Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

NGHE BẠN KÊU CA TRỜI NÓNG QUÁ

Hình ảnh giật mình về đợt nắng nóng kỷ lục đang diễn ra - Ảnh 5.

Ông bạn ở ngoài Bắc gọi vào kêu ca ngoài này nắng nóng kỷ lục đang diễn ra, mệt lắm ông ạ, không biết tuổi già như mình có qua được mùa hè bất thường này không? Nghe xong, bất giác nhớ tới một đoạn văn Phùng Cung trong Dạ Ký:

"Thời tiết gì mà lạ vậy, trời đã vào thu mà đêm còn oi bức như nung, như thiêu. Thời tiết lạc hậu! Đêm lạc hậu! Hay đây là điềm thiên thời ra tay ủng hộ để cái nóng nấn ná đòi đốt cháy giai đoạn? Mở mắt to hơn nhìn thấy cái lợi lớn thì nóng thế này chứ nóng nữa, nóng hơn cả giữa mùa hè cũng khắc phục được hết. Trong số nhà 135 Mai Hắc Đế gồm bảy hộ - trong đó có gia đình tôi - thì sáu hộ có trẻ con ốm. Gia đình tôi chiếm một phòng trên gác, cả thẩy bốn nhân khẩu: hai vợ chồng tôi và hai thằng cháu nhỏ. Với mười hai mét vuông, so với sáu hộ khác còn xênh xang hơn nhiều – 'Ăn hết nhiều ở hết bao nhiêu!' Câu đầu lưỡi được các cụ ta ngày xưa tổng kết đã, đang và sẽ còn giá trị!" 

Ấy là tiết trời đã vào thu còn hiện giờ ngoài Bắc tiết trời mới vào Hạ chí nắng nóng nhất trong năm. Nghĩ thế rồi lan man nhớ cái năm đọc truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” của Phùng Cung trên báo Nhân Văn cũng vào tiết thu và rồi thoáng hiện lên cuộc đời của một cây bút đã rơi vào vòng lao lý vì cái truyện ngắn đó:

 Kết quả hình ảnh cho hình ảnh phùng cung

Phùng Cung (1928 - 1997)
là nhà thơ, nhà văn Việt Nam thế kỷ 20. Ông tham gia phong trào nhân văn giai phẩm tại miền Bắc vào những năm 1955 - 1957. Sau đó ông bị bắt giam 12 năm trong các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bát, Yên Bái, Phong Quang...Tác phẩm khiến ông rơi vào vòng lao lý là: Con ngựa già của Chúa Trịnh và Dạ Ký, ngụ ý đả kích những văn nghệ sĩ bẻ cong ngòi bút, không dám nói thật tiếng nói của mình, bị lưu đày trong cõi tung hô.

Năm 1973, ông được phóng thích. Tuy nhiên vẫn bị quản thúc và theo dõi. Sau khi được phóng thích, ông sinh sống bằng nghề làm đinh và vẫn âm thầm làm thơ. Tập thơ "Xem Đêm" của ông được nhà nước Cộng sản Việt Nam cho phép xuất bản vào năm 1995. Sinh thời, trong những năm tháng gian khó sau khi mãn hạn tù, ông là người anh kết nghĩa thân thiết của nhà thơ Phùng Quán.

Tô Hoài kể trong “Cát Bụi chân Ai” rằng, Phùng Cung mới ra tù, đến thăm Tô Hoài “Dáng cù rù, mặt tái ngoét, không phải Phùng Cung mà cái bóng của Phùng Cung trên tờ giấy tẩy chỉ mờ mờ. – Còn sống về được à? – Cũng không hiểu tại sao anh ạ”… Tô Hoài còn kể, tan lớp kiểm điểm Nhân văn ở ấp Thái Hà ít lâu, Phùng Cung bị bắt tù 12 năm không có án, trong đó biệt giam 11 năm. Đã tù biệt giam, lại bị bệnh lao, thế mà không chết, mới lạ.

Trong hoàn cảnh sống như Phùng Cung kể trong đoạn văn trên mà ông vẫn âm thầm làm thơ. Nhưng sợ bị tịch thu, ông đã phải đem một tập vở bé bằng bàn tay, bìa bọc giấy xi măng cáu bẩn, cầm đến đưa cho Phùng Quán và nói:  “Sau mười hai năm khổ ải, mình về với vợ con là mừng. Nghĩ đến tù đày là sợ lắm.” Rồi Phùng Cung trầm ngâm:

“Quán ạ, mình cố quên hết văn chương. Nhưng không sao quên được. Đêm ngủ thơ nó cứ kéo về trông mộng. Thế là mình thủng thắng ghi lại từng ngày. Như là viết nhật ký. Đây là những bài thơ nho nhỏ về chuyện quê nhà. Nhưng bây giờ thì gay rồi. Hôm qua chú công an khu vực đến chơi nhà, bỗng dưng chú cười hỏi: ‘Chào bác Phùng Cung, nghe nói dạo này bác lại viết thơ nữa à?’. Chỉ câu hỏi vui thế mà làm mình nổi da gà. Sợ quá. Tập thơ này toàn hình ảnh quê, mình viết để giải khuây, không có ‘chuyện gì’ trong đó cả. Nhưng nếu mà họ thu mất thì tiếc lắm. Nên Quán cứ giữ hộ cho mình cho chắc.” 

Đem chuyện đó ra an ủi bạn để bạn gắng chịu qua “cái nóng nung người nóng nóng ghê” ấy. Ông bạn cười trong điện thoại: 

"Đúng, bị tra tấn trong tù còn không chết thì nắng nóng tra tấn sao mà chết được. Phải sống thôi! "


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...