TÂM HỒN CAO THƯỢNG
HAY
NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ?!
Mình rất thích cuốn Tâm hồn cao thượng, đọc đi đọc lại nhiều lần mà không thấy chán. Sau này đi dạy học, mình vẫn thường kể lại từng mẩu chuyện trong cuốn sách đó cho học sinh lớp mình chủ nhiệm nghe, các em cũng rất thích. Phải chăng vì nội dung cuốn sách rất hay và lời trong bản dịch của cụ Hà Mai Anh cũng rất đẹp?!
Tâm hồn cao thượng (tiếng Ý: Cuore; nghĩa là Trái tim) là một cuốn tiểu thuyết trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Lấy bối cảnh trong lúc nước Ý đang thống nhất cũng như nói về đề tài yêu nước. Tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên vào ngày 18 tháng 10, năm 1886, ngày khai trường ở Ý và trở thành một hiện tượng xuất bản ngay lập tức.
Bản dịch đầu tiên với nhan đề Tâm hồn cao thượng do Hà Mai Anh dịch từ bản tiếng Pháp Grands Coeurs của A.Piazzi, bản dịch đoạt "Giải thưởng Văn chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội" năm 1948, rất phổ biến trong các thập niên 1950, 1960 và có lúc được trích đoạn dùng trong sách giáo khoa lớp 7 tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, đến nay vẫn còn được tái bản nhiều lần, mới nhất là bởi Nhà xuất bản Thanh niên tái bản lần thứ 7 năm 2008 (bỏ một số tiểu truyện).[1]. Tại miền Nam Việt Nam, trước năm 1975, bản dịch này đã gây những ấn tượng sâu xa trong thế hệ niên thiếu của thời đó, được xem như một cuốn "luân lý giáo khoa thư" của thế kỷ 20. Nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh đã coi cuốn sách Tâm hồn cao thượng với bản dịch tiếng Việt của nhà giáo Hà Mai Anh là "cuốn sách đã ảnh hưởng nhiều nhất từ trước tới nay" đến ông. Ông Nguyễn Xuân Vinh viết về cuốn sách này:
"...Những câu chuyện ở học đường, và trong gia đình, về các thầy giáo, cô giáo và bè bạn của An-Di, những mẩu chuyện vui hay buồn đã xảy ra trong thành phố cổ xưa này đã được kể lại trong sách bằng một văn phong giản dị và trong sáng, thắm đặm tình người.... đặc biệt là cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi được đọc, tả cuộc đời của cậu bé An-Di trong một năm học ở lớp Ba, đã cho tôi nhiều bài học về lòng thương người, phương cách cư xử chung thủy với bè bạn, và hiếu kính với mẹ cha..."
Nhà giáo, dịch giả Hà Mai Anh
Sau giải phóng miền Nam, một bản dịch khác là Những tấm lòng cao cả do Hoàng Thiếu Sơn dịch, được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành lần đầu năm 1977, được tái bản nhiều lần do các nhà xuất bản khác ấn hành, có bản ghi tên người dịch khác là Trương Thái Dung. Mình có mua và đọc nhưng thấy bản dịch này không hay bằng bản dịch của hà Mai Anh mặc dù nhiều đoạn gần như bê nguyên xi lại.
Một số trong những lời văn chọn lọc, những từ ngữ chính xác mà nhà giáo tận tâm và người dịch Hà Mai Anh đã khổ công tra cứu, nghiền ngẫm, nay đã bị xóa bỏ, thêm thắt trong cuốn sách của chính ông dịch nhưng in ở Việt Nam sau 1975.
Nếu đọc kỹ trang 198 đến trang 200!” Những trang này cho biết nhà xuất bản Thanh Niên ở trong nước đã in lại “Tâm Hồn Cao Thượng” do Hà Mai Anh dịch và tự động tung tác những hành vi sau đây: -An-Di của Hà Mai Anh dịch tên Henry, bị họ sửa là Enrico. -Ðảo Xác-đe của HMA dịch đảo Sarde thì họ sửa là Xarđênha. -Thay từ “nhân dân” bằng “dân-sự” (trang 226). -Thay từ “tương tàn” bằng “thương tâm” (tr. 225). -Sửa từ “chung sống” bằng “sống chung” (tr. 100). -Thay từ “bác sĩ” bằng “quan thầy thuốc nhà binh” - sửa từ “thân ái” bằng “thân thuộc” - thay từ “Thưa Ðại-úy” bằng “Bẩm Ðại-úy” (tr. 99). -Thay câu “Thưa Ðại úy, xin Ðại úy hãy tin vào em” thành “Bẩm Ðại úy, xin Ngài hãy tin vào con” (tr. 96). -Sửa từ “vòng bán nguyệt” thành “vòng cung bao vây” - sửa từ “Em đánh trống” bằng “Thằng đánh trống” (tr. 95). -Tất cả các chữ Em trong bản dịch HMA bị đổi thành Thằng, Mày, Nó, Con (tr. 94-99). -Cắt bỏ phần chú thích và giải nghĩa.
Thiết nghĩ một bản dịch đã có sức sống và lôi cuốn hàng triệu người đọc suốt trong mấy chục năm thì cần gì phải dịch lại và sửa đổi từ ngữ theo ý các kiểm duyệt viên “chịu trách nhiệm xuất bản” và các cấp trên của họ nhằm tiêu diệt mọi người không nghĩ giống họ?!
Năm 2017 FAHASA cho xuất bản Tâm hồn cao thượng do Hà Mai Anh dịch với lời giới thiệu:
Năm 1948, Tâm hồn cao thượng lần đầu tiên xuất bản ở Việt Nam để rồi từ đó đến tận bây giờ, tác phẩm này vẫn luôn là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ. Tác phẩm được xem như một cuốn “luân lý giáo khoa thư” của thế kỷ 20. Sức ảnh hưởng một cuốn tiểu thuyết trẻ em, xuất phát từ đâu? Câu trả lời, rất đơn giản: Từ điều bình dị nhất, là sự tử tế.
Việc xuất bản này cũng nên coi là một sự tử tế của FAHASA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét