Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

THƠ ĐINH THẾ VINH

Đinh Thế Vinh ( 1937- 2016)

TẤM GƯƠNG ĐỨC HẠNH
(92 CÂU MỘT VẦN) 
Kính dâng hương linh Anh
Kính tặng chị Cả Bùi Khoát
Nhũ danh Đàm Thị Lộc
Hiệu Trưởng danh dự 
Cơ sở BDVH 218LTT

Bảy mươi năm trước, em còn nhỏ,
Chị là thiếu nữ tuổi thanh xuân.
Tiểu thư khuê các con “quan Bố”,
Vững vàng phong cách thiếu phu nhân.
Về làm dâu bác từ năm ấy,
Cả họ gần xa quý bội phần.
“Cậu cử” – phu quân – chờ bổ nhiệm,
Lên làm tri huyện để an dân.
Cả làng kính trọng đôi tài – sắc,
Tôn làm tiên – chỉ trước linh thần.
Chị dù xuất xứ giòng quan cách, 
Rất trọng luân thường, rất nghĩa nhân.
Trong họ, ngoài làng ai cũng quý,
Vợ hiền, dâu thảo, vẹn mười phân.
Từng quen nếp sống nơi đô thị, 
Vẫn hòa chung nhịp với nông dân.
Tề gia quán xuyến bao công việc, 
Chẳng quản gian nan, ngại tảo tần …
Thế rồi binh lửa tràn sông núi, 
Cách trở chia ly, đã mấy lần.
Dâu biển thăng trầm theo vận nước,
Phấn son đài các cũng gian truân.
Bôn ba trong nước, rồi xa xứ,
Trọn đạo tòng phu chẳng ngại ngần.
Sống ở quê người sung sướng ấy,
Vẫn hằng thao thức nhớ song thân.

Hồi hương, Anh trở thành danh sĩ,
Chị thì mệnh phụ, đại phu nhân.
Dù cho danh vị hàng sang quý,
Chị vẫn khiêm cung vẫn kiệm cần.
Công việc trong ngoài chu đáo hết,
Còn làm đẹp mặt đấng phu quân.
Vốn mang thiên phú tài kinh tế,
Giao dịch, kinh doanh, giỏi tuyệt trần.
Xử thế đối nhân đầy lịch thiệp,
Khi thì cổ kính, lúc duy tân.
Á – Âu, Nam – Bắc đều thông thạo,
Văn hóa Đông – Tây thực thấm nhuần.
Ân – Uy, Tình – Lý, luôn minh bạch,
Nữ lưu mà sánh bậc kinh luân …
Cơ trời vận nước sang trang mới, 
Xã hội vào trong cuộc chuyển vần.
Địa vị công danh cùng sự nghiệp,
Tàn nhanh như một áng phù vân.
Phu quân lưu xứ miền sơn địa,
Nếm mật nằm gai chốn cát lầm
Chị hằng trọng nghĩa phu - thê lắm
Chẳng quản gian lao, ngại dấn thân.
Lặn lội suốt từ Nam chí Bắc,
Mong tìm cho được vị ân nhân.
Cốt làm sao đạt niềm tâm nguyện,
Ngày hội đoàn viên sớm lại gần.
Đón đấng phu quân về chăm sóc,
Đọc sách Đường thi “tiết phụ ngâm”.
Trời cao thấu cảm lòng son sắt,
Ước nguyện thành tâm vẹn mọi phần.
Sau bao ly cách nay đoàn tụ,
Thắm lại duyên tơ, nghĩa sắt cầm …
Ngày vui như bóng câu qua cửa,
Như lá bay vèo thoảng trước sân.
Phu quân cưỡi hạc về tiên giới, 
Trả lại phù hoa, rũ bụi trần.
Chị lại truân chuyên sầu lẻ bóng, 
Một mình tự liệu với đơn thân.
Lòng đầy nghị lực, tâm trong sáng, 
Chị quyết vươn thêm nữa, một lần.
Dựng lại cơ đồ tan tác cũ,
Ngang tầm thời đại, bước canh tân.
Phát huy giáo dục, hưng văn hóa,
Xây trường, mở trí với khai tâm.
Hành trang Đức –Trí trao người học, 
Đi đúng theo đường Thiện – Mỹ – Chân…
Trải non thế kỷ trên trần thế,
Thăng trầm thay đổi biết bao lần.
Bao dung độ lượng, lòng như biển,
Việc đời coi nhẹ tựa phù vân.
Lộc tài ban phát cho thiên hạ,
Cốt đem tài hóa phục nhân tâm…
Thông minh, đức độ, cao tài trí,
Ngôn–hạnh–công–dung vẹn thập phần.
Bao người quý trọng cùng tôn kính,
Một tấm gương trong giữa thế nhân.
Tấm lòng nhân ái và trung nghĩa,
Được Phật–Trời ban thưởng phúc phần.
Tăng lộc, tăng tài, tăng đại thọ,
Chan hòa an lạc của thiên ân.
Chị sống an nhiên và tự tại,
Như một bà tiên ở cõi trần.
Mặc cho phù thế nhiều dâu biển,
Vững vàng như núi một chân tâm…
Chín chục thêm hai xuân sắp lại,
Em mời chị nhắp chén trà xuân.
Saigon, vào Xuân Giáp Ngọ

Em của Anh Chị
Đinh Thế Vinh




NGƯỜI CHỊ CỦA MUÔN  ĐỜI

(Nhân đọc bài thơ “Tấm Gương Đức Hạnh” của Thế Vinh)

 Kính tặng bác Cả Bùi Khoát, nhũ danh Đàm Thị Lộc,
                                                nhân vật trung tâm của bài thơ,
 Kính tặng bà Đàm Thị Thái, 
                                                       người bạn đồng nghiệp từ trên nửa kỷ nay
 Kính tặng ông Đinh Thế Vinh, 
                                          tác giả những vần thơ rất đẹp về người chị tôn quý.


Mùa xuân Giáp Ngọ năm nay, tôi có chút việc riêng nên lưu lại Sài Gòn ăn Tết ở nhà con trai và nhờ đó, tôi có may mắn được bà Đàm Thị Thái, người bạn đồng nghiệp thân thiết với tôi đã trên nửa thế kỷ tới thăm.
Bên chén trà ấm áp hương vị mùa xuân, tôi có hỏi thăm một số người trong gia tộc của bàThái  mà tôi đã được biết qua mối thân tình bè bạn của chúng tôi, đặc biết là bà Bùi Khoát, nhũ danh Đàm Thị  Lộc, người chị Cả tôn kính của đại gia đình họ Đàm mà tôi đã mang chút ơn tri ngộ từ mùa hè năm 1976. Bà Thái  vui mừng cho tôi hay, chị Cả năm nay đã bước sang tuổi 92, chân có hơi bị đau nhưng khỏe mạnh và rất minh mẫn. Nói rồi, bà rất chân tình bảo, để tôi đọc cho ông nghe mấy vần thơ của một ông em trong họ mới viết tặng chị Cả nhé. Và tôi chưa kịp đáp lời thì bà bạn đã cất lên một giọng trầm ấm:

Bảy mươi năm trước em còn nhỏ
Chị là thiếu nữ tuổi thanh xuân
Tiểu thư khuê các con “quan Bố”
Vững vàng phong cách thiếu phu nhân

-Bài thơ khá dài – Bà Thái ngừng giọng - Tôi không chắc đã thuộc hết. Thôi, để tôi gửi nó cho ông sau nhé!

Tôi thật lòng nói:

-Thì bà nhớ đến đâu đọc đến đó cũng được chứ sao. Nghe mấy lời mở đầu rất trong sáng, tự nhiên, tôi thích lắm!

Được lời như cởi tấm lòng, bà bạn tôi đọc tiếp giọng luôn liền một mạch hết cả bài thơ 80 câu, không mảy may vấp váp khiến tôi vô cùng thán phục về trí nhớ của một người phụ nữ đang bước chân vào ngưỡng tuổi 80. 

Tôi thầm nghĩ, phải có một tình cảm yêu kính chị Cả vô cùng sâu sắc như thế nào, bà em út mới thuộc nằm lòng cả bài thơ dài không phải do mình viết về chị mình như vậy. Và, tác giả bài thơ, ông Thế Vinh cũng phải là một người có tấm lòng tôn quý, ngưỡng mộ và biết ơn chị Cả như thế nào mới ngắt từ tim mình ra những con chữ như những cánh hoa đẹp để kết thành 80 câu thơ chân thực cảm xúc như tám mươi đóa hoa lung linh sắc màu tình cảm để kính tặng chị.


*** 

Bài thơ của Thế Vinh viết theo thể thơ tự sự. Tác giả không kể về người chị theo lối biên niên mà chỉ lướt qua mấy chặng đường lớn trong quãng thời gian bảy mươi năm cuộc đời của chị Cả nhưng đã dựng lên một bức chân dung rất đẹp, rất sống động về chị của mình, một người phụ nữ đã trải qua biết bao bể dâu thế sự nhưng lúc nào cũng sáng ngời một “Tấm gương đức hạnh” với gia đình nội ngoại gần xa, với xóm giềng và xã hội.

Chị xuất thân là “Tiểu thư khuê các con “quan Bố”, một chức quan thời nhà Nguyễn coi việc dân chính ở các tỉnh, dưới quyền Tổng đốc, Tuần phủ gồm các công việc thuế má, đinh điền, lính tráng, tuyên đặt mệnh lệnh triều đình cho mọi người biết.  Nhưng người ta còn biết, chị không chỉ là con quan Bố mà còn là hậu duệ của cố Lễ bộ Thượng thư (có nguồn nói Lại bộ Thượng thư) – tiến sĩ Đàm Thận Huy, một trong 28 ngôi sao thuộc Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập năm 1495. Tiến sĩ Đàm là người  từng đào tạo nên nhiều trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa cho triều Lê và là tác giả của câu đối nổi tiếng:
            
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

 Mà người học trò của cụ là trạng Me, Nguyễn Giản Thanh đã đối lại:
           
Sắc bất ba đào dị nịch nhân

Thời niên thiếu, chị được cha mẹ cho mang sắc thái thanh nhã quý phái với hàng áo lụa màu theo học tại trường nữ sinh Đồng Khánh – Hà Nội sau này là trường Trưng Vương – Hà Nội.

Chị đã tiếp thu được một bề dày từ nền giáo dục của một gia đình Nho giáo, văn học uyên thâm cộng thêm những kiến thức văn minh của nền giáo dục thuộc địa sau Đại chiến Thế giới lần thứ nhất và những lời lời dạy bảo tận tình chu đáo của bậc mẫu thân đầy đức độ nhân từ. Vì vậy, mới tuổi thanh xuân, chị đã rất vững vàng phong cách thiếu phu nhân khi về làm dâu bác, được cả họ gần xa bội phần quý mến. 
 Khi ấy, phu quân của chị, anh cử Bùi Khoát đang chờ bổ nhiệm chức tri huyện. Đúng như người đời đã nói: “Giàu vì bạn sang vì vợ”, người ta không chỉ trọng tài cậu cử hôm nay, quan huyện ngày mai mà người ta còn quý trọng tài sắc và đức hạnh của người bạn đời mới cưới của cậu cử, thiếu nải nải họ Đàm. Vì vậy, Hội đồng kỳ hào trong xã thời bấy giờ đã đồng lòng, đồng tiếng tôn cặp vợ chồng  ấy ngồi chiếu Tiên chỉ, người đứng đầu ngôi thứ trong làng thời phong kiến, làm chủ các cuộc tế lễ, hương ẩm và các ý kiến của Tiên chỉ được các chức sắc trong làng làm theo.  
 Nhưng không phải những ai ngồi chiếu tiên chỉ đều là những người đức cao vọng trọng, được mọi người quý mến. Không thiếu nhưng vị Tiên chỉ đã lợi dụng địa vị để ức hiếp dân chúng như cụ Tiên chỉ làng Vũ Đại trong thiên truyện trứ danh của nhà văn Nam Cao:
“Cụ tiên chỉ làng Vũ Ðại nhận ra rằng: đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng đi là dại. Mười thằng đã đi ra thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được từ phương xa. Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn. 
.
Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào “vì thương anh túng quá”!

Chị Cả và đức phu quân không thuộc loại tiên chỉ như vậy. Đôi trai tài gái sấc ấy rất trọng luân thường, rất nghĩa nhân; đặc biệt là chị, luôn luôn chu toàn dâu thảo vợ hiền, tuy cốt cách con nhà quan, quen nếp sống nơi đô thị nhưng đã rất dễ dàng hòa chung nhịp sống với nông dân; vì vậy trong họ ngoài làng ai cũng quý trọng.
Trong lịch sử dân tộc và lịch sử văn học hiện đại, người ta còn thấy một người được Làng Văn - Nghệ miền Bắc trước những năm 60 đặt cho biệt danh: ''Cụ Tiên Chỉ'' vô cùng đáng kính và cả vô cùng đáng thương cảm. Đó là Văn Cao,  người nghệ sĩ thiên bẩm, đa tài, đa gian truân:

Thiên Thai từ giã về dương thế
Suối Mơ ngày ấy Buồn Tàn Thu
Sân đình ngất nghểu ngôi Tiên Chỉ  
Uống rượu say rồi hát  Quốc Ca! 
                                                         (Xuân Sách)

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, “Phấn son đài các cũng gian truân”, chị như một đóa hoa nổi chìm theo vận nước, phải nếm mùi “Cách trở chia ly, đã mấy lần” với người chồng yêu quý và “bôn ba trong nước” nhiều nơi để mưu sinh.

Nhưng gian truân chỉ là thử thách, ít lâu sau chị được  theo chồng xa xứ để “Trọn đạo tòng phu” như cô gái trong Tiết phụ ngâm của Đường thi: “Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa”. Khi ấy, anh cử Bùi Khoát đã tốt nghiệp trường ENA, một trường danh tiếng được thành lập ngay sau Thế Chiến thứ II bởi sắc lệnh của Chính phủ lâm thời nước Cộng hoà Pháp, và sau đó là tướng De Gaul. Anh là giám đốc Phòng đại diện Ngân hàng Việt Nam ở Paris. 

Tuy sống với chồng “ở quê người sung sướng” nhường thế, chị vẫn hằng thao thức nhớ song thân, nhớ quê nhà, nhớ các em. Thật đúng là tâm trạng của các cô gái Việt Nam từ ngàn xưa:

Chiều chều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

May sao, năm 1960, anh chị được về nước, anh trở thành danh sĩ, làm chủ sự phòng tài chính của hãng SHELL Việt Nam. Chị thì mệnh phụ đại phu nhân, cuộc sống đầy sang quý, nhưng :

Chị vẫn khiêm cung vẫn kiệm cần
Công việc trong ngoài chu đáo hết
Còn làm đẹp mặt đấng phu quân

Ấy là lúc chị có  ý định mở một hàng ăn đối diện với hội văn hóa Việt Mỹ để  giới thiệu với người ngoại quốc những món ăn đặc trưng văn hóa Việt Nam.  Ý định ấy không được anh chấp nhận thì chị lại khiêm cung làm nên câu chuyện như một giai thoại này:

Một ông Việt kiều bạn chị về nước, đến thăm chị và nói rằng ông đã đi khắp năm châu bốn biển và thấy rằng món ănTàu là ngon nhất. Nghe thế, chị dấu nỗi ấm ức trong lòng, mời ông bạn đến ăn cơm tại nhà với những món ăn dân tộc bằng tài hoa nấu nướng tự tay chị. Sau vài lần ăn cơm ở nhà chị, ông khách đó đã nói: “Bây giờ tôi mới biết món ăn Việt Nam là ngon nhất”.   
Việc làm của chị tuy không lớn lao gì nhưng nó đã thể hiện lòng tự hào dân tộc và lòng yêu nước sâu sắc, đúng như văn hào Nga Ilia Erenbua đã nói: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”. Chị thật đáng khâm phục!

Mùa xuân năm 1975, lịch sử nước nhà lại sang một trang mới đưa “Xã hội vào trong cuộc chuyển vần”

Ngày 30 tháng Tư  được gọi với nhiều tên khác nhau. Tại Việt Nam: Ngày giải miền Nam, ngày Thống Nhất. Báo chí phương Tây: Ngày miền Nam sụp đổ hoặc ngày Sài Gòn thất thủ (Fall of Saigon). Cộng đồng người Việt tị nạn: Ngày Quốc Hận hay Ngày Quốc Nhục và Tháng Tư Đen.
Theo Jean Louis Margolin, một giảng viên tại Đại học Provence và là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, xác nhận là không có giết chóc trong ngày quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn nhưng sau đó đã đưa ra con số hàng ngàn người bị giam giữ: "Những ước tính nghiêm chỉnh nói từ 500 ngàn đến một triệu tù nhân trong tổng số dân là 20 triệu.”  

Ngày này cũng cuốn vợ chồng anh chị vào dòng nước xoáy:

Địa vị công danh và sự nghiệp
Tàn nhanh như một áng phù vân
Dù gọi theo cách nào, ngày này  cũng là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam mà theo lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quá cố, thì: “Người VN đã phải trả giá cho chiến thắng 30/4/75 bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Nhiều gia đình người dân miền Nam theo lời ông Kiệt, rơi vào hoàn cảnh có ngừơi thân vừa ở phía bên này, vừa ở phiá bên kia. 30/4 khi nhắc lại, vẫn theo ông Kiệt có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”.

 Và, anh chị cũng nằm trong số nhiều gia đình theo như lời ông Kiệt, có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia. Nhưng trong không khí hỗn loạn của hàng ngàn người Việt ở miền Nam Việt Nam di tản khỏi Sài Gòn thì vợ chồng anh chị quyết không đi với một niềm tin rất trong sáng: “Chế độ nào cũng cần những người có trình độ, có tri thức”

Nên, khi Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, cái được lớn nhất của anh chị là được đoàn tụ với gia đình những người em ruột thịt ở miền Bắc vào. 
Nhưng, như cụ Tố Như lấy không gian mà đo thời gian bằng câu Kiều: “Ngày vui ngắn chẳng đầy gang”, thì Thế Vinh, khi viết về chị,  cũng đo thời gian bằng sự vật:
Ngày vui như bóng câu qua cửa
Như lá bay vèo thoảng trước sân

Chỉ mấy năm sau, phu quân của chị, anh Bùi Khoát “cưỡi hạc về tiên giới”. Phù hoa, anh trả lại cho cuộc đời; bụi trần, anh rũ sạch nơi cõi thế, để chị phải đối mặt với bao nỗi “ truân chiên sầu lẻ bóng”. 

Hẳn rằng, chị đã nghẹn ngào đau đớn khóc suốt ngày đêm trước bàn thờ chồng thật xót xa, xúc động: vừa thương chồng còn dở dang sự nghiệp của người trí thức, vừa tủi phận mình góa bụa cô đơn, đau khổ. Hẳn rằng chị cũng đã hình dung trước mắt bao nhiêu khó khăn vất vả không biết chiếc bách lênh đênh giữa dòng của đời chị có vượt qua nổi sóng gió hay không?

Nhưng hơn hẳn người thường, chị rất buồn mà không bi lụy:

Lòng đầy nghị lực tâm trong sáng
Chị quyết vươn thêm nữa, một lần

Trước chị một lứa, có một người góa phụ nổi danh trong thi đàn Việt Nam, nữ sĩ Tương Phố Đỗ Thị Đàm. Khi người chồng thân yêu của bà Tương Phố qua đời, bà đã trút những dòng nước mắt khóc than đau đớn, tiếc thương cho số phận của chồng và của mình thành bài thơ “Giọt lệ thu” nổi tiếng một thời. Tiếng khóc chồng của bà Tương Phố là cái buồn có cớ, cái buồn thật sự, cái buồn ghi sâu tận đáy lòng, rất đáng trân trọng nhưng nó đã lây sang ít nhiều tâm hồn đa cảm, làm cho họ có những cái buồn vô cớ, những mối sầu không đâu:

Đoạn trường biết mấy tao nôi,
Khóc rồi lại khóc, hờn thôi lại hờn.
 …Trăm năm lỡ cuộc vuông tròn,
Hờn duyên tủi phận lệ còn chứa chan!…

Trong tiếng khóc chồng của bà Tương Phố, người ta nghe lẫn cả tiếng oán thán đất  trời:
Ngổn ngang trăm mối bên lòng
Ai đem thu cảnh họa cùng thu tâm!

Còn chị, sau nỗi đau mất anh, chị đã gắng gượng dậy ngay, quyết biến đau thương thành những việc làm cụ thể có ích cho đời:

Dựng lại cơ đồ tan tác cũ
Ngang tầm thời dại, bước canh tân

Với sở trường và tâm huyết của một nhà giáo đã từng đứng trên bục giảng trường Couvent des Oiseaux (Notre dame du Rosaire ở Hà Nội), trường học do Dòng Đức Bà Nữ Kinh sĩ thánh Âu Tinh (Congrégation Notre Dame Chanoinesses de saint Augustin), quen gọi là Couvent des Oiseaux, mở tại Việt Nam (1935-2010), trong đó, các nhà giáo hằng quan tâm tới giáo dục đức tin, giáo dục văn hóa, giáo dục nhân bản, giáo dục xã hội, giáo dục tâm thể lý; chị đã hợp tâm hợp sức với những người em ruột  đều là những giáo viên ở miền Bắc đã nghỉ hưu vào sống ở Sài Gòn, cùng nhau chung lưng:

Xây trường mở trí với khai tâm
Hành trang Đức – Trí trao người học
Đi đúng theo đường Thiện-Mỹ-Chân…

Năm  1985, người em ruột của chị là bà Đàm Lê Đức, một giáo viên kỳ cựu của thành phố Hoa Phượng Đỏ vừa nghỉ hưu  nhận sứ mệnh thành lập Trường Bồi dưỡng văn hóa 218 LýTự Trọng  chuyên bồi dưỡng cho những học sinh chuẩn bị thi vào đại học.  

Chưa đầy ba mươi năm, đã từng có biết bao lớp học trò trưởng thành từ ngôi trường đặc biệt này,  trong đó có không ít những nhà khoa học trẻ, nhà kinh tế giỏi với những công trình nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đã có quá nhiều bài báo ca ngợi về những ưu việt của Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng. Đã có quá nhiều những lời truyền miệng về cái hay cái đẹp của “Trường bà Đức”, Cô giáo Đức thương học trò như thương con, chăm học trò như chăm con… một ngôi trường mà cứ hàng năm đã đưa vào các trường đại học hàng trăm hàng ngàn học trò ưu tú và đỗ toàn các Thủ khoa và Á khoa và gần như năm nào, ngành học nào cũng có, từ Khoa học tự nhiên, Bách khoa, cho đến Khoa học xã hội nhân văn, Kinh tế và cả Luật học… Một ngôi trường mà đã làm thay đổi từng mảnh đời, từng số phận của nhiều học trò nghèo, bất hạnh đều được học miễn phí. Và ngày nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, hầu như những bậc cha mẹ nào quan tâm đến việc học hành của con em mình thì không ai không biết đến Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng và gần như ai cũng nghe tiếng “bà giáo Đức”, một người thầy khả kính suốt cả một đời hiến dâng cho sự nghiệp trồng người, như chính tiếng nói từ trái tim bà đã thốt lên thành thơ:

“Nguyện thân tằm dâu xanh nghiền ngấu
Nguyện đời ong nung nấu trăm hoa.”

Năm 2010, bà giáo Đức thành lập tiếp trường THCS – THPT Đức Trí với mục tiêu giáo dục toàn diện. Bây giờ cụ giáo Đức đã 82 tuôi nhưng mọi người vấn gọi trìu mến là cô, vẫn lên lớp (môn Đức dục, Trí Dục), vẫn chủ trì các cuộc họp của PHHS trường, của CLB Thủ Á Khoa, CLB cha mẹ học sinh, họp mặt học sinh trường thi đỗ vào đại học hàng năm v.v

Cô Đàm Lê Đức cùng các cộng sự của cô được nhiều người trọng vọng là rất xứng đáng. Nhưng phải trung thực nhận ra rằng, đằng sau sự thành đạt của họ chính là người chị ruột của cô Đức, chị Cả Đàm Thị Lộc, hiệu trưởng danh dự Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng.

Đúng thế,  chị Cả mới chính là linh hồn của ngôi trường đặc biệt này. Chị tuy nhiều tuổi ,sống có vẻ âm thầm lặng lẽ nhưng tất cả mọi hoạt động của Trường BDVH 218 Lý Tự Trọng và chiến lược, định hướng phát triển ngôi trường đều do chị chỉ đạo.  Chị còn là linh hồn của gia đình họ Đàm, của Đàm Gia Trang đầm ấm bây giờ. Ở chị Cả, tâm hồn còn lớn hơn, tình yêu nghề, yêu người còn tha thiết hơn các em và các thầy cô đã tham gia giảng dạy tại trường, bởi vì chị là một  nhà đầu tư trong MỘT NHÀ GIÁO DỤC TÂM HUYẾT VỚI NGÔI TRƯỜNG MÀ LỢI NHUẬN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ LÀ “NHÂN CÁCH VÀ SỰ HIỂU BIẾT CỦA HỌC SINH”: 

Bao dung độ lượng lòng như biển
Việc đời coi nhẹ tựa phù vân
Lộc tài ban phát cho thiên hạ
Cốt đem tài hóa phục nhân tâm…

Về phần mình, chị sống thật giản đơn mà cao đẹp:

Chị sống an nhiên và tự tại
Như một bà tiên ở cõi trần

Chính vì vậy mà chị được:

Bao người quý trọng cùng tôn kính

Và coi chị là:

Một tấm gương trong giữa thế nhân

Chính vì vậy mà, tuy chị thuộc lớp người đã sống vắt ngang hai thế kỷ, lớp người già đi rất sớm như nhận định của cụ Nguyễn Công Trứ: “Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể”; thì ở chị, xuân Giáp Ngọ này, đang được hưởng đại thọ “Chín chục thêm hai” và vẫn:

“ Vững vàng như núi một chân tâm”.

  
***

Tình chị em là một thứ tình cảm rất đẹp, bởi người chị thường là hình ảnh của người mẹ, luôn bảo ban, đùm bọc chở che, chăm sóc cho em, nhất là em trai. Nhưng trong nền văn học của nước nhà, tìm cho được thơ văn “chị em” là rất khó. 
Trong kho tàng Ca dao tục ngữ của dân tộc ta có hàng ngàn câu nói về tình cảm gia đình nhưng về tình cảm chị em cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay độ mươi câu mà đa phần là những lời khuyên răn chứ không mấy nặng về trữ tình cảm xúc, kiểu như:
Chị em trên kính dưới nhường
Là nhà có phúc, mọi đường yên vui

Hay: “Cắt dây bầu dây bí/ Chẳng ai cắt dây chị dây em”

Hoặc chỉ là một lời hát  ru: 

Em ơi đừng khóc chị yêu
Nín đi chị kể truyện Kiều em nghe

Các bậc đại thi hào Trung Quốc như Lý Bạch, Đỗ Phủ... không có thơ về chị. Danh nhân văn hoá Nguyễn Du, ở thể thơ nào, cũng có bài xuất sắc không có thơ về chị. Nguyễn Công Trứ tài hoa, trải qua nhiều thăng trầm, hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời không có thơ về chị.Tản Đà lãng mạn, một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác hồi đầu thế kỷ 20, có đủ “Giấc mộng lớn”, “Khối tình con” cũng tuyệt không có người chị nào trong thơ. Rồi Tú Xương, một nhà nho “dài lưng tốn vải”, một cây Đại bút, sự nghiệp văn chương bất chấp mọi thử thách thời gian: “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn” đồng thời cũng là một nhà thơ “Tửu sắc tương liên” với câu thơ nổi tiếng "Một trà, một rượu, một đàn bà" cũng không thấy xưng em với người chị nào trong thơ của ông.  
Trong văn xuôi cũng không mấy tác phẩm viết về chị. Chỉ thấy một “Cô hàng xén” của Thạch Lam, một trong những đoản thiên hay nhất của nền văn chương Việt Nam. Hình ảnh cô Tâm gánh hàng xén ra chợ nuôi mẹ, nuôi các em ăn học, không nghĩ đến cuộc đời riêng của mình tiêu biểu cho những cái đẹp tuyệt vời của người phụ nữ nền nếp thở xưa.Tấm lòng hy sinh của Tâm cũng là một bi kịch cuộc đời không lối thoát của người phụ nữ Việt Nam mà chính họ cũng đã tự nhận ra: “Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bàng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dầy đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau nào trong ngõ tối.”

Người ta có thấy một chị Hoài của Nguyễn Tuân tài hoa uyên bác. Nhưng tất cả cái đẹp ở người chị Hoài đều kết tụ vào một mớ tóc mây, và đấy chỉ là “một người chị tôi mượn của cuộc đời bừa bộn những oan trái”, như tác giả nói.
Tình chị em trong thơ ca Việt Nam  được nói nhiều và nói một cách thiết tha đằm thắm nhất chỉ có trong thơ Nguyễn Bính nên đã có nhận định rằng, đó là món độc quyền Nguyễn Bính giữ trọn. Trong thơ ông, người ta bắt gặp từ bà chị không tên đến những bà chị có tên như chị Tuyết, chị Trúc, chị của Nhi…, trong đó nhà thơ bộc lộ  lòng nhớ thương sâu sắc nhất là chị Trúc:

 Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống,
 Nhớ chị làm sao nhớ lạ lùng.

Những người chị ấy của Nguyễn Bính thật đẹp, thật đáng thương yêu nhưng lại đều không có thực mà chỉ là những người chị sáng tạo tinh thần của nhà thơ. 

Còn người chị trong thơ Thế Vinh thì khác. Hiển nhiên đó là người chị Cả họ Đàm, nhũ danh Đàm Thị Lộc, người đang cùng sống với chúng ta, đang thở chung một bầu không khí cùng chúng ta, đang hiện lên trước chúng ta như một cây đại thụ, người mùa xuân này “Chín chục thêm hai”  tuổi đời và người đang được nhà thơ kính cẩn: “Em mời chị nhắp chén trà xuân”

***
Bài thơ “Tấm gương đức hạnh” của Thế Vinh là một bà ca dài nhưng  rất  dung dị, đằm thắm, thiết tha, đậm sắc tấm lòng yêu kính của một người em đối với chị, tuy nhà thơ chỉ là em trai bên chồng  còn chị  là con dâu bên  bác, mà thói thường thì:
Chị em dâu như bầu nước lã
Chị em gái như cái nhân sâm

Bài thơ nhuần nhị hợp với phong cách, tâm hồn của người Á Đông, dễ đọc, dễ hiểu đối với lớp người cùng thời với chị Cả hoặc lứa sau kém chị hai ba thập niên, lớp người đã từng quen đi đất, ghe chèo, xe ngựa hay hơn thế, xe đạp, xe máy đuôi tôm nhưng không thể trở thành bài thơ dễ đọc dễ hiểu cho lớp tuổi U40, 50 hiện tại, lớp người chỉ quen đi xe mô tô 2 bánh, xe ô tô thiết bị hiện đại, máy bay.  

Tuy vậy, bất kỳ thuộc lớp người nào, ai đã đọc hoặc đã nghe đọc bài thơ này của Thế Vinh đều thấy mình như đang được soi vào một tấm gương đức hạnh sáng ngời nhân cách, trí tuệ và tâm hồn.

Có thể nói,Thế Vinh không chỉ là một người  em thực lòng hiếu kính chị Cả, đã được chị quan tâm chăm sóc hơn bẩy chục năm qua, học hỏi ở chị nhiều thứ về mọi mặt vật chất, tinh thần, trí tuệ, tình cảm… Mà Thế Vinh còn là một người có tâm hồn thơ, biết làm thơ nên mới có thể chuyển tải tấm lòng đầy ắp niềm kính yêu quý trọng chị Cả của mình thành một bài thơ chân tình như vậy.

Tác giả viết bài thơ này theo lối thơ tự do nhưng chỉ có một vần nên thực không dễ viết. Nhưng 78 câu thơ của Thế Vinh cứ tuôn chảy như một dòng nước trong tươi đẹp. Trước ông, đã có một bài thơ kiểu ấy, một bài thơ tuyệt hay dài cả trăm câu tự buộc mình vào một vần của Nguyễn Bính: Xuân tha hương, gửi cho chị Trúc tinh thần:

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng

Và, như tôi đã nói bên trên, ông Thế Vinh đã ngắt từ tim mình ra những con chữ như những cánh hoa đẹp để kết thành 80 câu thơ chân thực cảm xúc như tám chục đóa hoa lung linh tình cảm để kính tặng chị Cả. Bài thơ “Một tấm gương đức hạnh”, xét trên bình diện thơ ca là một bài thơ dài. Nhưng xét theo cuộc sống trên 70 năm, kể từ khi chị Cả về làm dâu bác, khi ấy nhà thơ còn rất nhỏ cho đến hôm nay chị đã sang tuổi 92, thì 78 câu thơ ấy lại là rất ngắn. Nhưng với tấm lòng chất chứa biết bao tình cảm kính yêu chị, có thể nói , nhà thơ đã hoàn thành mỹ mãn bức tranh thơ rất đẹp về chị Cả, khiến ai đọc ai nghe cũng trân quý và ngưỡng mộ một người phụ nữ đáng kính!

