Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018


 THÁNG SÁU BI CA


Kết quả hình ảnh cho tháng sáu trời mưa

Tháng sáu, theo lẽ tự nhiên  là tháng thứ sáu theo lịch Gregorius, có 30 ngày, trong đó có ngày 21 được coi là một ngày đặc biệt gọi là ngày Hạ chí ở Bắc bán cầu, là ngày mà khoảng thời gian ban ngày dài nhất và thời gian ban đêm ngắn nhất, với phần lớn quốc gia ở Bắc bán cầu được coi là giữa hè. 

Tháng Sáu ở Việt Nam còn có thêm những cơn mưa mùa hè đem lại nét lãng mạn cho thơ và nhạc.  Những cơn mưa tháng sáu đến và đi thật nhanh, nhưng đủ làm cho nhà thơ bật lên một nỗi buồn, một nỗi nhớ:

Tháng sáu, mưa, mưa.
Giá trời đừng mưa, và anh đừng nhớ.
Trời không mưa và anh không nhớ, anh còn biết làm gì.
Em như hạt mưa trên phố xưa,
Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ.
(Đỗ Trung Quân)

Những kỷ niệm thời hoa mộng bỗng dưng hiện về tràn ngập trong ký ức người có tâm hồn âm nhạc, với biết bao nhớ thương, tiếc nuối của một thời học trò trong trắng:

Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em
Trời mênh mang xõa kín bờ mi ngoan
Gót bước buồn lây trong gió chiều mưa bay
Hồn bâng khuâng nghe tiếng gọi đam mê…
(Ngô Thụy Miên)

Và, tháng sáu dù có bão táp mưa sa nhưng với người yêu nhau thì:

Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em

Yêu nhau mà, tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội thất bát đèo cũng qua được thì gió mưa có xá gì đâu. 

Nhưng đời người đâu phải ai cũng có tình khúc tháng sáu, những tháng sáu trời mưa mộng mơ tuy buồn nhưng đẹp ấy.Tháng sáu trong đời người bình dân luôn phải lo cơm áo thì 30 ngày ấy sẽ là bộn bề biết bao nhiêu sự việc. 

Chỉ kể riêng tháng sáu này thôi:

Mở đầu tháng sáu, ngày mồng một, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, tại Việt Nam, còn gọi là Tết Thiếu nhi là ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai của loài người. Trong khi với nhiều đứa trẻ, tuổi thơ là những ngày hạnh phúc nhất khi luôn được chơi đùa, vui vẻ trong tình yêu thương, sự chăm sóc của ba mẹ, thì cũng có không ít những em nhỏ mà tuổi thơ lại là những tháng ngày thiếu thốn, vất vả mưu sinh, chia sẻ những gánh nặng cùng gia đình. Còn nhiều em bé ở miền núi, ban ngày cõng em đi học, cõng em lên nương, tối rồi còn cõng em đi bán hàng cho khách du lịch. Còn nhiều em bé ở miền xuôi phải làm những công việc nặng nhọc như người lớn như theo mẹ xuống đồng cấy lúa ở nông thôn, đi bán vé số dạo, kéo xe chở gạch ngói, bế ẵm em bé cho nhà chủ ...ở thành phố.

Chưa qua thượng tuần tháng sáu, ngày mồng 10 biểu tình tự phát ở khắp nơi, bất ngờ bùng nổ và kéo dài phản đối Dự luật Đặc Khu và An Ninh Mạng, từ Sài Gòn, Bình Dương, Mỹ Tho, Phan Rí, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Đak Lak đến Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương…vv. Trong những biểu ngữ phản đối hai dự luật Đặc Khu và An Ninh Mạng, còn nghe nhiều tiếng hô “Đả đảo bọn bán nước”, “Đả đảo Việt gian”…Tại Tp.HCM, đây là cuộc xuống đường rầm rộ nhất kể từ sau 1975. Chính quyền đã huy động an ninh, công an đến đàn áp biểu tình. Các hình ảnh trên video cho thấy người biểu tình bị kéo lê trên đường phố và tống lên xe buýt đưa đi nơi khác.  

Và thật kỳ lạ, một  tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ Việt Nam, địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, người dân từ nghìn đời nay sống rất hiền hòa, đã nổ ra một vụ bạo loạn ở Phan Rí, Bình Thuận kéo dài từ 10.6 đến chiều 11.6. Những ai chứng kiến chỉ miêu tả được hai chữ: kinh hoàng. Những người quá khích đã đập phá trụ sở UBND tỉnh, bắt trăm cảnh sát giải giáp, đốt cả xe cộ..vv. Không có nhiều bằng chứng cho thấy người dân thành phố Phan Thiết và Phan Rí Cửa khi đi biểu tình vào ngày Mười tháng Sáu có mối quan tâm đặc biệt đến những khuất tất chính trị và nhân quyền của hai Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Mà trên hết, họ đi biểu tình vì nhu cầu môi sinh và môi trường đã bị phá hủy với sự bao che trắng trợn của chính quyền tỉnh Bình Thuận. Sự kiện này khiến chính quyền phải dùng bạo lực: Một tiểu đoàn, có thể là cả trung đoàn cảnh sát cơ động được điều từ miệt trong ra để vãn hồi trật tự ở Phan Thiết và Phan Rí.

Người lãnh đạo cao nhất đảng CSVN N thì nói: Việc người dân biểu tình là do sự thật bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng.
Chủ tịch Quốc hội VN thì kêu gọi chính phủ giám sát chặt chẽ tình hình, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Tất cả báo chính thống đều chạy những chữ, bọn phản động xúi dân đi biểu tình rồi trả 300 nghìn đồng .
Nhiều nhà báo cũng ăn theo nói leo, viêt tin thứ cấp nhưng khẳng định cáo buộc: Những người biểu tình ở Phan Rí là những con nghiện cần tiền.

Nhưng hầu hết người dân không thừa nhận các cách nói và viết trên. Họ đều nhận định: 
Người dân thì bức bách nhiều vấn đề liên quan đến họ, có dịp là ới nhau xuống đường không có quy chế, tổ chức để kiểm soát. Thấy chính quyền bắt người là lập tức bắng mọi giá bảo vệ người của mình.
Thành ra chống lại chính quyền.
Thành ra máu đổ.
Giản đơn thế thôi.

Có người bảo:
Tại sao cứ để dân phải phẫn nộ rồi mới giở giọng lên án, chê bai họ quá khích, bạo lực, vi phạm pháp luật, bị lợi dụng..., rằng "lòng yêu nước cũng cần phải tỉnh táo", "hãy yêu nước một cách sáng suốt", "đừng rơi vào bẫy của thế lực thù địch". 
Sáng nay tôi đọc được trên báo chí quốc doanh rất nhiều bài lên giọng dạy dỗ nhân dân, chê dân mà tác giả không dám chường mặt ra, chỉ ký những cái tên như kiểu Thiện Tâm, Thiện Văn, Dân Ý, Trung Thành; có cả vài bài trên mấy tờ báo bạo lực thì giở thói đe nẹt, dọa dẫm này nọ...

Có người hoài cổ, nhớ về những con người cùng khổ thời xưa như chị Dậu trong Tắt Đèn của cụ Ngô Tất Tố và nói với chị:

Thôi thì chị cứ "tắt đèn" đi
Cứ chạy ra đường trong đêm tăm tối
Nhưng đừng chạy ra trung tâm chị nhé
Rủi bị oan, bị đánh vì tưởng chị "biểu tình"...

Cũng thời gian này, làng mạng xôn xao về sự thất học của một ông tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khóa XIV, khi cho rằng ông ấy phát âm chữ Facebook thành Phê tê bốc và đòi phải dịch chuyển đám mây điện toán đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Nhưng rồi ngày 12.6, Quốc hội vẫn bấm nút thông qua Luật An Ninh Mạng với tỷ lệ 423/466 đại biểu khiến toàn cư dân mạng bày tỏ thất vọng. Có nhà báo nói:
"Hậu quả cho nền kinh tế sẽ là thiệt hại vô cùng lớn mà tới giờ, những ai đưa ra dự thảo luật rồi những ai ngồi bấm nút, liệu có hình dung hết mọi hậu quả lâu dài và có chịu trách nhiệm nổi không?"

Ngày 21.6 đúng ngày mặt trời chiếu thẳng góc vào đường chí tuyến ở Bác bán cầu cũng là ngày Báo chí việt Nam. Nhiều nhà báo được nhận những lời chúc mừng nồng nhiệt của bạn đọc nhưng có người đã bày tỏ: 

Xin trân trọng cảm ơn các bạn đã gửi lời chúc nhân ngày nhà báo 21/6, chỉ xin thưa với các bạn là đây là ngày báo chí cách mạng mà tôi thì hoàn toàn không phải là nhà báo cách mạng.
Đối với tôi, báo chí là báo chí, còn thêm chữ cách mạng thì có nghĩa là mặc nhiên viết theo chỉ đạo của đảng và nhà nước, mà đã viết theo chỉ đạo thì báo chí đã mất đi tính khách quan, lúc ấy báo chí đã biến thành một công cụ tuyên truyền. Chính vì vậy mà uy tín của báo chí ngày càng thấp đi trong lòng người đọc, số lượng người dựa vào nguồn tin trên mạng xã hội ngày càng nhiều.

Ít ngày sau, các báo giấy đồng loạt tăng giá, tờ báo hàng ngày trước 3.700 đ nay lên 5,500 đ!

Tháng sáu, liên tiếp hàng tuần, nước mưa như thác lũ tràn qua đường ở một số tỉnh miền núi phía Bắc trong đó nguy hại nhất là tỉnh Lào Cai. mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất đã khiến 31 người chết và mất tích, thiệt hại 458 tỷ đồng, đến nỗi nhiều người có lòng thương dân đã lên tiếng:  Cần một “Hội nghị Diên Hồng” bàn quyết sách cho vùng lũ quét

 Mấy ngày gần cuối tháng, Trên 925.000 thí sinh dự ký thi THPT Quốc gia 2018 . Khi đề Văn được công bố: Đánh Thức Tiềm Lực, bài thơ của Nguyễn Duy được trích đoạn làm đề thi,  rất nhiều người vỗ tay hoan hô:

- Bộ GD&ĐT sếp lú nhưng quân quá giỏi!

- Cái hay nhất của việc ra đề thi này là "đánh thức" một bài thơ quí của Nguyễn Duy. Một bài thơ cách nay gần 40 năm mà vẫn còn nóng hổi tính thời cuộc. Một bài thơ tưởng chừng "có vấn đề". Chưa bàn đến việc là học sinh có tư duy làm bài thi thế nào, việc dám dùng bài thơ ĐTTL vào đề thi thật đáng hoan  nghênh .

Tuy nhiên, sau giây phút hào hứng ấy, nhìn vào thực trạng đất nước trước mắt, nhiều người không khỏi không ngán ngẩm:

- Đề Văn năm nay đột nhiên đứng đắn, sâu sắc, có vẻ hay mà thực ra không tử tế với học sinh. Các cháu xưa nay có được dạy tư duy vấn đề như này đâu. Chân chính cũng cần có gốc rễ.

- Câu hỏi này thực sự KHÔNG PHÙ HỢP với các em học sinh. Nó quá tầm của các em. Đánh thức tiềm lực của đất nước là khai thác tài nguyên vật chất và phi vật chất. Nhưng hiện nay, với những gì đang trải qua về tham nhũng, quản lý yếu kém, chảy máu ròng ròng CHẤT XÁM thì việc đánh thức tiềm lực như bác Nguyễn Duy viết đã không còn phù hợp. Đánh thức theo tôi thay bằng báo động, kêu gọi, cảnh tỉnh thì đúng hơn. Tài nguyên như bác Duy nói: rừng, biển... đâu còn gì mà đánh thức

- Những thứ tiềm lực đó rừng, khoáng sản, dầu mỏ, than đá..chúng móc lên bán cả rồi, nay phân lô xẻ thịt đất mẹ bán nốt cho nhanh chứ còn chi mô nữa mà tiềm với lực, còn chăng Vịt tiềm Hoa Nam.

Một nhà báo có tiếng viết:  

Bắt đầu tài nguyên than. Ai đi Quảng Ninh thì biết trước đặc sản nhảy cầu Bãi Cháy, đây còn được gọi là xứ than với những mỏ từ thời Pháp. Nó ngon đến mức gạt đất đi là có thể xúc. Lộ thiên luôn. Ấy thế mà chúng mình đánh thức cho đến mức nó trọc mịn luôn. Năm 2011, lần đầu tiên VN phải nhập khẩu với 9.570 tấn than đầu tiên thì đến 2017, lượng nhập khẩu đã đạt gần 15 triệu tấn, tương đương 1,52 tỉ USD. Và tới giữa tháng 3 năm nay, 384 triệu USD phải bỏ ra để nhập 3 triệu tấn than.

Ngày qua ngày, ngổn ngang sự kiện. Nhưng hôm nay thì ngày 30 tháng sáu đã đến, ngày cuối cùng của một thời gian nửa năm trong đời người, chấm hết cho một tháng sáu bi ca 2018.

Giống như người nông dân chỉ mong trời mưa nắng phải thì, trời yên bể lặng để cấy trồng. Ngườì ôn lại 30 ngày tháng sáu vừa qua cũng chỉ xin nguyện cầu năm nào, tháng nào ngày nào cũng đều được bình yên cho dân lành từ thành thị đến thôn quê không bị lầm than khổ ải!



Chùm ảnh: Những hình ảnh khủng khiếp ở Lào Cai khi cơn lũ quét qua - Ảnh 8.

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018


LAN MẠN CHUYỆN VẶT 
BÊN BÁT NƯỚC CHÈ LÁ VỐI

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Ông bạn từ dưới Phú Xuân Nhà Bè lên chơi. Vừa tay bắt mặt mừng xong thì ông bảo:

-Từ nhà tôi lên nhà ông chừng 7km, phải lên chơi với ông vào buổi sáng vì mùa này thường mưa về chiều, may có xe buýt nên đỡ khối tiền xe ôm hay tắc xi ông ạ.

Nghe ông nói thật cảm động. Uống xong bát nước lá vối, ông ấy bất chợt hỏi:

- Trước đây có bao giờ ông nghĩ sẽ vô Nam ở không?

- Chưa bao giờ có ý nghĩ thế, ông ạ-Tôi đáp. Vào năm 1976, cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Hai miền Nam-Bắc đã được thông thương đi lại. Tôi vào Sài Gòn thăm ông cậu ruột. Vừa đặt chân lên đất Sài Gòn, tôi đã bị choáng ngộp bởi cuộc sống của thành phố nầy. Sau đó các em con cậu tôi đã kể lại cho tôi nghe không biết bao nhiêu chuyện về cuộc sống sung sướng và hạnh phúc của người dân Sài Gòn. Sau đó nhiều ngày tôi đã đi chơi nhiều con phố, ngắm nhiều toà nhà đẹp, lá cà quanh các chợ giời tràn ngập hàng hoá…Tôi thấy Sài Gòn giàu đẹp như một thành phố Tây. Nhưng quả thật trong lòng chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ tìm đườn vào sống ở Sài Gòn.

- Thế thì kể cũng lạ. Ông ở Tân Quy, tuy bây giờ là phường nhưng cũng là đất Nhà Bè. Tôi cũng như ông chưa bao giờ nghĩ sẽ sống ở miền Nam thế mà chúng mình đang ở thành phố Cảng tận ngoài Bắc, giờ vì con vì cháu bỗng cùng kéo nhau vào Nam, vào tận miền đất Nhà Bè này. 

Tôi rót thêm nước cho bạn. Ông cầm bát nước lên nhưng chưa uống mà hỏi:

- Mà này, ông có biết vì sao người ta lại goi vùng đất chúng ta đang ở này là Nhà Bè không?
Tôi có nghe câu ca dao: Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định - Đồng Nai thì về nhưng tôi thật không biết vì sao lại có cái tên nhà Bè?

Tôi cười và đáp lời:

- Tôi không thông thái gì hơn ông nhưng tôi biết chỉ vì tôi dùng máy tính còn ông thì không. Hỏi bác Gúc trên máy tính về cái tên Nhà Bè thì bác ấy cho biết:
Thuở xưa ở ngã ba sông nơi Nhà Bè bây giờ không có nhà cửa, đến đó mà không có gạo, nước ngọt, củi phải đi vào sông Sài Gòn, đến Bến Nghé (Gia Định) mới mua củi, gạo xin nước ngọt được. Thấy sự bất tiện, cực nhọc cho những người nghèo, chèo ghe đi lại khó khăn, một người tên là Thủ Huồng muốn tu nhân tích đức, đã làm một cái bè ở giữa ngã ba sông, trên ấy cất một cái nhà để sẵn gạo, củi, muối, nước ngọt cho những ai qua lại cần cứ lấy mà dùng, thứ nào hết ông cho người tiếp tế thêm. Nơi có cái nhà trên bè ấy, dần dần nó trở thành địa danh Nhà Bè cho đến ngày nay.

- Hay thật! Ước gì đời bây giờ có nhiều ông Thủ Huồng thì dân nghèo đỡ khổ biết bao nhiêu.

Rồi cứ thế, hai chúng tôi lan man sang những địa danh khác như Gia Định, Đồng Nai, Bà Rịa rồi sang chuyện Nam tiến  mở rộng lãnh thổ của người Việt về phương nam trong lịch sử Việt Nam mà thời kỳ đầu mới giành được độc lập tự chủ, lãnh thổ Đại Việt mới chỉ bao gồm khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, các đồng bằng nhỏ ven biển Bắc Trung Bộ. Sông Gianh là cực nam của đất nước. Hành trình Nam tiến kéo dài gần 700 năm, nâng diện tích lãnh thổ từ ban đầu độc lập đến khi hoàn thành lên 3 lần, từ thế kỷ 11 đến giữa thế kỷ 18 lãnh thổ Việt Nam về cơ bản được hình thành và tồn tại như hiện nay.

Xong mấy chuyện trà dư tửu hậu, ông bạn tôi bảo:

- Một quá trình 700 năm mở mang bờ cõi trải qua từ các thời Lý-Trần- Hồ rồi Hậu Lê. Nhưng có lẽ công lao to lớn nhất là từ thời các chú Nguyễn rồi Nhà Nguyên sau này.

Tôi bảo:

- Ấy vậy nhưng Thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XIX là một trong những thời kỳ lịch sử đã trải qua những cách nhìn nhận và đánh giá hết sức khác nhau, có lúc gần như đảo ngược lại. Một thời nói đến nhà Nguyenx người ta có  khuynh hướng phê phán gay gắt các chúa Nguyễn và đặc biệt là vương triều Nguyễn thế kỷ XIX. Người ta phê phán các chúa Nguyễn (cũng như các chúa Trịnh) đã chia cắt đất nước, vương triều Nguyễn mở đầu bằng hành động cần viện tư bản Pháp, phong kiến Xiêm để tiến hành cuộc chiến tranh chống Tây Sơn và kết thúc bằng sự đầu hàng quân xâm lược Pháp. Thời kỳ nhà Nguyễn bị kết án là thời kỳ chuyên chế phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khuynh hướng đó gần như trở thành quan điểm chính thống trong biên soạn sách giáo khoa đại học và phổ thông. Tôi làm nghề GODAUTRE cũng đã nhai đi nhai lại những ý đó hết năm này qua năm khác để nhồi vào đầu óc lũ trẻ.

- Vừa rồi có tin ông GS sử học Phan Huy Lê qua đời. Nghe nói ông ấy rất khách quan, trung thực, công bằng về triều Nguyễn?

- Đúng thế, ông ấy đã từng nói Vương triều Nguyễn đã có nhiều cống hiến tích cực trên nhiều phương diện. Các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã đi vào lịch sử, nhưng di sản văn hóa mà thời kỳ lịch sử đó đã tạo dựng nên, kết tinh những giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc, thì mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước

Hầu hết mọi người đều nhìn nhận gs Phan Huy Lê là một nhân cách lớn, nhà đổi mới sử học, Nhà giáo tài danh, nhà Sử học hàng đầu đất nước, một người thầy của những người thầy,

Nhưng cũng chính vì khách quan trung trực, công bằng về triều Nguyễn, GS Phan Huy Lê đã bị cả một lực lượng Dư luận viên ăn lương 3 củ mỗi tháng trong đó có cả một vị tướng đầy oai quyền là ông trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn xúm vào ném đá và chửi bới. 

Trước hết bọn họ dẫn thơ Hồ Chí Minh coi như là lời của thánh làm kim chỉ nam:

“Trong bài diễn ca “Lịch sử nước ta”, do Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản, tháng 2-1942, Nguyễn Ái Quốc đã viết về vua Gia Long như sau:

“Gia Long lại dấy can qua
Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài 
Tự mình đã chẳng có tài 
Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây 
Nay ta mất nước thế này 
Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà
Khác gì cõng rắn cắn gà 
Rước voi giày mả, thiệt là ngu si”.

Rồi họ xúm vào hạ nhục GS Phan Huy Lê: Nào là, một kẻ xét lại, một kẻ đốt đền lịch sử, có mưu đồ muốn “giết sử”. Nào là “một tên phản động ăn cơm thối, nhận đồng tiền bẩn từ nước ngoài bơm cho.

Phanhuyle.jpg

Ông Phan Huy Lê, em trai ông Phan Huy Quát

Chưa đủ, họ còn dẫn chuyện: Gs, Viện sỹ Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam có người anh cả cùng cha khác mẹ  từng giữ đến cương vị Thủ tướng trong Chính quyền ngụy quân Việt Nam Cộng hòa thời đệ nhị không ai là không biết – Ông Phan Huy Quát. Trước khi trở thành thủ tướng của chế độ Ngụy tại Việt Nam, ông Quát (Sinh năm 1908) từng là thành viên Đại Việt Quốc dân Đảng, từng đảm nhiệm các chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng Quốc gia Việt Nam, thủ tướng Việt Nam Cộng hòa từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1965.
Sau ngày 30/4/1975, dù có nhiểu nợ máu với cách mạng và người dân, song ông Quát không ra trình diện để tham gia cải tạo cùng như chịu sự giám sát, quản lý của chính quyền cách mạng. Ông ta trốn tránh những mong sự việc sẽ rơi vào quên lãng và không bị xử lý. Nhưng thật không may cho ông ta khi bị bắt vào ngày 16/8/1975 ông bị bắt trên đường vượt biên sang nước ngoài định cư. Và do có tiền sử bị bệnh trước đó, nên chưa đầy bốn năm sau ông chết trong nhà tù Chí Hòa – 27/4/1979.




Ông Phan Huy Quát (trái), từng là thủ tướng VNCH

Rồi chụp cho GS Phan Huy Lê cái mũ: Vì danh dự dòng họ mà đã trở cờ.

Nghe vậy, ông bạn tôi khẽ lắc đầu mà nói:

-Thế mới biết Làm người là khó, đúng như cổ nhân đã dạy

Tôi nói thêm:

- Ông Đoàn Duy Thành một Trung ương uỷ viên, một Phó Thủ tướng, trong đề từ cuốn hồi ký của mình còn nói rõ hơn: Làm người là khó. Làm người Xã hội chủ nghĩa còn khó hơn nhiều.

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28-6

Những lời chúc hay, ý nghĩa cho ngày Gia đình Việt Nam

Mặt trời vừa lên cao, một ông bạn đến chơi. Đang cùng nhau uống nước lá vối nhà trồng được bỗng ông khách hỏi chủ nhà: 
-Ngày gia đình Việt Nam là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Hai ông bà có mấy đứa cháu nội ngoại đều đang ở nước ngoài có cảm thấy buồn không?


Trong hình ảnh có thể có: 7 người

Không cần nghĩ ngợi, chủ nhà đáp:
-Chỉ nhớ chúng thôi chứ không hề buồn. Ông xem đấy hầu hết cán bộ, quan chức ở ta đã và đang tìm cách cho con cháu định cư ở nước ngoài. Và đi bằng nguồn nào thì ông biết đấy,đó là tiền tham nhũng. Như vậy họ chocon cái ra nước ngoài không phải vì nghèo về tiền mà họ chuyển tài sản cho con cháu mang ra nước ngoài là để chờ thời, sau khi chúng được định cư an toàn ở nước ngoài thì họ sẽ lên kế hoạch thoát thân nốt vì họ cảm thấy tình hình hiện nay trong nước đang như một núi lửa chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu. Nhiều lãnh đạo các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có sai phạm làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước cũng đã trốn ra nước ngoài để tránh sự trừng phạt của pháp luật và tẩu tán tài sản. Điều này ai cũng thấy và cũng biết.

Mình một đời làm công ăn lương, không một chức vụ gì, không một tấc đất cắm dùi, không một chỉ vàng dắt túi, chỉ có một cuốn sổ hưu còm cõi chưa đến 5 triệu đồng một tháng, nay coi như đang ngồi bệt đất. Con cháu mình chúng tự thân tìm đường ra đi bằng khối óc và bàn tay của chúng, thế thì phải mừng cho chúng chứ sao lại buồn hả ông?! Tôi chỉ cần một nụ cười, chỉ cần một cuộc điện thoại hoặc mấy dòng gmail của chúng gửi về là biết chúng khoẻ mạnh và  luôn luôn đang ở bên mình, thế là hạnh phúc lắm rồi.

Ông bạn uống cạn bát nước lá vối, gật đầu cười rất tươi rồi nói:

-Xin chúc mừng ông và chúc mừng cả con cháu ông bà đang sống ở nước ngoài!


Trong hình ảnh có thể có: thực vật, chim và ngoài trời

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

CHIỀU MƯA BUỒN, 
ĐỌC DI CẢO THƠ CHẾ LAN VIÊN

Kết quả hình ảnh cho chế lan viên

Hôm nay mưa suốt chiều không đi đâu được, ngồi nhà buồn tìm đọc thơ di cảo của Chế Lan VIên.

Năm 1952, lần đầu tôi đọc chương viết về Chế Lan Viên trong cuốn Nhà Văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan thấy thích và đã thuộc ngay một số câu thơ của Chế Lan Viên như những câu như:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Sau đó tôi lên thư viện tìm đọc tập thơ Điêu Tàn của ông, một tập thơ khổ nhỏ, mỏng mảnh gồm 36 bài và lại thêm yêu thích  giọng thơ buồn ảo nảo pha màu sắc huyền bí kỳ lạ


IMG-3383-1536-1437737902.jpg

Năm 1954, sau tiếp quản Thủ đô Hà Nội, năm 1960 Ánh sáng và phù s của Chế Lan Viên ra đời trong đó những bài chủ yếu trong tập, cũng chỉ được làm cách đó ít lâu, 1958, 59 gì đó cho ta  thấy rõ quá trình chuyển hướng thơ của ông hoàn toàn không dễ dàng, đơn giản.
      
      Xưa phù du mà nay đã phù sa
      Xưa bay đi mà nay không trôi mất
      Cho đến được lúa vàng đất mật
      Phải trên lòng bao trận gió mưa qua.

 Nhưng thật lòng tôi không thích lắm Ánh sáng và phù sa.

 Về sau Chế Lan Viên còn viết nhiều bài thơ được gọi là Thơ tranh đấu và buồn thay cho một nhà thơ thời trẻ  “một cánh chim thu lạc cuối ngàn” với những câu thơ “bất hủ” bây giờ:

“Bác sống trong ta, Bác ở giữa đời”,

“Thôi vui lên! Hạnh phúc đến đây rồi /
Dẫu sống lại, cô Kiều không khổ nữa”,

Khi chế Lan Viên qua đời, Trong thơ Di cảo Chế Lan Viên có 3 bài thơ rất hay. Đó là các bài :“Ai ? Tôi!”  –  “B ánh vẽ”  và “Trừ đi”… Có người bảo đây là  những sự trở trăn, lật trái lại mặt sau của cuộc đời. Nói đúng hơn đây là ba bài thơ sám hối của một nhà thơ đã ngộ ra sớm hơn nhà văn Nguyễn Khải ”đi tìm lại cái tôi đã mất”,đến mười năm. Tại sao nhà thơ cách mạng nổi tiếng họ Chế phải “nhìn lại”, “sám hối?” Xin bạn đọc, nhất là các nhà quản lý v hãy đọc ba bài thơ và tự bình luận, tự trả lời câu hỏi!

AI? TÔI?

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười
1987

                                          BÁNH VẼ
                    
                      Chưa cần cầm lên nếm,  anh đã biết là bánh vẽ
                      Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
                      Cầm lên nhấm nháp.
                      Chả là nếu anh từ chối
                      Chúng sẽ bảo anh phá rối
                      Đêm vui
                      Bảo anh không còn có khả năng nhai
                      Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
                      Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
                      Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
                      Như không có gì xảy ra hết
                      Và những người khác thấy anh ngồi,
                      Họ cũng ngồi thôi
                      Nhai ngồm ngoàm…


                                         TRỪ ĐI
                      
                      Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
                      Có phải tôi viết đâu? Một nửa
                      Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
                      Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
                      Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
                      Tôi giết cái cánh sắp bay… trước khi tôi viết
                      Tôi giết bão táp ngoài khơi
                                               cho được yên ổn trên bờ
                      Và giết luôn mặt trời trên biển,
                      Giết mưa và giết luôn cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
                      Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
                      Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
                      Và thơ này rơi đến tay anh
                      Anh bảo đấy là tôi?
                      Không phải!
                      Nhưng cũng chính là tôi – người có lỗi!
                      Đã giết đi bao nhiêu cái
                      Có khi không có tội như mình!



Có một số nhà phê bình văn học nói,  có nên đặt ra câu hỏi về sự phân chia, phân loại xin tạm gọi là thơ “lãng mạn”, thơ “tranh đấu”, thơ “sám hối” của Chế Lan Viên thành ba thời kỳ, ba giai đoạn khác biệt hẳn nhau để đánh giá, và cho rằng chỉ có thơ “lãng mạn” và thơ “sám hối” là thành thực và đáng kể?



Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018


NHỮNG CON DIỀU XƯA CŨ ẤY… - Tùy bút Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Đặng Xuân XuyếnLeave a Comment

(Nguồn ảnh: tác giả cung cấp)

NHỮNG CON DIỀU XƯA CŨ ẤY…
*
(Tác giả Nguyễn Bàng)
Một chiều chủ nhật, đạp xe ra hóng mát ở Phú Mỹ Hưng, một khu đô thị đa chức năng kiểu mẫu, nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao ở phía Nam Sài Gòn, chợt thấy một ông già và mấy cháu bé đang chơi thả diều. Giờ là lúc con diều đã bay lên cao và đang no gió vì vậy, ông già thảnh thơi ngồi trên một phiến đá nhìn lên trên bầu trời trong xanh, nơi con diều của ông đang vẫy cánh vờn bay nô đùa với những áng mây trắng đang bồng bềnh trôi thu hút ánh mắt của mấy người như tôi đứng quanh ông cũng đang ngẩng cao đầu lên ngắm nghía. Mấy đứa cháu ông thì vừa chạy tung tăng bên con suối giả xem cá vàng bơi lội vừa thỉnh thoảng nhìn lên con diều đang bay trên trời cao reo lên đẹp quá rồi đồng thanh hát vang lên:
Mai nối dài dây 
Cho diều, diều nhớ 
Để em cùng diều 
Bay cao, cao nữa...
Nghe tiếng hát của bọn trẻ, tất cả từ ông già thả diều đến những người đứng xem như thả hồn bay lên những áng mây, thật đúng với câu “diều lên mỏi cổ”.Tôi cũng vậy và tôi bất giác nhớ đến ông bác, anh trai của mẹ tôi, một người đã lừng danh chơi diều cả một vùng quê ngoại ô Hà Nội.
Hồi ấy, hôm nào biết bác tôi làm diều là tôi sang xem cả buổi. Bác tôi ngồi trên một chiếc chiếu đậu trắng, xung quanh ngổn ngang những vật liệu như giấy, tre nứa và chỉ lụa cùng kéo, cưa, đục và dao nhọn. U tôi bảo, bác được ông bà ngoại cho học chữ Nho từ nhỏ, viết chữ rất đẹp, hát ca trù cũng rất hay nhưng tài nhất là làm được những con diều rất tinh xảo. Bác mê chơi diều từ nhỏ, mê đến nỗi hồi mới hơn 10 tuổi, bác thường hay xúc trộm thóc của bà ngoại đem bán để lấy tiền mua giấy và chỉ lụa, có lần bà ngoại bắt được doạ nếu tái phạm bà sẽ đốt hết diều sáo đi mà vẫn không chừa. Bác tôi khéo tay thật, ông có thể làm ra cả đàn diều với đủ hình chim, thú hoặc mô phỏng các nhân vật nổi tiếng trong các pho truyện của Tàu hay truyện khuyết danh ở ta.  
Có lần bác hỏi tôi:
- Cu cháu có biết ai là người làm ra chiếc diều đầu tiên không?
Thấy tôi nghệt mặt ngồi im như để chờ bác nói thì bác tôi liền giảng giải:
- Nước Tàu chính là xứ sở của diều, chiếc diều đầu tiên trên thế giới cũng là bắt nguồn từ thời Xuân thu Chiến Quốc ở bên Tàu. Cách nay đã hơn 2000 năm, sách cổ của Tàu có ghi lại rằng: "Mặc Tử làm diều gỗ, ba năm mới làm xong, bay một ngày là hỏng".
Chiếc diều gỗ do thầy Mặc Tử ấy làm chính là cánh diều sớm nhất trên thế giới đấy. Mãi hơn 700 năm về sau, đến thời Đông Hán, người Tàu mới phát minh ra kỹ thuật làm giấy, trong dân gian bắt đầu xuất hiện diều được dán bằng giấy, gọi là "Diều giấy”.  
Tôi há hốc miệng nghe bác tôi nói và hoàn toàn tin là đúng vì u tôi đã bảo, bác học chữ Nho rất giỏi.     
Rồi bác tôi nói thêm:  
- Diều phải có sáo. Chơi diều mà không có sáo thì chả khác gì phải nhắm rượu suông. Làm xong con diều này, bác sẽ làm sáo cho nó. Lần này bác sẽ làm sáo kép chứ không làm sáo đơn mà làm hẳn bộ hòa âm 7 chiếc sáo, ở xa vài cây số vẫn nghe thấy tiếng sao vi vu. Làm diều đã khó nhưng làm sáo diều còn khó gấp bội. Nào là tạo thân sáo, quét sơn ta lên thân sáo nhiều lớp cho kín thân sáo, lại đẹp và bền lâu, Rồi khoét miệng sáo ra sao mới là khó nhất. khoét sao cho sáo hứng được gió, giữ được gió tạo nên những tiếng kêu trầm bổng thật hay thì mới được nhiều người thích như câu ca:
Diều lên sáo thổi ve ve,
Bà ngồi bóng mát, bà nghe sáo diều
Rồi vừa phết giáy gió làm áo cho diều, bác tôi vừa mở mang thêm sự hiểu biết cho tôi:
- Mà việc thả diều nó có nhiều ý nghĩa hay lắm chứ không phải chỉ là một thú chơi đâu cu cháu ạ. Người Tàu họ quan niệm thả diều là để xua đuổi tà khí, xua đuổi những điều rủi ro. Còn người Việt ta thì diều sáo là sự cầu mong mưa tạnh gió hòa của những người làm nghề nông, là biểu tượng về sự khô ráo mà người nông phu mong đợi trong những ngày ẩm ướt hay mưa lũ. Diều lên cao trên không trung, sáo kêu to, rõ tiếng giữa trời xanh là thông báo một thời tiết tốt. Con diều và tiếng sáo còn có tác dụng điều hoà âm dương, nối mối quan hệ giữa trời và đất; giữa cao và thấp, giữa khô tạnh và ẩm ướt, góp phần làm cho thời khí nhẹ nhàng, dịch bệnh tan biến.
Một lần, vào cuối tháng Hai, bác tôi cho tôi và anh con cả của bác theo chân lên làng Bá Giang ở tận Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây, bảo để sẽ tham dự Lễ hội thi diều sáo đã có truyền thống hơn hai trăm năm của làng này theo lời mời của các văn thân làng ấy. Bác tôi dự định sẽ làm một con diều lớn mang theo dàn sáo 9 chiếc tượng trưng cho sự sự trường cửu, vĩnh hằng và may mắn đồng thời thể hiện sự độc đáo của con diều như sự kỳ vĩ của voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao trong  truyền thuyết.. Vì diều to, sáo lớn không dễ đem đi đường xa nên phải lên Bá Giang cho sớm và phải làm trước sẵn mọi thứ ở nhà để khi lên chỉ lắp ghép và hoàn thiện con diều. Được cái, người dân làng Bá Giang này rất hiếu khách và rất thẳng thắn công tâm nên lần ấy bác tôi đã được treo giải nhất với phần thưởng là một vuông nhiễu tím và một gói tiền nhỏ khiến chúng tôi ra về lòng đầy phấn chấn sau khi đã tặng cho dân làng cả diều lẫn sáo.
Bác tôi học giỏi nhưng là một Nho sinh lỗi thời nên khi thời đại giáo dục bỏ bút lông dùng bút săt chấm dứt thời kì thi cử Nho học và nền giáo dục phương Tây ngày càng được chiếm lĩnh thì tất cả những Tứ thư, Ngũ kinh, rồi Bắc sử, Nam sử cùng với Đường thi, Tống thi…đều xếp xó bỏ bồ hết. May còn có bàn tay viết chữ Nho đẹp và cái giọng hát ca trù hay, bác tôi chuyển sang làm nghề cung văn kiếm sống, chuyên viết sớ, làm bùa, cúng đuổi tà ma cho các nhà hoặc làm chân cung văn trong các buổi hầu đồng. Thì giờ nhàn rỗi, bác vẫn chơi diều và dạy cho lớp trẻ trong làng biết làm diều, vì thế làng tôi những ngày tạnh ráo đầy tiếng sáo diều vi vút suốt từ chiều hôm đến tàn đêm trăng.
Năm tôi bắt đầu học trung học, tìm đọc sách ở thư viện và biết đến bài Thôn cư ( Ở quê) của Cao Đỉnh nói về trẻ em thả diều với gió đồng:
Tháng ba cỏ mọc, oanh bay,
Trên đê liễu rủ, xuân say hương lòng.
Trẻ con nghỉ học về đồng,
Thả diều cùng với gió đông trong làng.
Tôi toan khi nào về quê sẽ đọc bài thơ đó và nhờ bác tôi bình giảng cho nghe thì làng tôi bắt đầu diễn ra cuộc Cải cách ruộng đất. Bác tôi không có ruộng nên không thuộc thành phần nào từ bần nông, trung nông đến phú nông hay địa chủ nhưng lại bị quy kết là hành nghề mê tín dị đoan và cấm không được tiếp tục mà phải vào hợp tác xã làm công ăn điểm.
Mặc dù mẹ là nông dân nhưng được ông bố cũng là một Nho sinh không đỗ đạt gì về làng bốc thuốc chiều chuộng nên đã sống hơn bốn chục năm trong đời, bác tôi đâu biết đến công việc đồng áng. Mọi việc ngoài đồng đều do bà ngoại và con gái lớn là u tôi lo toan gánh vác. Nay phải vào Hợp Tác Xã thì bác biết làm gì cho có công điểm. Đã thế bác lại rất sợ đỉa mà đồng làng tôi thì nhung nhúc đỉa, hễ thấy mùi da thịt người là lăn xả bám vào hút máu. Mà thời ấy, miếng vải để vá víu quần áo rách cũng rất hiếm, nên các bà các chị người làng tôi phải nhặt nhạnh những manh áo quần cũ nát cắt gạn từng miếng khâu nối lại thành cái xà cột bọc chân cẳng mỗi khi lội ruộng, ngoài ra còn phải đeo bên thắt lưng một ống tre đựng vôi trộn bột ớt để mỗi khi bị đỉa bám thì quyệt vôi ớt làm cho chúng rời miệng ra. Cực chẳng đã, nhưng không nhẽ ngồi chịu đói hay ăn bám vợ, bác tôi kiếm hơn chục con vịt cái thả chúng ra đồng tự kiếm ăn, tối lại về chuồng ngủ rồi đẻ trứng cho bác tôi bán. Cũng may thời đó làng quê không có trộm cắp. Thú chơi diều của bác tôi và của một số dân làng không ai cấm cũng tự nhiên biến mất. Giờ dân làng chỉ nghe thấy tiếng kẻng chói tai sáng trưa chiều tối gọi xã viên đi làm, về nghỉ hay ra sân kho họp hoặc cân thóc. Những đêm trăng sáng một vài nhà có sân vườn, hương hoa cau vẫn tỏa thơm nhưng không nhà nào còn nghe thấy tiếng sao diều vi vút nữa.
Hai mươi năm sau cải cách ruộng đất, làng quê vẫn đói dài đói rạc thì bác tôi qua đời. Sau khi lo mồ yên mả đẹp cho bác xong xuôi, gia đình dọn lại nhà cửa và thấy trên cái gác tre trong chái nhà nơi bác tôi ngủ còn cất xếp mấy chục con diều rất đẹp cùng những bộ sáo diều rất tinh xảo. Bà bác tôi bảo anh con cả:
-Tinh hoa của ông ấy phát tiết hết vào những con diều sáo này nhưng thật tội nghiệp, đằng đẵng hơn hai chục năm nay, ông ấy có được chơi một ngày nào đâu. Hay là anh đem chúng ra mộ thầy, hóa hết đi cho ông ấy có cái chơi ở dưới Suối Vàng.
Nhưng anh con cả không nghe lời mẹ mà thưa lại:
- Con nghĩ những chiếc diều sáo này là di sản văn hóa của gia đình mà thầy con để lại. Đem đốt đi thì chúng sẽ thành tro bụi hết. Xin u cho con được giữ lại để chừng nào đến ngày lại được chơi diều sáo, con sẽ dùng và con tin ngày đó sẽ đến.
Ông anh họ tôi nói đúng nhưng phải đến 10 năm sau, thời bao cấp mới chấm dứt. Người nông dân quê tôi được khoán việc rồi khoán hộ không còn phải đợi kẻng đi làm của hợp tác hợp te nữa mà tự mình hăng hái ra đồng sản xuất nên đời sống được cải thiện nhanh chóng. Không nhà nào phải cân lợn hơi bán cho hợp tác xã mua bán để lấy những đồng tiền rẻ bèo và lĩnh vài mẩu tem phiếu rồi hôm sau lại ra cửa hàng Hợp Tác Xã chầu chực đưa tem phiếu và tiền ra để mua miếng thịt từ con lợn mình đã đổ mồ hôi bèo cám nuôi nó mới cân cho Hợp Tác Xã ngày hôm qua. Ông anh họ tôi vừa làm nông vừa đi buôn đi bán, đã có chút của ăn của để bèn bắt đầu thực hiện đúng lời hứa với bà mẹ mình nay cũng đã về nằm cạnh nấm mộ của người chồng, đem những con diều sáo cũ của bố anh ra thả. Tiếng sáo diều vi vút  trầm bổng ngân lên trong không trung của làng quê khiến mọi người khoan khoái như vừa trút được hơi thở nặng và muốn được hát lên những lời trong trẻo hòa nhịp cùng tiếng sáo diều đã lâu im bặt trong sự nghèo đói tối tăm. Rồi nhà này nhà kia, một lớp người yêu diều sáo mới đua nhau làm diều sáo và chơi thả diều.
Nhưng cuộc vui nào cũng có ngày kết thúc. Chưa đầy chục năm sau, nghe tin quê mình đã lên phường, tôi ở xa về thăm quê. Chỉ có cái lối rẽ từ con đường cái quan vào làng nay gọi là phố mang tên làng được mở rộng và trải bê tông còn các đường thôn ngõ xóm vẫn y nguyên đất cát nhưng hai bên người ta xây toàn nhà ba bốn tầng khiến tôi có cảm giác đi trong một khe núi chật hẹp và tức thở. 
Ông anh họ giờ cũng như tôi, cả hai đều đã bạc trắng mái đầu.  Khi hai anh em dã ngồi yên bên ấm nước trà xanh, ông ấy bảo:
- Từ ngày lên phường, đất làng ta ven đô có giá lắm. Dân tứ xứ kéo nhau đến tìm mua đất làm nhà, ai cũng thích ở gần trung tâm thành phố. Giờ không còn ngõ họ Lê, ngõ họ Nguyễn hay ngõ họ Đặng...như ngày xưa nữa  mà nhà cửa xen trộn nhau giữa người làng cũ với người từ các nơi khác mới đến ở, nhà nào cũng cổng sắt kín bưng, tối lử tắt đèn không dễ gì sang nhà nhau cho được. Ruộng đất cũng đang dần hết vì quy hoạch làm đường, xây chung cư hay phân lô bán. Dân làng ta sống chủ yếu bằng tiền bán đất và làm nhà cho sinh viển ở các trường đại học quanh vùng thuê trọ. Nhà tôi bán đi một miếng đủ tiền xây lên căn nhà ba tầng này đấy, diện tích còn lại cũng được gần mười căn nhà trọ.
Lúc sắp ra về, tôi bỗng hỏi ông anh họ:
- Dạo này, bác có còn chơi diều sáo nữa không?
Ông cười rõ to rồi nói:
- Chú không thấy tôi vừa nói sao mà hỏi kỳ vậy! Còn không gian nào mà thả diều cơ chứ. Đường thôn ngõ xóm thì như chú đã đi và đã thấy. Mấy cánh đồng còn lại cũng đang hết dần vì các dự án này dự án khác. Cả mấy cái bãi tha ma như Ma Tối, Ma Láng, Cầu Vậy, người ta cũng đã di dời hết mộ đi để san lấp và chia lô thì lấy chỗ đâu mà thả diều nữa. Tôi đang lo nghĩa trang làng mình rồi cũng sẽ phải lên tận Yên Kỳ Bất Bạt trên miền bán sơn địa Ba Vì đây.
- Vậy những con diều ngày xưa của ông, bác có còn giữ lại không?
- Không! Với cảnh nhà chen nhà, đường nối đường như hôm nay ở làng mình, tôi nghĩ không bao giờ còn có cảnh diều bay diều sáo tre bay lưng trời ở quê mình nữa. Tôi nhớ lại lời u tôi lúc thầy tôi mất, tôi đã đem tất cả diều sáo trong nhà ra mộ hai cụ hóa hết cả rồi. Vậy là cụ ông sẽ có sẽ có sáo diều vui chơi dưới Suối Vàng và cụ bà cũng ngậm cười nơi Chín Suối vì ý nguyện đã được thực thi. Sau khi hóa những chiếc sáo diều ấy, mấy ngày ngày đầu tôi mất ăn mất ngủ vì buồn, tiếc, nhớ nhung những kỷ vật ấy nhưng rồi cũng cũng phải dần quên đi khi chúng đều đã trở thành hư vô nơi cát bụi..

&

Tôi tìm cách làm quen với ông già ở Phú Mỹ Hưng, trò chuyện với ông và được biết ông là một việt kiều Mỹ mới về thăm quê nhà. Nghe tôi nói về những con diều của bác tôi, ông bảo ông cũng mê chơi diều từ nhỏ và cũng biết ít nhiều cách chế tác diều sáo. Quê ông xưa thường chơi diều dái không kiểu cách cầu kỳ nhưng phải có dái tức là có cái bánh lái để lái diều lên thẳng.
Vì vậy sang đến Mỹ, ông cũng làm diều và tìm cách để chơi diều ở những quảng trường rộng lớn. Ở Mỹ, người ta cũng chơi diều phong phú lắm, đẹp lắm, nhiều ý nghĩa lắm. Người ta coi thả diều không chỉ là một trò chơi để ngắm nhìn, thư giãn và sảng khoái mà còn là một môn chơi - một bộ môn thể thao đích thực, có chức năng rèn luyện sức khỏe. Nhưng diều của họ hầu hết đều làm theo kiểu công nghiệp nên trông con nào cũng như con nào, rực rỡ màu sắc nhưng không có nét đặc sắc riêng. Bởi vậy, con diều dái của ông trở thành một con diều kỳ thú bậc nhất ở xứ người.
Ông giãi bầy vì sao có cuộc thả diều này:
- Về quê hương kỳ này, tôi thấy thương và lo cho lũ trẻ con cháu trong họ tộc quá. Thương vì chúng ở thành phố không có nhiều chỗ chơi, không có nhiều trò chơi. Lo ngại vì thấy chúng suốt ngày chúi mắt vào màn hình máy tính hay điện thoại với ba cái trò chát chít vô bổ hoặc mấy truyện tranh nhảm nhí. Vì thế tôi đã lang thang đi tìm chỗ để bày cho chúng chơi diều, mãi mới thấy khoảng đất còn trống ở khu đô thị mới này.  Mà lạ, người ta dành đất lớn và đẹp rồi đổ tiền vào xây sân gôn cho các đại gia nhà giàu nhưng không ai nghĩ tới dành một khoảng đất chơi nào cho con trẻ? Nên tôi sợ rằng, khi tôi về Mỹ, khoảng đất này cũng sẽ thành biệt thự hay các căn hộ. Bấy giờ, con diếu đang vi vút trên trời cao kia sẽ chỉ còn là một vẻ đẹp thoảng qua trong tâm hồn lũ trẻ.
Rồi ông tâm sự thật lòng:
- Hồi chưa đi Mỹ, ở Việt Nam tôi có đọc một bài văn và thuộc lòng rất nhanh mấy câu này nhưng nay không còn nhớ tên tác giả;
Diều bay, diều lá tre bay lưng trời… Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời… Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều
Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre
Diều hay như thế, quý như thế, nó mang cả nét cái chân quê và cả cái Hồn Việt đẹp như thế, vậy mà để mất đi thì buồn quá! 
Nghe hai tiếng Hồn Việt, lòng tôi bất giác lại nao nao nhớ tới ông bác tôi và những con diều sáo tài hoa ngày xưa do ông làm. 
Hồn của bác tôi, hồn của những con diều xưa cũ ấy ở đâu bây giờ?!

Mời thư giãn với nhạc phẩm LÀNG TÔI
của Văn Cao, qua tiếng hát của tài tử Hương Lan:
          
*
Sài Gòn, 23.06.2018
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn

Email: bnguyen37@gmail.com

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...