Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

BÀI CỦA DƯƠNG NINH NINH (9)

NGÀY TẾT ĐỌC BÁO VIỆT Ở ĐÀI LOAN - Tạp bút Dương Ninh Ninh (Sài Gòn)

Đặng Xuân XuyếnLeave a Comment


(Tiết mục văn nghệ Mái đình làng biển trong Tuần Văn Hóa Việt Nam tại Đài Bắc - Nguồn ảnh: internet)
NGÀY TẾT ĐỌC BÁO VIỆT
Ở ĐÀI LOAN
(DƯỚI BÓNG HOA ANH ĐÀO RỰC RỠ Ở ĐÀI LOAN
ĐỌC MỘT TRANG WEB XUÂN CON GÀ
NỒNG NÀN SẮC HOA ĐÀO Ở VIỆT NAM)
*
Tôi thích những tờ báo Xuân từ những năm mới lên 1 lên 2. Tôi nói vậy mà không hề sợ sẽ bị ném đá, chê cười rằng nói bốc. Là vì, ông ngoại tôi thường dành nhiều thời giờ nhất của ngày Xuân để đọc báo Tết. Ông ngoaị để tôi ngồi lên đùi của mình bên tách trà thơm, tay trái ôm giữ tôi, tay phải chầm chậm mở từng trang báo Xuân đặt trên bàn để đọc. Dạo ấy, tôi chưa nói sõi chứ đừng nói là đã biết chữ nhưng hai mắt tôi cũng nhìn vào trang báo ông ngoại đang xem và đôi khi thích thú chỉ vào một bức tranh ảnh nào đấy trên trang giấy mà bi bô nói đẹp đẹp!  
Sau này lớn lên, tôi nghe và hiểu rằng, ngày Tết được thưởng thức những trang báo Tết là một cái thú khó bề cưỡng được của ông ngoại. Ông tôi bảo, thiếu báo Tết, cứ e hương vị Tết nhạt nhòa đi đâu mất. Tôi còn được biết thêm, ông tôi không chỉ có mấy tờ báo Tết mới mua mà còn có cả một tủ báo Tết cũ được đóng thành từng tập và được chính tay ông kẻ vẽ ngoài bìa ghi tên từng năm một. Bà ngoại tôi bảo, ông ngoại cháu không sợ mất tiền bạc mà chỉ sợ mất những tập báo tết cũ ấy trong đó đặc biệt có mấy tập báo tết từ thời Hà Nội còn thuộc Pháp. Có thời người ta hô hào thiêu hủy văn hóa phẩm nô dịch, ông sợ bị kiểm tra hành chính phải đem những tập báo ấy về quê nhờ bà em họ cất giữ hộ. Nay, cái thời sợ hãi ấy đã qua rồi, ngày Tết thảnh thơi ông tôi mới đem ra nghiền ngẫm lại từ từ để nhớ lại một số cảnh và người của dĩ vãng nghìn trùng. Khi tôi đã đi học đã đọc thông viết thạo, không còn được ông ngoại vừa bế vừa xem báo Tết nữa mà được ông cho ngồi cùng bàn để đọc, mỗi ông cháu một tờ, chỗ nào hay ông đọc lên và giảng giải cho cháu nghe, chỗ nào tôi đọc mà không hiểu không biết thì lại hỏi ông để được sáng tỏ.
Nay tôi đã qua cái tuổi Quả mai ba bẩy của thì con gái nhưng hơn hai chục năm qua, mỗi độ xuân về, tôi chưa bao giờ mất đi cái thú được cùng ông ngoại tôi đọc báo Tết.
Nhưng năm nay, phải theo chân bà chủ sang Đài Loan nên cái thú ấy bỗng dưng bị mất khiến trong tôi đôi lúc cảm thấy như bị mất đi một điều gì rất quý giá. Vì vậy, sáng mồng 3 Tết, khi bà chủ bảo sáng nay cháu đi chơi một mình tùy thich nhé, tôi như mở cờ trong bụng cám ơn bà rồi đem theo chiếc laptop đi luôn ra công viên quốc gia Dương Minh Sơn. Nghe nói ở đây hoa anh đào nở đẹp nhất. Nhưng mục đích của tôi đâu phải là đến Dương Minh Sơn để du ngoạn và thưởng thức vẻ đẹp của hoa anh đào mà chỉ là để tìm một chỗ ngồi tĩnh lặng để thỏa cái thú vui đọc báo tết của mình dù biết rằng với tôi bây giờ chỉ là những báo Tết Việt Nam trên các trang mạng.
Rồi tôi cũng tìm được một chỗ ngồi như mong muốn: Một tảng đá bên hồ ở cuối đường dưới bóng hoa anh đào trắng hồng rực rỡ. Và bắt đầu lên net.
Trước tiên tôi mở những tờ báo điện tử dưới quyền quản lý của Nhà nước. Nhưng mới lướt qua tôi đã thất vọng ngay vì ngoài một tấm thiếp hoa đào hoặc hoa mai có thêm hình con gà trống với bộ lông sặc sỡ nhiều màu kèm theo mấy dòng chữ cả Ta lẫn Tây CHÚC MỪNG NĂM MỚI - XUÂN ĐINH DẬU 2017 / HAPPY NEW YEAR!, những tờ báo này vẫn cập nhật thời sự, vẫn đưa nhiều tin tức và chia ra thành các mục đầy kiểu câu khách: TIN NÓNG HỔI, TIN ĐẶC BIỆT, TIN NHIỀU NGƯỜI ĐỌC không khác gì ngày thường. Mà toàn những tin đã được định hướng kiểu như Mc A bị trộm gương xe hơi, sao B năm nay ăn tết ở Mỹ, vợ sao C sinh con gái sau 4 tháng kết hôn, Chồng tôi đòi ly hôn khi biết vợ biếu bố mẹ 10 triệu đồng tiêu Tết… rồi tin về tai nạn giao thông, giết người vì ghen và khó chịu hơn là các mục quảng cáo vẫn ngập tràn trên trang báo, mặc dù máy tính đã cài Tiện ích chặn quảng cáo rồi mà không chặn nổi. Không thể gọi đó là báo Tết như tên gọi của nó.
Vì vậy, tôi quay sang tìm những trang blog Tết xem sao, đặc biệt là vào những trang có tính chất Văn đàn với cái slogan định vị rất rõ nội dung của trang như Thuần túy văn chương. Đúng là trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng, trang nào cũng có lời chúc mừng năm mới kèm theo hoặc hình Gà linh vật của năm, tranh ảnh phong cảnh nổi tiếng trong nước và thế giới hay nhan sắc người đẹp và đăng tải đủ truyện ngắn, hồi ký, bút ký, tùy bút, tạp bút và nhiều nhất vẫn là thơ, có tác giả được đưa lên cả chùm thơ. Nhưng hầu hết các trang đó đều trình bày rất sơ sài, không thể hiện được sắc màu riêng biệt và không bắt mắt người đọc khiến tôi lại thêm một lần thất vọng cảm thấy tiếc một buổi sáng Xuân được một mình bên cảnh đẹp xứ người. Tôi nhớ tới ông ngoại tôi. Chắc giờ này, ông tôi đang ngồi bên tách trà thơm, vừa ngắm sắc hồng nồng nàn của hoa đào, vừa chầm chậm thưởng thức những trang báo Tết và nhớ  đứa cháu gái không được ngồi bên ông đọc những tờ báo đó.
May sao, đang lúc tôi đang buồn nhớ ấy thì cũng chợt nhớ ra sau ngày 23 tháng Chạp tôi đã đọc bài viết: 30 PHÚT VỚI ÔNG HÀNG XÓM BÊN TRANG ĐẶNG XUÂN XUYẾN của tác giả Nguyễn Bàng trên trang quanvan.net. Qua lời hai ông già bạn hàng xóm với nhau thì Trang Đặng Xuân Xuyến là một trang blog đáng đọc vì nó được trình bày rất trang nhã, bài vở phong phú rất xứng với cái tên là một cái Làng Văn nhỏ bé chung của những ai đồng cảm với chủ trang.
Tôi vội mở lại laptop vào TRANG ĐẶNG XUÂN XUYẾN để xem cái làng Văn này đón Tết ra sao?
Và tôi đã không mất thì giờ vô ích vì khi vừa mở Trang Đặng Xuân Xuyến số Xuân Đinh Dậu 2017 ra, tôi đã bị lôi cuốn ngay vào sắc màu rất Tết, rất Xuân của trang blog. Ngoài trang bìa vẫn là hình ảnh cái cổng làng cổ kính gợi lòng yêu làng xóm quê hương, trang Đặng Xuân Xuyến số Tết hoàn toàn thay da đổi thịt khác hẳn ngày thường. Toàn trang có 40 bài của gần 40 tác giả. Nhìn vào nhan đề từng bài ta thấy bài nào cũng có chữ Xuân hoặc chữ Tết như: ĐẦU XUÂN ĐẾN VỚI 3 BÀI THƠ HAY, MÙA XUÂN MÀU NHIỆM, CHỢ XUÂN, NÍU XUÂN… Thật đúng là báo Xuân nên bài vở đã được chọn lọc đúng đề tài là mùa Xuân, với đủ chuyện Đông, Tây, kim cổ trong mùa Xuân rất “vui nhà, vui cửa”.
Người đọc cũng sẽ không bỏ qua các bài xoay quanh chuyện con Gà của Tết Đinh Dậu như: TẢN MẠN NĂM GÀ…NÓI VỀ ĐINH DẬU,  TÀI VẬN CỦA 12 CON GIÁP NĂM ĐINH DẬU và đủ chuyện thiên về tâm linh, bói toán, tử vi ngày Xuân của các thầy cao tay như Đặng Xuân Xuyến, Tạ Hồng Trường, Đoàn Mạnh Thế, Lưu Xuân Thanh, Bùi Đồng…dành cho mọi người đặc biệt là chị em phụ nữ.
Về hình thức, phải nói là đẹp như hoa Xuân. Trang báo có 40 bài thì mỗi bài đều có một tấm thiếp CHÚC MỪNG NĂM MỚI riêng khiến người đọc có cảm thấy như được nhận chính tấm thiếp ấy từ riêng tác giả bài ấy. 40 tấm thiếp rực lên một màu hồng nồng nàn của hoa đào, từ Đào cành, Đào cây, Đào cổ thụ, Đào non tơ Đào bích, Đào phai, Bạch đào và Đào thất thốn nổi tiếng của xứ đào Nhật Tân, Hà Nội.
Chưa kể tới công biên tập, chỉnh sửa font chữ cho từng bài mà chỉ nhìn vào 40 tấm thiếp chúc mừng năm mới ấy ta đã thấy công phu bỏ ra cho trang web của chủ bút Đặng Xuân Xuyến là không hề nhỏ khiến cả trang web rực lên màu hoa đào, tràn ngập không khí Xuân và đem lại cảm giác cho người đọc sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi cả năm.
Bất giác, tôi nhớ ra, sau khi Đặng Xuân Xuyến đưa lên mạng truyện ngắn GÃ KHỜ, không hiểu sao nhiều người đọc có cảm giác gã Khờ đó chính là họ Đặng. Tác giả Nguyễn Bàng có cả một bài bình luận: GÃ KHỜ HAY THẰNG NGỐC VIỆT NAM CÒN SÓT LẠI Ở ĐẦU THẾ KỶ THỨ 21 NÀY. Bài bình không nói trắng phớ ra cái cảm giác Gã Khờ là một tự truyện của Đặng Xuân Xuyến. Nhưng Nhà thơ Nguyễn Khôi thì không dấu diếm gì khi bóc ra điều đó trong bài thơ TẢN MẠN 5 KHÚC THƠ GỬI GÃ KHỜ đăng ngay trong Trang số Tết này:
Ai về xứ Nhãn / Hà Thành nhỉ
Còn sót thời nay một “gã khờ”
Gà trống nuôi con cày trang web
Ngồi xem phong thủy / thả trời thơ…
Tôi bất giác nhớ tới có một ngày Tết, ông ngoại tôi lôi trong tủ báo ra một tập báo xuân cũ gồm mấy tờ báo Tết rất xa xưa từ năm Quý Tỵ 1953 rồi mở ra tờ báo xuân Tia Sáng và đọc lên một bài thơ vui nói về các văn nhân, thi sĩ một thời:
Đang Đông tả cảnh xuân tươi
Nắng như hầm mỏ thì ngồi làm thơ
Cả ngày hết mộng lại mơ
Khoe khoang Lãng Uyển Bồng Hồ đâu đâu
Rồi ông ngoại bảo cháu:
- Nhưng nhờ cái tính cách dở dở ương ương ấy mà ta có văn thơ để đọc và có tờ báo xuân này đấy, cháu ạ rồi đọc tiếp:
Quý ngài đang đọc báo xuân
Ấy công trình bọn nhà văn trên này
Tôi nghĩ đến 40 cây bút đã gửi bài về trang Đặng Xuân Xuyến. Không biết trong họ có bao nhiêu người đã “Đang Đông tả Cảnh xuân tươi/ Nóng như hầm mỏ thì ngồi làm thơ” để góp phần làm nên công trình Trang Đặng Xuân Xuyến số Tết Đinh Dậu 2017 phong phú này. Rồi tôi nghĩ đến chủ bút Đặng Xuân Xuyến, không bết “gã khờ” này đã cày bao ngày đêm để có một trang web rất xứng tầm một Giai phẩm Xuân online công phu và đẹp rực rỡ như thế.
Và giờ thì tôi cảm thấy trong lòng rất khoan khoái. Tôi mở bản nhạc MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN lên nghe cho át đi tiếng nhạc mừng xuân của người Đài tôi chỉ nghe được giai điệu mà không hiểu được lời ca.
Điệu valse mượt mà và dìu dặt của bản nhạc Văn Cao êm dịu cất lên những tiếng ấm áp ngọt ngào quanh tảng đá bên hồ tôi đang ngồi khiến tôi quên đi nỗi da diết nhớ về Tết ở Việt Nam quê nhà. Tôi tựa lưng vào thân cây anh đào, thả hồn theo tiếng nhạc “Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người…”
Rồi ngước nhìn lên những tán cây đầy hoa anh đào trắng hồng rực rỡ của xứ Đài và có cảm giác như đó là những cành đào sắc hồng nồng nàn ở Việt Nam, ở ngay chính trong căn nhà nhỏ bé của gia đình tôi trong con hẻm nhỏ giữa kinh thành Hà Nội và ở ngay trên Trang Đặng Xuân Xuyến số Xuân Đinh Dậu 2017 tôi vừa đọc.
*
Mời nghe nhạc phẩm XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ của
Trịnh Lâm Ngân qua tiếng hát Duy Khánh:

Đài Bắc ngày 4 Tết Đinh Dậu
DƯƠNG NINH NINH
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn     
Email: duongninhsg@gmail.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...