Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

 MỘT LỰA CHỌN


Mohamed A.El-Erian, người “từng” là Giám đốc điều hành của công ty Quản lý quỹ đầu tư PIMCO (tập đoàn đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại California, Mỹ) trị giá ước chừng 2 tỉ USD, với mức thu nhập thậm chí vượt qua cả ước mơ của nhiều người: 100 triệu đô la/năm. Vậy mà cách đây 3 năm, ông đã bất ngờ quyết định nghỉ việc để dành nhiều thời gian hơn cho cô con gái mười tuổi của mình.

“Khoảng 3 năm trước, tôi nhắc nhiều lần con gái tôi làm một việc gì đó, hình như là đánh răng thì phải, nhưng không được. Tôi nhắc nhở con bé rằng nó nên làm việc đó ngay lập tức và tôi sẽ không phải nói đi nói lại nhiều lần như thế. Qua giọng nói của tôi, con bé hẳn phải biết lúc đó tôi đang rất nghiêm túc”, El-Erian nhớ lại.

“Cô bé bảo tôi chờ một lúc, nó đi vào phòng và bước ra với một mảnh giấy. Con bé đã đưa cho tôi một danh sách gồm những sự kiện quan trọng của mình mà tôi đã bỏ lỡ vì bận công việc. Danh sách này có 22 mục, từ ngày đầu tiên con bé đến trường, trận bóng đá đầu tiên hay buổi họp phụ huynh vào dịp lễ hội Halloween. Tôi cảm thấy thật khủng khiếp và bối rối. Với mỗi sự kiện của con bé, tôi đều có lý do để bỏ lỡ như: đi công tác, có cuộc họp quan trọng, những cuộc điện thoại khẩn cấp, những công việc đột ngột.

“Trong khoảnh khắc đó, tôi bất chợt nhận ra rằng, mình đã bỏ lỡ một điều vô cùng quan trọng… Tôi đã làm tổn thương mối quan hệ rất đặc biệt với con gái. Tôi đã không có đủ thời gian cho con”, El-Erian tâm sự.


Quyết định từ chức của El-Erian lúc đó làm cả giới tài chính choáng váng. Nó gây ra những cuộc tranh luận về việc từ bỏ là đúng hay sai, và liệu quyết định của El-Erian có đáng hay không? Nhưng ngẫm lại, bạn sẽ thấy, trên đời này không có gì là đúng hay sai tuyệt đối cả, chỉ là do chúng ta lựa chọn điều gì mà thôi.

Người đời có câu: “Thành công không mang lại hạnh phúc, hạnh phúc mới mang lại thành công. Vậy nên muốn thành công hãy hạnh phúc”. Nhưng làm thế nào để hạnh phúc? Rất đơn giản, bạn hãy muốn.. ít đi, bởi chỉ khi biết đủ bạn mới cảm thấy hạnh phúc. Để có được trực thăng riêng, những chiếc Limousine sang trọng và 100 triệu đô la mỗi năm, El-Erian đã phải từ bỏ sự hiện diện của mình trong những dịp quan trọng của cô con gái. Và giờ đây ông đang làm điều ngược lại.

VĂN TÀI VŨ TRỌNG PHỤNG 
BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU?


Vũ Trọng Phụng -Tranh của hoạ sĩ Choé

Cho đến hôm nay, nhà văn lỗi lạc Vũ Trong Phụng ra đi đã gần 80 năm. Tác phẩm của ông vẫn được xuất bản, được ca tụng, nhưng cuộc đời ông và sáng tác của ông đến nay vẫn còn những điều bí ẩn… Văn tài ông bắt nguồn từ đâu?

Vũ Trọng Phụng sinh ra ở Hà Nội vào năm 1912, mới bảy tháng tuổi thì cha mất, cảnh nhà nghèo khó, dù được người mẹ cố nuôi ăn học nhưng đến sơ học Pháp Việt thì đành bỏ ngang. Vũ Trọng Phụng bắt đầu đi làm để có tiền trang trải cho gia đình nuôi bà nội già yếu, nuôi mẹ già mắt kém. Nhà văn Vũ Bằng nhớ lại hồi nhỏ Vũ Trọng Phụng học cùng ở trường Hàng Vôi.
Khi lớn lên, không thấy Phụng học nữa. ít sau nghe nói Phụng đi làm kiếm sống. Lúc làm thư ký cho hãng buôn trên phố Tràng Tiền bây giờ do mải tranh thủ viết báo mà Vũ Trọng Phụng bị đuổi việc. Sau đó khi đi làm sắp chữ nhà in lại bị đuổi việc vì ông mải mê theo đuổi việc viết lách. Từ đó chàng thanh niên hiền lành mới 19 tuổi đã dấn bước vào nghề văn và nghề báo ở Hà Nội và nổi lên như một văn hào khi tuổi vừa đôi mươi.

Không hiểu sao người trai ấy khi mới vừa qua tuổi thiếu niên đã có thể viết nên những thiên tuyệt bút, cả phóng sự và tiểu thuyết. Những bài phóng sự của Vũ Trọng Phụng đậm chất văn chương, sâu sắc và mang tính hiện thực như chính cái xã hội nó mô tả. Những phóng sự: Cạm bẫy người, Lấy tây, Lục xì, Làm đĩ… ông viết bằng sự quan sát và qua câu chuyện của người khác, bản thân ông không hề ăn chơi, hút sách, nghiện ngập, trai gái.

Không ai có thể hiểu nổi vì sao con người vốn giản dị, hiền lành ấy lại có thể khuấy động văn đàn bằng những phóng sự, bằng những vở kịch và tiểu thuyết lừng lẫy thời đó như Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Dứt tình…. Người ta tìm đọc ông bởi những người cần lao và cả những ông ký thầy phán, giới ăn trên ngồi trốc đều như thấy mình trong ấy. Bản thân tác giả, cuộc đời quá ư nghèo khổ và bị bạc đãi như vậy, nhưng điều tuyệt vời là ông không tha hóa theo thời đại.

Nhà văn sống trong bấn bách cơm áo và suốt đời chỉ nghĩ về cơm áo cho gia đình mà cuối cùng chết trong sự bần bạc, ốm không thuốc thang, không tiền chạy chữa... Ngòi bút Vũ Trọng Phụng hướng về những người bị chà đạp, bị bóc lột. Nhưng không phải cứ có hoàn cảnh điển hình là có tác phẩm hay. Cái khó hiểu ở đây là vì Vũ Trọng Phụng học hành dang dở, nỗi nhà nỗi đời đều khốn khó, làm sao đủ sức để làm nên điều kỳ diệu ấy.


Kết quả hình ảnh cho vũ trọng phụng

Chỉ có thể lý giải rằng thiên phú cho người trai ấy tố chất văn sĩ có chút thiên tài, cộng với sự cần mẫn cóp nhặt vốn sống và một trái tim nồng nàn yêu thương người cùng khổ… Vũ Trọng Phụng mới trở nên lỗi lạc đến thế. Thử hỏi có thanh niên nào chỉ cầm bút viết tay, trong chưa đầy mười năm trời đã để lại cho thiên hạ hàng chục cuốn sách mà là những cuốn sách văn chương hiện thực xã hội tràn đầy cảnh xã hội bất công tàn bạo, coi rẻ nhân phẩm con người. Lối văn ấy không lẫn với ai.

Chất hiện thực xã hội dưới ngòi bút Vũ Trọng Phụng hiện lên sống động và sâu sắc. Chỉ có thể lý giải rằng hoàn cảnh xã hội quá mức thối nát, con người tận cùng tha hóa, qua ngòi bút của ông, bằng tài hoa và tâm trạng chính tác giả, đã đưa văn Vũ Trọng Phụng đến đỉnh cao. Không có tố chất đó thì dù có sẵn đề tài, chất liệu và tiền bạc nữa, cũng không thể có một nhà văn chân chính, xuất sắc như Vũ Trọng Phụng của chúng ta...

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

NGÀY NÀY NĂM XƯA
30-8-1917: KHỞI NGHĨA THÁI NGUYÊN


Cổng Trại lính khố xanh tỉnh Thái Nguyên, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.

Khởi nghĩa Thái Nguyên hay Binh biến Thái Nguyên là tên gọi cuộc nổi dậy ở tỉnh lỵ Thái Nguyên vào năm 1917 do Trịnh Văn Cấn chỉ huy, chống lại chính quyền Bảo hộ của Pháp để giành độc lập cho người Việt.

Sau vụ Hà Thành đầu độc năm 1908 vỡ lở và âm mưu đưa vua Duy Tân ra ngoài bưng khởi nghĩa năm 1916 thất bại, xã hội Việt Nam ngày càng sôi động mặc dầu chính quyền Bảo hộ cố dập tắt các phong trào kháng cự và bắt giam nhiều người. Trong số những người phải thụ án giam ở Thái Nguyên là Lương Ngọc Quyến, con cụ Cử Lương Văn Can, hiệu trưởng của Đông Kinh Nghĩa thục. Lương Ngọc Quyến cũng là thành viên của Việt Nam Quang phục Hội và qua ông, trại lính khố xanh canh phòng ở Thái Nguyên hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy chống lại chỉ huy người Pháp. Họ tôn ông là quân sư.

Trong số các binh lính được Lương Ngọc Quyến cảm hóa, có đội trưởng lính khố xanh Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn)

Ông Trịnh Văn Cấn, tên thực là Trịnh Văn Đạt, 36 tuổi, đương chức “Đội Nhất” trong lực lượng “Lính khố xanh” (mang số lính 71) của quân đội thực dân Pháp (vì thế thường được gọi là “Đội Cấn”), lúc này đang trú đóng cùng với 175 binh sĩ tại “Trại lính khố xanh” ở giữa tỉnh lỵ Thái Nguyên (xưa nằm trên phố Pôn Be, gần đây, di tích còn ở đường Đội Cấn, thuộc phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên).


Chân dung Đội Cấn.

Đội Cấn đã cùng với Đội Giá, Đội Xuyên, Đội Nam... bàn bạc quyết định tổ chức một cuộc nổi dậy chiếm tỉnh Thái Nguyên với lực lượng binh lính ở tỉnh lỵ và các đồn xung quanh cùng với số tù chính trị trong nhà lao.

Tuy nhiên, những sĩ quan Pháp đã nhận biết được ý định khởi nghĩa của binh lính nên đã tìm cách đảo lộn hàng ngũ binh lính, liên tục điều chuyển đồng thời ra sức đề phòng. Cuộc khởi nghĩa do đó bị trì hoãn nhiều lần. Đến tháng 8 năm 1917, được tin sắp có cuộc thuyên chuyển, Đội Cấn quyết định khởi nghĩa vào đến 30 tháng 8 năm 1917.

Đêm 30 Tháng Tám năm 1917. Ông chỉ huy lực lượng 175 người lính giết giám binh người Pháp, Noël, đoạt khí giới đạn dược, rồi phá ngục, giết cai ngục Loew, giải cứu Lương Ngọc Quyến cùng 203 tù nhân. Nghĩa quân sau đó cướp kho bạc và làm chủ toàn tỉnh lỵ[1], trừ đồn lính khố đỏ cố thủ ở bên bờ sông Cầu.

Trong sáu ngày từ đêm 30 Tháng Tám đến ngày 5 Tháng Chín, quân của Đội Cấn trấn giữ thành Thái Nguyên, lại thu nạp thêm các dân phu mỏ và dân địa phương nâng quân số lên khoảng hơn 600 người. Thành phần lực lượng khởi nghĩa gồm khoảng 130 lính vệ binh, hơn 200 tù nhân, 300 dân phu và dân địa phương.[2] Theo gợi ý của Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn chia lực lượng khởi nghĩa thành hai tiểu đoàn, tiểu đoàn thứ nhất gồm các lính vệ binh cũ, tiểu đoàn thứ hai gồm tù nhân và dân quân, chỉ huy là Ba Chi. Trang bị của đội quân này gồm 92 súng hỏa mai và 75 súng trường mà quân nổi dậy thu được từ kho vũ khí của Pháp.

Họ truyền hịch, đợi các nơi hưởng ứng nổi dậy cùng ngoại viện từ bên Trung Quốc và Nhật đến vì tin rằng Việt Nam Quang phục Hội có lực lượng đợi sẵn để trợ lực. Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa cũng tuyên bố độc lập, lấy quốc hiệu là "Đại Hùng". Họ trương cờ Ngũ tinh liên châu của Việt Nam Quang phục Hội trên cửa thành.

Vào ngày 2 Tháng Chín năm 1917 thì quân Pháp bắt đầu phản công với đội quân 2.700 người[3] và đến ngày 5 Tháng Chín thì đánh vào tỉnh lỵ. Lương Ngọc Quyến trúng đạn ở đầu chết.[4] Đội Cấn phải triệt thoái khỏi Thái Nguyên chạy về phía bắc. Đến trưa ngày mồng 5 thì Pháp tái chiếm được thành. Số thương vong bên nghĩa quân là 56 người; quân Pháp thiệt mạng 107 người 

Pháp luật - Bóng hồng đằng sau chí sĩ Lương Ngọc Quyến (Hình 2).

Chân dung Lương Ngọc Quyến

Đội Cấn sau đó dẫn quân chạy lên Đại Từ, Tam Đảo rồi xuống Vĩnh Yên, trước khi trở lại vùng Thái Nguyên nhưng lực lượng hao mòn dần. Bị truy nã, ông rút về núi Pháo rồi để không bị bắt ông tự tử bằng súng, bắn vào bụng. Đó là ngày 11 Tháng Giêng năm 1918; cuộc khởi nghĩa chấm dứt. Theo các tài liệu chính thức của Pháp, một vệ sỹ của ông giết ông để lấy thưởng. Người này dẫn quân Pháp đến nơi được coi là mộ của Đội Cấn. Tuy nhiên dù người Pháp không tỏ vẻ nghi ngờ đương sự, họ vẫn cho là Đội Cấn do bị thương nặng, đã yêu cầu thuộc hạ kết liễu đời mình để khỏi rơi vào tay quân Pháp.

Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 100 năm trước, tuy bị dập tắt, nhưng cùng với những cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Đô Lương, đã mở ra và in dấu vào lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc thời cận đại, ảnh hưởng và cổ vũ mạnh mẽ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sau đấy, như lời hát “Tiến quân ca”, từ năm 1944 và cho đến ngày nay, sau 100 năm vẫn vang dội: “Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên”!




NHỮNG NHÀ VĂN ĐÃ TỪNG SỐNG 
VÀ LÀM VIỆC TẠI HẢI PHÒNG
Trong hình ảnh có thể có: 11 người, văn bản

1- Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6 tháng 5 năm 1912 trong một gia đình nho giáo ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh, nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng. Năm 1935 ông làm thư ký nhà Đoan (Thuế quan) ở Hải Phòng, sau đó quay về Hà Nội. Năm 1938 ông tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ và phong trào hướng đạo sinh ở Hải Phòng. Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật và được bầu làm Tổng thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng. Sau đó ông tiếp tục hoạt động ở Hà Nội, Nam Định và Phúc Yên.
2- Nguyên Hồng Khi rời Nam Định ra Hải Phòng, lúc đầu sống và dạy học ở xóm Cấm. Ông đã viết về tình hình nơi này những năm 1936 trong cuốn Những ngày thơ ấu: "Xóm tôi là cái xóm mà người lạ lớ rớ đi vào thì không thể nào tránh được nạn bớp mũ, giật khăn ở những con đường chật hẹp, ngoằn ngoèo, hai bên ngập ngụa rác rưởi...". Ngày nay ngõ Cấm sạch đẹp phong quang hơn và là một trong những phố ngõ đặc trưng ở đất Cảng.

 Hồi xưa ông cụ đạp cái xe tòng tọc về trường Hồng Bàng nói chuyện, đặc biệt xe đạp lúc nào cũng đầy dây co để cài bản thảo

2- Nguyễn Đình Thi, trong bài thơ Nhớ Hải Phòng  coi như những nét Hải Phòng chấm phá trong thơ là từ cái chân dung tỉ mỉ trong văn xuôi. Hải Phòng khốn khổ ngày xưa được một đứa con nghệ sĩ luôn yêu thương, vẽ đi vẽ lại đầy xúc động :

Hải Phòng ơi đêm nay bỗng nhớ

Tiếng còi tàu sông Cấm chiều hôm
Ánh mây trên váng dầu tím đỏ
Ðàn hải âu đùa với cánh buồm

Ơi những phố đen sì than bụi
Những cây bàng ngập khói xi-măng
Bóng anh thợ chiều về mệt mỏi
Trời sau lưng đèn điện úa vàng

Nhớ tiếng guốc trên cầu những sáng
Những trưa lộc cộc bánh xe bò
Mồ hôi vã trên đường nhựa bỏng
Nhớ dãy người quang gánh đợi phà

Ta nhớ lò vôi bên bãi sú
Giọt máu tươi rỏ xuống bùn loang
Nhớ mảnh đất đêm ngày lam lũ
Những chị phu mặt kín khăn vuông

Quán bà Mau, ngã ba Chìa, bến Ðá
Chợ Cột Ðèn, chợ Sắt, chợ Ðưa Người
Những tên gọi sao mà vất vả
Chẳng khác lênh đênh những cuộc đời

Hải Phòng của những ai trôi giạt
Giữa ồn ào vẫn thiếu quê hương
Nhớ nỗi buồn xa trên nét mặt
Chú khách già ngồi bán lạc rang

Ta vẫn nhớ Hải Phòng năm đói
Thây người phơi ngập bụi trên hè
Ngã ba vắng ngọn đèn nhợt tái
Ai ném truyền đơn giữa phố khuya

Hải Phòng đất quen nhiều sóng dữ
Ðứng trước ngàn khơi mỏi mắt nhìn
Ôi lại nhớ những tuần mưa bão
Gió tràn nước cuộn dưới trời đen

Nơi ấy đã nuôi ta mơ ước
Nuôi ta suy nghĩ buổi ban đầu
Nơi ấy bao lần ta đã khóc
Ta đã khinh đã giận làm sao

Hải Phòng hỡi đêm nay xao xuyến
Bao nỗi vui buồn tuổi nhỏ ta
Ðêm dài nhớ ào ào động biển
Sao trời thao thức gọi đi xa

Từ ngày ấy đã nhiều mưa nắng
Ta đã đi nhiều ngả núi sông
Trên đường cách mạng quên năm tháng
Lòng vẫn thương yêu nhớ Hải Phòng

Trung dũng đất Hải Phòng ta đó
Hôm nay đang đốt bỏng quân thù
Cầm chắc súng những bàn tay thợ
Giữ đến cùng trời biển tự do

Cha bộ đội rồi con bộ đội
Mỗi gia đình ở cả hai miền
Lên đường đánh giặc anh em hỡi
Trên vai em Nam Bắc nối liền

Ta biết đã bao nhiêu máu chảy
Bao hy sinh thầm lặng không nhòa
Ta đã thấy trên nền nhà cháy
Người mẹ tìm con bỗng khóc òa

Những mũ sắt nhấp nhô trong tối
“Bê Năm Hai” rít xé tơi bời
Ta đã thấy Hải Phòng dữ dội
Ðạn bay làn chớp đỏ vòm mây

Giữa nghìn tiếng nổ rung đêm lửa
Băng mình qua gạch đá sắt bùn
Như con thoi bay trong ngõ phố
Cô gái lăn vào cứu bà con

Hải Phòng như vậy - trong bom đạn
Mỗi sáng hoa tươi vẫn nở đầy
Chiều tối bên ven đường nát vụn
Bếp hồng trận địa dưới hàng cây

Ơi Hải Phòng ta ơi có phải
Trong đêm sương nghe vẳng tiếng loa
Tin chiến trường làm ta thức mãi
Nhớ còi tàu trên sông Cấm xa
4- Nhà văn Kim Lân có mẹ đẻ là người Kiến An - Hải Phòng.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Độc thoại ở phiên tòa


Chú giải: Sáng sang làng Tám mua đồ về cúng Rằm, thấy một bé trai đang “dằn mặt” cha mẹ, Đặng Xuân Xuyến tôi cảm tác đôi dòng. Mong không có đứa trẻ nào gặp phải cảnh đời đau thương này nữa -

Đứa trẻ
Hiếng mắt nhìn mẹ
Gằn giọng nhìn cha:
- Các người:
Ở đâu khi con vấp ngã?
Ở đâu khi con đói lòng?
...
- Nói đi:
Cha say săn gái!
Mẹ mải mồi trai!
Bỏ con cút côi thui thủi giữa nhà mình.
Đấy là gia đình?
Hay nơi động thổ?
...
- Các người
sao không xấu hổ
Còn múa mép
Còn khua môi
Trổ tài bêu nhau chối tội
Rồi rửa lỗi
Rồi gột sai
Bằng những cọc tiền con không đòi hỏi
Để con quên mẹ mải mồi trai
Để con quên cha say săn gái
Để con nghiện những trò thác loạn
...
- Ôi!
Các người...
Khốn nạn!
*.
Làng Tám, 25 tháng 08.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
COM MENT BỔ SUNG


Nhà thơ Sương Biên Thùy góp ý bổ sung phần còn thiếu. Toàn văn bài thơ GỬI HOÀNG THI THƠ của tác giả khuyết danh (sau này tác giả lại được ghi là Huy Phương) như sau:

1/ GỬI HOÀNG THI THƠ

Kết quả hình ảnh cho bìa nhạc hoàng thi thơ


Chiều qua đi Đức Thọ
Tau gặp Hồng, Hồng nói nhỏ
Mi đã về với giặc rồi Thơ ơi
Không có thật mi đã về với giặc?

Tau còn nhớ, mi nói vào liên lạc
Thăm mẹ già heo hút sáu năm thương
Rồi mi trở ra kháng chiến với anh em
Chưa chắc gặp tau trên vùng núi thẳm
Nay tau chưa về trên núi thẳm
Mi đã về, mi đành đoạn bỏ anh em

Thơ ơi! 
Mi có đây Tân Nhân. Mi có đây sách vở
Mi có đây cây đa làng, mi còn đây bè bạn
Mi đi không, mi đi thật biền biệt bóng ngày đêm

Theo kháng chiến mấy năm liền mi chẳng biết
Sức nhân dân như sóng cuộn tràn bờ
Thương cho mi quá nửa đường xa
Nay cạn nghĩ phút về với giặc
Mi chỉ biết sướng riêng thân
Còn thì thôi mặc...
Buồn cho mi bạc bẽo với tình đời
Tau thường nghe mi chưởi bùn tanh hôi
Nay mi lại lao đầu vào úa thúi

HỒNG cũng giận mi lắm, mắt lầm lì
Đường gân nổi cứ nhìn tao không nói
Đèn chợ THƯỢNG buồn khuya le lói
Sao trên trời vạch lá chết nơi mô

Chiều nay giữa tiệc cờ
Có kẻ hát bài mi
Lòng tao không xao xuyến
Như dạo mi còn vui ở bên ni.

Em THÁI hỏi, phải anh THƠ về với giặc
Buộc lòng tao phải nói dối mi ơi
Mẹ DƯƠNG còn nhắn gởi mấy lời
Về trong nớ nhớ nói THƠ về với mẹ.

Mi về chi bên nớ
Sao mi không trở lại bên ni.

THƠ ơi, mi có biết nước triều đang mạnh
Đồng bào reo đoàn kết giết thực dân
Bộ đội xuôi rầm rộ rợp đông làng
Người đi về nô nức đến trắng chợ
Ngày mai thúc quân về giữa phố
Cờ hồng bay tao đi về giữa phố
Lúc bên hè bọn phượng bay
Thấy tao đến mi mần răng mà nói.

KHUYẾT DANH   

2/

Có một bài thơ mà tác giả ghi là XYZ (một dạng khuyết danh), sau này được ghi tác giả là Huy Phương. Bài thơGỬI NGƯỜI BẠN HÔM QUA. Mình sưu tầm với toàn văn như sau:


GỬI NGƯỜI BẠN HÔM QUA 
(Gửi Phạm Duy)

Kết quả hình ảnh cho bìa bản nhạc bà mẹ gio linh

Đêm nay gió ngoài rừng heo hút
Chúng tôi ngồi sát lại gần nhau
Thì thầm chúng tôi hát
“Bà mẹ Gio Linh”
Bài hát năm xưa nào
Bài hát của anh…
Bài hát của anh còn đó
Như một dòng nước mắt long lanh
Nhưng anh không còn với chúng tôi nữa
Anh đã về với kẻ thù chung
Chúng tôi giận anh chan chứa
Bên kia, anh có biết không anh ? 

Chúng tôi biết bên kia có người anh thương
Có mái nhà anh bên đường phố nhỏ
Rủ cành hoa ti gôn
Nhưng nếu chỉ là có thế
Anh bỏ mà đi sao đành
Anh về chi bên nớ với một đoàn quỷ dữ
Buổi liên hoan tiếng cười nghiêng ngữa
Bọn lính lê dương với bầy gái chứa 
Còn ai nghe tiếng hát của anh
Bây giờ anh là tên đào ngũ
Trước mũi súng căm thù của chúng tôi. 
Bây giờ anh là thù địch

Ở bên phía mình
Chia nhau miếng cơm độn bắp
Nhường nhau manh áo trời đông
Nhưng chúng ta giàu một niềm thương
Có bà mẹ hiền hiền
Có giọng hát trong lành em bé
Tình nhân dân bọc đùm như sóng bể
Dạt dào ấm một niềm tin

Anh bỏ mà đi sao đành
Chiều nào đây đoàn cán bộ áo mong manh
Dằng dặc Trường Sơn đường chiều mưa đổ
Kề vai nhau bên bếp lửa
Thì thầm bài hát cũ
Mỗi người một lượt nhắc tên anh
Nhớ những đêm vui
Trăng sáng mái đình
Ngày mai trên nội cỏ
Có chú chăn trâu nho nhỏ
Quên mưa trưa chiều gió
Huýt sáo mồm hát bài của anh

Anh bỏ mà đi sao đành!
Anh về chi bên nớ
Cốc rượu đầy vơi
Cung đàn năm cũ
Hà Nội những đêm dài
Sương trắng mông mênh
Ai biết những bàn chân âm thầm phố nhỏ
Lỡ bước sang sông
Đường về cách trở
Nhớ thương những tháng những ngày
“Xót xa sao như mất một bàn tay”

Đêm nay mưa ngoài trời
Chúng tôi hát bài BÀ MẸ GIO LINH 
Tiếng hát lặng thầm, bếp nhỏ lều tranh
Nước mắt ngắn dài từng giọt long lanh
Bà mẹ già cầm tay tôi hỏi
- “Ai làm bài ni rứa các anh?”

Nói làm sao cho đành
Chúng tôi nhìn nhau, lời nghẹn
Thương anh thêm căm giận
Anh có biết không anh
Bên kia anh có biết không anh?

XYZ  

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

VẪN CHƯA HẾT THÁNG CÔ HỒN

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh cô hồn

Còn 12 ngày nữa mới hết tháng cô hồn. Trưa chiều đi qua vài con đường vẫn thấy người dân cúng kiếng, mở CD đọc kinh Vu lan, đốt vàng mã .
Nghe đọc  Kinh Vu Lan, thấy có đoạn này thật kinh dị về những hình ảnh báo hiếu  :

Ví có người gặp cơn gió rét
Nuôi song thân dâng hết thân này
Xương nghiền thịt nát phân thây
Trải trăm ngàn kiếp ân đây chưa đồng!
Ví có người vì công sanh dưỡng
Tự tay mình khoét thủng song ngươi
Chịu thân mù tối như vầy
Đến trăm ngàn kiếp ân này thấm đâu!
Ví có người cầm dao thiệt bén
Mổ bụng ra rút hết tâm can
Huyết ra khắp đất chẳng than
Đến trăm ngàn kiếp thâm ân đâu bằng!
Ví có người dùng ngàn mũi nhọn
Đâm vào mình bất luận chỗ nào
Tuy là sự khó biết bao
Trải trăm ngàn kiếp không sao đáp đền!
Ví có người vì ân dưỡng dục
Tự treo mình cúng Phật thế đèn
Cứ treo như vậy tròn năm
Trải trăm ngàn kiếp ân thâm chưa đền!
Ví có người xương nghiền ra mỡ
Hoặc dùng dao chặt bửa thân mình
Xương tan thịt nát chẳng phiền
Đến trăm ngàn kiếp ân trên chưa đền!
Ví có người vì công dưỡng dục
Nuốt sắt nóng thấu ruột thấu gan
Làm cho thân thể tiêu tan
Đến trăm ngàn kiếp thâm ân chưa đền!…
Hay những đoạn miêu tả cảnh tra tấn tội nhân ở Thập Điện Diêm Vương:
Trong ngục này hằng ngày lửa cháy
Đốt tội nhơn hết thảy thành than,
Có lò nấu sắt cho tan
Rót vào trong miệng tội nhơn hành hình
Một vá đủ cho người thọ khổ
Lột thịt da đau thấu tâm can,
Lại có chó sắt rắn gang
Phun ra khói lửa đốt đoàn tội nhơn,
Ở trong ngục có giường bằng sắt
Bắt tội nhơn nằm khắp đó xong
Rồi cho một ngọn lửa hồng
Nướng quay chúng nó da phồng thịt đau,
Móc bằng sắt, thương đao gươm giáo
Trên không trung đổ tháo như mưa
Gặp ai chém nấy chẳng chừa
Làm cho thân thể nát nhừ như tương…
Những hình phạt vô phương kể hết
Mỗi ngục đều có cách trị riêng
Như là xe sắt phân thây
Chim ưng mổ bụng, trâu cày lưỡi le
Chớ chi đặng chết liền rất đỡ
Vì nghiệp duyên không nỡ hành thân
Ngày đêm chết sống muôn lần
Đến trăm ngàn kiếp không ngừng một giây!

Đọc những câu kinh này không ra khỏi cõi vô minh mà có cảm giác càng rơi vào vô minh bởi ở đó chỉ có bạo lực và chết chóc. Vì sao đây?.

Rằm tháng Bẩy vừa qua, trên mạng thấy nhiều đoạn clip  cho ta thấy khi người nhà chưa kịp thắp hương thì bao nhiêu đồ cúng đều bị những người đứng xung quanh lao vào tranh cướp.Cả trăm người lao vào tranh cướp, suýt ẩu đả vì giật tiền cúng cô hồn.


Cả trăm người lao vào tranh cướp, suýt ẩu đả vì giật tiền cúng cô hồn ở Sài Gòn

Tại TP HCM, nơi rất coi trọng lễ cúng cô hồn nên mâm cúng thường có nhiều tiền, vật dụng giá trị. Lợi dụng tín ngưỡng của người dân, nhóm “cô hồn sống” đã tụ tập về đây để đi giật đồ cúng rất bài bản rồi đem đi bán. Các nhóm “cô hồn sống” đã dùng xe gắn máy quần thảo tại các tuyến đường mà hàng năm người dân cúng lớn sau đó gọi điện thoại cho nhau để cùng nhau giật. Khi gia chủ vừa bày biện lễ vật, các nhóm chia nhau nhắm vào những “vật phẩm” có giá trị rồi giành giật nhau gây náo loạn đường phố.


