NHỮNG BƯỚC ĐƯỜNG
ĐƯA TÔI ĐẾN VỚI NGHỀ GODAUTRE (6)
- Cơ ngơi nhà trường thì vẫn thế nhưng đội ngũ giáo viên thì năm nào mà chẳng có đôi chút thay đổi. Một số thầy cô giáo mới ra trường được nhận về. Một số thầy cô giáo cũ bị chuyển sang trường khác hoặc điều lên Bộ nhận nhiệm vụ mới trong đó có thầy hiệu phó bí thư chi bộ được đề bạt lên làm hiệu trưởng một trường mới mở ở khu phố Ba Đình.
Nghe bác bảo vệ nói, tôi thấy có chút yên tâm trong lòng vì sẽ không phải gặp thầy hiệu phó bí thư chi bộ đã nhẵn mặt tôi và chắc vẫn giữ trong lòng những thành kiến với tôi.
Vì thế, tôi chào bác bảo vệ và mạnh dạn vào phòng thầy hiệu trưởng, người chưa trực kiến mặt tôi một lần. Thấy tôi thưa muốn xin lại học bạ, thầy hiệu trưởng cho gọi cô văn thư, bảo cô tìm học bạ cho tôi. Nhưng sau một hồi khá lâu, cô văn thư lên báo cáo hồ sơ học bạ của tôi đã bị thất lạc đâu đó tìm các nơi đều không thấy. Nghe thế, thầy hiệu trưởng tỏ ra ngần ngại bảo tôi:
- Ngày mai em đến có được không? Để bên văn thư tìm kỹ lại xem.
Tôi nói với thầy hiệu trưởng:
- Thưa thầy, thầy cho em xin một cái chứng chỉ học lực cũng được ạ!
Thầy hiệu trưởng hỏi:
- Chứng chỉ à? Cũng được. Năm ấy, em học lớp thầy nào chủ nhiệm?
Tôi thưa:
- Thầy Hoàng An ạ!
-Thầy hiệu trưởng nhìn vào tờ thời khóa biểu treo trên tường rồi nói:
- Rất may, thầy Hoàng An đang trống tiết học này. Vậy em xuống phòng giáo viên mời thầy lên đây.
Tôi vâng và đi ngay. Thầy Hoàng An gặp tôi thì mừng rỡ vỗ vai tôi thân mật như một người anh gặp một đứa em:
- Sao? Giờ học ở đâu hay đi làm gì rồi?
Tôi không dám nói hết những đoạn trường của mình từ sau khi bỏ học mà chỉ nói đang làm hồ sơ xin làm giáo viên dân lập dưới Hải Phòng. Rồi thưa tiếp, hồ sơ học bạ của tôi đã bị thất lạc, giờ muốn xin cái chứng chỉ học lực, thầy Hoàng An bảo:
- Để thầy nói với thầy hiệu trưởng cho.
Không biết thầy Hoàng An trao đổi với thầy hiệu trưởng những gì, chỉ biết sau đó thầy hiệu trưởng cho gọi cô văn thư lên, bảo ghi tên tuổi tôi rồi về đánh máy tờ giấy chứng nhận tôi đã học lớp Chín tại trường khóa học 1957 -1958 đem lên cho thầy Hoàng An xác nhận và thầy hiệu trưởng ký tên đóng dáu.
Khi đã cầm tờ giấy trên tay, tôi chào thầy hiệu trưởng rồi tìm gặp thầy Hoàng An đang dạy trên lớp. Hai thầy trò đứng bên nhau ngoài hành lang. Tôi nhìn thầy, lòng rưng rưng cảm động vì nhờ thầy tôi đã có tò giấy đang cần trong tay rồi nói lời cảm ơn thầy. Thầy Hoàng An nói:
- Không có gì. Thầy chỉ tiếc cho em, không vì sơ sểnh thì giờ sắp xong năm thứ nhất Đại học rồi. Thôi đời còn dài, cố gắng rút kinh nghiệm sống để khỏi vấp ngã thêm nhé!
Làm hồ sơ xong, tôi cùng anh Nhân đi bộ lên thẳng bưu điện thành phố ở trên Bờ hồ để gửi vì nghĩ ở đó sẽ được chuyển phát nhanh nhất. Khoảng gần một tháng sau, tôi từ thư viện về thì cô em con dì tôi nói:
- Anh có thư. Em để trên bàn ấy.
Tôi vội lên ngay nhà và rất mừng khi thấy đó là thư của Phòng tổ chức cán bộ sở Giáo dục Hải Phòng, vội bóc ra xem thì là giấy mời tôi xuống nhận nhiệm vụ. Thư ngắn, chữ đánh máy theo mẫu chỉ có tên người viết bằng bút mực, nội dung đại ý là:
Kính gửi...
Ban giám đốc sở Giáo dục Hải Phòng đã nhận được hồ sơ xin việc của ông.
Trân trọng mời ông đến phòng tổ chức cán bộ của sở Giáo dục Hải Phòng
Địa chỉ:
Vào ngày…tháng…năm 1960
để nhận phân công công tác
…
Tôi qua nhà anh Nhân ngay. Anh nói anh cũng vừa nhận được thư như của tôi, nhưng nghĩ tôi vẫn còn ở thư viện nên chưa sang nhà gặp tôi. Chúng tôi bàn nhau sẽ đi ngay sáng ngày giấy triệu tập. Tôi gật đầu và bảo:
- Tôi phải về quê chào u tôi và gia đình, anh ạ.
Anh Nhân hỏi:
- Anh không sợ địa phương sẽ cản trở vì họ đã có lệnh quản lý giáo dục anh?
Tôi đáp:
- Tôi có phải là tội phạm đâu mà sợ về đến xã sẽ bị dân quân ập vào bắt luôn.
Vì thế, tôi sẽ về quê chào u tôi và anh chị tôi một câu mặc nó muốn ra sao thì ra
Ngay chiều hôm ấy, tôi ra nhà máy ô tô 1/5 đón anh tôi nói cho anh biết tôi sắp đi Hải Phòng nhận việc và bảo anh đèo tôi về quê ngay lúc tan tầm. Về đến quê tôi cũng nhanh chóng nói với cả nhà mấy lời chia tay rồi giục anh tôi chở ngay ra Hà Nội. Chị cả tôi lần túi áo đưa cho tôi hai mươi đồng bạc. Tôi biết giờ chị đã có 3 con còn nhỏ, anh rể thì ở công trường đường sắt tận Yên Bái Lào Cai mà chị cũng hay ốm yếu nên tôi chỉ xin chị 10đồng. Chị tôi bảo:
- Cậu cầm hết đi, xuống đó lạ nước lạ cái lại không người thân thích, chẳng may cơ nhỡ biết trông vào đâu?
Tôi đáp:
- Em tính rồi. Nếu họ nhận cho đi dạy học thì thế nào họ cũng tạm ứng tiền sinh hoạt cho. Nếu họ không nhận thì em sẽ quay về ngay. Hai vé tàu hỏa 2 đồng 5xu một vé, vị chi là 4 đồng 1 hào, còn gần 6 đồng nữa, mỗi ngày ăn hai bữa hét 6 hào cũng được non chục ngày, thế thì lo gì hả chị.
Đúng ngày giấy mời triệu tập, tôi và anh Nhân ra ga Hàng Cỏ đáp chuyến tàu 5 giờ sáng đi Hải Phòng đến hơn 8 giờ thì đến nơi. Từ ga Hải Phòng về Sở Giáo dục ở phố Minh Khai đi bộ chỉ mất 10 phút nên chúng tôi nhanh chóng vào phòng tổ chức cán bộ. Ở đấy đã có chừng ba bốn chục người cả nam và nữ đang ngồi trên mấy dãy ghế dài chờ đợi.
- Đồng chí có chứng minh nhân dân không?
Nghe ông hỏi tôi bỗng giật mình nhưng cố trấn tĩnh và dấu ngay cái vẻ hơi luống cuống của mình vì chứng minh nhân dân thì tôi có nhưng nó được cấp ở Khu Tự trị Thái Mèo, giờ trình ra thật không ổn và hệ luỵ không biết sẽ đi đến đâu.
Vì thế tôi đáp:
- Thưa đồng chí, tôi chưa lấy chứng minh nhân dân.
Ông trưởng phòng nheo nheo cặp mắt sau làn kính lão:
- Ồ thế thì lấy gì để chứng thực giấy mời này và hồ sơ xin việc là của đồng chí?
Thấy tôi tần ngần không trả lời, ông hỏi tiếp:
- Thế đồng chí có cái giấy tờ nào có tên và có ảnh không?
- Dạ, thưa đồng chí có ạ!
Tôi mạnh dạn trả lời ngay vì tôi nhớ ra cái thẻ thư viện Quốc gia của tôi có đầy đủ tên ngày tháng năm sinh, địa chỉ chỗ ở. Và tôi móc vội nó từ trong cái ví da rẻ tiền từ túi quần sau ra đưa trình ông trưởng phòng. Ông ta xem rồi nói:
- Thẻ có ảnh lại đóng dấu chín thế này cũng coi là được. Thế đồng chí có khả năng dạy các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hôi?
- Dạ, các đồng chí cho dạy môn gì cũng được nhưng tôi thích nhất được dạy môn Văn
- Ồ thế thì tốt, chúng tôi đang thiếu giáo viên khoa học xã hội
Sau đó ông ghi tên tôi vào tờ danh sách rồi hỏi tôi:
- Đồng chí đã có chỗ ở chưa?
- Dạ thưa chưa ạ - Tôi trả lời.
- Thế thì cầm tờ giấy này đến nhà bà giáo Thuận ở phố Tô Hiệu. Ở đấy Sở đã nói với bà giáo cho một số anh em mới xin việc đến ở nhờ. Sáng mai thì đồng chí phải có mặt ở trường Sư phạm trung cấp để theo học một lớp đào tạo cấp tốc trong 6 tuần.
Tôi đón nhận tờ giấy và cảm ơn ông trưởng phòng.
Vừa ra hành lang phòng tổ chức cán bộ, tôi gặp ngay anh Nguyễn Hưng Nhân. Anh cũng vừa được làm việc xong ở phòng bên do ông phó phòng tổ chức phụ trách vì anh thuộc diện xin dạy cấp Một. Anh nói anh được giới thiệu xuống phố Nguyễn Công Trứ ở nhờ nhà một gia đình cạnh trường Sư phạm sơ cấp và ngay ngày mai những người như anh cũng được theo học một lớp đào tạo cấp tốc ở trường đó.
Vậy là sau 6 tuần nữa, xong khoá học cấp tốc, tôi và anh Nhân sẽ chính thức thành giáo viên dân lập.
Như đã nói, từ nhỏ tôi đã thích làm nghề dạy học mà dân gian gọi là gõ đầu trẻ. Nhưng cuộc sống không bao giờ có một con đường dài mà hoàn toàn bằng phẳng. Vì vậy, tôi đã phải đi nhiều bước đường khác nhau cuối cùng mới tới nơi mình định tới.
Chưa biết sau khóa học cấp tốc, tôi sẽ về dạy ở trường nào. Cuộc đời dạy học của tôi sẽ ra sao? Nhưng kể từ hôm nay, tôi đã có tên trong dách sách giáo viên cấp 2 dân lập do sở Giáo dục Hải Phòng mới tuyển dụng, lương tháng 37 động cộng thêm 10% phụ cấp đăt đỏ bằng 4o đồng 7 hào. Lương đủ sống là được nhưng cái tôi cần hơn và thấy mình đã được là tôi đã bắt đầu đến với nghề GODAUTRE, cái nghề mà tôi thực lòng yêu thích từ tấm bé nhưng số phận đã bắt tôi phải chạy loanh quanh mãi cho đến khi chuột chạy cùng sào tôi mới được sa chân vào chứ không phải là bị sa chân vào!
Tháng 8/ 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét