BÀI CỦA DƯƠNG NINH NINH (5)
VỀ
QUÊ ĐI MÀY - TIẾNG GỌI CỦA NHÀ THƠ HAY CỦA THỜI THƠ DẠI? - Tác giả: Dương Ninh
Ninh (Sài Gòn)
VỀ QUÊ ĐI MÀY -
TIẾNG GỌI CỦA NHÀ THƠ
HAY CỦA THỜI THƠ DẠI?
Về quê đi mày
- Với Nguyễn Xuân Thành -
Mày về quê chơi đi
Tao lại dạy mày chơi trò trận giả
Mày lại dạy tao bóng chuyền bóng đá
Lông nhông đầu làng cuối ngõ
Cướp cờ
Đánh đáo
Đủ trò
Mày khờ khạo
Tao ngây ngô
Nghéo tay cưới chung một vợ
Bọn bạn bảo tao mày 2 thằng dở
To xác rồi đầu vẫn cứ ngu ngơ.
Mày về quê chơi đi
Biền biệt thế
Bặt tin như thế
Tao nhớ mày
Rượu tao uống chẳng say
Đêm cuối cùng mày nói thật hay
Khắc trong tim bạn hiền tri kỷ
Nghéo tay tao hẹn ngày trở lại
Hai mấy năm trời
Nước chảy bèo trôi...
Mày về quê chơi đi
Về với tao. Về với thời thơ dại
Về đi mày
Đừng lời nói gió bay.
*.
Làng Đá, Ngày 11 tháng 12 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH:
Tôi xa Hà Nội
không phải “năm lên mười tám” như nỗi lòng một người đã xa Hà
Nội trong một nhạc phẩm nổi tiếng từ hơn 60 năm trước, mà là năm tôi mới lên
mười bẩy. Tôi xa Hà Nội cũng không được như người đó “khi vừa biết yêu” mà
là tôi chưa hề biết yêu và thật lòng cũng chẳng biết có ai đó đã yêu tôi (!)?.
Tôi xa Hà Nội cũng không vì một biến cố trọng đại của chung xã hội hay của
riêng gia đình tôi mà chỉ là một duyên cớ rất đời thường: Thi được một suất học
bổng sang Sing học tập. Do vậy, khi nhận được giấy báo phải xa Hà Nội, trong
tôi đã cuộn sóng những niềm vui sướng suốt cả hai tháng trời chờ đợi. Chỉ đến
khi ngồi trên máy bay, tôi mới thấy một nỗi buồn cô đơn xâm chiếm lòng mình mặc
dù chuyến bay có đủ cả trăm hành khách. Tôi bắt đầu thấy thiếu vắng gia đình,
thiếu vắng bè bạn rồi bất chợt nhận ra cái thiếu vắng lớn nhất là một khoảng
trời rộng lớn, đó là Hà Nội quê tôi. Vâng, Hà Nội quê tôi, mặc dù nơi tôi sinh
ra và lớn lên chỉ là một con ngõ nhỏ trong lòng phồn hoa của Hà Nội, nhưng bố
tôi bảo hơn 10 đời nhà ta đã sống trên mảnh đất ngõ này, trong căn nhà nhỏ thân
thương này đã được tạo dựng và tu đi đi sửa lại cũng đã mấy trăm năm.
Học xong, đi làm
cho công ty người nước ngoài, những thiếu vắng trên càng dầy lên trong tâm hồn
tôi. Những nỗi buồn vì xa gia đình, xa bè bạn may nhờ có cái máy tính, cái điện
thoại nên nhiều lúc vẫn có thể vừa trò chuyện vừa nhìn thấy người trò chuyện
với mình. Vẫn thấy được những khuôn mặt hiền lành như Phật của ông bà nội
ngoại; vẫn thấy được nét đẹp thanh tú và giọng nói dịu hiền của mẹ cùng đôi mắt
sáng vừa hiền từ vừa nghiêm khắc và những lời khuyên ân cần của bố; vẫn thấy
được khuôn mặt ngây thơ nũng nịu của đứa em gái nhỏ luôn nhắc chị bao giò
về thì đưa em đi ăn kem Tràng Tiền nhé và vẫn thấy được những dáng vẻ
tinh anh cùng những câu nói mày tao chí tớ thân thiết chia vui chia buồn
của lũ bạn. Nhưng còn Hà Nội quê tôi trong đó có cái ngõ hẹp với ngôi nhà thân
thương của tôi thì sao mà nhìn thấy và chuyện trò cùng chúng?
Chiều cuối tuần
được nghỉ việc, sau khi đọc và trả lời hết các thư điện tử của lũ bạn gửi từ Hà
Nội, lòng tôi như một dòng sông ngập tràn nỗi nhớ nhung về chúng. Để đỡ buồn,
tôi lên net và thật bất ngờ, khi vừa mở một trang mạng thì 4 tiếng “Về
quê đi mày” bật lên trước mắt tôi rồi chúng vang lên thành một tiếng
gọi vừa rất quen vừa rất lạ. Phải chăng lũ bạn tôi, tất cả chúng nó đang hòa
chung giọng thiết tha gọi tôi: “Về quê đi mày”? Nhưng chỉ mấy giây
sau, tôi hiểu ra mình đã bị ảo thanh bởi đó là tên một bài thơ của Đặng Xuân
Xuyến mới đưa lên trang Nhà văn Lê Xuân Quang hôm đầu tuần. Bài thơ ghi rõ cả
tên người bạn được gọi: Với Nguyễn Xuân Thành chứ đâu phải với
tôi. Nhưng tôi vẫn chăm chú đọc nó.
Vỏn vẹn 26 câu
thơ tự do, toàn những lời tiếng bình dị đời thường không một từ trau chuốt, bài
thơ được mở đầu bằng một lời nhắn gọi:
Mày về quê chơi đi
Thói thường khi
nói đến mấy tiếng “về quê chơi”, người ta sẽ nghĩ ngay đến chuyện
về thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình, về cái làng ta phong cảnh hữu
tình thân yêu, nơi có triền đê, lũy tre, cánh đồng, phiên chợ… và những người dân
quê cần cù một nắng hai sương trong đó có những người ruột thịt họ hàng của ta.
Nhưng suốt bài thơ của Đặng Xuân Xuyến, ta không hề bắt gặp một cảnh vật và một
con người hữu tình nào như vậy. Thậm chí, ở cuối bài, tác giả có ghi rõ tên quê
mình là Làng Đá, một làng quê nổi danh ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên với
tích truyện ngôi chùa Đá, nhưng trong “Về quê đi mày”, tuyệt
nhiên cũng không thấy một câu, một hình ảnh, một dấu tích nào về
ngôi chùa lịch sử cổ kính có từ thời nhà Lý ấy. Mà “Mày về quê chơi đi” là
để:
Tao lại dạy mày chơi trò trận giả
Mày lại dạy tao bóng chuyền bóng đá
Lông nhông đầu làng cuối ngõ
Cướp cờ
Đánh đáo
Đủ trò
Hai tiếng “đủ
trò” tưởng đã là hết nhưng chưa, bởi còn thêm cái trò này nữa:
Mày khờ khạo
Tao ngây ngô
Nghéo tay cưới chung một vợ
Bọn bạn bảo tao mày 2 thằng dở
To xác rồi đầu vẫn cứ ngu ngơ.
Đến đây thì ta
đã rõ, “Mày về quê chơi đi” của Đặng Xuân Xuyến không phải là
lời rủ một người bạn về quê chơi mà là tiếng nhắn gọi người bạn đó về quê để
hai đứa “to xác rồi” sẽ cùng nhau chơi lại những trò ngu ngơ
thời con trẻ.
Nhưng tội
nghiệp, sau một chuỗi lời gọi bạn tha thiết ấy, hình như không nghe có tiếng
hồi vọng khiến tâm hồn nhà thơ nghẹn lắng lại. Anh lại cất tiếng
gọi “Mày về quê chơi đi” lần thứ hai rồi thở dài buồn tủi nhắc
nhớ bạn về tình cảnh ly biệt của hai đứa:
Biền biệt thế
Bặt tin như thế
Và anh kể
lể nỗi lòng nhớ thương bạn của mình:
Tao nhớ mày
Rượu tao uống chẳng say
Mỗi người đều có
một nỗi nhớ bạn cho riêng mình. Người bình dân trong Ca dao nói “nhớ
bạn chơi vơi”, thì ở đây Đặng Xuân Xuyến nói nhớ bạn “rượu uống
chẳng say”. Phải chăng đây là rượu vừa uống vừa chờ bạn về để cùng chung
chén nên không thể được phép say?
