Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018


THƠ NGUYỄN HỒNG THANH (3)



MẸ THƯƠNG CON LẮM…


Thoạt nghe mấy tiếng trên, tưởng như ai đó đang  “à á ru hời” bài hát ru con. Nhưng ta bỗng giật mình vì ngay sau đó là một lời ca xé gan xé ruột:

Mẹ thương con lắm Nghĩa ơi
Sao mà ông trời ăn ở bất công

Đó là tiếng thơ đau thương của bà mẹ Nguyễn Hồng Thanh khi nói về đứa con trai thứ hai của mình, cháu Nguyễn Tuấn Nghĩa.
Tiếng thơ xé lòng đó nhắc tôi nhớ ra, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã chấm dứt gần 40 năm, nhưng di chứng Chất Da Cam của Mỹ vẫn còn là nỗi đau của không chỉ của đất nước Việt Nam mà đã thành nỗi đau của nhân loại.  Ôi! Tiếng súng đã im rồi mà lòng chưa hết chiến tranh. Đó chính là những sinh linh bé nhỏ vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến.

Hồng Thanh có gửi cho tôi Chùm thơ da cam của cô. 
(Tôi xin viết hoa lại hai chữ Da Cam, vì tôi có đọc một vài tài liệu và được biết rằng: Phải gọi là Chất Cam hay Chất Da Cam chứ không phải là Chất Độc Màu Da Cam như trên báo chí ở Việt Nam và trên thế giới. Quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam dùng các vạch màu trên các thùng chứa để phân loại và đặt tên cho những chất diệt cỏ khác nhau: Chất diệt cỏ trong thùng có vạch trắng được gọi là Chất Trắng (Agent White), chất diệt cỏ trong thùng có vạch cam được gọi là Chất Cam (Agent Orange),... Bản thân các chất diệt cỏ đó không có màu. Chất Cam là tên nên luôn được viết Hoa và có chứa chất độc là dioxin.) 
  Đọc xong chùm thơ đó, không hiểu sao tôi lại nhớ đến câu thơ mở đầu trong Chinh phụ ngâm:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, 
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Khách má hồng đây là người chinh phụ có chồng tham gia cuộc chiến khiến nàng phải một mình ở lại chốn khuê phòng với bao nỗi khổ, nỗi cô đơn buồn tủi , chán chường và thấy thân phận của mình không bằng chim muông, cây cỏ có đôi liền cánh liền cành…
Hồng Thanh cũng là một khách má hồng. Cô cũng sinh ra và lớn lên trong cơn gió bụi của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng cô không mang phận má hồng như người chinh phụ mà là mang phận một nữ nhi đã gánh vác nhiệm vụ đúng như dân gian đã giao phó: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.
Năm 20 tuổi, cô giáo trẻ Hồng Thanh nhận được lệnh “đi B” làm nhiệm vụ “trồng người” trên vùng đất Quảng Đà chi viện cho chiến trường miền Nam . Cô từ biệt học sinh thân yêu và mái trường Hùng Thắng ở quê hương Tiên Lãng , một vùng đất đã là điểm tụ cư của người Việt cổ, nằm ở nơi đầu sóng ngọn gió, trong kháng chiến chống Pháp, đã kiên cường đánh bại nhiều trận càn của lính thực dân Pháp và tay sai. 
Hồng Thanh đã cùng  đoàn giáo viên “đi B” ngày ấy hành quân ròng rã mấy tháng trời  theo tuyến đường Binh trạm quân đội trên dải Trường Sơn. Chuyến đi thật gian nan vất vả, khi đi xe, lúc đi bộ, cả trời nắng cũng như trời mưa, họ phải vượt đèo, lội suối và nấu ăn giữa rừng, nhiều đêm phải mắc võng ngủ trong nhà dân.
Rồi cô nhận nhiệm vụ “trồng người”, không phải là những em thơ như ở trường Hùng Thắng quê hương mà là các học viên trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2, 3 Nghĩa Bình, Quảng Ngãi. Những năm sống trên vùng đất còn vương khói súng ấy, cô đã cùng mọi người  tranh thủ phát rẫy, đi rừng kiếm củi, kiếm rau tàu bay, rau má... , vượt qua bao gian lao mà anh dũng. Cô không chỉ là một giáo viên mà còn là một nữ chiến sĩ trong công cuộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Nhưng đâu chỉ có những  gian lao, khổ ải về vật chất, Hồng Thanh còn phải nuốt bao nỗi đau đớn về tinh thần trong đó lớn nhất là nỗi đau về mối tình đầu. 
Đẹp thay mối nhân duyên thiên định đã dành cho cô và “người ấy”:

Nhân duyên nên gặp được nhau
Trái tim thổn thức lần đầu anh ơi
Mối nhân duyên trong sáng như hoa cỏ mùa xuân nẩy nở trong khói lửa chiến tranh ấy tưởng sẽ là duyên phận tốt lành cho anh và em gặp nhau như một định mệnh, gắn kết chúng ta nên nghĩa vợ chồng, ai hay lại là mối tình đầu chia ly dang dở. Người chiến sĩ của lòng cô đã phải giã từ mảnh đất miền Trung  vào chiến đấu tận miền Đông Nam Bộ xa vời để lại cho cô một trời cô đơn thương nhớ, mong chờ:

Bây giờ anh đã đi rồi
Mình em ở lại với trời cô đơn
Tháng năm vất vả mỏi mòn
Yêu anh - yêu mãi - sớm hôm em chờ.

Và rồi:

Anh đi – đi mãi không về
Mình em ở lại tái tê cõi lòng
21 năm sau, những tưởng nhớ thương dần pha phôi, ai hay trong trái tim cô vẫn thổn thức nhắc tới người ấy với những dòng nước mắt u hoài: “Không thể nào quên được người ấy khi chia tay tôi để về chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Anh đã ra đi mãi mãi không về…Mang những nắm hương từ quê nhà vào đây mà em không biết anh nằm nơi nào giữa rừng Trường Sơn ngút ngàn cây lá…”



Chiến tranh chống Mỹ thắng lợi, Hồng Thanh được trở lại Hải Phòng, thành phố của Tiên Lãng quê cô. Không hề có “ Tên ghi gác Phượng, tượng truyền đài Lân” hay “Khi về đeo quả ấn vàng” như  người chinh phụ hình dung ngày chồng nàng chiến thắng trở về giữa bóng cờ và tiếng hát khải hoàn, được nhà vua ban thưởng. Nói như ngôn ngữ hiện đại, Hồng Thanh trở về không huân huy chương, danh hiệu và chức vị mà vẫn chỉ là một cô giáo bình dị, trở về “trồng người”  dưới mái một ngôi trường phổ thông cấp 2 của Thành phố. Sau đó cô được điều chuyển sang làm cán bộ ban này ngành kia và lập gia đình với mong ước được sống hạnh phúc trong thanh bình, yên ả.
Vậy mà, đất nước đã thanh bình nhưng gia đình cô đâu có được yên ả. Đất nước đã đi qua chiến tranh nhưng hậu quả của nó thì vẫn đang đè nặng lên số phận của những người lính đã từng tham gia chiến đấu. Khi sinh đứa con trai thứ hai, cháu Nguyễn Tuấn Nghĩa, Hồng Thanh đã rất hạnh phúc, yêu con và nuôi con bằng hết tấm lòng người mẹ:

Nuôi con vất vả bao nhiêu
Nhọc nhằn khuya sớm, nhiều điều đắng cay

Nhưng những ngày nhọc nhằn vất vả mà hạnh phúc ấy chưa  được bao lăm, thì thật tội nghiệp cháu Tuấn Nghĩa:

Còn bé khỏe mạnh như không
Đến khi con lớn thì lòng mẹ đau
Bệnh tật rình rập trước sau

Cháu đã bị phơi nhiễm chất Da Cam. Mũi dao bất hạnh ấy như từ trời cao phóng xuống xuyên vào óc vào tim người mẹ một nỗi đau buốt nhói, trọn đời không khỏi được:

Trời cao có thấu cho chăng
Nỗi đau buốt nhói vẫn hằn trong tôi

Với lòng thương con vô hạn, hễ nghe nói nơi nào có bác sĩ giỏi, có thầy thuốc hay là cô lại đem con đến. Biết bao tháng ngày vất vả lo toan đã trôi qua trong các bệnh viện:

Chăm con nằm viện tháng ngày
Sức khỏe sút kém, đổi thay quá nhiều

  Biết bao nước mắt  đã rơi vì nỗi đau của Tuấn Nghĩa:

Nước mắt mẹ- nước mắt bà
Nhìn con, cha lại xót xa trong lòng

Biết bao nỗi đau đã phải giấu trong lòng mẹ để con không bao giờ nhìn thấy:

Nỗi đau mẹ giấu trong lòng
Miệng cười- trong dạ cũng không vui gì

Biết bao tiền của như bị lũ quét cuốn theo bệnh tật của con:

Tiền bạc của cải đi đâu hết rồi

Và biết bao tiếng kêu cứu tưởng như vọng tới trời xanh của mẹ:

Bác sỹ ơi! Cứu con tôi
Để cháu được sống cuộc đời bình yên
Nhưng bao vất vả, bao nước mắt, bao của cải, bao tiếng kêu cứu ấy vẫn không thể chữa lành bệnh cho con và xoa dịu đi nỗi đau mang tên Da Cam của người mẹ:
Buồn thương chẳng thể thành lời
Thương con... Con hỡi... Cả đời...Thương  con....!!! 

Tuy buồn thương như  thế nhưng  Hồng Thanh không bi lụy. Cô không cam chịu cảnh “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình”, thậm chí  không để cho nỗi buồn thương trở thành âm hưởng chủ đạo trong cả những vần thơ viết cho con của mình. 

Biết Tuấn Nghĩa rất yêu mẹ và rất yêu thơ mẹ làm, Hồng Thanh đã âu yếm nói cùng con:

Làm thơ khó lắm con ơi
Nhưng mẹ sẽ có vài lời tặng con
Còn trời còn nước còn non
Dù cho vất vả mẹ còn làm thơ

Cô làm thơ vì con và mỗi lần làm được một bài thơ,cô đều:

Mẹ chờ Nghĩa về cùng đọc con nghe

Thơ cô không chỉ là nỗi lòng mẹ thương con mà còn là tiếng hát động viên khích lệ con:

Cuộc đời là một bài ca
Sống vui, sống khỏe, thật là vui thay

Những vần thơ của mẹ là những hạt giống đẹp gieo những mầm hy vọng trong con:

Mong Nghĩa khôn lớn: mẹ nhờ
Tự con dệt tiếp ước mơ vào đời

Và cháu Tuấn Nghĩa đã lớn lên trong muôn vàn tình thương yêu và trong những vần thơ của mẹ. Cháu đã vượt lên bệnh tật chăm chỉ học hành, chăm nghe đài đọc báo để mở mang kiến thức, và đặc biệt là rất ham học hỏi:

Ai đến cũng hỏi vân vi
Không biết thứ gì Nghĩa hỏi đến nơi

Cháu theo học lớp Đại học mở với một quyết  tâm cao là có bằng đại học để làm việc cho tốt, vì vậy:

Học tập vất vả gian nan
Chẳng bao giờ thấy phàn nàn điều chi



Cháu Tuấn Nghĩa (Số 1 hàng đầu từ trái sang)


Và cháu đã thi đạt tất cả các môn học đem lại cho mẹ Hồng Thanh một niềm an ủi vô cùng to lớn:

Vậy là Nghĩa đã lớn rồi 
Tương lai là cả đất trời của con

*

Chùm thơ Da Cam của Hồng Thanh chỉ có 6 bài nhưng đã diễn tả đủ các cung bậc nỗi lòng người mẹ khi thấy con mình bị nhiễm màu Da Cam, nỗi đau xót, niềm thương yêu, sự hy sinh và ước mơ hy vọng về con.

Ông trời không cho ai tất cả mà cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. Tuấn Nghĩa phải mang nhiều nỗi đau vì “bệnh tật rập rình trước sau” nhưng Tuấn Nghĩa đã được hạnh phúc có một người mẹ hiền để yêu thương và để được hưởng niềm yêu thương  của mẹ, một người mẹ bình dị như những bà mẹ muôn đời của ca dao:  Nuôi con chẳng quản chi thân /Con đau là mẹ đứng ngồi không yên/ Trọn đời vất vả triền miên/ Dẫu cho thân xác héo mòn vì con.
Người đời thường ước ao, trong cuộc sống có một cái vai để nương tựa. Tuấn Nghĩa đã có một bờ vai hiền dịu của mẹ Hồng Thanh để ngả đầu vào.  

Người đời cũng thường nói, nếu con giữ tay của mẹ, có lẽ con sẽ buông trong  những lúc khó khăn. Nhưng, nếu mẹ nắm lấy tay con , con chắc chắn mẹ sẽ không bao giờ buông tay con ra. Tuấn Nghĩa đã và sẽ được mẹ Hồng Thanh nắm tay suốt cuộc đời của mẹ, trong tay mẹ con sẽ bước đi và tiếp tục đi về phía mặt trời tươi sáng ngày mai của con.

Vì vậy, mong rằng Tuấn Nghĩa đã được mẹ Hồng Thanh yêu dấu làm thơ vì con, đọc thơ cho con, hãy nhớ nằm lòng những vần thơ của mẹ, không cần nhiều đâu con ạ mà chỉ một câu này thôi, con nhé:

MẸ THƯƠNG CON LẮM NGHĨA ƠI!

                                                                Tháng Chín 10/ 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...