Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

CẬU ĐỔNG (4)

Từ ngày mợ mất, cậu Đổng càng thêm buồn. Năm nào vào thăm cậu cũng kêu đã mất thêm ông bạn già này, ông bạn già khác. Và rồi buồn hơn khi nhắc tới 4 đứa con trai. Cả 4 đứa đều đã lấy vợ nhưng  có mỗi thằng cả ở riêng vì gia đình bên vợ có mỗi cô con gái sống với bà mẹ vì ông bố đã mất mà gia đình họ khá giả có nhà ở có cả nhà cho thuê nên cần sự góp sức của con rể để cùng nhau trông nom công việc. Ba cậu em thì cậu thứ hai cùng vợ buôn bán thuốc lá vỉa hè đầu đường bằng chiếc xe kính; cậu thứ ba lái xe lấy cô vợ là nhân viên bán sách còn cậu thứ tư chọn Vườn hoa Tao Đàn làm nơi vừa chơi chim cảnh vừa mua đi bán lại vào các buổi sáng sơm nên đã lấy một cô gái bán chuối trên vỉa hè cho các chủ nuôi chim. Là một người Tây học và thành đạt lại rất coi trọng việc học, nay thấy đàn con trai của mình như thế cậu không thể không buồn lòng.

Cậu bảo cậu không xem ti vi, không nghe đài cũng không đọc báo chí của nhà nước và của thành phố mà chỉ đọc duy nhất tờ báo Người cao tuổi cũng chỉ để xem mục cáo phó, tin buồn xem những ai là người quen đã dời cõi tạm. Hàng ngày cậu đi ngủ từ lúc mới 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm thức dậy dắt xe đạp ra đạp quanh mấy con phố quanh nhà và bảo khi ấy đêm rồi đường mới vắng hẳn không còn lo xe cộ nữa. Đạp xe chừng một tiếng thì về lại lên giường nằm tiếp, nằm nghĩ mông lung thôi chứ không ngủ lại được rồi 4 giờ sáng dậy ra bếp phía sau nhà đun nước bằng củi cho có việc phải động chân động tay. Nước sôi chứa vào các phích cho cả nhà dùng. Ăn uống thì bữa cháo bữa cơm do cô con gái thứ tư nấu, cũng một mình một khay cơm thôi.

Nhiều mùa nghỉ hè liên tiếp, tôi vào Sài Gòn với cậu. Hai cậu cháu nhỏ to hết chuyện cũ đến chuyện mới nhưng lúc nào cũng thấy nét mặt và giọng nói của cậu đượm buồn. Chưa bao giờ tôi thấy cậu uống bia hay rượu mà chỉ dùng một phin cà phê sáng tự pha ở nhà. Duy nhất một lần, anh Kim tức Đỗ Kim Liên ở Lái thiêu lên chơi, cậu khui tủ ra một chai vang Pháp mở trong bữa cơm ba người cậu, anh Kim và tôi, chắc cậu coi anh Kim là khách và biết anh ấy thích uống rượu. 

Chỉ duy nhất một lần tôi thấy cậu rất vui. Ấy là ngày con trai tôi cưới vợ vào năm 2000. Con trai tôi vào sài Gòn kiếm sống từ năm 1992, thường qua thăm ông cậu và được ông rất quý mến. Mỗi lần cháu đến ông cậu thường bảo cô Hạnh sắp cơm cho hai ông cháu ăn y hệt như đối với bố nó. Nghe tin cháu sắp lập gia đình riêng, vợ cháu người Bắc, gia đình mới vào Sài Gòn năm 1977, ông cậu rất mừng lại vui hơn khi biết ông nội của vợ cháu là cụ Cao Duy Ích, một nhà giáo lão thành khả kính, cũng bằng tuổi ông cậu và còn khoẻ mạnh sẽ đến dự đám cưới đôi trẻ.

Tối hôm hai gia đình mở tiệc cưới ở nhà hàng, hai cụ Đào Văn Đổng và Cao Duy Ích gặp nhau lần đầu mà xem như thân thiết với nhau từ đã lâu. Cả hai cụ đều được mời  lên bục tổ chức nói đôi lời chúc mừng hạnh phúc của hai cháu. Rồi dù biết cả hai không bia rượu nhưng mừng ngày vui của hai cháu, hai cụ cũng chạm ly mời nhau một lần uống cạn nên cả hai khuôn mặt đều chếnh choáng đỏ. Gần tan tiệc, tôi phải tìm tới chỗ cô em họ là cô Nhị, con gái đầu của cậu nhắc cô cẩn trọng đưa cậu về cho được bình an.
Ấy vậy mà hôm sau tôi qua thăm và cám ơn, hỏi:
- Tối qua, cậu có bị say bia không?
Thì cậu đáp:
- Cậu đâu có say, chỉ vui quá nên chuyện nhiều với ông cụ thông gia thôi.


Cụ Đào Văn Đổng và cụ Cao Duy Ích trong ngày cưới của hai cháu

Hai năm sau, tôi vào thăm cậu. Chuyện trò xong tôi xin phép ra về chỗ vợ chồng cậu con trai cậu chỉ gật đầu đưa tay cho tôi nắm mà không bảo tôi ở lại ăn cơm như bao năm về trước. Cô Hạnh nói với tôi:

- Ba giờ ăn chút xíu cơm và thức ăn thôi. Buổi sáng cố động viên ba được lưng con cháo loãng.

Tôi hiểu, cậu không bảo tôi ở lại cùng ăn cơm với cậu nữa vì chả nhẽ cậu chỉ mút mát chút xíu rồi buông đũa ngồi nhìn thằng cháu ăn mà như thế thì nó ăn sao đặng trong cảnh ấy!

Năm 2004, sau Tết Nguyên Đán, tôi từ Hải Phòng vào Sài Gòn trông nom xây nhà mới cho con trai. Những ngày thợ nghỉ làm, tôi vẫn qua lại thăm cậu. Nhưng đúng như người xưa nói: “Tám mươi tuổi cuộc sống tính từng ngày”, tôi đã nhận thấy giọng nói của cậu nhẹ và yếu hơn trước. Cô Hạnh lại bảo:
- Dạo này ba không chịu ăn uống mấy.

Và kể, trong vòng năm qua, cậu tôi đã hai lần bị cảm, một lần bị méo miệng, mấy tháng liền ngày nào cũng phải đưa ra nhà thờ Tân Định để châm cứu miễn phí và rồi cũng may mắn trở lại bình thường.  

Ngày 14 tháng 9 năm 2004, sau khi cho thợ hoàn thiện nốt mảnh sân trước nhà, tôi sang thăm cậu và mới biết cậu bị ốm nặng nhưng không chiu nằm bệnh viện, các con phải để ở nhà mời bác sỹ riêng đến chăm sóc. 

Nhưng bác sĩ lại than vãn với tôi:

- Ông không chịu uống thuốc nên phải truyền dịch cho ông. Nhưng khi thấy bác sỹ đứng lên là ông dứt hết dây truyền và ống tiêm ra.

Cô Nhị, con gái cả nói:
- Các con cắt cử ngồi bên cạnh trông nom ba thì ba cũng làm như thế nên bác sỹ cũng có phần nản.

Tôi  kéo ghế ngồi sát bên giường cậu, cầm tay cậu và nói:
- Cháu sang thăm cậu đây.
Cậu khẽ mở mắt ra nhìn tôi rồi gật gật đầu nhưng không nói gì. Tôi hỏi gì cậu cũng chỉ khẽ gật hay lắc đầu như thế.

Tôi bỗng nhớ ra trước mấy tháng u tôi dời cõi tạm, nằm trên giường thi thoảng lại nói:
- Cho tôi ra cổng với. Bà Cư, bà Phương đang đợi tôi ở ngoài cổng đấy.
Bà Cư và bà Phượng là hai bà cùng trang tuổi với u tôi đều đã chết cách đây cả hai chục năm.
Tôi khẽ hỏi cậu:
- Cậu có thấy ai về gọi cậu đi chơi không?
Cậu khẽ lắc đầu. Tôi lại hỏi:
- Như mợ hay ông ngoại hoặc các cụ bạn thân cũ của cậu?
Cậu vẫn chỉ khẽ lắc đầu.

Sáng hôm sau, 16/9, tôi nhận được tin cậu đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi sang thì mấy em con cậu nói:
- Một hai năm nay ba thường nói ba chán sống rồi nên nhân dịp ốm này ba không chịu ăn uống thuốc men và bất hợp tác với bác sỹ không chịu uống thuốc, không cho truyền dịch. Chả hiểu sao ba lại cố tình đi nhanh đến cái chết như vậy?

Khi tôi viết những dòng này về cậu Đổng thì mưa đang giăng xám đất trời. Nhớ về những năm tháng được cậu nuôi dạy, nhớ lại ngày cuối đời của cậu, may sao lại từ Bắc vào Nam, được ngồi bên giường bệnh cậu nằm, cầm tay cậu, hỏi chuyện cậu và nhìn thấy những cái gật đầu hay lắc đầu của cậu thay cho câu trả lời…

Rồi hai ngày sau, theo xe tang đưa cậu đến trung tâm hoả táng Bình Hưng Hoà, mắt lệ nhìn chiếc quan tài của cậu trôi vào lò thiêu Hoàn Vũ số 7…

 Chiều tối nay, chuông nhà thờ Giáo xứ Phanxicô Đa Kao sẽ nguyện hồn cho những người đã về Nước Chúa ngày 16 tháng 9, trong đó có cụ Giuse Đào Văn Đổng, người cậu của tôi, người một đời chỉ muốn cho con cháu và mọi người thân thuộc họ hàng được no ấm được học hành nhưng thế sự cùng số phận đã đem đến cho cậu nhiều buồn tủi cuối đời.

Gửi theo tiếng chuông nguyện hồn của nhà thờ, cháu cầu mong cậu Đổng kính yêu của cháu được mọi ơn lành hồn xác ở trên Nước Chúa đầy ánh sáng hoan lạc và bình an.


  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...