MƯA NGÂU NGHE GIỌT MƯA THU
Ngoài trời đang mưa.
Mưa ngâu vào mùng ba ra mùng bẩy đã mấy hôm rả
rích không ngớt.
Buồn buồn, mở lại bản nhạc Giọt Mưa Thu, âm lượng
nho nhỏ đủ nghe để những giọt mưa thu giót được vào lòng mình. Bởi lẽ:
Giọt mưa thu là nhạc phẩm cuối cùng của cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong được ông viết vào những ngày cuối đời trên giường bệnh
năm 1942. Ban đầu bản nhạc mang tên Vạn cổ sầu, nhưng theo ý một
vài người bạn, ông đặt lại là Giọt mưa thu cho bớt sầu thảm hơn
Giọt mưa thu được xếp vào
những ca khúc hay nhất của tân nhạc Việt Nam. Phạm
Duy cho rằng Giọt mưa thu cùng hai nhạc phẩm khác của Đặng Thế Phong khởi đầu cho
dòng "nhạc thu" Việt Nam sẽ được Văn
Cao và Đoàn Chuẩn tiếp nối.
Thương tiếc một nhạc sĩ tài hoa mệnh yểu. Hãy xem nhạc sĩ Lê Hoàng Long Viết:
"Thế rồi, một hôm mưa rơi tầm tã, giọt mưa lộp bộp trên mái lá,
thánh thót từng giọt xuống đường, Đặng Thế Phong buồn quá, con tim như thắt lại,
máu trào lên để có được một nhạc hứng lai láng, tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy
viết một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề. Ông viết xong bèn đặt tên cho sáng
tác mới ấy là Vạn cổ sầu. Chập tối ông Thọ về có thêm dăm người bạn đến thăm, Đặng
Thế Phong ôm đàn hát cho mọi người nghe. Nét mặt của mọi người nín thở nghe, đều
buồn như muốn khóc. Nghe xong, ai nấy đều khen bài hát thật hay, xoáy vào tim
vào óc nhưng cái tên bài bi thảm quá, nên sửa lại thì hơn. Chính vì thế mà Đặng
Thế Phong, đổi tên là Giọt mưa thu. Có lẽ đây là cái điềm báo trước, là lời di
chúc tạ từ nên Đặng Thế Phong lấy mưa ngâu,
mùa mưa là dòng nước mắt tuôn chảy lênh láng của Chức Nữ với Ngưu Lang để ví cuộc tình
Phong - Tuyết cũng phải cùng chung số phận phũ phàng giống vậy chăng? Đến một
ngày cuối năm 1941,
biết mình khó qua khỏi lưỡi hái của tử thần, Đặng Thế Phong mới ngỏ ý trở về
Nam Định để được chết tại quê nhà và muốn ông Thọ dìu ông về."
Nghe Giọt Mưa Thu, cầu chúc cho linh hồn Đặng Thế Phong được mát mẻ nơi
Chín Suối!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét