NGÀY NÀY NĂM XƯA:
22-1-1995: Ngày mất nhà văn Phùng Quán. Ông sinh ra tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế. Tác phẩm của ông: Vượt Côn Đảo (tiểu thuyết), Tuổi thơ dữ dội (tiểu thuyết 3 tập) - đạt giải thưởng hàng nǎm của Hội nhà vǎn - đã dựng thành phim Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo
Người đàn bà đau khổ và hạnh phúc bên Phùng Quán
Chuyện tình của nhà văn Phùng Quán với cô giáo Bội Trâm còn hơn một cuốn tiểu thuyết bởi đó là một mối tình đầy sóng gió và bi kịch.
Sinh thời, chị Bội Trâm kể: "Anh Quán từ một anh Vệ quốc đoàn từ Bình Trị Thiên ra Bắc, thành một anh lính văn nghệ lang thang giữa Hà thành không thân thuộc. Quán chơi với em trai tôi là nghệ sĩ Vũ Hướng. Hướng đưa Quán về nhà tôi giới thiệu với bố mẹ tôi. Một cô gái Hà thành, gặp anh lính trẻ xứ Huế, trong tôi hình như dấy lên tình thương mến. Một hôm Phùng Quán bảo em tôi: “Tớ yêu chị cậu mất rồi!”.
Người con đất Thừa Thiên ấy mười bốn tuổi rời lưng trâu đã phải xa mẹ làm anh lính vệ quốc trong Trung đoàn Trần Cao Vân chiến đấu khắp chiến trường Trị Thiên… Mười bảy tuổi viết những vần thơ yêu nước nồng nàn: “Đất ơi, con nguyện yêu người với tất cả máu xương/Với tất cả cuộc đời con mười bảy tuổi”… 22 tuổi viết Vượt Côn Đảo. Nhưng thời thanh niên tươi đẹp ấy nửa chừng bị liên lụy vì vụ án văn chương…Và tình yêu của cô gái Hà Nội Vũ Bội Trâm đã níu giữ anh với cuộc đời, làm nên chân dung một nhà văn lớn – người mà cuối cùng đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật…
Phùng Quán đã yêu cô gái Hà thành ấy một tình yêu mãnh liệt khi anh viết: Khách tình yêu xưa nay ít lễ độ/ Bước vào buồng tim chẳng gõ cửa bao giờ... (Yêu em). Chị Trâm kể: “Thấy Quán ốm yếu, tôi thương anh vô cùng. Đã có lần tôi thổ lộ với mẹ: Mẹ cho con lấy anh ấy để có điều kiện chăm sóc anh. Tôi yêu anh cũng bởi anh yêu đất nước. Thơ anh cháy bỏng một tình yêu không bờ bến đối với đất nước và chế độ... Anh yêu chế độ này hơn cả bản thân mình. Không đồng cảm và yêu thương tấm lòng cao cả ấy, tôi đã không lấy anh.
Cuộc đời anh quá bi kịch. Nhưng cả trong hoàn cảnh ấy, anh không hề oán hận ai. Anh cao thượng và cao cả làm trái tim tôi rung động sâu sắc. Có thể là do tôi quá lãng mạn? Lấy anh tôi bị dằn vặt nhiều, cân nhắc mãi chuyện bên tình bên hiếu. Bố mẹ sợ tôi lấy anh sẽ khổ cả một đời, nhưng tôi đã quyết. Mẹ tôi khóc hết nước mắt có lẽ vì thương tôi và cả thương anh. Ai dám lấy một người bị cái “án” văn chương lúc ấy, lại không nhà cửa, không có công việc. Tôi bảo với mẹ: Không cho tôi lấy anh Quán thì tôi không lấy ai nữa…
Vì thương tôi, bố mẹ đồng ý mà tôi biết lòng song thân rất buồn. Tôi lấy anh không có lễ vu quy như bao bạn bè cùng trang lứa, không có lễ tơ hồng, không được làm cô dâu, không cả xe hoa, không giường cưới không chăn màn ga gối…”
Kể đến đây, chị Trâm mở tủ lấy cho tôi xem tấm bưu thiếp cũ, vật kỷ niệm của ngày cưới hai người. Tấm thiếp còn nguyên nét chữ nắn nót của Phùng Quán. Cả những lỗi chính tả của người Huế khi viết sai dấu hỏi thành dấu ngã: Kính gữi cô! Chúng em đã ra ở riêng ngày 12/1/1962. Chúng em nhờ những bông hoa này mang tin vui đến với cô, mong cô chia vui và mừng cho hạnh phúc của chúng em/ Học trò của cô: Vũ Bội Trâm, Phùng Quán.
“Đây là tấm thiệp báo hỷ chúng tôi gửi cho cô giáo tôi là bà Mai Vũ Từ dạy văn ở trường Trưng Vương. Cô đã giữ tấm thiệp này mãi đến 30 sau, bà tặng lại tôi để ghi dấu câu chuyện tình như một kỷ vật vô giá. Trên tấm thiệp còn hình đôi chim câu rất đẹp do HS Lê Huy Quang vẽ tay tặng...
Cưới mà không thể làm đám cưới vì gia đình tôi sợ ảnh hưởng vì lý lịch của anh. Cuối cùng tôi chọn cách báo hỷ sau khi mang hết trầu cau biếu họ hàng láng giềng coi như việc chạm ngõ đã xong.
Sau ngày chúng tôi có nhau, anh hình như yên ổn hơn, khôi phục niềm tin vào cuộc đời, cùng tôi đi qua những năm dài khổ hạnh. Sau này anh không ở nhà bà mẹ nuôi trên Nghi Tàm nữa mà chúng tôi phải mỗi người ở một nơi chẳng khác nào Ngưu Lang - Chức Nữ. Anh Quán thì được phân cái gác nhỏ ba mét vuông trên phố Lê Văn Hưu. Mẹ con tôi thì về ở với bên ngoại. Phải nói người đồng hành lớn nhất trên đường đời với tôi là mẹ. Không ai khổ đau và thương yêu tôi như mẹ. Tiếc là mẹ đã không còn đến ngày thấy con rể của mẹ được phục hồi danh dự, tiếng tăm... Ngày mẹ mất, anh Quán đã khắc lên tấm bia những câu thơ thể hiện tình cảm của mình với mẹ”.
Phùng Quán tự nhận mình ba mươi năm “văn lậu, cá chui, rượu chịu”. 30 năm anh viết bài in báo phải mượn tên người khác. 30 năm chuyên câu cá trộm Hồ Tây và vì nghèo quá thường xuyên mua chịu rượu…
Phùng Quán cùng vợ và hai con
Tôi hỏi vui, rằng hình như anh Phùng Quán cũng có số…đào hoa, liệu có bao nhiêu “người thứ ba”? Chị Trâm thành thật: Làm sao mà không có cô này, cô nọ cho được. Anh nghệ sĩ và tài hoa thế…Nhưng tôi luôn tin anh, chỉ là để tìm cảm hứng cho thơ…Còn các cô thì tưởng thật. Nhiều cô trẻ đẹp. Cả khi anh đã “râu tóc” rồi mà vẫn có những bóng hồng xuất hiện. Anh thường bảo rằng: “Yêu thế nào được. Tôi đã vợ con, còn các cô chưa chồng…”.
- Chị có biết có khi nào anh xiêu lòng trước phụ nữ? – tôi hỏi
- “Ai biết ma ăn cỗ”, nhưng tôi tin anh. Anh không thể đánh đổi được. Anh bảo mỗi ngươì đều có tình yêu và lý tưởng để tôn thờ. Anh viết tặng tôi bài thơ có tên Kinh cầu nguyện buổi sáng. Mỗi ngày anh đều nguyện như vậy:
“Tôi sẽ đi với em
Cho đến mút chót con đường
...Ngày lấy em tôi đã có lời nguyền
Nếu tôi bỏ em lại bơ vơ dọc đường
Tôi sẽ bị trời tru đất diệt
Em là cây Thập tự của đời tôi
Tôi phải mang vác cho tới ngày chung cuộc...”
Anh bảo đây là bài thơ tình hay nhất của anh, nhưng tôi không thích cái câu anh viết rằng anh “phải mang, vác” . Nghe có vẻ... nghĩa vụ quá”.
Chị Trâm dừng câu chuyện. Vâng, có thể Phùng Quán là như vậy. Với tôi, tôi nghĩ may bên ông có một người con gái Hà Nội là tri âm tri kỷ, nên ông đã sống, đã viết cả khi ngã lòng Vịn câu thơ mà đứng dậy... Nhưng trong trái tim lãng mạn nhiệt thành ấy vẫn có những khoảng rung động thật. Có mối tình đơn phương với người thiếu phụ Huế đẹp như mơ. Ông viết hẳn một Trăng Hoàng cung, cuốn tiểu thuyết bằng thơ để tặng người đẹp bên sông Hương núi Ngự.
Về những mối tình đi qua đời Phùng Quán, chị Bội Trâm cười vui bảo: Thi sĩ như anh ấy, đôi khi cũng... “vui đâu chầu đấy”. Tôi tin anh cũng như tin vào tình yêu của anh”. Quả thật, với chị, trong bài Yêu em, Phùng Quán đã viết:
Người yêu tôi không có gì đẹp cả
Người yêu tôi đi không có ai nhìn theo ngơ ngẩn bồi hồi
Nhưng tôi yêu người yêu tôi như người lính yêu cây gươm bằng thép
Như người cộng sản yêu ngọn cờ đỏ tươi
Như bông hoa yêu ánh mặt trời
...
Tôi yêu em vì một lý do giản dị vô cùng
Không yêu em tôi không sống được.
Phùng Quán đã sống tận cùng đã yêu đến tận cùng máu thịt. Một tình yêu trước sau dành cho đất nước, một tình yêu người vợ hiền tần tảo cùng anh đi suốt cuộc đời… Bây giờ thì chị Trâm không còn. Lấy ai đọc thơ anh, kể chuyện đời anh suốt tháng suốt năm? Chị Trâm ơi!
Tân Linh
(Thể Thao Văn Hoá)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét