Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018


HÔM NAY LÀ NGÀY KHAI TRƯỜNG

Hôm nay học trò cả nước náo nức trong lễ khai trường.

Là một giáo viên nghỉ hưu đã hai mươi năm, không thể không nhớ tới 41 năm 7 tháng sống với nghề dạy học, không thể không bùi ngùi nhớ lại những ngày khai trường của một thời đã qua và cảm thấy có chút buồn buồn trong lòng,

Vì, ở xứ ta, từ thời mình còn là giáo viên cho đến bây giờ, vốn trọng hình thức, bệnh màu mỡ riêu cua đã ngấm vào máu, thì ngày khai trường cứ như sân khấu kịch toàn quốc, cờ đèn kèn trống, bóng bay quá mức. Rồi nện trống thật lực cùng diễn văn, phát biểu cảm tưởng, huấn thị của lãnh đạo ồn ào điếc tai.  

Sáng nay cũng vậy, vừa mở báo ra đã thấy các báo giật tít lớn: Chủ tịch nước dự khai giảng trường Chu Văn An, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Lễ khai giảng năm học mới và đánh trống khai trường tại Trường THCS Lê Ngọc Hân (thành phố Mỹ Tho), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự lễ khai giảng năm học mới 2017 – 2018 tại Trường Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh và phát động tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Thanh Xuân.


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai giảng năm học mới

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh


Rất nhớ về ngày khai trường nhưng chán không thèm đọc báo nữa mà hỏi bác Gúc xem ngày khai trường ở các nước khác ra sao:  

Học sinh lớp 1 ở Đức trong ngày khai trường

Ngày khai giảng của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 1.
Mỹ không tổ chức lễ khai giảng cho học sinh

Rồi lặng lẽ đọc lại 2 buổi khai trường thật giản dị, không màu mè rùm beng nhưng xúc động cực kỳ

Ngày khai trường Tại thành Torino (1), thứ hai, ngày 17

(Trích trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng của nhà văn Ý Edmond De Amicis do nhà vawnn nhà giáo Hà Mai Anh dịch)


Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào trường Baretti để ghi tên lên lớp ba. Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn thôn quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách lớn chật ních những phụ huynh vào mua sách vở, giấy, bút cặp da. Cửa trường đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được một lối vào.

Vừa bước qua cổng trường thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra thầy giáo lớp hai tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn tươi, thầy bảo tôi :
_ Enricô ơi! Thầy trò ta từ nay chia tay nhau nhỉ?

Điều ấy, tôi đã nghĩ đến, nay thầy tôi lại nhắc, khiến tôi thêm chạnh lòng. Mẹ tôi và tôi phải chen chúc mãi mới vào được trong trường. Các ông, các bà sang trọng, các bà thường dân, thợ thuyền, sĩ quan, các cụ già, những đầy tớ, ai nấy đều một tay dắt trẻ, một tay cắp gói, đứng chặt phòng trú chân và ở trên thang gác. Cảnh tượng rất là náo nhiệt.

Hôm nay, lại được trông thấy 7 phòng học ở từng dưới là nơi ròng rã ba năm trường, ngày nào tôi cũng lui tới, lòng tôi sung sướng vô cùng!
Trên thềm, các cô giáo đi lại tới tấp. Cô giáo lớp một đứng ở cửa lớp, thầy tôi liền bảo :
_ Enricô ơi! Năm nay em học trên gác. Ít ra ta lại được nhìn em qua lại !
Mẹ tôi đỡ lời:
_ Thưa cô, cháu sẽ đến thăm cô luôn.
Chúng tôi chào cô rồi đi.

Ông Hiệu trưởng, râu tóc bạc hơn năm ngoái, có vẻ bận rộn vội vàng, đang bị vây trong đám các bà, một số người thất vọng vì không còn chỗ cho con. Bạn tôi đi học đông đủ. Nhiều người coi lớn vọt lên. Ở từng dưới, việc chia lớp đã xong. Mấy trò em mới đến trường là lần thứ nhất, không chịu vào lớp, giật lùi như những con ngựa bất kham ; người ta phải dùng sức lôi vào. Có em đã ngồi vào ghế rồi lại trốn ra, có em thấy cha mẹ thì tru lên khóc.
Em trai tôi vào lớp cô Đencatri, còn tôi thì học thầy Perbôni ở trên gác.

Đúng 10 giờ thì học trò lớp tôi đều vào cả ; 54 người trong bọn, tôi nhận mãi mới thấy 15 hay 16 bạn lớp cũ. Trông thấy tôi, anh Đêrôtxi, người học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất, liền ra hiệu mừng rỡ.

So với rừng rậm và non xanh là những nơi tôi đã qua chơi mấy tuần lễ trước thì trường học coi bé nhỏ và buồn tênh !
Hết nhớ cảnh lại nhớ người. Tôi nhớ thầy cũ tôi ở lớp hai, một ông thầy khoan từ và vui vẻ, bao giờ trông thấy tôi cũng mỉm cười. Tôi rất tiếc không được thấy thầy ở đây với bộ tóc hoe đỏ rối bù.

Thầy giáo chúng tôi bây giờ, người to lớn, không có râu, tiếng nói sang sảng. Đứng trên bục cao, thầy nhìn xuống chòng chọc hết người này đến người khác hình như muốn coi thấu tâm tình chúng tôi. Thầy nghiêm quá, ít khi thấy nở một nụ cười.
Tôi nghĩ bụng : "Hôm nay mới là ngày đầu, còn mười tháng nữa mới đến nghỉ hè. Trong mười tháng ấy sẽ có biết bao nhiêu là việc làm, bao nhiêu là bài làm và bao nhiêu là sự khó nhọc đang chờ ta !" , nên lúc ra về tôi có vẻ chán nản. Mẹ tôi khuyên rằng :
_ Enricô ơi ! Hãy can đảm lên, con ạ !
Mẹ sẽ cùng học bài với con ...

Tôi yên tâm theo mẹ tôi về nhà, nhưng lòng vẫn nhớ tiếc một ông thầy vui tính và hiền từ, vẫn thấy trường học kém vui, không bằng năm ngoái.
--------------------------------------
(1) Tôrinô : một thành phố ở khu tây bắc nước Italia, trên sông Pô


 TÔI ĐI HỌC

(Trích đoạn của nhà văn Thanh Tịnh (12/12/1911 - 12/12/2011)


Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...