Cả trăm người lao vào tranh cướp, suýt ẩu đả vì giật tiền cúng cô hồn ở Sài Gòn - Ảnh 7.


Một nắm tiền trên tay của gia chủ rải xuống, rồi đến nắm thứ 2 thì tất cả mọi người bên dưới đã quỳ hoặc khom xuống đất để nhặt tiền. 
Nếu ai nhanh tay hoặc tinh mắt ở thì nhảy lên hoặc lấy nón hứng tiền.

Những món cúng cướp được như gà, vịt, lợn quay… sẽ được các đối tượng bán lại cho các quầy bánh mì, quán ăn. Còn những đồ vật có giá trị cướp được cùng với mâm cúng như mâm, lư đồng được họ bán cho các tiệm lư đồng, tạp hóa. Hôm nào có mâm cỗ đầy, bọn chúng có thể kiếm được bạc triệu. Ngay cả tiền rải trong lễ cúng chỉ là tiền lẻ, đồ cúng trong mâm chỉ là ít trái cây, kẹo bánh nhưng họ vẫn quyết liệt cố lấy, cố giật cho bằng được. Để đựng được nhiều, có người còn cầm bịch nilon to.
Có người đã cảm thán kêu lên: “Cô hồn giật cô hồn ở tháng cô hồn trên đất nước lắm cô hồn”!

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

THÁP BÚT ĐÀI NGHIÊN

Tháp Bút - Đài Nghiên

Hồi mới vào trung học, sáng chủ nhật nào cũng lên đền Ngọc Sơn học Hán Văn do cụ cử Tử An Trần Lê Nhân dạy miễn phí. Học xong thường hay dạo chơi phía ngoài đền, ngắm nhìn Tháp Bút Đài Nghiên lấp ló trong vòm lá ở lối vào đền Ngọc Sơn.
Sau đó đến hơn nửa thế kỷ không còn ở Hà Nội nữa. Thi thoảng về cũng vì công vì việc và tàu xe một thời mất ngày mất buổi nên không có thời gian và cũng không còn lòng dạ nào đến thăm đền Ngọc Sơn và ngắm Tháp Bút Đài Nghiên.
Khi có con, mỗi bận cho các con về Hà Nội cũng chỉ đưa chúng lên Tràng Tiền để ăn kem đậu xanh Tràng Tiền rồi vội đưa các con ra ga cho kịp giờ xe lửa.
Mãi năm 2010, hai ông bà mới đưa cháu gái ngoại về Hà Nội và lên thăm đền Ngọc Sơn. Giảng giải cho cháu nghe về sự tích Tháp Bút Đài Nghiên:

Đầu TK11, dời đô ra Thăng Long, Lý Thái Tổ chú ý đến ngôi đền cổ trên hòn đảo ở giữa hồ Lục Thủy (sau đổi ra hồ Hoàn Kiếm), bèn đặt tên là đền Ngọc Tượng. Cuối TK13, dân ta thờ các liệt sĩ chống Nguyên Mông ở đây, đổi là đền Ngọc Sơn. Đến TK18, đền hư hỏng nặng, chúa Trịnh Giang cho xây Cung Thụy Khánh ở đây, cuối triều Lê bị phá tan. Đầu TK19, ông Tín Trai xin tiền vợ để xây tại chỗ này 1 ngôi chùa thờ Phật, gọi là chùa Ngọc Sơn. 

Năm 1843, tổ chức chấn hưng văn hóa của sĩ phu Bắc Hà mời Phật đi chỗ khác, đổi chùa thành đền, thờ 3 vị thánh của Đạo giáo là Văn Xương (vị thần coi về văn chương khoa cử) , Lã Động Tân (1 vị trong Bát Tiên- 8 ông tiên) và Quan Đế (Quan Vân Trường), sau thờ ké thêm Đức thánh Trần Hưng Đạo. Năm 1865 danh sĩ Ng.Văn Siêu quyên góp tu sửa đền, xây kè đắp đất, dựng thêm đình Trần Ba, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên. 

Tháp Bút bằng đá, cao 5 tầng, ghi 3 chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), đứng trên ngọn núi xếp bằng đá hộc. Đỉnh tháp là cái bút lông dựng ngược. Lấy cớ xây tháp để biểu dương võ công của chúa Trịnh vừa dẹp tan cuộc khởi nghĩa của quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, thực chất là để các nhà nho biểu dương văn chương.


Tháp Bút

Có bút thì phải có nghiên, thế là xây đài Nghiên. Nghiên tạc bằng đá xanh, hình nửa quả đào, khoét lõm, được đỡ bởi 3 con cóc, đặt trên bệ cao. Thân nghiên có khắc bài minh của Nguyễn Văn Siêu, người được mệnh danh là Thần Siêu về văn chương.


Đài Nghiên

Toàn văn bài minh bằng chữ Hán đó có nghĩa như sau:

"Xưa kia
Khoét đất làm nghiên
Chú kinh Đạo Đức
Đẽo đá làm nghiên
Viết sách Xuân Thu
Hòn đá cái nghiên
Không hẳn hình gì
Không vuông không tròn
Khéo chứa được việc
Không cao không dưới
ở vào chính giữa
Cúi nhìn Hoàn Kiếm
Ngửa trông ngọn bút
ứng "Bậc trên" trả lời rõ ràng
Ngậm nguyên khi cọ với hư không".

Phương Đình Nguyễn Văn Siêu không nói ró chủ ý của bài mình, nhưng người đọc vẫn dễ dàng nhận ra ý nhắc bảo của Nguyễn Văn Siêu: "Bậc trên" nếu khéo chứa, biết trọng kẻ sĩ thì có thể làm được nhiều việc.











Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

 CHUYỆN TÌNH 
CỦA NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ
VÀ NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG

Nhà thơ La Thuỵ gửi cho bài này:

Đọc trên mạng một bài viết về ca sĩ Tân Nhân.

http://trannhuong.com/tin-tuc-17472/con-la-dong-song-xanh-tam-mat-bai-bo.vhtm

Tôi chợt nhớ lại một bài thơ viết về người nhạc sĩ tài hoa đất Quảng Trị này. Trước 1975 thì thuộc lòng nguyên bài. Bây giờ thì chỉ nhớ vài đoạn thôi...

Ca sĩ Tân Nhân là người vợ đầu tiên của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Sau, Hoàng Thi Thơ bị cho là rời hàng ngũ kháng chiến "dinh tê" (về thành) năm 1954, còn Tân Nhân vẫn ở lại.



Có bài thơ của một tác giả khuyết danh (hiện nay hình như có sách in tác giả là Huy Phương?) viết về Hoàng Thi Thơ (tôi chép một vài đoạn theo trí nhớ):

GỬI HOÀNG THI THƠ

Chiều qua đi Đức Thọ
Tau gặp Hồng, Hồng nói nhỏ
Mi đã về với giặc rồi Thơ ơi
Không có thật mi đã về với giặc?

Tau còn nhớ, mi nói vào liên lạc
Thăm mẹ già heo hút sáu năm thương
Rồi mi trở ra kháng chiến với anh em
Chưa chắc gặp tau trên vùng núi thẳm
Nay tau chưa về trên núi thẳm
Mi đã về, mi đành đoạn bỏ anh em

Thơ ơi! 
Mi có đây Tân Nhân. Mi có đây sách vở
Mi có đây  cây đa làng, mi còn đây bè bạn
Mi đi không, mi đi thật biền biệt bóng ngày đêm

Theo kháng chiến mấy năm liền mi chẳng biết
Sức nhân dân như sóng cuộn tràn bờ
Thương cho mi quá nửa đường xa
Nay cạn nghĩ phút về với giặc
Mi chỉ biết sướng riêng thân
Còn thì thôi mặc...
Buồn cho mi bạc bẽo với tình đời
Tau thường nghe mi chưởi bùn tanh hôi
Nay mi lại lao đầu vào úa thúi
................................................
                Tác giả khuyết danh


Tôi tìm trên mạng, thấy bài viết sau:

http://www.haingoaiphiemdam.com/News/Detail/?id=12616

Xin coppy  một phần:
                                                                               

CHUYỆN TÌNH CỦA NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ
 VÀ NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG 

Trong các mối tình không thành của Lam Phương, có tình yêu đơn phương dành cho nữ ca sĩ tài sắc Thúy Nga (không phải Thúy Nga Paris). Tới năm 1955, khi mới 17 tuổi, Lam Phương đã trở nên nổi tiếng với loạt bài ăn khách là Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Trăng Thanh Bình. Còn Thúy Nga lúc đó đã 18 tuổi với chất giọng Alto đã chinh phục được hầu hết Saigon khi đó, và được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đem lòng yêu mến, ông đã trở thành 1 người thầy, người anh dẫn dắt trong con đường âm nhạc và cũng là người tình đầu tiên của Thúy Nga.


Đến năm 1957, khi Thúy Nga chính thức là vợ Hoàng Thi Thơ, Lam Phương khi ấy đang hành quân ở vùng thôn vắng nghe được tin đã vô cùng đau đớn và viết bài hát cuối cùng tặng người trong mộng:

Một chiều hành quân qua thôn xưa lúc nắng xuân chưa nhạt màu,
Chạnh lòng tìm người em gái cũ : Em tôi đã đi phương nào ?
Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh ngắm bóng chim đua trên cành,
Giờ tìm đâu hình bóng cũ : Em ơi em về đâu ?
                                                                            (Chiều Hành Quân)

Để đáp lễ, Hoàng Thi Thơ đã viết bài :

Ai cấm được tình yêu  / Ai ép lòng cô liêu  / Khi lòng còn say nước non tình tứ… / Tha thiết tình người ơi  / Ao ước tình tình vơi  / Mong tình còn mãi  / Đến hơi tàn cuối  / Tha thiết tình người ơi  / Ao ước tình tình vơi  / Mong tình còn mãi thiết tha trong đời.
                                                                            (Yêu Mãi Còn Yêu)


Trong khi Lam Phương đau khổ vì người yêu đi lấy chồng, thì ở bên kia chiến tuyến tại Hà Nội, khi nghe lén trên Đài phát thanh Sài Gòn về thông tin nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cưới ca sĩ Thuý Nga thì ca sĩ nhạc đỏ Tân Nhân đã xỉu lên, xỉu xuống và bỏ ăn mấy ngày vì đau khổ.

Tân Nhân và Hoàng Thi Thơ có cùng quê ở Quảng Trị, học cùng trường, sau này cùng đi theo kháng chiến. Tân Nhân theo kháng chiến từ lúc mới 16 tuổi, theo đoàn văn công Bình Trị Thiên. Năm 1949 trong 1 lần bị Pháp càn, đơn vị tan tác, các thành viên đoàn chạy vào rừng sâu thoát và mất liên lạc… Tin đồn về trận càn Phong Lai dù được cải chính của Việt Minh nhưng vẫn lan truyền về đất Nghệ Tĩnh. Tin Tân Nhân bị giết làm bàng hoàng thầy trò ngôi trường nổi tiếng một thời bà theo học. Trường Huỳnh Thúc Kháng đã làm lễ tưởng niệm cô học trò Tân Nhân. Người bạn học cùng quê trước đó là Hoàng Thi Thơ – lúc này đang công tác ở Nghệ An – nghe tin như tan nát cả cõi lòng. Anh đã thể hiện nỗi nhớ thương Tân Nhân bằng bài hát Xuân chết trong lòng tôi:
Xuân ơi Xuân / Chim xa đàn / Xuân ơi Xuân / Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi / Trong tiếng đàn… / Ôi chim xa cành / Bướm lìa hoa/ Trùng phùng xa lắm…

Khi trở về và nghe được bài hát này, Tân Nhân đã rất xúc động.
Nỗi thương nhớ dành cho người (ngỡ) đã chết của Hoàng Thi Thơ đã làm động lòng cô nữ sinh. Bà lại lên đường ra Nghệ An và gặp lại Hoàng Thi Thơ lúc đó cũng đang tìm bà, rồi bắt đầu một tình sử đẫm nước mắt.

Hoàng Thi Thơ một lần về công tác và thăm quê nhà đã bị Pháp bắt  giam 1 thời gian và ở lại luôn miền Nam sau hiệp định Geneve 1954 chia cắt đất nước. Chàng đã bỏ lại Tân Nhân với đứa con trong bụng và vào Sài thành. Tân Nhân ôm hận, nén nhớ thương về lại Bắc, tự nguyện dấn thân cho kháng chiến và trở thành một ca sĩ huyền thoại của nhạc đỏ với bài Xa Khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Bài hát nói về nỗi nhớ thương của người con gái đất Bắc đối với người trai nơi miền Nam. Bài hát hợp cả với chất giọng lẫn hoàn cảnh nên Tân Nhân trình bày đạt cảm xúc cao độ:
Nắng tỏa chiều nay / Thuyền về mái động chiều nay / Nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ / Nhớ thương anh ơi                                                                                                               (Xa Khơi)

Đứa con kết quả của mối tình lãng mạn ấy sống cùng mẹ trên đất Bắc với hai nỗi đau riêng là không được biết mặt cha và chịu một lý lịch có cha là nhạc sĩ dưới chế độ Sài Gòn… Đứa con lúc đầu lấy họ mẹ, mang tên Trương Nguyên Việt, sau đó lấy tên khác là Lê Khánh Hoài với họ của người cha kế. Ngoài ra còn có bút danh Triệu Phong (là quê quán của Hoàng Thi Thơ) khi viết báo.


Nói thêm về Hoàng Thi Thơ, cả hai lần đất nước biến động, ông đều di cư không chủ đích. Lần đầu năm 1954 khi ông được phân công công tác ở quê nhà rồi bị Pháp bắt và kẹt lại luôn khi đất nước chia đôi. Lần 2 năm 1975 thì khi đó ông đang cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam lưu diễn ở Nhật vào tháng 4. Sau đó thì đoàn tụ lại với vợ con tại Hoa Kỳ. Cuộc đời Hoàng Thi Thơ dù trải qua nhiều biến cố nhưng ông vẫn được toại nguyện của mình khi “tình còn mãi đến hơi tàn cuối” năm 2001. Còn Lam Phương đến gần cuối đời vẫn đang còn ôm nhiều mối tình tan vỡ trong cô độc.



                                                                          (Theo Trương Văn)

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018


CHỢ PHÂN VAI BÒ - Nguyễn Bàng

https://phudoanlagi.blogspot.com/2018/08/cho-phan-vai-bo-nguyen-bang.html

       
                     Tác giả Nguyễn Bàng


CHỢ PHÂN VAI BÒ

Hồi tôi còn học tiểu học ở trường làng, thằng Đa bạn cùng lớp và cùng xóm hay rủ tôi đi câu. Dạo ấy ao làng thường thả bèo phổng và bèo cái để lấy cái ăn cho lợn, chỉ vài nhà giàu có ao to mới thả cá, rào bờ ao và luôn canh chừng người câu trộm nên thằng Đa và tôi chỉ đến các ao người ta không cấm câu, tìm một bụi tre có bóng mát rồi rắc thính và thả dây câu. Ấy vậy mà, thằng Đa nổi tiếng sát cá, mới ngồi một lúc nó đã giật được năm bẩy con rô con riếc to bằng ba ngón tay trong ki tôi chỉ giật được hai ba con mài mại hay con cá cờ nhỏ xíu như cái lá tre. Vì vậy nhiều lần, khi ra về thằng Đa thương tình chia cho tôi mấy con rô, con riếc. U nó thấy nó đem giỏ cá về thì nhanh tay đỡ lấy rồi đổ cá ra chiếc chậu sành và tươi cười nói:
- Hôm nay nhà ta lại được ăn cơm với cá rồi
Nhưng thầy nó thì không hồ hởi như u nó. Ông nghiêm giọng bảo vợ:
- Bà chỉ làm hư con thôi. Cái ngón nghề câu cá ấy liệu có nuôi được nó cả đời không hay là sẽ như cổ nhân nói: “Bé đi câu, lớn đi hầu, già làm mõ”. Mà tôi nói cho mà biết, làm mõ cũng không đến lượt nó đâu, mỗi làng chỉ cần một thằng mõ thôi mà vợ chồng thằng mõ làng ta còn trẻ khoẻ lắm. Không chịu khó học hành thì chỉ còn một nước là đi làm phu đổ thùng cho nhà Năm Giệm.
Tôi nghe người lớn nói, dòng họ nhà thằng Đa là một dòng họ nhiều chữ nghĩa nhất làng, chưa có ông nghè nhưng đã có dăm bẩy ông cống từng làm đốc học hay làm quan. Đến đời ông nội nó vừa đậu xong tú tài thì đấy cũng là khoa thi nho học cuối cùng. Văn chương phú lục dở dang mà đường cày thì không biết, ông nội nó đọc sách rồi làm ông lang ở làng. Thầy nó được theo tân học nhưng vừa mới hết tiểu học thì bị ốm dai dẳng, thuốc thang của chính ông nó bốc cho uống mấy năm mới khoẻ lại nên việc học cũng đành bỏ dở rồi được ông nó truyền lại nghề làm thuốc. Nó lại là con trai duy nhất trong nhà năm chị em nên thầy nó quyết tâm sẽ cho nó học tới nơi tới chốn để mở mày mở mặt với dân làng.
Giờ nghe thầy nó bảo không chịu khó học hành thì chỉ còn một nước là đi làm phu đổ thùng cho nhà Năm Giệm. Tôi thật không hiểu phu đổ thùng là gì và nhà Năm Giệm là ai bèn về hỏi bà nội tôi. Bà tôi bảo:
- Là thầy nó nói những người chuyên lấy phân ở khu vực nội thành còn gọi là phu đổi thùng. Trong nội thành, hiện nay mới có một số ít hố xí máy tự hoại ở khu phố Tây, khu phố ta nhà nào cũng chỉ có chuồng xí thùng. Hàng đêm, phu vệ sinh đẩy xe bò đến các phố thay thùng lấy phân. Họ đập cửa  gọi đổi thùng, đổi thùng và nghe thấy tiếng là chủ nhà đang ngủ cũng phải dậy. Để át mùi, chủ nhà phải thắp vài nén hương rồi còn phải ngồi ngoài cửa trông nhà vì sợ kẻ gian lợi dụng lẻn vào ăn trộm đồ đạc. Nhiều nhà chuẩn bị sẵn mấy xu lẻ cho phu để họ không làm dây ra nhà. Việc đổi thùng diễn ra cũng nhanh vì phu chỉ lấy thùng đầy ra rồi đặt thùng không vào là xong. Phân thu  đưa về đê Đại La, ở đấy một phần đem chứa vào các bể xây chờ người đến mua, phần còn lại phu kéo thẳng đến các vùng trồng rau ngoại thành như Canh, Diễn, làng Vòng nhà mình hay làng Láng chuyên trồng rau húng.
Nhưng cháu đừng nghĩ phân là thứ thối tha bẩn thỉu. Nó là mối lợi lớn cho nhà thầu. Năm Giệm chính là ông chủ thầu phân đó. Năm Giệm ở quê ra, ban đầu làm công cho Sở Xe điện, sau đó chuyển sang làm đại lý gạch, ngói. Khá lên, ông ta bỏ tiền mua đất ở đầu phố Giảng Võ, khi đó khu vực này còn là ruộng xen lẫn hồ ao, nhà dân rất thưa thớt lập Xí nghiệp Vệ sinh với hàng loạt ngôi nhà lợp tôn là chỗ chứa xe và thùng lấy phân. Xí nghiệp có một bãi rộng, bên trong có những bể xây lớn dùng để chứa phân. Hồ đầm chung quanh có nhiều nước, công nhân vệ sinh rửa thùng ở đấy. Năm Giệm còn làm nhà cho công nhân thuê ở tập trung ở đầu đường Đại La, chỉ là nhà tranh, nhà tôn lụp xụp, chật hẹp nhưng chật kín người ở. Phu ngày càng đông nên nhà cứ làm thêm ra mãi, hồ, đầm bị thu hẹp dần, rác rưởi thành phố hàng ngày xe đến đổ ở đây. Ông ta còn được nhà nước hỗ trợ cho cảnh sát cấm người ngoại thành vào mua hoặc lấy trộm phân trong các phố, phạt nặng những người gánh phân đi trong phố với lý do bảo vệ vệ sinh chung.
Tuy thế, nhiều người ở một số làng vùng ven vẫn làm công việc lấy phân. Cứ gà gáy canh một là họ mang theo quang gánh và chiếc móng sắt hình chóp, có cái cán tre chừng hơn 1m, rủ nhau vào phố lấy phân ở các nhà vệ sinh công cộng hay những nhà không ký hợp đồng với chủ thầu. Họ thường đi lúc nửa đêm để tránh bị cảnh sát bắt. Họ lấy phân về để bón cho rau màu nhà họ và để bán cho các hộ dân khác. Trên con đường nhựa từ Cầu giấy về làng ta, ở quãng Vai  Bò có hẳn một cái chợ phân họp từ mờ sáng đến khi rõ mặt người m là tan, ai "ế" thì gánh về hôm sau quẩy ra bán tiếp. Ấy vậy mà họ bảo,  làm nghề lấy phân còn nhàn hơn nghề làm ruộng vì không phải suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Tôi đem chuyện bà tôi nói kể cho thằng Đa nghe. Nó bảo:
- Thế mà nghe thầy tao nói cứ tưởng cái nghề đổ thùng không ai thèm làm. Xem ra muốn có một chân đi lấy phân cũng đâu có dễ, mày nhỉ?
Rồi nó nói:
- Tao cũng thấy u tao bảo có cái chợ phân ở Vai Bò mà chưa biết mặt mũi nó ra sao. Hay là hôm nào tao với mày đi chợ phân chơi?
- Bà tao bảo chợ họp từ mờ sáng đến khi có ánh mặt trời là tan, sớm thế đi làm sao được?
- Thì dậy từ gà gáy rồi đi.
Sáng hôm say, y hẹn thằng Đa chờ tôi ở đầu điếm canh của thôn rồi hai đứa đi ra đường cái và ngược lên Vai Bò. Nguyên khu rệ đường cái này ngày xưa người làng thường đem ra bán những cái ách dùng để khoác vào vai trâu bò để chúng kéo cày, vì thế mà gọi là chợ Vai bò. Về sau người ta mang đủ các thứ nông cụ như cày cuốc và cả đòn càn đòn gánh ra bán. Khi đường cái được trải nhựa thì chợ bán nông cụ bị cấm họp nhưng khi nghề lấy phân phát triển thì tự nhiên lại trở thành chợ mua bán phân, không ai cấm nữa.
Đây là chợ phân tươi, hoàn toàn không có phân ủ (phân chín) không có phân xanh (phân làm từ các loại lá cây) hay phân hoá học ở các cửa hàng phân bón ngày nay. Cũng rất ít có phân chuồng, tức là phân lợn, phân gà hay phân trâu bò. Tất cả đều là phân người, dân vùng ngoại thành quanh quê tôi gọi là phân bắc.
Chợ họp tại địa điểm có tên là Vai Bò ngay bên đường cái quan, chính giữa đoạn đường 1cây số từ ô Cầu Giấy về làng Vòng. Người dân làng Vòng từ xa xưa chủ yếu là cấy lúa trồng rau và hoa nổi tiếng với kinh thành là hoa lơ (Vòng Tiền và Vòng Trung), cải bắp và hoa huệ (Vòng Sở). Đặc biệt là ở Vòng Hậu có nghề làm cốm từ lâu đời, cốm Vòng được nhân dân đất thành Thăng Long và các vùng miền gần xa ưa chuộng. Nhưng những người bán phân tươi không phải người làng Vòng mà là người ở các làng khác có tập quán đi các nơi, nhất là vào nội thành lấy phân bắc đem về đây bán. Họ không phải là công nhân vệ sinh của nhà nước hay phu “đổi thùng” của nhà thầu Năm Giệm mà là người ở ngoại thành vào lấy trộm phân nên trên đường quẩy phân về chợ, họ thường bị công nhân vệ sinh bắt quang sọt hoặc bị cảnh binh phạt tiền khốn khổ lắm.
Lúc tôi và thằng Đa đến thì trời đã tờ mờ sáng nên chợ phân đang rất đông kẻ bán người mua. Mặc dù là chợ phân tươi nhưng không thấy ai bịt mũi bịt miệng mà khắp chợ ồn ào tiếng chào bán lẫn tiếng hỏi mua. Người bán phân kiếm một chỗ bên rệ đường rồi bầy những sọt phân ra và đứng chờ người mua Người mua phân dùng một cái gắp phân bằng cật tre, trông hơi giống một chiếc đũa cả sục sâu vào đáy sọt phân rồi rút ra, đưa lên mũi ngửi để xem phân tốt hay phân xấu. Có sọt phân bị chê là chua, có sọt bị chê là nát nhoét, không đậm. Người bán phân cũng dùng cái gắp ấy ngoáy sục lại vào đáy sọt phân rồi rút ra, đưa lên ngang tầm mũi mình và cả mũi người mua mà phân bua: “Phân ngon thế này mà còn chê à!”.
Bỗng ở cuối chợ nổi lên tiếng om sòm cãi chửi nhau. Tiếng một người đàn bà đi mua phân:
- Cứt mà còn làm giả thế này không sợ thất đức à?
Rồi tiếng một người đàn ông bán phân đáp lại:
- Giả đâu mà giả!
- Không giả thì là cái gì đây, nhìn xem cứt hay đất bùn nhuộm nghệ đem trộn vào? Người đâu mà tham lam thế!
- Sợ quẩy đi đường nó sóng sánh ra đường bẩn thỉu nên cho thêm tý đất bùn vào cho nó quện. Mua thì mua không mua thì đi chỗ khác cho người ta còn bán hàng, đừng có mà ám mãi.
- Á à, đuổi khách đi cơ đấy! Làng sống bằng nghề hót cứt, có đền thờ Thành Hoàng hẳn hoi. Đây đã tận mắt nhìn vào trong đền, thấy thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu, tất cả đều được sơn son thếp vàng. Làm ăn gian giối không sợ bị Thành Hoàng vật chết à?
Ở những chỗ người mua đã mặc cả xong giá, họ trút phân từ sọt của người bán phân sang sọt của mình, lòng sọt đã chít sơn ta nhưng đáy sọt vẫn lót thêm một lớp tro bếp cho nước phân không bị rò rỉ. Khi người mua đã gánh phân đi thì người bán đem sọt của mình xuống cái ao to ở bên đường rửa ráy. Không biết ao nhà ai nhưng bè muống họ thả trong ao dày đặc và tốt xanh um.
Thằng Đa nói như người lớn với tôi:
- Đúng là “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Rau muống nhà kia luộc lên ăn phải biết là đậm miệng, mày nhỉ? 
Lớn lên, tôi và thằng Đa đều đi khỏi làng kiếm sống. Tôi thì đi xuống miền biển làm nghề gõ đầu trẻ còn thằng Đa ra Hà Nội buôn bán thuốc bắc. Tuy hai nơi ở cách nhau có hơn trăm cây số nhưng do một thời tàu xe đi lại khó khăn, mất ngày mất buổi nên chúng tôi ít khi có dịp gặp lại nhau mà thỉnh thoảng chỉ thư từ thăm hỏi nhau, vẫn mày tao chí tớ như thời còn bé ở làng.
Một ngày, tôi đọc xong cuốn sách nửa hồi ký nửa tiểu thuyết Chiều Chiều của Tô Hoài, có đoạn nói về chuyện các chuyến đi thực tế của các nhà văn nhà thơ ở miền Bắc trước đây. Một trong những công việc chính của họ là đào hố phân rồi hằng ngày đi nhặt phân, từ phân người đến phân súc vật, về đổ vào các hố rồi nhặt lá cây bỏ vào, trộn đều, ủ lại cho chúng ngấu kết lại với nhau.
Theo lời kể của cụ Tô Hoài, mỗi buổi sáng, nhà thơ Phùng Quán ở trong xóm đi ra,“gánh đôi quang lồng một, hai thanh tre gắp phân đặt trên mặt sọt.” Một buổi chiều, gánh phân về, “Quán kể nông nỗi đi gắp phân như là đọc một mẩu chuyện trên báo. Các đường ngoắt ngoéo trong xóm trổ ra cổng đồng còn tối đất. Những con trâu con bò ra ruộng làm sớm, thói quen tự nhiên, tới rệ cỏ ven hào nước thì đứng lại ỉa. Đến khi sáng hẳn, trẻ con trong xóm mắt nhắm mắt mở lốc nhốc kéo ra ngồi bĩnh ở đấy. Hai thanh tre của Quán mở ra gắp lên sọt tuốt cả phân trâu phân người. Tìm ra những con đường phân này cũng chẳng phải tài giỏi riêng Quán, mà sáng nào cũng có người nhặt phân từ các ngõ xóm ra cổng đồng, đi muộn có khi hết.”.
Cũng ngày ấy, tôi vừa nén nỗi đau như bị xát muối vào lòng vì phải bỏ ra gần hai tháng lương để lắp cái điện thoại bàn cho mấy đứa con ở xa gọi về không phải chạy ra bưu điện gần nhà đăng ký để nghe chúng nó nói. Nhớ lại chuyện cùng thằng Đa đi chợ phân Vai Bò, tôi bèn buôn chuyện với nó qua chiếc điện thoại bàn đó, kể lại những điều cụ Tô Hoài viết cho nó nghe. Nó cười khằng khặc bên kia đầu sóng:
- Thì việc nhặt phân đã được ông Tố Hữu ca ngợi hết lời:
       Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá.
       Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô.
       Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!
Ông ấy ngồi ở nhà cao lộng gió, ăn của ngon vật lạ mua ở chợ Tôn Đản của vua quan rồi nhào lặn cho ra những vần thơ như thế chứ ông ấy có bao giờ dọn tí phân rơi nào đâu.
Ông ấy cũng đã từng ca ngợi Mao Trạch Đông:
       Một tia lửa  nhỏ
       Trong xóm Tương  Đàm
       Cháy lan  dần, đỏ khắp Hồ Nam
Và chính Mao Trạch Đông đã phát ngôn câu nói nổi tiếng khắp thế giới: “Trí thức không bằng cục phân.”
Rồi nó thôi cười và trầm giọng lại:
- May mà tao không nghe lời dạy của thầy tao, chăm chỉ học giỏi để trở thành trí thức. Nếu nghe lời cụ thì bây giờ tao cũng không bằng cục phân, mày nhỉ?!
Tôi toan tắt máy thì lại nghe tiếng thằng Đa nói tiếp:
- Mà này, mày đừng tự ái rồi chửi tao nhé! Vì nghe đâu cái nghề gõ đầu trẻ của mày cũng được coi là tiểu tư sản trí thức đấy!

     Sài Gòn, tháng 08.2018
     NGUYỄN BÀNG                                               
     Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
     Email: bnguyen37@gmail.com

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...