Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019


MẢ QUAN  NĂM HAY ÔNG NĂM

[​IMG]

Hồi trường làng Dịch Vọng mượn tạm ngôi đình thôn Tiền làm lớp học, Bọn trẻ chúng tôi ở xóm Thọ thôn Trung thường rủ nhau đi tắt qua xóm Hà ra tới mả Quan Năm thì băng qua đường cái quan sang bên thôn Tiền. Tan học, chúng tôi cũng theo lối ấy về nhà và không còn sợ muộn giờ học nữa, chúng tôi thường bảo nhau lê la chơi quanh ngôi mộ ông Năm, khi thì đuổi bắt nhau quanh mộ, khi thì ngồi vào những bậc đá ở chân tấm bia kể chuyện trên trời dưới bể cho nhau nghe.

Quan Năm hay ông Năm đây chính là Henri Laurent Rivière (12 tháng 7 năm 1827 - 19 tháng 5năm 1883) là một sĩ quan hải quân và một nhà văn người Pháp.
Rivière sinh tại Paris. Tháng 10 năm 1842 Rivière học trường École Navale (học viện hải quân Pháp).
Henri Rivière là một nhà báo cho La Liberté cũng như viết bài cho Revue des deux mondes.
Trong quá trình xâm chiếm Bắc Kỳ, quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của đại tá hải quân (capitaine de vaisseau) Henri Rivière đã chiếm đóng Hà Nội vào ngày 25 tháng 4 năm 1882. Ngày 27 tháng 3 năm 1883, quân đội do Rivière chỉ huy đã chiếm đóng Nam Định. Vào tháng 5 năm 1883, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và Hoàng Tá Viêm đã bao vây Hà Nội. Rivière đã hai lần tìm cách đánh ra vào ngày 16 và ngày 19, kết quả là bị quân Cờ Đen giết chết. Nơi Rivière tử trận nằm trên đất làng Dịch Vọng Trung (thôn Trung) nay là đường Cầu Giấy thuộc phường Dịch Vọng quận Cầu Giấy Hà Nội. 

Henri Rivière by Adam-Salomon, c1859.jpg

Lịch sử ghi lại chiến tích của Henri Rivière như sau:

Tháng bảy 1881, Quốc hội Pháp bỏ phiếu tăng ngân quỹ chiến tranh, tháng 3-1882 cho phép viên toàn quyền miền nam gởi quân ra bắc.

Chỉ huy một toán 700 quân binh trên bốn pháo hạm nhỏ, Đại úy hải quân Henri Rivière đánh chiếm Hà Nội ngày 25-4-1882 sau khi tối hậu thư đòi giải binh không được thi hành. Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) Hoàng Diệu (1828-1882) đốc quân chống giữ anh dũng nhưng chỉ cầm cự được hai tiếng đồng hồ, trong tình thế tuyệt vọng ông ra lệnh tướng sĩ giải tán để tránh thương vong. Còn lại một mình, ông chạy lên hành cung, cắn ngón tay lấy máu thảo tờ di biểu tạ tội dâng vua, lậy vọng về Triều rồi ra trước võ miếu theo gương Nguyễn Tri Phương dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử.

Ngày 19-5-1883, để chặn đường quân Cờ Đen; ông tổ chức một cuộc hành quân tiến vào phủ Hoài Đức, gồm có sáu đại đội thủy bộ binh 500 người, chia làm ba nhóm. Nhờ trọng pháo yểm trợ, nhóm của Henri Rivière và thiếu úy thủy quân de Marolles thành công tiến vào được ngôi chợ gần Cầu Giấy. Nhóm của tiểu đội trưởng Berthe de Villiers và đại úy hải quân Puech đi thẳng vào chiếm cầu rồi kiểm soát các làng Tiên Đồng, Yên Khê bên trái Cầu Giấy là nơi có nhiều lũy tre dày đặc, quân Cờ Đen đã mai phục sẵn bắn vào. Quân Cờ Đen ở làng Trung Tường bị nhóm của trung úy Pelletier de Ravinières đánh phải rút lui, quay qua tăng cường nhóm ở Yên Khê, chặn đường rút lui của quân Pháp. 

Black Flag ambush.jpg
Quân Cờ Đen phục kích


Bị phục kích, quân Pháp rối loạn bị bắn chết rất nhiều, Berthe de Villiers (1844-1883) bị thương nặng, mấy ngày sau thì chết. Henri Rivière và de Marolles liền rút quân về Cầu Giấy hỗ trợ.

Rủi thay, vào lúc ấy một khẩu pháo rơi vào tay quân Cờ Đen sau khi toàn bộ nhóm pháo thủ bị hạ sát, Henri Rivière dẫn một toán quân nhảy ra để chiếm lại. Trong khi cùng một sĩ quan hì hục di chuyển khẩu pháo để đặt vào một địa thế thuận lợi thì bị một phát đạn trúng ngay giữa trán, quỵ xuống chết ngay. Quân Cờ Đen dành nhau cắt đầu đem đi. Rất có thể giá trị mỗi cái đầu khi lãnh thưởng tỷ lệ với chức vị người chết.

Quân Pháp rút lui, đem theo những người bị thương; trong số ấy có phó đô đốc de Marolles, sĩ quan tùy tùng Clerc, và những xác trung úy Jacquin, thiếu úy Hérald Brisis, chuẩn úy Moulun...

Trong trận Cầu Giấy hôm 19-5-1883, Pháp bị thiệt hại nhiều: khoảng 50 người chết, 70 bị thương. Thi hài Henri Rivière trước được chôn ở Hà Nội, sau đưa về nghĩa trang Montmartre ở Paris. Tượng bán thân bằng đồng đặt trên mộ nay được tháo đem lưu trữ trong kho bảo quản di tích.

[​IMG]

Trong số các bưu ảnh gửi từ Bắc Kỳ về Pháp, người ta thấy có một tấm in hình ảnh ngôi mộ của Henri Rivière ở cửa ô Cầu Giấy.

Nhiều người Hà Nội cũng cho biết, mộ Henri Rivière nằm ở gần số nhà 155 Cầu Giấy. Điều đáng tiếc là khu vực mộ từ rất lâu đã bị các nhà dân lấn chiếm không thương tiếc, hiện chỉ còn tấm bia đá cũ kỹ.
Điều này mới chỉ đúng một nửa

Sách lịch sử chép rành mạch rằng:

"Quân Cờ Đen cắt đầu Rivière bêu lên cọc, còn xác thì đem chôn ở dưới đường, cho mọi người qua lại dẫm lên. Sau này, tháng 9-1883, Giám mục Pugnier mới thu thập được hài cốt Rivière để đưa về Pháp chôn cất tại Nghĩa trang Montmartre ở Paris".

Như vậy, tấm bia mộ của “Ngài” tại cửa ô Cầu Giấy chỉ là di tích của việc chôn cất trong vòng ít tháng.

Thời thuộc Pháp thường gọi Đại tá hoặc Trung tá Quân đội Pháp một cách nôm na là quan năm, vì quân hàm đều có 5 vạch (còn gọi là lon, gốc từ chữ galon trong tiếng Pháp). Quan năm đại tá có năm vạch cùng màu nên còn được gọi là quan năm lon vàng, còn quan năm trung tá có 2 vạch khác màu nên còn gọi là quan năm khoanh trắng.

Henri Rivière là đại tá gọi là quan Năm thì đúng rồi. Nhưng có một điều đáng suy ngẫm là dân làng tôi và dân quanh vùng đều gọi mộ Henri Rivière là mộ Quan Năm hay mộ Ông Năm. Không có ai gọi là thằng Năm cả.

Ấy vậy mà sau 1954, mọi người lại nhất tề gọi Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà , ông Ngô Đình Diệm là thằng Diệm. Ngay nhà thơ Tú Mỡ, một người Tây học, hồi Pháp làm ở sở Phi năng (financier), tức sở Tài chính, trong một số bài thơ Nụ cười chính nghĩa cũng gọi ông Ngô là thằng và còn nói lái tên Ngô Dình Diệm thành Diêm Đình Ngộ. Sau này ông Nguyễn Văn Thiệu cũng bị dân miền Bắc gọi là thằng Thiệu và hầu hết các Tổng thống Mỹ cũng đều bị dân Bắc ta gọi là thằng tuốt. Một cậu bé được gọi là thần đồng thơ còn viết:

Ngu xuẩn nhất nhì
Là tổng thống Mỹ!

Viết đến đây chơt nhớ lại khi Tổng thống Lincoln bị gọi là ‘thằng đóng giày’, có người khuyên ông hãy trả đũa nhưng ông đã đáp lại:

 Khi tất cả chúng ta trở thành bằng hữu thì sẽ không còn bất cứ kẻ thù nào

Nhớ lại và Sưu tầm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...