THẾ MỚI THÁNH
24-5-1977 khánh thành Mao Chủ tịch Kỷ niệm đường.
Đó là nói theo kiểu Tàu, Ta gọi là Nhà kỷ niệm Mao Chủ tịch. Tuy nhiên, cả Tàu lẫn Ta vẫn quen mồm gọi là Lăng Mao Trạch Đông, mặc dù lăng hay lăng tẩm, lăng mộ là “công trình kiến trúc ngoài trời bao quanh nơi chôn người chết”. Kệ!
Ý nguyện của Mao là hỏa táng, nên khi chết, người ta bảo quản sơ sài để sau 15 ngày phúng viếng và truy điệu thì xác thối là vừa. Nhưng hôm sau, khi họp Bộ Chính trị, Hoa Quốc Phong, người thừa kế chức trưởng đảng, đòi ướp xác, xây lăng. Thế là cuống quýt tít mù cả lên. Người ta làm một cái xác giả, đắp mặt nạ cao su làm “hình nhân thế mạng”. Xác thật được đưa xuống hầm, đè ra phanh thây mổ bụng moi gan, móc hết tim cật phổi phèo, cậy mồm cắt lưỡi, cưa sọ moi óc, khoét mắt, tụt quần thiến hai hòn "trứng cút", rồi ngâm phoóc-môn. Thế cũng xong. Đẹp đáo để.
Đây là xác ướp thứ tư của các lãnh tụ cộng sản tầm cỡ quốc tế, sau Lênin (1924), Stalin (1953), Đimitrốp (1949) và Hồ Chí Minh (1969). Trong đó 2 xác ướp đã bị đem ra hỏa thiêu rồi chôn: Stalin (1961) và Đimitrốp (1990).
Việc xây dựng Nhà kỷ niệm Mao Chủ tịch được tiến hành ngay tắp lự. Nhiều vật liệu quý hiếm như đá granite Tứ Xuyên, đĩa sứ Quảng Đông, gỗ thông Diên An, gỗ quý Hồ Nam, đá núi Thiên Sơn, sỏi Nam Kinh, thủy tinh Hải Nam... được chuyển về. Nước và cát phải lấy từ eo biển Đài Loan để tượng trưng cho sự thống nhất đất nước. Làm xong, thấy cũng đẹp.Hai tháng trước khi khánh thành, đơn vị bảo vệ lăng được thành lập, lấy luôn tên đội cận vệ của Mao lúc còn sống: Đội 8341
.
Tại sao có tên đó? Chả là khi sắp trở thành chủ nhân Trung Nam Hải, Mao sai người đến hỏi một đạo sĩ có tiếng xem hậu vận thế nào. Đạo sĩ ứ nói gì, chỉ viết vào giấy: 8341. Chưa thật sự hiểu ý nghĩa, nhưng Mao rất tin tưởng và lấy số đó đặt tên cho đội cận vệ của mình. Quả nhiên, Mao chết ngày 9-9-1976, thọ 83 tuổi (1893-1976), sau 41 năm làm trùm sò Đảng CSTQ (1935-1976). Thế mới thánh!
Thọ Hữu Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét