Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

 CUỘC ĐẤT PHÁT QUAN

Kết quả hình ảnh cho lê đức thọ

Lê Đức Thọ

Nhờ được thực tập tại phòng Thí nghiệm Điện tử Thales ở Toulouse mà tôi quen anh Jean Đình Phan. Sau 2 tháng làm việc chung, chúng tôi thân hơn, rồi kéo ra nhà hàng O Pho đối ẩm. Ngà ngà say, ảnh kể tôi nghe sự tích dòng họ Phan Đình ở làng Địch Lễ, xã Nam Vân, Nam Định. Trong men nồng Bordeaux, câu chuyện ngược về hai trăm năm trước.

Vị tổ khai cơ dòng họ Phan Đình nguyên quán huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Không biết cụ tên gì, về sau con cháu tôn hiệu Triệu Khánh Công. Cụ Triệu một mình đến làng Giáp Bát, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ở đó một thời gian, cụ lại di cư đến làng Lương Xá, huyện Mỹ Lộc, Nam Ðịnh. Sau đó ít lâu, cụ lấy vợ, cũng không rõ họ tên, chỉ biết suy tôn là Từ Tại. Họ sinh được một trai, tên là Phan Ðình Ðịch (đời thứ II), vào năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 (1762).
Ông Phan Ðình Ðịch giỏi cả văn lẫn võ, được mời làm gia sư cho nhà họ Ngô ở làng Ðịch Lễ. Ông Địch lấy vợ rồi ở hẳn nơi ấy, khai chi tán diệp tộc Phan Đình.
Ông cố của Jean là Phan Đình Hiến (đời thứ IV), tự Diễn, thuộc chi Ất. Ông Hiến học chữ Nho, thi rớt trường Nhì, ở nhà làm thầy lang, lấy bà Trần Thị Hinh bán bún riêu. Làng gọi là ông bà Lang Bún. Họ có 3 trai, 2 gái.
Hương thí năm Canh Tý (1900), ông nội của Jean, Phan Đình Hòe (đời thứ V), cũng là trưởng nam của ông bà Lang Bún, đỗ Cử nhân vị thứ 5 tại trường Hà Nội - Nam Định. Trần Tế Xương cũng thi khóa đó, nhưng chỉ đỗ Tú tài. Cáu, Tú Xương giễu:
Ông Cử thứ năm con của ai
Học trò cụ đốc Tả Thanh Oai
Mẹ nghe con đỗ rối canh hẹ
Bố vứt dao cầu xuống ruộng khoai.
Tân cử nhân Phan Đình Hòe đốp lại:
Kìa thằng hỏi lão nó là ai
Chính lão, môn đồ cụ đốc Oai
Con đỗ mẹ mừng công dưỡng dục
Dao cầu đâu có cắt dây khoai.
Thơ Tú Xương nghiệt, mỉa mai bà bún Hinh nấu riêu dở và ông lang Hiến dùng khoai làm thuốc Bắc. Nhưng Cử Hòe đốp lại cũng không vừa, ừ thì mẹ tớ có công bán bún nuôi tớ và bố tớ đâu có cắt dây khoai làm thuốc đểu!
Sau ba năm học trường Hậu bổ Hà Nội, năm 1903, Phan Đình Hòe nhậm chức Tri huyện Kim Bảng, Hà Nam. Ông Hòe tuy ra làm quan nhưng lại bí mật tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên bị đì. Sau đó, nhờ phó vương Bắc kỳ Hoàng Cao Khải đỡ đầu nên hoạn lộ của ông Hòe mới hanh thông, Tri phủ Bình Giang (1917), Tri phủ Kinh Môn (1919), Án sát Phú Thọ (1920), Tuần phủ Quảng Yên (1928), Tổng đốc Ninh Bình (1930). Năm 1933, Phan Đình Hòe về hưu, Nam triều phong tước Tụy Khánh Công, tặng hàm Hiệp biện Đại Học sĩ (tòng Nhất phẩm).
Phan Đình Hòe làm quan Nhất phẩm, cả nhà thơm lây. Ông lang Hiến được cáo tặng hàm Tả phó Đô Ngự sử và bà bún Hinh là Nhị phẩm Đoan nhân. Em trai kế của ông Hòe, Phan Đình Quế, được phong Văn giai Cửu phẩm, giữ chức Chánh tổng Đông Phù.
Thân phụ của Jean là Giáo sư Phan Đình Nữu (đời thứ VI), con trai áp út của ông Phan Đình Hòe và bà trắc thất. Ông Nữu đỗ Kỹ sư Điện bên Pháp, về dạy tại Viện Đại học Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông Nữu di cư vào Nam, làm Giáo sư trường Cao đẳng Điện học thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Khoa Điện - Điện tử, trường ĐH Bách khoa Sài Gòn). Hồi đảo chánh Ngô Đình Diệm, thấy miền Nam loạn lạc, ông Nữu bèn đưa cả gia đình sang Pháp.
