Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018


THƠ NGUYỄN HỒNG THANH (3)



MẸ THƯƠNG CON LẮM…


Thoạt nghe mấy tiếng trên, tưởng như ai đó đang  “à á ru hời” bài hát ru con. Nhưng ta bỗng giật mình vì ngay sau đó là một lời ca xé gan xé ruột:

Mẹ thương con lắm Nghĩa ơi
Sao mà ông trời ăn ở bất công

Đó là tiếng thơ đau thương của bà mẹ Nguyễn Hồng Thanh khi nói về đứa con trai thứ hai của mình, cháu Nguyễn Tuấn Nghĩa.
Tiếng thơ xé lòng đó nhắc tôi nhớ ra, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã chấm dứt gần 40 năm, nhưng di chứng Chất Da Cam của Mỹ vẫn còn là nỗi đau của không chỉ của đất nước Việt Nam mà đã thành nỗi đau của nhân loại.  Ôi! Tiếng súng đã im rồi mà lòng chưa hết chiến tranh. Đó chính là những sinh linh bé nhỏ vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến.

Hồng Thanh có gửi cho tôi Chùm thơ da cam của cô. 
(Tôi xin viết hoa lại hai chữ Da Cam, vì tôi có đọc một vài tài liệu và được biết rằng: Phải gọi là Chất Cam hay Chất Da Cam chứ không phải là Chất Độc Màu Da Cam như trên báo chí ở Việt Nam và trên thế giới. Quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam dùng các vạch màu trên các thùng chứa để phân loại và đặt tên cho những chất diệt cỏ khác nhau: Chất diệt cỏ trong thùng có vạch trắng được gọi là Chất Trắng (Agent White), chất diệt cỏ trong thùng có vạch cam được gọi là Chất Cam (Agent Orange),... Bản thân các chất diệt cỏ đó không có màu. Chất Cam là tên nên luôn được viết Hoa và có chứa chất độc là dioxin.) 
  Đọc xong chùm thơ đó, không hiểu sao tôi lại nhớ đến câu thơ mở đầu trong Chinh phụ ngâm:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, 
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Khách má hồng đây là người chinh phụ có chồng tham gia cuộc chiến khiến nàng phải một mình ở lại chốn khuê phòng với bao nỗi khổ, nỗi cô đơn buồn tủi , chán chường và thấy thân phận của mình không bằng chim muông, cây cỏ có đôi liền cánh liền cành…
Hồng Thanh cũng là một khách má hồng. Cô cũng sinh ra và lớn lên trong cơn gió bụi của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng cô không mang phận má hồng như người chinh phụ mà là mang phận một nữ nhi đã gánh vác nhiệm vụ đúng như dân gian đã giao phó: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.
Năm 20 tuổi, cô giáo trẻ Hồng Thanh nhận được lệnh “đi B” làm nhiệm vụ “trồng người” trên vùng đất Quảng Đà chi viện cho chiến trường miền Nam . Cô từ biệt học sinh thân yêu và mái trường Hùng Thắng ở quê hương Tiên Lãng , một vùng đất đã là điểm tụ cư của người Việt cổ, nằm ở nơi đầu sóng ngọn gió, trong kháng chiến chống Pháp, đã kiên cường đánh bại nhiều trận càn của lính thực dân Pháp và tay sai. 
Hồng Thanh đã cùng  đoàn giáo viên “đi B” ngày ấy hành quân ròng rã mấy tháng trời  theo tuyến đường Binh trạm quân đội trên dải Trường Sơn. Chuyến đi thật gian nan vất vả, khi đi xe, lúc đi bộ, cả trời nắng cũng như trời mưa, họ phải vượt đèo, lội suối và nấu ăn giữa rừng, nhiều đêm phải mắc võng ngủ trong nhà dân.
Rồi cô nhận nhiệm vụ “trồng người”, không phải là những em thơ như ở trường Hùng Thắng quê hương mà là các học viên trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2, 3 Nghĩa Bình, Quảng Ngãi. Những năm sống trên vùng đất còn vương khói súng ấy, cô đã cùng mọi người  tranh thủ phát rẫy, đi rừng kiếm củi, kiếm rau tàu bay, rau má... , vượt qua bao gian lao mà anh dũng. Cô không chỉ là một giáo viên mà còn là một nữ chiến sĩ trong công cuộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Nhưng đâu chỉ có những  gian lao, khổ ải về vật chất, Hồng Thanh còn phải nuốt bao nỗi đau đớn về tinh thần trong đó lớn nhất là nỗi đau về mối tình đầu. 
Đẹp thay mối nhân duyên thiên định đã dành cho cô và “người ấy”:

Nhân duyên nên gặp được nhau
Trái tim thổn thức lần đầu anh ơi
Mối nhân duyên trong sáng như hoa cỏ mùa xuân nẩy nở trong khói lửa chiến tranh ấy tưởng sẽ là duyên phận tốt lành cho anh và em gặp nhau như một định mệnh, gắn kết chúng ta nên nghĩa vợ chồng, ai hay lại là mối tình đầu chia ly dang dở. Người chiến sĩ của lòng cô đã phải giã từ mảnh đất miền Trung  vào chiến đấu tận miền Đông Nam Bộ xa vời để lại cho cô một trời cô đơn thương nhớ, mong chờ:

Bây giờ anh đã đi rồi
Mình em ở lại với trời cô đơn
Tháng năm vất vả mỏi mòn
Yêu anh - yêu mãi - sớm hôm em chờ.

