NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở (5)
Sáng hôm sau tôi mới biết, trường cấp hai Đinh Tiên Hoàng đã sơ tán về xã Đông Sơn huyện Thuỷ Nguyên theo cách bê nguyên tất cả học sinh và giáo viên trừ những ai có nguyện vọng xin chuyển trường cho phù hợp với hoàn cảnh riêng. Nhà trường bây giờ bị lấy làm kho cho cty lương thực cấp 1, nay họ chuyển các bao thóc gạo đến, mai lại chuyển đi chỉ còn lại những bao đựng trấu. Anh Quang bảo vệ chính của kho là người miền Nam tập kết nói với tôi rằng đó là kế nghi binh để bọn gián điệp không biết thực hư ra sao mà chỉ điểm cho máy bay Mỹ ném bom. Khắp sân trường rộng lớn, người ta đã cho đào và xây các hầm tránh bom đạn. Tùy theo địa thế, cái thì hình chư nhật, cái thì hình chư T, cái thì hình chữ L, cái nào cũng có 2 cửa có bậc lên xuống.
Các gia đình giáo viên ở trong trường cũng đã sơ tán hết ra ngoại thành nên bên cty lương thực bắt đầu cho một số cán bộ công nhân viên của họ đến ở các căn phòng của các gia đình giáo viên bỏ trống. Người cũ duy nhất còn ở lại trường là ông Hoàng Ngọc Khánh, chồng bà Tô Thị Oanh. Bà Oanh hồi kháng chiến 9 năm học ở khu Học xá Nam Ninh sau năm 1954 về Việt Nam là giáo viên dạy tiếng Trung giờ cũng sang Thủy Nguyên theo trường. Ông Khánh là cán bộ miền Nam tập kết làm trưởng phòng kế hoạch cty vân tải đường sông, mà cty không có kế hoạch sơ tán. Phòng nhà vợ chồng ông Khánh bà Oanh rộng 20m2 vì nhà họ có hai vợ chồng và 2 con, Phòng này vốn trướcđây cùng với phòng nhà tôi là một, dùng làm nơi tắm rửa và vệ sinh hồi trường làm bệnh viên nay 2 nhà chỉ ngăncách nhau bằng một cánh cửa gỗ.
Việc của tôi là lên trình báo giấy tờ cho phòng tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục. Họ nói, trường cũ đã sơ tán ổn định hết rồi nên bố trí tôi sang làm việc bên Ban tuyển sinh của thành phố rồi cấp giấy giới thiệu để tôi sang bên công an xin nhập lại hộ khẩu.
Vậy là sau gần 4 tháng, tôi lại về với căn phòng 8m2 nhưng nay nơi đất tôi sống không còn là của trường cấp hai Đinh Tiên Hoàng mà là kho lương thực thời đối phó với chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Ngày 5 tháng 10 năm 1965, vợ tôi hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Căn phòng nhỏ bé có thêm một nhân khẩu mới. Để giúp đỡ vợ chồng tôi chăm nuôi con nhỏ, bà Đàm Thị Đậu là bà nội của vợ tôi ở dưới phố Cầu Đất tối nào cũng lên ngủ cùng cháu gái để bế ẵm chăm nom giấc ngủ cho thằng bé chắt ngoại. Cái giường ba xà dành riêng cho cụ ngoại và hai mẹ con cháu. Tôi ngủ trên cái giường một.
Sang năm 1966, Mỹ bắt đầu mở rộng bắn phá trên miền BắcViệt Nam. Nhà máy cá hộp Hạ Long bắt đầu có kế hoạch sơ tán đại bộ phận sản xuất lên vùng đồi núi Bắc Giang để chuyển đổi dần sang sản xuất đồ hộp rau quả. Vợ tôi có tên trong số công nhân viên phải lên Bắc Giang nhưng do con mới sinh còn quá nhỏ nên làm đơn xin nghỉ việc, được trợ cấp 3 tháng lương. Tôi bàn với vợ làm hồ sơ xin đi học trung cấp chuyên nghiệp thì cô ấy nói:
- Ai người ta duyệt cho em đi học mà làm hồ sơ. Anh cũng đã biết năm 1963, sau khi tốt nghiệp cấp hai em cũng đã nộp đơn xin đi học trung cấp y nhưng không được xét duyệt vì lý lịch có ông bố làm cảnh binh thời thuộc Pháp, sau xin học y tá sơ cấp cũng không được nên phải ra Cảng làm công nhân cân đóng các bao ngô rồi xin vào nhà máy cá hộp Hạ Long.
Tôi bảo:
- Em cứ làm rồi về khu phố cũ xin chứng nhận đưa anh đem nộp cho ban tuyển sinh thành phó. Giờ anh làm cán bộ của ban tuyển sinh mà.
Công việc của tôi ở ban tuyển sinh là đọc các hồ sơ xin học, ghi tóm tát lý lịch riêng ra một cuốn sổ bao gồm các mục thành phần gia đình, nghề nghiệp trước ngày Hải Phòng giải phóng và nghề nghiệp hiện tại của bố mẹ thí sinh, đặc biệt là lời nhận xét của chính quyền sở tại để khi họp xét duyệt thì dọc lên cho mọi người nghe và thống nhất cho thí sinh đó được đi học ngành nghề nào hoặc không xét duyêt cho đi học.
Hôm đến tên thí sinh là vợ tôi, vừa nghe xong bản tóm tắt của chính tôi, một ông trong ban xét duyệt đã nói ngay:
- Thí sinh này không được vì có bố là ngụy quân ngụy quyền thời Pháp.
Tôi cũng nói ngay:
- Hồ sơ này là của vợ tôi. Cô ấy đang làm công nhân nhà máy cá hộp Hạ Long nhưng nay phải chuyển lên Bắc Giang nên đã xin nghỉ việc vì mới sinh con. Đề nghị các đồng chí chiếu cố cho.
Nghe tôi nói thế, ông Trần Đình Tróc, trưởng ban đáp luôn:
- Nếu là vợ đồng chí trong ban ta, tôi thấy nên chiếu cố duyệt cho đi học.
Không ai có ý kiến gì, ông Tróc hỏi tôi:
- Vậy vợ đồng chí có nguyện vọng học ngành nào?
- Dạ, trung cấp sư phạm ạ, để tiện sau này cả hai vợ chồng sơ tán ở đâu thì xin cùng về ở đó.
- Nghe được đấy – ông Tróc cười rồi lấy biểu quyết và hồ sơ của vợ tôi được xét duyệt.
Trường Sư phạm trung cấp Hải Phòng từ năm học 1965 – 1966 đã sơ tán về xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo cách thành phố 50km. Vì vậy khi vợ tôi có giấy gọi nhập học năm 1966 mà đứa con đầu lòng chưa đầy một tuổi khiến tôi phải xin thôi làm ở ban tuyển sinh và xin về dạy tại huyện Vĩnh Bảo để giúp đỡ vợ trong việc nuôi con. Người ta xếp cho tôi về trường cấp 2 của xã Tiền Phong cách xã Cộng Hiền theo đường bộ gần 2km nhưng di tắt qua một cánh ruộng thì gần hơn cả cây số nên vợ tôi sang trường sư phạm bên xã Cộng Hiền học từ sáng đến hết giờ học chiều thì lại về trường Tiền Phong với chồng con.
Ở trường cấp 2 Tiền Phong, ban giám hiệu không bố trí tôi dạy phổ thông mà làm giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa của xã, công việc chủ yếu là vận động bà con xã viên đi học, tổ chức các lớp học buổi tối và mời giáo viên phổ thông về dạy chủ yếu hai môn Văn, Toán. Tham gia các buổi họp văn hóa của ủy ban nhân dân xã cùng các cuộc họp tổ sản xuất, đoàn thanh niên và phụ nữ xa. Công việc này không giáo viên nào muốn làm vì nó không có thời khóa biểu cụ thể như dạy phổ thông hết tiết dạy là về nghỉ đã vậy các tối thứ hai thứ năm hàng tuần thì đến các lớp học xem học viên học hành ra sao mà các lớp học thì rải rác thôn này thôn kia, xóm này xóm khác, nhiều khi phải băng qua cả cánh đồng hay bãi hoang mới tới lớp của học viên học. Nhưng với tôi thì công việc này lại có mặt thuận lợi cho hoàn cảnh của gia đình mình vì con tôi còn phải bế ẵm, tối mẹ nó được về nhà trông nom nó cho tôi xuống các lớp bổ túc, ban ngày phải đi họp tôi mang con đi theo, đến chỗ họp không thiếu các bác các cô bế ẵm trông nom đỡ một tay. Giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá còn một việc nữa là một năm xuân thu nhị kỳ lo tổ chức liên hoan mở lớp và bế lớp cho các học viên cùng các quan khách: Đi xin phiếu mua thịt lợn của HTX mua bán hoặc lo tìm mua một con chó tơ béo ngon để làm cỗ.
Khu đất trường cấp 2 xã Tiền Phong khá rộng. Một dãy nhà một tầng tường gạch mái ngói là các lớp cho học sinh học nhìn xuống khu sân chơi rộng rãi nay để phòng tránh máy bay các hầm chữ A cốt tre phủ đất được dựng lên trong san, bên cạnh các hầm là các bụi chuối xanh um tùm. Phía phải sân là dãy nhà giáo viên gồm ba phòng nền đất tường vách trát bằng bùn trộn rơm, mái lớp rạ. Phòng đầu phân cho anh Phạm Văn Xuyên người Thái Bình chưa vợ con, phòng giữa phân cho vợ chồng tôi, phòng cuối phân cho chị Vũ Thuần Anh dạy toán có 2 con gái nhỏ và chồng là anh Trần Mậu Thưởng, hiệu phó trường sư phạm trung cấp bên xã Cộng Hiền. Một dãy nhà nữa cho giáo viên ở cuối sân nhìn lên dãy lớp học gồm 4 phòng, từ ngoài vào trong là phòng ở của hiệu trưởng và 3 phòng cho 3 anh khác đã lập gia đình nhưng vợ con ở Thái Bình.
Tôi nhận phòng ở nhưng chưa có giường. May sao được ngay anh Vũ Thiết Kế, người bạn quen thân hồi học lớp chính trị ở xã Đại Thắng Tiên Lãng cho mượn một cái giường tre do chính bố anh tự tay đóng bằng tre của gia đình trồng quanh nhà. Anh kế dạy văn, người xã Tiền Phong nhưng không dạy trường xã nhà mà dạy trường Đồng Minh xã bên cạnh.
Năm học sau, tôi được điều sang trường xã Cộng Hiền nơi có trường sư phạm vợ tôi đang học năm thứ hai. Tôi không phải phụ trách phong trào bổ túc văn hóa xã nữa mà giảng dạy trên lớp. Trường cấp hai Cộng Hiền không có nhà cho giáo viên vì vậy tôi phải ở nhờ căn nhà ngang của chị Giới. Anh Giới chồng chị đi bộ dội, nhà chỉ có chị và thằng cu Biên mới 4 tuổi. Hai mẹ con ở căn nhà trên ba gian nhường cho tôi căn nhà dưới chỉ có một gian cũng tường trình đất, mái lợp rạ. Căn nhà nhỏ nhưng cũng kê cái giừơng tre vẫn còn thừa một nửa không gian. Bây giờ anh Kế nói cho hẳn tôi cái giường tre chứ không phải là cho mượn nữa.
Ở nhờ nhà chị Giới chỉ khổ mỗi cái nước ăn uống và tắm giặt. Tất tật mọi nước dùng sinh hoạt đều lấy từ một cái ao nhỏ đào bên cái sân đất trước căn nhà ba gian hai mẹ con chị Giới ở nên nước không sạch, đã thế nhà chị lại nuôi mấy con vịt, khi không ra đồng kiếm ăn chúng đều bơi lội mò lặn trong ao. Nhưng không còn cách nào dể có nước dùng, cũng đành nhắm mắt tuân theo số phận là tắm giặt bằng nước cái ao đó. Riêng nước ăn, tôi dùng lá mồng tơi để hút bẩn làm cho nước trong lên và bảo chị Giới làm theo.
Nghỉ hè năm đó, thấy trường cấp 1 Cộng Hiền có một gian nhà nhỏ tường đất mái rạ vốn làm nơi chứa trấu và than củi nay bỏ không, tôi xin dọn ra đó ở cho thoáng mát và tiện bề nước sinh hoạt vì phía sau căn nhà là một con mương lớn thuyền nỏ có thể đi được, tắm giặt và lấy nước lên để lắng trong ăn uống cũng sạch hơn nước ao nhà chị Giới. Nhưng chưa hết hè thì gian nhà này đã phải hứng chịu một cơn bão lớn nhất vào đêm ngày 14/8/1968 và bị sập đổ, may là cả nhà tôi không ai bị nạn
Nguyên do từ ngày 1/8 huyện tổ chức lớp học chính trị hè cho giáo viên cấp 2 ở xã Hòa Bình, cách xã Cộng Hiền hơn 10km vì vậy đa phần học xong, anh chị em đều ở lại đến chiều thứ 7 mới về. Tôi cũng thế. Thời gian này vợ tôi đã học xong năm thứ 2 sư phạm trung cấp, đã thi ra trường và đang chờ phân công. Cũng thời gian này vợ tôi đang mang thai đứa con thứ hai sắp đến ngày sinh. Vì vậy, bà nội của vợ tôi là cụ Đàm Thị Đậu đã phải từ Hải Phòng vào Cộng Hiền để giúp đỡ cháu gái. Tôi đi học chính trị nên chỉ có 3 ngưới là bà cụ, vợ tôi và thằng cu con gần ba tuổi ở nhà.
Vừa tối xuống thì trời trở bão. Khi bão bắt đầu mạnh lên thì nhà tôi đau đẻ, bà nội phải vào xóm gọi một cô giáo ra dìu nhà tôi sang trạm xá. Trong gian nhà chỉ cò cụ và thằng chắt ngoại. Cụ cứ ôm cháu co ro trong gió lạnh của bão để thằng bé khỏi sợ. Đến gần nửa đêm, thấy gió mạnh gào rít lên khủng khiếp lại thêm mưa to như trời đổ nước xuống, mái rạ lợp căn nhà bắt đầu rung lên bần bật rồi bị gió cuốn đi một mảng khiến nước mưa đổ xuống nền nhà ướt sũng. Cụ sợ quá vội ôm cháu đội mưa chạy lên khu trường nhà ngói và chui vào một lớp học. Cửa lớp vừa đóng lại thì nghe tiếng gian nhà tường đất dưới sân trường đổ sập .
Sáng hôm sau, mới mờ đất nhưng thấy gió bão đã giảm nhiều tôi vội đạp xe về Cộng Hiền. Đường trong xã Hoà Bình còn đạp xe được nhưng lên đến đường huyện thì ngược gió lại thêm mưa vẫn còn lớn, phải gò lưng lội bộ đẩy xe tiến về phía trước. Mãi khi trời hửng mưa gió mới ngớt mới có thể lên xe đạp mà đi.
Về đến con đường đầu làng Cộng Hiền, mấy em học sinh đang đứng bên gốc cây đa xem cảnh bão tàn phá đêm qua. Trông thấy tôi, chúng nhanh nhảu chào. Một em gái lớn tuổi nhất đám nói:
- Cô nở em bé gái rồi thầy ạ. Chúng em vừa ra thăm cô ở trạm xá. Nhưng nhà thầy ở bị bão đánh đổ sập hết rồi.
Tôi cảm ơn các em rồi đạp luôn xe ra trạm xá. Hai cụ cháu thằng cu nhà tôi đã đang ở đó. Nhà tôi mừng mừng tủi tủi vừa cho con nhỏ bú vừa kể chuyện đã thoát một đêm kinh hoàng của trời đất ra sao rồi bảo tôi:
- Anh qua phòng trực cám ơn y sỹ Bang đi. Đêm qua, bác Bang trạm trưởng đã mất 4 cục pin to để thắp sáng thay đèn dầu cùng cô hộ lý đỡ đẻ cho em đấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét