ÁN VĂN (5)
Viết đến đây, tôi lại nhớ chuyện hoặc giai thoại về những ông lãnh đạo đảng cộng sản xứ này chỉ đạo văn nghệ, do các thầy ở khoa Văn kể lại. Hồi những năm giữa thập niên 60, khi đám văn nghệ sĩ vẫn chưa hoàn hồn sau cuộc "cách mạng văn hóa long trời lở đất trừng trị đám phá hoại Nhân văn giai phẩm (được ví gây tác hại ghê gớm kinh khủng tai hại như cuộc Cải cách ruộng đất trong văn nghệ) thì ông Trường Chinh tìm cách trấn an. Anh Năm (tên thân mật của ông Trường Chinh) trong một buổi gặp các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, khi nghe đây đó có ý kiến về quyền tự do sáng tác, ông liền cười mỉm, rằng "Ai nói đảng không cho các anh các chị quyền tự do sáng tác. Nói thế là hồ đồ. Đảng vẫn cho các anh các chị quyền tha hồ chửi đế quốc Mỹ đó sao". Đám nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ ngồi nghe chết lặng. Mà đúng thật, những gì “anh Năm” nói đều có thực tế, và sau chỉ đạo ấy của ông lại càng lộ mạnh hơn quyền tự do chửi Mỹ trong các sáng tác.
Khi ông Trường Chinh đã bật đèn xanh cho quyền tự do chửi thì dòng văn chửi còn hơn cả hàng tôm hàng cá. Tôi vẫn nhớ hồi bé người ta truyền tai nhau câu thơ, cứ bảo của “nhà thơ” Bút Tre nhưng chả biết có phải không: “Trên rừng con khỉ đánh đu/Thằng Ngô Đình Diệm mút cu bác Hồ”. Rồi sau ông Diệm bị mắng là "thằng" thì tới thằng Thiệu, thằng Kỳ. Năm 1966, nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình có viết trên báo Nhân Dân chửi Thiệu-Kỳ (tôi đọc bài này bởi thày (bố) tôi sai ra trụ sở ủy ban mượn báo để đọc ké, vẫn còn nhớ câu mở đầu: “Hội nghị Gu-am được gọi đi/Thằng Thiệu thằng Kỳ tầm váo tầm vênh”. Mà chả riêng các ông Ngô Đình Diệm, Thiệu, Kỳ bị gọi là thằng, các đời tổng thống Mỹ đều được phong "thằng" tuốt: thằng Ai xen hao, thằng Ken nơ đi, thằng Giôn xơn, thằng Ních xơn, thậm chí người ta còn khuyến khích các gia đình nuôi chó đặt tên chó là con Giôn xơn, con Ních xơn để chửi cho sướng miệng. Được "tự do chửi" nên mới dẫn đến cảnh ông Nguyễn Công Hoan văng tục "đù mẹ" cụ Phan Khôi, ông Tố Hữu mạt sát các nhà văn nhà thơ Nhân văn giai phẩm là ma cô, lưu manh, đĩ điếm...
Nhân chuyện quan điểm tự do sáng tác của ông Trường Chinh, tôi lại nhớ hồi học ở Mễ Trì, thầy chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị tuy làm lãnh đạo khoa nhưng vẫn tham gia dạy phần văn học Xô viết và phần lý luận tính đảng trong văn học. Một lần thầy nhắc đến chi tiết trong đại hội các nhà văn Xô viết, nhà văn Pha đê ép (Fadeev) đã rất hùng hồn khẳng định “Chúng ta được viết theo tiếng gọi của trái tim mình. Nhưng trái tim chúng ta đã thuộc về đảng”. Thầy bảo, đại loại đó là quyền tự do sáng tác, là tính đảng trong văn học của nền văn học xã hội chủ nghĩa ưu việt. Sau khi phát biểu lời tâm huyết ấy không lâu, ông Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô Fadeev đã rút súng bắn vào đầu tự sát.
Vị thứ 2 ở xứ này để lại dấu ấn với đời sống văn nghệ là ông Nguyễn Văn Linh. Sau khi được các đồng chí của ông quần cho lên bờ xuống ruộng, đến năm 1986 thì ông được bầu làm tổng bí thư. Ông từng một thời được ca ngợi là nhân vật đổi mới, với những mẩu ngắn trên báo Nhân Dân trong mục “Những việc cần làm ngay” ký tên NVL, tên tắt của ông nhưng đám tuyên giáo khen nịnh thối thành “Nói và làm”, còn dân gian cứ gọi nôm na là ông “en nờ vê e lờ”. Một trong những việc đầu tiên ông làm sau khi ngồi ghế nóng là lấy lòng văn nghệ sĩ. Ngày 6.10.1987, ông gặp họ, tuyên bố hùng hồn phải “cởi trói cho văn nghệ sĩ”, còn ai trói, trói thế nào, vì sao trói, cởi đến đâu, v.v.. thì ông không nói, cứ lửng lơ con cá vàng. Cuối cùng ông bật đèn xanh, khuyên "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu". Nhiều người khen câu này của ông, chứ riêng tôi thấy ông Linh rất vô trách nhiệm, đảng của ông trói người ta, ông lại đổ cho trời, đó là chưa nói ở ý nghĩa khác thì ông tự coi mình là trời. Đảng mà không cởi thì có 10 trời cũng bó tay.
Tuy nhiên, mắc lừa ông Linh, đám văn nghệ rất phấn khởi, lại được các bác Trần Độ, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyên Ngọc hô xung phong nên hào hứng lắm. Những tác phẩm vang dội như "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc, "Lời khai của một bị can" viết về số phận ông vua lốp Nguyễn Văn Chẩn (nạn nhân chiến dịch Z30) phóng sự của Trần Huy Quang, "Người đàn bà quỳ" (Phùng Gia Lộc), những quan điểm táo bạo của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Dương Thu Hương… ra đời trong dịp này. Nhưng ông Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) cuối cùng cũng chỉ là anh chết nhát, nửa vời, đảng của ông ấy không ủng hộ quan điểm cởi trói nên ổng co dần lại, sống chết mặc bay. Kết quả là báo Văn Nghệ bị bóp chết, các ông Trần Độ, Nguyên Ngọc bị đưa lên “đoạn đầu đài”, đời sống văn nghệ lại một lần nữa tan tành, chả khác gì văn nghệ Trung Quốc sau cú lừa “Trăm hoa đua nở”, tới nay (năm 2018) vẫn không gượng dậy được mặc dù đã mấy chục năm trôi qua.
Không ít người coi ông Linh là chiến sĩ tiên phong cải cách, kiến trúc sư của đổi mới, thực ra đã nhầm. Nói gì thì nói, bằng thái độ đổi mới nửa vời, chất thủ cựu ngấm sâu vào máu, sự quay ngoắt rất tệ hại, "vừa đéo vừa run", coi quyền lợi và sự tồn tại của đảng lên trên hết, bỏ qua cơ hội quốc tế ngàn vàng, xét cả về các mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, chính ông Linh là thủ phạm hàng đầu gây ra sự trì trệ kéo dài, nửa dơi nửa chuột, bị lệ thuộc của nước ta hiện nay. Khắc phục, giải quyết được "di sản tệ hại" ấy do ông Linh và các đồng chí của ông để lại là cả sự vất vả kéo dài không biết bao giờ mới chấm dứt.
Phải những ai từng nếm mùi phê phán, trừng trị từ bộ máy tuyên giáo tuyên truyền của đảng thì mới hiểu thế nào là “văn nghệ phục tùng, phục vụ chính trị”. Đảng có thể biến một tác phẩm hết sức bình thường, thậm chí tốt thành thứ cực kỳ nguy hiểm đối với người sáng tác, gán vào đó những cái gọi là âm mưu, ý đồ, biểu tượng hai mặt, cao hơn nữa thì quy rằng nó ẩn chứa hoặc công khai thái độ thù nghịch, chống phá, chống chính quyền nhân dân. Như tôi đã từng kể ở mấy bài trước, hàng loạt bài văn thơ của Nhân văn giai phẩm, rồi thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan, thơ Việt Phương, truyện ngắn Hoàng Cát, Hoàng Cầm, Lưu Quang Vũ… bị đánh tơi tả, người viết không ngóc đầu dậy nổi, phải ẩn dật, trốn chui trốn lủi, tìm đủ mọi cách mới sống qua ngày đoạn tháng. Thời ấy, những người dân bình thường đã phải chịu cuộc sống cực kỳ vất vả, huống hồ người có tiền án tiền sự với chế độ, dù chỉ là án văn nghệ. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
PHỤ LỤC:
Nhà văn Nguyên Ngọc nguyên Tổng biên tập báo Văn Nghệ kể lại chuyến đi trốn tránh bọn tham quan Thanh Hóa của nhà văn Phùng Gia Lộc :
– Anh em bí mật đưa anh lên một toa tầu ở một cái ga xép, ga lẻ, chứ không ở Thanh Hóa, có hai người gác ở hai đầu toa, rồi anh lên đó anh ra Hà Nội. Ra tới Hà Nội rồi tối đó do anh quen với anh Bế Kiến Quốc là biên tập viên của tờ báo Văn Nghệ của chúng tôi, anh ở nhà anh Bế Kiến Quốc.
