Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018


NHỮNG BƯỚC ĐƯỜNG

ĐƯA TÔI ĐẾN VỚI NGHỀ GODAUTRE (4)


 Một hôm, tôi bàn với anh Nguyễn Văn Trịnh “Hay ta bỏ về Hà Nội?” thì anh Trịnh bảo, hoàn cảnh nhà tôi ở Hà Nội giờ đang rất khó khăn. Bố mẹ tôi thì đã già, ngoài việc buôn bán ra không biết làm gì mà việc buôn bán thì nay bị cấm. Anh trai tôi, anh Nguyễn Văn Nho, vừa đỗ tú tài xong thì tiếp quản Hà Nội, gia đình bị quy thành phần tư sản, không thể xin việc làm ở các cơ quan nay tạm làm nghề đạp xích lô để kiếm sống. Chả nhẽ tôi về rồi cũng lại đi đạp xích lô như anh Nho?
Anh Trịnh là người bạn thân nhất của tôi khi cùng học trường nghiệp vụ ngân hàng. Tôi thân với anh vì hoàn cảnh anh cũng nhiều trắc trở trên đường học tập, phần khác vì anh rất nghệ sĩ đặc biệt là giọng ngâm thơ rất trầm và ấm hết sức quyến rũ lòng người. Hồi đang học lớp 9 trường Chu Văn An, anh đã được đoàn kịch nói Trung ương cho diễn một vai phụ trong vở Bão Biển của Vương Lan do Thế Lữ đạo diễn. Anh cũng nhiều lần được đài phát thanh Hà Nội mời ngâm thơ. Nhưng anh biết thành phần giá đình nhà anh đã chặn hết lối vào Đại học vì vậy đang học dở lớp 10, thấy trường nghiệp vụ ngân hàng cần tuyển sinh khoá đầu tiên, anh đã nộp đơn xin nhập học. Nay anh chân tình nói thế, không nhẽ tôi cứ nài nỉ anh cùng bỏ việc như mình.
Không có bạn hưởng ứng,  nhưng tôi thấy tôi phải bỏ việc để về Hà Nội cho đỡ tủi nhục. Tôi viết thư về nhà nói với anh tôi rằng tôi rất nhớ nhà đồng thời cũng muốn về Hà Nội mua mấy thứ vật dụng vì ở tren này không có và bao anh đánh lên cho tôi một bức điện nội dung là “Mẹ ốm nặng, về ngay” để tôi xin phép cơ quan cho về.

Hơn 10 ngày sau bức điện lên tay tôi. Tôi lên gặp giám đốc với tờ đơn xin nghỉ phép về thăm mẹ ốm. Ông ta nhìn tôi xăm xoi rồi vừa ký giấy phép cho tôi vừa răn đe:
- Tôi cho anh nghỉ phép năm, vừa đi vừa về là 12 ngày. Đúng hạn anh phải lên nếu không sẽ bị kỷ luật.
Lại đe dọa kỷ luât. Ôi kỷ luật kỷ luật là gì mà nó luôn luôn bủa vây tôi đến thế?

Hôm sau tôi ba lô áo mũ chào một số anh em ra bến ô tô. Anh Trịnh như biết tôi sẽ ở lại Hà Nội, nắm mãi tay tôi và nói:
- Cố gắng vượt qua mọi sóng gió nhé.
Về Hà Nội, tôi dùng 10 ngày phép thăm chơi các bạn bè cũ. Khi hết phép, tôi lại tìm vào thư viện Quốc gia đọc sách để chờ đợi bão táp từ Ngân hàng khu Tự trị Thái Mèo thổi về.



Cũng chẳng phải chờ đợi lâu, khoảng hai tuần sau khi giấy phép hết hạn, một công văn ký tên giám đốc ngân hàng Thuận Châu chuyển về gia đình tôi ở quê. Tôi phải lấy địa chỉ ấy vì khi đi Tây Bắc, chúng tôi đều đã bị cắt hộ khẩu vở Hà Nội lại thêm giấy cho tôi nghỉ phép cũng ghi nơi tôi đến là quê tôi.

Giờ thì anh tôi và cả nhà biết tôi bỏ việc, ai nấy đều lo lắng nên tôi phải nói lời chấn an với anh tôi:
- Việc em làm em đều có tính toán. Anh  và gia đình không phải lo cho tổn hại sức khỏe,
Sau đó tôi viết một cái đơn xin thôi việc gửi ban giám đốc ngân hàng Thuân Châu nêu một lý do duy nhất là tôi bị mất ngủ, sức khỏe giảm sút không đảm nhiệm được công việc, xin ở nhà chữa bệnh.

Ba tuần sau lại một công văn về quê cho tôi nhưng không phải công văn của ngân hàng Thuận Châu mà là của ngân hàng Nhà nước  Việt Nam 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Công văn yêu cầu tôi phải có mặt đúng ngay..., giờ... để giải quyết việc tôi bỏ việc.

Tôi đến Ngân hàng Nhà nước, đưa công văn và được đưa vào gặp ông Tạ Hoàng Cơ, phó tổng giám đốc. Ông Tạ Hoàng Cơ nhìn tôi rồi nghiêm sắc mặt nói việc tôi xin về phép rồi không lên Thuận châu làm việc nữa là một hành động đào nhiệm, yêu cầu tôi ký vào biên bản và ngay hôm sau phải trở lại nhiệm sở. Tôi trình bày về Hà Nội tôi thấy sức khỏe giảm sút nên đã viết đơn xin thôi việc thì ông Cơ giải thích muốn xin thôi việc thì phải về nhiệm sở chờ cấp trên quyết định bằng không là vi phạm qui chế tổ chức. Tôi nói tôi không thể lên được vì đang yếu mệt thì ông Cơ bảo, anh không trở lại nhiệm sở thì chúng tôi sẽ truy tố. Tôi đáp cái đó tùy các ông. Biết tôi không lay chuyển, ông phó tổng giám đốc bảo vậy anh cứ về đi rồi đợi tòa án gọi.

Quả nhiên ba hôm sau có giấy tòa án Nhân dân tối cao gọi. Cũng không hiểu hồi đó toà án phân caapsra sao mà việc của tôi lại do toà án Nhân dân tối cao gọi. Người  tiếp tôi là luật sư chánh án Phạm Văn Bạch. Tôi đã nghe tên ông và biết ông là người miền Nam tập kết ra Bắc theo tinh thần hiệp nghị Giơ ne vơ. Ông Phạm Văn Bạch đúng là một trí thức hiền hậu. Ông nhìn tôi rồi mỉm cười:
- Còn trẻ thế mà đã bị đề nghị truy tố về tội đào nhiệm thì tương lai sẽ ra sao hả cậu?

Rồi ông bảo tôi bình tĩnh trình bầy hết sự thật về nguồn cơn khiến tôi không trở về Ngân hàng Thuận Châu làm việc. Tôi thấy ông là người không có ý gì đe dọa tôi nên gọi ông là bác xưng cháu và nói hết nguồn cơn từ khi theo học lớp Ngân hàng đến khi lên Thuận Châu công tác và kết luận, cháu cảm thấy cháu bị đày đọa chứ khong phải là được công tác do đó cháu mất niềm tin và đã tự ý bỏ việc. Ông Phạm Văn Bạch chăm chú nghe rồi bảo tôi:
- Dù thế nào thì cậu cũng đã bỏ việc vô tổ chức. Giờ tốt nhất là trở lại Thuận Châu đề đạt mọi nguyện vọng của mình để lãnh đạo họ xem xét. Tôi nhắc lại với ông Bạch về thái độ của giám đốc Ngân hàng Thuận Châu đã đối xử với tôi rồi trả lời ông:
- Một người đã có thành kiến rất xấu về cháu như thế không bao giờ họ giải quyết công bằng cho cháu được. Vì vậy cháu không lên Thuận Châu nữa.

Nghe thế, ông Phạm Văn Bạch gọi người giúp việc bảo anh ta đem cuốn sách về luật cán bộ công chức ra đẻ lên bàn rồi bảo tôi:
- Vậy giờ cậu ngồi đọc từ điều số...đến điều số...ở trang ...trong cuốn luật này đi rồi chờ tôi vào giải quyết.

Nói xong ông ta ra khỏi phòng. Tôi mở cuốn luật đọc như lời ong căn dặn. Chừng 15 phút sau ông trở lại hỏi;
- Đã đọc xong chưa?
- Dạ, xong rồi ạ
-Vậy nhắc lại nội dung tôi nghe xem sao?
- Dạ, người đào nhiệm sẽ bị hình phạt từ 3 tháng đến 3 năm tù.
- Đúng thế! Vậy cậu trả lời dứt khoát cho tôi biết, cậu có trở lại cơ quan hay không?

Không hiểu sao lúc ấy tôi thấy nghẹn đắng trong cổ nhưng tôi cương quyết trả lời:
- Dạ, thưa bác cháu không ạ!

Ông Phạm Văn Bạch nhìn tôi rồi lắc đầu:
- Ta thấy cậu cũng bằng tuổi con trai ta nên ta khuyên thành thật cậu không nên chống đối mà nên trở lại công tác. Cuộc đời của cậu còn dài lắm. Thế nào, có nghe lời khuyên của ta không?

Tôi đáp lại:
-Cháu cám ơn bác đã khuyên nhủ nhưng cháu không trở lại công tác đâu ạ!
Ông Phạm Văn Bạch gấp cuốn luật cán bộ công chức lại rồi buông lời cuối cùng cho tôi:
- Vậy thì về đi, về mà đợi công an đến bắt giải về cơ quan.

Chả hiểu sao, tôi rắn đanh đáp lại ông:
- Cháu sẵn sàng chờ đợi.

Ngày hôm sau, hôm sau rồi hôm sau nữa, tôi nằm dài trên chiếc giường gỗ xoan trong căn buồng nhỏ nền đất của  gia đình chờ đợi cái gì sẽ đến nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Cho đến ngày thứ bẩy thì có giấy của tòa án gọi tôi ra.
Vẫn ông Phạm Văn Bạch tiếp tôi. Ông rút trong ngăn kéo bàn làm việc ra một phong thư to, bốn góc và ở giữa mặt dán phong thư đều có gắn xi đóng dấu chìm. Ông đưa phong thư cho tôi rồi bảo:
- Đem cái này đến Ngân hàng Nhà nước đưa cho ông phó tổng giám đốc.

Tôi đón phong thư, lễ phép đáp Vâng ạ rồi kính cẩn chào ông và đem thư đi ngay đến trụ sở Ngân hàng Nhà nước.
Ông phó tổng giám đốc Hoàng Ngọc Cơ mở thư ra xem rồi hất hàm hỏi tôi:
- Tôi hỏi lần cuối, anh có trở lại cơ quan không?
- Thưa ông, không!
- Vậy anh đọc giấy quyết định của tòa án đi

Ông ta đưa cho tôi tờ giấy của tòa án. Tôi đọc, đại để là có những điểm chính như sau:
Chiểu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tòa án tối cao đã gặp đương sự là...Sau khi nghe đương sự trình bày và xem xét mọi mặt, nay đề nghị ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước:
- Cho ... thôi việc

- Buộc y phải bồi thường toàn bộ số tiền đã đào tạo tại trường trường nghiệp vụ Ngân hàng Cổ Mễ Bắc Ninh. Thời hạn hoàn trả hết là 6 tháng.
- Thông báo về quê quán cho chính quyền sở tại biết để quản lý và giáo dục đương sự, không cho đi khỏi địa phương trong thời hạn là ba năm.

Xem xong tôi đưa trả lại tờ giấy cho ông Hoàng Ngọc Cơ.  Ông Cơ nói:
- Về phía Ngân hàng chúng tôi sẽ tư giấy về địa phương và yêu cầu địa phương nhắc nhớ anh hoàn lại số tiền chi phí cho việc đào tạo trong vòng 6 tháng. Nếu anh không trả chúng tôi sẽ lại đưa sang tòa án.

Nói rồi ông ta lấy một tờ giấy đánh máy sẵn điền vào các dòng trống đưa cho tôi. Đó là tờ giấy quyết định cho tôi thôi việc và tôi phải trả số tiền là bao nhiêu về hai khoản chính là 6 tháng học bổng mỗi tháng 24 đồng và các chi phí về tài liệu học tập, tất cả khoảng gần 180 đồng. Số tiền này với tôi lúc bấy giờ không phải là nhỏ vì lương cán bộ ngân hàng của tôi mỗi tháng chỉ có 28 đồng cộng 15% phụ cấp đắt đỏ ở miền núi là hơn 32 đồng mà hầu hết bọn tôi gần như tháng nào cũng tiêu gần hết. Giờ đào đâu ra số tiền trên mà trả nợ.

Biết thế nhưng tôi cứ đáp một tiếng vâng rồi chào ông phó tổng giám đốc ra về.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...