CHÍN NĂM ĐÈN SÁCH (4)
Sau tiếp quản thủ đô Hà Nội tháng 10-1954, cậu tôi vẫn ở lại Hà Nội rồi đi làm công chúc lưu dung một thời gian, sau đó nhận thấy khó ổn ới chính quyền mới, tháng Giêng năm 1955, cậu tôi đem vợ con tìm cách xuống Hải Phòng rồi di cư vào Nam. Tôi không thể đi theo cậu được nhưng vẫn ở lại căn nhà của cậu mợ để lại nay do dì tôi cũng là chị gái cậu đứng tên trông nom. Dì tôi góa chồng lúc mới ngoài ba mươi tuổi, một nách nuôi 4 con, một trai ba gái. Trong những năm đầu cuộc kháng chiến 9 năm, dì buôn tiền chuyển đổi giữa hai vùng kháng chiến và vùng tạm chiếm, rất phát đạt, có nhà cửa ở bên Gia Lâm. Nhưng năm 1952, sau mấy lần bị bắt, dì khánh kiệt, phải bán hết nhà cửa và chỉ còn hai bàn tay trắng rồi phải cầu cứu ông em là cậu tôi cho về ở căn nhà 25 Phùng Khắc Khoan để cho các con có chỗ ăn học. Cậu tôi cưu mang cả năm mẹ con dì, cấp cho bà chị một ít vốn để có một chỗ ngồi ở chợ Bắc Qua bán khăn mặt và quần áo trẻ con. Công việc buôn bán của dì đang có cơ khấm khá thì tiếp quản Thủ đô làm cho nó tê liệt luôn. Vì vậy, bữa cơm ở nhà dì mỗi ngày mỗi thêm tằn tiện, thức ăn chủ yếu là rau muống luộc chấm tương hoặc rau muống luộc cũng nấu với tương có đập thêm mấy miếng gừng cho thơm mùi để dễ ăn với cà muối, năm thì mười hoa mới có được đĩa đậu phụ rán non hay đĩa trứng tráng mỏng. Tuy thế, tôi và 4 đứa em con dì đang tuổi ăn tuổi lớn chỉ cần no bụng là được. Mấy năm đầu tiếp quản, mùa đông rất lạnh như năm 1955, có những ngày lạnh xuống 5 độ. Người ta truyền nhau kinh nghiệm chống rét bằng cách lót giấy báo cũ vào bụng và ngực rồi mặcc áo rét phủ ngoài cho khỏi bị ho bị cảm lạnh. Buổi tối, mấy anh em ngồi học mới thật là cảnh ngộ, đứa nào đầu cổ cũng quấn chặt chiếc khăn phu la dạ đã sờn rách, chân đi tất, toàn là tất vải cổ không chun nên phải lấy dây nịt cột cho khỏi tụt. Tôi và chú em con trai cả của dì tên là Đào Quốc Giám, lớn hơn tôi một tuổi, ngủ chung giường, đắp chung một chiếc chăn chiên Nam Định màu hồng xỉn, bao giờ lúc vào giường cũng co kéo nhau một lúc để không đứa nào bị hở đầu hở chân rồi mới đi vào cơn ngủ.
Việc học của tôi cũng rất nhiều thay đổi.
Năm đầu 1954-1955, lớp tôi học vẫn mang tên hệ Trung học cũ: Đệ Ngũ. Nhưng nội dung các môn học thì thay đổi rất nhiều, đặc biệt môn Quốc Văn gần như mới hẳn, rất nhiều tiết học về thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, về các tác phẩm văn học kháng chiến chống Pháp…Các thầy giáo cũng xáo trộn nhiều. Một số giáo sư trung học cũ dạy các môn Toán, Lý, Hoá, sinh vẫn được tiếp tục giảng dạy. Các giáo sư dạy Anh Pháp thì mất nghiệp, một số xin thôi việc, một số được chuyển sang làm các việc khác như thày Nguyễn Đình Sửu đã nói bên trên. Bây giờ số đông là các giáo viên từ kháng chiến trở về hoặc từ miền Trung miền Nam tập kết ra.
Sang năm học 1955-1956, đáng lẽ lên lớp đệ Tứ thì lớp bị chuyển đổi sang gọi là lớp 7 theo hướng sát nhập dần hai hệ thống 12 năm trong vùng Pháp thuộc và 9 năm ngoài vùng kháng chiến. Vậy là sau 8 năm học tập, mất công thầy Đính cho bỏ lớp Năm lên lớp Tư, mất công cậu tôi cho thi nhảy cóc bỏ lớp Ba lên lớp Nhì, bù cho cái tuổi đã lớn mới được cắp sách đến trường, nay sau 6 năm học, tôi được xếp vào lớp 7. Đúng là mèo lại hoàn mèo!
Lớp tôi là lớp 7A do thầy Phạm Hữu Bình người Quảng Nam làm chủ nhiệm. Thầy Bình cùng quê và là bạn nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Chính vì thế, khi trích học tiểu thuyết Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, thầy Bình cho lớp tổ chức một buổi hội thảo về cuốn tiểu thuyết mà thầy nói đã làm nên văn hiệu nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Thầy giao cho tôi viết bài thuyết trình để cả lớp thảo luận và học tập.
Thực lòng tôi thấy tác phẩm Con trâu của Nguyễn Văn Bổng là một thứ xa lạ, xa lạ cả về nội dung và cả về văn vẻ với đầy các tiếng xứ Quảng rất khó đọc. Trước đây, tôi đã đọc và thích Con trâu, tiểu thuyết của nhà văn Trần Tiêu trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tác phẩm này khai thác những nét bình dị, chân thật của nông thôn, không thi vị hóa, cũng không nặng về trần tục. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Xoay quanh chuyện con trâu thực chất là chuyện con người, những người nông dân như bác Chính quanh năm đầu tắt mặt tối gần như suốt đời không có phút thảnh thơi. Con Trâu của Trần Tiêu còn là một tác phẩm độc đáo vì Trần Tiêu là người duy nhất của Tự lực văn đoàn gồm những trí thức văn nghệ sĩ Tây học và trung lưu thành thị lại sống gắn bó với nhà quê và tự đảm nhận việc miêu tả trực tiếp và tỉ mỉ đời sống ở nông thôn.
Một trang trong Tiểu thuyết Con Trâu của Trần Tiêu trên báo Ngày Nay
Nhưng thầy Bình giao việc, tôi không thể không phải đọc cho hết cuốn Con trâu của Nguyễn Văn Bổng và phải viết theo đúng hướng dẫn của thầy là làm nổi bật lên một tầm vóc lớn lao của Con trâu trên mặt trận chiến đấu đầy cam go, quyết liệt. Ấy là, giặc giết, bắt hàng trăm con trâu hòng tiêu diệt mặt sản xuất của ta. Mà như thế, cũng có nghĩa là tiêu diệt trực tiếp lực lượng chiến đấu – dân quân, du kích, và cả bộ đội chủ lực, trước hết là bộ đội địa phương. Vì họ sống nhờ sự nuôi dưỡng trực tiếp của nhân dân ở nông thôn. Bộ đội có ăn no mới đánh thắng, thóc gạo nuôi quân có đảm bảo thì kháng chiến mới có cơ hội thành công. Con trâu – nhân vật tượng trưng, như một hình tượng từ cuộc sống vào nghệ thuật. Đánh giặc, giữ làng, bảo vệ sản xuất chính là một hình thái của chiến tranh nhân dân.
Bìa cuốn Con Trâu của Nguyễn Văn Bổng
Tôi phải mất cả một tuần, đọc, trích và ghi chép rồi viết gần chục trang giấy. Xong buổi hội thảo, thầy Bình rất vui, tuyên dương tôi trong giờ sinh hoạt cuối tuần rằng tôi có khả năng học văn và tích cực trong công việc được giao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét