Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

CHÍN NĂM ĐÈN SÁCH (6)


  

Vào lớp 8H trường PT cấp 3, tôi chỉ còn anh Nguyễn Văn May thân thiết đã 4 năm ở Trung học Nguyễn Trãi. Anh Nguyễn Hưng Nhân đã thôi học phổ thông, thi vào trường trung cấp kỹ thuật 1 Hà Nội. Tuy thế, chỉ sau ít ngày tôi đã có thêm những người bạn mới

Trước hết là anh Lê Văn Mãn, người đã gợi ý cho tôi việc đi bán báo Nhân Văn. Anh Mẫn vẫn tiếp tục đi bán kem, thấy tôi mất việc, anh bảo tôi nếu muốn đi bán kem như anh, anh sẽ giới thiệu với bà chủ hiệu kem nhưng tôi chưa có gan đeo cái thùng kem đi rong phố phường như anh.

Hai anh em anh Lê Đình Nghĩa và Lê Đình Phúc, nhà ở ngay bên cạnh phố nhà tôi ở, rất tiện cho chúng tôi hẹn hò nhau cùng đi học. Bố của hai anh  là ông Lê Đình Xá, một nhân viên kế toán kép rất giỏi việc làm cho cty than Hồng Gai của Pháp nay được lưu dung. Ngôi nhà của ông Hiền là một ngôi nhà 2 tầng kiểu Tây rất đẹp. Bà vợ đầu của ông tức mẹ đẻ của hai anh Nghĩa và Phúc đã mất để lại 5 người con: anh con cả bị câm bẩm sinh, hai anh Nghĩa và Phúc, tiếp theo là một cô em gái và cậu em út. Ông Xá lấy bà vợ kế có thêm hai con trai nhỏ một 8 tuổi, một  10 tuổi, giao cho bà này trông nom nhà cửa và cả đàn con để tiện việc ra làm tận ngoài Hồng Gai. Thời Pháp chủ mỏ có xe đưa đón nên chiều thứ Bẩy nào ông Xá cũng về nhà đến sáng thứ Hai đi sớm ra ngoài mỏ. Nay xe cộ khó khăn, mỗi tháng ông mới bắt xe khách về một lần lại thêm bà mẹ kế rất lành nên hai anh em Nghĩa Phúc rất thoải mái, nhà đẹp lại rộng tha hồ mời các bạn đến chơi và học. Anh Nghĩa chỉ thích học mỗi môn tiếng Anh, nay tiếng Anh bị bỏ anh vẫn kiếm sách cũ tự học. Anh luôn dắt trong túi áo một mẩu bút chì gọt nhọn đầu để đọc sách tiếng Anh, đến từ nào chưa biết thì gạch chân nó rồi tra từ điển ghi nghĩa của nó ở bên lề trang. Nhiều buổi tối, anh Hậu rủ chúng tôi ra vườn hoa Pásteur nằm ở giữa 4 tuyến phố Tăng Bạt Hổ, Trần Nhân Tông, Yecxanh, Nguyễn Công Trứ rất gần nhà chúng tôi gặp những người lính Ấn Độ trong  Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Việt Nam để trò chuyện với họ bằng tiếng Anh, coi như một cách tập luyện nói cho tốt. Những người lính Ấn Độ cũng rất hiếu khách, lần nào họ cũng cho chúng tôi mỗi người một gói hạt hướng dương đã rang chín để cùng nhau vừa cắn cho thơm miệng vừa nói chuyện vui vẻ với nhau.

Anh Phúc không ham học tiếng Anh như anh Nghĩa nhưng có năng khiếu về hội họa và rất thích nghe nhạc. Nhà anh có cái radio Philips Hà Lan lại có cái máy quay đĩa hiện đại, một lúc kẹp 10 đĩa, chơi hết đĩa này đĩa sau tự động rơi xuống nối tiếp luôn. Vì vậy những tối mưa phùn ẩm ướt, mấy chúng tôi đến nhà anh làm bài xong thì nghe đĩa đến khuya mới về.

Anh Nguyễn Trọng Cường, người Lạng Sơn xuống Hà nội trọ học, ở nhà anh Nguyễn Thanh Lợi ngoài phó Huế cũng gần nhà tôi và nhà hai anh em Nghĩa Phúc nên cũng chóng thân nhau. Anh Cường thích thơ văn, hay làm thơ và cũng thích nghe nhạc. Còn anh Lợi thì củ mỉ cù mì, nhà  mở hiệu cát tóc do anh là thợ chính nên không mấy khi đến nhà ai chơi. Bạn bè ai tóc dài đều đến anh cắt cho không lấy tiền. Thời ấy để tóc dài cớm gáy đến trường là bị nhắc nhở phê bình ngay và bị gọi là Tarzan, một nhân vật hư cấu, một đứa trẻ hoang dã lớn lên trong rừng rậm châu Phi với các loài khỉ lớn 

Anh Lê Xuân Doanh nhà ở phố Hai Bà Trưng xa phố nhà chúng tôi nên không mấy khi anh đến nhưng rất hào phóng luôn mời anh em đến nhà mình đãi ăn xôi hay uống cà phê. Bố anh mất sớm, bà mẹ ở vậy nuôi con khi mới 3 tuổi, nhà mặt đường nên mở hàng bán điểm tâm xôi sáng và cà phê giải khát cả ngày. Xôi bà nấu rất ngon, xôi trắng ăn với ruốc hoặc thịt nhừ. Cà phê bà pha cũng rất khéo nên hàng rất đông khách. Chúng tôi thường đến chơi với anh Doanh vào gần trưa ngày Chủ nhật để khỏi ảnh hưởng đến việc bán hàng của mẹ anh. Mặc dầu vậy, lần nào hẹn đến anh cũng đem xôi ra cho chúng tôi ăn, anh bảo tớ đã xin mẹ từ sáng rồi và mẹ tớ cũng rất vui vẻ, cứ ăn tự nhiên nhé.

Anh Trần Mai Chí con ông Trần Mai Căn, chủ một cửa hiệu áo mưa nylon nổi danh Hà Nội ở trên phố Hàng Đào. Ông Trần Mai Căn du học Pháp, có bằng cử nhân, về nước không ra làm quan huyện mà chọn con đường thương mại nhằm góp phần canh tân đất nước. Nhà ông là ngôi biệt thự 2 mặt phố ở góc Hàng Bài và Lý Thường Kiệt, nhìn sang mé phải trường trung học Nguyễn Trãi cũ. Nhà có 1 tầng hầm bên dươi để chống ẩm và 2 tầng để ở bên trên tầng hầm. Gọi là tầng hầm chống ẩm nhưng người có thể đi lại bên trong dễ dàng. Anh Trần Mai Chí là con trai thứ ba trong nhà sau người chị cả và người anh thứ hai là Trần Mai Côn. Hai anh em Chí Côn cùng học ngang nhau nhưng mỗi người một lớp và Chí học giỏi hơn, có nhiều bạn bè hơn. Ông Căn thuê gia sư kèm dạy các con ngoại ngữ từ nhỏ nên Trần Mai Chí đọc và nói tiếng Pháp, tiếng Anh khá thành thạo từ khi còn học tiểu học. Trần Mai Chí da trắng hồng, môi lúc nào cũng phơn phớt đỏ như môi con gái, tính hay bẽn lẽn nhưng lại rất say mê Toán học.  Anh đã tự mình tìm lại cho ra con số pi 3,14…(thường người ta  gọi là  , c, hay p) và say mê giải các bài toán khó. Đến chơi nhà anh, bao giờ cũng được bà u già giúp việc mời nước rất chu đáo, mùa hè nước lọc có đá lạnh, mùa đông là nước trà thơm và nóng.

Ngoài ra tôi còn một số bạn khác, không thân nhưng rất quý mến nhau như anh Đặng Vũ Lạc, nhà ở phố Khâm Thiên,  anh Trần Xuân Hoan nhà ở phố chợ Mơ…


Cổng trường THPT Việt Đức

Cổng trường cấp 3A nguyên là trường dòng École Puginier

Không hiểu sao, từ năm 1956 trong học sinh bỗng sôi nổi phong trào làm báo tường còn gọi là bích báo. Từ thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo chủ nhiệm, Bí thư đoàn trường và bí thư đoàn lớp đến toàn thể học sinh đều tham gia viết báo. Trong phòng Hội đồng giáo viên có báo của các thầy cô, trên tường lớp nào có báo của lớp đó.

Các thầy cô chủ nhiệm lớp thống nhất bảo nhau quy định bắt học sinh phải 100% tham gia viết báo tường, ai không có bài sẽ trừ điểm thi đua vào hạnh kiểm.Thời ấy, hạnh kiểm của học sinh quan trọng ngang ngửa thậm chí là hơn cả thành tích học tập. Khi cả lớp đều hạnh kiểm tốt và khá, ai đó bị hạnh kiểm trung bình sẽ là “con quái vật” trong mắt bạn bè, gia đình và nhà trường. Hạnh kiểm mà trung bình thì coi như có án bị kỷ luật. Vì vậy, mỗi dịp phát động viết báo tường, nhiều người hăng hái viết đến 2, 3 bài liền nhưng cũng nhiều người lo sốt vó vì thực sự không biết viết gì để nộp dù tình cảm với bạn bè, trường lớp, thầy cô luôn dạt dào trong lòng.  

Những người hăng hái viết thì nghĩ ngợi làm thơ rồi hì hụi chép lại và trình bày hoa lá cho đẹp, những người không biết viết báo thì mò mẫm tìm sách báo chép lại bài trong đó, sửa chữa tí chút rồi cũng trình bày hoa lá cho xong để nộp bài cho lớp…Tôi nói trình bày hoa lá với đúng nghĩa của hai chữ hoa lá vì hầu hết không mấy ai biết vẽ cảnh vẽ người mà chỉ vẽ hoa lá hoặc in lại hoạ tiết hoa lá bằng giấy than rồi tô màu lên.

Tường để dán báo lên là một tờ giấy vẽ lớn, trên đầu rộng chừng 2, 3 chục cm kẻ tên báo. Nếu lớp có bạn biết kẻ chữ đẹp thì giao bạn đó làm tên báo một lần dùng cả năm học. Nếu lớp không ai làm được thì lớp phó phụ trách văn nghệ bích báo đi nhờ có khi trả tiền thuê một họa sĩ vườn nào đó làm. Tên báo thường chọn những từ có tính cách hô hào như Tiến Lên, Quyết Tâm, Quyết thắng, Phấn Đấu, Cờ  Đỏ...Vì vậy có thể thấy trong một khối lớp có nhiều tên báo trùng nhau như Tiến Lên của lớp 8A, Tiến Lên của lớp 8D, Tiến Lên của lớp 8G…Nhưng tờ nào tờ ấy cũng rất tự hào ghi thêm dòng chữ :Tiếng nói lớp X”. Lớp phó chỉ còn việc dán các bài nhận được bên dưới tên tờ báo. Vì tờ giấy vẽ thường chỉ có kích thước 80x100 (cm) mà lớp có tới 5 chục học sinh nên bài nọ phải dán mớm chồng lên bài kia, bài nào nộp trước thì nằm dưới, bài nào nộp sau thì nằm trên, muốn đọc bài dưới phải lật bài trên lên thì mới xem được. Sang số tiếp, chỉ việc nhẹ tay bóc bỏ các bài cũ đi dán bài mới vào, cứ thế cho hết năm học thì cũng hết một năm báo tường.

Tôi được các bạn bầu phụ trách báo tường của lớp. Nhận thấy cách làm báo cổ truyền như trên không mấy hấp dẫn, tôi hẹn gặp các bạn bè thân quen tại nhà anh Lê Xuân Doanh có mời anh Nguyễn Hưng Nhân bên trường Kỹ thuật trung câp dự vì anh Nhân nổi tiếng có nhiều bài báo tường rất hay hồi học lớp 7A Nguyễn Trãi.

Vào cuộc họp, tôi nêu lên những hạn chế và sự bất tiện của tờ bích báo lớp và nói rõ ý định làm một tờ bích báo cho ra bích báo, không chỉ để riêng trong lớp đọc với nhau mà sẽ ra mắt trong toàn trường. Tôi nói, sẽ thuê đóng một cái liếp to có thể chứa được 3, 4 tờ giấy vẽ. Các bài báo nhận về sẽ được biên tập, bài nào hay thì mới đăng bài nào không hay thì không đăng nhưng có hộp thư trao đổi với người viết động viên họ viết tốt hơn. Như vậy, mỗi số ra báo chỉ cần trên dưới 30 bài là đủ. Bài biên tập rồi sẽ được những người trong ban trình bầy chia nhau viết lại trực tiếp trên tờ giấy vẽ, mỗi bài chiếm một vài cột nhất định sau đó đưa họa sĩ minh họa, xong thì đem đến trường căng lên liếp và treo dưới bóng mát của một cây xà cừ để mọi người xem.

Ý kiến dó được các bạn hào hứng tiếp nhận, bàn bạc thêm rồi phân công cụ thể: Tôi sẽ là trưởng ban biên tập, biết kẽ chữ to nên sẽ trình bày tên tờ báo cho thật nổi. Hai người gọi là ấn loát cho oai sẽ nhận bài và chép lại bằng bút sắt mực tàu những nét chữ đậm và đẹp là tôi và anh Nguyễn Văn May. Khi viết lại bài thì để trống sao cho tốt nhất cho người viết tên bài và người minh họa. Người trình bày tên tất cả các bài cũng là tôi và người vẽ minh họa là anh Lê Đình Phúc.

Giờ bàn đến tên tờ báo, vẫn là tôi có ý kiến trước sẽ đặt tên cho tờ báo là Ngôi Sao. Tôi nói, ngôi sao là một thiên thể nhìn thấy như những điểm sáng lấp lánh trên bầu trời ban đêm. Hầu hết những vì sao đẹp đều mang đến điềm lành cho con người khiến chúng ta cảm thấy yên bình và tràn đầy hy vọng khi nhìn thấy hay nghĩ về những ngôi sao đó. Năm 1494, vua Lê Thánh  Tông lập ra Tao đàn, tập hợp 28 vị tiến sĩ được coi như  28 vì sao sáng trên bầu trời thơ văn Đại Việt lúc đó, vì vạy hậu thế gọi hội xướng họa thi ca mà Lê Thánh Tông đã sáng lập là Tao Đàn nhị thập bát tú.

Mọi người nhất trí tán thành ngay rồi chuyển sang bàn nhau về tài chính cho tờ báo tức là tiền mua giấy vẽ, mực tàu, bút săt, bút lông và hộp màu vẽ. Tôi bảo sẽ kêu gọi lớp đóng góp nhưng anh Lê Xuân Doanh nhanh nhảu gạt đi và nói:
-Tôi không viết được chữ đẹp cũng không biết vẽ nên tôi xin nhận tất cả mọi chi phí cho tờ báo, hết giấy, hết mực thì các anh trong ban biên tập cứ bảo, tôi sẽ đưa tiền mua ngay.

Hôm sinh hoạt lớp tiết cuối ngày thứ 7 tôi trình bày ý định dó với thầy Hoàng An chủ nhiệm lớp và các bạn. Tất cả đều đồng ý. Thầy Hoàng An bảo:
- Một ý định hay và sáng tạo, thầy ủng hộ và mong các em làm cho tốt.

Thầy Hoàng An đã học ở khu học xá Nam Ninh, dạy môn Văn, người nhỏ  nhăn, nói năng rất nhẹ nhàng, giảng Văn không hay lắm nhưng có chiều sâu nên được học sinh rất quý mến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...