Nói lại chuyện Phan Đình Hòe, lúc ông Hòe làm Tri phủ Kinh Môn, Hải Dương, ông đến thăm sư Vĩnh Nghiêm ở động Kính Chủ và đề thơ. Vách đá còn lưu lại hai bài. Có hai câu tuyệt bút:
山 水 半 因 吾 輩 設
文 章 多 以 大 名 存
Phiên âm:
Sơn thủy bán nhân ngô bối thiết
Văn chương đa dĩ đại danh tồn
Dịch thơ:
Non nước nửa phần dân chúng dựng
Văn chương đa số đại danh còn
Đầu năm 1928, ông Hòe vinh thăng Tuần phủ Quảng Yên. Mới nhậm chức mấy hôm, ông Hòe lăn ra ốm. Sợ không qua, ông Hòe mời thầy địa lý tìm đất nằm. Thầy cắm ở Nam Vân một cuộc đất tốt, huyệt Tả Ao, thế Thiên Mã, phát quan hướng Nam. Nhưng thầy bảo tả Thanh long nông thấp và hậu Huyền vũ lệch cong nên phát một đời, chịu nguyền rủa muôn đời. Ông Hòe không chịu nằm, dặn lại con cháu một bài tứ tuyệt:
Công hầu khanh tướng giấc kê vàng
Thiên Mã phương Nam dẫu phát quan
Nhưng chịu tiếng đời nguyền rủa mãi
Không bằng cao thượng hưởng bình an
Em trai kế của ông Hòe, Phan Đình Quế, tiếc cuộc đất phát quan, bảo: "Bác cả không nằm, để tôi nằm". Đúng là ý trời, tháng 4 năm đó (1928), ông Quế qua đời. Vợ ông Quế, bà Đinh Thị Hoàng, táng ông vào huyệt Tả Ao.
Ông Quế và bà Hoàng có 8 người con, trong 5 trai thì người con cả Phan Đình Đỗ là y sĩ thú y và con thứ Phan Đình Tạc làm giáo học; 3 người còn lại đều làm quan đến cực phẩm thời nhà sản, đó là Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) nguyên Ủy viên BCT, Trưởng ban Tổ chức TW, Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh) nguyên Ủy viên TW, Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim rồi GTVT và Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống) nguyên Ủy viên BCT, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Công an.
Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ) sinh nhằm giờ Tý (1 giờ sáng), ngày 11 tháng 11 năm Tân Hợi (1911). Khi sinh Khải, bà Hoàng có đi chấm lá số, thầy tử vi giật mình nói “Lá số tuyệt hảo, nam cận cửu trùng, nữ tắc cung phi.” Tử vi Lê Đức Thọ có Thân cư Mệnh tại Tý, gặp Liêm, Tướng vượng địa. Cung Quan tại Thìn có Vũ khúc, Văn khúc, Tấu thư, đây là kiểu người có biệt tài tham mưu về chiến lược. Tuy thế, Thiên Không thủ Mệnh và Đẩu Quân, Phục Binh tả hữu giáp Mệnh nên người này biết quyền biến và lắm thủ đoạn. Cung Tài tại Thân có Tử, Phủ miếu địa. Đây điển hình lá số Thừa tướng.
Năm 1925, Khải lên Nam Định học tại trường Tiểu học Cửa Bắc (Jules Ferry), rồi chuyển sang trường tư thục Avenir. Năm 1930, Khải chưa đỗ Thành Chung thì bị đuổi học và bị bắt vì tội hoạt động cộng sản. Đến năm 1936 được ân xá, năm 1939 bị bắt lại. Năm 1944, Khải được tha, về Hà Nội hoạt động và trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 8 năm 1945, Khải được bầu vào Ban thường vụ TW (tương đương BCT bây giờ) gồm 5 người (Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ và Hoàng Quốc Việt).
Năm 1948, ông Phan Đình Hòe (bác ruột Khải) sai người nhắn với Khải là mộ ông Quế tới hồi kết khí và chỉ phát hướng Nam. Khải tin, xung phong đi thanh tra Xứ ủy Nam kỳ. Gặp Lê Duẩn, chẳng biết Duẩn nói gì mà Khải điện ra TW xin ở lại miền Nam làm phó cho Duẩn. TW đồng ý. Khải lấy bí danh Sáu Búa và tự đặt tên mới, lấy họ Lê theo họ của Lê Duẩn và lấy tên Đức Thọ để tưởng nhớ cố huyện.
Lê Duẩn tuổi Mùi, mạng Thủy, nổi tiếng cứng rắn và kiên quyết. Lê Đức Thọ tuổi Hợi, mạng Kim, mưu mô xảo quyệt và chuyên giật dây hậu trường. Hợi Mão Mùi tam hợp và Kim sinh Thủy nên cặp bài trùng Duẩn - Thọ mới “ăn ý” trong việc nắm quyền sinh sát hàng chục triệu con dân Việt Nam lâu đến như vậy. Cung Nô của Thọ toàn các hung, sát tinh như Nhật, Tướng, Ấn, Quyền, Triệt nên quyền công dân, quyền con người đều bị tước bỏ, ngay cả chủ quyền dân tộc cũng bị sang đoạt (Ấn,Triệt). Đảng viên cấp dưới sợ Thọ một phép. Tầm như Đại tướng Lê Đức Anh mà vào gặp Thọ thì phải bẩm anh Sáu, lúc ra, đi giật lùi từng bước, đố dám xoay đít lại. Năm 1968, Thọ dựng lên vụ án “xét lại chống Đảng”, thanh trừng vây cánh của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, nhưng Chinh, Giáp không dám hé một lời. Ông Hồ mất, Duẩn lên ngôi Vua (thật ra Duẩn đã làm vua từ Đại hội 3) và Thọ làm quan Thừa tướng.
Cuộc đất ông Quế nằm phát hướng Nam. Người em út của Lê Đức Thọ là Mai Chí Thọ liên tục bám trụ ở miền Nam từ hồi 1945, về sau là Ủy viên BCT, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Công an. Đinh Đức Thiện, năm 1965 mới vào Nam làm đường Trường Sơn, nên lên tới Ủy viên TW là hết. Ông Thiện mà đi B sớm, có khi nhà đó có 3 Ủy viên BCT không chừng. Hai ông Phan Đình Đỗ và Phan Đình Tạc toàn ở miền Bắc nên chả quan quyền gì.
Hồi Đại hội 6, Lê Đức Thọ và Trường Chinh đấu nhau cái ghế Tổng bí thư, không được, cả hai đều về. Nguyễn Văn Linh hưởng. Nhưng Thọ kịp cài cắm bọn đàn em là Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Mai Chí Thọ vào những vị trí chủ chốt. Trường Chinh uất lắm, sai người mang đinh đóng vào đít Thiên Mã đứng chầu ở khu mộ chi Ất của Thọ. Hậu quả nhỡn tiền, Đinh Đức Thiện đi săn bị thằng con trai dùng súng bắn chết. Phan Đình Dũng, con trai Lê Đức Thọ với bà vợ đầu quê Hải Phòng, bị tai nạn xe hơi chết ở Vũng Tàu. Thọ trả thù, gọi Trần Quốc Hoàn sai người đến đập đầu Trường Chinh. Năm 1990, Thọ chết vì ung thư cổ họng, ứng với đại hạn cuối cùng tại Tỵ có Lâm Quan bị các sát tinh vây đánh (Lâm Quan là cổ họng).
Đời sau của Lê Đức Thọ và Mai Chí Thọ đều tầm thường, duy Đinh Đức Thiện có cậu con trai là Phan Đình Đức làm quan đến chức Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (hàm Vụ trưởng). Hồi đầu năm 2017, không biết Phan Đình Đức nghe lời ai xúi mà xây lại mộ cho ông Phan Đình Quế và bà Đinh Thị Hoàng. Mộ bị động, cuối năm đó Phan Đình Đức vô tù!
Biên niên sử về tội ác của 3 anh em nhà Lê Đức Thọ là cả một cuốn sách dày. Nhà văn Vũ Vũ Thư Hiên trong hồi ký “Đêm giữa ban ngày” chỉ nói được một phần nào thôi.
Phát một đời, bị nguyền rủa muôn đời, nhẽ nào do cuộc đất?

Đinh Bá Truyền


Hình 1: Ông Tổng đốc Phan Đình Hòe, bác ruột của Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện và Mai Chí Thọ.




Hình 2: Khu mộ Phan Đình chi Ất, có Thiên Mã đứng chầu.



Hình 3: Gia phả ghi giờ, ngày, tháng, năm sinh Lê Đức Thọ



Hình 4: Mộ ông Phan Đình Quế và bà Đinh Thị Hoàng được xây lại hồi đầu năm 2017.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...