NHỮNG BƯỚC ĐƯỜNG
ĐƯA TÔI ĐẾN VỚI NGHỀ GODAUTRE (1)
GODAUTRE chính là ba tiếng Gõ Đầu Trẻ được viết liền lại và bỏ dấu đi theo kiểu tiếng Tây để nhìn cho sướng mắt, đọc nghe cho sướng tai của dân có ít nhiều Tây học.
Trong ngôn ngữ tiếng việt, "Gõ đầu trẻ" là khai
tâm, khai trí cho trẻ, dạy điều nhân nghĩa, dạy chúng sinh làm người, một nghề
mà muôn đời xã hội Á Đông vẫn tôn trọng. Nhưng trong khẩu ngữ dân gian, ba tiếng
Gõ đầu trẻ còn hàm ý đùa hoặc không coi trọng nghề dạy học. Ấy vậy mà từ khi
chưa được đi học tôi vẫn ao ước lớn lên sẽ làm nghề Gõ đầu trẻ
Là vì, tôi thấy dân làng tôi rất coi trọng chữ nghĩa và ông
thầy. Bà nội tôi khi đi nhặt phân lợn, phân chó hay phân trâu bò ngoài đường,
thấy tờ giấy có chữ cạnh bãi phân vội nhặt lên rồi đem đốt đi để không bị bệnh tạt
vì đã coi thường chữ thánh hiền.
Thêm một lý do nữa là làng tôi có cụ đồ Ban, tuy đã hết thời
dạy chữ nho từ lâu nhưng vẫn được dân làng rất kính trọng. Tôi không biết cụ đồ
Ban đã dạy học như thế nào, môn sinh của cụ có những ai đã đỗ đạt cao nhưng chỉ
ngôi chầu xem cụ đánh cờ tướng thì tôi đã phục cụ lắm. Cụ đồ Ban về già bị loà
cả hai mắt, đi đâu cũng phải có cây gậy dò đường. Ấy vậy mà cụ vẫn đánh cờ được
mới tài. Ai muốn mời cụ hoặc thách đố cụ chơi cờ, cụ vui vẻ nhận lời ngay. Bàn
cờ bày ra, người xem đứng ngồi chầu kín hai bên. Người sáng mắt một mình một
bên bàn cơ còn cụ đồ Ban thì nhờ một người ngồi bên cạnh để nhấc hộ quân cờ lên
đặt vào đúng vị trí mà cụ đã nghĩ kỹ trong đầu giờ mới phát ra miệng như: ghểnh
sĩ phải, lên tượng trái, xuất mã phải lên phía trái…Có vài người thử ăn gian
xem cụ có biết không thì cụ giơ tay ra xua xua nhẹ trước mắt mình, rồi cười nói
nhẹ nhàng: “Áy, ấy sao lại thế được. Vừa rồi pháo của anh đang ở chỗ này, chỗ
kia cơ mà sao giờ nó lại ở đấy?”. Xem cụ đánh cờ, tôi nghĩ chắc nhờ đọc sách
nhiều nên cụ mới có trí nhớ tuyệt vời như vậy..
Khi được đi học, tôi cũng nhìn các thầy giáo dạy mình bằng
con mắt kính trọng vì hầu hết thấy các thầy tôi dược học đều giảng bài rất hay.
Thầy dạy Văn Sử Địa thì đọc làu làu các đoạn trích trong các sách. Các thầy dạy
Toán Lý Hoá thì nhớ hết các công thức toán học, vật lý, hoá học…Thế rồi đọc
sách báo tôi thấy nhiều nhà văn nhà thơ có tên tuổi đều đã là nhà giáo, tiêu biểu
như các vị: Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn
Công Hoan, Đinh Hùng, Vũ Đình Liên, Nam Cao, Chế Lan Viên…Vì vậy, mơ ước lớn
lên sẽ làm thầy giáo trong tôi mỗi ngày một lớn thêm.
Nhưng không hiểu sao, sau tiếp quản thủ đô Hà Nội 1954 một số
năm tự dưng trong dân gian lại truyền nhau những câu nói “Nhất y nhì dược tạm
được bách khoa , sư phạm bỏ qua, nông lâm xếp xó”. Cái chuyện “Nhất y nhì dược”
khiến chẳng ai xin vào sư phạm cả, cứ nhăm nhăm chọn các trường Y trường Dược,
rồi Bách Khoa mà điền vào nguyện vọng. Rồi còn ác khẩu hơn khi xuất hiện câu
nói: Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm, chê bai ngành sư phạm quá mức và vô
hình trung chê bai những người vào sư phạm là học kém là không thể học ngành gì
khác.
Tuy thế, tôi vẫn nhất quyết học xong lớp 10 sẽ xin học trường
sư phạm.
Nào ngờ số tôi lại ứng đúng với câu Chuột chạy cùng sào mới
vào sư phạm, không phải ứng đúng vì tôi học kém cũng không phải vì tôi không biết
học một ngành nghề gì khác mà đúng là khi
tôi đã cảm thấy mình đang hết đường kiếm sống thì ngành giáo dục cần tuyến
giáo viên.
Sau chín năm đèn sách, gần đến hè 1958, tôi đã phải tự thôi
học để tránh một cuộc bị đấu tố giữa sân trường dưới lá cờ đỏ sao vàng trong buổi
lễ chào cờ vào sáng thứ Hai - (Xem chín năm đèn sách (9) – Những ngày đầu nghỉ
học, tôi trốn tránh xã hội bằng cách chui vào thư viện thành phố để tìm lãng
quên trong những trang sách. Nhưng sau hè, khi các trường vào năm học mới, tôi
bắt đầu lo lắng vì chuyện tôi thôi học u tôi ở nhà quê không hay biết mà dì tôi
ở ngoài phố cũng vậy. U tôi không biết thì cũng không sao miễn là u thấy tôi vẫn
ở với dì và hàng tháng u gánh ra một nồi gạo gửi dì cộng thêm máy đồng bạc nữa
là coi như không có chuyện gì xẩy ra cả. Nhưng còn dì tôi thì dấu sao mãi được khi bốn đứa con dì đều đang đi học, sao có thể che mắt che tai họ mãi được. Vì thế
ngày nào đến thư viện tôi cũng chăm chăm đọc trước tiên tờ báo hàng ngày Hà Nội
mới xem có đâu tuyển người làm không. Nhưng một tháng rồi hai tháng, chẳng có
đâu tuyển người làm phù hợp với khả năng và sức lực của tôi.
Thế rồi một hôm, tôi bỗng dưng nhớ ra những lần đi bơi ở
sông Hồng cùng với hai anh Nguyễn Hưng Nhân và Lê Đình Phúc, tôi thấy rất nhiều
người làm nghề bốc tre nứa từ dưới bè trên mặt nước lên bờ. Có lần tôi đứng
xem, một chị đứng tuổi nhìn tôi rồi trêu ghẹo:
- Nào kéo hộ chị một lúc xem được bao nhiêu cây nứa tép.
Tôi nhanh nhảu đáp:
- Chị để em thử xem.
Và tôi lội xuống bờ sông đến chỗ bè nứa, kéo một lúc lên 10
cây nứa tép, xếp vào cũi cho chị và được chị khen:
-Trông thư sinh trắng trẻo vậy mà làm cũng được nhỉ.
Dạo ấy tre nứa từ miền ngược liên tiếp xuôi dòng về xuôi vì
nhu cầu làm nhà của dân các vùng ngoại ô rất lớn. Các bè tre nứa đậu nối đuôi
nhau ven sông dài cả cây số, thợ bốc nứa kể tới cả nghìn người. Hay là ra bờ
sông xin thử việc? Tôi nghĩ thế và bỏ thư viện đi bộ ra thẳng bãi sông Hồng, gặp
một bác có tuổi đang kéo nứa hỏi:
- Bác có biết ai phụ trách ở đây không ạ
- Đi khoảng 200m về phía cầu Long Biên, có cái lán, hỏi anh
Minh- bác thợ trả lời
Tôi đến cái lán, nhìn vào bên trong thấy một người đàn ông
đang ngồi bên cái phản bằng tre hút điếu cày, lễ phép hỏi:
- Anh là anh Minh ạ?
- Phải, có việc gì?
-Tôi mạnh dạn nói ý định xin việc làm. Anh Minh nhìn tôi từ
đầu xuống chân rồi hỏi:
- Cậu bao nhiêu tuổi?
- Dạ, em hai mươi.
- Hai mươi mà nom gầy lỏng khỏng thế, liệu có làm được không?
- Dạ, em đã làm thử và làm được, em còn biết bơi nữa.
- Biết bơi thì tốt. Vậy tôi nhận.
Rồi anh giải thích:
- Ở đây làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu nghĩa là bốc kéo được nhiều
thì ăn nhiều. Giá bốc tính theo cây và tuỳ thuộc vào loại cây to hay nhỏ. Nứa
tép bé nhất thì giá thấp nhất, nứa lá to giá cao hơn, tre, luồng vầu giá cao nhất
và như nhau. Giờ cậu xuống bến nứa tìm chị Bé và nói tôi bố trí cậu vào tổ chị ấy
vì tổ chưa có nam giới.
Tôi cảm ơn anh Minh và trở lại ngay bãi tre nứa, tìm chị Bé,
được chị vui vẻ tiếp nhận và phân công ngay:
-Tổ mình có 4 chị giờ thêm em là 5. Em con trai, xuống bè dỡ
tre nứa cùng với chị đưa vào bờ để 3 chị kia bốc kéo lên bãi.
Tôi vâng và nhẩy ngay xuống bè nứa.
Vừa đang chăm chú làm
việc, tôi bỗng nghe tiếng chị Bé kêu lên hốt hoảng:
- Giúp chị kéo lại mảng nứa kia với.
Tôi quay lại nhìn thì thấy một mảng nứa bên ngoài bè bị nước
chảy đẩy ra xa bờ và đang trôi xuôi theo dòng nước. Tôi hiểu ra là chị Bé đã lấy
dao chặt lạt buộc để dỡ bè không may mảng nứa bên ngoài bè bị tách ra và bị
dòng nước cuốn theo.
Tôi vội bỏ việc, nhảy xuống sông bơi lao ra mảng nứa trôi,
kìm nó lại và lôi nó vào gần bờ rồi lội bộ kéo ngược nó về chỗ cũ. Mọi người
làm quanh đấy tấm tắc khen tôi bơi giỏi. Chị Bé sung sướng cảm ơn tôi mấy lần.
Cuối buổi làm ngày hôm ấy, người của anh Minh đi đến các tổ
đếm nứa để ghi sổ. Anh ta đem theo một hộp vôi nước, một cái que to và dài như
chiếc đũa, đến chỗ cũi nứa của chúng tôi, nhúng đầu que vào hộp vôi nước rồi chấm
vào đuôi từng cây nứa, chấm đến cây nào thì đếm số cây ấy. Cũi nứa của chúng
tôi được hơn năm nghìn cây. Chị Bé bảo:
- Nhân nhẩm tiền công bốc một cây lên thì hôm nay chị em tổ
ta, mỗi người được khoảng một đồng ba hào.
Vậy là ngày công đầu của tôi được 1 đồng 3 hào. Tôi nghĩ thế
cũng tốt chán vì nghe nói những người đi làm việc ở công trường rất vất vả
lương công nhật mỗi ngày chỉ có 1 đồng hai hào rưỡi. Rồi tôi nghĩ, giả sử tôi sống
tự lập thì với 1dồng 3 hào này, tôi có thể ăn sáng một bát phở 2 hào rưỡi, nếu ăn
2 bữa cơm cơm vỉa hè trưa và tối, mỗi bữa 3 hào, cộng tiền ăn cả ngày là là 8
hào rưỡi, vẫn còn để dành được 4 hào rưỡi. Nếu ăn xôi sáng thì chỉ mất 1 hào, để
dành ra được tới 6 hào chứ không ít!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét