Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018


NHỮNG BƯỚC ĐƯỜNG
ĐƯA TÔI ĐẾN VỚI NGHỀ GODAUTRE (3)


 Công lệnh cho chúng tôi được nghỉ về thăm nhà 10 ngày rồi lên đường đi Tây Bắc ngay. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở cửa hàng ăn uống quốc doanh Thủy Tạ bờ Hồ Hoàn Kiếm, gọi mỗi người một cốc cà phê mà thời bấy giờ gọi là cà phê bít tất, thứ cà phê pha bằng cách cho vài lạng một lúc vào một cái túi vải rồi buộc chặt lại đặt vào trong nồi nước đun xôi lên cho nó tự thôi ra thành nước cà phê.
Một anh trong bọn hỏi:
- Như vậy là bọn mình coi như nhận án lưu đầy lên miền núi. Các anh nghĩ xem có nên đi không? Nếu đi thì mai ta cùng ra bến ô tô, không đi thì ta trả lại công lệnh.
Anh Phạm Xuân Đăng cười khà khà đáp:
- Đi chứ, sợ gì mà không đi. Chúng ta còn trẻ, coi như đi cho biết đó biết đây, cứ lên đó làm việc xem sao rồi tính tiếp.

Mọi người thấy anh Đăng nói là phải nên sáng hôm sau cùng nhau ra bến xe đi Thuận Châu.
Đó là một chuyến xe bão táp vì xe cũ độ xóc rất lớn mà đường bấy giờ cũng lại xấu nên nhiều hành khách bị quật ngả quật nghiêng rồi nhồi lên nhồi xuống xanh xám mặt mày rồi nôn thốc nôn tháo vào những tờ giấy báo cũ. Đêm đầu tiên ngủ đỗ tại Hoà Bình, vào cửa hàng ăn quốc doanh có cơm có thịt vịt bầu bến nhưng ai cũng mệt không nuốt trôi miệng được. Đêm thứ hai ngủ ở Mộc Châu, mới cuối tháng Chín đã lạnh phải dở chăn bông ra đắp. Sáng dậy trước khi đi tiếp, món phở vịt  có nước nên bảo nhau cố húp cho có sức. Cuối chiều ngày thứ ba thì đến Thuận Châu, đỗ bến dưới chân núi để trả khách. Đoàn cán bộ Ngân hàng mới 10 người chúng tôi phải leo bộ chừng 1 cây số đường dốc nữa mới đến cơ quan trong ATK của thủ phủ, trình báo giấy tờ rồi nhận chỗ ở là một cái lán rộng thênh thang mái lá vách tranh, giường là một tấm phản tre nứa dài rộng, tự chia nhau ra từng ô rồi mắc màn lên mà ngủ. Một thanh niên trẻ người tầm thước bận một bộ đồ màu chàm, giọng lơ lớ tự giới thiệu:
- Tôi là On, người dân tộc Thái, đội trưởng đội bảo vệ cơ quan thông báo cho các đồng chí biết, nội quy cơ quan là 9h tối kẻng đi ngủ đồng thời máy phát điện cũng ngừng chạy, 5h sáng kẻng báo thức. Các đồng chí có 5 phút gấp chăn màn để gọn đầu giường rồi ra bãi tập thể dục theo loa công cộng. Tập thể dục xong thì các đồng chí tự đi làm vệ sinh cá nhân rồi xuống núi ăn sáng xong về làm việc vào lúc 7 giờ. Bây giờ các đồng chí xuống núi ăn uống vì cơ quan đã hết giờ ăn từ chiều.

Xuống núi vào cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh thấy có cơm nhưng thức ăn chỉ còn món thịt trâu xào chúng tôi bảo nhau mỗi người ăn một bát phở trâu rồi về lán đợi giờ đi ngủ
Chúng tôi phải ngủ chung trong một cái lán rộng thênh thang mái lá vách tranh, giường là hai tấm phản tre nứa dài rộng kê song hàng cách nhau một lối đi rộng hơm một mét chạy dài từ đầu đến cuối lán, tự chia nhau ra từng ô rồi mắc màn lên mà ngủ. Nửa đêm gió núi lùa vào đắp chăn bông mà vẫn thấy lạnh.

Sáng hôm sau cả bọn còn đang vùi trong chăn ngủ thì nghe tiếng kẻng khua vang rồi có tiếng On  từ ngoài lán vọng vào “Dậy đi! Đến giờ thể dục sáng rồi”. Tất cả đều bật dậy, cứ để chăn màn đấy khoác áo ấm bước ra ngoài lán, xếp hàng theo chỉ dẫn của On và dơ chân dơ tay theo tiếng loa hô động tác 1, động tác 2…trong ánh sáng vàng khè của chiếc bóng đèn điện quả lê bên cạnh cái loa cùng treo trên một cây nứa dài đang lắc lư trước gió.

Sau ngày làm việc đầu tiên, chúng tôi mới biết ngân hàng khu tự trị mới thành lập. Giám đốc là một cán bộ người miền Trung tập kết ra Bắc, kế toán trưởng là một ông già ngoài 50 nguyên là kế toán của một ngân hàng thời Hà Nội ta chưa tiếp quản. Dưới quyền hai ông ngân hàng mới có vài nhân viên nay có thêm 10 người chúng tôi lên tăng cường và ổn định nhân lực. Ở các địa phương dưới thủ phủ có các chi điếm ngân hàng, mỗi chi điếm chỉ có vài ba người làm việc.

Chúng tôi được phân công mỗi người một nhiệm vụ nhưng cùng làm việc trong một phòng. Hết giờ cùng về ăn cơm dưới nhà ăn cạnh bếp. Cơm chia theo suất, mỗi người một đĩa cơm gạo nếp Thái hạt cơm có hạt màu tím có hạt màu vàng, ăn dẻo và hơi dính miệng, một đĩa nhỏ chừng hai ba thìa thịt lợn rang kho hoặc xào nấu, loại lợn nuôi thả rông ngoài bìa rừng nên cứng và dai, một bát canh rau nhỏ. Là cơm nếp nên phải ăn trước với thịt lợn xong rồi mới ăn rau và húp nước canh cho trôi miệng. Theo lệ chỉ ngày chủ nhật mới được ăn gạo từ miền xuôi lên vì vậy ai cũng mong đến chủ nhật vừa được nghỉ vừa được ăn thứ gạo đã ăn quen thuộc từ ngày còn tấm bé.

Chủ nhật đầu tháng, theo lệ cơ quan, anh em phải vào rừng chặt củi đem về cho nhà bếp phơi để có củi đun. Ba chủ nhật kia tự do nên chúng tôi thường rủ nhau vào các bản xa của người Mèo vừa thăm cánh sống của họ vừa mua ít trứng gà đem vè co quan bồi dưỡng. Cũng có hôm khong đi xa ở nhà sang bên văn hóa xem các cô văn công người thái tập múa hát hoặc chờ buổi chiều rủ nhau ra suối tăm, tìm cách mon men lên phía đầu nguồn nhìn trộm các cô gái thái tăm. Gọi là nhìn trộm vì nếu để lộ mình ra, họ sẽ bảo nhau ẩn hết thân mình xuống  nước chỉ hở ra cái mặt từ miệng trở lên mà trên đầu họ cũng chùm khăn kín tóc.


Lâu lâu, vài ba người được cử đi các tỉnh trong khu tự trị, theo xe chở it hòm tiền, mỗi người được phát một khẩu súng trường đeo ngang vai. Chuyến đi có mệt nhọc nhưng cũng nhiều thú vị.




Nhìn chung cuộc sống ở ngân hàng miền núi không có gì vất vả khổ ải cho lắm ngoài cái nỗi nhớ gia đình và bè bạn ở miền xuôi nếu không có sự đối xử kỳ thị của ông giám đốc. Chẳng hiểu sao, một lần ông gọi tôi lên phòng làm việc riêng của ông ta rồi hỏi:
- Nghe nói hồi học phổ thông, đồng chí hay viết báo tường hả? (Dạo ấy lãnh đạo cơ quan gọi ai cũng là đồng chí hết còn nhân viên dưới quyền thì gọi người đứng đầu là thủ trưởng)
- Dạ, báo cáo thủ trưởng, tôi cũng có viết theo phong trào chung của lớp.
- Đâu phải thế, đồng chí cầm đầu cả một nhóm ra hẳn một tờ báo lớn chống phá nhà trường khá dữ đội. Giờ tôi giao cho đồng chí phụ trách bích báo của cơ quan, đồng chí có nhận không?
Nghe ông giám đốc nói thế, tôi bỗng thấy nổi nóng trong người, bèn trả lời:
- Nếu thủ trưởng đã nghĩ về tôi như thế thì tôi đâu  dám nhận vì e rằng sẽ bị cho là lại chống đối cơ quan.
- Như thế là đồng chí đã chống lệnh thủ trưởng rồi đó. Tôi nói cho đồng chí biết, tôi đã chiến đấu gian khổ ở khu Năm nhiều năm, giờ ra đây không để cho một người suốt 9 năm kháng chiến được sống ở Hà Nội chống lệnh đâu nhé.
- Sao thủ trưởng lại nói tôi chống lệnh? Tôi chỉ nói là tôi không dám nhận nhiệm vụ vì thủ trưởng đã có thành kiến với tôi trong công việc đó.
-Tôi không thành kiến với đồng chí mà gán cho đồng chí như thế. Đó là tội lỗi mà đồng chí đã phạm, nói để cho đồng chí biết mà liệu làm việc cho tử tế dưới quyền của tôi thôi. Giờ đông chí về làm việc đi.

Mấy chút cảm tình về cuộc sống ở miền núi trong tôi tự nhiên tan biến hết.

Sau đó ít ngày tôi có lệnh giám đốc cho thôi làm việc ở văn phòng mà điều sang bộ phận tín dụng, thêm anh Nguyễn Văn Trịnh cùng điều sang dưới quyền của một anh người dân tộc. Một công việc gian nan và cực nhọc: Vài anh chị em cùng nhau lội bộ khiêng, gánh những hòm tiền đến những vùng cao xa xôi nhất, hiểm trở nhất và cũng là nghèo nhất cho dân bản làng vay để tăng gia sản xuất, đi đâu cũng thấy núi và sỏi đá cùng gió hoang vu, có khi nửa ngày không nhìn thấy một nếp nhà nhỏ. Có hôm sương đêm chưa tan đã phải lên đường, có ngày mưa phủ kín núi rừng qua ngày qua đêm, phải bảo nhau cố tìm được một hang núi để trú ẩn vừa bảo vệ không cho hòm tiền bị ướt vừa tránh cho không bị sét đánh và vắt cắn. Công tác tín dụng miền núi thời ấy như thế nhưng có ông nhạc sĩ chỉ ngồi ở Hà Nội, uống chè móc câu thượng hạng, nghe một nữ nhân viên làm tín dụng, người dân tộc Tày do một ông lãnh đạo cao cấp của ngân hàng đã chọn làm chim mồi kể về chuyện em đi làm tín dụng vui sướng như con chim đang hót giữa núi rừng mùa xuân khiến ông nhạc sĩ đã viết nên một bài hát với những lời thật hay đẹp và lãng mạn. Bài ca đã được nhiều danh ca hát và được phát véo von trên loa đài công cộng nhiều năm liên tiếp.

Ơ ớ ơ này chim hãy hót lên đi cho tiếng lòng ta vui hát với
Bản làng luôn vẫn nói đến công ơn Đảng, ơn Chính phủ
Đã giúp ta xây dựng cuộc đời...

Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng, làm tín dụng
Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ
Nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm nương...

Nỗi chán nản trong tôi ngày một đầy lên, phần vì gian khổ phần vì cảm thấy mình bị coi là một thành phần chống đối nên đã bị lưu đầy lên miền núi giờ lại bị đầy đọa cho thêm khốc hại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...