Hồi đó nhà cửa còn khó khăn lắm cho nên anh Bế Kiến Quốc mới báo cáo với tòa soạn và tôi đưa anh Phùng Gia Lộc về ở trong tòa soạn báo Văn Nghệ, và chúng tôi phải giữ bí mật cho anh ấy.
Khi ở báo Văn Nghệ anh Phùng Gia Lộc mới kể cho tôi nghe tình hình ở nông thôn Thanh hóa và tôi có nói với anh Phùng Gia Lộc là anh ngồi đây anh viết lại chuyện đó. Không phải anh Phùng Gia Lộc ảnh gửi cái bản thảo đến tòa soạn đâu. Phùng Gia Lộc ngồi tại tòa soạn và viết.
Nhà văn Phùng Gia Lộc
Hồi đó chúng tôi có một cái bàn lớn vẫn dùng làm chỗ giao ban và duyệt báo hàng ngày. Anh Lộc ngồi đó anh viết và tối thì anh nằm trên bàn đó anh ngủ. Anh chị em trong bộ phận trị sự thì người mang gạo, người mang thức ăn đến để nấu cho ảnh ăn. Chính anh viết “Cái đêm hôm ấy… đêm gì” trên cái bàn đó.
Anh Phùng Gia Lộc cũng là một người viết ở Thanh Hóa, anh chưa bao giờ gửi bài cho báo Văn Nghệ cả. Đấy là bài đầu tiên của anh Phùng Gia Lộc viết trên báo Văn Nghệ. Lúc đó chính quyền Thanh Hóa thực ra họ không tác động trực tiếp gì đến báo của chúng tôi, nhưng chúng tôi biết rằng hồi đó ngoài anh Phùng Gia Lộc còn có một số anh em nữa ở Thanh Hóa cũng phải chạy trốn ra Hà Nội. Cũng có một số người mà người ta có thể là tay sai của những người đang cầm quyền ở Thanh Hóa thì người ta sẽ tìm cách truy những người này.
Cho nên chúng tôi phải giấu anh Phùng Gia Lộc, bảo vệ anh Phùng Gia Lộc cho đến khi người đứng đầu tỉnh nhà anh bị đổ thì lúc đó anh Phùng Gia Lộc mới có thể công khai đi đây đi đó và sau đó anh mới trở về Thanh Hóa được.
Chỗ căng thẳng thì các cơ quan trung ương tôi nhớ cũng không có ai tác động gì đến chúng tôi, nhưng thế này, báo Văn Nghệ về nguyên tắc nó là cơ quan của Hội Nhà Văn Việt Nam, và cơ quan chủ quản của nó là Ban Thường Vụ Hội Nhà văn.
Ban Thường Vụ hội Nhà văn thì có quan điểm khác chúng tôi, có thể nói là đối nghịch với nhau. Và chúng tôi chủ trương là nhìn thẳng vào các vấn đề xã hội và các nhà văn với tờ báo là cơ quan của hội thì có thái độ rõ ràng về các vấn đề xã hội mà nó gay cấn nó phức tạp như vậy. Còn Ban Thường Vụ Hội Nhà Văn thì muốn tránh.
Mâu thuẫn giữa lãnh đạo Ban Thường Vụ Hội Nhà Văn và báo Văn Nghệ càng ngày càng căng thẳng. Tôi nói với anh Nguyễn Đình Thi thì anh Nguyễn Đình Thi bảo bài này không được đăng hay bài kia thì phải đăng, thì tôi bảo “Tôi là tổng biên tập tôi chịu trách nhiệm. Tôi đăng thì tôi chịu trách nhiệm và nếu có việc gì thì tôi ra tòa chứ không phải anh, cho nên nếu mà anh có chỉ thị gì cho báo Văn Nghệ thì anh phải có văn bản có ký tên có đóng dấu đàng hoàng để mà chịu trách nhiệm. Còn nếu mà anh nói miệng thì tôi coi đó là lời khuyên và tôi cảm ơn anh, nhưng mà tôi có thể nghe hoặc là không nghe, chứ còn tôi chịu trách nhiệm về tờ báo thì tôi làm theo ý của tôi. Còn anh là cấp trên, anh chỉ thị thì phải có chỉ thị bằng giấy và dấu đỏ”
Tôi nhớ và rồi tôi có xem trở lại thì “Cái đêm hôm ấy . . . đêm gì?” đăng ngày 23 tháng giêng năm 1988. Bút ký đó là bút ký đặc sắc trong loạt những bài báo kể về tình hình nông thôn thời bấy giờ, nhưng mâu thuẫn còn kéo dài và chúng tôi còn tiếp tục cho mãi đến tháng 12 năm 1988 thì tôi bị người ta thuyên chuyển ra khỏi báo Văn Nghệ”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét