công mắt ngời niềm vui, Bác cũng sẽ cám ơn các cháu nếu các cháu cùng nhau giữ vệ sinh chung!

­-Vâng a! – Tiếng reo hưởng ứng của lũ trẻ vang lên hoà nhịp cùng tiếng trống báo hết giờ chơi. Thăng Ninh kéo tay thằng Minh vừa vào lớp vừa nói:

-Suốt chín năm đi học, tao chưa thấy ai chăm và tốt như  bác lao công này. Hôm nay tao được đái thoải mái, khoái thật! Mai kia xong nhà vệ sinh mới, chắc còn khoái hơn nhiều!

&

Rồi  nhà vệ sinh mới cũng xây xong. Thằng Minh nhẩm tính, từ đầu hè năm ngoái đến tháng tư năm nay là gần một năm. Người ta xây hơi bị lâu? Cái nhà 4 tầng của cô nó chỉ xây có hơn  5 tháng. Nhưng lạ thật, công trình xây xong đã hai tuần, thợ thuyền đã chuyển  đi hết mà vẫn cửa đóng then cài, chưa sử dụng. Nó đem điều thắc mắc đó hỏi ông bảo vệ.

-Đợi làm lễ khánh thành xong, cháu ạ! – Ông bảo vệ cười nửa miệng trả lời.

-Có cái nhà vệ sinh mà cũng phải làm lễ khánh thành hả bác? - Thằng Minh càng thêm thắc mắc

-Ông Đại, giám đốc công ty xây dựng  của quận bảo, bất kỳ  công trình nào cũng phải có khởi công và  mừng công.

.-Thế bao giờ thì mừng công cái nhà vệ sinh này ạ! .

-Nghe đâu tuần sau đấy!

Quả nhiên thứ bẩy tuần sau, có thông báo của  nhà trường đến từng lớp hoc Ngày mai chủ nhật , khánh thành công trình phụ . Mỗi lớp ngoài lớp trưởng, lớp  phó được cử thêm  10  em đi dự.

Thằng Minh là lớp phó phụ trách  Văn thê mỹ nên được cô giáo Nhi chủ nhiệm lớp giao  cùng cái Hằng  lớp trưởng  mua một lẵng hoa đem mừng lễ khánh thành. Hai đứa tập hợp 10 đứa  được đi dự lai, Thằng Ninh cũng được cử đi. Nó thích thú  nhìn mấy đứa không được đi buồn ra mặt, đứng ngoài hành lang nhìn bọn  nó họp.

Sáng chủ nhật, từ  cổng trường vào trong sân đỏ rực một màu đỏ. Khẩu hiệu đỏ. Cờ trang trí đỏ. Các lẵng hoa chúc mừng đỏ. Có  trên năm chục bó hoa cả thẩy; Hoa của  công ty xây dựng 7 quận nọi thành,  Hoa của phường sở tai, Hoa của Sở giáo dục và đào tạo Thành phố. Hoa của Phòng giáo dục  và đào tạo quân nhà. Hoa của Ban giám hiệu và các lớp. Lẵng nào cũng na ná như nhau. Không có hoa quý và đẹp nhưng nhờ khéo cài cắm nên trông cũng bắt mắt.

Cô giáo Nhi lướt nhìn các giải băng của các lẵng hoa, nhận ra chưa có hoa của lớp mình chủ nhiệm, vội cho gọi thằng Minh đến hỏi:

-Lớp mình không có hoa à?

-Thưa cô, có chứ ạ!

- Sao không đem lên đặt cùng các lẵng hoa kia?

-Thưa cô, chúng em không mua hoa lẵng mà mua hoa bó!

-Sao lại thế?

-Dạ! Lẵng hoa đắt tiền, không đẹp lại cồng kềnh không tiện trao tặng người nhận ạ!

-Trao tặng ai? Chỉ cần có lẵng hoa mang tên lớp mình đặt lên kia cho đủ thủ tục thôi mà!

-Dạ! Em chưa kịp báo cáo cô, chúng em đã xin phép và được ban tổ chức cho đem hoa lên lễ đài tặng và phat biểu cảm tưởng rồi a!

-Gớm, câc cô các cậu nhiễu sự qúa! Có mỗi chuyện mở cửa nhà vệ sinh mới chứ công trình to tát gì mà bầy vẽ tặng hoa tặng hoét. Nhưng thôi, nhà trường đã cho phép thì làm sao cho tốt thì làm, đừng để ảnh hưởng đến lớp đấy!

Thằng Minh hiểu, cô giáo Nhi cũng chẳng ưa gì cái lễ khánh thành này. Nó “dạ” một tiếng ròn tan rồi chạy nhanh về khu vực ngồi  của lớp ở sân trường vừa lúc một hồi trống vang lên báo hiệu giờ khai mạc Nó vội bảo cái Hằng:

-Mày bảo chúng nó chuẩn bi  kỹ chưa? Sau khai mạc nửa giờ là chúng mình lên đấy!

-Yên tâm đi! Chỉ sợ mày nói không ra hồn thôi còn mọi việc đâu vào đấy cả rồi –  Cái Hằng tự tin đáp.

Sân trường đã bật lên mấy tiếng “cộc, cộc, cộc...”, xen lẫn tiếng rú rít của chiếc micrô. Cô hiệu phó phụ trách cơ sở  vật chất nhà trường trong vai trưởng ban tổ chức đóng khung trong bộ áo dài màu thiên thanh, mồ hôi vã giọt trên trán thôi gõ tay vào chiếc máy nói rồi trịnh trọng tuyên bố lý do và giói thiệu đại biểu. Trên hai tầng ghế tựa danh dự, có ông phó chủ tịch quận nhà, ông chủ tịch phường  sở tại, bẩy ông  giám đốc công ty xây dựng  bẩy quận nội thành, ông trưởng ban  kiến thiết cơ bản  của Sở giáo dục và đào tạo thành phố, ông trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận nhà, mười thầy cô hiệu trưởng mười trường bạn trong quận. Tiếp sau là sáu hàng ghế băng  dành cho Ban giám hiệu và các thầy cô giáo của trường, cuối cùng là hơn 4 trăm cái ghế  đẩu bằng nhựa  cho đại diện của bốn chục lớp.

Đợi cho tràng vỗ tay vang dội chào mừng các quan khách ngớt hẳn, cô trưởng ban tổ chức trân trọng giới thiệu ông Trần Đại, giám đốc công ty xây dựng Vì Dân của quận nhà  lên báo cáo việc hoàn thành công trình.

Ông Đại không com lê mà áo phông trắng bó gọn trong chiếc quần bò màu xanh rêu phô bày trước mắt mọi người một thân hình  đẫy đà trẻ trung sung mãn. Sau khi dài dòng về  những khó khăn và thành tích  của công ty, giọng ông như gằn lai, vừa  có ý thanh minh cho sự kéo dài thời gian xây dưng vừa  vẻ thách thức và nhạo báng những kẻ đã vạch lá tìm sâu kiện cáo bên thi công rồi mới chuyển sang giọng hân hoan trao lại công trình cho nhà trường phuc vụ việc dạy tốt, học tốt của thầy cô và các cháu học sinh. Báo cáo xong, ông Đại cười rạng rỡ và tự tán thưởng bằng mấy tiếng vỗ tay rất to khiến  mọi người giật mình vỗ  tay theo.

Lễ đài đón cô hiệu trưởng lên bày tỏ lời cám ơn các cấp lãnh đạo đã tìm cách giúp kinh phí cho nhà trường, cấm ơn ông giám đốc công ty  xây dựng quận nhà và đội ngũ công nhân đã khắc phuc khó khăn hoàn thành công trình tốt nhất và nhanh gọn nhất. Rồi thay mặt toàn trường,  cô hứa sẽ giữ gìn vệ sinh  công trình này sạch như bệnh viện.

Lời cô hiệu trưởng chưa dứt hẳn thì hai bàn tay to đầy của ông Đại đã vỗ vang làm dậy lên tràng pháo tay ròn rã của mọi người. Nhưng thằng Minh như không nghe thấy  gì. Nó đang hồi hộp chờ đợi giây phút nó sắp được lên lễ đài. Trống ngực đánh thình thịch, hai mắt nó nhớn nhác nhìn lên hành lang, khi thấy  hai cái đầu của cái Hằng và thằng Ninh ló ra với hai bàn tay khẽ vẫy vẫy, nó mới cảm thấy yên tâm. Vừa hay cô trưởng ban tổ chức nói “ Tôi xin giới thiệu một em hoc sinh lớp 9 thay mặt học sinh của trường lên tặng hoa đôi xây dựng và phát biểu cảm nghĩ ”

Thằng Minh như cái lò  xo bật dậy, luống cuống rời khỏi chỗ ngồi, nhưng  nó trấn tĩnh ngay khi thấy theo sau nó là cái Hằng, ôm một bó hoa phong kín trong  tờ giấy bóng từ hành lang thoắt xuống. Cả hai đĩnh đạc bước lên bục nói chuyện. Thằng Minh khoan thai bẻ cái micrô ngang tầm miệng rồi đảo nhanh mắt sang cái Hằng đứng bên cạnh, lê phép cất giọng. Sau vài câu kính thưa, giọng nó trôi chảy hẳn lên:

Gần một năm qua, học sinh chúng em ai cũng mong từng ngày có đươc một khu nhà vệ sinh sạch sẽ. Chúng em xin tỏ lòng biết ơn tới các bác lãnh đạo, các thầy cô giáo, các cô các chú công nhân đã góp sức để niềm mong mỏi đó của chúng em hôm nay đã thành hiện thực”.

Thằng Minh bị ngắt lời bởi mấy tiếng vỗ tay của ông Đại. Nó thấy cái dầu đinh mập tròn của ông gật gù thích thú cùng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt nhẫy bóng hồng hào. Chờ tràng vỗ tay của mọi người theo ông Đại ngớt hẳn, nó nói tiếp:

“Trước mỗi tiết học, chùng em thường hát bài ” Em yêu trường em”. Vâng, chúng em rất yêu trường của chúng em, ngôi trường  có lich sử gần  một thế kỷ, rất đẹp và khang trang. Chúng em yêu từng gốc cây phượng vĩ, yêu từng khung cửa sổ sơn xanh, yêu từng dây bàn ghế trong lớp học. Chúng em yêu cả khu nhà vệ sinh tuy đã cũ nhưng còn khá tiện ích. Nhưng gần một năm nay, cái nhà vệ sinh ấy bị phá đi, lòng yêu trường của chúng em bị sứt mẻ vì chúng em không thể yêu cái nhà vệ sinh tạm ! Cứ nghĩ đến phải vào trong ấy, chúng em sợ hãi như  phải xuống địa ngục.  Vì vậy, không ai bảo ai, tất cả chúng em đều cố nhịn đi tiêu đi tiểu. Chúng em xin thành thật nhận khuyết điểm là để cái nhà vệ sinh tạm dơ bẩn đến thế, một phần  do ý thức giũ gìn vệ sinh chung của chúng em còn kém. Nhưng phần chính mà ai cũng biết, là do nó được dựng lên rất đúng với hai tiếng tạm bợ lại phải oằn mình làm nhiêm vụ dòng dã gần một năm trời, quá sức chịu đựng của nó và cũng quá sức chịu đựng của gần hai nghìn học sinh chúng em.

Thằng Minh vừa hào hứng nói vừa khẽ nhanh đưa mắt xuóng  lễ đài l  Nó thấy các đại biểu đưa măt nhìn nhau , có người chau mặt, có người mỉm cười. Riêng ông Đại thì khuôn mạt tròn ủng tái thần ra,  gượng gạo đưa hai ngón tay lên nhổ râu mặc dù cằm ông nhẵn thín.

Thằng Minh lại say sưa nói tiếp:

-Sau khi cô lao công cũ bỏ làm vì không kham nổi việc quét dọn cái nhà vệ sinh tạm này, may thay có bác Mùi ứng cứu. Bác Mùi không chỉ dã khó nhọc hết mình mà còn dạy cho chúng em hiểu rằng, cái nhà vệ sinh là góc khuất ít ai để ý nhưng lại là chuyện cực kỳ quan trọng ảnh hưởng không nhỏ tới  sức khoẻ và học tập của chúng em. Chúng em đã hưởng ứng lời kêu gọi của bác lao công, coi việc vệ sinh là một tiêu chí văn hoá, văn minh học đường. Nhờ vậy mà mấy tháng gần đây, nhà vệ sinh tạm  đã có sự cải thiện rõ rệt.

Hôm nay, nhà vệ sinh tạm đã hết phận sự , trao lại nhiệm vụ cho nhà vệ sinh mới . Nhân dịp này, chúng em xin phép các vị đại biểu và các thầy cô giáo kính yêu được bày tỏ lòng biết ơn với bác Mùi lao công bằng bó hoa tươi đẹp này”

Tiếng “này “chưa dứt hẳn thì cái Hằng đã tươi tắn nhanh nhẹn nâng bó hoa đã mở hết giấy bọc lên hết tầm tay Một bó hoa sen hơn chục bông, gồm cả hoa  trắng hoa hồng tuyệt đẹp buộc bởi dải nơ  bằng lụa vàng óng ánh bật ra trước mắt mọi người. Hàng loạt tiếng trầm trồ cùng lúc ngân lê:”Bó hoa đẹp quá!”, “Bó hoa đẹp quá!”...Cái Hằng hạ tay chuyển bó hoa cho thằng Minh, lại gần chiếc micrô, cất giọng trong trẻo:

-Lớp 9A chúng em xin kính tặng bó hoa sen này với ý nghĩa, sen sống trong bùn lầy nhưng luôn vươn lên trên bùn lầy, toả hương thơm ngát;”gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bác Mùi lao công tuy không tham gia xây dựng nhà vệ sinh mới nhưng bác đã dũng cảm cần mẫn dọn dẹp cái nhà vệ sinh tạm khủng khiếp trong ba tháng qua, không chỉ cho chúng em học tập tốt  mà còn để đội thi công yên tâm xây nhà vệ sinh mới. Bác đúng là một đoá sen giàu tính thân thiện và độ lượng  yêu thương.

Cái Hằng ngừng lời, đưa mắt  về một góc sân trường, lễ phép nói vang lên từng tiếng: Chúng cháu kính mời bác lao công lên nhận bó hoa tươi đẹp này!

Hàng trăm cặp mắt cùng ngoái dồn theo hướng nhìn của cái Hằng. Trước khung cửa gỗ sơn xanh của nhà bếp, thằng Ninh  đang nắm  cánh tay phải bác Mùi như một đứa con ân cần  chuẩn bị đẫn mẹ đi chơi. Sau lưng bác là hai đứa con gái cũng như theo chân để dìu đỡ me. Nhưng bác lao công, mặt rạng ngời vui sướng chỉ lắc đầu nguây nguẩy nhất quyết không chịu dời chân. Thấy thế, cái Hằng đưa mắt ra hiệu cho thằng Minh chuyển lại bó hoa cho mình rồi kéo tay nó cùng chạy ào về phía bếp.

Vừa giáp mặt bác lao công, cái Hằng tươi cười đặt bó hoa sen vào ngực bác khiến bác luống cuống phải đưa vội hai tay ra đỡ lấy bó hoa. Mười bàn tay của năm đứa trẻ vỗ vang lên một nhịp như  tiếng gọi đàn làm cho gần nghìn bàn tay của bè bạn đang ngồi trong sân cất lên theo. Rồi không ai bảo ai, cả bọn trẻ đồng loạt  đứng lên, ùa cả về phía nhà bếp khiến các thầy cô và các vị đại biểu cũng nhốn nháo  theo, kẻ đứng, người ngồi, người nọ nhìn người kia không biét xử trí ra sao.

*

Sau lê khánh thành, thằng Minh và cái Hằng cùng cả Đội đi dự phải ở lại gặp cô giáo chủ nhiệm.

-Các cô các cậu giỏi thật – Cô giáo Nhi nghiêm giọng mở đầu – Tôi không còn biết nói với Ban giám hiệu ra sao nữa!

Thằng Minh lễ phép đứng dây:

-Thưa cô! Chúng em xin cô tha lỗi và xin nhận kỷ luật của nhà trường Chúng em mong  các thầy cô hiểu cho, chúng em làm việc này vì thực lòng quý trọng bác lao công.

-Các thầy cô  cũng biết điều đó. - Giọng cô Nhi đã dịu lại  - Nhưng giá các em cho cô biết trước ý định thì tốt hơn. Ai lại làm cho buổi mừng công mất đi phần cắt băng khánh thành và nhất là làm ông Đại mất mặt trước mọi người. Sau này, trường  muốn xin xây sửa gì cũng khó đấy!

Cô giáo Nhi khẽ lắc đầu, lũ trẻ nhìn nhau im lặng . Nhưng cô lại nói ngay:

-Thôi về cả đi! Để cô lên gặp Ban giám hiệu nhận lỗi cho!

Cái Hằng sung sướng nhanh nhảu  reo:

-Hoan hô Cô!

Cả mười một đứa còn lại, cũng bật đứng lên hưởng ứng:
-Hoan hô Cô!!!

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

 

NHÀ HÀNG THANH LỊCH

 

 


 




Biết ông không thích ăn uống ở các nhà hàng, từ hàng vỉa hè đến các nhà hàng có biển hiệu. Không phải vì ông có tính keo cú như lão Grandet làm nghề đóng thùng ở thị trấn Xomuya trong tiểu thuyết Eugénie Grandet lừng danh của văn hào Honoré de Balzac mà vì ông rất sợ bát đũa cốc chén,..không được sạch và sợ nhất là các thực phẩm không rõ nguồn gốc trong thời đại bỏ ngỏ quản lý và kiểm soát hiện nay. 

Vây mà sáng nay, vừa đi tập thể dục về, ông vui vẻ bảo bà lát nữa đi ăn nhà hàng khiến bà tròn xoe mắt, hỏi ông có bị sao không đấy? Sao là thế nào, đi ăn nhà hàng là đi ăn nhà hàng chứ bị sao. Rồi ông giải thích, chả là hơn một tháng nay, đi bộ qua khu cao ốc Ven Sông thấy người ta khẩn trương tôn tạo, thiết kế, trình bày một ô tầng trệt thành một nhà hàng có tên là Thanh Lịch, biển hiệu bằng cả chữ Việt và chữ Ăng lê trông rất bắt mắt. Chủ nhân là một cô gái rất trẻ trung xinh đẹp, người Hà Nội gốc. Một lần thấy ông dừng chân xem thợ làm, lại biết ông cũng dân ven đô Hà Nội cũ, cô chủ nhỏ chuyện trò khá cởi mở: Bố mẹ cháu thấy cháu thích mở nhà hàng ở đất Sài Gòn để giới thiệu một vài món ngon Hà Nội cho người Hòn Ngọc Viễn Đông cũ nên đã cho ít lưng vốn để làm ăn. Hôm nào cửa hàng cháu mở, mời bác đến thưởng thức ạ! Họ đã khai trương được mấy ngày rồi, hôm nay ta đến ăn để đáp lời mời thân thiện đó và cũng là để xem người Hà Nội đem những món ngon của đất Tràng An vào đây ra sao.

Khi hai ông bà đến, nhà hàng đã có gần chục khách đang ăn. Cô chủ nhỏ Áo dài xanh màu thiên thanh với mái tóc đen dài buông trên lưng rất thanh lịch đứng bên quầy tiếp tân nhận ra ông, nhẹ nhàng tiến lại gần bàn chào mời rất nhã nhặn rồi giới thiệu: Vì nhà hàng mới mở nên hôm nay chỉ có 3 món điểm tâm: phở, bún mọc và hủ tiếu, hai bác dùng gì xin gọi nhân viên ạ. Sau lời ảm ơn cô chủ, hai bác gọi món bún mọc để nhớ lại hương vị món ăn xuất phát từ làng Mọc (làng Nhân Mục), Nhân Chính giáp gianh với làng quê của ông..

Khi hai bác vừa xong bữa, cô chủ nhỏ lại đến gần hỏi han hai bác ăn có ngon miệng không, giá nhà hàng có đắt không ạ? Hai bác đáp lại là rất ngon, giá có cao hơn bên ngoài nhưng không đắt vì phòng lạnh, bàn ăn sạch đẹp và thái độ phục vụ chu đáo của nhà hàng.

&




Hơn một tháng sau mới lại đi bộ dưỡng sinh qua khu cao ốc Ven Sông. Nhìn lên nhà hàng Thanh Lịch thì thấy cô chủ nhỏ đang chỉ tay ra hiệu cho một cậu nhân viên dán một tờ giấy gì đó vào cái cửa cuốn mầu xanh ngọc vẫn còn buông kín im ỉm. Tò mò lại gần nhìn, thì ra là cái thông báo: Nhà hàng tạm đóng cửa để nâng cấp nội thất. Hẹn gặp lại quý khách trong thời gian gần nhất!

Nhận ra ông già gốc ven đô Hà Nội đã một lần ăn bún mọc ở đây, cô chủ nhỏ gật đầu chào rồi không dấu diếm nói: Ế lắm bác ạ. Tháng vừa rồi thua lỗ đến trên hai chục triệu nên cháu tạm phải đóng cửa lại.

Ông già an ủi hỏi, phải chăng khu này chưa đông người ở lại thêm người dân đang phải thắt chặt túi tiền trong thời kinh tế chưa phục hồi?

Không phải đâu bác ạ, ở Hà Nội "bún quát, phở đuổi, cháo chửi" mà vẫn hấp dẫn người đến ăn như đến xem một màn biểu diễn làm cho đồ ăn thêm hương vị. Sài Gòn chưa đến nỗi thế, nhưng hàng ngàn người Sài Gòn sẵn sàng đội nắng ban trưa chờ được ăn miễn phí. Người ta sẵn sàng chen lấn giành giật nhau để mong có phần ăn. Dân ta là thế mà!

Ông già chưa biết nói gì trước cái câu cảm thán đau lòng như thế thì cô chủ nhỏ đã tiếp luôn những lời trống không: Vì vậy, nhà hàng này sẽ không bỏ cuộc đâu. Cháu sẽ nghiên cứu kỹ khách hang và làm câc món ăn theo khẩu vị của họ và sẽ mở một vài bữa ăn miễn phí để cầm tay khách hàng dẫn dắt họ đến với hành vi thích ăn ở đây, dù sớm hay muộn!

Ô hay, cô chủ nhỏ Tràng An xinh đẹp! Mới hôm nào thanh nhã như một đóa hoa nhài thơm ngát dịu dàng mà sao hôm nay lại kiên quyết là thế ???

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...