Kẻ viết bài này cũng có một người chị Cả khả kính. Chị tôi là một nông dân nghèo nhưng đã chắt chiu từng hạt thóc, củ khoai để có tiền mua cho tôi đông quà tấm bánh mỗi độ hè sang, tôi học ở tỉnh về quê nghỉ hè; may cho tôi tấm áo manh quần để tôi khỏi thua kém bạn bè. Khi tôi trưởng thành, có gia đình riêng, thì chị lại yêu quý vợ tôi như em gái, thương con tôi như con đẻ…Vậy mà tôi đâu có viết nổi một dòng thơ về chị Cả của mình!

Bởi thế, khi nghe bà bạn Đàm Thị Thái đọc thơ của Thế Vinh viết tặng chị Cả Bùi Khoát, tôi rất xúc động và trân trọng lắng nghe từng tiếng từng câu.

Nhưng chỉ coi chị Cả Bùi Khoát là một tấm gương đức hạnh như ông Thế Vinh, có lẽ chưa đầy đủ. Chị Cả đâu chỉ sáng ngời một mảng đức hạnh. Chính tác giả đã nhận định về chị:

Vốn mang thiên phú tài kinh tế
Giao dịch, kinh doanh, giỏi tuyệt trần
…Á – Âu, Nam Bắc đều thông thạo
Văn hóa Đông – Tây thực thấm nhuần

Đó là một bậc nữ lưu đáng kính, một đấng quần thoa trang đài không dễ gì tìm thấy trong cuộc sống, cả trước đây, hôm nay và cả mai sau. 


Vì lẽ đó, tôi xin mạn phép nhà thơ Thế Vinh, tôi gọi chị Cả trong bài thơ của ông, chị Cả Bùi Khoát nhũ danh Đàm Thị  Lộc của bà Đàm Thị Thái, bạn tôi là: 

NGƯỜI CHỊ CỦA MUÔN ĐỜI
                                                       
                                                                Hải Phòng, ngày 23 tháng 2 năm 2014
                                                                      (24 tháng Giêng năm Giáp Ngọ)


 NHỮNG NGÀY ĐEN TỐI…

Bài thơ của Đinh Thế Vinh có 14 câu thơ tạm gỡ ra khỏi mạch thơ 92 câu đã diễn tả khoảng thời gian đen tối và cay nhục nhất trong cuộc đời của anh chị Cả giữa cuộc bể dâu cuối thế kỷ 20 của Việt Nam. !4 câu này bà Đàm Thị Thái không đọc cho tôi nghe, sau tôi mới nhận được thêm qua bà Đàm Lê Đức, chị ruột bà Thái và em ruột bà Cả Đàm Thị Lộc. Đọc xong, tôi viết thêm:

Như ta đã biết, trong không khí hỗn loạn của hàng ngàn người Việt ở miền Nam Việt Nam di tản khỏi Sài Gòn thì vợ chồng anh chị Cả quyết không đi với một niềm tin rất trong sáng: “Chế độ nào cũng cần những người có trình độ, có tri thức”. Nhưng ngờ đâu, niềm tin cao đẹp và trong sáng như ánh ban mai ấy bị ngay một đám mây đen khổng lồ ập đến che phủ kín luôn. Chính quyền mới liệt anh Cả vào hàng ngũ “công chức, nhân viên ngụy quyền”, và họ đã từng công khai tuyên bố trắng phớ ra rằng: “Việc học tập cải tạo đối với công chức, nhân viên nguỵ quyền sẽ phải công phu và gian khổ về tinh thần hơn so với nguỵ quân vì công chức cao cấp nguỵ quyền là những người trực tiếp hoặc tham gia tích cực vào bộ máy kềm kẹp nhân dân. Họ được huấn luyện kỹ càng do đó, ảnh hưởng chế độ cũ về mặt nhận thức và tư tưởng khá sâu”

Thế là hàng trăm nghìn người như anh Cả, những  người không hề cầm súng, không bằng một bản án của tòa, sau ngày 30-4-1975 đã bị đưa vào tù. Theo báo cáo của Trung ương Cục đầu tháng 4-1975, chủ trương từ trước của Bộ Chính trị là: 
Số nguy hiểm thì  đưa ra miền Bắc cải tạo, số không nguy hiểm thì để lại trong Nam. Bản thân những người trong cuộc cũng nhận thấy những người được cải tạo ở miền Nam thì cuộc sống có phần nhẹ nhàng hơn, ngắn hạn hơn. Những người “tù nặng, tù lâu” thì ra Bắc. 

Gợi lại những khổ đau cơ cực của anh Cả trong suốt những năm tháng này, Thế Vinh chỉ gói gọn bằng 2 câu:

Phu quân lưu xứ miền sơn địa
Nếm mật nằm gai chốn cát lầm

Hình ảnh “lưu xứ miền sơn địa” cho ta thấy anh Cả bị liệt vào loại ”tù nặng, tù lâu” nên phải đưa ra Bắc. 

Người ta thường hiểu “lưu xứ” là lưu lạc ở xứ người, và thường ví những người lưu lạc như Những cánh chim lưu xứ . Phải chăng Thế Vinh đã cố tình dùng 2 tiếng “lưu xứ” vừa cổ điển vừa bóng bẩy để né tránh sự trần trụi ghê người của 2 tiếng “tù đày”.

Vì vậy, hai tiếng “lưu xứ” nghe buồn mà nhẹ tênh hơn cả hai tiếng “lưu đày” như  Bạch Cư Dị bị giáng chức lưu đày đến Giang Châu làm Tư mã. Ở  đấy, Bạch Tiên sinh nhàn rỗi, không có công việc gì làm, mang một tâm sự buồn bã chán ngán thế thái nhân tình nhưng rồi cũng tìm thấy một tâm hồn đồng điệu, một tương thức tri âm qua người kỹ nữ gặp trên sông Tầm Dương với tiếng đàn Tỳ bà gây nên cảnh:

Lệ ai chan chứa hơn người ? 
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh

Vậy,  sau ngày Sài Gòn thất thủ (Fall of Saigon),  anh Cả đâu có “lưu xứ”. Một từ đúng nghĩa hơn là “phóng lưu” và từ này cũng vẫn trang nhã nhẹ hơn rất nhiều tiếng nói đời thường: bị bắt tù đày phương xa.

Nhưng phương xa là ở đâu? Theo Thế Vinh thì đó là “miền sơn địa”. Nghe lãng mạn quá, vì đó là  Vùng trung du và thượng du miền núi phía bắc ở miền Bắc Việt Nam. Người ta còn gọi khu vực này là miền sơn cước và đã có không ít thơ văn nói về vẻ thơ mộng đáng yêu ở đó như: Phiên chợ miền sơn cước, Cô gái miền sơn cước và có cả bản nhac: Nụ cười sơn cước…

Những người “Bên thắng cuộc” là bậc thầy về cách dùng những mỹ từ thay cho sự thật trần trụi tàn bạo. Họ gọi các nhà tù là các trại cải tạo; gọi hình thức giam giữ các nhân vật mà họ cho là những người vi phạm pháp luật, hoặc vướng vào tệ nạn xã hội hoặc là các nhân vật bất đồng chính kiến là Học tập cải tạo, hay cải tạo qua lao động mà thực chất là hệ thống giam giữ quy mô rập theo khuôn mẫu của Trung Quốc đã được áp dụng ở miền Bắc ngay từ năm 1954 và lấy mẫu từ trại tù lao động của Liên Xô.

“MIền sơn địa” trong câu thơ của Thế Vinh chính là những vùng rừng núi  mà người đời thường gọi là nơi ma thiêng nước độc.

“Nhất nhật tại tù, nghìn thu tại ngoại”.

Đi tù hay cải tạo thì đều là thân phận của những người mất tự do mặc dù nhà cầm quyền nói rằng cải tạo để “tiếp thu ánh sáng chính nghĩa”. Họ phải chịu cảnh tội tù khắc nghiệt. Cuối thập niên 1970, ngay cả người Sài Gòn cũng không mấy khi có gạo trắng, cá tươi, thì cơm tù không thể nào tránh được cá thịu, gạo hẩm. Nhưng họ không chỉ bị đói khát  mà còn bị tra tấn tinh thần bằng cách nhồi sọ chính trị  và “Tự phê”,  một đòn tra tấn tinh thần tàn tệ nhất làm cho người tù bị căng thẳng tinh thần triền miên kể cả trong giấc ngủ khiến  một số người như phát điên, la hét, nói năng lảm nhảm và có người đã tự vẫn. Khi Chiến tranh Biên giới Tây Nam xảy ra và ở phía Bắc, Trung Quốc bắt đầu đe dọa, các trại cải tạo được chuyển giao từ quân đội sang cho công an, những người tù cải tạo càng cơ cực hơn. 

Nhưng nói về những nỗi khổ nhục mà anh Cả đã phải chịu đựng, Thế Vinh đã khéo gói gọn cũng chỉ với 1 câu:

Nếm mật nằm gai chốn cát lầm

Về tứ thì ý tại ngôn ngoại nhưng về từ thì hình như Thế Vinh lại cố tình dùng chữ nghĩa vừa cổ điển vừa bóng bẩy làm mờ đi sự thật phũ phàng?

“Nằm gai nếm mật” là thành ngữ, ý nói: Nằm trên gai nhọn, nếm mật đắng để tự đầy ải thân mình nhằm nuôi chí phục thù, cũng là ý nói chịu đựng mọi gian khổ để mưu việc lớn.  Anh Cả đâu có tự đày ải thân mình và có gì đâu mà phải nuôi chí phục thù, mưu việc lớn. Anh chỉ là một danh sĩ, một trí thức giỏi với một tâm hồn lành mạnh và trong sáng là được đem tài năng và sở học của mình ra phục vụ cho quê hương đất nước và dân tộc.

Mặc dù có hơi gượng ép trong việc dùng từ ngữ và điển cố văn học để nói về những tháng ngày đen tối cay nhục trong cuộc đời của anh Cả nhưng người đọc dễ nhận ra tấm lòng thành kính yêu thương của nhà thơ với người anh tôn kính trong hai câu thơ đó. Hai câu thơ này được viết để: “Kính dâng hương linh Anh” như lời đề của tác giả. Trước hương linh người quá cố, không nên nhắc lại chuyện đã qua gần nửa phận người đang sống. Quá khứ đã khép lại rôi. Anh Cả đã “Cưỡi hạc về tiên giới” lâu rồi. Hãy để anh yên giấc ngủ ngàn thu trong tấm lòng tưởng nhớ và tôn kính của chúng ta. Tôi trọng tác giả ở cái Tâm trong sáng ấy!

Về chị Cả trong những ngày đắng cay tủi nhục ấy, Thế Vinh dành hẳn 12 câu thơ:

Chị hằng trọng nghĩa phu - thê lắm
Chẳng quản gian lao, ngại dấn thân.
      …

Nhưng, bao nỗi cơ cực của chị Cả được diễn tả cũng lại thật nhẹ tênh mặc dù có mấy từ “gian lao, dấn thân, lặn lội”. Trong khi sự thật của những người vợ có chồng phải đi cải tạo trong những năm tháng đó, nếu phải nói thật gọn thì chí ít, theo một ký giả nước ngoài, cũng phải là:

Vợ con của những người bị bắt đi cải tạo cũng trở thành nạn nhân của các biện pháp kỳ thị và ngược đãi. Họ bị đuổi khỏi nơi cư trú và phải đi vùng kinh tế mới giữa những rừng núi hoang vu không có một chút tiện nghi tối thiểu cần thiết cho đời sống. Con cái họ bị kỳ thị gắt gao khi thi cử và không được phép vào đại học. Nhà cửa của họ bị cán bộ cộng sản chia nhau chiếm đoạt, tiền bạc của họ ở ngân hàng cũng không được phép lấy ra. Trong cơn túng quẫn nhiều phụ nữ trẻ đẹp đã bị dồn vào thế làm lẽ mọn cho cán bộ để có phương tiện nuôi thân và nuôi con còn nhỏ dại. Những người khác, rủ nhau chạy ùa ra biển, đem sinh mạng của chính mình và của con cái mình để đổi lấy tự do. Phong trào ‘’thuyền nhân tị nạn cộng sản ‘’ đã đánh động lương tâm nhân loại vì trong số hàng triệu ngưòi liều chết ra đi, gần một phần nửa đã nằm trong bụng cá hoặc làm mồi cho hải tặc.

Chị Cả không hẳn đã phải chịu đựng một hay nhiều  hoặc đầy đủ những cảnh trầm luân ấy. Và cho dù chị Cả phải gian lao, dấn thân, lặn lội từ Nam ra Bắc, tìm cách cứu chồng, thì nỗi cực nhọc ấy từ ngàn xưa đã biết bao người phụ nữ  đã phải gánh chịu  như “Con cò lặn lội bờ sông” hay như tiếng khóc của người chinh phụ:

Tiếng ai than khóc nỉ non 
Phải vợ chú lính trèo hòn Cù Mông

Nỗi khổ cực lớn nhất của chị Cả trong những năm tháng này không phải là gian lao, dấn thân, lặn lội mà là nỗi cay nhục mấy nghìn năm bây giờ người dân Việt mới thấy: Chị phải hứng chịu bao phũ phàng và kỳ thị mà những người thắng cuộc và những kẻ bầy đàn ăn theo đã phủ lên chị như là một hình thức trừng phạt,  coi chị là “vợ của tù cải tạo”. Chỉ một cái tên đó thôi đã chất chứa trong nó muôn ngàn nhục hình rồi.

Nhưng chị Cả là một bạc nữ lưu “hằng trọng nghĩa phu thê” nên đã vượt qua nỗi nhục hình đó bằng sự hy sinh hết mình để giữ trọn danh dự gia đình, giữ trọn lòng thủy chung của người vợ và để có ngày “đạt niềm tâm nguyện”:

Sau bao ly cách nay đoàn tụ,
Thắm lại duyên tơ, nghĩa sắt cầm …
Tâm nguyện của chị Cả cũng thật vô cùng bình dị:
Đón đấng phu quân về chăm sóc,
Đọc sách Đường thi “tiết phụ ngâm”.

 “Tiết phụ ngâm” là một bài Đường thi nổi tiếng của Trương Tịch (768-830) đã được cả trăm người dịch sang tiếng Việt nhưng chưa có bản nào sánh được bản dịch của cụ Ngô Tất Tố:

Chàng hay em có chồng rồi, 
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành. 
Vấn vương những mối cảm tình, 
Em đeo trong áo lót mình màu sen. 
Nhà em vườn ngự kề bên, 
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang. 
Như gương, vâng biết lòng chàng, 
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa. 
Trả ngọc chàng, lệ như mưa, 
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng

Vậy, tại sao trong tâm nguyện của chị Cả khi “Đón đấng phu quân về chăm sóc” lại có điều: “Đọc sách Đường thi “tiết phụ ngâm”?

Bài thơ “Tiết phụ ngâm”kể chuyện: Cô gái đã có chồng, gặp một chàng trai cảm mến tặng một đôi ngọc lành. Nàng “Vấn vương những mối cảm tình” nên nhận ngọc, buộc kín vào vạt áo lót lụa hồng. Nhưng rồi nghĩ tới chồng, nhất là lời thề chung thủy với chồng, với tấm lòng như gương, nàng trả ngọc lại cho chàng trai bằng hai hàng nước mắt:

Trả ngọc chàng, lệ như mưa, 
Giận sao không gặp khi chưa có chồng

Nếu xét trong bình diện một bài thơ tình, thì người thiếu phụ trong thơ chẳng có gì đáng vinh danh là “Tiết phụ”. Nàng còn kém xa cô gái quê trong “Trèo lên cây bưởi hái hoa” của ca dao Việt Nam với những lời nói mộc mạc và ngay thật:

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Giờ đây em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu…

Nhưng, xét theo một đoạn đời của thi hàoTrương Tịch thì không phải là thế.Trương Tịch đỗ Tiến sĩ, đã làm tới chức Quốc tử tư nghiêp, kết bạn rất thân với Mạnh Giao, Giả Đảo và Vương Kiến và còn là bạn thơ của Lý Bạch, Nguyên Chẩn. Thơ ông có tính chất hiện thực tố cáo thế lực đen tối đương  thời và chống chiến tranh.Theo  sách chép thì, khi Trương Tịch còn làm quan một trấn, nguyên soái Lý Sư Cổ ở trấn Vận là người quyền nghiêng thiêng hạ và rất hống hách nhưng hâm mộ tài năng của ông, viết thư mời ông về gíup việc cho mình. Trương Tịch không chịu cảnh vào luồn ra cúi, liền làm bài thơ thác lời người tiết phụ để từ chối với lời lẽ nhún nhường mềm mỏng  khi biết mình đang ở vào thế yếu.

Chỉ có hiểu “tiết phụ ngâm” như vậy  mới hiểu lòng chị Cả trong câu thơ của Thế Vinh.  Chị đã nhẫn nhịn chọn cách sống như thế không phải vì “Gặp thời thế, thế thời phải thế” mà chính là vì,  chị Cả là “Tấm gương đức hạnh” giàu lòng vị tha đã thấm đẫm từ truyền thống đạo đức của một gia đình nho giáo, một dòng họ danh nhân, đúng như lời Khổng Tử đã dạy:
“ Nước trong thì không có cá, Người thấy nhiều thứ quá rõ ràng thì không có người theo. Ngày xưa, vương miện của các Hoàng Đế thường có các chuỗi ngọc rũ xuống che khủ khuôn mặt. Đấy là để họ không nhìn quá rõ mọi thứ. Họ trang trí cho che kín lỗ tai để không nghe được quá nhiều điều.”
Nói gọn hơn đó là đức khoan dung, là sự chịu đựng và tha thứ.

Tôi biết Thế Vinh là một người Tân học nhưng cũng rất uyên thâm Hán học. Ông có tâm hồn thơ và cũng giỏi làm thơ. Nhưng Thế Vinh viết về anh chị Cả quãng thời gian này có vẻ ngập ngừng và hình như cố tình dùng các ngôn từ, hình ảnh bóng bẩy nhẹ nhàng cho dù có lúc chưa chuẩn xác để phủ lên cuộc sống thật nặng nề u uất mà nhiều người đương thời không muốn sống, không muốn thở và không muốn nói nữa như một lời hát của Trịnh Công Sơn trước đó cả chục năm:

Hãy sống giùm tôi
Hãy nói giùm tôi
Hãy thở giùm tôi…

Vì, như đã nói, bài thơ của Thế Vinh là sự ngắt từ tim mình ra những con chữ như những cánh hoa đẹp để kết thành những câu thơ chân thực cảm xúc như những đóa hoa lung linh sắc màu tình cảm để , trước hết để “Kính dâng anh linh Anh” Cả. Trước anh linh của người đã khuất, không nhắc lại dĩ vãng, mà dĩ vãng lại là những ngày đen tối đã qua. Hãy để anh Cả yên giấc nghìn thu trong tấm lòng thành kính của chúng ta!

Và bài thơ, sau là để “Kính tặng chị Cả” trong ngày mừng chị đại thọ “Chín chục thêm hai xuân sắp lại”. Trước một bậc cao niên đáng kính, một tấm gương trong giữa thế nhân, một con người đầy lòng khoan dung, một bà tiên an nhiên và tự tại ở cõi trần:

Mặc cho phù thế nhiều dâu biển,
Vững vàng như núi một chân tâm…

Thì gợi lại, những hận thù trong cõi tục để làm gì khi mà trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương; thì, nhắc lại những ngày đen tối và cay nhục đã qua để làm gì trong không gian hòa ái như thiên giới vào lúc “Em mời chị nhắp chén trà xuân” !
Vì lẽ đó, việc gỡ ra và cất riêng 14 câu thơ này là một việc làm đúng đắn, vừa tế nhị vừa nhạy cảm và nhất là để tôn quý thêm NGƯỜI CHỊ CỦA MUÔN ĐƠI!
Vâng, gỡ ra và cất riêng đi chứ không phải là gỡ bỏ!
                                                                          
                                                                               Hải Phòng tối 3 / 4/ 2014








  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...