Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

  NHỮNG BƯỚC ĐƯỜNG
ĐƯA TÔI ĐẾN VỚI NGHỀ GODAUTRE (5)


Tôi nói cho mọi người trong gia đình biết hết chuyện tôi đã gặp Toà án nhân dân tối cao và Ngân hàng Nhà nước ra sao và bảo tình hình này tôi không thể ở quê được rồi tôi ra ngay Hà Nội xin dì tôi cho tôi ở nhờ một thời gian, chỉ nói là tôi thôi làm ở ngân hàng miền núi về để sẽ kiếm việc khác cho được gần nhà. Tôi đưa ít tiền cho cô em họ con gái cả của dì và bảo em đưa mẹ em hộ anh để phụ giúp việc ăn uống. Rồi hàng ngày, tôi lại lên thư viện đọc sách, nhịn suông bữa điểm tâm, khát thì ra uống nước máy ngoài vườn của thư viện. Cũng có lúc tôi nghĩ ra lại ngoài sông Hồng xin bốc xếp tre nứa như đã làm trước đây nhưng rồi thấy ngần ngại nên thôi. 



Bấy giờ là đầu tháng Hai năm 1960.

Một hôm ở thư viện về, trong lúc chờ bữa cơm chiều, tôi nhớ ra cái tủ sách của cậu tôi. Trước khi vào Nam, cậu tôi bảo với tôi:
- Vì mợ là con cháu một dòng họ địa chủ lớn lại cũng có cả trăm mẫu ruộng đất ở Hải Dương, mặc dù từ lâu cậu mợ không trực tiếp trông coi mà đã giao cho ông Hai Duyên quản lý nhưng sau mấy tháng  ở lại, cậu thấy không đi sẽ bị nguy hại trong CCRĐ sắp tới. Vì thế cậu mợ phải đưa các em vào Nam. Cháu ở lại cố mà học cho nên người. Cháu học được nên cậu tin rằng cháu sẽ có tương lai. Cậu đi không có tiền của cho cháu mà chỉ để lại cho cháu cái xe đạp, cái tủ sách và cái máy ảnh Kodak này. Cậu biết cháu rất ham đọc sách báo, vậy giữ lại mà dùng. Cái xe đạp cậu cho tôi là xe nữ  cậu mới mua đầu năm 1954 còn rất mới. Nhãn hiệu xe là Aniella với hình một cô đầm mái tóc theo gió hất ngược về phía sau để lộ khuôn mặt xinh đẹp và vầng trán thông minh đầy gợi cảm. Chắc nhà sản xuất ngụ ý, khách nữ  đi xe Aniella, cô nào cũng sẽ xinh đẹp và thông minh gợi cảm như thế. 

Sau này cái xe đạp Aniella của cậu tôi cho đã theo tôi suốt hai chục năm trời, phụ tùng hỏng hết chỉ còn cái khung được lắp ghép đủ các thứ phụ tùng thay thế, được mua mới theo phân phối cũng có mà mua ở chợ giời vỉa hè sông Lấp cũng có. Cái máy ảnh Kodak thì thời đó đào đâu ra phim, mua chui của những người đi học nước ngoài về thì tiền đâu cho sự ăn chơi nên cứ để một chỗ lâu dần cũng đã bị hỏng. Còn cái tủ sách báo thì tôi vốn là người hay đóng các số tuần báo lại thành tập theo từng tháng cho cậu, nhìn chung tôi cũng đã được đọc hết rồi nay giữ lại làm kỷ niệm và khi nào thích thì đọc lại.

Nhưng khi mở cái tủ sách ấy ra, tôi bỗng giật mình vì sách báo trong tủ đã vơi đi gần hết. Không biết dì tôi hay các em họ  đã cho ai mượn hoặc đã dùng để làm gì? Tôi nghĩ thế nhưng không dám hỏi mà chỉ cầm lên một cuốn truyện bất kỳ nhìn xem thì đó là cuốn Gánh hàng hoa của Nhất Linh và Khái Hưng do Nhà xuất bản Phượng Giang ấn hành. Tự nhiên tôi nghĩ trong túi tôi giờ không còn lấy một xu mà tóc tôi đã dài cợp gáy cần phải đi căt ngay để vào thư viện mọi người khỏi nhìn tôi như nhìn một người rừng Tazan trong các phim ảnh đã chiếu rộng rãi trong các rạp phim thời thuộc Pháp.

Vì thế ăn cơm xong tôi lẳng lặng đem cuốn sách lên ngã tư Lý Thường Kiệt và Hàng Bài  vào một hiêu mua bán sách cũ. 
- Ông có mua cuốn này không? Tôi hỏi ông chủ quán
Ông ta đón cuốn sách tôi đưa rồi giương đôi mắt sau làn kính cận dầy như cái trôn bát ra nhìn:
- Sách này giờ đang bị cấm mấy ai còn dám đọc
- Vậy ông có mua không?
- Tôi là dân mua bán sách cũ thì sách gì tôi cũng mua nhưng sách của cậu đang bị cấm nên sẽ rất khó bán lại, vì vậy nếu cậu bán rẻ thì tôi mua để đấy thôi.
- Ông trả bao nhiêu?
- Tám hào.
- Rẻ thế cơ à? Ông nên biết, sách của Tự lực văn đoàn càng cấm người ta càng muốn tìm đọc. Ở thư viện Quốc gia phải có thẻ nghiên cứu mới được mượn đọc tại chỗ đấy.
- Vậy cậu bán cho thư viện Quốc gia được đấy.
- Là tôi nói thế nghĩa là cấm nhưng không bắt tiêu huỷ hay đốt hết đi. Người nghiên cứu cần đọc và người dân thường cũng muốn đọc.
- Vậy cậu đòi bao nhiêu?
- Một đồng hai.
- Cao quá! Tôi trả cậu lần cuối cùng là một đồng. Nếu bán thì tôi mua bằng không thì cậu cầm lấy sách dem đi chỗ khác mà bán

Thấy cò kè thêm chắc cũng thể hơn cái giá ấy, tôi đành bán Gánh hàng hoa cho ông ta lấy một đồng bạc và nhẩm tính nếu nhịn tiêu pha sẽ cắt tóc được 5 lần.

Nhưng sáng sớm hôm sau tôi chưa vội đi căt tóc mà ghé qua nhà anh Nguyễn Hưng Nhân ở phố Mai Hắc Đế, gõ cửa gọi anh ra vỉa hè.
- Đi ăn phở - Tôi nói.
- Tiền đâu mà ăn phở? Anh Nhân hỏi lại.
- Tiền đây. Tôi móc túi giơ lên tờ giấy một đồng
- Hôm qua anh vừa bảo với tôi tiền cắt tóc cũng không có cơ mà
- Tôi vừa bán cuốn truyện Gánh hàng hoa được một đồng. Hai bát phở mất 5 hào, đi thôi.
Chúng tôi vào hiệu phở Tuân ngay đầu ngã ba phố Trần Nhân Tông và Mai HắcĐế gọi hai bát phở tái nạm rồi ngồi chờ ở bàn. Anh Nhân vớ tờ báo Thời Mới, đọc lướt qua các tít ở trang 1, 2, 3 rồi lật sang trang 4 và chợt khẽ kêu lên:
- Anh xem này, Sở Giáo dục Hải Phòng đang tuyển giáo viên dân lập
Tôi đón tờ báo và chăm chú đọc những dòng chữ nơi anh Nhân chỉ. Anh hỏi tôi:
- Chúng mình thử nộp đơn xem sao. Anh thì đủ tiêu chuẩn dạy cấp hai đấy vì anh đã học gần hết lớp Chín. Còn tôi, học xong lớp 7 thi vào trung cấp kỹ thuật nên chỉ đủ tiêu chuẩn dạy cấp 1 thôi
- Anh không ở nhà chữa điện dân dụng cho bà con nữa à? Tôi hỏi
- Mình không phải là thợ chuyên nghiệp nên công việc cò con lắm lại lúc có lúc không nên tôi muốn tìm một cái nghề để ổn định cuộc sống.
Vừa hay người phục vụ đem đến hai bát phở. Tôi bảo:
-Ăn đi đã rồi tính sau.
Ra khỏi hàng phở, anh Nhân bảo:
- Giờ về chuẩn bị hồ sơ rồi viết đơn, xong đem ra bưu điện chính gửi ngay thôi.

Tôi về nhà dì tôi, lòng nặng trĩu nhưng lo lắng. Hồ sơ xin việc không đòi hỏi gì ngoài ba thứ: 1 tờ đơn xin việc, 1 bản khai lý lịch và 1 giấy chứng nhận học lực.
Đơn thì không tính nhưng bản khai lý lịch và chứng chỉ học lực thì lấy đâu ra?
Nghĩ đến bản khai lý lịch, tôi vội đến nhà máy ô tô 1/5 Hà Nội nơi anh trai tôi làm ở đấy, nhờ người bảo vệ gọi anh ra rồi nói với anh:
- Em cần một tờ lý lịch để xin việc làm. Anh về bảo chị dâu xin chứng thực cho em có được không?
Anh tôi lắng nghe xong liền lắc đầu ngay:
- Giờ đã có giấy từ Ngân hàng Nhà nước tư về xã để quản lý và giáo dục chú thì ai người ta chứng thực cho mà xin?
Cả hai anh em cùng im lặng. Lát sau anh tôi hỏi:
- Lần trước nhà tôi xin cho chú 2 tờ khai lý lịch, chú dùng hết rồi à?
- Chưa –Tôi đáp, còn một bản nhưng em sợ đã cũ rồi
- Cũ gì mà cũ, mới chưa qua một năm. Bí quá chú cứ thử dùng xem sao? Cũng chỉ còn nước ấy thôi.


Nghe anh, tôi về lục tìm bản lý lịch còn lại khi xin học lớp đào tạo cán bộ ngân hàng, xem ngày đóng dấu thấy còn một tháng nữa mới đầy năm. Tôi mừng quá nhưng lại lo lắng ngay khi nghĩ tới cái giấy chứng chỉ học lực. Xem ra cái giấy này không chỉ khó khăn mà còn rắc rối hơn nhiều. Vì khi tôi tự bỏ học mà còn một tháng nữa mới nghỉ hè như vậy tôi đâu đã học xong lớp Chín! Lại thêm suốt từ bấy đến nay tôi không đến xin lại học bạ, không biết bây giờ trường cũ ra sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...