Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

CHÍN NĂM ĐÈN SÁCH (2)



Cuối hè năm đó, tôi phải thi vào trường Trung học Nguyễn Trãi,  là trường THCS Trưng Vương Hà Nội ngày nay, nằm trên một nền đất vuông vức ngay ngã tư phố Hàng Bài và phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội (thời Pháp là đại lộ Đồng Khánh và đại lộ Carreau). Đây là một ngôi trường nổi tiếng đào tạo nữ sinh Việt Nam và là một trong số ít những ngôi trường vẫn còn giữ được nét cổ kính và duyên dáng theo lối kiến trúc Pháp ở giữa lòng thủ đô. Tuy nhiên ít ai biết được ngôi trường này trước kia có tên gọi là Trường trung học Paul Bert – tên chính danh của trường. Còn các tên gọi khác theo hệ đào tạo là Trường Cao đẳng tiểu học Nam sinh (Trường Con Trai – École des Garçons), Cơ sở giáo dục Nữ sinh người Việt (Institution de Jeunes filles annamites), Trường Sư phạm nữ sinh người Việt (École Normale des Institutrices annamites), Trường Trung học nữ sinh người Việt (Collège de Jeunes filles annamites), hay trường được gọi theo tên phố là Trường Nữ sinh Đồng Khánh (École de Jeunes filles de Đồng Khánh), vì mặt chính nhìn ra đại lộ Đồng Khánh và nhiều nét riêng biệt khác nữa. Năm 1948 đánh dấu một lần đổi tên mới là Trường Nữ Trung học Trưng Vương.. Nhưng người dân Hà Nội vẫn gọi rất đơn giản là Trường Hàng Bài.

Ngày nay, không mấy ai tin khi nói trường Hàng Bài đã một thời là trường trung học Nguyễn Trãi. Khoảng thập kỷ 90, tôi cùng đoàn giáo viên quận Hồng Bàng Hải Phòng về thăm trường THCS Trưng Vương hiện nay, tôi nói tôi đã học ở đây hồi trường mang tên Nguyễn Trãi thì ai cũng ngạc nhiên và ngờ vực. Có người còn hỏi nhạo tôi: “Hay anh thấy trường người ta nổi danh đẹp và sang quá nên bắt quàng làm trường cũ của mình?”. Tôi giận đắng lòng nhưng cũng đành nhịn thinh vì không biết lấy gì minh chứng. Vì chính trong phòng truyền thống của trường, người ta xem bảng viết về lịch sử trường cũng chỉ thấy  viết:

Trường Trưng Vương được thành lập năm 1917, lúc đầu ở phố Hàng Cót (trường Thanh Quan ngày nay), sau đó chuyển về Lò Đúc (trường Lê Ngọc Hân ngày nay), năm 1921 chuyển về 26 Hàng Bài, mở hệ phổ thông, dành riêng cho học sinh nữ nên có tên gọi là “Trường nữ trung học An Nam” hoặc “Trường Đồng Khánh”.
Năm 1943, Mỹ ném bom Hà Nội, trường sơ tán về Hưng Yên, đến năm 1945 vẫn chưa trở lại. Sau Cách mạng tháng Tám, khu trường rộng rãi này được chọn làm trụ sở Bộ Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cho đến ngày toàn quốc kháng chiến. Sau năm 1945, trường đổi tên là “Trường nữ học Trưng Vương”.

Không một dòng một chữ nào nói đến cái tên Nguyễn Trãi ở đây.

Thậm chí ngay bây giờ, có internet nhưng tìm xem lịch sử trường Nguyễn Trãi Hà Nội trên Bách khoa toàn thư mở cũng chỉ thấy nói trường PTTH Nguyễn Trãi ở quận Ba Đình Hà Nôi, tịnh không thấy nói có giai đoạn trường Nguyễn Trãi ở phố Hàng Bài.



Trương Đồng Khánh-Trưng Vương mang tên Nguyễn Trãi từ 1950-1956

Nhưng hỏi thật kỹ bác Google thì cũng ra được một tài liệu hiếm hoi do tác giả: Nguyễn Văn Trường ghi chép hiện lưu trữ tại  Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) Hà Nội. Trích mấy đoạn như sau:
“Cả khu Trường Hàng Bài, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 được chọn làm trụ sở Tổng trấn Bắc kỳ của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa.  
Ngày 14 tháng 2 năm 1946, theo nghị định của Bộ Trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe ra Nghị định, số 85 Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Hà Nội được đổi tên là Trường Trung học Hai Bà Trưng. Nhưng Trường Trung học Hai Bà Trưng khóa 1946-1947 vẫn chưa được chuyển về Hàng Bài mà học ở Phố Lò Đúc, tức Trường Lê Ngọc Hân bây giờ. 

Đầu năm 1948, Trường Hàng Bài vẫn chưa được dùng lại làm trường học, Trường Nữ Trung học phải học nhờ trường tiểu học phố Hàng Than, Hà Nội (nay là Trường Nguyễn Công Trứ )   Đến cuối năm học, đánh dấu một lần đổi tên mới là Trường Nữ Trung học Trưng Vương. Ngôi trường mang tên hai vị nữ anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng được chuyển về đúng phố Hai Bà Trưng. 

Cho đến năm học 1950-1951, ngôi trường Hàng Bài bắt đầu được dùng trở lại làm trường học, nhưng đó là Trường Trung học Nguyễn Trãi. Trường Trưng Vương vẫn tiếp tục hoạt động ở số 9, phố Hai Bà Trưng đến năm 1956 mới chính thức trở lại ngôi trường Hàng Bài cho đến ngày nay”.

Tôi đỗ vào trường Trung học Nguyễn Trãi và được xếp vào lớp Đệ thất B2 năm học 1952- 1953. Năm ấy thầy Đào Văn Trinh làm hiệu trưởng. Khỏi nói tôi đã sung sướng ra sao khi được vào học ở một ngôi trường quốc lập bề thế giữa lòng Hà Nội. Thời kỳ này Hà Nội, ngoài trương trung học Nguyễn Trãi, chỉ có mấy trường Trung học nữa như Albert Sarraut, Trường dòng Puginie, Chu Văn An, Trưng Vương và mấy trường tư thục như Văn Lang, Thăng Long và Dũng Lạc (Do các cha bên Thiên Chúa thành lập). Sang đến năm 1953 mới có thêm trường tư thục Minh Tân dành cho nam sinh và trường tư thục Tây Sơn dành cho nữ sinh.

Trường Trung học Nguyễn Trãi hồi ấy có từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Nhất, tức đủ hai ban: Ban Thành chung (từ Đệ Thất đến hết Đệ Tứ) và ban Tú tài (từ Đệ Tam đến hết Đệ Nhất). Trường có phòng riêng cho các giờ học nhạc, học vẽ và có cả Hội trường cho học sinh tập văn nghệ, chơi bóng bàn. Giờ học thể dục thường xếp vào các buổi riêng, thầy giáo và học sinh lên thẳng bãi sân Septo, nguyên có tên là Hội thể dục Bắc Kỳ (Socíeté d'éducation physique du Tonkin - SEPTO) để tập. Từ sau 1957, bãi Septo gọi là sân Hàng Đẫy.

Đặc biệt trường có phòng Hội đồng giáo sư, một căn phòng lớn vừa làm phòng chờ lên lớp cho các giáo sư vừa làm nơi họp hội đồng theo lịch. Phòng lớn, bàn ghế kê ngăn nắp, tường treo nhiều tranh mỹ thuật có giá trị trong đó nổi bật bức bức chân dung Nguyễn Trãi cổ vẽ trên lụa thể hiện nét mặt hiền hậu, đôi mắt sáng tinh anh, ngồi trên ngai, đội mũ cánh chuồn màu đen, mặc áo màu xanh có trang trí hai rồng chầu mặt trời, mây, tứ linh; cổ, ngực và vạt tay áo màu cánh sen. Ngai màu nâu trang trí hoa bốn cánh, tay ngai thể hiện cách điệu hình rồng quay ra ngoài, chân quỳ. Bức tranh này chỉ là bản sao bức tranh chính nhưng cũng được sao vẽ bằng màu nước trên lụa tơ tằm mịn và được đóng khung gỗ, mặt kính rất trang trọng. Dước bức chân dung Nguyễn Trãi là một tấm lụa bồi màu vàng thư viết lại bài Bình ngô đại cáo, áng thiên cổ hùng văn do người anh hùng dân tộc thảo, bên trái là nguyên tác chữ Hán, bên phải là bản dịch của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim. Mỗi lần đi qua phòng Hội đồng giáo sư mà cửa không đóng, bao giờ tôi cũng dừng lại ít phút nhìn vào bức chân dung Nguyễn Trãi và bức lụa viết bình Ngô đại cáo ấy.

Trong hai năm học Đệ Thất, Đệ Lục, từ 1952 đến 1954, trước khi Hà Nội được chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tiếp quản, tôi có hai anh bạn thân. 
Người thứ nhất là anh Nguyễn Hưng Nhân ở số nhà  23 phố Mai Hắc Đế. Anh Nhân mồ côi bố, có hai cô em gái, bà mẹ bán vải ở chợ Bắc Qua cũng khá giả nhưng sau 1954, việc buôn bán bị coi rẻ nên gia cảnh nhà anh bắt đầu sa sút. Anh Nhân học giỏi các môn Toán Lý Hoá, thành thạo về thực hành điện và ăn nói cũng khá hùng biện, chăm đọc sách khoa học và các truyện trinh thám, đặc biệt là các truyện trinh thám của Phạm Cao Củng. 

Người thứ hai là anh Nguyễn Văn May, quê gốc ở Quỳnh Côi Thái Bình cũng mồ côi bố. Bố anh lấy bà vợ đầu không có con, lấy bà sau là mẹ anh sinh được anh và một cậu em kém anh đến 5 tuổi. Thái  Bình  là vùng đất được coi là vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ, nhưng Thái Bình đã bị nạn đói năm 1945 cướp đi trên 28 vạn người. Nhiều địa phương, nhiều gia đình, cả dòng họ chết không còn một ai. Nhà anh May đã phải ăn lá sung, củ chuối cầm hơi, và may mắn qua được nạn đói ấy. Năm 1947, hai bà mẹ của anh bàn nhau chia con để sống. Bà mẹ đẻ ra anh mà anh gọi là bu do người gầy yếu và mắt kém nhận ở lại quê làm ruộng, trông nom nhà cửa và nuôi đứa con nhỏ. Còn anh Mây theo bà cả mà anh gọi là mẹ không sinh ra anh nhưng nhận nuôi anh và đem anh đi khỏi Thái Bình lang thang với nghề cất vó te kiếm ăn lần hồi từ vùng đầm rạch này sang vùng đầm rạch khác rồi lên đến Hà Nội và dựng một túp lều định cư ở  vùng hồ Bẩy Mẫu cạnh đường Trần Nhân Tông bây giờ. Nhờ đó anh được học tiểu học ở trường Vân Hồ rồi sau thi vào Trung học Nguyễn Trãi như tôi. Hàng ngày mẹ anh dạy từ sớm tinh mơ, mang theo độ 2 chục chiếc vó con làm bằng vải xô cho dễ dóc nước, khổ vuông chừng  40 phân có 2 thanh tre uốn cong làm gọng vó, khâu vào 4 góc vải xô.  Ngoài ra, đồ nghề của bà còn thêm một chiếc rá to, mấy túm lá tre, lá nhãn, hay tấm lá sen, để khi đổ tép vừa cất được thì che đậy trên mặt rá khiến tép không nhảy ra được; một bát thính đã rang thơm phức để nhử tôm tép; một cây gậy có mấu, dài chừng 3 m để cất vó; một chiếc giỏ tre to như quả bầu nậm để buông những con tôm sống. Bà tìm đến các cánh đồng, các vùng nước cũng cạn, chỉ còn xấp xảnh chân ruộng, nơi tôm tép đồng cũng đã lớn, chúng lang thang đi kiếm ăn dưới gốc các khóm lúa, bụi cỏ, mảng rong rêu đặt vó. Quá trưa thì ba ngừng công việc, tìm đến chợ gần nhất bán tôm tép, chỉ dành lại một ít đủ các thứ linh tinh cả tôm tép lẫn cá nhỏ, cua con đem về làm thức ăn cho hai mẹ con.

Anh May ở nhà, sáng dậy ăn cơm mẹ nấu từ sáng sớm đã ăn để đi cất vó, ủ phần cho anh trong nồi, trưa đi học về ăn nốt chỗ cơm sáng còn lại, làm bài học bài và trông nhà. Nói là nhà nhưng thực ra đó chỉ là một túp lều tường đất mái lá gồi thấp lè tè, cửa ra vào được che bằng một tấm liếp. Trong nhà ngoài một chiếc chõng tre cho bà mẹ ngả lưng và một tấm phản ghép bằng gỗ của các thùng đựng sữa cho anh May nằm ngủ.  Còn có một cái bàn học nữa cũng là một cái thùng gỗ đựng sữa dựng dọc lên cho cao vừa tầm ngồi. Phía cuối nhà là góc bếp treo vài chiếc rổ rá và mấy cái nồi niêu không phải bằng đồng hôm mà là bằng đất. Không biết thời đó do ít trộm cắp hay do thấy nhà chẳng có tài sản gì đáng kể nên đi đâu, mẹ con anh May chỉ khép tấm liếp lại và buộc dây thừng thay khoá. Nghèo như vậy nhưng anh May rất chăm chỉ và học khá giỏi, đặc biệt là môn tiếng Anh.

Rất thân với Nguyễn Hưng Nhân và Nguyễn Văn May nhưng suốt 4 năm cùng nhau học trong một lớp dưới mái trường Nguyễn Trãi, chúng tôi không bao giờ được xếp ngồi cùng bàn với nhau. Mà tôi, oái ăm lại bị hai năm liền ngồi gần anh Dương Văn Luận điển trai con nhà giàu. Bố Luận là luật sư Dương Văn Đàm đi theo kháng chiến, anh ở lại Hà Nội với bà mẹ xinh đẹp con nhà tư sản giàu có nên trong túi anh lúc nào cũng rủng rỉnh tiền tiêu. Còn ít tuổi nhưng Luận đã nghiện thuốc lá nặng, thứ thuốc anh chuyên dùng là Cotab, ngồi bên anh tôi luôn luôn bị ám bởi mùi thuốc lá trộn lẫn với mùi quần áo và thân thể anh làm cho rất khó chịu và mệt mỏi. Nhiều lúc thèm hút thuốc, Luận xin phép thầy giáo đi vệ sinh rồi ngồi trong nhà xí mà hít liên tiếp cho hết điếu thuốc để về lại lớp. Lúc ấy mới thật là khốn nạn cho tôi và mấy người ngồi bên và đằng trước phía sau anh Luận vì ở người anh bốc lên một cái mùi vừa hôi khét vừa thôi thối muốn n buồn nôn và khó thở. Vào những ngày mưa phùn ẩm ướt cái mùi ấy lại càng thêm tệ hại. Sau Sự kiện Tiếp quản Thủ đô Hà Nội mà người ta gọi là ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, ông Dương Văn Đàm, bố Dương Văn Luận trở về Hà Nội. Nhưng Luận tỏ ra không yêu kính ông bố ấy. Anh bảo tôi, bố tao theo Việt Minh giờ về có một vị trí cao trong ủy ban liên lạc những người công giáo yêu hòa bình, yêu tổ quốc , giữ chân canh gác tờ báo Chính Nghĩa, ăn lương của Mặt trận Tổ quốc nên bị những người công giáo coi là một con chiên ghẻ khiến mẹ tao là một giáo dân ngoan đạo rất khổ tâm.


Một người nữa là anh Trương Văn Liêm, khuôn mặt thô ráp với bộ răng hô trông dáng anh thợ cày trên tranh minh hoạ sách báo, thường bị xếp ngồi cuối lớp, tôi không thân nhưng anh rất thích nói chuyện với tôi ở ngoài hè đường trước giờ trống trường báo vào học. Nhà anh  Liêm có cửa hàng gạo nên anh cũng luôn được bố mẹ cho tiền. Sáng nào anh cũng đón tôi ở cổng trường, rủ tôi ăn khi bánh mì xúc xích khi ăn kem bát...Tôi từ chối nhiều lần nhưng anh làm bộ mặt trách giận nên nhiều khi tôi đành phải nghe theo. Về sau tôi tránh anh bằng cách đi sớm vào ngay sân trường hoặc thấy anh đứng đợi gần cổng trường, tôi ẩn bên một gốc cây chờ trống mới rạo cẳng vào sau anh. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...