Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

CHÍN NĂM ĐÈN SÁCH (1)


Tôi bắt đầu được cắp sách đến trường năm 12 tuổi. Nhưng tôi biết đọc biết viết từ năm 9 tuổi.
Nguyên do là năm 1946, u tôi đem ba chị em tôi tản cư theo gia đình cậu mợ tôi lên ấp Đại Bái ở tỉnh Phúc Yên, nơi cậu tôi đã làm trưởng ty điền địa trước năm 1945, cũng là nơi có cái ấp 500 mẫu ruộng thuộc sở hữu của người em trai ruột mợ tôi, ông Đỗ Đình Cận. Họ Đỗ Đình là một dòng họ lớn, nổi tiếng và có thế lực, gốc rễ từ Ý Yên, Nam Định khởi phát mạnh từ đời ông Đỗ Đình Thông, còn gọi là Hàn Thông, có công với người Pháp trong cuộc xâm lược Bắc Kỳ từ cuối thế kỷ 19. Mợ tôi, bà Đào Thị Ý là con gái đầu lòng ông Đỗ Đình Đạt. Ông Đạt là con thứ ông Hàn Thông cũng có 500 mẫu ruộng ở vùng Hải Dương. Ông Đỗ Đình Cận không tản cư mà vẫn ở lại Hà Nội nên ủy quyền cho cậu mợ tôi trông nom khu ấp của ông. Vốn con nhà nông lại kinh qua mấy năm trưởng ty điền địa Phúc Yên, cậu tôi về ấp tự cày cấy làm kế sinh nhai cho gia đình. U tôi cùng chị gái tôi năm đó 14 tuổi cũng nhận ruộng cấy từ cậu mợ tôi. Tôi và anh Hồng chăn trâu và chăn vịt. 

Năm 1947, một đơn vị bộ đội mấy chục anh về đóng nhờ ở ấp Đại Bái khoảng 3 tháng. Chỉ Huy là anh Thắng, chỉ biết anh bảo tên anh Thắng còn họ là gì không ai hỏi và cũng không ai nghe nói. Anh Thắng người Hà Nội, đang theo học dở dang trung học; hay hát và  hát cũng rất hay. Hai bài anh thường hát cho mọi người nghe, chẳng ai biết tên là bài gì của ai sáng tác mà chỉ nhớ câu mở đầu:  “Mùa đông đã đến nơi rồi” và “Ai về chợ huyên Thanh Vân”. Anh Thắng ơi, hát bài “Mùa đông đã đến nơi rồi” cho chúng em nghe đi!; Anh Thắng ơi, dạy chúng em bài hát “Ai về chợ huyện Thanh Vân” tối nay nhé!! Mọi người thường yêu cầu anh như thế. Anh Thắng không chỉ nhiệt tình hát cho mọi người nghe, dạy mọi người hát mà còn bày cả việc dạy chữ cho mọi người. Lớp học của anh mở ngay giữa sân nhà chính của cậu mợ tôi ở trong ấp. Trừ cậu mợ tôi, và một vài người đã biết chữ như bác Hanh, anh Hồng, hai chị em Vị, Nguyên con cậu Đài tôi đã mất được cậu Đổng với đạo nghĩa “sảy cha còn chú” nuôi dạy , không học anh Thắng còn lại những người không biết chữ ai nấy đều theo học, trong đó có u tôi, chị Đô và tất  nhiên là có tôi. Anh Thắng lấy nong nia làm bảng, vôi trắng khô làm phấn; chúng tôi lấy que tre làm bút, lấy mặt sân đất làm giấy vở. 

Dạo ấy để mọi người tích cực học bình dân học vụ, một phần vì các chợ có lệ, ai muốn được vào mua bán thì phải đọc được mấy chữ viết trên những cái nong nia hay trên những tấm ván treo chắn ngay lối ngoài cổng chợ. Vì thê, người lớn tuổi học anh Thắng để mong biết đọc, thoát cái cảnh phải trốn chui trốn lủi để lẻn vào trong chợ như kẻ cắp. Trẻ con thì học để không bị lêu lêu khi đứa này đố đứa kia viết hay đọc đúng từng chữ một trên nền đất và rồi mơ ước sẽ đọc được mấy cuốn truyện nôm khuyết danh như Trương Chi, Thạch Sanh, Hoàng Trừu ...trong cái kệ sách ở ngôi nhà lớn của cậu mợ tôicho người già nghe. Khi đơn vị của anh Thắng rời ấp thì hầu hết mọi người đều thoát nạn mù chữ. Bọn trẻ chúng tôi tự học thêm theo cách riêng của mỗi đứa. Tôi dược cậu tôi cho mấy mẩu bút chì cũ mà tôi coi như của quý hiếm rồi cậu tôi bày cho cách kiếm lá chuối khô vuốt cho phẳng phiu làm giáy mà tập viết.



Nguyễn Bàng năm 14 tuổi

Cuối hè năm 1949, gia đình tôi lại theo cậu tôi hồi cư. Gia đình cậu tôi vào thành phố Hà Nội còn u con tôi về quê. Bấy giờ, u tôi mới đem gói chè và chùm trầu cau dẫn tôi đến nhà thầy giáo Đính, một ông chú tron họ xin cho tôi được vào học lớp Năm ở trường làng. Gọi là trường nhưng đâu có phải trường. Làng Dịch Vọng năm đó chỉ có 4 lớp tiểu học, học nhờ trong gian đình của thôn Tiền: Hai lớp Ba và Nhì học buổi sáng do thầy Lê Văn Nhân dạy; hai lớp Tư và Năm học buổi chiều do thầy Nguyễn Văn Đính dứng lớp. Như vậy, thầy nào cũng dạy hai lớp cùng một buổi. Đình Hà được mượn để làm lớp học. Cả gian giữa rộng lớn của đình, nửa này là lớp Tư, nửa kia là lớp Năm quay lưng với nhau không có vách ngăn mà chỉ cách nhau một lối đi rộng chừng 2 mét. Đang dạy lớp Năm chúng tôi, muốn sang lớp Tư bên cạnh, thầy Đính viết bài lên bảng cho lớp tôi rồi gõ thước cạch cạch lên bàn ra hiệu cho chúng tôi bắt đầu tự ngồi làm bài hay chép bài rồi thầy sang bên lớp Tư. Vậy mà học trò rất ngoan, khi không có thày đều yên lặng cắm cúi tự học, không đứa nào dám nói to, tự đứng lên ngồi xuống chứ đừng nói chuyện dám không có thầy ma mất trật tự, trêu ghẹo hay đánh chửi nhau.

Học lớp Năm chừng ba tháng, thầy Đính bảo u tôi, thằng cu con nhà chị nó sáng dạ, biết đọc biết viết rất nhanh, tôi cho nó lên học luôn lớp Tư cho khỏi phí. Thầy đâu biết tôi đã biết chữ từ khi được anh Thắng dạy! Thế là chỉ trong vòng ba tháng, tôi đã học xong lớp Năm và được lên ngay lớp Tư học nốt năm học.

Năm sau, cậu tôi đã có việc làm ở Sở Canh Nông đóng trong khuôn viên vườn Bách Thảo. Gia đình cậu cũng không ở nhờ nhà mẹ vợ là bà Tư trên phố Hàng Trống nữa mà chuyển về ở nhờ nhà ông Năm, em trai bà Tư, cậu ruột mợ tôi ở phố Phù Đổng Thiên Vương. Ông Năm làm việc ở sở Đoan Hải Phòng nên còn có nhà riêng ở phố Tám Gian dưới đó, ông ở cùng vợ và đứa con trai nhỏ. Ngôi nhà 2 tầng rộng rãi và đẹp như một biệt thự phố của ông ở phố Phù Đổng Thiên Vương trên Hà Nội này giao cho em gái ông là bà Sáu cai quản đồng thời trông nom dạy dỗ ba cô cháu gái, con của vợ chồng ông anh. Hai cô chị tên là Ngọc và Yến đã đến tuổi cập kê, thôi học ở nhà chờ kén rể; cô em thứ ba tên là Ninh đang theo học trường Sainte Marie. Bà Sáu là một con chiên ngoan đạo, không lấy chồng, sống rất mực thước gia giáo từ lời ăn tiếng nói đến bước đi, cách đứng ngồi. Dù chưa có nhà riêng nhưng nhà ông cậu mợ của tôi khá rộng, cậu tôi cho đem ba đứa cháu ở quê ra nuôi cho ăn học: hai anh em tôi Hồng, Bàng và chị Thông, con gái bác chánh Hanh, anh cả của u tôi và cậu. Nhưng chưa được mấy ngày thì chị Thông nhớ nhà đòi về, bác chánh Hanh chiều con cũng ưng thuận nên cậu tôi không dám nói năng gì. Ít lâu sau, anh Hồng tôi cũng bỏ trốn nốt. Cậu tôi cho người về quê bảo với u tôi “Thằng Hồng nó không muốn đi học mà muốn ở nhà rồi đi hót cứt, chị phải đưa nó ra ngay”. U tôi sợ cậu tôi giận nên đuổi không cho anh ấy ở quê nhưng anh ấy cứ lì ra không chịu ra Hà Nội học. Vì thế,  cậu tôi sai người đầy tớ là anh Lê về làng, mua một cái rọ lợn to, doạ tìm bắt anh Hồng nhốt vào đó đem ra cho cậu nhưng anh ấy vẫn không ra mà tìm cách chạy trốn trui trốn lủi, có lần còn chạy tít xuống cánh đồng Bông. Bấy giờ Tây đóng ở bốt Cầu Giấy hay càn xuống làng, cậu tôi sợ Tây thấy anh ấy chạy trên bờ ruộng sẽ bắn chết nên đành nuốt giận và không thèm quan tâm đến thằng cháu ấy nữa. 

Nghe u tôi nói, ông giáo Đính bảo tôi học được, cậu tôi bảo thế thì cho nó thi nhẩy cóc từ lớp từ Tư vào thẳng lớp Nhì. Rồi cậu tôi tính toán, muốn vậy phỉ tìm  một trường nhỏ lại xa trung tâm Hà Nội, ít học sinh giỏi thi mới ăn chắc. Và cậu đã tìm ra trường Đỗ Hữu Vị ở tận trên mạn đường Quán Thánh gần sở Canh nông của cậu. Tôi Thi và đã đỗ đúng như toan tính đó. Và thế là, hàng ngày, sau khi ăn bát cơm rang điểm tâm, tôi ra chợ Hôm, bắt xe điện từ chợ Hôm lên Bờ Hồ, qua chợ Đồng Xuân đến Quán Thánh thì xuống vào trường học. Hôm nào không phải học chiều thì tan trường, tôi lại ra Quan Thánh băt tầu điện về nhà. Hôm nào phải học chiều thì nghe lời cậu tôi, đi bộ lên sở Canh Nông ăn cơm nắm rồi tha thẩn chơi quanh quẩn ngoài cổng sở, bên những lùm cây xum xuê của khu vườn Bách Thảo.

Dạo đó, ngoài cái tên trường Dịch Vọng mang tên của làng mình mà tôi đã học thầy Đính ở đó một năm, tôi không biết thêm tên một trường nào khác. Nay học trường Đỗ hữu Vị, tôi không hiểu Đỗ Hữu Vị là ai mà lại được đặt tên cho một trường học. Tôi đem thắc mắc đó hỏi cậu tôi thì được cậu giảng giải:

Đỗ Hữu Vị là tên một viên đại uý không quân đắc lực của người Pháp, có bố là Đỗ Hữu Phương được Pháp phong hàm Tổng đốc, tục gọi là Tổng đốc Phương. Xuất thân hộ trưởng, lần thăng huyện, phủ, đốc phủ sứ ở  Chợ Lớn cho đến khi hưu trí, Đỗ Hữu Phương được Pháp thưởng cho tam đẳng bội tinh, triều đình Huế phong hàm Tổng đốc, chết năm 73 tuổi.
Các con ông là Đỗ Hữu Chẩn (Đại tá quân đội Pháp), Đỗ Hữu Trí (gọi là Trí Chánh án), Đỗ Hữu Vị (Đại úy không quân) đều là tay sai đắc lực của thực dân Pháp. Con gái là Đỗ Thị Nhàn có chồng là Hoàng Trọng Phu người Hà Tĩnh làm Tổng đốc Hà Đông, gia phong Thái tử Thiếu bảo, Hiệp biện đại học sĩ và một người nữa là Đỗ Thị Dần, có chồng là Lê Nhiếp, Tri phủ Vinh Tường, Vĩnh Yên.

Lúc thịnh thời, nhằm Tết Nguyên đán, Đỗ Hữu Phương có câu đối dán trước nhà nhằm thách người đối được sẽ được thưởng, nguyên văn:
Đất Chợ Lớn có nhà họ Đỗ;
Đỗ một nhà: “ngũ phước tam đa”.
Sau đó có kẻ vô danh gởi đến câu đáp như sau; nhưng không nhận thưởng:
“Cù lao Rồng có lũ thằng phung;
Phung một lũ “Cửu trùng bát nhã”.
để nói về tư cách, hành vi của cha con ông.

Sau này các con Đõ Hữu Phương đều xin quốc tịch Pháp lấy họ Chan (Chẩn).

Trường Tiểu học Đỗ Hữu Vị đúng là một trường nhỏ, chỉ có một dẫy nhà một tầng mái ngói khoảng chục phòng học. Sân trường không rộng nhưng rợp tán lá bàng. Tôi chỉ học ở đó hơn 2 tháng nên không có nhiều kỷ niệm. Duy có một việc luôn ám ảnh trong đầu mà tôi không biết hỏi ai và cũng không dám hỏi cậu tôi. Số là trước cổng trường có một trại lính gồm toàn lính gốc Phi với những khuôn mặt đen nhẻm và mấy vết rạch hằn trên mặt mà người ta quen gọi là Tây ba vạch khiến người yếu bóng vía nhìn thấy đều khiếp đảm. Tôi và nhiều bạn học cũng rất sợ phải nhìn thấy những khuôn mặt đó. Nhưng càng sợ lại càng hay tò mò. Giờ ra chơi nào chúng tôi cũng rủ nhau lấp ló bên cổng trường nhòm về bên trại lính. Điều thường thấy là mấy anh lính gác hay đổi phiên nhau liên tục. Mỗi khi anh này thay anh kia thường giơ ngón tay trỏ ra và nói hầu như một câu giống nhau:  “keng mi nuýt!.  Anh được đổi cũng tươi cười nhắc lại cũng ngân ấy tiếng “keng mi nuýt” rồi háo hức biến vào cuối cái ngõ nhỏ tồi tàn ngay cạnh trại lính.

Mãi đến năm 1952, khi đã được học Pháp Văn và đọc hàng loạt báo chí và tác phẩm văn học từ Tự Lực Văn đoàn đến Tiểu thuyết Thứ bẩy và các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, tôi mới vỡ lễ ra là, bọn lính da đen gác thay nhau để vào chơi gái nhà thổ ở trong ngõ. Chắc chúng toàn đi tàu nhanh rẻ tiền nên nhắc nhở nhau chỉ “keng mi nuýt” !” (quinze minutes) tức là 15 phút thôi nhé là phải về ngay đấy! 

Trường Tiểu học Đỗ Hữu Vị, cái tên không phải là một địa danh hay một danh nhân, một anh hùng trong lịch sử mà chỉ là tên một viên đại úy không quân cả dòng họ làm tay sai cho thực dân Pháp, ở gần ngay một trại lính da đen, sao mà hợp nhẽ thế! 

Hai tháng học lớp Ba trường Đỗ Hữu Vị, tháng đầu tôi gần đội sổ: xếp thứ 46 trên 52 học sinh. Thầy giáo phê vào Thông tín bạ: Học kém. Phải cố gắng nhiều mới mong khá được. Về nhà tôi cũng bị cậu tôi mắng và nhắc: Không siêng năng học thì sẽ bị đúp lại lớp, uổng công thi nhảy cóc đấy. Tôi lo sợ thật sự nên tự bắt mình phải đánh vật với bài vở. Tháng sau, tôi vươn lên được 20 bậc, xếp thứ 26. Thầy giáo phê: Đã có tiến bộ chút ít. Cậu tôi không còn mắng nữa nhưng nói, mới được mức trung bình thôi, phải siêng học hơn nữa. Sau đó, cậu tôi xin cho tôi chuyển về trường Tiểu học Quang Trung trên đường Quang Trung, gần hồ Ha Le. 



Đường từ nhà đến trường Quang Trung của tôi bây giờ rất ngắn, từ chợ Hôm ra phố Huế ngược lên một quãng rẽ trái vào phố Trần Quốc Toản, hết phố thì tới trường ở ngay góc ngã tư Trần Quốc Toản và Quang Trung. Trường này có tiếng ở Hà Nội, nhiều phòng học khang trang, sân chơi rộng rãi, xanh um toàn tán lá những cây bàng gìa. Nhưng tôi chỉ được học có hơn hết năm lớp Nhì nên ấn tượng về trường Quang Trung trong tôi không nhiều về hình ảnh ngôi trường hay thầy giáo và các bạn học mà chỉ có mỗi hình ảnh thầy Thành hiệu trưởng đọng lại về sau. Tôi chưa một lần đến gần thầy hiệu trưởng hay được thầy bảo ban điều gì nhưng hình ảnh thầy với trang phục khăn xếp, áo the đen, quần dài trắng, hai gấu ống quần luôn có hai cái cặp để khỏi quệt vào xích cái xe đạp nam với đôi phanh đũa kềnh càng, nước sơn đen bóng lúc nào cũng được lau chùi cẩn thận luôn luôn sống động trong lòng tôi cung với hình ảnh thầy Thành mỗi lần dắt xe ra vào cổng trường đều làm cho hàng trăm cặp mắt học trò đổ nhìn theo. 

Năm sau, nhờ viện trợ Mỹ có thêm trường tiểu học Vân Hồ. Trường Quang Trung đông học sinh nên cắt một số lớp Nhất đưa về trường Vân Hồ. Tôi phải chuyển về đó học. Đường đến trường bây giờ là từ chợ Hôm đi thẳng sang Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu tới gần Đại Cồ Việt, xa hơn trường Quang Trung. Các lớp học trong trường đều tường xây gạch mộc, mái lợp tôn kẽm trông còn rất tuềnh toàng.  Khu sân chơi rộng rãi trống không toàn đất cát vì cây bóng mát mới đang được ươm trồng.Thầy giáo dạy tôi năm đó là thầy Nguyễn Văn Tôn, người gầy mỏng và hiền khô không để lại nhiều ấn tượng trong học sinh ngoài một bộ com lê màu nâu đã cũ sờn nên tôi cũng không có nhiều ghi nhớ về thầy. 


Hết năm lớp Nhất trường Vân Hồ, tôi phải lên thi tốt nghiệp bậc Tiểu học tại trường Lý Thường Kiệt ở phố Nguyễn Khuyến phía sau phố Nguyên Thái Học. Kỷ niệm còn ghi đậm nhất kỳ thi này là buổi thi đọc thuộc lòng. Học sinh vào phòng thi, ngồi chờ gọi theo số báo danh. Ban giám khảo ba người gồm hai thầy ngồi hai ghế bên và một cô giáo ngồi ghế giữa trước một cái bàn, cả ba đều còn rất trẻ. Khi cô giáo gọi đến tên ai, người đó lên, khoanh tay cúi người lễ phép chào ban giám khảo rồi tự mình đưa tay nhặt một thăm giấy trong đó ghi tên bài sẽ phải đọc trình lên bàn cho ban giám khảo xem. Đến tên tôi, rút thăm được bà Nhớ rừng của Thế Lữ. Tôi sướng quá vì tôi vốn rất thích thơ Thế Lữ và bài Nhớ rừng này thì tôi đã thuộc nằm lòng. Thế là tôi đọc liền một mạch đầy tự tin và trôi chảy.
Sau này trong tờ giấy chứng nhận Tốt nghiệp Tiểu học của tôi ghi loại Bình. Ngày đó học sinh được xếp học lực theo các hạng từ cao xuống thấp là Ưu, Bình, Bình thứ và Thứ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...