Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018


THƠ NGUYỄN HỒNG THANH (1)




Chị Thu Nguyệt (trái) và em Hồng Thanh (phải)


NHỮNG  HẠT THÓC CHẮT CHIU TRÂN QUÝ


         Dân ta rất thích được nghe bình văn, bình thơ. Bởi thế mới có cảnh đẹp như mơ ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phố Hàng Đào năm 1906:

“Buổi diễn thuyết người đông như hội
Kỳ bình văn khách tới như mưa”
Thời trẻ tôi cũng rất yêu thơ, tôi cũng đã tập tọng làm thơ và đã có chút vốn liếng thơ in trên các báo.  Nhưng khoảng mươi mười năm lại đây, tôi không  đọc thơ nữa chứ đừng nói đến chuyện làm thơ, bởi sự thực trắng phớ là hiện nay đang có một nỗi cám cảnh đến mức “ngay các nhà thơ cũng ngại nghe thơ nhau, đừng nói người ngoài”.
Ấy là vì, chúng ta đang phải sống trong một xã hội lạm phát thi ca, lạm phát nhà thơ mà không có thơ hay.  Cái gì cũng vậy, cứ quá đà là mất hay. Nghiện thơ quá đà, nghiện đọc thơ quá đà, nghiện in thơ quá đà và cả duyệt cho in thơ quá đà, tổ chức ngày hội thơ khắp nơi nơi cũng quá đà nên mất hay.
Vậy mà hôm nay, nhận được chùm thơ gửi tặng của Hồng Thanh, người bạn đồng  nghiệp một thuở của vợ chồng tôi, người em gái kết nghĩa thân thương gần gũi của vợ tôi, tôi bỗng bùi ngùi xúc động, đọc một hơi hết luôn cả 6 bài và thấy cần phải có đôi lời về món quà tặng tinh thần này.
Sáu bài thơ của Hồng Thanh là sáu cung bậc tình cảm của cô trên một cái khuông chung của một bài ca tình bạn.
  Bài thơ mở đầu “Thăm em ốm” diễn tả nỗi cảm động chân chất của nhà thơ khi có hai người bạn đồng nghiệp lớn tuổi mà cô coi như hai người chị đến thăm. Không có quà cáp gì cao sang mà chỉ có sự chia bùi sẻ ngọt cùng nhau đã đem lại cho Hồng Thanh một niềm vui, quý giá như một liều thuốc bổ
Bài “ Mừng sinh nhật chị”  ví như một lẵng hoa đẹp Hồng Thanh dành cho chị Nguyệt. Bài thơ dí dỏm và chân thật: Sinh nhật chị, em đến thăm nhưng nhà không có ai vì chị đã vào Sài Gòn chăm sóc cháu nội mới sinh. Ai hay, khi chị về, chị đã rất chu đáo tới thăm em để hai chị em mình có bao chuyện hàn huyên bồi hồi và  ấm lòng.  
“Nỗi niềm” không chỉ bầy tỏ nỗi niềm cảm thông của Hồng Thanh với chị Nguyệt mà ẩn dấu trong những câu thơ tặng chị cũng là những nỗi niềm Hồng Thanh tự nói về mình: Em cũng mái tóc đã ngả màu sương, cũng đã về hưu, cũng đã qua bước đường khó khăn vất vả, gian truân nuôi con và cũng đang còn chăm nom cháu nhỏ. Em thương  chị “Cá chuối đắm đuối vì con” ,vì cháu, cũng là thương em đấy thôi. Đúng là thương người  như thể thương thân. Và hẳn chị cũng thương em như thế!
Với “Ước mơ”, Hồng Thanh tỏ ra rất phóng khoáng, không tiếc nhiều lời hay ý đẹp khen bạn và cả nhà bạn. Nhưng người được khen tinh ý, chỉ thoáng qua đôi phút vui mừng sẽ ngậm ngùi nhận ra những sợi buồn trong lòng nhà thơ: một phận gái hai lần sang sông nhưng cả hai lần đều dang dở. Dẫu rằng Hồng Thanh cũng đã đạt được nhiều ước mơ đẹp trong sự nghiệp, trong việc nuôi dạy con cháu, nhưng mấy ai biết được, sau những giờ phút hối hả nói, hối hả cười, hối hả lo âu cho con cho cháu  sẽ  còn lại cho Hồng Thanh một nỗi cô đơn như ngọn đèn lẻ bóng  trong căn phòng và cả trong tâm tưởng, ngổn ngang những kỉ vật của hạnh phúc lứa  đôi  mà giờ chỉ còn là những cũ càng. Có lẽ cô ít soi gương, bởi “ Thiếu chàng điểm phấn trang hồng với ai ”!

“Mẹ nào con nấy” hay “Giỏ nhà ai quai nhà ấy”. Một người mẹ hiền hậu đằm tình nghĩa như Hồng Thanh, trời không thể không ban cho cô những đứa con đáng yêu tốt bụng. Khi  “Nghe tin chị ngã “ thì cũng là khi Hồng Thanh đang phải nằm bệnh viện vì đau đáy mắt lại đau cả vai nên rất muốn đến thăm chị không thể đi được.Trong cảnh trớ trêu đó, mới hay và đẹp làm sao, các con của cô đã nói với mẹ:
Các con nói : mẹ yên tâm/ Chúng con với cháu đến thăm bác liền.
Không những thế,  các cháu còn ngộ ra một sự trân quý ở đời, đó là tình thương:
Bác Nguyệt tốt tính lại hiền,/ Bác thương mẹ thế không tiền nào so.
  “Đi Đồ Sơn về”, Hồng Thanh  rất vui. Một chuyến đi chơi mà cô gọi là xa nhưng thực ra chỉ là bãi biển cách nhà khoảng chừng hăm nhăm cây số, 30 phút ô tô, 60 phút xe đạp và chừng mười lăm phút chim bay. Vậy mà cô rất  vui vì đã được quây quần trong tình bè bạn, dẫu chỉ là những người bạn già đã nghỉ hưu. Cô rất vui vì đã được đem theo cả đứa con út ít yêu thương của mình. Và thêm một cái rất vui nữa là trong chuyến đi đó cô đã được thỏa sức bình thơ tắm biển trong niềm vui hòa đồng với mọi người.

Có thể nói, trong bối cảnh của một xã hội mà nền đạo đức đang xuống cấp với những thói đời bịp bợm, những trò lừa thầy phản bạn đang như nấm độc phát triển sau mưa dầm, thì chùm  thơ về tình bạn với sự nương tựa, sẻ chia, vui buồn có nhau của Hồng Thanh kể trên thật là đáng quý.
*
Cả chùm thơ, Hồng Thanh đều viết theo thể thơ lục bát chứng tỏ cô rất yêu thể thơ dân tộc này và rất có sở trường vận dụng nó, khác hẳn hàng nghìn người làm thơ hôm nay đang cuồng tín tung hô cái món thơ cách tân hậu hiện đại rồi rặn ra những bài thơ nhăng nhít đến nỗi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã phải thốt lên một nhận định thật tàn nhẫn: “ Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa’ !



Thơ lục bát của Hồng Thanh mộc mạc giản dị như lời nói từ gan ruột ra cửa miệng. Nhiều câu thơ với những tiếng thì, mà, là thoắt đọc lên ta có cảm nhận rất nôm na quê mùa, nhưng tĩnh lòng một chút, ta sẽ thấy nó rất dân dã gần gụi khiến tôi nhớ về hồi đầu thế kỷ trước. Hồi ấy có cụ Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà Tây học uyên bác, một học giả lớn, một trong tứ trụ văn hóa ở nước ta hồi ấy: Quỳnh- Vĩnh-Tố- Tốn.  Cụ Vĩnh đã dịch Thơ ngụ ngôn La Fontaine, tất cả 44 bài. Theo như cụ nói , cụ chỉ dịch cho thoát nghĩa, chứ không nệ từng chữ từng câu như “chữ hổ đổi làm sư tử” để người bình dân đọc cũng hiểu. Và đúng thế,  ai đọc tập thơ dịch này cũng đều cho là hay, là lưu loát, là vui và giản dị. Thí dụ như trong bài “Con cá nhỏ và người đánh cá”, bốn câu mở đầu, cụ Vĩnh dịch như sau:
“Miễn là cá sống dưới hồ
Cỏn con cũng có ngày to kếch xù
Nhưng mà cá đã cắn cu
Thả ra tôi nghĩ còn ngu nào tầy.”

Không tính đến trong bài thơ này đã có những câu chữ dịch thừa, dịch bỏ. Riêng  hai chữ “cắn cu” mà dịch giả cho nghĩa “cu” là “câu” và sở dĩ phải đổi ra “cu” chỉ là cho hợp với vần “ngu” ở dưới khiến người đọc không khỏi phì cười! Cắn gì chứ sao lại cắn cu? Thế đấy nhưng không ai lắc đầu chê cụ Vĩnh là dịch cẩu thả mà chỉ cười vui vui trong lòng một mình thôi.
Và tôi cũng đã cười vui vui một mình khi bắt gặp những câu thơ Hồng Thanh nôm na nhưng không phải là cẩu thả như câu:
  Cuối năm học sinh đi thi
Vẫn đỗ tốt nghiệp - điểm thì khá cao
Hay như câu thơ đã dẫn:
Các con nói : mẹ yên tâm,
Chúng con với cháu đến thăm bác liền.
Bởi tôi nghĩ rất bình dị, THƠ HAY chẳng cần đòi hỏi ngôn từ ý tưởng cao siêu ghê gớm gì, chỉ cần nó qua được tai người nghe, lọt được mắt người đọc và ngấm vào lòng người ta, tựa như hạt thóc rất tầm thường nhưng muôn đời được người nông dân chắt chiu và muôn đời được mọi người coi hạt gạo của hạt thóc là hạt ngọc – Ngọc thực.
Nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn đã có một lời ca nổi tiếng: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì? Chẳng phải để gió cuốn đi…mà để nâng đỡ nhau, tựa vào nhau mà đi tiếp cái hành trình nhân thế, để lòng cũng đỡ đau, để con tim ấm áp, để nước mắt có rơi thì cũng là nước mắt hạnh phúc của một nhân cách người.
Cảm ơn tấm lòng của Hồng Thanh đã giành cho anh chị Nguyệt Bàng, bọc gói chỉn chu trong những vần thơ như những hạt thóc xù xì nhưng rất chắt chiu trân quý !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...