Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

ÁN VĂN  (5)

Kết quả hình ảnh cho cởi trói văn nghệ

Qua 4 kỳ trước, tôi đã lược lại những vụ án văn nổi cộm trong đời sống văn nghệ lẫn đời sống xã hội xứ này, như Nhân văn giai phẩm (nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng bị đi tù, cải tạo, tước quyền sống, quyền sáng tác), Việt Phương với "Cửa mở", Hoàng Cát với "Cây táo ông Lành", Hữu Loan với "Màu tím hoa sim", Quang Dũng với "Tây tiến", Bùi Ngọc Tấn với "Chuyện kể năm 2000"… Đương nhiên văn nghệ sĩ là nạn nhân, chỉ bởi vì họ là những con người cương trực, thẳng thắn, tôn trọng quyền tự do sáng tác, không chịu khép mình vào thứ văn nghệ phục vụ chính trị thô thiển; còn thủ phạm không phải ai khác chính là nhà cầm quyền. Lúc nào miệng họ cũng nói quyền tự do cho văn nghệ sĩ nhưng tay thì chỉ nhăm nhăm chụp vòng kim cô chính trị lên đầu đám sáng tác, anh nào cố tình chạy trốn, thoát ra khỏi sự trói buộc sẽ bị pháp luật (cũng của họ) trừng trị.

Viết đến đây, tôi lại nhớ chuyện hoặc giai thoại về những ông lãnh đạo đảng cộng sản xứ này chỉ đạo văn nghệ, do các thầy ở khoa Văn kể lại. Hồi những năm giữa thập niên 60, khi đám văn nghệ sĩ vẫn chưa hoàn hồn sau cuộc "cách mạng văn hóa long trời lở đất trừng trị đám phá hoại Nhân văn giai phẩm (được ví gây tác hại ghê gớm kinh khủng tai hại như cuộc Cải cách ruộng đất trong văn nghệ) thì ông Trường Chinh tìm cách trấn an. Anh Năm (tên thân mật của ông Trường Chinh) trong một buổi gặp các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, khi nghe đây đó có ý kiến về quyền tự do sáng tác, ông liền cười mỉm, rằng "Ai nói đảng không cho các anh các chị quyền tự do sáng tác. Nói thế là hồ đồ. Đảng vẫn cho các anh các chị quyền tha hồ chửi đế quốc Mỹ đó sao". Đám nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ ngồi nghe chết lặng. Mà đúng thật, những gì “anh Năm” nói đều có thực tế, và sau chỉ đạo ấy của ông lại càng lộ mạnh hơn quyền tự do chửi Mỹ trong các sáng tác.

Khi ông Trường Chinh đã bật đèn xanh cho quyền tự do chửi thì dòng văn chửi còn hơn cả hàng tôm hàng cá. Tôi vẫn nhớ hồi bé người ta truyền tai nhau câu thơ, cứ bảo của “nhà thơ” Bút Tre nhưng chả biết có phải không: “Trên rừng con khỉ đánh đu/Thằng Ngô Đình Diệm mút cu bác Hồ”. Rồi sau ông Diệm bị mắng là "thằng" thì tới thằng Thiệu, thằng Kỳ. Năm 1966, nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình có viết trên báo Nhân Dân chửi Thiệu-Kỳ (tôi đọc bài này bởi thày (bố) tôi sai ra trụ sở ủy ban mượn báo để đọc ké, vẫn còn nhớ câu mở đầu: “Hội nghị Gu-am được gọi đi/Thằng Thiệu thằng Kỳ tầm váo tầm vênh”. Mà chả riêng các ông Ngô Đình Diệm, Thiệu, Kỳ bị gọi là thằng, các đời tổng thống Mỹ đều được phong "thằng" tuốt: thằng Ai xen hao, thằng Ken nơ đi, thằng Giôn xơn, thằng Ních xơn, thậm chí người ta còn khuyến khích các gia đình nuôi chó đặt tên chó là con Giôn xơn, con Ních xơn để chửi cho sướng miệng. Được "tự do chửi" nên mới dẫn đến cảnh ông Nguyễn Công Hoan văng tục "đù mẹ" cụ Phan Khôi, ông Tố Hữu mạt sát các nhà văn nhà thơ Nhân văn giai phẩm là ma cô, lưu manh, đĩ điếm...

Nhân chuyện quan điểm tự do sáng tác của ông Trường Chinh, tôi lại nhớ hồi học ở Mễ Trì, thầy chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị tuy làm lãnh đạo khoa nhưng vẫn tham gia dạy phần văn học Xô viết và phần lý luận tính đảng trong văn học. Một lần thầy nhắc đến chi tiết trong đại hội các nhà văn Xô viết, nhà văn Pha đê ép (Fadeev) đã rất hùng hồn khẳng định “Chúng ta được viết theo tiếng gọi của trái tim mình. Nhưng trái tim chúng ta đã thuộc về đảng”. Thầy bảo, đại loại đó là quyền tự do sáng tác, là tính đảng trong văn học của nền văn học xã hội chủ nghĩa ưu việt. Sau khi phát biểu lời tâm huyết ấy không lâu, ông Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô Fadeev đã rút súng bắn vào đầu tự sát.

Vị thứ 2 ở xứ này để lại dấu ấn với đời sống văn nghệ là ông Nguyễn Văn Linh. Sau khi được các đồng chí của ông quần cho lên bờ xuống ruộng, đến năm 1986 thì ông được bầu làm tổng bí thư. Ông từng một thời được ca ngợi là nhân vật đổi mới, với những mẩu ngắn trên báo Nhân Dân trong mục “Những việc cần làm ngay” ký tên NVL, tên tắt của ông nhưng đám tuyên giáo khen nịnh thối thành “Nói và làm”, còn dân gian cứ gọi nôm na là ông “en nờ vê e lờ”. Một trong những việc đầu tiên ông làm sau khi ngồi ghế nóng là lấy lòng văn nghệ sĩ. Ngày 6.10.1987, ông gặp họ, tuyên bố hùng hồn phải “cởi trói cho văn nghệ sĩ”, còn ai trói, trói thế nào, vì sao trói, cởi đến đâu, v.v.. thì ông không nói, cứ lửng lơ con cá vàng. Cuối cùng ông bật đèn xanh, khuyên "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu". Nhiều người khen câu này của ông, chứ riêng tôi thấy ông Linh rất vô trách nhiệm, đảng của ông trói người ta, ông lại đổ cho trời, đó là chưa nói ở ý nghĩa khác thì ông tự coi mình là trời. Đảng mà không cởi thì có 10 trời cũng bó tay.

Tuy nhiên, mắc lừa ông Linh, đám văn nghệ rất phấn khởi, lại được các bác Trần Độ, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyên Ngọc hô xung phong nên hào hứng lắm. Những tác phẩm vang dội như "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc, "Lời khai của một bị can" viết về số phận ông vua lốp Nguyễn Văn Chẩn (nạn nhân chiến dịch Z30) phóng sự của Trần Huy Quang, "Người đàn bà quỳ" (Phùng Gia Lộc), những quan điểm táo bạo của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Dương Thu Hương… ra đời trong dịp này. Nhưng ông Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) cuối cùng cũng chỉ là anh chết nhát, nửa vời, đảng của ông ấy không ủng hộ quan điểm cởi trói nên ổng co dần lại, sống chết mặc bay. Kết quả là báo Văn Nghệ bị bóp chết, các ông Trần Độ, Nguyên Ngọc bị đưa lên “đoạn đầu đài”, đời sống văn nghệ lại một lần nữa tan tành, chả khác gì văn nghệ Trung Quốc sau cú lừa “Trăm hoa đua nở”, tới nay (năm 2018) vẫn không gượng dậy được mặc dù đã mấy chục năm trôi qua.

Không ít người coi ông Linh là chiến sĩ tiên phong cải cách, kiến trúc sư của đổi mới, thực ra đã nhầm. Nói gì thì nói, bằng thái độ đổi mới nửa vời, chất thủ cựu ngấm sâu vào máu, sự quay ngoắt rất tệ hại, "vừa đéo vừa run", coi quyền lợi và sự tồn tại của đảng lên trên hết, bỏ qua cơ hội quốc tế ngàn vàng, xét cả về các mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, chính ông Linh là thủ phạm hàng đầu gây ra sự trì trệ kéo dài, nửa dơi nửa chuột, bị lệ thuộc của nước ta hiện nay. Khắc phục, giải quyết được "di sản tệ hại" ấy do ông Linh và các đồng chí của ông để lại là cả sự vất vả kéo dài không biết bao giờ mới chấm dứt.

Phải những ai từng nếm mùi phê phán, trừng trị từ bộ máy tuyên giáo tuyên truyền của đảng thì mới hiểu thế nào là “văn nghệ phục tùng, phục vụ chính trị”. Đảng có thể biến một tác phẩm hết sức bình thường, thậm chí tốt thành thứ cực kỳ nguy hiểm đối với người sáng tác, gán vào đó những cái gọi là âm mưu, ý đồ, biểu tượng hai mặt, cao hơn nữa thì quy rằng nó ẩn chứa hoặc công khai thái độ thù nghịch, chống phá, chống chính quyền nhân dân. Như tôi đã từng kể ở mấy bài trước, hàng loạt bài văn thơ của Nhân văn giai phẩm, rồi thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan, thơ Việt Phương, truyện ngắn Hoàng Cát, Hoàng Cầm, Lưu Quang Vũ… bị đánh tơi tả, người viết không ngóc đầu dậy nổi, phải ẩn dật, trốn chui trốn lủi, tìm đủ mọi cách mới sống qua ngày đoạn tháng. Thời ấy, những người dân bình thường đã phải chịu cuộc sống cực kỳ vất vả, huống hồ người có tiền án tiền sự với chế độ, dù chỉ là án văn nghệ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông


PHỤ LỤC:

Kết quả hình ảnh cho nguyên ngọc

Nhà văn Nguyên Ngọc nguyên Tổng biên tập báo Văn Nghệ kể lại chuyến đi trốn tránh bọn tham quan Thanh Hóa của nhà văn Phùng Gia Lộc :

          – Anh em bí mật đưa anh lên một toa tầu ở một cái ga xép, ga lẻ, chứ không ở Thanh Hóa, có hai người gác ở hai đầu toa, rồi anh lên đó anh ra Hà Nội. Ra tới Hà Nội rồi tối đó do anh quen với anh Bế Kiến Quốc là biên tập viên của tờ báo Văn Nghệ của chúng tôi, anh ở nhà anh Bế Kiến Quốc.

          Hồi đó nhà cửa còn khó khăn lắm cho nên anh Bế Kiến Quốc mới báo cáo với tòa soạn và tôi đưa anh Phùng Gia Lộc về ở trong tòa soạn báo Văn Nghệ, và chúng tôi phải giữ bí mật cho anh ấy.

          Khi ở báo Văn Nghệ anh Phùng Gia Lộc mới kể cho tôi nghe tình hình ở nông thôn Thanh hóa và tôi có nói với anh Phùng Gia Lộc là anh ngồi đây anh viết lại chuyện đó. Không phải anh Phùng Gia Lộc ảnh gửi cái bản thảo đến tòa soạn đâu. Phùng Gia Lộc ngồi tại tòa soạn và viết.

Phùng Gia Lộc (1939-19920)

Nhà văn Phùng Gia Lộc

Hồi đó chúng tôi có một cái bàn lớn vẫn dùng làm chỗ giao ban và duyệt báo hàng ngày. Anh Lộc ngồi đó anh viết và tối thì anh nằm trên bàn đó anh ngủ. Anh chị em trong bộ phận trị sự thì người mang gạo, người mang thức ăn đến để nấu cho ảnh ăn. Chính anh viết “Cái đêm hôm ấy… đêm gì” trên cái bàn đó.

          Anh Phùng Gia Lộc cũng là một người viết ở Thanh Hóa, anh chưa bao giờ gửi bài cho báo Văn Nghệ cả. Đấy là bài đầu tiên của anh Phùng Gia Lộc viết trên báo Văn Nghệ. Lúc đó chính quyền Thanh Hóa thực ra họ không tác động trực tiếp gì đến báo của chúng tôi, nhưng chúng tôi biết rằng hồi đó ngoài anh Phùng Gia Lộc còn có một số anh em nữa ở Thanh Hóa cũng phải chạy trốn ra Hà Nội. Cũng có một số người mà người ta có thể là tay sai của những người đang cầm quyền ở Thanh Hóa thì người ta sẽ tìm cách truy những người này.

          Cho nên chúng tôi phải giấu anh Phùng Gia Lộc, bảo vệ anh Phùng Gia Lộc cho đến khi người đứng đầu tỉnh nhà anh bị đổ thì lúc đó anh Phùng Gia Lộc mới có thể công khai đi đây đi đó và sau đó anh mới trở về Thanh Hóa được.

          Chỗ căng thẳng thì các cơ quan trung ương tôi nhớ cũng không có ai tác động gì đến chúng tôi, nhưng thế này, báo Văn Nghệ về nguyên tắc nó là cơ quan của Hội Nhà Văn Việt Nam, và cơ quan chủ quản của nó là Ban Thường Vụ Hội Nhà văn.

          Ban Thường Vụ hội Nhà văn thì có quan điểm khác chúng tôi, có thể nói là đối nghịch với nhau. Và chúng tôi chủ trương là nhìn thẳng vào các vấn đề xã hội và các nhà văn với tờ báo là cơ quan của hội thì có thái độ rõ ràng về các vấn đề xã hội mà nó gay cấn nó phức tạp như vậy. Còn Ban Thường Vụ Hội Nhà Văn thì muốn tránh.

          Mâu thuẫn giữa lãnh đạo Ban Thường Vụ Hội Nhà Văn và báo Văn Nghệ càng ngày càng căng thẳng. Tôi nói với anh Nguyễn Đình Thi thì anh Nguyễn Đình Thi bảo bài này không được đăng hay bài kia thì phải đăng, thì tôi bảo “Tôi là tổng biên tập tôi chịu trách nhiệm. Tôi đăng thì tôi chịu trách nhiệm và nếu có việc gì thì tôi ra tòa chứ không phải anh, cho nên nếu mà anh có chỉ thị gì cho báo Văn Nghệ thì anh phải có văn bản có ký tên có đóng dấu đàng hoàng để mà chịu trách nhiệm. Còn nếu mà anh nói miệng thì tôi coi đó là lời khuyên và tôi cảm ơn anh, nhưng mà tôi có thể nghe hoặc là không nghe, chứ còn tôi chịu trách nhiệm về tờ báo thì tôi làm theo ý của tôi. Còn anh là cấp trên, anh chỉ thị thì phải có chỉ thị bằng giấy và dấu đỏ”


          Tôi nhớ và rồi tôi có xem trở lại thì “Cái đêm hôm ấy . . . đêm gì?” đăng ngày 23 tháng giêng năm 1988. Bút ký đó là bút ký đặc sắc trong loạt những bài báo kể về tình hình nông thôn thời bấy giờ, nhưng mâu thuẫn còn kéo dài và chúng tôi còn tiếp tục cho mãi đến tháng 12 năm 1988 thì tôi bị người ta thuyên chuyển ra khỏi báo Văn Nghệ”

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

ÁN VĂN (4)
Hình ảnh có liên quan

Nhà Thơ Hoàng Cát

Năm 1974, đám sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi nghe xôn xao chuyện ông Tố Hữu đang giận lắm, có tay thương binh Hoàng Cát nào đó, được ông Xuân Diệu nhận làm em nuôi, viết truyện ngắn Cây táo ông Lành đăng trên báo Văn nghệ. Đã Lành lại còn táo, rõ là bóng gió xỏ xiên (chả bởi ông Tố Hữu tên Lành, vườn nhà ông có cây táo “cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt”, “xuân về táo rụng nhớ đàn em”, ông bạn tôi bảo táo rụng mới nhớ chứ táo trên cành thì còn khướt mới tới lượt các cháu). Anh Bùi Trọng Cường học cùng lớp với tôi có quan hệ rộng trong đám bạn văn nghệ, mò sang trường sư phạm bên Cầu Giấy hỏi mấy tay "bợm" thi sĩ Bùi Quang Thanh, Trần Hòa Bình, lần kiếm ra được số báo ấy, cho tôi mượn xem.

Tôi còn nhớ như in đó là một truyện ngắn, in trên trang thiếu nhi nhân ngày 1.6, cũng ngắn thôi, dàn chữ lấn từ trang trái sang trang phải, ở phía trên. Đọc thấy cũng bình thường, nhẹ nhàng, nhân văn, mang cái nhìn của một người yêu trẻ thơ. Đùng một cái, chả biết lệnh miệng từ ông nào (thời ấy nhiều ông có quyền ra lệnh lắm, họ là tướng quân trong bóng tối, như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng…), anh thương binh cụt chân Hoàng Cát bị đánh tơi tả. Ghê nhất là tạp chí Học Tập (sau này đổi thành tạp chí Cộng Sản, nơi ông Nguyễn Phú Trọng có thời là Tổng biên tập) nã đại bác vào thành trì thứ văn nghệ mà họ gọi là rác rưởi. Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy (nay đã ra người thiên cổ), một “fan” của Hoàng Cát, hồi còn dạy ở Trường dự bị đại học TP.HCM có lần bảo “văn chương xứ mình nhiều chuyện kỳ cục nhố nhăng, có những vụ án văn nghệ, chẳng hạn vụ Cây táo ông Lành không ai biết xuất phát từ đâu, không nguyên cáo, không xét xử, không chủ mưu, không thủ phạm, mọi thứ rất mơ hồ, chỉ có bị cáo là thật bỗng dưng lăn ra chết như giặc”. Thời ấy người ta truyền cho nhau câu đối “Hoàng Cát không làm gì hung/Anh Lành chớ gây điều dữ”, cũng có câu “Hoàng Cát, cát mà chẳng lành/Anh Lành, lành nhưng rất độc”. Chả là trong từ Hán Việt, cát có nghĩa là tốt, lành; đối lập với cát là hung, hung nghĩa là dữ, ác, tợn.

Trong bài phê phán Hoàng Cát và truyện "Cây táo ông Lành", tạp chí Học Tập dõng dạc: “truyện ngắn về thiếu nhi đăng trên tuần báo Văn nghệ trong thời gian qua thuộc loại nấm độc nguy hiểm. Với lối viết kiểu "biểu tượng hai mặt" truyện này gieo rắc hoài nghi trong quần chúng đối với sự lãnh đạo của đảng ta, gieo rắc tư tưởng chống lại đường lối cách mạng chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính vô sản của chúng ta. Miêu tả cuộc sống heo hút tâm trạng u buồn của một ông già có người vợ chết vì bom, người con trai độc nhất "vào bộ đội đợt đầu tiên kể từ sau khi có lệnh hòa bình", truyện này không những bộc lộ quan điểm sai lầm của chủ nghĩa nhân đạo tư sản trong vấn đề chiến tranh mà còn có tác dụng như một lời kêu gọi phản đối chiến tranh cách mạng có hại cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước của nhân dân ta. 

Trong điều kiện chuyên chính vô sản, cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở miền Bắc tiếp tục diễn ra gay go phức tạp, tác giả truyện ngắn đưa ra hình ảnh cái đầu lâu khủng khiếp và nói về việc "từ bỏ con đường này đi theo con đường khác" có dụng ý gì? Phải chăng đây là sự phản ứng giai cấp trước một số biện pháp như kiểm tra hành chính thu lại ruộng đất bị lấn chiếm, chống bọn ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và bọn làm ăn trái phép bọn đầu cơ móc ngoặc, v.v.. mà nhà nước dân chủ nhân dân đã áp dụng để bảo đảm thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong việc giải quyết vấn đề "ai thắng ai" ở miền Bắc? Cùng với lối viết bóng gió xuyên tạc "nhà mới mà đã dột vì chuột bọ" tác giả đe dọa "bỏ" con đường mà tác giả cho là "con đường tắt" để đi con đường khác! Đó là một sự thách thức chế độ ta. Chuyện đã không chân thật chủ đề lại lấp lửng chi tiết, lại đáng ngờ gieo rắc những quan điểm tư tưởng sai trái, đây rõ ràng là một truyện xấu và có hại” (tạp chí Học Tập số tháng 11.1974, trích theo Nguyễn Trọng Tạo).

Tòa đại hình của đảng đã kết án như thế, có mà chạy đằng trời. Hoàng Cát đành ngậm cười với chế độ mà anh từng hiến dâng tuổi xuân và một chân cho nó. Vô cùng ác độc, họ ném thi sĩ thương binh cụt chân Hoàng Cát ra ngoài biên chế, cắt hết mọi tiêu chuẩn, xóa chế độ thương binh, kể cả phụ cấp thương tật, đằng đẵng hơn cả chục năm viết văn làm thơ chẳng ai dám đăng (vì sợ liên lụy), chính anh phải ngậm ngùi “là thi sĩ ta chẳng lừa ai được/chỉ buồn thương cho cuộc thế trò chơi”.

Và điều cũng rất đáng nói, rất nhiều ông từng leo lên chiếu văn đàn khua khoắng lên giọng văn nghệ sĩ cần được tự do sáng tác, cần phải tôn trọng tác phẩm của những người vào sinh ra tử, thì nay lại im bặt, không ông bà nào dám mở mồm. Khi Hoàng Cát chiến đấu và mất một chân ở chiến trường Trị Thiên - Quảng Đà, thì các ông bà ấy “chiến đấu” ở thủ đô, ngay cả ông Tố Hữu mãi năm 1972 mới dám vào vùng giải phóng và viết “Nước ngon ngàn dặm”, còn các ông Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Vũ Cao…, cùng ông anh nuôi thân thiết “sống chết có nhau” Xuân Diệu nữa, chỉ loanh quanh thực tế sáng tác ở những vùng dễ kiếm gà kiếm gạo. Sợ uy anh Lành, không ai dám bảo vệ Hoàng Cát, suốt mấy chục năm ròng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

PHỤ LỤC:

CÂY TÁO ÔNG LÀNH


Truyện ngắn của HOÀNG CÁT

Tên thật ông là gì, nhiều người không biết. Đã từ lâu, người ta vẫn quen gọi ông là ông Lành. Vì tính ông hiền lành và rất yêu lũ trẻ trong làng. Lâu dần, nó thành ra tên của ông.

Vườn nhà ông khá rộng, có nhiều cây ăn quả như chuối, mãng cầu, vú sữa, táo…Ông Lành thú nhất là cây táo lai. Nó đứng ở góc vườn, trùm cái tán khum khum lên một vạt đất chừng dăm tấm chiếu. Cạnh cây táo quý ấy, ông đã cất lên một căn nhà ba gian, hai chái; chung quanh tường xây gạch, mái còn tạm lợp tranh. Ấy là căn nhà ông làm chuẩn bị cho cậu con trai duy nhất của ông lấy vợ, ở riêng. Nhưng nhà vừa làm xong thì thằng Sửu lại xung phong vô bộ đội đợt đầu tiên, kể từ sau khi có lệnh hoà bình của Chánh phủ cách mạng lâm thời.Thế là ngôi nhà đành tạm để không. Và nó được mang mãi cái tên “Nhà mới”. Mặc dù cho đến nay, mái tranh của nó đã có đôi chỗ dột vì chuột bọ, vì thiếu hơi người ở.

Cây táo quý đứng ngay góc sân ngôi nhà mới ấy. Cây táo càng đẹp thêm, và ngôi nhà cũng đẹp thêm.

Mé dậu vườn là con đường ống chạy xuyên qua làng. Sáng sáng, lũ trẻ học trò lớp Một đi tắt qua đấy để đến trường. Bao giờ chúng cũng đi thật sớm, tíu tít như một đàn chim, vồ lượm những quả táo rụng.

Vốn là một ông già yêu trẻ, ông Lành lấy thế làm niềm vui. Nhiều khi đứng trong cửa sổ nhìn ra, ông thấy lũ trẻ lấy gạch ngói, đất đá hoặc que khăng ném cho táo rụng xuống để lượm được nhiều. Ông cũng chẳng la mắng chúng nó làm chi. Ông hiểu, lũ trẻ thích ăn táo lắm. Chỉ những đứa trẻ nào nghịch quá , ném vung đất đá vào sân hay làm rơi hỏng mái tranh ngôi nhà mới của ông, thì ông mới nhẹ nhàng bảo chúng đừng ném nữa. Lũ trẻ cũng biết nể ông, ông chỉ cần nhắc một lần là chúng ngoan ngoãn rủ nhau kéo đi. Chúng vừa đi, vừa ăn táo, và “nhồm nhoàm” trêu chọc lẫn nhau. Rồi chúng đuổi nhau chạy. Rồi chúng cười. Rồi chúng hát nghêu ngao…

Những lúc thảnh thơi, ông Lành nhìn lũ trẻ hò nhau nhặt táo rụng mà càng thêm ao ước một ngày gần đây thằng Sửu về cưới vợ; rồi ông sẽ có những đứa cháu cũng líu lo như thế. Ước mơ ấy luôn cho ông niềm vui ngầm trong bụng.

Bà vợ ông đã chết vì bom toạ độ Mỹ từ mùa gặt năm 1967, đúng vào kỳ cây táo sai quả nhất. Thằng Sửu của ông cũng đã đi thoát ly, vào quân chủ lực. Chỉ còn lại mình ông. Nỗi thèm khát có đứa cháu bên cạnh cho ấm áp tuổi già, càng lúc càng âm ỉ trong lòng ông Lành. Những đêm sương nặng hạt, nằm không ngủ được, lắng nghe tiếng táo rụng lộp bộp ngoài vườn lẫn với tiếng sương rơi, ông Lành chỉ mong chóng sáng để được thấy lũ học trò đi qua nhặt táo…

Nhưng một buổi sáng ông đang ngồi hí húi vót lạt mây để buộc cái nạng, chống cho cây táo đỡ ngả xuống vườn vì nặng quá, thì bỗng “bịch rộp!” – một hòn đất rơi trúng đầu ông, tung toé cả lên vai, lên gáy! May mà hòn đất bở, không to lắm, chứ không thì có lẽ ông đã té xỉu xuống rồi. Thế mà cũng choáng váng mất một lúc. Vừa ngẩng lên, ông Lành thấy thằng Thìn đang trân trân nhìn ông, vẻ hối hận lắm. Nó lắp bắp:

-  Cháu…cháu lỡ!… Ông tha…

Đang cơn bực mình, ông Lành ném cây rựa xuống sân đánh “phựt” , đứng phắt lên:

- Ông, ông cái con khỉ!…

Hoảng quá, thằng Thìn co giò bỏ chạy.

Cũng vừa lúc ấy, nó gặp lũ bạn ngoài ngã ba cây bông điệp. Nó cản các bạn lại, làm ra vẻ bí mật:

- Nè, chúng bay à! Tao đi qua cây táo ông Lành vừa nãy, mà sợ quá, phải chạy lui đó nghe!

- Sao?

- Gì thế? Cái gì thế?

Lũ bạn nhao nhao lên hỏi, đầy vẻ băn khoăn và sợ hãi.

Thắng thìn, cậu bé lên tám, mắt tròn ấy, bấy giờ mới một tay kéo quần, một tay vừa ôm vở, vừa vung lên làm hiệu và nói như thật:

- Tao đi qua cây táo ông Lành, tưởng như mọi khi, tao vô lượm trái rụng. Bất chợt có tiếng “ư hừm!”rõ to! Mà giọng nó ồ ồ kỳ lắm! Tao tưởng là ông Lành đùa. Nào ngờ, nhìn khắp mà chẳng có ai hết. Tao lại nghe “ư hừm” thiệt to và kéo dài lượt nữa; chừng như có người nào ngồi trên cây táo. Tao mới nhìn lên, thì eo ôi! Một cái sọ dừa đen ngòm trên ấy nó trêu tao! Tao sợ hết hồn, co cẳng vùng chạy một mạch tới đây. Hú vía!

Thìn kể say sưa và hồi hộp thật. Các bạn nó ngơ ngác nhìn nhau, giọng se sẽ thì thào; có đứa tái mét cả mặt:

- Vậy làm sao mà tới lớp bây giờ?

Thìn liền láu lỉnh:

- Đây có phải là đường chính của chúng mình tới Trường đâu. Đường chính là đường to, vòng quanh làng chứ. Đường qua vườn ông Lành là đường tắt cho nhanh!

Lâu nay lũ trẻ quen đi đường tắt này, vừa nhanh lại vừa được lượm táo. Bây giờ, nghe Thìn nói vậy, cả lũ réo lên:

- Thôi! Bỏ đường cây táo ông Lành!

- Bỏ thôi!

- Bỏ! Bỏ!

Vậy là lũ trẻ quay ùa ra đường cái, vòng quanh làng.

Riêng có thằng Tỵ và thằng Ngọ chưa tin hẳn lời thằng Thìn, bèn rủ nhau bò tới rình xem. Chỉ một lát sau, hai đứa vội vàng co giò chạy trở lại; càng làm cho lũ trẻ tin chuyện cái sọ dừa đen trên cây táo là có thật.

Từ đó , đường qua vườn ông Lành vắng hẳn.

Những quả táo chín, rơi vàng cả một góc sân ngôi nhà mới, rơi cả ra đường…

Ông Lành nhìn táo rụng vàng ối, mà chẳng có trẻ nhặt, lòng dạ không đành.

Đêm nằm nghe tiếng táo rụng với tiếng sương rơi lộp bộp ngoài vườn, ông thắc thỏm đoán ngày mai thế nào lũ trẻ cũng đến lượm, hò reo, hí hửng với những túi táo đầy. Nhưng đã hết năm ngày , năm đêm rồi , mà vẫn không nghe tiếng chân lũ trẻ đi qua nhà ông để đến trường nữa, chứ đừng nói là chúng vào lượm táo

Ông Lành ân hận. Hay là thằng nhóc ấy đã nói với lũ bạn nó thế nào, để tất cả lũ chúng giận ông? Mà ông đã làm gì nó kia chứ! Một cục đất rơi thẳng vào đầu, chứ có phải chuyện chơi đâu.

Chưa biết căn nguyên vì sao lũ học trò lớp Một trong làng lại không đi qua nhặt táo rụng nữa, nhưng ông Lành cũng mang cái rổ ra lượm tất cả táo trên sân, trên vườn, rửa sạch sẽ. Thế nào rồi cũng có lúc chúng nhớ mà đi qua chứ.

Ông vừa làm xong việc đó được một lúc , thì chợt thấy thằng Mùi hớt hơ hớt hải cắp sách chạy qua. Nhưng nó không đoái hoài đến cây táo. Ông Lành liền gọi giật nó lại:

- Nè con!

Thằng Mùi ngoái đầu, “dạ” một tiếng rõ to, rồi định quay đi chạy thẳng. Nhưng ông Lành đã kịp bưng rổ táo chín múp chạy tới , giữ nó lại. Thằng Mùi tròn mắt, không dám lấy:

- Táo có ma đầu-lâu-đen, cháu không ăn đâu ông ạ!

Ông Lành ngạc nhiên:

- Ai bảo mày thế?

-Thằng Thìn! Hôm kia nó đi sớm, vào lượm táo một mình, bị ma đầu-lâu-đen doạ “ưm hừm” đấy!

- Ở đâu? – Ông Lành càng ngạc nhiên.

- Nó bảo có đầu- lâu-đen trên cây táo của ông! – Thằng Mùi vừa thở vừa nói , rồi quay mặt đi chỗ khác, đưa tay chỉ lên cây táo.

Ông Lành mới vỡ lẽ! Ông chửi yêu thằng Mùi, chửi yêu cả lũ bạn nó:

- Cha mẹ chúng bay nghe! chỉ bày trò dại mà doạ nhau thôi. Tổ kiến đen đấy cháu ạ! Ông nuôi tổ kiến trên ấy cho nó ăn sâu đi, để táo khỏi bị sâu ăn chứ.

Rồi ông Lành ngồi vậy, ôm hẳn thằng Mùi đứng vào giữa hai đùi ông:

- Cháu đến lớp nói với các bạn là không có ma nào hết nghe! Đây nè, để ông đi chọc tổ kiến cho cháu xem.

Rồi ông Lành cười thoả thuê, dắt tay thằng Mùi đến bên cây táo, lấy sào nứa đâm vào tổ kiến. Lập tức đàn kiến bò ra, bu đen cả đầu sào. Thằng Mùi vỗ tay reo lên, cười khanh khách. Rồi nó quay vội sang, nói với ông Lành:

- Bữa nay vì cháu ngủ quên, sợ đến trễ, cô giáo la, nên mới liều chạy tắt qua đường này đó ông ạ! Bây giờ cháu phải đến lớp kẻo trễ, nghe ông!

- Ờ! Mà cháu phải mang chỗ táo ông nhặt đây cho cả lớp ăn với chứ.

Trước đây, cô giáo Hà đến xin ông Lành cho mượn căn nhà mới để làm trường cho học sinh lớp Một. Suy đi tính lại , rồi ông không cho. Lắm lúc, ông cũng thấy có cái gì đó không đành. Hoá ra, như thế mình không nghĩ đến tình làng nước nữa sao? Nhưng mà, ái chà chà! Cái lũ trẻ ấy cũng nghịch quá lắm! Nếu để cho chúng nó học ở đấy, rồi đến tường nhà cũng lở lói hoặc bị bôi vẽ bẩn thỉu những gà mẹ, gà con, lợn nái , mèo hoa lên thôi, Và tất nhiên là cây táo quý hoá của ông cũng sẽ trụi thụi lụi cả quả lẫn cành mất.

Nhưng chỉ mấy ngày vắng bặt tiếng trẻ hò reo lượm táo, vắng bặt tiếng rậm rịch bước chân của lũ chúng qua trước nhà ông để đến lớp học , ông Lành mới thấy hết thế nào là hạnh phúc của một người ông. Ông nhớ lũ trẻ hơn hớn kia quá. Và ông càng đâm ra nghĩ ngợi , nhớ lây sang thắng Sửu nhà ông , với niềm hy vọng một ngày gần đây ông sẽ có cháu nội . Rồi chúng cũng đi học lớp Một, cũng nhặt táo rụng trên vườn kia…

Thế là ông Lành quyết định đến lớp gặp cô giáo Hà. Và tất nhiên, ông sẽ được gặp tất cả lũ trẻ nữa. Thứ nhất, ông sẽ nói để cô giáo biết chuyện thằng Thìn bịa ra trên cây táo quý của ông có cái đầu lâu đen, làm cho lũ trẻ khiếp vía, sợ lây cả ông. Thứ hai, ông sẽ bảo cô giáo chuyển cho lũ nhỏ về ngôi nhà mới của ông mà học. Chả là ông đã nghe phong thanh, đâu cái chỗ lớp học hiện giờ chật chội quá, cô giáo Hà định dời lớp sáng một làng khác.

Ông Lành đến lớp học của lũ trẻ lớp Một.

Vừa thấy ông từ xa, lũ trẻ đã cầm mỗi đứa một vài quả táo trên tay, chạy ùa ra hò reo đón ông.

Riêng có thằng Thìn vội ngồi sụp xuống dưới chân bàn , mồm đang ngậm một quả táo, mỉm cười tinh nghịch. Nó đỏ dừ hai tai…

Mùa táo chín 1973   

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018


ĐÁM MA BÁC GIUN
Kết quả hình ảnh cho dám ma bác giun


Đã xong hai ngày Quốc tang, tưởng sẽ được trở lại bầu không khí yên lành của đời thường, ai hay cư dân mạng bỗng ồn ào nhới lại bài thơ của thần đồng Trần Đăng Khoa: ĐÁM MA BÁC GIUN.

Bài thơ này năm 1968 (năm Trần Đăng Khoa 10 tuổi), mình mới được một bạn giáo viên ở Vĩnh Bảo đi họp ở nội thành Hải Phòng về chép tay đưa cho đọc. Mình cũng chép tay lại rồi lên lớp ở trường Cấp 2 Nhân Hoà đọc cho học sinh nghe và bảo các em chép lại. 

Hồi ấy, người ta thường bình bài thơ đại để là: Đám ma bác Giun mang bóng dáng của lối sống nghĩa tình giữa con người với con người ở nông thôn: Chuyện “nghĩa tử là nghĩa tận” – một suy nghĩ truyền thống, tốt đẹp không chỉ của người nhà quê mà của cả dân tộc Việt


Bây giờ tuyệt đại đa số lại bình là: Trong bài thơ, thân xác bác giun rồi sẽ được táng trong bụng kiến và tan thành đất, nhưng linh hồn bác sẽ an vui cực lạc khi biết trước khi làm thịt mình, bọn kiến đã tổ chức cho mình một tang lễ linh đình. Người đời sẽ bình: "Bác giun ra đi trong lòng yêu thương vô hạn của đàn kiến"!. 

Đó là quyền của người đọc. Giờ nhớ lại bài thơ thế nào thì chép lại lên Blog lần nữa thôi:

ĐÁM MA BÁC GIUN

Bác Giun đào đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà
Họ hàng nhà kiến kéo ra
Kiến con đi trước, kiến già theo sau

Cầm hương kiến Đất bạc đầu
Khóc than kiến Cánh khoác màu áo tang
Kiến Lửa đốt đuốc đỏ làng
Kiến Kim chống gậy, kiến Càng nặng vai

Đám ma đưa đến là dài
Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà
Kiến Đen uống rượu la đà
Bao nhiêu kiến Gió bay ra chia phần...


1967



Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

KHIÊM LĂNG

lang-tu-duc-khiem-lang

Ngày thứ hai Quốc tang, ngồi buồn xem lại sử sách nước nhà:

Dưới triều vua Tự Đức, nhiều biến cố trọng đại đã xảy ra. Từ những vụ nổi loạn ở miền Bắc, chủ trương phù Lê, như giặc Châu Chấu (có Cao Bá Quát làm quốc sư), Cai Tổng Vàng ở Bắc Ninh, giặc Khách ở Cao Bằng. Ở triều đình, có người anh vua Tự Đức là Hồng Bảo, âm mưu đoạt ngôi nhưng thất bại. Năm 1886, nhân dịp vua Tự Đức cho xây Khiêm Lăng ở Vạn Niên (Huế), ba anh em họ Đoàn (Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái) khai thác  nỗi  oán hận của người dân phải đi làm phu gian lao vất vả, nổi dậy chống triều đình. Họ khích động dân bằng câu ca dao:

Vạn niên là Vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.

Trong cuộc khởi nghĩa này, họ Đoàn tôn Đinh Đạo (con của Hồng Bảo - cải họ Đinh, sau khi Hồng Bảo bị tội, tự thắt cổ chết) làm minh chủ. Vụ này cũng không thành công. 

Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình. Nhưng sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua cho đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.

Tuy nhiên, do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội. Năm 1873, Khiêm Cung mới được hoàn thành, vua Tự Đức vẫn sống thêm 10 năm nữa rồi mới qua đời. (Wikipedia)

Ông vua thi sĩ đã nằm xuống giữa một không gian của thơ và nhạc, của sự yên bình trong tổng thể kiến trúc trác tuyệt về nghệ thuật xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn. Người đời sau mỗi khi đứng trước khung cảnh thơ mộng này, ai cũng nghĩ đến một câu thơ đề tặng “ngôi nhà vĩnh cửu” của vua Tự Đức với sự tâm đắc, ngưỡng mộ:

“Tứ bề núi phủ mây phong, Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên”.

vua_tu_duc

Tiếng thế, vua Tự Đức, một ông vua phong kiến mà thấy được cái sai của mình nên viết biểu để tạ tội, điều đó cũng thể hiện cái hay của người xưa. Tiếc thay, ngày nay người ta vẫn muốn là vua sau khi chết, vẫn muốn lăng tẩm nguy nga, mồ mả bạt ngàn mấy chục ngàn thước đất trong khi người cày không có ruộng, người dân vẫn còn nghèo, có người chết phải bó chiếu để chôn.




Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

CỎ CHE MƯA XOÁ




Hôm nay Quốc tang, không có phim chiếu trên TV để xem, không dám mở CD để nghe nhạc. Thôi thì lặng lẽ đọc những dòng cuối trong cuốn tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ:

CỎ CHE, MƯA XÓA

Trong nghĩa địa Pơrơ Lasedơ, gần chỗ khu làm phúc, rất xa cái khu vực lịch sự trong thành phố mồ mả ấy, xa những ngôi mộ đủ vẻ mang các kiểu chết dơ dáng của người đời đến tận chỗ thiên thu vô tuyệt, ở một góc vắng vẻ, dọc bức tường cũ, dưới góc một cây thủy tùng lớn bám đầy những dây bìm bìm vượt từ đám rêu, từ những bụi cỏ gà lên, có một phiến đá.

Phiến đá ấy cũng như mọi phiến đá khác, chẳng thoát khỏi những lở lói vì thời gian, vì meo mốc, vì rêu và phân chim gặm nhấm. Nước mưa nhuộm xanh, nắng gió làm nhám đen mặt đá. Nó ở xa tất cả các đường đi lối lại, và người ta cũng không hay đi về góc này vì cỏ mọc cao, đi vài bước là ướt chân ngay. Khi có chút ánh nắng, lũ thằn lằn bò lên đó phơi nắng. Chung quanh, lúa đại mạch dại rùng mình dưới gió. Mùa xuân đến, chim bông lau hót véo von trên cành.

Phiến đá trần trụi. Người ta xẻ đá vừa đủ cho mộ, dài mà hẹp, che vừa vặn tầm vóc một con người.

Phiến đá không khắc tên ai.

Tuy nhiên, cách đây cũng đã lâu, bàn tay ai đã dùng bút chì viết lên mấy câu sau đây, mà mưa bụi đã dần dần làm cho mờ, không đọc được, đến nay chắc đã mất hẳn:

Người nơi đây yên nghỉ
Thân thế lắm đắng cay
Vẫn cam sống bấy chầy…
Thiên thần một sớm bay,
Người chết, đơn giản lắm
Như đêm nối tiếp ngày.



Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

ÁN VĂN ( 3)

Hình ảnh có liên quan

Nhà thơ Hữu Loan

Thế hệ 5X chúng tôi, chả mấy ai không biết những vụ án văn liên quan đến Hữu Loan, Quang Dũng. Hai ông nhà thơ này là cái gai trong mắt nhà cai trị. Nào có tội tình chi, chỉ đem cái tình cảm chân thật, riêng tư vào thơ. Dính tí Nhân văn giai phẩm, thế là toi. Ông Hữu Loan viết "Màu tím hoa sim", ông Quang Dũng viết "Tây tiến", nhiều người đọc khen hay, nhưng các quan lãnh đạo tuyên huấn, văn nghệ thì bảo không hay, thậm chí độc hại. Theo quan, phải trừng trị. Đã không viết về thời đại anh hùng, cuộc sống anh hùng, con người anh hùng, khí thế cách mạng, đã không chịu ca ngợi đảng, bác mà lại còn ủy mị, sướt mướt, bi lụy, riêng tư, cá nhân, gây mất sức chiến đấu… thì cứ phải dẹp. Phải ngon, ngoan ngoãn như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi… thì mới cho vào sách giáo khoa được.

Như đã viết, sách giáo khoa môn văn, từ cấp 2 đến hết cấp 3, ngồi chễm chệ chiếu trên là thơ ông Tố Hữu, và tất nhiên luôn phải có thơ văn Hồ Chí Minh ở hàng đầu (dù thơ không hay), sau đó là thơ văn của những ông “ngoan”. Học sinh, sinh viên tha hồ học thơ, ngâm thơ, làm bài thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi về thơ Tố Hữu và thơ của những ông ngoan kia, còn đám Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán… là cấm tiệt, không cho bén mảng vào sách, nếu có nhắc tới thì cũng chỉ dăm ba dòng trong bài khái quát với lời chê bai, chửi bới, phê phán kịch liệt. Cho chừa cái thói không đi theo đường lối văn nghệ của đảng.

Ông Hữu Loan phải bán xới khỏi Hà Nội bỏ về quê xứ Thanh làm ruộng, khai thác đá, con cái đều tốt nghiệp phổ thông nhưng tịnh không đứa nào được vào đại học bởi vướng lý lịch “đen” của bố; ông Quang Dũng về xứ Đoài (Sơn Tây quê nhà) ẩn thân, tiệt đường văn chương, có viết cũng chả ai dám đăng, sợ bị liên lụy. Ngay cả cụ “bỉ vỏ” Nguyên Hồng, cũng bị vu dính Nhân văn giai phẩm, chán thế sự đảo điên, khinh thứ văn chương nịnh bợ, bèn bỏ hết các chế độ quyền lợi, nhà cửa, tiêu chuẩn gạo nước, tem phiếu, gói ghém đồ đạc vào mấy cái tay nải cùng cả nhà rút khỏi thủ đô về tuốt tận rừng núi Yên Thế tỉnh Bắc Giang sống cuộc đời nghèo khó thiếu thốn nhưng để giữ được tâm hồn khỏi bị ô uế. Cụ bảo “không thể nào chơi được với chúng nó” (tức là nói đám Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân…). May ra trong mắt cụ Hồng vẫn còn sót cụ Kim Lân xứng đáng có nhân cách.


Bức tranh Bến Ngọc vẽ nơi đoàn quân Tây Tiến (Thơ Quang Dũng) xuất binh

Suốt mấy chục năm ròng rã, đời sống văn chương bị méo mó xộc xệch thảm hại, thứ văn học phải đạo (cách nói của thầy Hoàng Ngọc Hiến), văn chương nịnh bợ, tụng ca... tràn ngập, thống trị trong đời sống tinh thần con người. Có những anh chỉ viết vài ba bài nịnh đảng cũng ngoi lên múa may như ông nọ bà kia, còn người cương trực dù tài đến mấy vẫn bị gạt ra ngoài rìa. Nhưng may thay, cuộc sống luôn có những cách nhận ra chân giá trị, biết đâu là thật giả, hay dở, tốt xấu. Nhớ có lần ngồi chơi với nhà thơ Vũ Xuân Hương người Thanh Hóa, Hương bảo đối với giới văn nghệ xứ Thanh, chỉ có 3 vị xứng đáng ngồi chiếu trên ở văn chương đất thang mộc này là Hữu Loan, Xuân Sách và Nguyễn Duy. Còn lại thì làng nhàng cả. Ngẫm thêm, mà không chỉ xứ Thanh, cả nước đều vậy, dù đám nhà văn nhà thơ cơ hội, nịnh nọt tìm mọi cách ngoi lên mua danh chạy chức nhưng rốt cục sống được trong lòng bạn đọc chỉ có những ai thực tài và đủ nhân cách.


Điều trớ trêu là, mãi về sau, khi cuộc sống biến thiên, bãi bể nương dâu, thơ các ông Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng lại ùa vào sách giáo khoa, còn thơ mấy ông Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi… phải lui dần. Âu cũng là sự trả lại giá trị đích thực của văn chương. Những gì đáng được tồn tại thì dù có bị vùi dập, đàn áp, khủng bố mấy đi chăng nữa cũng vẫn có ngày trở về vị trí tương xứng, còn mấy thứ văn nghệ chính trị, cơ hội, mùa vụ đương nhiên sẽ bị lụi tàn.

Những năm 1971-1975, giao thời chiến tranh và hòa bình, bỗng dưng nổi lên mấy vụ án văn nghệ. Có lẽ thời điểm này người ta ngại sự chao đảo, ngả nghiêng về tư tưởng nên săm soi kỹ. Ngoài vụ tập thơ "Cửa mở" của cụ Việt Phương vừa phát hành được thời gian ngắn thì bị thu hồi, bị báo Nhân Dân và tạp chí Học Tập đánh cho tơi tả, thì làng văn dậy lên vài vụ khác. Cơ quan tuyên huấn của đảng ra sức mò mẫm các ngóc ngách, siết thật chặt, giương kính lúp lên soi từng chữ từng dòng. Họ mà phát hiện ra điều gì trái ý, lập tức quy thành án ngay. Năm 1972, khi lứa chúng tôi vào đại học, thấy xôn xao vụ Việt Phương, người ta quy cho ông đủ thứ tội “dao động ngả nghiêng, xét lại, nhầm lẫn bạn thù, bôi xấu sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, nói xấu chế độ, bi lụy cá nhân, sa đà tình yêu trai gái, làm yếu hậu phương quân đội…”, báo chí đánh cho tơi tả. Tôi tò mò, tìm khắp nơi không đâu còn cuốn "Cửa mở". Nhà xuất bản, nhà in, hệ thống hiệu sách nhân dân đều trong tay đảng, có mà tìm trên giời. Nghe thầy Hà Minh Đức kể đến cả ông 

Phạm Văn Đồng thấy họ đánh dữ quá cũng chả dám bênh vực đồng chí bí thư riêng, thư ký thân thiết của mình. Không có bất kỳ văn bản, chỉ thị cấm đoán nào, cũng không ông lớn nào đứng ra tuyên ngôn thế nọ thế kia, dường như chỉ có lệnh miệng ngầm mà uy lực vô song, báo chí hết tờ này tới tờ nọ phang tới tấp, nhiều vị viết theo lệnh trên, nhưng cũng nhiều kẻ lao vào đánh hôi để tạo chút danh tiếng. Phải đến mấy chục năm sau, "Cửa mở" của ông Việt Phương mới được tái bản, rồi cả những bài thơ ông viết về sau này mới được phép xuất bản. Năm 2010 người ta mới "mở cửa" kết nạp ông vào Hội nhà văn VN khi ông đã 82 tuổi. Ngài đổng lý văn phòng phủ thủ tướng còn bị "thi hành án" như vậy, dạng tôm tép như Hoàng Cát, Ngô Văn Phú, Phạm Tiến Duật… đừng có cãi đảng mà thêm nặng tội. 

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

ĐÊM NAY ĐÃ LÀ ĐÊM NĂM NÀO?


Gần 1.000 năm trước, Tô Đông Pha đã để lại những dòng tuyệt tác dưới đêm trăng:

“Vầng trăng sáng có tự khi nào, 
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao, 
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy,
Đêm nay đã là đêm năm nào”.

Nhìn vào những mặt hàng đồ chơi Trung Thu năm nay được bày bán tràn ngập tại chợ Trung thu phố cổ Hà Nội, nếu Tô Đông Pha còn sống, chắc ông sẽ tự trả lời cho mình câu hỏi : “Đêm nay đã là đêm nào”?


Mat na ghe ron xuat hien nhan nhan o cho do choi Trung thu hinh anh 3


Mat na ghe ron xuat hien nhan nhan o cho do choi Trung thu hinh anh 7

Mat na ghe ron xuat hien nhan nhan o cho do choi Trung thu hinh anh 8

Mat na ghe ron xuat hien nhan nhan o cho do choi Trung thu hinh anh 12


Có lúc là trăng sáng sao thưa, có lúc là trăng ẩn sao hiện, lại có lúc trăng sao cùng ẩn mất. Con người đi giữa thế gian cũng giống như vậy, có lúc thiện tính rõ ràng, lại có lúc ma tính nổi lên, và có lúc quên mất rằng bản thân mình là ai. Đêm nay chính là đêm Ma tính đang nổi lên khủng khiếp trong ngày Rằm Tháng Tám thời hiện đại.

Ở Việt Nam thế kỷ trước, thi bá Tản Đà đã buồn nản thốt lên với chị Hằng trên Cung Quế:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần giới em nay chán nữa rồi.
Cung Quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Nếu thi bá còn sống, không biết đêm thu năm nay ông sẽ còn buồn chán đến đâu?

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

TẾT TRUNG THU

Tết Trung Thu: Sự tích kỳ ảo của ngày tết dưới trăng - Ảnh 1

Hôm nay 14, mai là Rằm tháng Tám, chính Tết Trung Thu

Theo sử Trung Quốc, Tết Trung thu có từ giữa Thế kỷ 8, đời Đường. Trong cuộc chiến dẹp loạn An Lộc Sơn, vua Đường Minh Hoàng buộc phải ra lệnh thắt cổ Dương quý phi ở đèo Mã Ngôi. Dẹp loạn xong, vua bần thần nhớ thương cô vợ quá cố, một trong “tứ đại mỹ nhân” của lịch sử nước Tàu. Thế rồi, một đêm rằm tháng 8, ông mơ thấy có vị tiên hì hục bắc cái cầu vồng bảy sắc lấp la lấp lánh, óng a óng ánh từ cung điện lên cung Trăng, rồi dắt ông đi. Lên đến cung Trăng, vua thấy một đoàn tiên nữ xinh đẹp, xiêm áo rực rỡ đang múa hát, trong đó có Dương quý phi. Trở về trần thế, vua càng thương nhớ quý phi, đêm quên ăn ngày quên ngủ, bèn sai chế ra bản nhạc Nghê thường vũ y và đặt ra tết Trung thu, bắt dân chúng treo đèn lồng, làm các loại đồ chơi, ăn bánh dẻo bánh nướng và ngắm trăng. 

Tết Trung Thu: Sự tích kỳ ảo của ngày tết dưới trăng - Ảnh 2

Lại có tích rằng, trước đó, ở triều Tây Hán (206-023TCN), trong lúc khốn quẫn, tướng Lưu Tú lập đàn cầu Trời cứu quân sĩ khỏi chết đói. Quả nhiên, trúng hôm rằm tháng 8, quân sĩ tìm được ruộng khoai môn vừa đến kỳ thu hoạch và vườn bưởi trĩu quả. Sau khi trở thành vua Quang Võ (nhà Hậu Hán), Lưu Tú truyền lệnh cứ đến rằm tháng 8 lại làm lễ tạ ơn trời đất, đồng thời thưởng trăng bằng khoai môn và bưởi.

Sách Magiet Religion (Paris, 1912) của P.Giran viết: “Từ xa xưa, người Á Đông đã coi Mặt trăng là vợ của Mặt trời, đến rằm tháng 8 thì nàng phát tiết, xinh đẹp lộng lẫy nhất, nên dân gian mở hội ăn Tết mừng trăng”. Sách Thái Bình hoàn vũ ký viết: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng 8 thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Lườm kỹ cái mặt trống đồng Ngọc Lũ, thấy có hình vẽ lễ hội mừng được mùa. 

Như vậy, có lẽ Tết Trung thu xuất phát từ nền văn minh lúa nước của Tàu và vùng châu thổ sông Hồng của Ta. Sau này Lưu Tú, rồi Đường Minh Hoàng bày ra theo cách của các ổng. Từ đó người ta bịa ra những truyền thuyết “ăn theo” như Hằng Nga - Hậu Nghệ, chú Cuội - cây đa và các trò múa rối, múa lân (múa sư tử), đua thuyền, rước đèn, hát trống quân, v.v. 

Ở bán đảo Triều Tiên, rằm tháng 8 là ngày Lễ tạ ơn (Chuseok), người nông dân tạ ơn tổ tiên đã cho mùa màng bội thu. Riêng tại Hàn Quốc, đây là ngày tết lớn thứ 2 trong năm và là ngày nghỉ lễ quốc gia. Người ta ăn một loại bánh ngọt làm bằng bột nếp và đậu xanh, gọi là Songpyon.

Ở Nhật Bản, rằm tháng 8 là ngày hội Hounen Odori (Hounen: hạnh phúc và giàu có, Odori: nhảy múa). Người ta ăn một loại bánh hình cái gối làm bằng bột gạo, gọi là Tsukimi dango. 

Ở Đài Loan, Tết Trung thu cũng là ngày nghỉ lễ quốc gia. Đặc biệt, những buổi nướng thịt ngoài trời (babykiu), thường tổ chức ở công viên, trở thành dịp để thắt chặt tình cảm gia đình và tình đồng nghiệp.

Ở Hồng Kông và Macau, 16-8 Âm lịch là ngày nghỉ lễ chính thức. Đêm trước, dân chúng chơi xả láng sáng về sớm, mệt đứ đừ, đi làm sao nổi.

Ở ta, Tết Trung Thu theo âm lịch là ngày rằm tháng Tám hằng năm. Đây là ngày Tết của trẻ em, còn được gọi là "Tết trông Trăng". Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân,... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.

Nhưng hiện nay, Tết Trung Thu đã mất đi ý nghĩa ấy. Nó thực sự là cái Tết của người lớn. Người lớn có chức có quyền thì chờ Tết Trung Thu đến để nhận quà biếu xén. Người lớn còn phải lệ người cấp trên thì lo sao chạy được bánh ngon, rượu quý và đô la Mỹ để dâng biếu cấp trên. Bởi thế, ở xứ Ta, Tết Trung Thu tốn kém kinh khủng. Ví dụ năm 2006, chỉ riêng các cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh đã tiêu thụ được 6.800 tấn bánh Trung thu, tương đương hơn 800 tỉ đồng. Nhiều hộp bánh đắt như vàng, thậm chí bên tron có nhẫn vàng thật chạy lòng vòng như đèn cù theo kiểu “người mua không được ăn, người ăn không phải mua”.

Nguoi dan cac nuoc chau A lam gi trong Tet Trung thu? hinh anh 11


Trung thu là để ngắm trăng. Nhưng cảnh đời như thế thì ai ngắm trăng cho đặng!?





Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

ÁN VĂN (2)
Kết quả hình ảnh cho vụ xét xử nhân văn giai phẩm

Hôm trước trong bài Án văn phần 1, nhân nhắc lại vụ án văn nghệ kinh thiên động địa Nhân văn giai phẩm, tôi lục tìm đống sách trong tủ sách nhà mình tòi ra mấy cuốn đáng giá, giấy đã ố vàng theo thời gian, “quý” nhất là cuốn “Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa” của ông Tố Hữu. Quý ở chỗ muốn nói thì phải có sách, mách có chứng, kẻo ai đó lại bảo mình phịa. Lẩn mẩn giở đọc mấy bài, cứ giật thon thót. Giời ạ, làm sao mà ngày xưa người ta lại có thể tung hô bốc lên tận mây xanh được cái giọng điệu đao phủ, phát xít, côn đồ như vậy. Rồi tặc lưỡi, với ông trùm - chánh mật thám, phòng nhì, nhà đoan, kiểm duyệt văn nghệ Tố Hữu ấy, không tung không hô thì chỉ có nước đi tù.

Lạ ở chỗ, khá nhiều vụ án văn nghệ có dính dáng, liên quan tới ông Lành (Tố Hữu) nhưng về sau người ta cố gắng chiêu tuyết cho ổng, thậm chí bảo ông không có lỗi, không can dự gì vào những số phận bị vùi dập, chẳng hạn với Phùng Quán (cháu họ ông, gọi ông bằng cậu), Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang (nhóm Nhân văn giai phẩm), Hữu Loan (vụ Màu tím hoa sim), Lưu Quang Vũ (vụ ra khỏi quân ngũ), Hoàng Cát (vụ Cây táo ông Lành), Phạm Tiến Duật (vụ Vòng trắng), Việt Phương (vụ Cửa mở)… Người ta biện hộ, nếu muốn quy trách nhiệm cho ông Tố Hữu thì phải có chứng cứ, văn bản, lệnh của ông. Có những bài bênh ông còn viết rằng ông rất quý Phùng Quán, ông tình cảm với Hoàng Cát, ông khen Việt Phương…, thế mà cứ đổ vấy cho ông, v.v..

Xin nhớ rằng, trong bộ máy cai trị này, chả riêng trong lĩnh vực văn nghệ, lệnh miệng nhiều khi còn ghê hơn lệnh giấy. Không vừa ý cái gì, người ra lệnh chỉ lạnh nhạt nói vài ba câu, cấp dưới cứ thế mà quắn đít thực hiện. Cấm cãi. Bố đứa nào dám cãi. Ông Phạm Tuyên viết nhạc, công lao với cách mạng ít ai bằng, nhưng mấy lần nhà nước xét giải thưởng Hồ Chí Minh đều trượt, biết đâu có “ngài to to” nào đó thủng thẳng buông một câu “ông ta là con Phạm Quỳnh, cần phải thận trọng, xem xét cho kỹ” thì danh sách đóng lại cái rụp. Xứ này, biết bao người, trong đó có văn nghệ sĩ, chết bởi những câu vu vơ kiểu vậy.

Tuy nhiên, ông Tố Hữu không chỉ vu vơ, ông ấy còn để lại chứng tích tội ác bằng giấy trắng mực đen về những hành động đao phủ chặt chém của ông ta. Chỉ riêng cái bài tổng kết mà tôi nhắc ở trên (bài "Tổng kết cuộc đấu tranh chống Nhân văn giai phẩm" năm 1958), trong đó ông miệt thị, khinh bỉ, chửi bới, kết án những Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Đào Duy Anh, Trần Dần, Phùng Quán, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Trần Duy, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Cao Xuân Huy…, gọi họ là rác rưởi, cặn bã, lưu manh, gái điếm, quân bợ đít, phản động, kẻ thù giai cấp, phản đảng, kẻ phản bội nhân dân, ăn cháo đái bát…, chính ông ấy nói ra chứ có ai ép phải viết thế đâu. Cũng như sau này có vài người bênh ông Lê Đức Thọ, nói ổng nhân tình với các nạn nhân vụ “Xét lại chống đảng” lắm, đừng vu oan, nói quá cho ông ấy. Vâng, nhân tình hay không thì cứ phải hỏi con cháu của cụ Vũ Đình Huỳnh, hỏi ông Vũ Thư Hiên (con cụ Huỳnh) còn sống, hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang (và con cụ Giang là ông Nguyễn Quốc Tuấn), nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà báo Tuân Nguyễn… là rõ ngay. Họ là người trong cuộc, máu và nước mắt đọng đầy trên mặt, gạt đi cũng chả hết, vu cáo ông Sáu Búa ấy làm gì.

Một thời, nhất là thời chúng tôi học cấp 2, cấp 3 (nửa cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970), do ông Tố Hữu nắm quyền sinh quyền sát, thơ ông chễm trệ trên hầu hết sách giáo khoa buộc học sinh phải thuộc lòng. Đề thi môn văn, quanh đi quẩn lại, cứ hết thơ Hồ Chí Minh lại tới thơ Tố Hữu, dường như chiếu văn chương xứ này ngoài hai cụ tiên chỉ đó thì chả còn ai. Những đại thụ lừng lẫy bao thế kỷ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Trương Hán Siêu, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát… chỉ như ngọn cỏ không đáng kể. Thành nếp đến nỗi, cứ thi tốt nghiệp cấp 3 (hết lớp 10), nếu năm ngoái đề thi đã ra thơ Hồ chủ tịch thì năm nay chỉ cần túm lấy thơ Tố Hữu là xong.

Suốt mấy chục năm, các thi sĩ xứ này, kể cả đám Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông… muốn sống chết với thơ nhưng không chịu nổi, phải nhào sang làm chính trị, phục vụ chính trị, làm thơ ca ngợi tung hô, kiểu như “Khắp những đường tôi dạo tôi qua/Tôi đã nghe nhiều những khúc ca/Ngói mới”. Khi họ vẫn chịu cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ” thì đại thi sĩ Tố Hữu chả bao giờ phải quan tâm tới chuyện tiền bạc. Nhuận bút thời bấy giờ, dù thơ Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận được đăng báo cũng chỉ chục đồng bạc, nếu báo dịp tết may ra tăng hơn vài đồng. Tới tận năm 1974, nhờ anh Bùi Trọng Cường cùng lớp chỉ dẫn, tôi gửi bài thơ viết về vùng lúa Thái Bình cho báo Độc Lập (tờ báo của đảng Dân chủ), được đăng, sướng lắm khoe khắp nơi, đi tàu điện Thanh Xuân - Bờ Hồ vào lĩnh nhuận bút được 3 đồng, đó là có xem xét ưu tiên cho thơ trẻ sinh viên. 

Có lần tôi nghe mấy anh lớp trước như Đỗ Minh Tuấn, Triệu Xuân Điến, Thái Kế Toại… trò chuyện, kể thơ ông Tố Hữu siêu nhuận bút, bất luận hay hoặc không hay đều “giá sàn” phải vài trăm đồng một bài (xin nhớ chiếc xe đạp Thống Nhất rất hiếm thời ấy bán phân phối cho cán bộ chỉ hơn 200 đồng). Mỗi dịp tết nguyên đán hoặc tết tây là dịp ông Lành hốt bạc bởi các báo tranh nhau đăng thơ xuân, thơ năm mới của ông, cùng một bài có khi trên cả chục tờ báo. Người ta còn truyền tai nhau chuyện ông Hoàng Tùng tổng biên tập báo Nhân Dân như thường lệ trước tết lại sai nhân viên đem nhuận bút thơ xuân tới cho bác Lành, ông nhà thơ mở phong bì ra đếm thấy những 500 đồng, cười bảo, đại loại “nhuận bút cao hè, thế này thì các nhà thơ sống tốt quá còn gì”. Đó cũng là lý do giải thích tại sao thi sĩ Lành đẻ sòn sòn thơ xuân, năm nay chào xuân 67, năm sau chào xuân 68, năm sau nữa bài ca xuân 69, rồi cứ một mạch 70, 71, 72… Cụ Hồ có thơ chúc tết thì ông Tố Hữu cũng phải có, song kiếm hợp bích. Sau khi cụ chết, ông Lành được độc quyền, không đối thủ.

Tôi từng được đọc một bản thư đánh máy, chỉ to bằng 2 bàn tay, của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện gửi ông Tố Hữu. Họ từng gắn bó với nhau, đứng chung một chiến hào, cùng mặt trận tư tưởng văn hóa, nhưng tính cách khác nhau, cả tài năng cũng khác. Ông Viện chỉ là bác sĩ y khoa nhưng kiến văn của ông có lẽ đương thời ít ai bằng. Ông thẳng thắn, bộc trực, dạng “yêu ai cứ bảo là yêu/ghét ai thì bảo là ghét”, nên ông viết cho ông Lành. Thư có đoạn: “Ngày 30 - 11 - 1986. Anh Tố Hữu ạ! Trước kia đọc thơ, dịch thơ anh cảm hứng đằm thắm bao nhiêu thì nay thấy ngán ngẩm bấy nhiêu. Anh bảo làm bí thư vẫn không bí thơ, chúng tôi thì thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo. Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền, là chôn vùi luôn sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân. Rút lui đi, anh Tố Hữu, cứu lấy nhà thơ Tố Hữu. Anh sẽ trở lại với cuộc sống bình dị của một nhà thơ, chan hòa với anh em, anh em chúng tôi lại đón anh với tấm lòng trân trọng quý mến. Xuân này anh sẽ chen vào đám đông đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đồng Kỵ chứ không phải tiền hô hậu ủng nữa… Nguyễn Khắc Viện – 8 Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội”. (Xin nói thêm tại sao ông Viện viết “anh bảo làm bí thư…” bởi ông Tố Hữu có bài thơ nịnh đảng rất trắng trợn, tự cao trắng trợn: “Làm bí thư hoài có bí thơ/Rằng thơ với đảng nặng duyên tơ/Thuyền bơi có lái qua mưa gió/Không lái thuyền trôi lạc bến bờ”).

Tất nhiên ông Tố Hữu không đời nào nghe lời khuyên chân thành gan ruột của ông Viện. Kết quả là ông Viện bị ghi vào sổ đen, bị khó dễ đủ điều, viết bất cứ thứ gì cũng bị kiểm duyệt chặt chẽ, phần lớn không được đăng suốt bao nhiêu năm. Và chúng ta cũng biết, gieo nhân nào gặt quả ấy, thơ ông Tố Hữu giờ đây chả mấy ai nhắc tới nữa. Thơ ông cũng biến dần ra khỏi sách giáo khoa các cấp bởi hậu sinh thấy để đó chối quá. Rồi có ngày nó sẽ mất hẳn.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

ÁN VĂN (1)

Kết quả hình ảnh cho nguyễn trãi bị tru di cửu tộc

Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.

Thấy những chuyện án văn như bài viết của nhà báo nghỉ hưu Nguyễn Thông dưới đây viết rất gọn và rõ nhưng có thể nhiều bạn đọc chưa biết nên đăng lại.

Nhân chuyện bác Việt Phương, tác giả tập thơ nổi tiếng "Cửa mở" rời cõi nhân sinh hôm 6.5.2017, sực nhớ đến những vụ án văn ở xứ này.
Án văn, nói nôm na là những vụ án liên quan đến văn chương, văn nghệ, nhà thơ nhà văn, văn nghệ sĩ. Có khi nạn nhân chết chỉ do 1 chữ chứ không cần cả bài, cả tập. Chết mà không biết mình vì sao bị chết.

Phải công nhận xứ ta nhiều án văn, có những án kinh hoàng, thê thảm, đại bi kịch. Triều Lê Thái Tôn thế kỷ 15, con người bậc nhất của thời đại là Nguyễn Trãi đã chết bởi sự ganh ghét, đố kỵ của đám tiểu nhân đắc chí, trong đó do một phần từ án văn. Kẻ hoạn quan Lương Đăng được vua tin dùng vốn sẵn từ lâu ghét Nguyễn Trãi nên tìm mọi cớ vùi dập ông. Mỗi điều Nguyễn Ức Trai viết ra đều được Lương "công công" săm soi vạch vòi, Nguyễn có né cách mấy cũng bị quy thành tội. Lời tâu của cụ Nguyễn Ức Trai về nhã nhạc là ví dụ, chẳng những không được vua lắng nghe mà còn bị vua xem thường, bỏ qua bởi “công công” Lương Đăng đã xúc xiểm, cho rằng Nguyễn Trãi lên mặt dạy vua, coi thường bậc minh quân, bôi xấu thời đại huy hoàng dưới sự cai trị của đấng thiên tử chí tôn… Một khi vua đã loại ai đó ra khỏi mắt, khỏi óc thì người đó chỉ còn cách chết. Vì vậy, thời điểm Nguyễn Trãi và 3 họ lên đoạn đầu đài cũng là lúc báo hiệu triều đại nhà Lê bắt đầu lung lay mục ruỗng, chỉ còn chờ ngày sụp đổ. Khi Lê Tư Thành lên ngôi, niên hiệu Lê Thánh Tông, ông ta đã cố hết sức giữ vững cơ nghiệp ông cha, trong đó có việc chiêu tuyết, giải oan cho Nguyễn Trãi, nhưng dù gì đi chăng nữa thì án oan Nguyễn Trãi đã thành vết nhơ cực kỳ tệ hại trong lịch sử dân tộc, trong triều đại nhà Lê có nhiều chiến công hiển hách chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

Thời tôi sống, từ lúc trẻ thơ học trong nhà trường tới khi lặn ngụp mưu sinh trong cõi đời, tôi đã nghe, đã chứng kiến nhiều án văn, có những vụ cho đến bây giờ vẫn là dấu hỏi lớn của lịch sử. Có những vụ, văn chương vốn dĩ vô tình nhưng qua bàn tay kẻ thủ ác đã vùi dập, giết hàng loạt người lương thiện, trong đó có những con người đẹp đẽ, tài hoa bậc nhất thời đại. Vụ "Nhân văn giai phẩm" là ví dụ điển hình.
Ai muốn biết bản chất vụ án văn Nhân văn giai phẩm, chả cần tìm đâu xa, chỉ cần vào đọc địa chỉ Facebook của nhà văn Thái Kế Toại là rõ. Ông Toại là công an văn hóa, hàm đại tá, công tác tại A25 (cục chuyên về văn hóa tư tưởng của Bộ Công an), được giao thụ lý hồ sơ vụ án văn này. Nhưng càng tìm hiểu, đi vào góc khuất, khám phá ra những điều mà nhà cai trị cố tình che giấu, ông Toại càng thấy đó là tấn bi kịch văn nghệ kinh hoàng, oan sai, oan trái, không chỉ tàn hại một thế hệ văn nghệ đầy công tích trong chiến tranh chống Pháp mà còn phủ cái bóng thảm khốc đen tối của nó ám ảnh cả nền văn nghệ dân tộc suốt thời gian dài về sau. Những số phận đại bi kịch như Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đào Duy Anh, Văn Cao, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Trần Duy, Văn Cao, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Nguyễn Sáng, Phùng Cung, Nguyễn Mạnh Tường… đã thành mồi ngon cho chiếc máy chém khát máu trí thức của bộ máy cai trị. Dính án, nói theo kiểu Nam Cao, cuộc đời họ cứ mòn đi, mục đi, không có lối thoát, kể cả trong nhà tù Cán Tỷ cổng trời Hà Giang đằng đẵng 15 năm như Nguyễn Hữu Đang, hay được tại ngoại như Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán...

Nghĩ lẩn mẩn, nếu những con người tinh hoa ấy không bị dòng thác cách mạng tàn bạo kia vùi dập xuống tận bùn đen thì số phận dân tộc này chắc chắn sẽ khác rất nhiều. Dù mãi về sau, “người ta” cũng âm thầm sửa sai, lặng lẽ phục hồi danh dự, ban phát đền bù cho người này người nọ nhưng đó cũng chẳng qua là động tác vớt vát cứu vãn uy thế của nhà cầm quyền chứ cũng chả phải phục thiện, ăn năn hối lỗi gì. Điều dễ nhận thấy nhất là cho đến bây giờ, chính quyền chưa hề chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ Nhân văn giai phẩm, cũng như chưa hề có cuộc xin lỗi đầy đủ những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất mà họ đã tiến hành.

Tôi được biết tới vụ Nhân văn giai phẩm khi đã hơn 10 tuổi, lúc miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh chống lại máy bay Mỹ. Không biết ai đã cho thày (bố) tôi cuốn tạp chí (bị mất bìa nên tôi cũng không biết là tạp chí gì), số tổng kết cuộc đấu tranh chống lại nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm. Đọc những bài của Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Hoài Thanh, Hà Xuân Trường, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Công Hoan, Như Phong… bốc lên mùi sát khí binh đao, sắt máu, tanh tưởi, hận thù, giờ nhớ lại vẫn rùng mình. Hội nghị Thái Hà (tổ chức ở ấp Thái Hà, gần lăng mộ Hoàng Cao Khải) năm 1958 là cuộc đấu tố văn nghệ man rợ không khác gì đấu tố trong cải cách ruộng đất trước đó vài năm. Ngay lúc này đây, trên tay tôi là cuốn "Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa" của ông Tố Hữu, trùm văn nghệ cách mạng, một trong những thủ phạm - đao phủ chính gây ra vụ Nhân văn giai phẩm. Trong bài "Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm trên mặt trận văn nghệ", ông Lành (tức Tố Hữu) có viết: “Lật bộ áo Nhân văn - Giai phẩm thối tha, người ta đã thấy cả một ổ phản động toàn những mật thám, gián điệp, lưu manh, trốt-kít, địa chủ, tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm” (trang 84, sách đã dẫn, NXB Sự Thật, 1982).

Còn ông Nguyễn Công Hoan, một nhà văn "đáng kính" của giới văn nghệ, không biết ăn phải bùa ngải gì, tự dưng quay noắt chửi cụ Phan Khôi bằng giọng điệu hàng tôm hàng cá, côn đồ, hạ đẳng: "Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi/Thọ mi mi chúc chớ phiền ai/Văn chương, đù mẹ thằng cha bạc/Tiết tháo, tiên sư cái mẽ ngoài/Lô gích, trước cam làm kiếp chó/Nhân văn, nay lại hít gì voi/Sống lâu thêm tuổi cho thêm nhục/Thêm nhục cơm trời chẳng biết toi" (bài này có trong cuốn tạp chí mất bìa, đọc xong mấy anh em tôi thích quá, thấy chửi đã quá, khổ, hồi ấy trẻ con nào có biết gì). Mà không chỉ ông Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, rất nhiều ông bà văn nghệ sĩ bị đảng giật dây, “ăn cơm chúa, múa tối ngày” đã lên giọng hung hăng mạt sát những bạn bè văn nghệ, những bậc đàn anh đáng kính của họ. Sau này khi hiểu được thực chất vụ Nhân văn giai phẩm, tôi hoàn toàn xem thường những con người cơ hội, xu nịnh, tầm thường ấy, mặc dù mình có thời từng say mê tác phẩm thơ văn của họ.

Nếu như ông Tố Hữu và các đồng chí của ông kết án những “gián điệp, lưu manh, gái điếm” của phong trào Nhân văn giai phẩm là chính xác thì có lẽ nhà cai trị sau này đã hoàn toàn sai lầm khi phục hồi cho họ, thậm chí còn trao cả Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước cho những “lưu manh, gái điếm” này. Vậy thì ông Tố Hữu, ông trường Chinh, thậm chí cả cụ Hồ, hay các ông Linh, ông Phiêu, ông Mạnh, ông Kiệt... về sau, những ông nào đúng, ông nào sai trong vụ này? Ông anh tôi cười bảo, cộng sản là vậy, lúc nào họ cũng đúng, kể cả khi họ làm sai, nên chả có ông nào sai. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018


CON DẾ, CHOLESTEROL
 VÀ BỆNH MẤT TRÍ NHƠ


(Một mối liên hệ nghịch: cholesterol càng cao 
thì nguy cơ bị mất trí nhớ… càng thấp!)


Bạn Tuan Cao <tuancao@gmail.com> gửi cho đọc bài này, thấy cần phổ biến rộng tới nhiều người để cùng biết:

BS. Hồ Ngọc Minh:

Nhà văn Tô Hoài mới mất vào ngày 6 Tháng Bảy năm 2014. Hồi nhỏ tôi chỉ biết lờ mờ tên ông Tô Hoài vì say mê đọc truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của ông. Nói thật, thời tôi còn nhỏ, đó là một trong những sách truyện rất hiếm, viết cho con nít. Phần còn lại, tôi đã tập làm quen rất sớm với những pho truyện Tàu như Tây Du Ký, Thuỷ Hử, hoặc các pho truyện Kiếm Hiệp của Kim Dung.

conde
Nhắc đến con dế mèn, tôi lại nhớ đến một mẫu chuyện khôi hài khác về một kết luận mà một khoa học gia nọ rút tỉa được khi nghiên cứu về… con dế. Chuyện kể rằng, có một nhà bác học kia, đặt con dế trên mặt bàn, và vỗ tay, thế là con dế nhảy tưng lên. Kế đến, ông bèn bẻ một chân của con dế (tàn nhẫn quá!), và ông lại vỗ tay. Lần này con dế nằm vạ một chỗ. Thế là nhà thông thái, sau khi đã bẻ chân nhiều con dế như thế, bèn đúc kết một kết luận: “Khi ta bẻ chân con dế, não bộ của nó sẽ bị hư hại và nó sẽ bị…điếc!”

Từ từ, bạn hãy kiên nhẫn đọc tiếp, và sẽ hiểu tại sao tôi kể chuyện con dế ở đây.

Tôi đã viết nhiều về liên hệ giữa cholesterol và bệnh tim mạch, và cũng viết về triệu chứng của bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, tôi chưa trình bày mối về liên hệ giữa cholesterol và bệnh mất trí nhớ. Một mối liên hệ nghịch: cholesterol càng cao thì nguy cơ bị mất trí nhớ… càng thấp!

Hồi nhỏ, thỉnh thoảng, mẹ tôi có mua não bò, đem chưng cách thủy, để ăn với muối tiêu và rau răm. Ăn thì ăn, nhưng tôi thấy nghẹn cổ họng vì nó quá béo, ngầy ngậy. Não người cũng thế, tuy nhỏ, chỉ chiếm 2% sức nặng của cơ thể, nhưng nó chứa 25% tổng số cholesterol trong người. Gần đây, rất nhiều bệnh tật, khiếm khuyết của não bộ, thí dụ như bệnh mất trí nhớ, bệnh run Parkinson… nguy cơ tăng cao vì thiếu cholesterol. Trên thực tế, người trên 70 tuổi, cholesterol càng cao, càng sống lâu, càng ít bị truỵ tim và càng minh mẫn hơn.

Các tế bào thần kinh, cũng như các tế bào khác trong cơ thể, cần cholesterol làm nguyên liệu cấu trúc cho màng tế bào. Những vỏ bọc tế bào thần kinh, neuron, cũng được cấu tạo từ cholesterol, và, những “mạch điện” thần kinh liên lạc với nhau, truyền tín hiệu cũng nhờ vào cholesterol. Không có cholesterol thì những mạng thần kinh nầy sẽ bị “chạm điện” và bị “mát dây”.

Ở đây, xin nói thêm về cholesterol một chút.

Chúng ta thường lầm tưởng là có hai loại choleterol, LDL là loại xấu và HDL là loại tốt. Thực ra chỉ có một loại cholesterol duy nhất là… cholesterol! LDL (low-density lipoprotein) hay HDL (high-density lipoprotein) chỉ là tên gọi của chất protein chuyên chở cholesterol mà thôi. Người ta cho rằng HDL là loại tốt vì nó chở cholesterol dư thừa về trở lại trong lá gan, như thế là làm sạch mạch máu, còn LDL là loại xấu vì nó chở choleterol ra ngoài, làm dơ mạch máu. Gần đây những nghiên cứu mới cho biết, HDL cũng không hẳn là tốt: người có HDL cao vẫn bị bệnh tim, như thường.

Thật ra LDL có nhiều kích thước khác nhau, và trước LDL còn có những “xe chuyên chở” khác nữa như VLDL (very low density, loại nhẹ) và IDL (intermediate density, loại trung bình). Để dễ hiểu, mạch máu của bạn là một xa lộ, HDL là những xe tải 18 bánh chở cholesterol dư thừa đi ngược chiều về là gan. Còn các loại xe khác, to nhỏ như xe đạp, xe gắn máy, xe ba bánh, xe bốn bánh, xe thồ, xe lam… chở cholesterol, tiếp liệu ra… mặt trận. Như thế, một khi tuyến đường bị nghẽn, không phải là vì cholesterol mà vì đường xá bị hư hại, bị “ổ gà”, bị bom mìn khủng bố chẳng hạn. Những xe nhỏ VLDL, IDL, LDL thường dễ bị sụp hố và làm nghẽn đường mạch máu. Trong trường hợp bị gãy cầu xa lộ thì xe 18 bánh HDL cũng gây ra tai nạn, như chơi.

Tháng 2 năm 2012, chính cơ quan FDA công nhận rằng, thuốc giảm cholesterol statins có thể làm tăng nguy cơ bị lú lẫn và mất trí nhớ. Đồng thời một nghiên cứu trong Tháng Giêng năm 2012, cho thấy phụ nữ dùng statins có nguy cơ bị bệnh tiểu đường tăng 42%. Người bị bệnh tiểu đường, lại có nguy cơ bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp 3 lần. Khi đường thặng dư trong máu sẽ gây ra hiệu ứng “ làm mứt” hay “thắng đường, rim tôm” những phân tử cholesterol, làm cho chúng dính chùm với nhau và dính vào các chỗ lở loét trong mạch máu. Tương tự như mạch máu tim, não bộ đã thiếu cholesterol lại còn bị nghẽn mạch máu não, sẽ đưa đến tình trạnh hao mòn sớm, gây ra các chứng bệnh về hệ thần kinh.

Khoảng thập niên 1970, lượng cholesterol 240 mg/dL được xem là bình thường. Sau khi thuốc statins ra đời, mức độ ấy giảm xuống còn 200mg/dL, với LDL dưới 130 mg/dL. Nếu bạn có người thân trong gia đình bị truỵ tim, nhiều bác sĩ sẽ bắt bạn uống statins để giảm chỉ số ấy xuống dưới 180mg/DL, và LDL phải dưới 70 mg/dL! Từ khi thuốc statins ra đời đến nay, chỉ số bị truỵ tim cho những người dùng thuốc, giảm từ 3% xuống còn 2%, trong khi tỉ số bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp ba.

Sẵn đang nói về xe và xa lộ, dường như cách chữa bệnh xe nhả ra khói (cholesterol cao) hiện nay là bằng cách, bịt ống khói hoặc là huỷ bớt một, hai xy-lanh (uống stains kinh niên) để cho xe chạy bớt ra khói, thay vì làm sạch đường ống dẫn xăng và thay xăng dầu (thể dục thể thao, cải thiện thức ăn, bớt đường và tinh bột).


Dế Mèn Phiêu Lưu Ký

Đến đây bạn đã hiểu tại sao tôi kể chuyện nhà khoa học gia và con dế, phải không?

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

CẬU ĐỔNG (4)

Từ ngày mợ mất, cậu Đổng càng thêm buồn. Năm nào vào thăm cậu cũng kêu đã mất thêm ông bạn già này, ông bạn già khác. Và rồi buồn hơn khi nhắc tới 4 đứa con trai. Cả 4 đứa đều đã lấy vợ nhưng  có mỗi thằng cả ở riêng vì gia đình bên vợ có mỗi cô con gái sống với bà mẹ vì ông bố đã mất mà gia đình họ khá giả có nhà ở có cả nhà cho thuê nên cần sự góp sức của con rể để cùng nhau trông nom công việc. Ba cậu em thì cậu thứ hai cùng vợ buôn bán thuốc lá vỉa hè đầu đường bằng chiếc xe kính; cậu thứ ba lái xe lấy cô vợ là nhân viên bán sách còn cậu thứ tư chọn Vườn hoa Tao Đàn làm nơi vừa chơi chim cảnh vừa mua đi bán lại vào các buổi sáng sơm nên đã lấy một cô gái bán chuối trên vỉa hè cho các chủ nuôi chim. Là một người Tây học và thành đạt lại rất coi trọng việc học, nay thấy đàn con trai của mình như thế cậu không thể không buồn lòng.

Cậu bảo cậu không xem ti vi, không nghe đài cũng không đọc báo chí của nhà nước và của thành phố mà chỉ đọc duy nhất tờ báo Người cao tuổi cũng chỉ để xem mục cáo phó, tin buồn xem những ai là người quen đã dời cõi tạm. Hàng ngày cậu đi ngủ từ lúc mới 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm thức dậy dắt xe đạp ra đạp quanh mấy con phố quanh nhà và bảo khi ấy đêm rồi đường mới vắng hẳn không còn lo xe cộ nữa. Đạp xe chừng một tiếng thì về lại lên giường nằm tiếp, nằm nghĩ mông lung thôi chứ không ngủ lại được rồi 4 giờ sáng dậy ra bếp phía sau nhà đun nước bằng củi cho có việc phải động chân động tay. Nước sôi chứa vào các phích cho cả nhà dùng. Ăn uống thì bữa cháo bữa cơm do cô con gái thứ tư nấu, cũng một mình một khay cơm thôi.

Nhiều mùa nghỉ hè liên tiếp, tôi vào Sài Gòn với cậu. Hai cậu cháu nhỏ to hết chuyện cũ đến chuyện mới nhưng lúc nào cũng thấy nét mặt và giọng nói của cậu đượm buồn. Chưa bao giờ tôi thấy cậu uống bia hay rượu mà chỉ dùng một phin cà phê sáng tự pha ở nhà. Duy nhất một lần, anh Kim tức Đỗ Kim Liên ở Lái thiêu lên chơi, cậu khui tủ ra một chai vang Pháp mở trong bữa cơm ba người cậu, anh Kim và tôi, chắc cậu coi anh Kim là khách và biết anh ấy thích uống rượu. 

Chỉ duy nhất một lần tôi thấy cậu rất vui. Ấy là ngày con trai tôi cưới vợ vào năm 2000. Con trai tôi vào sài Gòn kiếm sống từ năm 1992, thường qua thăm ông cậu và được ông rất quý mến. Mỗi lần cháu đến ông cậu thường bảo cô Hạnh sắp cơm cho hai ông cháu ăn y hệt như đối với bố nó. Nghe tin cháu sắp lập gia đình riêng, vợ cháu người Bắc, gia đình mới vào Sài Gòn năm 1977, ông cậu rất mừng lại vui hơn khi biết ông nội của vợ cháu là cụ Cao Duy Ích, một nhà giáo lão thành khả kính, cũng bằng tuổi ông cậu và còn khoẻ mạnh sẽ đến dự đám cưới đôi trẻ.

Tối hôm hai gia đình mở tiệc cưới ở nhà hàng, hai cụ Đào Văn Đổng và Cao Duy Ích gặp nhau lần đầu mà xem như thân thiết với nhau từ đã lâu. Cả hai cụ đều được mời  lên bục tổ chức nói đôi lời chúc mừng hạnh phúc của hai cháu. Rồi dù biết cả hai không bia rượu nhưng mừng ngày vui của hai cháu, hai cụ cũng chạm ly mời nhau một lần uống cạn nên cả hai khuôn mặt đều chếnh choáng đỏ. Gần tan tiệc, tôi phải tìm tới chỗ cô em họ là cô Nhị, con gái đầu của cậu nhắc cô cẩn trọng đưa cậu về cho được bình an.
Ấy vậy mà hôm sau tôi qua thăm và cám ơn, hỏi:
- Tối qua, cậu có bị say bia không?
Thì cậu đáp:
- Cậu đâu có say, chỉ vui quá nên chuyện nhiều với ông cụ thông gia thôi.


Cụ Đào Văn Đổng và cụ Cao Duy Ích trong ngày cưới của hai cháu

Hai năm sau, tôi vào thăm cậu. Chuyện trò xong tôi xin phép ra về chỗ vợ chồng cậu con trai cậu chỉ gật đầu đưa tay cho tôi nắm mà không bảo tôi ở lại ăn cơm như bao năm về trước. Cô Hạnh nói với tôi:

- Ba giờ ăn chút xíu cơm và thức ăn thôi. Buổi sáng cố động viên ba được lưng con cháo loãng.

Tôi hiểu, cậu không bảo tôi ở lại cùng ăn cơm với cậu nữa vì chả nhẽ cậu chỉ mút mát chút xíu rồi buông đũa ngồi nhìn thằng cháu ăn mà như thế thì nó ăn sao đặng trong cảnh ấy!

Năm 2004, sau Tết Nguyên Đán, tôi từ Hải Phòng vào Sài Gòn trông nom xây nhà mới cho con trai. Những ngày thợ nghỉ làm, tôi vẫn qua lại thăm cậu. Nhưng đúng như người xưa nói: “Tám mươi tuổi cuộc sống tính từng ngày”, tôi đã nhận thấy giọng nói của cậu nhẹ và yếu hơn trước. Cô Hạnh lại bảo:
- Dạo này ba không chịu ăn uống mấy.

Và kể, trong vòng năm qua, cậu tôi đã hai lần bị cảm, một lần bị méo miệng, mấy tháng liền ngày nào cũng phải đưa ra nhà thờ Tân Định để châm cứu miễn phí và rồi cũng may mắn trở lại bình thường.  

Ngày 14 tháng 9 năm 2004, sau khi cho thợ hoàn thiện nốt mảnh sân trước nhà, tôi sang thăm cậu và mới biết cậu bị ốm nặng nhưng không chiu nằm bệnh viện, các con phải để ở nhà mời bác sỹ riêng đến chăm sóc. 

Nhưng bác sĩ lại than vãn với tôi:

- Ông không chịu uống thuốc nên phải truyền dịch cho ông. Nhưng khi thấy bác sỹ đứng lên là ông dứt hết dây truyền và ống tiêm ra.

Cô Nhị, con gái cả nói:
- Các con cắt cử ngồi bên cạnh trông nom ba thì ba cũng làm như thế nên bác sỹ cũng có phần nản.

Tôi  kéo ghế ngồi sát bên giường cậu, cầm tay cậu và nói:
- Cháu sang thăm cậu đây.
Cậu khẽ mở mắt ra nhìn tôi rồi gật gật đầu nhưng không nói gì. Tôi hỏi gì cậu cũng chỉ khẽ gật hay lắc đầu như thế.

Tôi bỗng nhớ ra trước mấy tháng u tôi dời cõi tạm, nằm trên giường thi thoảng lại nói:
- Cho tôi ra cổng với. Bà Cư, bà Phương đang đợi tôi ở ngoài cổng đấy.
Bà Cư và bà Phượng là hai bà cùng trang tuổi với u tôi đều đã chết cách đây cả hai chục năm.
Tôi khẽ hỏi cậu:
- Cậu có thấy ai về gọi cậu đi chơi không?
Cậu khẽ lắc đầu. Tôi lại hỏi:
- Như mợ hay ông ngoại hoặc các cụ bạn thân cũ của cậu?
Cậu vẫn chỉ khẽ lắc đầu.

Sáng hôm sau, 16/9, tôi nhận được tin cậu đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi sang thì mấy em con cậu nói:
- Một hai năm nay ba thường nói ba chán sống rồi nên nhân dịp ốm này ba không chịu ăn uống thuốc men và bất hợp tác với bác sỹ không chịu uống thuốc, không cho truyền dịch. Chả hiểu sao ba lại cố tình đi nhanh đến cái chết như vậy?

Khi tôi viết những dòng này về cậu Đổng thì mưa đang giăng xám đất trời. Nhớ về những năm tháng được cậu nuôi dạy, nhớ lại ngày cuối đời của cậu, may sao lại từ Bắc vào Nam, được ngồi bên giường bệnh cậu nằm, cầm tay cậu, hỏi chuyện cậu và nhìn thấy những cái gật đầu hay lắc đầu của cậu thay cho câu trả lời…

Rồi hai ngày sau, theo xe tang đưa cậu đến trung tâm hoả táng Bình Hưng Hoà, mắt lệ nhìn chiếc quan tài của cậu trôi vào lò thiêu Hoàn Vũ số 7…

 Chiều tối nay, chuông nhà thờ Giáo xứ Phanxicô Đa Kao sẽ nguyện hồn cho những người đã về Nước Chúa ngày 16 tháng 9, trong đó có cụ Giuse Đào Văn Đổng, người cậu của tôi, người một đời chỉ muốn cho con cháu và mọi người thân thuộc họ hàng được no ấm được học hành nhưng thế sự cùng số phận đã đem đến cho cậu nhiều buồn tủi cuối đời.

Gửi theo tiếng chuông nguyện hồn của nhà thờ, cháu cầu mong cậu Đổng kính yêu của cháu được mọi ơn lành hồn xác ở trên Nước Chúa đầy ánh sáng hoan lạc và bình an.


  


  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...