Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018


NHỮNG BƯỚC ĐƯỜNG
ĐƯA TÔI ĐẾN VỚI NGHỀ GODAUTRE (2)


 Tối hôm ấy tôi đến nhà anh Nguyễn Hưng Nhân rồi đến nhà anh Nguyễn Văn May kể về việc tôi đi kéo nứa và rủ các anh cùng đi làm cho vui. Nhưng cả hai anh đều từ chối. Anh Nhân bảo:
-Tôi ở nhà đi sửa điện dân dụng cho bà con cũng tạm có công có việc rồi.
Anh May thì nói:
-Tôi phải củng cố tiếng Anh và tự học tiếng Nga để năm sau thi vào Trung cấp ngoại ngữ học cho đỡ vất vả.
Tôi nói với hai anh:
-Ban ngày tôi đi kéo nứa, ban tối tôi cũng sẽ lên thư viện đọc sách để có thêm hiểu biết.

Chuyện tôi thôi học dấu u tôi và dì tôi như cái kim trong bọc rồi cũng có ngày lộ ra. Ấy là sau gần hai tháng đi bốc nứa, một buổi chiều tôi bị cảm phải xin nghỉ rồi cố lê lết về đến nhà. Thấy tôi nằm bệt kêu ốm và bỏ cơm, dì tôi bảo cô Oanh con gái lớn của dì đi mua cho tôi bát cháo thịt. Tôi cố ngồi dậy húp hết bát cháo nhưng vừa nằm xuống thì buồn nôn. Cô Oanh tìm cho tôi một cái chậu men cũ và tôi nôn thốc tháo vào đấy, toàn nước lẫn cháo màu đen tím. Biết mình bị thổ huyết, tôi bảo cô Oanh sang phố Hòa mã chạy ngang đầu phố Phùng Khắc Khoan gọi hộ tôi anh Long sang xem bệnh cho tôi. Anh Vũ Đình Long là anh ruột Vũ Đình Khánh, đang học năm thứ tư trường y. Tôi và Khánh quen biết nhau từ hồi học Nguyễn Trãi, nhà gần nhau nên hay đến chơi với nhau do đó tôi cũng quen anh Long. Anh bảo chẳng may bị ốm đau gì sang gọi anh khám cho nhé.
Anh Long sang ngay nhưng khi nhìn vào cái chậu nôn và khi đã đo tim mạch cho tôi, anh vội vã nói:
- Phải gọi xe cấp cứu đưa xuống bệnh viện Bạch Mai ngay
Cô Oanh vội ra bưu điện chợ Hôm gọi xe cấp cứu. Chừng nửa giờ sau đó tôi được chở xuống bệnh viện Bạch Mai ngay. Bác sĩ trực cấp cứu lại đo tim mạch của tôi và lấy cây búa gỗ gõ vào hai đầu gối tôi rồi khẽ lắc đầu “Không có phản xạ gì”. Ông ta ra hiệu cô y tá tiêm cho tôi một mũi long não rồi bảo cứ để tôi nằm ở phòng cấp cứu. Tôi thấy mình mệt quá và ngủ thiếp đi.

Khi tỉnh dậy tôi thấy anh Nguyễn Hưng Nhân ngồi trên một cái ghế đẩu cạnh giường tôi nằm. Anh ra hiệu cho tôi đừng cử động rồi nói:
- Oanh nó sang nhà báo cho tôi biết, tôi vội vào ngay bệnh viện với anh. Bây giờ hơn 1 giờ đêm rồi, anh cố ngủ tiếp đi chờ sáng mai bác sĩ giải quyết.
Nói rồi anh tiếp tục đọc sách, thức để canh tôi.

Sáng hôm sau bác sĩ trực đêm vào khám lại. Thấy tôi đã tỉnh ông nói:
- May nhờ sức thanh niên nên cậu đã thoát cơn nguy hiểm chứ như hôm qua thì bi quan lắm.
Rồi ông gọi chị hộ lý chuyển tôi sang phòng bệnh. Anh Nhân mua cháo trắng cho tôi ăn rồi bảo:
- Giờ anh nằm đây, tôi về quê báo cho gia đình anh biết.
Ngay trưa hôm đó chị cả tôi theo anh Nhân vào thăm tôi. Chị đem cho tôi một cặp lồng khoai tây hầm với chim bồ câu nhưng tôi chỉ ăn được lưng bát nhỏ còn nhờ anh Nhân ăn giúp để khỏi phải ra ăn cơm ngoài căng tin bệnh viện. Trước khi về chị cả tôi trách:
- Cậu Nhân nói cho cả nhà biết cậu đã thôi học và đi kéo nứa ngoài bờ sông. Cậu tệ quá, chuyện như vậy mà dấu cả nhà.
Chắc chị tôi có ghé qua chỗ dì tôi và nói cho dì biết việc tôi thôi học nên sau hơn hai tuần, khi tôi xuất viện về nhà, dì tôi nhẹ nhàng bảo:
- Cháu tự thôi học mà không hỏi dì một tiếng, mai này dì biết ăn nói với u cháu ra sao? Giờ cháu không đi học nữa rồi thì tùy ý cháu, cứ ở đây với dì và các em cũng được mà về quê ở với u cháu cũng được.
Tôi xin lỗi dì và nói:
- Dì cứ cho cháu ở đây để tạm đi làm cho tiện. Bao giờ có việc làm chính thức và ổn định cháu sẽ tính sau.
Nhưng tất cả mọi người trong gia đình tôi trong quê và dì tôi ngoài phố cũng chỉ biết tôi thôi học vì không thích học nữa chứ không ai hay biết mọi căn nguyên của nó.

QuaTết ít lâu, một tối lên thư viện, theo thói quen khi chờ thủ thư tìm sách cho mượn, tôi đọc tờ Hà Nội mới để nắm được tin tức hàng ngày thì thấy giữa trang tư có đăng tin tuyển sinh Trường Nghiệp vụ ngân hàng Trung ương khóa đầu tiên, hồ sơ chỉ cần một đơn xin học, một bản khai lý lịch và văn bằng tốt nghiệp cấp 2, nộp về ngân hàng Hà Nội ở phố Lê Lai. Hồ sơ chỉ yêu cầu có thế nên tôi thấy mình có thể nộp đơn xin học được. Không tính cái đơn chỉ cần viết theo mẫu còn hai loại giấy tờ kia thì cái bằng tốt nghiệp cấp 2 đang nằm trong tủ sách của tôi. Điều tôi lo ngại là trình độ văn hóa, nếu đòi hỏi trình độ lớp 8 hay lớp 9 thì mới thật khó, vì tôi thôi học để tránh bị kỷ luật, nay trở về trường xin chứng nhận chắc là không ổn. Còn tờ khai lý lịch, nếu xin chứng nhận ở nơi cư trú ngoài phố chắc cũng khó khăn vì thế nào trường cũ cũng đã đưa giấy về tôi cho khu phố rồi. Nhưng tôi sẽ về quê xin. Mặc dù tôi không ở làng từ năm 1950 nhưng có thể nhờ chị dâu tôi xin hộ vì chị dâu tôi một thời đã làm bí thư xã đoàn, nay lấy chồng có con nên xin nghỉ để lo việc nhà và việc hợp tác xã nhưng vẫn còn quen biết một số người trong ủy ban xã, vì vậy việc này đối với chị không có khó khăn gì khi chỉ xin người ta mấy chữ xác nhận tờ khai  này là đúng rồi có ký tên đóng dấu.

Tính thế, tôi vội ra hiệu sách mua 2 tờ khai lý lịch rồi ngồi khai ngay tại bàn đọc trong thư viện. Sáng hôm sau tôi nghỉ kéo nứa, đáp tàu điện về quê nhờ chị dâu tôi giúp đỡ. Chị đem 2 tờ giấy sang nhà trưởng thôn rồi ra UBND xã và cả hai nơi đều ghi: chứng nhận tờ khai trên của đương sự là đúng.

Một tháng sau, tôi có giấy gọi nhập học.
Năm ấy, trường Nghiệp vụ ngân hàng Trung ương đóng tại xã Cổ Mễ, một làng cổ nằm bên bờ sông Cầu, huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh. Trường chính là ngôi đình thuộc xóm Đình của làng Cổ Mễ. Nghe dân làng kể thì:


Đình làng Cổ Mễ khởi dựng vào năm 1681 và tồn tại đến nay, Đình nằm dưới chân núi Châu Sơn (sau gọi là núi Đồn) xung quanh là làng xóm trù mật. Các cột trong đình đều sơn son thếp vàng. Các mảng chạm khắc của đình này rất đẹp, thể hiện các đề tài long vân đại hội, ngũ hổ tranh châu…với nghệ thuật điêu luyện. Đình thờ Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát), các vị đã có công giúp Triệu Quang Phục đánh giặc Lương. Sau này các ngài lại hiển lịnh phù giúp Thái uý Lý Thường Kiệt làm nên chiến công lừng lẫy. Làng còn thờ một ông quan võ họ Nguyễn tự Phúc Hải quê ở Thanh Hoá. Ông lấy vợ tên là Đỗ Thị Thích quê ở Cổ Mễ. Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc, lúc mất táng tại lăng họ Nguyễn bây giờ.   

Tôi cùng 3 anh nữa người Thanh Hoá, Ninh Bình, Phú Thọ được gửi vào ở nhờ nhà một bác nông dân chỉ có hai mẹ con, bà mẹ đã đứng tuổi còn cô con gái tên là Thoan mới chừng 14, mồ côi cha từ năm lên 10. Nhà có sân gạch, có bể nước, trời mưa thì hứng nước mưa từ một cây cau già chảy xuống, khi  nước cạn thì gánh nước giếng bên hông đình về đổ vào. Tôi để ý thì thấy hai mẹ con em Thoan ăn uống rất đạm bạc, bữa nào cũng chỉ thấy lưng đĩa tôm tép tự bắt từ ngoài đồng về với đĩa rau muống luộc chấm nước mắm cua múc từ cái vò quanh năm để giữa sân, khi đi làm về bắt được con cua nào hai mẹ con lại rửa sạch rồi thả vào trong cái vò ấy. Chúng tôi, ngày hai buổi lên lớp, đến bữa thì kéo nhau ra ăn cơm ngoài bếp tập thể của trường dựng dưới chân núi Châu Sơn, tắm rửa đều ra giếng bên đình nên cũng không gây nhiều phiền hà cho chủ nhà.


Lớp học hồi ấy có trên một trăm người do anh Lê Viết Huyến cháu gọi ông Lê Viết Lượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam làm trưởng lớp. Học viên được thông báo trong quá trình học tập, ai có đủ trình độ sẽ được đưa về ngân hàng các tỉnh thành, ai xuất sắc sẽ được gửi đi đào tạo dài hạn ở các nước bạn. Vì vậy không ai bảo ai, không khí thi đua học tập rất sôi nổi.

Các môn học gồm Kinh tế triết học Mác-Lênin , Đường lối cách mạng của Đảng Lao động Việt Nam và nghiệp vụ ngân hàng với các từ thu chi, nợ có và các phép tính toán về các khoản tiền, nội dung cho vay tín dụng. Các giảng viên đều từ Hà Nội sang dạy.
Tôi cố gắng học tập với hy vọng chí ít thì sẽ được về ngân hàng Hà Nội làm việc, vì vậy các đợt kiểm tra, môn nào tôi cũng đạt điểm 5.

Thấm thoát, khoá học chỉ còn 1 tháng nữa thì thi ra trường. Bấy giờ đang cuối vụ nghỉ hè của các trường phổ thông. Một trưa chủ nhật, khi bước vào nhà ăn tập thể, tôi thấy có bốn người đang ngồi ăn ở một góc cái bàn dài. Họ vừa ăn vừa nói cười rất vui vẻ với nhau. Thấy tôi vào, một trong bốn người ngẩng lên nhìn tôi chăm chú. Tôi cũng nhìn lại anh ta và giật mình nhớ ra đây là anh Thủ, bí thư chi đoàn lớp 8G bên cạnh lớp 8H cũ của tôi ở trường cấp 3. Chắc anh ta lên chơi với bạn và được mời cùng ăn cơm tập thể. Linh tính báo cho tôi biết sẽ có chuyện không không hay xẩy đến với tôi.

Quả nhiên ngay hôm sau, vừa hết giờ học, anh Lê Viết Huyến đến chỗ tôi thông báo:
- Ban giám hiệu muốn gặp anh. Anh đi cùng tôi ngay.
Tôi theo anh Huyến đến phòng ban giám hiệu trên một quả đồi nhỏ. Ông hiệu trưởng đã chờ sẵn, hỏi luôn tôi:
- Có người báo cáo anh bị kỷ luật ở trường phổ thông sao không thấy khai trong lý lịch?
Tôi nghĩ chắc anh Thủ kia đã được họp ban chấp hành doàn toàn trường và được bí thư đoàn trường nói về trường hợp của tôi. Nhưng về lý lẽ, tôi chưa hề được thông báo bị kỷ luật và cũng chưa nhận án kỷ luật nên tôi mạnh mồm trình bày với ông hiệu trưởng và cả anh Lê Viết Huyến ngồi bên cạnh ông ta rằng tôi chỉ vì hoàn cảnh nên đã xin thôi học. Thế thôi. Không có chứng cứ gì làm bằng, ông hiệu trưởng đành nói:
-Thôi được, chúng tôi sẽ cho người về trường cũ của anh điều tra. Nếu man trá anh sẽ bị đuổi học.
Sau đó không thấy nhà trường đả động gì thêm về chuyện này. Có thể họ có điều tra nhưng trường cũ nói tôi đã thôi học trước khi kiểm điểm dưới cờ. Trưởng lớp  Lê Viết Huyến chắc cũng không biết gì hơn nên vẫn chuyện trò với tôi bình thường.

Bấy giờ đã sang tháng Chín, còn nửa tháng nữa thì khóa học kết thúc.
Tôi viết thư về hỏi thăm mấy người  bạn thân và được biết, anh Nguyễn Hưng Nhân vẫn ở nhà đọc sách và cò con chữa điện dân dụng, anh Nguyễn Văn May đã đậu vào trường trung cấp ngoại ngữ khoa tiếng Nga, Anh Lê Đình Phúc chỉ được vào Đại học Sư phạm Hà nội khoa Hóa học, mấy anh nữa cũng đều được xếp vào các trường làng nhàng, không có ai được vào Y Dược, Bách khoa. Thậm chí anh Trần Mai Chí còn không được vào trường đại học nào. Anh Phúc cho tôi biết thêm, Nguyễn Đắc Sinh tức Bình Vọng, bí thư đoàn trường được chọn du học Liên Xô. Đọc thư bè bạn, tôi buồn quá vì thấy số phận các bè bạn thân của mình sao mà hẩm hiu thế.

Nhưng chỉ hai tuần sau, số phận tôi cũng không hơn gì các bạn.  Khi kết thúc khóa học, lúc tổ chức nhà trường phát giấy phân công công tác, tôi mới tái mặt lại khi đọc thấy tôi bị điều lên ngân hàng Thuận Châu, thủ phủ Khu tự trị Thái Mèo ở miền Tây Bắc “núi vút ngàn trùng xa”. Vậy là họ có thể không nắm trong tay văn bản kỷ luật nào về tôi nhưng đã được báo cáo về chuyện tôi làm báo Ngôi Sao và dành cho tôi một cuộc lao động cải tạo.



Nhóm bạn ở lớp Ngân hàng Cổ Mễ (Tôi đeo kính, anh Nguyễn Văn Trịnh thân nhất ngồi bên tôi)
Ảnh chụp dưới chân núi Châu Sơn

Nhưng không chỉ riêng tôi đi Tây Bắc mà còn 9 anh nữa là 10 người. Cùng cảnh ngộ, chúng tôi tự  tìm đến với nhau và cùng hiểu ra anh nào cũng có vấn đề về lý lịch. Cụ thể như hai anh rất thân với tôi ở lớp học là anh Nguyễn Văn Trịnh,  con nhà tư sản phố Bát Đàn đang học dở lớp 10 Chu Văn An, anh Phạm Xuân Đăng, người Hải Phòng cũng con nhà tiểu chủ cũ có ca nô chạy bến Tam Bạc - Hồng Gai…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...