ĐỌC PHÙ SINH LỤC KÝ
Trong số các văn nhân Trung Hoa cổ điển, Thẩm Phục còn là cái tên khá xa lạ với độc giả Việt Nam. Ông sinh năm 1763, tự Bạch Mai, hiệu Mai Dật; xuất thân trong một gia đình sĩ tộc ở đất Tô Châu. Từ nhỏ, Thẩm Phục đã thích đọc sách thánh hiền, mê thơ phú. Lớn lên, tuy có vào chốn quan trường nhưng không ôm mộng cầu tước vị, cốt để vinh thân như lựa chọn của nhiều người.
Ông chỉ khoái ngao du sơn thủy, sống đời tự do, không vướng bận hồng trần. Sinh thời, Thẩm Phục để lại khá nhiều tác phẩm cổ văn, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Phù sinh lục ký.
Một số bài viết trong tác phẩm này được coi là điển phạm về cổ văn Trung Hoa và đã được đưa vào giảng dạy cho học sinh trung học. Chúng ta hãy cùng khám phá thú tiêu dao của mặc khách đời xưa.
Trải suốt mấy kiếp người mà vẫn được hậu thế đọc một cách say sưa, đã là quá đủ để chứng minh cho giá trị của một tác phẩm văn học. Phù sinh lục kí không đồ sộ, cũng chẳng ma mị huyền ảo. Trong từng trang sách mỏng có sự uyên bác vừa đủ nhưng cũng không quá đơn điệu để trở nên nhạt nhòa. Chỉ là chuyện tâm sự vợ chồng, cắm một bình cúc, nhấp một ngụm trà cũng đã đủ níu lấy tâm trí người đọc.
Tác phẩm Phù sinh lục kí được nhà nghiên cứu Châu Hải Đường chuyển ngữ.
Vui khuê phòng là một tản văn thú vị, tình ý vừa đủ, nhưng cũng không thiếu nét uyên thâm để người ta phải ngẫm ngợi. Sự vui vầy của phu thê phải chăng chỉ ở chuyện gối chăn, chải tóc, vẽ lông mày?…
Sinh thời, Thẩm Phục lấy một người vợ họ Trần, tên Vân. Hai người rất tâm đầu ý hợp. Thẩm tiên sinh yêu quý phu nhân ở nết hiền huệ, ôn nhu. Nhưng sống lâu cùng nhau mới thấy, hóa ra bà là một người phụ nữ có cá tính.
Không giống như những cặp vợ chồng khác, chỉ biết “phu xướng, phụ tùy” Thẩm Phục và phu nhân Trần thị thoải mái tranh biện về thơ ca.
Thậm chí họ còn cùng nhau bàn luận về các vấn đề đạo đức, lễ giáo như những người bạn hữu, không có chút cách biệt. Ông thường gọi phu nhân một cách trìu mến bằng tên riêng. Họ cùng nhau vui thú tiêu dao, du sơn ngoạn thủy. Sợ hồng nhan liễu yếu, lại đã có gia đình, thường xuyên đi lại ở bên ngoài không tiện, Thẩm Phục bèn nghĩ ra cách để phu nhân “nữ cải nam trang” để cùng nhau đi thăm thú cho tiện.
Ở đời tìm được vợ hiền biết chiều ý chồng không dễ, kiếm được hồng nhan tỏ tường tâm tư của mình như thể lòng bàn tay lại càng khó hơn. Thẩm Phục chỉ cần gặp được Trần thị là có cả hai thứ ấy, thật là may mắn lắm thay!
Phải chăng ông trời cũng ghen tỵ với đôi phu thê thần tiên ấy. Lương duyên của họ rất ngắn ngủi. Trần thị ra đi vì bạo bệnh, để lại Thẩm Phục trong cảnh cô đơn. Nhớ thương người vợ hiền thảo, văn nhân đã viết nên bài Sầu trắc trở với muôn ngàn nhớ thương. Còn gì đau xót hơn việc cảnh tượng vẫn còn nguyên vẻ an tĩnh mà người đã không còn, lòng như nổi sóng, không biết lấy gì xoa dịu…
Đời người có lúc bận bịu, khi nhàn rỗi, âu đó cũng là quy luật thường tình. Cứ mặc nhiên để những ngày tĩnh tại trôi qua mà không biết tìm thú vui thì quả thật là đáng buồn. Hãy cùng đọc Thú nhàn tình để biết danh sĩ đất Tô Châu làm gì để giải buồn.
Sinh thời Thẩm Phục rất thích hoa cúc, nhưng vì nhà không có vườn rộng nên chẳng thể trồng ngàn vạn đóa hoa vàng để thưởng lãm. Ông đành cắm cúc vào những bình gốm, đặt trên bàn mà ngắm vậy. Cắm hoa là thứ nghệ thuật, không thể vì yêu thích mà tùy ý khiến cho những tạo vật đẹp đẽ của đất trời trong chớp mắt thành thứ bỏ đi.
Phù sinh lục kí là những bài ký giàu chất thơ, trong những lời văn uyển chuyển đầy tình ý, ta nghe nhịp nhàng như có phách nhạc phụ họa. Thẩm Phục đã ghi chép lại những chuyện đời thường một cách đầy say mê, hào sảng nhưng cũng không kém phần nho nhã. Cái khi chất uyên thâm của một nhà nho có cốt cách thanh cao khoáng đạt được thể hiện rõ trong tác phẩm.
Đọc Phù sinh lục kí, độc giả sẽ bắt gặp nhiều điển tích, điển cố cổ của văn học Trung Hoa. Nó vừa thể hiện vốn kiến thức uyên thâm của tác giả, vừa thể hiện được sự uyên bác cùng tình cảm trân quý với những giá trị tinh hoa từ ngàn đời của tác giả.
Các bài viết trong Phù sinh lục ký không chỉ là những ghi chép đơn thuần khi thưởng nhàn của một nho sĩ. Nó còn thể hiện nhiều tư tưởng tiến bộ của Thẩm Phục trong cái nhận thức chung của xã hội đương thời như: việc bình đẳng nam nữ và sự trân trọng đối với người phụ nữ.
Tô Châu, Trung Sơn và nhiều thắng cảnh khác được Thẩm Phục nhắc đến trên đường du sơn ngoạn thủy.
Trước đây, có một số phần của Phù sinh lục kí đã được dịch ra tiếng Việt. Nhưng đến nay tác phẩm này mới được xuất bản hoàn chỉnh và đầy đủ ở Việt Nam. Chuyển ngữ một tác phẩm văn học cổ điển vừa giàu chất thơ và tính nhạc, lại nhiều điển tích, điển cố như Phù sinh lục kí sao cho vẹn toàn về ngữ nghĩa mà âm ý vẫn hài hòa là một cố gắng không nhỏ của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường.
Trải qua mấy trăm năm, Phù sinh lục ký vẫn còn giữ nguyên giá trị, đây là một điều mà rất ít tác phẩm cổ văn làm được. Phải chăng, cuộc sống hiện đại với bao nhiêu bộn bề khiến người ta càng mong muốn tìm được sự tĩnh tại trông tâm hồn. Chắc nhiều người vẫn chưa nhận ra rằng: vui sống chính là an nhiên.
Thuỵ Oanh (Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét