Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

CHÍN NĂM ĐÈN SÁCH (3)


Trường Trung học Nguyễn Trãi những năm tôi học, từ thầy hiệu trưởng đến các giáo sư toàn là nam giới, không có một cô giáo nào, thậm chí lao công quét dọn nhà vệ sinh cũng là đàn ông. Trong 4 năm học, có tới hơn bốn chục thầy đã dạy tôi nhưng tôi nhớ nhất có mấy thầy sau:

Trước tiên là thầy Trọng, Tổng giám thị nhà trường. Thầy Trọng to cao vạm vỡ trông như một võ tướng. Mùa hè luôn mặc áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ trong quần sooc trắng. Mùa đông là bộ đồng phục màu đen, cả cà vạt cũng đen nốt. Giờ ra chơi nào, thày cũng đi khắp sân trường với nét mặt lúc nào cũng làm nghiêm, trông thấy học sinh nào vi phạm nội quy liền khoát tay vẫy gọi lại để cảnh cáo. Hoặc nhận giấy vào ngày cuối tuần như làu chùi lớp, dọn thùng rác, quét nhà vệ sinh, cạo các vết bẩn trên hành lang sàn, … hay phạt ở lại trường sau giờ học ngay ngày hôm đó để chép phạt vài trăm lần một câu thầy nhắc nhở. Một lần ra chơi vào mùa đông, trời rất rét nên tôi đút hai tay vào túi quần cho ấm, đang lững thững đi trong sân thì thầy Trọng trông thấy khoát tay lệnh cho tôi tới bên thầy. Khi tôi chào thầy xong, đứng nghiêm người lại thì thầy quắc mắt hỏi:
-Mày có biết mày vừa phạm tội gì không?
Tim tôi rung bần bật trong lồng ngực vì sợ hãi nhưng không biết mình phạm tội gì nên mặt nghệt ra. Thầy Trọng bảo:
-Mày đút hai tay vào túi quần đi trong sân đông người. Nhỡ có ai chạy đâm vào mày thì mày lấy cái gì chống đỡ. Lần sau đi trong sân trường cấm đút tay vào túi quần, nghe chưa?
-Dạ, thưa thầy con rõ rồi ạ!- Tôi lí nhí lễ phép đáp lại và được thầy ra hiệu cho đi.
Từ đấy mỗi lần trông thấy thầy Trọng từ xa, tôi vội tìm cách tránh xa thêm thầy.
Sau hè 1954, thầy Trọng di cư vào Nam.

Hai thầy dạy tiếng Anh Nguyễn Xuân và Nguyễn Đình Sửu đều để lại ấn tượng mạnh không chỉ riêng tôi mà là tất cả học sinh đã học các thầy. Thầy Nguyễn Đình Sửu dạy Đệ Thất và Đệ Lục, Thầy Nguyễn Xuân dậy lớp Đệ Ngũ. Thày Sửu năm đó đã 36 tuổi nhưng chưa lập gia đình, dáng cao và khoẻ mạnh, lúc nào cũng đeo đôi kính râm gọng đồi mồi sang trọng, đến trường lúc nào cũng trong bộ com lê tuỳ mùa mà thay vải và màu sắc. Đặc biệt, mỗi ngày thầy thắt một cà vạt khác nhau, toàn hàng đẹp và sang trọng. Vì thầy sống một mình lại vui tính nên bọn học trò chúng tôi hay rủ nhau đến nhà thầy chơi. Có lần thầy cho chúng tôi xem phòng treo cà vạt của thầy, một cái phòng rộng chừng mười mấy mét vuông, kê hàng chục giá treo ca vạt đủ các màu sắc xanh đỏ, vàng đen, vàng nâu, tím bạc. Thầy chỉ vào từng cái giới thiệu lai lịch của nó: cái này là lụa vàng  nâu mua ở Hàng Đào, cái này là len xanh đặt mua từ bên Pháp, cái này là coton đỏ bà chị gái tặng...Thời bấy giờ sách học tiếng Anh là quyển L’Anglais Vivant  Bleu do một giáo sư người Pháp soạn cho học sinh Pháp, nhà La Hachette xuất bản và học sinh Việt ta vì chưa có sách nên đành học ké. Thầy Sửu đến lớp không bao giờ mang theo cặp hay sách dạy. Vào lớp, sau khi cho học sinh mở sách để trên bàn, thầy rút từ trong túi quần ra mấy tờ sách xé ra từ cuốn sách L’Anglais Vivant  Bleu để đọc và giảng cho học sinh. Sang lớp khác ở những tiết sau cũng thế, cho hết buổi học thầy mới vứt mấy trang sách đó vào sọt giấy.
Thầy Sửu rất mê cô bán sách ngoại văn ở phố Tràng Tiền. Hết giờ dậy thầy ra ngay hiệu sách, loanh quanh tìm hết cuốn này đến quyển khác rồi ra quầy tìm cách hỏi chuyện cô nàng. Nhưng hai năm học trôi qua vẫn không thấy thầy nói đến chuyện cưới vợ.

Sau năm 1954, tiếng Anh bị vứt bỏ để học tiếng Trung về sau là Tiếng Nga, thầy Sửu mất nghiệp. Người ta cho thầy trông coi học sinh trong các buổi lao động dọn dẹp nhà trường một thời gian dài rồi cho chuyển sang dạy môn Địa lý lớp 5 phổ thông cấp Hai. Nghe nói đến khi nghỉ hưu thầy cũng chưa lấy vợ.

Thầy Nguyễn Xuân thì khác. Du học ở bên Anh rồi học thêm nghề may rồi về  nước vừa làm giáo sư Anh ngữ vừa làm Xuan tailor ở nhà riêng, rất đông khách vì may đẹp và kiểu cách Tây hiện đại. Giọng đọc tiếng Anh của thầy Xuân ấm và hay hơn giọng thầy Nguyễn Đình Sửu. Do có nghề may nên khi mất chức giáo sư trung học,  thầy Xuân xin thôi việc, yên lòng về làm tailor.

Thầy Chung Quân (tên thật là Nguyễn Đức Tiến) dạy nhạc cũng rất ấn tượng. Thầy Tiến đẹp trai, dáng dong dỏng cao, hay đeo kính mát gọng vàng, và ăn mặc rất sang trọng.  Năm đó thầy còn rất trẻ, chỉ hơn bọn mới vào trường chúng tôi  một, hai tuổi và có khi còn kém tuổi nhiều anh học chuyên ban Tú tài. Nghe nói  khi mới 16 tuổi, bản Làng tôi của thầy đã đã đánh bại các bậc đàn anh giành được giải của Công ty điện ảnh, tuồng cải lương Kim Chung ở Hà Nội và được lấy làm bản nhạc nền cho phim Kiếp hoa, một trong số ít những phim Việt Nam thực hiện trong thời kỳ này. Vì là phim có tiếng nói đầu tiên kể từ năm 1937 khi ngành phim ảnh Việt Nam được khai sinh, Kiếp Hoa nổi tiếng khiến bản nhạc Làng Tôi và tác giả của nó cũng nổi tiếng theo, cả nước đều biết. 
Do danh tiếng của mình từ khi đoạt giải lại thêm đang học sư phạm chuyên ngành về Nhạc, nên còn rất trẻ tuổi, thầy Chung Quân được trường mời về dạy nhạc cho các lớp từ đệ Thất đến đệ Tứ.  

Trẻ tuổi nhưng thầy Chung Quân rất lạnh lùng với học sinh. Trên lớp thầy nói nhỏ nhẹ, giảng bài hay gọi học sinh đứng lên xướng âm cũng nhỏ nhẹ, chúng tôi bảo thầy giữ giọng đấy. Mà đúng thế thật, khi thầy xướng âm hay hát mẫu, giọng của thầy mới to hẳn lên và bao giờ trước khi hát thầy cũng trịnh trọng gõ thanh nĩa chuẩn âm (gọi là ‘âm thoa’) bằng kim loại trắng. Không biết có phải nhạc chỉ là môn học phụ, có hệ số điểm thấp nhất là 1, mỗi tuần chỉ học có một giờ (giống như Vẽ, Thể dục) mà  thầy không biết tên chúng tôi. Tôi chưa bao giờ thấy thầy có nhớ, và gọi tên bất cứ một học sinh nào - trừ khi có sổ điểm trước mặt!

Bản nhạc Làng tôi của thầy hay và nổi tiếng nên các lớp học thầy đều được thầy dạy hát thuộc lòng và nhà trường giao cho thầy thành lập một dàn đồng ca dạy hát và lĩnh xướng bài đó để mỗi khi  nhà trường đón khách hay tổ chức liên hoan văn nghệ ở hội trường thì biểu diễn.

Năm 1954, thầy Chung Quân cùng gia đình di cư vào miền Nam Việt Nam, Sau khi nước nhà thống nhất, vào Sài Gòn, tôi có hỏi mấy chú em con cậu tôi thì được biết, thầy Chung Quân tiếp tục dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thầy Chung Quân còn  là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc... Cũng khoảng thời gian 1955 - 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải  đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi. Ông không di tản mà vẫn ở lại Việt Nam.


Trường Nguyễn Trãi một thuở

Hai năm đầu học trường Nguyễn Trãi, tôi có 2 kỷ niệm đáng gi nhớ.

Một là, năm lớp Đệ thất tôi được cấp học bổng do là con nhà nông dân nghèo không còn bố, mẹ nuôi 3 con không có ruộng. Tôi không nhớ số tiền là bao nhiêu nhưng khi đem về đưa cậu tôi thì cậu tôi đã mua cho tôi một chiếc đồng hồ đeo tay Nikles, một chiếc cặp làm bằng da bò đã được thuộc tại nhà máy thuộc da Thụy Khuê và một bộ quần áo đồng phục mùa hè vải mềm màu cứt ngựa nhạt. Bây giờ đi học, tôi mặc bộ quần áo đồng phục mới, tay xách cặp chứ không cầm túi vải nữa và cổ tay đeo đồng hồ nom oách hẳn lên khiến mấy anh trong lớp hay nói trêu ghẹo tôi: Đồng hồ Nikes vừa nghe vừa lắc, cho xem tí nào?

Anh Nguyễn Văn May cũng được học bổng như tôi, anh cũng đưa cho mẹ anh hết nhưng bà chỉ sắm cho anh bộ quần áo đồng phục và bảo để gửi vè quê cho em anh có tiền mua sách vở.

Kỷ niệm thứ hai là, cuối năm lớp Đệ lục tôi được lên Nhà hát lớn Thành phố nhận thưởng về môn Quốc Văn. Hồi ấy nhà trường không chia năm học thành 2 học kỳ như bây giờ mà  chia thành hai kỳ "lục cá nguyệt". Cuối mỗi kỳ lục cá nguyệt đều có bài thi cho từng môn rồi căn cứ vào điểm số bài thi mà xếp hạng học sinh về môn đó. Cả hai kỳ lục cá nguyệt, tôi đều được xếp hạng nhất về môn Quốc Văn nên cuối năm được phần thưởng về môn đó. Mà phần thưởng cũng không nhỏ: 10 cuốn vở 100 trang,  hai cuốn Cổ học tinh hoa do hai nhà nho là cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân biên soạn, 1 cuốn Tâm hồn cao thượng do nhà giáo Hà Mai anh dịch từ từ bản Pháp ngữ “Les Grand Coeurs” của nhà văn Ý Edmond de Amicis và 1 cuốn Tự Điển Bách Khoa Larousse. 




Các kỳ nghỉ hè hai năm 1953, 1954, cậu tôi gửi tôi lên học thêm ở trường Dũng Lạc, mang tên linh mục Andre Trần Dũng Lạc bị xử trảm ngày 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng. Trường ở ngay bên hông Nhà thờ Lớn, do cha Nguyễn Huy Mai Chánh xứ nhà thờ chính tòa sáng lập và làm hiệu trưởng. Trường Dũng Lạc mời được nhiều giáo sư danh tiếng về dạy nên rất đông học sinh như tôi được học thêm  môn Quốc Văn do thầy Bùi Xuân Uyên, chủ nhiệm kiêm chủ bút Tuần báo Thế kỷ dạy. Cha mai rất hiền hậu. Giờ ra chơi nào cha cũng ra ngoài cửa văn phòng, trong bộ áo chùng thâm, đôi kính trắng đứng nhìn các trò chơi đùa trong sân trường. Sau hiệp định Genève ra đời, cha Nguyễn Huy Mai cùng một số lớn linh mục Hà Nội cũng đi vào Nam. Cha Nguyễn Huy Mai gia nhập giáo phận Kontum, dưới quyền Giám mục đương nhiệm Paul Seitz.Từ năm 1964, linh mục giữ chức Thư ký thường trực Hội đồng Giám mục miền Nam.



Cha Phê rô Nguyễn Huy Mai

Đường đi học trường Dũng Lạc của tôi xa hơn trường Nguyễn Trãi. Nhà tôi ở phố Phùng Khắc Khoan, phía sau chợ Hôm. Trường Dũng Lạc nằm bên hông nhà thờ Lớn Hà Nội. Từ nhà, tôi theo phố Huế, đụng Hồ Hoàn Kiếm, rẽ trái trên phố Tràng Tiền, rẽ phải theo ven Hồ Hoàn Kiếm, thêm một cái rẽ trái nữa là đã thấy Nhà Thờ Lớn. Chặng dài nhất là phố Huế, khi tôi đi bộ, khi tôi đi xe điện. Nhưng tôi thích đi bộ, một phần không có tiền mua vé xe điện, một phần vừa đi vừa đọc truyện kiếm hiệp, Thể loại này từng làm mưa làm gió trên mặt báo suốt một thời gian dài những Long hình quái khách, Giang hồ kỳ hiệp, Hỏa thiêu Hồng Liên tự…Lại thêm cái thú nữa là hôm nào rùa Hồ Gươm nổi lên thì đứng lại xem cùng với mọi người. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...