Và rồi:

Anh đi – đi mãi không về
Mình em ở lại tái tê cõi lòng
21 năm sau, những tưởng nhớ thương dần pha phôi, ai hay trong trái tim cô vẫn thổn thức nhắc tới người ấy với những dòng nước mắt u hoài: “Không thể nào quên được người ấy khi chia tay tôi để về chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Anh đã ra đi mãi mãi không về…Mang những nắm hương từ quê nhà vào đây mà em không biết anh nằm nơi nào giữa rừng Trường Sơn ngút ngàn cây lá…”



Chiến tranh chống Mỹ thắng lợi, Hồng Thanh được trở lại Hải Phòng, thành phố của Tiên Lãng quê cô. Không hề có “ Tên ghi gác Phượng, tượng truyền đài Lân” hay “Khi về đeo quả ấn vàng” như  người chinh phụ hình dung ngày chồng nàng chiến thắng trở về giữa bóng cờ và tiếng hát khải hoàn, được nhà vua ban thưởng. Nói như ngôn ngữ hiện đại, Hồng Thanh trở về không huân huy chương, danh hiệu và chức vị mà vẫn chỉ là một cô giáo bình dị, trở về “trồng người”  dưới mái một ngôi trường phổ thông cấp 2 của Thành phố. Sau đó cô được điều chuyển sang làm cán bộ ban này ngành kia và lập gia đình với mong ước được sống hạnh phúc trong thanh bình, yên ả.
Vậy mà, đất nước đã thanh bình nhưng gia đình cô đâu có được yên ả. Đất nước đã đi qua chiến tranh nhưng hậu quả của nó thì vẫn đang đè nặng lên số phận của những người lính đã từng tham gia chiến đấu. Khi sinh đứa con trai thứ hai, cháu Nguyễn Tuấn Nghĩa, Hồng Thanh đã rất hạnh phúc, yêu con và nuôi con bằng hết tấm lòng người mẹ:

Nuôi con vất vả bao nhiêu
Nhọc nhằn khuya sớm, nhiều điều đắng cay

Nhưng những ngày nhọc nhằn vất vả mà hạnh phúc ấy chưa  được bao lăm, thì thật tội nghiệp cháu Tuấn Nghĩa:

Còn bé khỏe mạnh như không
Đến khi con lớn thì lòng mẹ đau
Bệnh tật rình rập trước sau

Cháu đã bị phơi nhiễm chất Da Cam. Mũi dao bất hạnh ấy như từ trời cao phóng xuống xuyên vào óc vào tim người mẹ một nỗi đau buốt nhói, trọn đời không khỏi được:

Trời cao có thấu cho chăng
Nỗi đau buốt nhói vẫn hằn trong tôi

Với lòng thương con vô hạn, hễ nghe nói nơi nào có bác sĩ giỏi, có thầy thuốc hay là cô lại đem con đến. Biết bao tháng ngày vất vả lo toan đã trôi qua trong các bệnh viện:

Chăm con nằm viện tháng ngày
Sức khỏe sút kém, đổi thay quá nhiều

  Biết bao nước mắt  đã rơi vì nỗi đau của Tuấn Nghĩa:

Nước mắt mẹ- nước mắt bà
Nhìn con, cha lại xót xa trong lòng

Biết bao nỗi đau đã phải giấu trong lòng mẹ để con không bao giờ nhìn thấy:

Nỗi đau mẹ giấu trong lòng
Miệng cười- trong dạ cũng không vui gì

Biết bao tiền của như bị lũ quét cuốn theo bệnh tật của con:

Tiền bạc của cải đi đâu hết rồi

Và biết bao tiếng kêu cứu tưởng như vọng tới trời xanh của mẹ:

Bác sỹ ơi! Cứu con tôi
Để cháu được sống cuộc đời bình yên
Nhưng bao vất vả, bao nước mắt, bao của cải, bao tiếng kêu cứu ấy vẫn không thể chữa lành bệnh cho con và xoa dịu đi nỗi đau mang tên Da Cam của người mẹ:
Buồn thương chẳng thể thành lời
Thương con... Con hỡi... Cả đời...Thương  con....!!! 

Tuy buồn thương như  thế nhưng  Hồng Thanh không bi lụy. Cô không cam chịu cảnh “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình”, thậm chí  không để cho nỗi buồn thương trở thành âm hưởng chủ đạo trong cả những vần thơ viết cho con của mình. 

Biết Tuấn Nghĩa rất yêu mẹ và rất yêu thơ mẹ làm, Hồng Thanh đã âu yếm nói cùng con:

Làm thơ khó lắm con ơi
Nhưng mẹ sẽ có vài lời tặng con
Còn trời còn nước còn non
Dù cho vất vả mẹ còn làm thơ

Cô làm thơ vì con và mỗi lần làm được một bài thơ,cô đều:

Mẹ chờ Nghĩa về cùng đọc con nghe

Thơ cô không chỉ là nỗi lòng mẹ thương con mà còn là tiếng hát động viên khích lệ con:

Cuộc đời là một bài ca
Sống vui, sống khỏe, thật là vui thay

Những vần thơ của mẹ là những hạt giống đẹp gieo những mầm hy vọng trong con:

Mong Nghĩa khôn lớn: mẹ nhờ
Tự con dệt tiếp ước mơ vào đời

Và cháu Tuấn Nghĩa đã lớn lên trong muôn vàn tình thương yêu và trong những vần thơ của mẹ. Cháu đã vượt lên bệnh tật chăm chỉ học hành, chăm nghe đài đọc báo để mở mang kiến thức, và đặc biệt là rất ham học hỏi:

Ai đến cũng hỏi vân vi
Không biết thứ gì Nghĩa hỏi đến nơi

Cháu theo học lớp Đại học mở với một quyết  tâm cao là có bằng đại học để làm việc cho tốt, vì vậy:

Học tập vất vả gian nan
Chẳng bao giờ thấy phàn nàn điều chi



Cháu Tuấn Nghĩa (Số 1 hàng đầu từ trái sang)


Và cháu đã thi đạt tất cả các môn học đem lại cho mẹ Hồng Thanh một niềm an ủi vô cùng to lớn:

Vậy là Nghĩa đã lớn rồi 
Tương lai là cả đất trời của con

*

Chùm thơ Da Cam của Hồng Thanh chỉ có 6 bài nhưng đã diễn tả đủ các cung bậc nỗi lòng người mẹ khi thấy con mình bị nhiễm màu Da Cam, nỗi đau xót, niềm thương yêu, sự hy sinh và ước mơ hy vọng về con.

Ông trời không cho ai tất cả mà cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. Tuấn Nghĩa phải mang nhiều nỗi đau vì “bệnh tật rập rình trước sau” nhưng Tuấn Nghĩa đã được hạnh phúc có một người mẹ hiền để yêu thương và để được hưởng niềm yêu thương  của mẹ, một người mẹ bình dị như những bà mẹ muôn đời của ca dao:  Nuôi con chẳng quản chi thân /Con đau là mẹ đứng ngồi không yên/ Trọn đời vất vả triền miên/ Dẫu cho thân xác héo mòn vì con.
Người đời thường ước ao, trong cuộc sống có một cái vai để nương tựa. Tuấn Nghĩa đã có một bờ vai hiền dịu của mẹ Hồng Thanh để ngả đầu vào.  

Người đời cũng thường nói, nếu con giữ tay của mẹ, có lẽ con sẽ buông trong  những lúc khó khăn. Nhưng, nếu mẹ nắm lấy tay con , con chắc chắn mẹ sẽ không bao giờ buông tay con ra. Tuấn Nghĩa đã và sẽ được mẹ Hồng Thanh nắm tay suốt cuộc đời của mẹ, trong tay mẹ con sẽ bước đi và tiếp tục đi về phía mặt trời tươi sáng ngày mai của con.

Vì vậy, mong rằng Tuấn Nghĩa đã được mẹ Hồng Thanh yêu dấu làm thơ vì con, đọc thơ cho con, hãy nhớ nằm lòng những vần thơ của mẹ, không cần nhiều đâu con ạ mà chỉ một câu này thôi, con nhé:

MẸ THƯƠNG CON LẮM NGHĨA ƠI!

                                                                Tháng Chín 10/ 2013

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

THƠ NGUYỄN HỒNG THANH (2)


MỘT DÒNG SUỐI TRONG MÁT 




TÌNH BÀ CHÁU

Đó là những vần thơ của nữ sĩ Hồng Thanh viết về hai cháu nội của bà: Thơ tặng Bi Tôm.


Bi là tên gọi ở nhà của cháu gái Nguyễn Hồng Anh còn Tôm là của cháu Nguyễn Minh Triết, em trai Bi; hai cái tên rất dễ gọi, rất dễ nghe và cũng rất gần gụi trong đời sống thường ngày chứ không học đòi như nhiều người gọi con ở nhà bằng những cái tên xa lạ lơ lớ cả Ta, cả Tây, cả Tàu và cả Nhật  như Anna,  Jannet  , Jacky , Michio; Anna Hồng Hạnh,  Jannet Lệ Hằng, Jacky Minh Tân, Michio  Phạm Ngà…
Bi là “con đầu cháu sớm”, đứa con  đã đưa đôi uyên ương Nguyễn Hồng Quang  - Hà Thị Biên lần đầu tiên lên chức bố mẹ, đứa cháu đã đưa bà Nguyễn Hồng Thanh lần đầu tiên lên chức bà, lại là bà nội nữa. Vì thế, khi viết về cháu, tiếng thơ của bà nội Hồng Thanh như một tiếng đàn vút ngân lên một  niềm vui hạnh phúc:
 Bi chính là Nguyễn Hồng Anh,
 Đích thị cháu nội bà Thanh - Lâm Tường



Mẹ con nhà Bi Tôm

Tôm không được đóng vai trò của chị Bi nhưng Tôm lại là cháu đích tôn của bà nội nên sự chào đời của Tôm đã làm bừng  lên cả một bản hòa ca rộn rã không chỉ cho riêng bà mà cho cả họ hàng nộị ngoại và bè ban:
Minh Triết vừa mới chào đời,
Họ hàng, bè bạn tới nơi chúc mừng
Bà nội yêu cháu vô cùng
Ông bà ngoại cũng vui mừng biết bao
Hai đứa cháu Bi Tôm như hai bông hoa đẹp. Cháu nào cũng  trông thật dễ thương. Cháu gái Bi thì nhanh nhẹn xinh xắn và:
Cháu được cả phố gọi là hoa khôi
Cháu trai Tôm thì thông minh dĩnh ngộ:
Việc gì cháu cũng tỏ tường như ai
Còn bé nhưng cũng dễ sai
Bố mẹ dạy bảo nhớ hoài không quên.
Mới tí tuổi đầu mà Tôm đã biết:
 Vi tính bảng sử dụng siêu nhất nhà
Hai cháu không chỉ đã được mười hai bà mụ ban cho cái hình hài xinh đẹp dễ thương mà lại còn được trời phú thêm cho cái tính tốt.



Bi Hồng Anh được mọi người quý mến vì:
Ai cũng khen cháu thật thà
Còn Tôm Minh Triết ở lớp mẫu giáo:
Trong giờ học, lúc ra chơi
Bạn nào cũng muốn được ngồi với Tôm
Hai chị em thật xứng với câu  “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”!





Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi

Bà nội Hồng Thanh yêu các cháu lắm. Bà không chỉ yêu những cái tên thân thương của các cháu mà còn yêu cả cái biệt danh của cháu. Không biết ai là người đầu tiên gọi Bi bằng cái biệt danh “Con khỉ Yên Bái”. Phải chăng cái biệt danh này bắt nguồn ở chỗ Bi Cầm tinh con khỉ hoặc Bi nhanh nhẹn tinh khôn như con khỉ và quê mẹ Hà Thị Biên của Bi  ở Yên Bái,  một địa danh nằm trải dọc đôi bờ sông Hồng, vùng thấp mang vẻ thơ mộng của trung du, vùng cao mang vẻ hùng vĩ  của cao nguyên có nhiều dãy núi.  Nhưng xem ra bà nội lại rất thích cái biệt danh đó nên thơ bà đã hơn một lần âu yếm tự hào nhắc  tên con khỉ đó.
Đây:
 Ai cũng khen cháu thật thà
 “Giống khỉ Yên Bái” được bà rất yêu
Và đây:
Ông bà, chú, bác đều thương
 “Con khỉ Yên Bái” ở phường Hồ Nam
Yêu con khỉ Yên Bái nên bà nội cũng yêu cả những  gì  con khỉ ấy yêu thích. Con mèo cháu thích, con chó cháu yêu đã biến thành những con người có tâm hồn, hiện lên sống động như một bầy trẻ đáng yêu trong mắt của bà khi cháu đi  thăm ông bà ngoại trở về:
Con mèo nhảy xuống sân sau đón chào.
Mèo hỏi chị Bi làm sao,
 Đi chơi lâu thế em nào biết đâu.
Con chó đi tới gâu gâu,
Em định đi tầu để đón chị Bi.
Hồng Anh thì chỉ cười khì.
Chị đi thăm ngoại có gì mà mong.



Người đời thường nói: “Cháu bà nội tội bà ngoại”. Nhưng  quê ông bà ngoại  của hai cháu Bi Tôm xa ngái thế, muốn xuôi miền biển Hải Phòng đâu có dễ. Vì thế mới có cảnh thật ái ngại, cảm thông cho ông bà:
Ông bà ngoại quá xa xăm
Đêm ngày nhớ cháu, ông nằm không yên
Bà ngoại Bi, cứ than phiền
Sao tôi nhớ cháu  “như điên” thế này
Và cũng vì vậy, bà nội Hồng Thanh, không nói là một mình phải gánh hết hai vai phận làm bà cho cả đôi bên nội ngoại nhưng cũng đòi hỏi ở bà một sự nỗ lực lớn:
Bà bận nhiều việc triền miên
Thương cháu phải cố chẳng phiền hà ai
Bà không những chẳng phiền hà ai mà bà còn rất sung sướng được làm cây cao bóng cả giúp giập bố mẹ các cháu, chăm nom các cháu:

 Mẹ cháu bận việc triền miên
Bố thì công tác thường xuyên vắng nhà
Mọi việc chẳng phải lo xa
Đã có bà nội ở nhà trông nom
 Bà lặn lội đưa đón cháu đi Mẫu giáo:
Bi học ở trường Hoa Hồng
Chiều bà đón cháu trong lòng rất vui


Bà chăm chút từng bữa ăn giấc ngủ cho các cháu. Cháu không ăn trái cây, bà cũng lo; cháu sợ gián chuột bà cũng ngại. Bà mong cháu thoát khỏi bệnh lười ăn, mong cháu lớn khôn không sợ gián sợ chuột nữa:
Ngày mai khi cháu lớn rồi
Không sợ chuột nữa bà thời biết không
Và bà đã bao đêm lo sợ mất ăn mất ngủ vì cháu bị ốm:
 Mấy hôm Bi sốt li bì
 Không đi học được bà thì rất thương
Chỉ đến khi cháu hết sốt, đòi ăn mì tôm rồi khen ngon,  thì bà mới mừng vui như người bắt được vàng:
Đến khi hết sốt lại đòi
Mỳ Tôm ngon thế! Bà ơi cháu thèm
Con cháu hôm nay gia tộc ngày mai! Đó là tiếng nói chung của mọi người nên không ông bà cha mẹ nào không nuôi hy vọng và ước mong đẹp về con cháu. Trong lòng bà nội Hồng Thanh cũng đầy ắp ước mong về các cháu của mình.
Khi cháu ở tuổi mầm non thì bà mơ ước:
 Mong ngày mai cháu đi thi,
Bé khỏe, bé đẹp bà thì thêm thương
Khi cháu sang tuổi hoa niên thì bà mong chờ:
Sinh nhật cháu bà tặng thơ
Chăm ngoan học giỏi- mong chờ Hồng Anh
Những ước mong bé khỏe, bé đẹp, chăm ngoan học giỏi tưởng chừng rất nhỏ, rất giản đơn nhưng lại vô cùng thiết thực,  bởi đó là nền tảng tốt đẹp để mai sau các cháu lớn lên sẽ thành những con người có đức, có tài và khỏe mạnh; nó như cái rễ non nhưng cứng cáp hôm nay của một cái cây nhỏ bé sẽ cho một cái cây sinh trưởng gốc sâu rễ bền, xum xuê cành lá ngày  mai. Cành không tốt thì quả sao ngon. Không làm được  công dân tốt thì sao làm được người hiền tài!
Là một người yêu thơ và giỏi làm thơ, bà nội Hồng Thanh chắc thuộc nằm lòng nhiều thơ ca trong đó có những bài bài hát  ru cháu và chắc bà cũng đã nhiều lần à ơi ru cháu bằng những lời hát ru có từ ngàn xưa ấy:
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Nhưng hơn hẳn nhiều người, bà nội Hồng Thanh còn có  bài hát ru của riêng mình cho cháu:
 Bà ru Tôm ngủ
 Bà ru Tôm ngủ à ơi!
Chị Bi đi tắm cho người thơm tho
Mẹ cho Tôm bú thật no
Bà bế cháu ngủ để cho mẹ làm
Bố cháu đi họp công đoàn
Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Chú Nghĩa chịu khó bán hàng AMWAY

Thật hạnh phúc cho Tôm được lớn lên trong tiếng hát ru đẹp đẽ, ấm áp ngọt ngào ấy của bà nội. Tiếng hát ru không đưa Tôm trở về những cánh cò bay lả bay la, những cánh đồng xanh bát ngát, những cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau…có thể còn rất xa lạ với Tôm. Tiếng hát ru ấy như khắc chạm hình ảnh những người thân thương trong gia đình vào giấc ngủ thiên thần của Tôm với cảnh sinh hoạt bình dị cần cù của chị, của bà, của bố mẹ và của chú Nghĩa trong sự thương yêu đùm bọc đầm ấm chung một mái nhà.


Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi

***

Dân ta có hàng nghìn bài ca dao nói về tình cảm gia đình nhưng hầu hết nói về tình cha mẹ và con cái mà trong đó lại nói nhiều nhất về tình mẹ con. Không nhiều bài nói về tình bà cháu. Cố tìm tòi chắt lọc cũng chỉ được mấy bài mà hầu hết đều nói về tình cảm của cháu đối với bà chứ không mấy câu nói về tình cảm của bà đối với cháu, như câu:
Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt thương bà bấy
nhiêu.
Văn học đương đại cũng không mấy thơ ca về tình bà cháu. Trong biết nhớ của một số người chỉ có hai bài thơ nói về vẻ đẹp bình dị ấy: Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh và Bếp lửa của Bằng Việt. Nhưng cả hai bài thơ đó cũng vẫn là thơ cháu nói về bà chứ không phải là thơ bà viết về cháu:
Trên đường hành quân xa, người chiến sĩ dừng chân bên xóm nhỏ. Nghe tiếng gà trưa, anh xúc động  và  nhớ về  quá khứ trong đó có người bà tần tảo, chắt chiu, dành dụm từng quả trứng cho gà ấp để cuối năm bán gà mua cho cháu bộ quần áo mới, nên:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
Bếp lửa cũng là những dòng cảm xúc của cháu nhớ về bà, một đứa cháu năm xưa:
 Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả 
Những vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở 
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa? 

Cháu đã khôn lớn trưởng thành, đã được chắp cánh bay xa đến một khung trời rộng lớn nhưng  cháu vẫn không  thể quên ngọn lửa của bà, không  thể nguôi quên tấm lòng đùm bọc, ấp iu của bà. 

Thơ tặng Bi Tôm của Hồng Thanh có khác.

Đó là tiếng thơ chan chứa tình cảm của bà với cháu,những tiếng thơ êm đềm khi bà ngồi bên nôi cháu, những tiếng thơ ngọt ngào vỗ về khi bà bón từng thìa cơm cho cháu ăn, những tiếng thơ thương xót đắng lòng khi bà thức trắng đêm lau từng giọt mồ hôi vì cháu sốt, những tiếng thơ ríu rít như tiếng chim sơn ca  khi  bà dắt tay cháu đến trường,  những tiếng thơ dạt dào như sóng biển khi bà nhìn thấy cháu lớn lên từng ngày, những tiếng thơ thánh thót như mưa thu từng giọt từng giọt  tích tụ trong lòng bà với bao mong ước tốt đẹp cho các cháu cả hôm nay và cả mai sau…Những tiếng thơ đã hòa tan trong không gian  của ngôi nhà nhỏ Lâm Tường bà cháu đang ở để nuôi cháu lớn lên từng ngày với tấm lòng yêu thương  tràn trề như một dòng suối trong lành không bao giờ cạn.
Tiếc là tôi không biết làm nhạc  như  nhạc sĩ Y Vân, tác giả của bài ca nức danh “Lòng mẹ”. Nếu trời phú cho tôi cái thiên bẩm  ấy, tôi sẽ phổ những dòng thơ hay nhất trong Thơ tặng Bi Tôm của Hồng Thanh thành một ca khúc với tựa đề là “Lòng bà”.
Bởi vậy, chỉ mong rằng Thơ tặng Bi Tôm của bà nội Hồng Thanh không chỉ được các cháu đọc hôm nay mà  sẽ theo suốt cuộc đời các cháu yêu của bà: Bi Tôm!


Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi và trong nhà


Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018


THƠ NGUYỄN HỒNG THANH (1)




Chị Thu Nguyệt (trái) và em Hồng Thanh (phải)


NHỮNG  HẠT THÓC CHẮT CHIU TRÂN QUÝ


         Dân ta rất thích được nghe bình văn, bình thơ. Bởi thế mới có cảnh đẹp như mơ ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phố Hàng Đào năm 1906:

“Buổi diễn thuyết người đông như hội
Kỳ bình văn khách tới như mưa”
Thời trẻ tôi cũng rất yêu thơ, tôi cũng đã tập tọng làm thơ và đã có chút vốn liếng thơ in trên các báo.  Nhưng khoảng mươi mười năm lại đây, tôi không  đọc thơ nữa chứ đừng nói đến chuyện làm thơ, bởi sự thực trắng phớ là hiện nay đang có một nỗi cám cảnh đến mức “ngay các nhà thơ cũng ngại nghe thơ nhau, đừng nói người ngoài”.
Ấy là vì, chúng ta đang phải sống trong một xã hội lạm phát thi ca, lạm phát nhà thơ mà không có thơ hay.  Cái gì cũng vậy, cứ quá đà là mất hay. Nghiện thơ quá đà, nghiện đọc thơ quá đà, nghiện in thơ quá đà và cả duyệt cho in thơ quá đà, tổ chức ngày hội thơ khắp nơi nơi cũng quá đà nên mất hay.
Vậy mà hôm nay, nhận được chùm thơ gửi tặng của Hồng Thanh, người bạn đồng  nghiệp một thuở của vợ chồng tôi, người em gái kết nghĩa thân thương gần gũi của vợ tôi, tôi bỗng bùi ngùi xúc động, đọc một hơi hết luôn cả 6 bài và thấy cần phải có đôi lời về món quà tặng tinh thần này.
Sáu bài thơ của Hồng Thanh là sáu cung bậc tình cảm của cô trên một cái khuông chung của một bài ca tình bạn.
  Bài thơ mở đầu “Thăm em ốm” diễn tả nỗi cảm động chân chất của nhà thơ khi có hai người bạn đồng nghiệp lớn tuổi mà cô coi như hai người chị đến thăm. Không có quà cáp gì cao sang mà chỉ có sự chia bùi sẻ ngọt cùng nhau đã đem lại cho Hồng Thanh một niềm vui, quý giá như một liều thuốc bổ
Bài “ Mừng sinh nhật chị”  ví như một lẵng hoa đẹp Hồng Thanh dành cho chị Nguyệt. Bài thơ dí dỏm và chân thật: Sinh nhật chị, em đến thăm nhưng nhà không có ai vì chị đã vào Sài Gòn chăm sóc cháu nội mới sinh. Ai hay, khi chị về, chị đã rất chu đáo tới thăm em để hai chị em mình có bao chuyện hàn huyên bồi hồi và  ấm lòng.  
“Nỗi niềm” không chỉ bầy tỏ nỗi niềm cảm thông của Hồng Thanh với chị Nguyệt mà ẩn dấu trong những câu thơ tặng chị cũng là những nỗi niềm Hồng Thanh tự nói về mình: Em cũng mái tóc đã ngả màu sương, cũng đã về hưu, cũng đã qua bước đường khó khăn vất vả, gian truân nuôi con và cũng đang còn chăm nom cháu nhỏ. Em thương  chị “Cá chuối đắm đuối vì con” ,vì cháu, cũng là thương em đấy thôi. Đúng là thương người  như thể thương thân. Và hẳn chị cũng thương em như thế!
Với “Ước mơ”, Hồng Thanh tỏ ra rất phóng khoáng, không tiếc nhiều lời hay ý đẹp khen bạn và cả nhà bạn. Nhưng người được khen tinh ý, chỉ thoáng qua đôi phút vui mừng sẽ ngậm ngùi nhận ra những sợi buồn trong lòng nhà thơ: một phận gái hai lần sang sông nhưng cả hai lần đều dang dở. Dẫu rằng Hồng Thanh cũng đã đạt được nhiều ước mơ đẹp trong sự nghiệp, trong việc nuôi dạy con cháu, nhưng mấy ai biết được, sau những giờ phút hối hả nói, hối hả cười, hối hả lo âu cho con cho cháu  sẽ  còn lại cho Hồng Thanh một nỗi cô đơn như ngọn đèn lẻ bóng  trong căn phòng và cả trong tâm tưởng, ngổn ngang những kỉ vật của hạnh phúc lứa  đôi  mà giờ chỉ còn là những cũ càng. Có lẽ cô ít soi gương, bởi “ Thiếu chàng điểm phấn trang hồng với ai ”!

“Mẹ nào con nấy” hay “Giỏ nhà ai quai nhà ấy”. Một người mẹ hiền hậu đằm tình nghĩa như Hồng Thanh, trời không thể không ban cho cô những đứa con đáng yêu tốt bụng. Khi  “Nghe tin chị ngã “ thì cũng là khi Hồng Thanh đang phải nằm bệnh viện vì đau đáy mắt lại đau cả vai nên rất muốn đến thăm chị không thể đi được.Trong cảnh trớ trêu đó, mới hay và đẹp làm sao, các con của cô đã nói với mẹ:
Các con nói : mẹ yên tâm/ Chúng con với cháu đến thăm bác liền.
Không những thế,  các cháu còn ngộ ra một sự trân quý ở đời, đó là tình thương:
Bác Nguyệt tốt tính lại hiền,/ Bác thương mẹ thế không tiền nào so.
  “Đi Đồ Sơn về”, Hồng Thanh  rất vui. Một chuyến đi chơi mà cô gọi là xa nhưng thực ra chỉ là bãi biển cách nhà khoảng chừng hăm nhăm cây số, 30 phút ô tô, 60 phút xe đạp và chừng mười lăm phút chim bay. Vậy mà cô rất  vui vì đã được quây quần trong tình bè bạn, dẫu chỉ là những người bạn già đã nghỉ hưu. Cô rất vui vì đã được đem theo cả đứa con út ít yêu thương của mình. Và thêm một cái rất vui nữa là trong chuyến đi đó cô đã được thỏa sức bình thơ tắm biển trong niềm vui hòa đồng với mọi người.

Có thể nói, trong bối cảnh của một xã hội mà nền đạo đức đang xuống cấp với những thói đời bịp bợm, những trò lừa thầy phản bạn đang như nấm độc phát triển sau mưa dầm, thì chùm  thơ về tình bạn với sự nương tựa, sẻ chia, vui buồn có nhau của Hồng Thanh kể trên thật là đáng quý.
*
Cả chùm thơ, Hồng Thanh đều viết theo thể thơ lục bát chứng tỏ cô rất yêu thể thơ dân tộc này và rất có sở trường vận dụng nó, khác hẳn hàng nghìn người làm thơ hôm nay đang cuồng tín tung hô cái món thơ cách tân hậu hiện đại rồi rặn ra những bài thơ nhăng nhít đến nỗi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã phải thốt lên một nhận định thật tàn nhẫn: “ Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa’ !



Thơ lục bát của Hồng Thanh mộc mạc giản dị như lời nói từ gan ruột ra cửa miệng. Nhiều câu thơ với những tiếng thì, mà, là thoắt đọc lên ta có cảm nhận rất nôm na quê mùa, nhưng tĩnh lòng một chút, ta sẽ thấy nó rất dân dã gần gụi khiến tôi nhớ về hồi đầu thế kỷ trước. Hồi ấy có cụ Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà Tây học uyên bác, một học giả lớn, một trong tứ trụ văn hóa ở nước ta hồi ấy: Quỳnh- Vĩnh-Tố- Tốn.  Cụ Vĩnh đã dịch Thơ ngụ ngôn La Fontaine, tất cả 44 bài. Theo như cụ nói , cụ chỉ dịch cho thoát nghĩa, chứ không nệ từng chữ từng câu như “chữ hổ đổi làm sư tử” để người bình dân đọc cũng hiểu. Và đúng thế,  ai đọc tập thơ dịch này cũng đều cho là hay, là lưu loát, là vui và giản dị. Thí dụ như trong bài “Con cá nhỏ và người đánh cá”, bốn câu mở đầu, cụ Vĩnh dịch như sau:
“Miễn là cá sống dưới hồ
Cỏn con cũng có ngày to kếch xù
Nhưng mà cá đã cắn cu
Thả ra tôi nghĩ còn ngu nào tầy.”

Không tính đến trong bài thơ này đã có những câu chữ dịch thừa, dịch bỏ. Riêng  hai chữ “cắn cu” mà dịch giả cho nghĩa “cu” là “câu” và sở dĩ phải đổi ra “cu” chỉ là cho hợp với vần “ngu” ở dưới khiến người đọc không khỏi phì cười! Cắn gì chứ sao lại cắn cu? Thế đấy nhưng không ai lắc đầu chê cụ Vĩnh là dịch cẩu thả mà chỉ cười vui vui trong lòng một mình thôi.
Và tôi cũng đã cười vui vui một mình khi bắt gặp những câu thơ Hồng Thanh nôm na nhưng không phải là cẩu thả như câu:
  Cuối năm học sinh đi thi
Vẫn đỗ tốt nghiệp - điểm thì khá cao
Hay như câu thơ đã dẫn:
Các con nói : mẹ yên tâm,
Chúng con với cháu đến thăm bác liền.
Bởi tôi nghĩ rất bình dị, THƠ HAY chẳng cần đòi hỏi ngôn từ ý tưởng cao siêu ghê gớm gì, chỉ cần nó qua được tai người nghe, lọt được mắt người đọc và ngấm vào lòng người ta, tựa như hạt thóc rất tầm thường nhưng muôn đời được người nông dân chắt chiu và muôn đời được mọi người coi hạt gạo của hạt thóc là hạt ngọc – Ngọc thực.
Nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn đã có một lời ca nổi tiếng: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì? Chẳng phải để gió cuốn đi…mà để nâng đỡ nhau, tựa vào nhau mà đi tiếp cái hành trình nhân thế, để lòng cũng đỡ đau, để con tim ấm áp, để nước mắt có rơi thì cũng là nước mắt hạnh phúc của một nhân cách người.
Cảm ơn tấm lòng của Hồng Thanh đã giành cho anh chị Nguyệt Bàng, bọc gói chỉn chu trong những vần thơ như những hạt thóc xù xì nhưng rất chắt chiu trân quý !

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018


NHỚ BÁC NGƯỜI LÀNG CỐM CỤA QUÊ CHOA !

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, thực vật, hoa, cây, ngoài trời và thiên nhiên
Bạch Dương Quảng Trị


Từ khi được tâm giao côi chiếu rượu cụa Bọ Lập miềng yêu quý nhất Bọ và sau đó yêu quý thêm Bác Người Làng cốm, miềng quý Bác trong cách viết còm rất đỗi thân thiết ai đọc cụng cảm thấy mến yêu Bác chứ nỏ chắc chi BD mô hỉ ! 

Sau đó nửa năm 2010 trong 1 entry cụa Bọ Lập có tựa đề Hoàng Sa là bãi chim... BD chộ Bác Người Làng cốm còm răng đó chắc chắn Bác không nói chi sai nhưng có người bạn vô tình mô đó còm nói xúc phạm Bác ấy từ đó BD nỏ chộ Bác lên chiếu rượu QC nựa, BD vẫn thư đều hỏi thăm Bác nhưng cụng nỏ chộ Bác hồi âm... BD cụng buồn và lo lắng lắm vì sợ Bác đau ốm chi trọng bệnh mà BD không biết vì rứa Bác ấy không hồi âm thư cho BD được cụng nên...

Tết năm ni BD lại vẫn nhớ Bác và thư chúc tết Bác cũng chỉ mong ở nơi nào đó Làng Cốm mà Bác ợ vẫn nghe được lời chúc tết chân thành cụa BD là BD vui lắm rồi, ngày chộ Bác với cấy tên dệ mến Người Làng cốm vì BD mê Cốm lắm, ngày nhỏ hay bây chừ cũng vậy cứ nghe hay chộ cốm bán ợ mô côi ti vi ( cốm chỉ có HN hay ngoài Miền Bắc mới có chứ Miền Trung BD nỏ có mô) là BD ngắm, xem, nhìn những cô, bác gánh cốm đi bán, cốm màu xanh được gói trong lá sen mới ngon lành làm sao ,thỉnh thoảng BD cụng có được măm thử cụa bạn bè cho hiiiiiiiiiii

Tết 2010 bác NLC gửi tặng BD Thiếp chúc Tết 

Và bức thư BD viết kèm thiệp chúc tết Bác Người Làng cốm ngắn ngủi như ri  

Chào Bác Người Làng Cốm !
Xuân mới 2011 sắp tới BD kính chúc Bác cùng đại gia đình đón 1 cái tết Tân Mão thật vui và đầm ấm Bác nhé !
Kính chúc Bác sức khoẻ trường kỳ
Em Bạch Dương !

Sau đó BD nhận được thư hồi âm từ hộp thư cụa Bác Người Làng cốm, thiệt tình BD mừng lắm, mở thư ra đọc không phải thư cụa Bác mà là một người cháu  cụa Bác ấy, BD vui lắm... trong ngày cuối năm và giáp tết BD nhận được 2 tin vui quá lớn, 1 là BD gặp được 1 người chị Kết nghĩa Hương Mai ợ phố biển Vũng Tàu và chừ là tin về Bác Người Làng cốm... có thể nói năm cộ với năm mới với BD tràn sắc xuân. 

Cô bé viết thư cho BD đến là hay và tình cạm, chắc chắn gien Ông Người Làng cốm đạ gửi gắm tình cạm cụa mình vô người cháu vì rứa cô bé mới viết hay đến vậy, cạm ơn cháu cô bé mà bác BD nỏ biết mặt nhưng rất thân quen trên những dòng chữ biết nói thành lời này...

Kính gửi bác Bạch Dương, Quảng Trị yêu thương!
Cháu là cháu ông Người làng Cốm và là chủ nhân chiếc máy tính mà bác mới gửi mail qua cho ông cháu. Nhận được thiếp chúc mừng xuân mới bác gửi cho ông cháu, cháu rất vui và cảm động. Một dạo cháu được biết ông cháu rất quý trọng bác Nguyễn Quang Lập và cho cháu hay, từ ngôi nhà Blog của bác Lập, ông quen biết thêm nhiều bạn khác trong đó có bác Bạch Dương, người Quảng Trị đất lửa anh hùng.  Nay biết bác đã có ngôi nhà riêng trên mạng, cháu càng thêm cảm phục!  
Nhưng, sau Tết năm ngoái vài tháng, ông cháu thôi không dạo mạng nữa. Ồng cho cháu máy tính nhưng vẫn để gmail của ông để các bạn xa gần có nhắn nhủ gì mà biết. Ông có vẻ buồn buồn, hay ngâm ngợi mấy câu thơ cổ:
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca 
Sách vở ích chi cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ  lại thẹn thân già
Ông lại bảo: Đời ông đã bị mất tuổi trẻ ở Hà Nội và đánh mất cả đường về Làng Cốm. Cháu có hỏi mẹ nhưng mẹ chỉ nói: “ Lớn lên con sẽ hiểu. Ông đang viết hồi ký chỉ dành cho con cháu đọc đấy!”. Ông lại nói: “Sức khỏe là vàng”, một đời không có nổi chiếc nhẫn đeo tay thì nay tìm chơi những nơi vắng vẻ, hit thở khí trời trong lành, kiếm chút bụi vàng của thiên nhiên để đỡ ốm đau, khỏi khổ con cháu”. Ngoài những giờ phút viết hồi ức và lang thang nhặt bụi vàng thiên nhiên đó, ông cháu còn để tâm nghiên cứu sách đông y và bào chế một số thuốc giúp người thân và bè bạn đồng thời kèm dạy thêm cho các cháu và dành thời gian vui khỏe với các bạn gìa và công việc riêng ông thích thú nên bà ngoại và chúng cháu cũng rất mừng.
Vì ông cháu không online nên cháu đã xin phép ông được ngỏ lời cám ơn bác về tấm thiếp mừng xuân bác gửi cho ông và thưa cùng bác đôi lời, mong bác cảm thông. Xin bác nhận của cháu tấm thiếp mừng xuân đính kèm mail này với tất cả lòng trân trọng của cháu 

BD mừng quá liền viết thư trả lời ngay hiiiiiiiiii

Chào cháu! Bác rất vui khi nhận được thư của cháu và biết được ông cháu vẫn khoẻ mạnh bác BD mừng lắm, qua cháu cho bác BD gửi lời thăm và chúc sức khoẻ ông cháu và toàn thể gia đình cháu đón một cái tết thật vui vẻ đầm ấm, bác chúc cháu chăm ngoan học giỏi xứng đáng là cháu ngoại ngoan của ông nhé !
Đã từ lâu bác rất quý ông cháu vì ông cháu nói rất hay và tình cảm trên nhà Bọ Lập vì thế bác rất kính trọng ông cháu, bác xem ông cháu như bậc cha, chú mình ( vì ông cháu chỉ thua bố bác BD có mấy tuổi) 
Nhận được tin vui này bác sẽ cho cháu điều bất ngờ, cháu có thể vào nhà blog của bác còm cho vui nhé !
Cháu chưa nói cháu học lớp mấy, học giỏi nhé cháu !
Chúc mừng năm mới mọi điều tốt đẹp đến với cháu và gia đình ông cháu nhé !
Bác Bạch Dương !

BD Kính chúc Bọ Lập, Bác Người Làng cốm và bà con QC yêu mến một năm mới tràn đầy niềm tin và hy vọng vào những ước mơ hoài bão của mình sẽ đạt được và thành công đại thành công 

Mùa xuân là mùa của đất trời giao thoa... mùa của những chú chim Yến bay về làm tổ... mùa của yêu thương đơm hoa kết trái... Kính mời Bọ Lập, Bác Người Làng cốm cùng bà con nghe giọng hát Người Lính Doãn Tần mà BD rất yêu thích qua bài hát Chim Yến bay 





  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...