Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

CHÍN NĂM ĐÈN SÁCH (7)


Ngay đầu tuần sau chúng tôi đã nhận được bài viết của cả lớp. Tôi nhờ anh Nguyễn Hưng Nhân viết hộ tôi bài Mấy dòng ra mắt của Ngôi Sao cho tờ báo coi như một bài xã luận và nhờ anh Trần Mai Chí dịch cho một truyện ngắn của Pháp. Cả hai anh đều vui vẻ nhận lời. Không đầy một ngày, anh Chí đưa cho tôi bản dịch  “Người phu chột” của Voltaire - Ai đã đọc tác phẩm này thì sẽ nhớ mãi cách kể chuyện ngắn gọn mà sâu sắc của Voltaire về người phu chột mắt. Con người này chưa bao giờ lấy làm buồn vì khiếm khuyết đôi mắt của mình, ngược lại ông ta còn rất hạnh phúc bởi con mắt mà ông ta có là con mắt giúp ông chỉ nhìn thấy điều tốt đẹp, ông không có con mắt để nhìn thấy những điều xấu xa, bi quan như những người bình thường có hai con mắt khác. Tôi xem bản dịch rồi xin phép bạn cho chỉnh trang lại một số từ ngữ cho văn chương hơn và được bạn vui vẻ bằng lòng. 

Ngôi Sao só 1 ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 10 năm 1956 gây xôn xao khắp trường. Một tờ bích báo khổ dài 2,4m rộng 1m (3 tờ giấy vẽ) công phu rực rỡ dưới bóng mát cây sà cừ to lớn nhất ở giữa sân trường gồm khoảng trên 40 bài viết đủ các thể loại truyện ngắn, thơ ca, nhạc, tranh truyện...Học sinh các lớp chen nhau để đọc khiến tôi và các anh trong ban biên tập đứng cách xa nhìn vào mà nở từng khúc ruột. Đến giờ Văn, thầy Hoàng An vào lớp mở đầu bằng một lời khen:
-Tờ báo của lớp ta đúng là một ngôi sao sáng. Các em hãy viết nhiều bài hay hơn nữa và ban biên tập cũng sẽ trình bầy cho Ngôi Sao ngày càng đẹp hơn nữa.

Được lời khen ngợi và động viên của thầy chủ nhiệm, chúng tôi rất phấn khởi. Ngôi Sao cũng  bắt đầu nhận được bài của một số bạn các lớp khác gửi đến. Về thơ đã thấy xuất hiện mấy bài thơ tinh yêu học trò, về văn có thêm truyện dịch từ văn học Trung Quóc. Tất cả đều được biên tập và đăng nên số 2 phải mở rộng thêm 1 tờ giấy vẽ nữa thành khổ 3,2 x 1m.

Anh Lê Xuân Doanh bảo:
-Tôi muốn các anh chọn lọc các bài hay nhất trong 3 số báo in roneo thành một tập có bìa hẳn hoi coi như một tạp chí định kỳ ba tháng một lần gọi là Tạp chí Ngôi Sao tam cá nguyệt
Tôi bảo:
-Một ý kiến tuyệt vời nhưng máy in ở đâu?
Anh Doanh nói:
-Tôi sẽ cung câp. Chả là tôi có một ông chú họ làm nghề in roneo đã hơn 30 năm, tay nghề cao lắm, nay nhà nước cấm in ấn tư nhân nên ông ấy không hành nghề nữa và cũng không chịu vào hợp tác xã mà mở quán trà. Tôi sẽ biếu ông chú ít tiền và xin ông cái máy in roneo ấy rồi nhờ ông ấy chỉ bảo và ta in tạp chí của ta

Thế là lại thêm công việc mới. Lại căm cụi chọn bài, chia nhau ra làm mẫu giấy sáp, đánh máy cữ, dàn trang, vẽ hình minh hoạ…Nhưng rồi Tạp chí Ngôi Sao số 1 cũng đã nhanh chóng ra đời với bề dày 120 trang và tổng phát hành là 60 số. Gọi là phát hành cho oai chứ thực ra là phát không cho các bạn trong lớp trong đó có những người làm báo chúng tôi, tổng cộng đã mất 48 số, còn lại 12 số kính biếu thầy chủ nhiệm và một vài thầy cô khác là vừa hết. Chúng tôi bảo nhau, tuy chỉ có 60 số nhưng lượng người đọc chắc sẽ gấp nhiều lần vì mỗi người có trong tay tờ báo sẽ đưa cho gia đình xem và bè bạn.  

Sang đầu học kỳ 2, khi Ngôi Sao số 4 vừa ra mắt ở sân trường thì chừng 10 phút sau một tờ bích báo khác cũng được làm theo kiểu Ngôi Sao trình diện dưới bóng cây phượng vĩ ngay bên cạnh với cái tên là Sức Trẻ ghi rõ là Tiếng nói của Đoàn thanh niên lao động trường. Vậy là tờ báo này do anh Nguyễn Đắc Sinh, bí thư Đoàn trường chủ trương.  Anh Sinh học lớp 9, người Huế tập kết lấy bút danh là Bình Vọng với nghĩa là vọng nhớ về núi Ngự Bình ở Huế quê anh. Đã mấy lần, anh Sinh gặp tôi và bảo tôi làm đơn xin sinh hoạt lớp cảm tình Đoàn nhưng tôi từ chối nên anh tỏ ra khó chịu với tôi ra mặt. 

Sức Trẻ làm theo kiểu Ngôi Sao nhưng chữ viết bài và cách trình bày thua kém Ngôi Sao lại mới ra số 1 nên chưa nhiều bài, chỉ vừa đủ 2 tờ giấy vẽ. Vì vậy lúc mới trương ra, nhiều người đang đọc Ngôi Sao, do hiếu kỳ bỏ sang xem Sức Trẻ nhưng chỉ một lúc sau họ quay ngay về đọc Ngôi Sao và ngày hôm sau thì Sức Trẻ không còn đông bạn đọc như Ngôi Sao. Người ta bảo nhau xem Sức Trẻ chủ yếu là để đọc bài ”Phê phán mấy bài thơ tình trên tờ Ngôi Sao” do tác giả Bình Vọng viết. Chuyện không có gì to tát, chỉ là mấy bài thơ diễn tả tâm trạng tình yêu tuổi học trò như bài thơ “Nhà nàng ở phố Hàm Long/ Nhà tôi ở giữa phố Trần Nhân Tông…”, đại để là phố trên phố dưới cùng đường đi đến trường nên tôi chỉ mong sao ngày nào đi học hay tan học cũng được thấy nàng cùng đi phía trước và muốn con đường cứ dài mãi ra để được lẽo đẽo theo chân cô bạn cùng trường xinh đẹp nhưng đến tên nàng là gì tôi cũng chưa được biết, cái kểu “yêu không dám nói muôn vàn cũng không...”  hay bài thơ tả chiếc áo hoa xanh của cô bạn học trò: “Chiếc áo hoa xanh mà em mặc/ Làm chín hồn anh vạn giấc mơ”… vậy mà anh Bình Vọng quy kết là thơ ủy mị sướt mướt, rây rớt thơ lãng mạn suy đồi thời Tự Lực Văn đoàn nhằm ru ngủ sức trẻ trong học sinh nhà trường.

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh con chim tập hót

Ngay lập tức, trong Ngôi sao số 5 tôi có bài đáp trả: “Vài lời với anh Bình Vọng”, trong đó tôi đặt câu hỏi thế nào là ủy mị sướt mướt, thế nào là lãng mạn suy đồi...Cuối bài tôi khẳng định, tình yêu đẹp nhất trong đời là tình yêu tuổi học trò. Đó là thứ tình yêu ngây thơ, khờ dại nhưng lại luôn rất trong trẻo thuần khiết, tươi mới và chẳng hề biết toan tính thiệt hơn. Vả lại học sinh cấp 3 hiện giờ cũng đều đang tuổi mười tám, đôi mươi, trái tim nếu đã biết yêu thì cũng là lẽ thường tình. Xin đừng dùng bàn tay  thô bạo bóp nghẹt nó như bóp chết một con chim mới biết hót. Cũng trong số 5, anh Nguyễn Hưng Nhân gửi tới bài chính luận “Sao lại bỏ môn Tiếng Anh để bắt học tiếng Hoa trong nhà trường?” Phân tích có tình có lý tiếng Anh là thứ tiếng dễ học, đang trở nên phổ biến toàn thế giới, những nước đông dân nhất như Ấn Độ dùng tiếng Anh hay Canada vốn dùng tiếng Pháp là thứ tiếng được gần 10.000 người định cư Tân Pháp quốc mang sang đây vào thế kỷ 17 nhưng nay tiếng Anh và tiếng Pháp được Hiến pháp công nhận là ngôn ngữ chính thức của Canada có nghĩa tất cả các điều luật, văn bản thông báo, tất cả các dịch vụ… của chính phủ liên bang đều phải được ban hành và thể hiện bằng cả hai ngôn ngữ này. Bài viết cũng đặt câu hỏi, thử xem trong hội nghị Giơ ne vơ, trưởng phái đoàn Việt Nam không phải là bác Phạm Văn Đồng mà là một lãnh đạo xuất thân từ nông dân đọc chưa thông viết chưa thạo, một nửa chữ Anh Pháp không biết sẽ ra sao? Còn về Tiếng Trung, bài viết cũng chỉ rõ ở ta, Hán học đã chấm dứt từ đầu thế kỷ rồi.

Sức Trẻ số 2 có luôn bài “Thích tiếng nói của đế quốc sài lang”, ký tên một bí thư chi đoàn lớp 10. Bài báo chỉ trích Nguyễn Hưng Nhân và những người cùng ý kiến với anh là tâm lý nô lệ chỉ thích tiếng nói của các nước đế quốc trong khi thế giới mới đang là thời đại gió Đông thổi bạt gió Tây mà tiếng Hoa là tiếng nói của một người anh Trung Quốc vĩ đại núi liền núi sông liền sông với người em là dân tộc Việt Nam ta, Trung Quốc vừa là là nguời đồng chí vừa là người anh vĩ đại của đã giúp dân ta trong kháng chiến chống Pháp và trong xây dựng hòa bình ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước hôm nay. Cho học sinh học tiếng Hoa trong nhà trường phổ thông  là một nội dung sáng suốt  và đúng đắn của Bộ Giáo dục. 

Cứ thế liên tiếp các số sau của Ngôi Sao và sức Trẻ đều có những bài bút chiến về văn thơ, về nội dung học tập về tình yêu tuổi học trò, về lý tưởng thanh niên...như thế. Nhưng xem chừng dư luận học sinh trong trường nghiêng về phía ủng hộ Ngôi Sao bằng chứng là trước giờ vào học tiết 1 và giờ ra chơi giữa buổi, họ xúm đông xúm đỏ bên tờ Ngôi Sao còn bên tờ Sức Trẻ chỉ có chừng hơn chục người đọc.

Thầy Hoàng An gặp tôi và bảo: 
-Đừng để Ngôi Sao thành một nơi ngôn luận đối đầu với Đoàn trường vì Đoàn trường là cánh tay của Chi bộ Đảng nhà trường. 

Tôi trao đổi ý đó với các anh nòng cốt của Ngôi Sao nhưng khí thế đang hăng, không ai lưu tâm đến lời cảnh báo của thầy chủ nhiệm lớp mà gặp bài nào Sức Trẻ phê phán Ngôi Sao là có ngay bài đáp trả liền

Tính đến hết năm học 1956-1957, Ngôi Sao ra được 7 số và 2 tạp chí in roneo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...