Đúng là nhà thơ
không say thât. Anh còn nhớ rất kỹ cái đêm cuối cùng trước khi bạn chia tay,
giờ nói ra vừa để bạn ở xa cùng nhớ lại vừa kín đáo gửi vào đó một hờn trách
nhẹ nhàng con người đã quên lời hẹn ước:
Đêm cuối cùng mày nói thật hay
Khắc trong tim bạn hiền tri kỷ
Nghéo tay tao hẹn ngày trở lại
Hai mấy năm trời
Nước chảy bèo trôi...
Vậy mà buồn
thay, vẫn lại không nghe có tiếng hồi vọng. Quá tam ba bận, nhà thơ đành phải
cố cất tiếng gọi lần thứ ba:
Mày về quê chơi đi
Và lần này thì
thôi, không kể lể nhắc nhớ cho thêm dài lời mà chốt lại rõ ràng dứt khoát:
Về với tao. Về với thời thơ dại
Rồi nhấn thêm:
Về đi mày
Tiếng gọi ngắn
hẳn, nghe có vẻ hụt hơi. Nhưng không, đó là chính là lời thúc giục để kèm theo
câu nói cuối cùng vừa có ý dặn dò vừa có ý răn đe:
Đừng lời nói gió bay.
Như vậy qua chữ
nghĩa rất bộc tuệch của 26 câu thơ, ta thấy “Về quê đi mày” là
tiếng một người bạn gọi một người bạn thân biệt tăm đã lâu mau về quê để cùng
nhau chơi lại đủ trò ngây ngô khờ khạo thời thơ dại. Với tên người được gọi đã
được ghi cụ thể ở đầu bài thơ, liệu đây có phải là tiếng thực của nhà thơ
gọi bạn?
Xin hãy giả
tưởng, người bạn của nhà thơ đọc được bài thơ này, nghe được lời nhắn gọi của
bạn trong những vần thơ này và lần này anh ta không “lời nói gió
bay” như “Hai mấy năm trơi/ Nước chảy bèo trôi..,” đã
qua; anh ta sẽ về quê thật, thì đôi bạn có cùng nhau sẽ sống lại “đủ
trò” như tác giả đã hứa với bạn không? Tôi tin là không, hoàn toàn không
thể có lại được “đủ trò” thơ dại ấy. Làm sao có thể tưởng ra
cảnh hai kẻ đàn ông đang ở cái tuổi tri thiên mệnh, mắt đã phai và má đã
hóp về đến quê lại có thể cùng nhau:
Lông nhông đầu làng cuối ngõ
Cướp cờ
Đánh đáo…
và khờ khạo ngây ngô:
Nghéo tay cưới chung một vợ?
Chính tác giả đã
nói, đó là “2 thằng dở”, theo tiếng nói ở quê anh, còn dân ngõ
quê tôi Hà Nội gọi là hai thằng rồ! Thế thì làm sao họ có thể diễn cảnh hai
thằng dở, hai thằng rồ như vậy. Người ta có thể nhớ về thời thơ dại, ôn lại kỷ
niệm của một thời vụng dại, lưu luyến đôi chút với cái quá khứ đã một đi không
trở lại đó chứ sao có thể níu kéo nó lại được, nói gì đến việc sẽ lặp lại nó
thêm một lần nữa trong đời khi ta đã thành người lớn.
Vì không thể có
lại được những trò thơ dại ấy nên “Về quê đi mày”, thoạt
nghe tưởng như đây là tiếng nhà thơ nhắn gọi người bạn cũ. Nhưng tĩnh lòng lại,
ta sẽ nhận ra đó không phải là tiếng gọi thực của nhà thơ mà là những âm vang
của thời thơ dại. Cái thời thơ dại ấy tuy đã qua đi lâu rồi nhưng nó vẩn còn
lưu bóng dáng những kỷ niệm về nó trong tâm hồn mỗi người. Sau mấy chục
năm, bươn trải trong thực tế phũ phàng của cuộc sống, mê mải trong những toan
tính khôn ngoan của người lớn và đứng trước biết bao cơn bão tinh thần muốn xô
đổ những giá trị tình cảm đạo đức, tưởng như những dấu vết ngây ngô của thời
thơ dại ấy đã bị xóa nát. Nhưng không, nó chỉ ngủ yên trong lòng mỗi người để
khi có dịp thì thức dậy. Với nhà thơ Đặng Xuân Xuyến cũng thế, khi anh nhớ tới
người bạn hiền đã biền biệt “hai mấy năm trời” thì cũng là lúc
những kỷ niệm thời thơ dại của đôi bạn bừng thức dậy trong lòng anh, âm vang
thành những tiếng thơ đầy khao khát được gặp lại bạn để cùng nhau về quê ôn lại
thời thơ dại ấy, bởi chỉ có về quê mới có thể tìm lại những dấu vết ngây ngô
khờ khạo nhưng hồn nhiên trong sáng vô tư đã qua đi rồi ấy.
Cái hay của
tiếng gọi “Về quê đi mày” là ở đấy, ở chỗ nó vừa ảo vừa
thật. Và vì thế tôi thích bài thơ này của Đặng Xuân Xuyến.
Bây giờ, tôi lại
mong cái giọng hòa âm “Về quê đi mày” của lũ bạn tôi từ Hà Nội
vang lên một lần nữa. Nhưng cũng lại là vô vọng. Thay vì cái ảo thanh tôi mong
muốn ấy chỉ là mấy tiếng bip bip của điện thoại báo có tin nhắn:
“Chàng nhà tao
bảo, mai chủ nhật ăn bún chả nhé! Tao hỏi, đi ăn ở quán Ôbama mới ăn hồi sang
Hà Nội gần đây? Chàng lắc đầu: Không, ăn ở nhà do em làm cơ. Mày về với tao đi,
về cùng tao vào bếp rồi cùng nhau ăn như hồi xưa hai chúng mình đã từng
lăng xăng phụ mẹ tao mỗi lần bà làm bún chả ở bếp nhà tao để chiều mồm chúng
mình ấy!”
Là tin nhắn của
cái Hằng đã cùng tôi chung trường chung lớp 12 năm từ Tiểu học đến hết Trung
học. Nó dịu dàng yểu điệu như một đóa hoa đẹp lại được bà mẹ giỏi nữ công gia
chánh dạy cho nhiều thứ nên bọn tôi gọi nó là Hằng Thục Nữ. Chàng nhà nó hay
chồng nó bây giờ là dân công sở, lớn hơn nó 6 tuổi, dắt lưng mấy cái bằng học
thực, bị nó đánh sét từ khi nó mới lên lớp 10. Gã đã kiên trì ủ mầm tình yêu
nó, chờ nó học xong Sư phạm Mẫu giáo là xin cưới liền tay. Giờ họ đã có một bé
trai gần 2 tuổi.
Đọc tin nó nhắn,
tôi đã toan nhắn mắng lại nó:
“Con Nỡm, mày
thừa biết tao đang ở xa Hà Nội cả nghìn cây số lại thêm cơm áo không đùa với kẻ
làm thuê cho người nước ngoài, sao lại đưa cái món bún chả Hà Nội khoái khẩu
của tao ra để nhem thèm tao thế?”.
Nhưng nghĩ vui
thế thôi chứ tôi biết, con bạn thân của tôi nó đâu có nhem thèm tôi mà chính nó
đang nhớ tôi hay đúng hơn là nhớ một thoáng thơ dại của chúng tôi, những buổi
tôi đến nhà nó cùng nhau lăng xăng phụ bếp bên mẹ nó làm một bữa bún chả ngon
lành…
Vì vậy, tôi
không vội nhắn lại cho nó một chữ mà đợi trưa mai, tôi sẽ mở hộp thư gửi cho nó
bài thơ “Về quê đi mày” của Đặng Xuân Xuyến cùng đôi dòng
tản bình của tôi để, sau khi xong bữa bún chả cho chàng nhà nó, nó sẽ đọc rồi
tha hồ mà thương nhớ thời thơ dại mới qua chưa lâu của chúng tôi.
*
Mời nghe nhạc phẩm VỀ QUÊ của
Phó Đức Phương qua tiếng hát Minh Phương:
*
Sài Gòn
25/11/2016
DƯƠNG NINH NINH
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: duongninhsg@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét