Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

HOA TẾT - Tùy bút Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Đặng Xuân XuyếnLeave a Comment




HOA TẾT
*
(Tác giả Nguyễn Bàng)
Còn hơn mười ngày nữa mới đến Tết, vậy mà ngồi trong nhà nhìn ra ngoài ngõ đã thấy bà con dân phố nườm nượp đi chợ Xuân mua hoa Tết. Mỗi nhà mỗi thích, mai, đào quất, phong lan, cây thế có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu bạc và cả kỳ hoa dị cảnh hàng trăm triệu. Nhìn cảnh đó bỗng dưng nhớ tới hai ông bạn thân ở ngoài Bắc.
Người thứ nhất là ông bạn học từ thuở thiếu thời đang sống ở Hà Nội. Tết năm nào, ông ta cũng chỉ chơi hoa giấy với câu nói thành thơ ngồ ngộ:
Người ta đi sắm hoa đào
Nhà ta hoa giấy cắm vào là xong.
Hồi còn trẻ, lần đầu tiên đến chúc Tết vợ chồng ông, thấy thế hỏi thì được bạn trả lời:
- Tôi may mắn lấy được người vợ giỏi nữ công gia chánh và đặc biệt là rất khéo tay làm các loại hoa bằng giấy, không mấy tốn kém mà có vẻ đẹp không khác gì hoa thật. Nhà tôi chế tác nhiều mẫu hoa, mô phỏng các loài hoa tự nhiên từ  các loài hoa mang những cái tên dân giã như hoa bìm bìm (hoa loa kèn), hoa dừa cạn, hoa  mơ, hoa mận… đến các loài hoa có những cái tên rất đẹp như hoa mẫu đơn, hoa tường vi, hoa quỳnh…  rồi cắt tỉ mỉ từng cánh, uốn cánh và kết từng cánh bằng chỉ may quần áo và "thổi hồn" cho những bông hoa giấy ấy đẹp lung linh như hoa thật. Thế thì sao tôi lại đi mua hoa thật về, vừa tốn kém vừa phụ hai bàn tay xinh đẹp tài hoa của người bạn đời của mình. Rất sướng là tôi thích hoa gì thì nhà tôi làm chohoa đó. Lại còn thêm cái sướng nữa là mỗi khi vợ tôi làm hoa giấy đón Tết, tôi thường ngồi bên cạnh, chờ được sai vặt lấy hộ tờ giấy này, con dao kia hay se chỉ luồn kim giúp, sướng như hồi bé con được mẹ sai vặt ấy.
Nghe bạn hồ hởi khoe, tôi vừa uống trà vừa ngắm nghía cành hoa đào bằng giấy cắm trong một chiếc bình gốm trắng như ngọc với những hoạ tiết trang trí rất đặc trưng Việt Nam như cụm hoa sen, cá chép bơi lội và những bông thạch thảo tim tím nhẹ nhàng. Dưới ánh sáng của căn phòng pha màu vàng dịu của ánh điện với màu hồng nhẹ của buổi sáng mùa Xuân, tôi có cảm giác cành hoa đào bằng giấy ấy đẹp lung linh hơn cả cành đào thật.
Vậy mà, lời giải thích của bạn tôi tuy rất chân thật nhưng không tránh khỏi điều tiếng nói ra nói vào của một số người quen biết, kẻ cho là vợ chồng anh gàn bát sách, người cho rằng là đồ keo kiệt…
Người thứ hai là ông bạn đồng nghiệp khi tôi xuống Hải Phòng kiếm sống. Năm nào, gần tới Tết, ông ta cũng phải tranh thủ về Hà Nội. Nói là để thăm lại nơi chôn rau cát rốn của mình ở ngôi làng ven đô xưa, nhưng đó chỉ là việc phụ mà việc chính là tìm mua bằng được một cành đào Nhật Tân đang nụ đem xuống Hải Phòng ăn Tết. Thời ấy tàu xe đi lại cực nhọc lắm, chủ yếu là đi bằng xe lửa, bỏ công xếp hàng mua vé cũng mất cả buổi rồi phải mất thêm gần trọn một ngày tàu chạy như bò trên con đường sắt dài mới về tới nhà. Tàu giáp Tết thường chật cứng người phải chen chân nhau đứng, mùa đông mà vẫn vã mồ hôi hột, đôi chân tê mỏi mà cái tay cầm cành đào vẫn phải giơ cao lên quá đầu giữ cho nó không bị va chạm để khỏi nát cành rụng nụ.
Nghe ông nói thế, tôi hỏi:
- Sao ông phải vất vả kỳ công như thế để có được một cành đào chơi Tết? Chợ hoa Hải Phòng người ta cũng bán đào Nhật Tân mà!
Ông bạn cười rất vui không trả lời mà hỏi lại tôi:
- Ông đã đọc vở chèo Quang Trung của Trúc Đường, anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính chưa? Tác giả Trúc Đường chuyên viết kịch bản về đề tài lịch sử cho thể loại chèo tuồng, và trong vở diễn “Quang Trung” do ông sáng tác có chi tiết cành đào. Chuyện là thế này, vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, 1789, đại quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh thắng quân Mãn Thanh và tiến vào Thăng Long. Năm ấy, hoa đào Thăng Long nở rộ, Nguyễn Huệ thấy vậy bèn chọn cành đào Nhật Tân đang nụ, sai người mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân hoàng hậu. Cành đào được buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng. Phu dịch các trạm thay nhau hỏa tốc đưa cành đào vào Nam, chỉ hai ngày sau; ngày mùng 7 tháng Giêng là đã đến tay người nhận. Nhân vật Nguyễn Huệ của Trúc Đường phải là người vừa kiêu hùng vừa lãng mạn lắm, nên mới nảy ra được cái ý dùng cành đào Thăng Long làm tin báo tiệp gửi vào Phú Xuân như thế, ông nhỉ?
Tôi hỏi:
- Ông có tin cành đào Nguyễn Huệ là câu chuyện có thật?
Ông bạn đáp:
- Tra lục lại tất cả tài liệu nói về trận đánh này, tôi không thấy ghi chép gì về câu chuyện cành đào nói trên. Nhưng không biết từ khi nào chi tiết câu chuyện cành đào này được thừa nhận gần như chính thức. Nó đã được đưa vào lễ hội Đống Đa hàng năm ở thủ đô. Trong quá khứ và kể cả hiện tại, nội dung này được nhiều văn nghệ sĩ khai thác; từ đó câu chuyện được nhìn nhận như là một chi tiết của lịch sử!
Tôi chẳng vua chúa hay vương tước gì. Tôi cũng không biết chuyện cành đào Nguyễn Huệ trong vở chèo của Trúc Đường là thật hay là hư cấu và sự nhìn nhận của nhiều người hôm nay là sự thật lịch sử hay chỉ là giai thoại. Nhưng tôi là dân quê ven đô. Vợ tôi thì dân gốc phố cổ Hà Nội. Nay vì cuộc sống, chúng tôi phải lưu lạc xuống đất Cảng nhưng cũng chỉ cách Hà Nội có hơn trăm cây số. Thế thì sao không tranh thủ về thăm quê rồi đem một cành đào Nhật Tân xuống ăn Tết vừa ấm lòng cái Tết tha hương của cả hai vợ chồng, vừa được vợ khen tôi yêu nàng không kém gì vua Quang Trung yêu công chúa Ngọc Hân?
Tôi nửa đùa nửa thật khen:
- Tôi thật ngưỡng mộ lòng yêu quê nhà và hoa đào Nhật Tân của ông và cũng xin bái phục cái tài nịnh vợ của ông, đấy!
Ông bạn tôi cười ròn tan sung sướng:
- Thì ông đã biết, nịnh vợ có hại gì đâu mà chỉ có tốt mà thôi. Cụ Tú non Côi ngày xưa cũng nịnh vợ nổi tiếng đấy:
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.
Hai ông bạn thân ấy của tôi, ông thứ nhất tôi gọi vui là ông Hoa Giấy, còn ông thứ hai là ông Đào Nhật Tân. Nhưng thật tội nghiệp hai ông. Tính tới Tết năm nay thì ông Đào Nhật Tân ra người thiên cổ đã ba năm rồi còn ông Hoa Giấy vẫn đang sống ở Hà Nội nhưng bà vợ ông cũng đã về cỗi Vĩnh Hằng từ 5 năm về trước. Tôi ở trong Nam, vẫn thường điện thoại hỏi thăm ông Hoa Giấy và bà vợ ông Đào Nhật Tân, đặc biệt là mỗi khi Tết đến Xuân về.
Ông Hoa Giấy cho tôi biết, từ ngày vợ ông chết, không còn ai làm hoa giấy cho ông đón Tết nữa. Nhưng may mắn là ông đã cất giữ được mấy cành hoa đẹp cũ nên ông vẫn có hoa đẹp bày phòng khách hàng ngày và có hoa chơi Tết. Ông nói: “Ngắm những cành hoa ấy, tôi có cảm giác nhà tôi chưa đi xa mà vẫn đang ở bên tôi với khuôn mặt thảo hiền xinh đẹp và hai bàn tay tài hoa khéo léo một đời”. Ông lại bảo, ông đã dặn các con ông, khi nào ông chết hãy cho vào áo quan ông nằm những cành hoa ấy để sang Thế giới bên kia gặp bà, bà sẽ thấy được tấm lòng đá vàng thủy chung của ông với bà.
Bà vợ ông Đào Nhật Tân thì vừa sụt sịt vừa kể lể, ông nhà tôi tuy đã mất nhưng Tết năm nào tôi cũng vẫn có cành đào Nhật Tân đón Xuân ông ạ. Ấy là do thằng cả nhà tôi biết chuyện bố nó và cành đào Nhật Tân nên năm nào gần Tết nó cũng về Hà Nội, thăm quê bố quê mẹ rồi mua một cành đào Nhật Tân đang nụ mang về Hải Phòng, bảo để đón hương hồn bố nó về cùng ăn Tết với cả nhà. Có lần tôi nói, con bận làm ăn, theo lệ của bố con như thế làm gì cho khổ thân thì nó bảo, bây giờ tàu xe đi lại nhanh chóng thuận lợi lắm chứ đâu khổ như thời bố còn trẻ, mẹ không phải lo gì mẹ ạ!
Nhân nói chuyện hoa Tết của hai ông bạn, tôi cũng xin nói thêm về chuyện hoa Tết của tôi.
Năm tôi lập gia đình với một cô gái người Hải Phòng. Gần tới Tết, tôi kể chuyện ông Hoa Giấy và ông Đào Nhật Tân cho nhà tôi nghe. nàng mim cười nói:
- Anh cũng dân Hà Nội như hai ông bạn nhưng lấy phải người vợ như em không biết làm hoa giấy và cũng không thích đào Nhật Tân chơi Tết. Khổ thân anh nhỉ?
Tôi biết đó chỉ là một lời trêu đùa nên bảo vợ:
- Ngày mai, chợ Hoa Xuân ở trung tâm thành phố bắt đầu mở cửa rồi em ạ. Mình cùng nhau dạo chơi chợ hoa rồi sắm hoa Tết luôn thể. Chúng mình sẽ chọn mua  mấy chậu tường vi đem về bày Tết nhé?
Tôi tưởng nhà tôi sẽ vui vẻ nhận lời ngay nhưng không, nàng bảo:   
- Em không khéo tay như vợ ông Hoa Giấy. Em cũng không đòi hỏi anh phải lên Hà nội mua đào Nhật Tân về vì em sao dám sánh với công chúa Ngọc Hân xinh đẹp của vua Quang Trung. Nhưng thật may, vợ chồng mình có căn nhà tuy chỉ là nhà cấp 4 nhưng có một mảnh vườn nho nhỏ. Và anh xem kìa, trong vườn nhà mình ngoài mấy luống rau xanh còn có hàng chục loại hoa, ngày nào vợ chồng mình cũng sớm chiều tưới tắm cho chúng và chúng cũng không phụ lòng mình, bảo nhau phô sắc cho mình xem ngắm chúng hàng ngày lại còn tỏa hương thơm tự nhiên của chúng quanh nhà cho mình thưởng thức nữa. Thế thì hà cớ gì, ngày Tết mình lại bỏ quên chúng mà đi mua hoa người khác trồng đem về nhà thưởng lãm?!
Mà sao anh lại bảo mua mấy chậu Tường vi về chơi Tết nhỉ?
- Thì anh nhớ hồi mới yêu nhau, em bảo em rất thích hoa Tường vi nhưng trong vườn nhà ta không có Tường vi mà chỉ có mấy khóm Hải đường, Mẫu đơn, Hồng và nhiều nhất là hoa Cúc nên anh mới nói thế.
Nhà tôi cười bẽn lẽn:
- Hồi còn con gái em yêu Tường vi vì Tường vi tượng trưng cho sự trong trắng, trinh nguyên. Nay, sự trinh nguyên trong trắng ấy em đã trao hết cho anh rồi. Vườn nhà mình không có Tường vi nhưng anh không thấy toàn hoa đẹp và đầy ý nghĩa đấy thôi mà như anh nói nhiều nhất là hoa Cúc, loài hoa tượng trưng cho tình yêu bền bỉ, thắm thiết lâu dài, được nhiều người yêu quý bởi đây là loài hoa "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa”, lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân. Anh không muốn được sống với người mình yêu đến đầu bạc răng long hay sao?
Tôi không ngờ nhà tôi lại có ý nghĩ giản đơn mà đẹp như thế. Tôi cám ơn nàng rồi chi rủ nàng đi chơi chợ Hoa Tết hôm ấy thôi.
Khi nghỉ hưu, vợ chồng tôi chuyển vào Nam sống. Vét voi đủ mọi thứ tiền bán nhà ở Hải Phòng và tích cóp cả một đời, chúng tôi cũng chỉ đủ tiền mua một căn nhà nhỏ trong hẻm nên khi bàn tính chuyện chỗ ở, nhà tôi bảo, ăn hết nhiều ở hết mấy, mình cố mua bằng được một căn nhà dẫu có nhỏ bé nhưng phải có vài ba thước đất để làm vườn. Chúng mình sẽ lại trồng hoa để có hoa thưởng lãm quanh năm, mình nhé!
Bởi vậy, hôm nay tôi vẫn bình chân ngồi trong nhà nhìn ra ngoài ngõ xem thiên hạ đua nhau vui sắm hoa Tết. Ngày mai tôi sẽ gọi điện hỏi thăm và chúc Tết tới ông bạn Hoa Giấy ở Hà Nội và bà vợ ông bạn Đào Nhật Tân ở Hải Phòng. Xong, tôi sẽ lại rủ nhà tôi, hai vợ chồng già dắt tay nhau dạo chơi chợ Hoa Xuân ngoài đường phố.

Mời thư giãn với nhạc phẩm LẮNG NGHE MÙA XUÂN VỀ
của Dương Thụ, qua tiếng hát Bằng Kiều và Hồng Nhung:
             


*

Sài Gòn, 18 tháng Chạp năm Mậu Tuất
NGUYỄN BÀNG                                                
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...