Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018


 GÓP PHẦN DỰNG TIỂU SỬ 
NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH (1940 – 2018)
                                                                                Hoàng Đằng

Trang NLC đã đăng bài Đồng Tưởng Niệm Ba Tài Danh khi nghe tin nhà thơ Phạm Văn Bình tạ thế. Hôm nay nhà thơ Phú Đoàn chủ bút trang Văn Nghệ Quảng Trị gửi cho bài viết của nhà giáo Hoàng Đằng. Xin đăng tiếp để hiểu thêm về nhà thơ Phạm Văn Bình.


                                                                 Tác giả Hoàng Đằng

Nhà thơ Phạm Văn Bình - người quê tôi – đã qua đời ngày 22/7/2018. Đông Hà – quê tôi – có nhiều người làm thơ. Mà không riêng gì quê tôi, trên cả nước Việt Nam, nơi nào cũng vậy; Việt Nam là “cường quốc thơ” mà!
Tôi không có may mắn và điều kiện đọc nhiều, nên không biết trong số người làm thơ ở quê tôi những ai có tác phẩm hay; chỉ biết  anh Phạm Văn Bình từng nổi tiếng về thơ trong thập kỷ 1960 và thập kỷ 1970, đặc biệt, anh có 2 bài thơ được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc: Đó là bài “Chuyện Tình Buồn” và “Mười Hai Tháng Anh Đi”; và có lẽ với hai bài thơ này, anh sẽ lưu danh thiên cổ.
Sau này, sự nghiệp của anh đã có tác phẩm của anh làm chứng; còn cuộc đời của anh chắc sẽ ít người biết rõ. Vì vậy, là người đồng hương với anh, tôi muốn góp phần dựng lại tiểu sử của anh qua tìm hiểu những mảnh đời, chặng đời của anh mà người Đông Hà và một số thân nhân của anh biết kẻo rồi thời gian có thể xoá mất.

* Về năm sinh của Phạm Văn Bình

Võ Văn Cẩm – bạn đồng khoá 24/SQTB Thủ Đức với Phạm Văn Bình – cho biết là năm 1942; tờ Cáo Phó khi anh mất của gia đình bên Mỹ ghi 1939; một thân nhân của anh ở Việt Nam cho biết anh tuổi Canh Thìn (1940). Tôi nghĩ năm 1942 là năm khai lại để học hành; anh học ở nhiều nơi, nhiều trường cả bậc Tiểu Học lẫn bậc Trung Học: ở Huế, ở Đông Hà, ở Đà Nẵng, ở tỉnh lỵ Quảng Trị. Còn Cáo Phó ghi năm 1939 là do cách tính; anh mất năm nay (2018), thọ 79 tuổi; theo cách tính của phương Tây, anh phải sinh năm 1939, còn theo cách tính của người Việt Nam là năm 1940. Thế nên, theo tôi, Phạm Văn Bình sinh năm 1940 – tuổi Canh Thìn.

* Về quê quán và dòng dõi

Phạm Văn Bình sinh ra ở Đông Hà; nhưng quê gốc Bát Sơn, Lương Điền, Thừa Thiên (nay là xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Vào thập kỷ 1920, thuở thanh niên, thân phụ anh, cụ Phạm Tề, ra làm công nhân xây dựng cầu Quảng Trị, kết duyên với một thôn nữ làng Như Lệ (nay là thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị). Rồi ông bà ra lập nghiệp ở thị trấn Đông Hà, mở một quán cơm ở ga Đông Hà vào lúc mà tại Đông Hà, việc giao thương Bắc - Nam, việc giao thương miền Trung Việt Nam - Lào nhộn nhịp.
Trong thập kỷ 1930, cụ Phạm Tề kết hôn thêm với bà Hoàng thị Căn (1909 – 1984), còn có tên thường gọi là Hoàng thị Cháu, một thôn nữ làng Điếu Ngao (nay là phường 2 – TP. Đông Hà). Phạm Văn Bình là con bà Hoàng thị Căn.

Phạm Văn Bình có người anh đầu cùng cha khác mẹ – con của mẹ làng Như Lệ - tên Phạm Ga hoạt động cho Việt Minh, từng giữ chức chủ tịch Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến khu vực Đông Hà, rồi Chánh Văn Phòng Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Quảng Trị. Khi kháng chiến chống Pháp bùng lên, Phạm Ga được điều động ra Việt Bắc và, sau đó, đã mất trên đường công tác ở tỉnh Cao Bằng. Phạm Văn Bình còn có người anh cùng mẹ cùng cha tên Phạm Vinh tập kết ra Bắc; Phạm Vinh học âm nhạc, chuyên ngành về đàn violon, trong chiến tranh, trở lại miền Nam, công tác ở đoàn Văn Công Quân Khu 5, hiện đã nghỉ hưu.
Ở chế độ miền Nam thời đó, ngoài bản thân là sĩ quan, Phạm Văn Bình còn có em trai cùng cha cùng mẹ tên Phạm Như Trị cũng là sĩ quan quân đội Cộng Hoà, nay định cư ở Mỹ theo diện HO.
Về bên ngoại – phía mẹ của Phạm Văn Bình - ở làng Điếu Ngao, các cậu các dì đều theo Việt Minh.
Dòng dõi của Phạm Văn Bình như thế đã góp phần tạo tứ thơ của anh.



Nhà thơ Phạm Văn Bình


* Về con đường đến với thơ của Phạm Văn Bình


Phạm Văn Bình có năng khiếu và đam mê văn nghệ từ nhỏ. Tuy nhiên, điều đó chỉ bạn bè biết chứ “người ngoài” chưa biết.
Sau khi hoàn tất bậc Trung Học – có bằng Tú Tài II, Phạm Văn Bình về quê, dạy Việt Văn tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà từ 1963; anh đứng trên bục giảng từ 1963 đến 1966 – năm mà anh phải rời bụi phấn để thi hành lệnh động viên của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Trong thời gian dạy ở quê nhà, anh có cộng tác với Đài Truyền Thanh Quân đội ở Đông Hà và gởi thơ đăng ở báo Lập Trường.
Xin mở ngoặc để giới thiệu đôi nét về báo Lập Trường:
Phong trào Phật Giáo bùng lên chống chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm bị cáo buộc phân biệt đối xử tôn giáo bùng lên ở Huế từ tháng 5 năm 1963; phong trào được nhiều giới trong xã hội ủng hộ, trong đó có một số không nhỏ các giáo sư Đại Học Huế; sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ tháng 11 năm 1963, cả miền Nam lâm vào cảnh xáo trộn nhiều mặt, đặc biệt là về chính trị. Năm 1964, báo Lập Trường do một nhóm giáo sư Đại Học Huế chủ trương ra đời; ban điều hành báo gồm GS Tôn Thất Hanh, khoa trưởng Đại Học Khoa Học, làm chủ nhiệm, GS Lê Tuyên giảng dạy tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa làm chủ bút và GS Cao Huy Thuần giảng dạy ở Đại Học Luật Khoa làm thư ký toà soạn. Lập Trường là tuần báo Chính Trị - Văn Hoá – Xã Hội; báo bày tỏ thái độ chống đối chiến tranh, chống đối cách điều hành đất nước của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, chống đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam; Phạm Văn Bình gởi thơ vào và được đăng với tần suất khá dày; điều đó chứng tỏ tứ thơ của Phạm Văn Bình đã hoà nhập vào lập trường của báo; chủ bút chọn bài là GS Lê Tuyên - người có cách nhìn, cách lý giải mới các tác phẩm văn học cổ Việt Nam  bằng cách đem triết học hiện sinh rọi vào. Nhờ báo Lập Trường, Phạm Văn Bình được giới thơ văn biết đến càng ngày càng nhiều. Thành thử, có thể trước đó Phạm Văn Bình đã có làm thơ, nhưng chính báo Lập Trường đã nâng cánh cho thơ của anh.

Nhờ vai trò cộng tác viên đài Truyền Thanh Quân Đội Đông Hà và tiếng tăm về thơ qua báo Lập Trường, Phạm Văn Bình thi hành lệnh động viên, thụ huấn xong ở quân trường, được bổ nhiệm làm sĩ quan tâm lý chiến của sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến. Khi đã làm việc ở Sài Gòn, Phạm Văn Bình có cơ hội quen biết với giới văn nghệ sĩ, thơ anh xuất hiện trên các tạp chí, được đánh giá cao, được Phạm Duy chọn phổ nhạc; nhờ thế, anh có chân trên thi đàn.

* Người phụ nữ trong bài thơ “Chuyện Tình Buồn” là ai?

Trong văn học, tác giả ký tên T.T.KH của bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn” nổi tiếng hơn 80 năm qua vẫn còn là nghi án – giới nghiên cứu văn học đã đoán nhiều tên, nhưng chưa chắc chắn một tên nào. Từ đó, tôi lo tương lai có người muốn biết thật sự tên người phụ nữ trong bài thơ “Chuyện Tình Buồn” sẽ gặp khó khăn, trong khi hiện giờ bà con và người thân quen quê gốc Đông Hà thì biết rõ, nhưng không ai chịu lên tiếng hoặc không có điều kiện lên tiếng. Tôi xin phép lên tiếng thay.
Không biết mối tình giữa Phạm Văn Bình và người phụ nữ này chớm nở từ lúc nào, nhưng mối tình này vỡ lỡ giữa thập kỷ 1960:

Năm năm rồi không gặp,
Từ khi em lấy chồng,
Anh dặm trường mê mải,
Đời chia hai nhánh sông …

Phạm Văn Bình “dặm trường mê mải” từ năm 1966 – năm thi hành lệnh động viên vào lính.
Nhà Phạm Văn Bình và nhà người phụ nữ cùng ở trong con hẻm đường Phan Bội Châu thị trấn Đông Hà. Người phụ nữ này có một người anh – bạn thân cùng trang lứa với Phạm Văn Bình. Qua lại giao du, thấy người phụ nữ này có nhan sắc, có học vấn (cô này không học ở Đông Hà mà học ở Trung Học Bán Công Huế), lại biết trang điểm, ăn diện bắt mắt, Phạm Văn Bình vừa ý, đem lòng yêu đương. Hai người yêu nhau; người Đông Hà thấy mối tình của họ “da diết” lắm, ngay cả Phạm Văn Bình cũng thổ lộ:

Những thư tình ngây dại,
Những vai mềm, môi ngoan,
Những hẹn hò cuống quýt …

Không ai ngờ mối tình ấy tan vỡ. Người trong cuộc bảo rằng do hai người khác biệt về tôn giáo: gia đình Phạm Văn Bình theo Phật Giáo, gia đình người phụ nữ này theo Thiên Chúa Giáo. Thôi, chúng ta cứ tin như vậy, chứ trên đời, không thiếu gì người khác tôn giáo kết hôn với nhau; về sống với nhau, hoặc vợ theo tôn giáo của chồng, hoặc chồng theo tôn giáo của vợ, hoặc, cùng lắm, mỗi người cứ giữ tôn giáo của mình.

Người phụ nữ này “sang ngang”, lấy một người chồng đồng đạo; ông chồng là sĩ quan quân y, trước đó, tốt nghiệp cán sự y tế, bị động viên vào quân đội; hai vợ chồng có 4 người con (?). Rủi! Ông chồng tử trận, Phạm Văn Bình viết trong thơ: “Anh một đời giong ruỗi; em tay bế tay bồng” là vậy.
Việc bất thành trong mối tình giữa Phạm Văn Bình và người phụ nữ này không biết do gia đình bên nào gây ra; nhưng trong thơ và trong đời thực, Phạm Văn Bình ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận:

Ngày nhà em pháo nổ,
Anh cuộn mình trong chăn,
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn.
Ngày nhà em pháo nổ,
Tâm hồn anh nhuốm máu,
Ôi nhát chém hư vô,
Ôi nhát chém hư vô.
……………………
Năm năm rồi trở lại,
Một màu tang ngút trời,
THƯƠNG người em năm cũ,
THƯƠNG goá phụ bên song.

Và sau này, mỗi lần có dịp, Phạm Văn Bình vẫn ghé thăm gia đình người phụ nữ này. Ngay trong lễ tang Phạm Văn Bình vừa rồi, người bà con của Phạm Văn Bình cho tôi xem một bức ảnh chụp chung 3 người con của Phạm Văn Bình với một người con gái của  người phụ nữ này. Tình của Phạm Văn Bình và người phụ nữ này đã vượt lên sự nhỏ nhen của hờn ghen để thăng hoa. Đẹp quá! Đúng là “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”.
Xin tiết lộ: Người phụ nữ này có tên là Nguyễn thị Tuý sinh năm 1945, nguyên là một cư dân Đông Hà, hiện giờ còn sống và định cư bên Mỹ.

* Về tạng người và lối sống

Phạm Văn Bình có gien văn nghệ từ gia đình; như trên đã nói Phạm Văn Bình có ông anh ruột hoạt động trong lãnh vực âm nhạc.
Phạm Văn Bình không đua đòi theo thiên hạ về bề ngoài, anh thích ca hát vui chơi, không quan tâm đến của cải vật chất. Từ khi ra trại cải tạo cho đến khi đi Mỹ theo diện HO, thời gian dài cả 10 năm, thế mà không thấy anh làm gì để mưu sinh, trong khi những người gặp hoàn cảnh như anh phải làm bất cứ gì để giúp nuôi sống gia đình: xe thồ, xe kéo, bán nước chè, làm thuê … Anh rong chơi không phải với bạn bè cùng lứa - vì không có - mà với bạn bè ít tuổi hơn anh nhiều; anh gặp họ trong các quán cà phê, trong những tiệc cưới, ca hát vui nhộn cùng họ, nhiều khi quá chén, cũng say sưa.
Nghe nói anh uống cà phê không phải trả tiền theo lần mà có bao nhiêu trong túi anh giao cho chủ quán, hàng ngày anh tới uống khi nào chủ quán tính là số tiền hết thì báo cho anh biết.
Thời gian anh chuẩn bị đi Mỹ, nhiều phụ nữ muốn đem tình và tiền ra để “quá giang”, anh từ chối, chắc anh quá ngán ngẩm rồi!
Khi qua Mỹ, với tuổi đời ngấp nghé 55, anh cũng không chạy vạy kiếm công ăn việc làm như thiên hạ, anh sống với người con trai trưởng của anh trong sự bảo bọc của cả 3 đứa con và tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ.
Xin mở ngoặc để nói đôi điều về gia đình anh. Sau khi mối tình với Nguyễn thị Tuý không thành, anh lập gia đình với một cô học trò trẻ, đẹp của anh tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà. Vợ chồng sinh được 3 con. Do hoàn cảnh nghiệt ngã sau năm 1975, vợ chồng cũng không sống với nhau trọn đời. Người vợ đem ba con qua Mỹ trước, anh qua sau, và được sự quan tâm chu đáo của cả ba con.
Phạm Văn Bình có lối sống và tạng người khác đời như thế, cộng thêm sống trong bầu không khí gia đình và đất nước mà thân thích kẻ Bắc người Nam, anh luôn mang tâm trạng buồn đau – buồn đau cho đất nước tang thương, cho tình người tan vỡ vì chiến tranh. Dù là một sĩ quan (cấp bậc cuối cùng đại uý) tâm lý chiến, thay vì kích động hận thù để tuyên truyền cho phe ta, chống phe địch, anh không làm thế; bằng chứng là trong bài thơ “Hành Trình Thuỷ Quân Lục Chiến” (tên khác: “Mười Hai Tháng Anh Đi”) - dài 58 câu - chỉ nói lên nỗi đau, niềm khắc khoải, tình yêu lỡ làng do chiến tranh mà người lính cảm nhận khi đi qua đất nước điêu tàn.

Sau thời gian dài khổ cực trong trại cải tạo, được trở về sống trong cộng đồng, nhà không, vợ nỏ có, anh cũng không một lời oán thán ai:

Trở về nhà cũ, nhà thay chủ.
Em đâu? – Đã bỏ chốn thiên đường.
Sang sông, em nỡ lên thuyền khác.
Thôi nhớ làm gì? “Chinh phụ ngâm” …
(Trích từ bài thơ “Đầu Xuân Khai Kiếm”)

Tóm lại, Phạm Văn Bình là nhà thơ nhân văn.
*
*      *
Tôi viết bài này với ý nghĩa tích cực; tôi đã hỏi thông tin từ nhiều người: bà con của Phạm Văn Bình có, những người Đông Hà thân quen với Phạm Văn Bình có. Tôi đã đối chiếu, đánh giá thông tin từ nhiều nguồn, cố gắng để có những thông tin chân thật.
Hy vọng bài viết này sẽ làm cho Phạm Văn Bình vui nơi chín suối và góp phần hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về nhà thơ Phạm Văn Bình sau này.

                                                      Hoàng Đằng
                                         30/7/2018 (18/6/Mậu Tuất)

Được đăng bởi Phu Đoan vào lúc 5:56 AM

 

Thú vị 'hoa' và 'nụ' trong tiếng Việt



Để chỉ tính chất đẹp đẽ lộng lẫy thì người ta nói là hoa lệ, biểu thị vẻ bên ngoài đẹp nhờ trau chuốt nói là hoa mỹ, ví von tuổi trẻ tươi đẹp của đời người thì gọi là hoa niên (hay tuổi hoa)…

Đối với hoa (miền Nam gọi là bông), trước hết những người nói tiếng Việt đã đặc biệt chú ý đến vẻ quyến rũ của sự vật thường có màu sắc và hương thơm. Đồng thời nó cũng tạo nên sự chú ý ở hình dạng thường gặp: chính giữa là nhụy, rồi những cánh hoa mở ra xung quanh đều đặn như một sự khéo sắp đặt của tự nhiên.

Điều khá lý thú ở chỗ hoa có đặc điểm chung trong văn hóa nhân loại: Ở rất nhiều nước trên thế giới, hoa được coi là biểu tượng của sự toàn hảo, của sự thanh tao và tỏa sáng, của tình yêu và cả sự bấp bênh thoáng qua của vẻ đẹp nơi trần thế. Tại nhiều nước phương Đông, hoa cúc thường gợi nhớ đến mùa thu và những kỷ niệm (Mùa thu vào hoa cúc/Chỉ còn anh và em/Chỉ còn anh và em/Là của mùa thu cũ - thơ Xuân Quỳnh), hoa hướng dương là biểu tượng của lòng khát khao lý tưởng, hoa mẫu đơn tượng trưng cho sự phú quý, hoa sen là biểu tượng của sự thuần khiết giữa bụi trần tục lụy (Trong đầm gì đẹp bằng sen/Là xanh bông trắng lại chen nhị (nhụy) vàng/Nhị vàng bông trắng lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi thanh mùi bùn - Ca dao), hoa hồng là lời ngợi ca sự toàn mỹ, còn hoa đào tượng trưng cho mùa xuân (Cành đào năm chiến thắng/Lấp lánh màu hoa tươi/Mùa xuân xao xuyến đất/Mùa xuân xao xuyến người - thơ Chế Lan Viên)…

Trong tiếng Việt, hoa được dùng để ví von với vẻ tươi đẹp: mặt hoa da phấn, tươi (đẹp) như hoa. Trong văn nghệ, hoa thường được dùng khi nói về người con gái đẹp (còn "bướm" và "ong" là những chàng trai si tình). Cũng theo hướng suy tưởng như thế, hoa được sử dụng trong các từ ghép để chỉ người con gái đẹp nhất (trong cuộc thi người đẹp ở một vùng, hoặc một lĩnh vực nào đó) là hoa hậu và hoa khôi. Để chỉ tính chất đẹp đẽ lộng lẫy thì người ta nói là hoa lệ, biểu thị vẻ bên ngoài đẹp nhờ trau chuốt nói là hoa mỹ, ví von tuổi trẻ tươi đẹp của đời người thì gọi là hoa niên (hay tuổi hoa)…

Bằng sự cảm nhận trực tiếp, những người nói tiếng Việt đã so sánh hình dạng thường gặp của hoa với nhiều sự vật khác (trông cũng từa tựa như hoa), để từ đó lấy hoa làm tên gọi chung cho các sự vật khác ấy (theo cách ẩn dụ) hoặc chỉ tính chất của chúng: hoa lửa, hoa tuyết, hoa đèn, hoa tai, hoa tay, pháo hoa, cháo hoa, rỗ hoa… Người ta thậm chí còn nói vải hoa và chiếu hoa (chỉ loại vải và chiếu có hình trang trí, nhưng không nhất thiết bằng những hình hoa), chữ hoa (chỉ dạng chữ to thường dùng ở đầu câu và đầu danh từ riêng)… Như thế là từ "hoa" đã được mở rộng về nghĩa: Thoạt đầu nó chỉ hoa, rồi hình hoa, rồi hình trang trí tựa bông hoa, và rồi chỉ hình trang trí nói chung (trong vải hoa, chiếu hoa…). Về chữ hoa, chúng ta nhớ rằng trước đây dạng chữ này không chỉ to hơn chữ thường, mà còn được trang trí khá cầu kỳ bằng những nét và những móc bay bướm, rất đẹp…

Bây giờ hãy trở lại với từ "nụ". Đây là một từ khiêm nhường và hình như vẻn vẹn như chính sự vật được nó biểu thị (nụ): Chỉ có hình viên tròn như cái khuy, không có gì đặc biệt về hương thơm và màu sắc, lại thường bị bao bọc trong chiếc đài màu xanh nên hay bị lẫn vào đám cành lá (trừ khi trên cành trơ trụi lá). Nhưng không phải ngẫu nhiên mà nhân gian lại thích chọn cành đào với những nụ lấm tấm làm biểu tượng cho mùa xuân. Vấn đề ở chỗ nó đậm ý nghĩa: Người ta chú ý rằng nó chưa phải là hoa nhưng rồi sẽ là hoa, và trong cái hình dạng kín đáo hay rụt rè cam phận kia đang hứa hẹn một sự mỹ miều quyến rũ... Cười nụ là kiểu cười chúm chím như nụ, thường tạo sự lôi cuốn, quyến rũ, khác hẳn kiểu cười rộng miệng, cười hô hô ha ha rất vô duyên.

Tạ Văn Thông

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018


XEM LẠI PHIM 
ĐƯỜNG SƠN ĐẠI ĐỊA CHẤN



Đường Sơn là một thành phố nằm cách Bắc Kinh khoảng 110km về phía đông, với dân số khoảng 1,6 triệu người. Ngày 28 tháng 7 năm 1976, một trận động đất 7,8 độ richter đã làm rung chuyển cả thành phố và để lại nơi đây một nỗi thống khổ lớn lao.


Lúc 3h42’ sáng hôm ấy, khi mọi người đang say giấc nồng thì xảy ra động đất 7,8 độ Richter, tức là cực mạnh, mạnh kinh khủng khiếp, kéo dài trong 10 giây. Chết quá trời! Nhưng chưa hết, 16 tiếng đồng hồ sau, tức là lúc 20h tối, khi những người sống sót đang xúm xít cứu hộ và khắc phục hậu quả thì lại có dư chấn cực mạnh cỡ như thế. Số thương vong tăng lên bội phần.


Trận động đất Đường Sơn là điềm báo cho sự chấm dứt cõi đời của cả 3 vị "tam trụ triều đình" (khi đó Tàu không có chức Chủ tịch nước) và tai họa xã hội- chính trị kinh khủng khiếp ở xứ Tàu trong năm 1976 oan nghiệt. Này nhé:
Đầu năm, hôm 8-01 Thủ tướng Chu Ân Lai, người duy nhất trong giới chóp bu giữ được vững ghế qua bao chấn động chính trị điên đảo, chết nhẹ nhàng vì già yếu. Để tránh bị hậu thế đào mồ băm vằm thi thể, ổng viết di chúc đòi được hỏa thiêu, rải tro tung tóe khắp nơi để phi tang. Trước trận động đất 3 tuần, hôm 6-7 Nguyên soái- Chủ tịch Quốc hội Chu Đức tắt thở và sau trận động đất cỡ 1 tháng rưỡi, hôm 9-9 Người cầm lái vĩ đại, Chủ tịch Đảng CSTQ Mao Trạch Đông lăn quay. Chỉ 3 tháng sau động đất, Tứ nhân bang bị lật đổ: Bè lũ bốn tên Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên bị tống giam. 

Duy nhất có 1 sự kiện đáng mừng: Sự kiện Tứ nhân bang đổ nhào là cái mốc đánh dấu cuộc Cách mạng Văn hóa vô sản vĩ đại, sau 10 năm (1966-1976) tàn phá kinh hoàng, chính thức chấm dứt.
Thế mới lạ. (2)
Đường Sơn đại địa chấn là bộ phim điện ảnh về thiên tai sản xuất năm 2010 do Phùng Tiểu Cương đạo diễn và sản xuất bởi Huayi Brothers, với sự tham gia của Từ Phàm, Trương Tịnh Sơ, Trần Đạo Minh, Lục Nghị, Trương Tử Phong, Trương Quốc Cường và Lý Thần. Ngoài ra Vương Tử Văn góp mặt trong vai trò khách mời đặc biệt, cô vào vai vợ của Lý Thần trong phim [3]. Bộ phim miêu tả những hậu quả của trận động đất Đường Sơn năm 1976. Bộ phim đã được phát hành ở Trung Quốc vào ngày 22 tháng 7 năm 2010 và là "phim thương mại lớn" IMAX đầu tiên được tạo ra bên ngoài nước Mỹ 

Phim Đường Sơn Đại Địa Chấn



Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

CHỦ NHẬT NÀY NGHE 
BẢN NHẠC TOCCATA 


   
Toccata có nghĩa là bản nhạc được sáng tác riêng cho nhạc cụ có dàn phím như Piano, Organ. Phong cách rất tự do, nhằm mục đích để người nghệ sĩ thể hiện kỹ thuật chơi đàn.
Thuật ngữ Toccata có gốc từ tiếng Ý: Toccare, và nó cũng xuất hiện lần đầu tiên ở Ý vào khoảng 1590.
Hai bản Toccata nổi tiếng:
1/ Toccata / Fugue D Minor (Bach):
2/ Toccata: (Paul Mauriat & Gaston Rolland):
Mình thích nghe bản của Paul Mauriat




Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Các ‘bóng hồng’ đằng sau những nhà độc tài khét tiếng trong lịch sử nhân loại


1. Vợ của Adolf Hitler – Eva Braun



Năm 1929, Eva Braun gặp Adolf Hitler khi mới 17 tuổi. Những năm sau đó, bà thường được Adolf Hitler mời đi ăn hoặc xem phim. Sau khi người cháu gái của Hitler tự tử bằng súng vào năm 1931, tình cảm của ông và Eva Braun càng trở nên sâu đậm.



Tuy nhiên, trong suốt thời gian làm tình nhân của trùm phát xít khét tiếng, Eva Braun không được công khai mối quan hệ của hai người. Điều đó làm cho bà rất khó chịu, và đã từng tự tử hai lần nhưng không thành.
Sau lần tự tử thứ hai của Eva Braun, Hitler đã đưa bà tới sống tại dinh thự Berghof ở Berchtesgaden. Eva Braun sống một cuộc sống nhung lụa nhưng lại bị cô lập trong suốt Thế Chiến II.







Mặc dù là người tình gắn bó với Hitler ròng rã 16 năm nhưng bà chỉ được làm vợ của nhà độc tài này trong vỏn vẹn 40 giờ đồng hồ. Bà luôn muốn được tổ chức đám cưới với Hitler nhưng ông không đồng ý.

Ngày 29/4/1945, Eva Braun và Adolf Hitler cuối cùng cũng tổ chức một nghi lễ kết hôn đơn giản tại hầm trú ngụ ở Berlin. Chiều ngày 30/4/1945, Adolf Hitler đã tự tử bằng một khẩu súng còn Eva Braun kết thúc cuộc đời mình bằng viên thuốc chứa cyanide.

2. Vợ của Saddam Hussein – Sajida Talfah



Sajida Talfah là vợ của Saddam Hussein, đồng thời bà cũng là em họ của vị cựu tổng thống Iraq. Năm 1963, cậu của Saddam Hussein đã cho phép ông kết hôn với con gái mình là Sajida Talfah.
Năm 1986, Hussein đã cưới một người phụ nữ khác tên là Samira Shahbandar trong khi vẫn chưa li dị vợ. Điều này làm cho Sajida Talfah và con trai của bà là Uday Hussein vô cùng tức giận. Hai năm sau, Uday Hussein đã sát hại vệ sĩ của cha mình là Kamel Hana Gegeo, vì tin rằng chính người đàn ông này giúp cha anh và Shahbandar quen nhau.
Sau khi Hoa Kỳ tấn công vào Iraq vào năm 2003 và Saddam Hussein bị hành quyết vào năm 2006, Sajida Talfah đã trốn ra nước ngoài. Năm 2015, có báo cáo cho rằng bà đã qua đời nhưng gia đình Hussein nhanh chóng dập tắt những tin đồn này. Hiện nay không có thông tin nào về tung tích của Sajida Talfah.

3. Vợ của Kim Jong-il – Ko Young-hee



Ko Young-hee là một trong số bốn người vợ của lãnh tụ tối cao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên – Kim Jong-il. Bà cũng là mẹ của Kim Jong-un, nhà lãnh đạo hiện tại của Bắc Triều Tiên.
Mặc dù thông tin về Ko Young-hee được bảo mật rất kỹ càng, tuy nhiên người ta vẫn tin rằng bà có ảnh hưởng rất lớn đến người chồng độc tài của mình.
Năm 2004, Ko Young-hee qua đời vì căn bệnh ung thư vú.

4. Vợ của Muammar Gaddafi – Safia Farkash



Safia Farkash là người vợ gắn bó lâu nhất với nhà lãnh đạo cực đoan Libya Muammar Gaddafi, và là mẹ của sáu trong số tám người con của ông.
Bà gặp gỡ Muammar Gaddafi vào năm 1970. Khi đó, Safia Farkash đang làm y tá và chịu trách nhiệm chăm sóc Muammar Gaddafi khi ông điều trị bệnh viêm ruột thừa tại đây.

Mặc dù Safia Farkash không xuất hiện nhiều trước công chúng, nhưng sau khi chồng bị ám sát, bà đã đứng ra yêu cầu điều tra về cái chết của chồng mình.

5. Vợ của Joseph Stalin – Nadezhda Alliluyeva




Lần đầu tiên gặp Stalin, Nadezhda Alliluyeva mới 10 tuổi. Khi đó, gia đình cô đã che chở cho Stalin khi ông trốn thoát khỏi án lưu đày ở Siberia.
Năm 1919, khi Nadezhda Alliluyeva tròn 19 tuổi và Joseph Stalin 39 tuổi, hai người tổ chức đám cưới. Theo bạn thân của Nadezhda Alliluyeva là Polina Zhemchuzhina, cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng này thường xuyên căng thẳng và hay xảy ra cãi vã.

Năm 1932, Nadezhda Alliluyeva qua đời vì bị bệnh viêm ruột thừa. Tuy nhiên, một bộ phim tài liệu năm 2005 đã trình bày bằng chứng chứng minh bà chết vì tự sát. Cụ thể vào ngày 9/11/1932, sau cuộc cãi vã công khai với chồng mình là Stalin tại một bữa tiệc, Nadezhda Alliluyeva đã tức giận đến mức tự sát bằng súng.

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

THƠ VỀ RƯỢU
CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến gửi cho tôi CHÙM THƠ VỀ RƯỢU của anh nói là đọc cho vui. Nhưng vui sao được khi mà đọc xong cả chùm thơ 10 bài chỉ thấy một mối sầu: Sầu mình và sầu nhân thế của nhà thơ.

1. Quan trường

- Tặng: Nguyễn Minh, bạn tôi -

Nào, cứ uống, đếch gì mày phải ngại
Làm “quan to” ngã ngựa cũng chả hèn
Thiên hạ cười. Thây kệ thiên hạ soi
Mày giả xỉn để đời thôi khốn nạn.

Ừ, đời thế. Qua cầu thì hại “bạn”
Dấn quan trường sao mày chả chịu “khôn”
Đục kín dòng mày lại cố gượng trong
Chúng nó đập bởi mày không chịu hỏng

Ừ. Thế nhé. Lấy gia đình làm trọng
 Cứ vui đi, mặc thiên hạ vào tròng
Tiếc làm gì mấy thứ của phù du
Thiên trả Địa, đếch gì mày cay cú.

Nào. Uống nhé! Kệ cha thiên hạ đú
Nào. Cứ say! Mặc mẹ thiên hạ cù
Tao với mày trận nữa ngoắc cần câu
Cho trôi tuột trò nhố nhăng thế sự.
*
Hà Nội, chiều 03.04.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


2. Một tôi 

- Tặng cháu Đặng Hải -

Một chai
Một chén
Một tôi thôi
Một đêm gió quẩn chỗ tôi ngồi
Một bàn tay lạnh quờ vai lạnh
Một tiếng thở dài tôi với tôi!
*
Hà Nội, 22 tháng 11.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

3. Thế gian say

- Kính tặng nhà thơ Hoàng Xuân Họa -

Thế gian say đòi đập chén trở cờ
Thế gian cười. 
                Thế gian khóc.  
                               Thế gian mơ
Ngật ngưỡng bước. 
                   Khành khạch cười. 
                                 Chửi cha thiên hạ dở!
Rượu ba xu. Thế gian hóa thằng rồ!
*.
Hà Nội, chiều 04.10.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


4. Đời khát

- Thân tặng nghệ sĩ Võ Hoài Nam -

Này thì khát!
Uống cho đời đỡ khát
Rượu tình đời men ủ nhiều năm
Khát chất chồng
dồn nén
tháng năm
Ta đốt cạn cái đong đời cay đắng

Uống!
Thì uống!
Cho lì khoảng lặng
Cho lòng ta chạm được tới lòng người
Cho u buồn phiêu bạt tận biển khơi
Cho Nhật Nguyệt thẹn lòng mà hửng nắng.

Uống!
Thì uống!
Dốc cạn lòng cùng uống
Khát khao ơi hãy tan chảy tận cùng
Thế gian này dẫu sấp ngửa trắng đen
Ta như bạn sống một đời không thẹn.

Uống!
Thì uống!
Ngán chi mà không uống!
Rượu tri âm thêm vững mạnh bước đường!
*.
Hà Nội, ngày 30 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

5.Tiệc rượu trong mơ 

- Tặng “thằng bạn” đối tửu trong mơ -

Dốc ngược chai
Chắt thêm vài giọt rượu
Cạn ly này
Mai mỗi đứa một nơi

Ly rượu này
Mày rót 
Tao say
Khề khà mãi
Mày say
Tao rót

Nhấp môi thôi
Mai mỗi thằng mỗi ngả
Ngày tháng xa
Mày
Tao
Kiếp không nhà
Tao xa lạ
Cõi trần đày đọa
Mày xa hoa
Tiên cảnh phiêu bồng...

Ừ!
Cạn nhé
Mày ơi
Cạn nhé
Ừ!
Nhấp môi
Mai 
Mỗi ngả
Mỗi thằng...
*.
Hà Nội, 2 giờ sáng 03 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

6. Bạn quan

Bạn cũ lâu ngày gặp lại
Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần
Tao ruột ngựa hỏi câu ngớ ngẩn
Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền
Chức ấy rẻ mà sinh lắm lãi
Mày học ngu nhưng thủ đoạn tài
Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn
Mãi long đong chức phó dân quèn
Mày nhăn mặt chửi tao thằng đểu
Quá nửa đời mãi chửa hết ngu...

Rượu tới tầm
Mày ghé tai tao
Nói thật nhỏ
Căng tai mới rõ
Làm người khó
Làm quan càng khó
Chốn quan trường chó vịt giống nhau
Mày than đời chỉ rặt những thau
Quan càng lớn chữ nhân càng nhỏ
Ví miệng quan giống trôn trẻ nhỏ
La liếm quen rồi nào biết bẩn dơ.

Tao gật gù giả bộ ngớ ngơ
Khen các quan vì dân vì nước
Nghe nửa câu mắt mày trợn ngược
Chửi tao khùng hệt “lũ dân ngu”
Mày chửi thề đặc giọng quân khu
Đời đã chó
Quan trường càng chó
Rồi nhăn nhó
Than đời mày nhọ
Mấy tháng trời bổng lộc hụt xơi...

Rượu mày mời
Tao uống khó trôi
Thịt mày gắp
Tao nhai khó nuốt
Trời nhiều gió
Hay lòng tao nổi gió
Rượu đầy vò
Tao ngất ngưởng vờ say.
*.
Hà Nội, trưa 18 tháng 03.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


7. Men đắng 

Đây men rượu hơn 15 năm trước
Chót nhấp môi ta trượt bước xuống bùn
Ngoái đầu nhìn vẫn hồn lạc chân run
Thon thót sợ vô tình gặp lại.

Ừ ly nữa. Cớ chi phải ngại
Ta cứ say. Mặc thiên hạ phỉnh lừa
Cạn ly này có quên được chuyện xưa?
Đau thương đấy đến ngày nào lành sẹo?

Ừ thì cứ trách ta bạc bẽo
Cứ rêu rao ta ân ái hững hờ
Quá thật thà ta ra kẻ ngu ngơ
Ngớ ngẩn cược đời mình nơi kẻ chợ.

Đau. Đau lắm. Lặn ngược dòng lệ rỏ
Trời cao xa dung dưỡng lũ yêu hồ
Cố vẫy vùng thoát xa khỏi chốn nhơ
Ta chết lặng nửa đời không phân tỏ.

Ừ ly nữa
Ừ thêm ly nữa
Ừ thì say! Ừ quên quãng sống thừa
Quên bóng tà lẩn khuất phía song thưa
Ta cạn chén đón bình minh trước cửa.
*.
Hà Nội, đêm 10 tháng 12.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


8. Chết

Chén rượu buồn cay đắng
Ta tiễn người sang ngang
Kể từ trăng tàn ấy
Ta chết dần ai hay.
*.
Hà Nội, chiều 17 tháng 12.2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


9. Say yêu

- Với T.L.A -

Yêu thương nhé. Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian
Uống nữa đi. Đây rượu ngọt. Môi mềm
Đêm lạnh lắm đừng để ta lẻ bạn.

Nào nâng chén cho sầu sầu rũ bỏ
Trút áo xiêm cho đêm bớt ngại ngần            
Đây rượu nồng, men ủ đã nhiều năm
E ngại thế... Làm sao ta chẳng giận.

Thì ta biết thuyền em chưa bến đậu
Giấu mơ hoang vật vã đợi phong cuồng
Ta nhốt mình đằng đẵng mấy mùa ngâu
Nén lơi lả loạn điên nơi cõi mộng.

Ừ thì rượu. Ừ thì thơ. Ừ mộng đẹp
Ừ thì say cho hỉ hả phong trần
Đêm phập phồng, ngực nõn hứng trăng non
Môi đón lưỡi uống hương tình bất tận. 

Yêu thương nhé. 
Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian...
*.
Hà Nội, đêm 11 tháng 04.2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

10. Rượu say 

Ừ này thì rượu. Ừ thì say
Ừ rượu tri âm ủ lâu ngày
Ta uống đêm nay cho thỏa thích
Cho trời cùng đất ngất ngưởng say.

Nào nhấc chén lên. Cạn để say
Men tình chiu chắt ủ bấy nay
Đêm nay ta hứa say cùng bạn
Thế gian? Điên đảo được mấy ngày?

Thôi kệ cuộc đời. Ta cứ say
Rượu ngọt đào thơm vơi lại đầy 
Ta kệ Cuội già từ cung Quế
Khẩn khoản mời ta ghé đôi ngày.

Ta chẳng ghé đâu. Ta ở đâyA
Sóng sánh mềm môi chén rượu đầy.
Thôi Cuội về đi ta chỉ muốn
Đêm nay thỏa thích ta được say.
*
Hà Nội, đêm 04 tháng 10.2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN







Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

ĐỒNG TƯỞNG NIỆM BA TÀI DANH

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh ngọn nến thờ

Nghe tin nhà thơ Phạm Văn Bình đã về miền Miên Viễn ngày 22 tháng 7 năm 2018 tại miền Nam California, Hoa Kỳ. Vô cùng thương tiếc ông, tác giả bài thơ CHUYỆN TÌNH BUỒN đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Mình rất thích bài thơ này và đã nghe đi nghe lại nhiều lần bản nhạc của Pham Duy.



Thi sĩ Phạm Văn Bình quê ở Đông Hà và từng dạy học ở Trường Bán Công Đông Hà.
Lúc thiếu thời ông có một người yêu, nhưng hai người không cưới nhau được vì sự khác biệt tôn giáo nên phải chia tay. Từ mối tình này, ông có bài thơ “Chuyện Tình Buồn” nổi tiếng, đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nhạc sĩ Phạm Duy.


Kế đến ông vào quân ngũ và lập gia đình. Sau biến cố 30 tháng 4, 1975 nhà nước miền Bắc đưa ông đi cải tạo. Sau đó ông và gia đình  định cư tại Hoa Kỳ.

Nguyên tác bài thơ "Chuyện Tình Buồn" của Thi sĩ Phạm Văn Bình.

Nhân sự ra đi của nhà thơ Phạm Văn Bình, nghe lại CHUYỆN TÌNH BUỒN  do Duy Quang trình bày để cùng lúc tưởng niệm ba tài danh: Thi sĩ PHẠM VĂN BÌNH, Nhạc sĩ PHẠM DUY và Ca sĩ DUY QUANG. Họ đếu đang cùng ở MIỀN MIÊM VIỄN!

Kết quả hình ảnh cho ca sĩ duy quang


Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

LÃO HỆ - Truyện ngắn Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Đặng Xuân XuyếnLeave a Comment






(Tác giả Nguyễn Bàng, thứ 3 từ trái sang phải)



LÃO HỆ
*
Năm ấy tôi mới đi dạy học được hơn một tháng. Một anh giáo viên dân lập, không học qua trường lớp sư phạm nào, cũng không có bằng cấp gì ngoài cái chứng chỉ học lực Đệ Nhị chuyên khoa thời Pháp được coi là tương đương với lớp 9 phổ thông vùng kháng chiến. Nói thế nhưng cũng phải mất sáu tuần học cấp tốc các môn Tâm lý giáo dục, Giáo học pháp và Chính trị Mác Lê nin ở trường Sư phạm trung cấp thành phố nhân dịp vào dịp nghỉ hè, sau đó có kiểm tra rồi nhận giấy phân công. Tôi may mắn không phải ra ngoại thành mà được ở nội thành, về một trường dân lập cấp 2.
Sáu tuần học cấp tốc, tôi cùng 5 anh bạn được tổ chức Sở Giáo dục thành phố mượn cho một căn phòng trong khu nhà một tầng khá rộng của một bà giáo già tốt bụng dạy Tiểu học từ thời thuộc Pháp. Hai bữa ăn, thì học xong kéo nhau ra cửa hàng ăn uống Mậu dịch quốc doanh, 3 hào một bữa. Thế là ổn.
Bây giờ đã học xong, người ở nội thành, kẻ ra ngoại thành, sở Giáo dục trả lại nhà cho bà giáo thành ra tôi không còn chỗ ở. Vì vậy khi nhận trường về dạy, đưa giấy tờ cho ông hiệu trưởng xem xong thì ông hỏi tôi:
- Hiện giờ đồng chí ở đâu?
Thời ấy mọi người ở các cơ quan công sở hay trường học đều gọi nhau bằng đồng chí rồi tuỳ tuổi mà xưng tôi hay xưng em xưng cháu. Thấy ông hiệu trưởng tóc đã bạc trắng, tôi thành thật trả lời:
- Dạ, thưa bác cháu chưa có chỗ ở.
Ông thư ký văn phòng ngồi bàn bên cạnh nhanh nhảu góp luôn lời:
- Khỏi phải lo chuyện ấy. Trước mắt tối đến đồng chí cứ về trường mà ngủ, chọn lớp nào thoáng đãng mát mẻ ấy, kê ghế học sinh ra làm giường, sáng hôm sau kê trả lại, thu dọn chăn màn đem xuống chỗ tôi để trên nóc tủ ấy.
Nghe ông thư ký tốt bụng nói, ông hiệu trưởng bảo:
- Đồng chí Sửu cho ý kiến hay đấy.
Rồi quay sang bảo tôi:
- Vậy, đồng chí cứ tạm như thế rồi tìm nhà ở sau nhé.
Tôi cảm ơn hai người nhưng trong bụng nghĩ, vào thời buổi không mấy gia đình được ở nhà rộng rãi. Một số người thu vén ở lại cho gọn dành một phần nhỏ cho thuê để có thêm thu nhập thì cũng sợ mang tiếng là bóc lột, thì biết tìm nhà ở đâu bây giờ? Thôi, hãy tạm yên tâm với giải pháp của bác Sửu đã rồi sẽ tính sau. Còn việc ăn cơm thì cứ cửa hàng ăn Mậu dịch quốc doanh mà diễn.
Nhưng thật bất ngờ, một hôm dạy xong tiết cuối, tôi đang thu xếp giáo án để xuống văn phòng gửi rồi đi ăn cơm thì có cảm giác ai đó đang đứng sau lưng mình. Quay lại, tôi nhận ra đó là Thu, cô bé nhỏ nhất lớp được tôi xếp ngồi bàn đầu. Tôi hỏi em:
- Thu chưa về à?
- Dạ, em đợi thầy - Thu khẽ trả lời rồi rụt rè nói - Em nói chuyện với mẹ em ngày nào thầy cũng ăn cơm mậu dịch, mẹ em bảo ở đấy người ta chỉ bán cơm đĩa, thầy ăn thế sao đủ sức khoẻ để dạy chúng em rồi mẹ em bảo sao không chỉ cho thầy biết nhà lão Hệ mà đến nói để lão nấu cơm cho.
- Nhà lão Hệ nấu cơm thuê à? - Tôi hỏi.
Thu đáp:
- Dạ không, lão ấy chỉ nấu giúp thôi.
-Thế lão ấy làm nghề gì?
- Đạp xích lô ạ.
- Mà sao lại gọi là lão Hệ mà không gọi là ông Hệ hay cụ Hệ?
- Dạ, em nghe mẹ em bảo, lão tự xưng mình là “lão” và cũng muốn  mọi người gọi mình là lão. Thấy lão cũng đã có tuổi rồi nên mọi người thấy gọi như thế cũng hợp tai.
- Lão ấy ở đâu?
- Dạ, ở đường miếu Hai Xã gần phố nhà em. Nếu thầy muốn đến nhà lão em đưa thầy đi.
Nghe chuyện Thu, tôi thấy lão Hệ này có chút khác người, tôi gật đầu rồi lấy xe đạp chở em nhằm hướng xuống con đường Miếu Hai xã. Thấy thế, Thu ngồi sau lưng tôi hỏi:
- Thầy cũng biết đường Miếu Hai xã?
- Biết chứ, thầy có đọc lịch sử thành phố và thấy nói xã Dư Hàng Kênh vốn là một thôn của làng Hàng Kênh. Về sau do mâu thuẫn giữa dân làng nên thôn này tách ra, lập làng riêng, lấy tên là Dư Hàng Kênh tức Hàng Kênh thừa và gọi tắt là Dư Hàng. Vì chia tách nên đình chùa cũng phải chia. Hàng Kênh giữ lại ngôi đình Hàng Kênh, có từ đầu thế kỷ 18, làng mới Dư Hàng được chia ngôi chùa Hàng, có từ  cuối thế kỷ 17. Vì không có chùa nên sau đó làng Hàng Kênh phải xây chùa mới còn làng Dư Hàng Kênh phải xây đình mới. Ngôi miếu cũ vì ở ranh giới hai làng nên không chia được, phải thỏa thuận là miếu chung, từ đó gọi là Miếu Hai Xã. Tuy nhiên trong miếu, dân hai làng ngày trước vẫn làm hai khám thờ riêng và đều thờ Ngô Quyền.
- Ô, thầy không nói thì chẳng bao giờ em biết những chuyện ấy. Em chỉ biết đường từ nhà em đến nhà lão Hệ phải qua Miếu hai xã thôi.
- Thế lão Hệ có họ hàng với nhà em à?
- Dạ không, là vì lão làm nghề đạp xích lô, bà con trong vùng ai đi đâu xa thường hẹn trước để lão chở. Mẹ em cũng nhiều lần phải đi xa nên sai em xuống nhà lão để hẹn trước.
Đến phố chợ Cột Đèn, khi ngang qua một ngôi nhà nhỏ 2 tầng quét vôi màu vàng, Thu chỉ tay và nói:
- Đây là nhà em, thầy cứ đi thẳng đến ngã ba thì rẽ trái là vào đường Miếu Hai Xã.
Đường Miếu Hai Xã vốn là đường đất cũ của làng nên nhiều đoạn lồi lõm khó đi, hai bên hầu hết là các ruộng rau muống. Qua được khoảng non ba trăm mét, Thu bảo tôi dừng xe và chỉ tay về phía một người đàn ông đang ngồi bên gốc cây khế trên bờ ao ba mặt bao quanh là ruộng rau muống và bảo:
- Lão Hệ kia rồi thầy ạ!
Khi hai thầy trò đã đứng bên người đàn ông mà Thu bảo là lão Hệ, tôi lễ phép ngả mũ ra và nói:
- Chào bác ạ!
Ông ta ngước mắt nhìn tôi nhưng không trả lời mà quay sang phía cô học trò của tôi:
-Thu đấy à? Em đưa ai đến thăm lão đấy?
- Dạ, thưa lão đây là thầy chủ nhiệm lớp của cháu.
- À ra thế! Chào cậu giáo, cậu còn trẻ quá, lão gọi thế có được không?
- Thưa bác không sao ạ - Tôi cười trả lời lão.
- Cậu đừng gọi tôi là bác mà cứ gọi tôi là lão như bà con vùng này cho nó thân mật. Tôi năm nay cũng đã 66 tuổi rồi, gọi là lão cũng được chứ cậu?
Nhớ lời Thu nói lúc ở trường, tôi đáp:
- Dạ, được chứ ạ. Ở làng cháu mọi người cũng đều lên lão vào năm 60 cả. 
Sau khi nghe Thu nói tình cảnh ăn cơm mậu dịch của tôi, lão Hệ cười khà khà:
- Thế thì cậu đến đây ăn cơm với nhà lão cho vui. Nhà lão chỉ có hai vợ chồng với một đứa con gái năm nay mới lên sáu nhưng hiện giờ có 6 miệng ăn, thêm cậu nữa là 7.
- Sao chỉ có hai bác và em bé gái mà lại có 6 miệng ăn ạ?
- Là thế này, ba miệng kia là ba anh thợ xa quê nhờ lão nấu ăn cho để đi làm. Hai anh thợ mộc rong quê ở Thái Bình, một anh thợ hàn nồi rong quê ở tận Thanh Hoá. Họ đều chưa có gia đình chung nhau thuê một căn nhà trọ ở làng Dư Hàng gần đây. Thế nhà cậu ở có gần đây không mà định nhờ lão nấu cơm cho.
Tôi chưa kịp đáp thì Thu đã lại nhanh miệng kể với lão Hệ về tình cảnh chỗ ở của tôi. Nghe xong lão chép miệng  bảo:
- Hoàn cảnh nhỉ? Nếu cậu không chê nhà lão chật hẹp thì còn một gian buồng nhỏ cạnh bếp, dọn đến mà ở tạm, có được không?
Tôi chưa biết gian buồng lão Hệ nói chật hẹp ra sao nhưng tôi nghĩ được ăn ở cùng một nơi thật là quá tiện. Vì thế tôi đáp luôn:
- Dạ, nếu được thế thì tốt cho cháu quá. Hàng tháng cháu sẽ gửi lão cả tiền ăn và tiền nhà cùng một lúc.
Lão Hệ nhìn tôi rồi nhìn sang Thu như có ý hỏi cô bé chưa nói gì về lão với tôi hay sao rồi chậm rãi nói:
- Lão có cho cậu thuê nhà đâu mà lấy tiền của cậu. Còn tiền ăn, cậu ăn thì cậu phải đóng góp, thế thôi. Mà cậu đóng tiền cho cậu ăn chứ nhà lão cũng không lấy một xu nào đâu. Mỗi tháng 18 đồng bằng tiền ăn ở nhà ăn tập thể thành phô. Ở đấy, mỗi tháng nhà nước còn trợ cấp thêm cho mỗi người ăn 3 đồng củi lửa nữa nhưng ở đây, củi lửa lão kiếm được vì vậy 18 đồng chỉ hoàn toàn dành cho 2 bữa ăn thôi.
Nghe lão Hệ nói, tôi cảm động quá chỉ còn biết nói mấy tiếng:
- Vâng, cháu hiểu, cám ơn lão.
Ngay chiều hôm ấy, tôi thưa chuyện với ông hiệu trưởng và ông thư ký văn phòng nhà trường rồi đem cái chiếu đã cuốn gọn cùng gói quần áo dọn đến nhà lão Hệ và ăn ngay bữa cơm đầu tiên ở nhà lão.
Vợ lão Hệ trẻ hơn lão đến gần hai chục tuổi, không đẹp nhưng nom phúc hậu. Đứa con gái lão trông nhỏ hơn tuổi lên 6 nhưng hay nói hay cười rất dễ thương. Ba anh thợ sàn sàn tuổi nhau và lớn hơn tôi chừng ba bốn tuổi. Hai anh thợ mộc, một anh tên là Vãng, một anh tên là Thừa còn anh thợ hàn nồi tên là Lưu. Cả ba đều chuyện trò với tôi rất thân thiện. Anh Vãng bảo:
- Bây giờ đồ đạc cái gì cũng hiếm nên cái gì đã cũ hay hư hỏng người ta đều muốn chữa lại để dùng. Tuy vậy, Thái Bình quê tôi hầu hết là nông dân nghèo, họ tự sửa lấy hết nên tôi và anh Thừa phải rủ nhau ra Hải Phòng kiếm ăn. Hàng ngày chịu khó đèo cưa đục sau xe, đi rong các phố phường thỉnh thoảng rao hai tiếng “mộc ơ”, ai cần thì gọi vào nhà họ sửa cho cái bàn cái ghế hoặc cái cánh cửa tủ gỗ lâu ngày bị long đinh hay bị xệ cánh.
Anh Lưu thì bảo:
- Tôi cũng thế. Bây giờ ở thành phố không nhà ai còn dùng nồi đất mà nồi đồng nồi nhôm thì không dễ mua vì chỉ bán phân phối nên cái nào rò rỉ hay bị thủng bà con đều phải đem chữa lại, nhờ thế tôi cũng có việc làm hàng ngày.
Bữa cơm hôm ấy ở nhà lão Hệ được dọn trên một cái mâm gỗ cũ nước son đã mòn gần hết, trên có một đĩa to rau muống luộc, một bát nước mắm cáy, một đĩa tép rang khế chua và một bát lớn canh riêu cá chép lão Hệ cất vó từ dưới ao lên. Với tôi đó là một bữa ăn ngon nhất trong mấy tháng vừa qua, kể từ khi tôi dời vùng ngoại ô ven đô Hà Nội xuống thành phố Hải Phòng.
Được ở nhờ nhà lão Hệ, tôi mới biết lão là là phu chân đăng ở Tân Đảo mới hồi hương mấy năm nay. Ngày mới về để có nơi ăn chốn ở, lão đã tìm xuống Miếu Hai Xã mua mấy mảnh ruộng rau muống, thuê người dào đất vật lên làm nền rồi dựng tấm nhà lá này. Chỗ đất trũng giờ thành cái ao thả cá, trên trồng cây ăn quả.
Sau đó lão Hệ lấy vợ, một người đàn bà đã gần lỡ thì, sinh cho lão đứa con gái và ở nhà nuôi con, cơm nước, chăm bón mấy vạt rau muống và hái rau đi bán.
Ba hôm sau là ngày chủ nhật nên tôi ngủ muộn hơn mọi ngày. Khi tỉnh dậy thì không thấy lão Hệ đâu nhưng lại thấy anh Vãng ở nhà. Tôi hỏi anh Vãng thì được biết lão Hệ đã đạp xích lô đi chợ Ruồn cách nhà 18 cây số từ sáng sớm để mua lợn. Tôi hỏi:
- Nhà lão định nuôi lợn hay sao?
- Không, lão mua về thịt làm thức ăn cho cả nhà tuần sau đấy. Cậu cũng biết bây giờ nhà nước cấm thịt lợn lậu, người nuôi cũng không được thịt mà phải bán cho các cửa hàng của nhà nước hoặc các tư nhân nhưng có giấy phép hành nghề thịt lợn. Lão Hệ phải đi chợ xa mua lợn cho rẻ, cũng chỉ dám mua con lợn chừng 18, 20 cân thôi nói là về nuôi rồi đem về trót lọt thì làm thịt. Làm thế mới có thịt mà ăn và có thêm tí mỡ để xào nấu.
Tôi hỏi:
- Còn anh, sao hôm nay không đi làm?
- Hôm nay phiên tôi ở nhà chờ lát nữa lão Hệ về phụ giúp lão thịt lợn.
Tầm 9 giờ thì lão Hệ về. Sau khi đẩy chiếc xích lô vào gần nhà bếp trong đó có một nồi to nước đã đun xôi sẵn. Lão Hệ bảo anh Vãng:
- Anh đã chuẩn bị bao bì có tro bếp bên trong chưa?
- Rồi ạ.
- Thế thì tiến hành ngay thôi.
Như đã quen việc, anh Vãng lấy cái bao bì trong bếp ra, mở rộng miệng bao rồi đưa vào sát cái hòm gỗ ở dưới thùng cái xe. Lão Hệ nhanh nhẹn mở dây buộc nắp hòm rồi lùa tay vào trong vỗ vỗ. Một con lợn nhỏ nhưng béo hồng khẽ kêu ịt ịt vừa thò đầu ra thì lão Hệ nhanh tay ủn cả người nó vào cái miệng bao trong tay anh Vãng. Tôi thấy con lợn vừa thở vừa dãy dụa và kêu sặc sặc như bị nghẹt thở và tôi hiểu ra nó đã bị hít tro bếp trong bao nên không thể kêu to thành tiếng được. Lát sau con lợn nằm im thở, bấy giờ lão Hệ mới lôi nó ra rồi túm hai chân sau dốc ngược đầu nó xuống cho anh Vãng cắt tiết. Thoáng sau chưa đến nửa giờ họ đã cạo sạch lông con lợn rồi bắt đầu xả thịt.
Bữa trưa hôm ấy như một bữa tiệc nhỏ, có tiết canh, có cháo lòng dồi và đủ mấy món thịt lợn rán, xào, nấu.
Tôi hỏi anh Vãng:
- Chủ nhật nào lão Hệ cũng đi chợ Ruồn mua lợn về thịt à?
- Đâu có - Anh Vãng đáp. Khoảng 3 tuần hay 1 tháng mới đi một lần thôi. Cậu tưởng đem được con lợn về thịt dễ lắm à? Phải qua mấy chỗ quản lý thị trường gác, họ kiểm tra đòi xem giấy chứng thực là người chăn nuôi. Lão Hệ đã phải đóng hòm kín chở lợn và phải tìm cách vòng vèo qua mấy cung đường bờ ruộng mới đi thoát được đấy. Rồi về làm thịt nữa, không cẩn thận bị công an khu vực và tổ trưởng dân phố bắt được thì lôi thôi lắm. Lão bảo, rau thì nhà đầy ruộng, tôm tép thì mua chợ Hàng gần ngay nhà còn cá thì nuôi dưới ao, cần bắt thì thả vó kéo lên. Mổ con lợn để có ít thịt bồi dưỡng mấy ngày cho cả nhà còn chủ yếu là có lọ mỡ để xào rau, rán cá cho các bữa khác.
Ít lâu sau, đúng ngày chủ nhật lão Hệ đi chợ Ruồn thì hôm ấy tôi xuống thăm nhà mấy học sinh xem các em ăn ở học hành ở nhà ra sao đến gần trưa mới về. Vừa tới đầu ngõ vào nhà lão Hệ, tôi đã nghe tiếng lão giận giữ vọng ra:
- Các chú có giỏi thì cứ tịch thu chiếc xích lô của lão đem về ủy ban đi. Nhưng lão nói cho mà biết, nó là đầu cơ nghiệp của lão cũng giống như con trâu là đầu cơ nghiệp của người nông dân ấy. Không có nó để đi kiếm ăn, lão sẽ vác chiếu lên ủy ban nhịn đói nằm ngủ ngoài vỉa hè bao giờ trả xe cho lão thì mới về.
Tôi vội đi vào nhà thì thấy ông tổ trưởng dân phố và anh công an khu vực đang đứng bên chiếc xích lô cạnh cửa bếp, trên nền hiên bếp một con lợn đang cạo lông dở dang. Anh Lưu trong phiên trực giúp lão Hệ vẫy tôi ra ngoài gốc khế rồi khẽ nói:
- Hai ông con đang làm lông con lợn thì họ xộc vào lập biên bản giết lợn lậu và đòi lão Hệ điểm chỉ và nói sẽ tịch thu tang vật đưa lên ủy ban nhưng lão không chịu mà bảo:
- Sao lại gọi là giết lợn lậu? Tôi bỏ tiền ra mua lợn, tôi giết để ăn thịt chứ có đem bán lậu cho ai để kiếm lãi đâu.
Ông tổ trưởng nói:
- Không bán nhưng nhà nước đã cấm giết lợn mà lão vi phạm thì can tội giết lợn lậu còn chối cãi gì.
Lão Hệ bảo:
- Nhà tôi có 7 miệng ăn, tôi và vợ con có 3 phiếu mua thịt loại nhân dân, tháng 3 lạng một phiếu, cậu giáo phiếu cán bộ loại bét 4 lạng, ba anh thợ rong không có hộ khẩu nên không có tem phiéu. Nếu xếp hàng mua đủ một lần được 1 cân 3. Một cân 3 lạng thịt, ngần ấy người ăn dè may ra cũng đủ một bữa. Thử hỏi còn 59 bữa trong tháng ăn bằng cái gì? Hay là ăn bằng lợn gỗ. Vậy mà mua một con lợn nhỏ về lấy cái ăn để sống cũng là phạm tội.
Thế là họ bảo lão đã vi phạm chính sách lại còn nói xấu chính quyền và đòi tịch thu chiếc xích lô cùng tang vật về uỷ ban.
Anh Lưu kể xong ra hiệu cho tôi cùng nhau trở lại căn nhà bếp. Vừa lúc lão Hệ cất tiếng nói:
- Hai chú tịch thu những gì thì đem hết về uỷ ban đi. Hồi còn ở Tân đảo nghe cán bộ Nhà nước gửi qua tuyên truyền hay lắm: “Nước ta độc lập rồi, mau về xây dựng đất nước phồn vinh". Đang sống ở đất thuộc địa, làm phu cho chủ Tây, nghe “độc lập” ai mà không thích. Nào ngờ mình đã ra đi từ nơi nghèo khó, nay lại trở về nơi nghèo khó ấy. Biết thế này tôi đã ở lại Tân Đảo, lấy một cô vợ người thổ dân rồi chịu khó làm ăn thế nào cũng đến ngày khá giả.
Nghe lão Hệ nói thế, anh công an bỗng đổi thái độ:
- Thôi, nể lão là Việt kiều Tân Đảo hồi hương theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, lần này tha cho lão. Lần sau mà còn vi phạm nữa là không được đâu.
Nói xong anh ta vò nát tờ biên bản vứt vào cái bếp củi đang còn hồng than rồi ra hiệu cho ông tổ trưởng dân phố rút lui.
Tôi cứ nghĩ, lão Hệ sẽ không bao giờ đi chợ Ruồn mua lợn nhỏ về giết thịt nữa. Nhưng tôi đã nhầm, mấy tuần sau lão vẫn đi, có điều giờ lão khôn lên, nuôi một con chó dữ, khi thấy người lạ nó nhe răng xù lông xông ra cắn và sủa vang lên báo hiệu cho lão Hệ và người giúp việc biết, tống nhanh mọi thứ vào một cái rọ và quẳng ngay xuống ao.
Mùa hè năm ấy, trong đợt học tập chính trị của giáo viên liên trường dân lập, tôi bị phê bình tơi bời vì đã phát biểu mấy câu bị quy là mất lập trường giai cấp. Cuối đợt học, tôi bị xếp loại C. Lớp trưởng là một bà hiệu trưởng dân lập nổi tiếng “bôn”, xách tập bản thu hoạch lên nộp cho lãnh đạo Sở và báo cáo về tôi. Kết quả, hết hè năm đó tôi bị điều ra dạy ở ngoài hải đảo.
Tôi chào gia đình lão Hệ và ba anh thợ rong rồi đem chăn chiếu và hành lý ra bến tàu thuỷ.
Không vướng chuyện gia đình lại cũng không có việc gì lớn, ba năm liền tôi không vào thành phố, Cho đến năm học thứ tư, tôi được cử cùng hơn chục giáo viên hải đảo vào thành dự Hội giảng mùa Xuân để học hỏi kinh nghiệm. Xong việc, còn được một ngày nghỉ, tôi tìm về Miếu Hai Xã thăm lão Hệ thì mới hay lão đang ốm nặng và tôi chợt nhớ ra lão đã thất thập cổ lai hy rồi.
Thấy tôi về, lão  mừng lắm, giơ cả hai bàn tay gầy trơ xương ra cho tôi nắm rồi phều phào nói:
- Bọn anh Vãng, anh Thừa và anh Lưu, chúng nó về quê lấy vợ cả rồi, vừa làm ruộng vừa làm thợ ăn công điểm của hợp tác xã. Căn nhà này chỉ còn vợ chồng lão và đứa con gái, buồn lắm cậu ạ.
Tôi hỏi:
- Không còn ai nhờ lão nấu cơm nữa hay sao?
Lão khẽ cười:
- Có chứ, nhiều lắm. Nhưng lão già yếu rồi, không kham được nữa. Nhận giúp người ta mà không lo cho ngưới ta được bữa ăn tươm tất thì tội nghiệp lắm, cậu ạ.
Rồi như bỗng nhớ ra, lão vui hẳn lên, ngồi nhỏm dậy cầm tay tôi:
- Con bé Thu nó vẫn xuống thăm lão luôn đấy cậu ạ. Ờ mà lão quên mất, sao lại vẫn gọi cô ấy là con bé nhỉ? Giờ đã thành thiếu nữ mười tám xinh đẹp lắm lại đang học trường trung cấp y của thành phố. Cô ấy bảo rất nhớ cậu nhưng không biết cậu dạy trường nào ở ngoài đảo mà gửi thư ra.
Rồi đột ngột lão hỏi tôi:
- Mà năm nay cậu hăm mấy rồi?
- Dạ, cháu hăm bốn.
Lão Hệ cười ròn rã thành tiếng như không phải là người đang ốm nặng:
- Vậy cậu hơn cô Thu 6 tuổi. Đẹp đôi đấy!
- Sao lão lại nói thế ạ? - Tôi hỏi lão.
- Là cảm giác người già mách bảo lão nói thế. Lão biết cô ấy rất quý mến cậu.
Nói rồi lão giục tôi:
- Thôi tranh thủ đi thăm cô ấy đi và nhớ làm sao cho lão kịp ăn bánh kẹo trước khi lão về với tiên tổ nhé.
Lát sau, tôi từ biệt lão Hệ. Tôi bước ra khỏi căn nhà đã nuôi tôi sống gần trọn một năm, trong lòng xốn xang câu hỏi “Ra bến tàu ngay hay tìm đến nhà Thu, cô học trò bé nhất lớp năm xưa?”. Mà phải, không có cô bé tốt bụng ấy thì sao mình quen biết lão Hệ và có được những ngày ăn ở đầm ấm như một đứa con trong một gia đình phúc hậu?!


                      
Mời thư giãn với nhạc phẩm NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU
của Tiến Minh, qua tiếng hát của Lam Anh và Bằng Kiều:
            

*
Sài Gòn, tháng 07.2018
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...