Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018



THÁNG BẨY NGÀY RẰM…

Mâm cỗ cúng cô hồn, rằm tháng 7 gồm những gì? - Ảnh 3

Mâm cũng cô hồn ngày nay

Hôm nay Rằm tháng Bẩy năm Mậu Tuất, 2018 là ngày "mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế cũng như quần áo, và một ít tiền vàng, mã, do vậỵ trong dân gian gọi ngày này là ngày xá tội vong nhân:
Tháng Bẩy ngày Rằm xá tội vong nhân.
Đúng rằm tháng 7, Lễ Vu lan báo hiếu cũng là một đại lễ trong Phật giáo. Vu Lan thể hiện một trong "Tứ đại trọng ân” của nhà Phật: 1. Ân Cha Mẹ; 2. Ân Tam Bảo Sư trưởng; 3. Ân quốc gia xã hội; 4. Ân chúng sinh vạn loại.
Ở nước ta, người dân thường tổ chức cả hai lễ ấy vào cùng ngày rằm tháng 7. Chỉ có điều, người phía Bắc thì trọng ngày Xá tội vong nhân hơn, còn miền Trung và miền Nam thì đề cao lễ Vu Lan báo hiếu.

Tôi dân Bắc, hồi nhỏ chỉ được nghe bà nội và u tôi kể về ngày Rằm xá tội vong nhân.

Theo u tôi kể thì, phật A Nan Đà khi đang ngồi trong tịnh thất thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hiện lên báo rằng, ba ngày nữa ông sẽ chết và hóa thành quỷ đói. Cách duy nhất để sống là cúng cho bọn quỷ đói những hộc thức ăn để được tăng thọ. Ngài còn được Phật truyền cho bài chú "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước.

Còn theo bà tôi nói thì, lễ xá tội vong nhân bắt nguồn từ công việc đồng áng của nhà nông xưa. Vào vụ thu hoạch mùa màng, người nông dân thường cầu xin các vị thần linh, thổ địa tạm giam những yêu ma, oan hồn cho khỏi quấy nhiễu. Đến rằm tháng 7, cũng là khi gặt hái xong xuôi, cửa ngục mở xá tội vong nhân. Vì vậy, mọi nhà đều đốt vàng mã cúng những linh hồn bơ vơ không ai chăm sóc. Không ai bày biện theo kiểu cúng giỗ. Ở làng ta ngày này, các cầu quán, chợ búa, đình chùa đều cúng cháo. Cháo được múc ra những bồ đài cuộn bằng lá mít, cắm ở hai bên trước lễ đài. Đồ mã gồm tiền, quần áo chúng sinh nhỏ, cắt đơn giản nhưng số lượng nhiều, đồ lễ cũng nhiều. Một nồi cháo lớn để bên để múc cho trẻ con, cho người nghèo. Hoa quả, bánh trái, các loại bỏng kẹo bình dân để cho trẻ và người nghèo, người ăn xin vào lấy - gọi là tục cướp cháo. Các nhà cũng cúng cháo, áo quần, tiền bạc, trái cây, bỏng kẹo bình dân. Số lượng thì tùy theo tâm. Cúng xong hóa tiền, đốt quần áo và chia đò ăn cho con trẻ.

Cháo còn được nấu loãng ra, sau đó được đổ vào những chiếc lá đa hoặc lá mít – đã được cuốn lại cẩn thận như những chiếc phễu nhỏ, gọi là cuốn “bồ kề”. Cũng có khi cháo được đổ ngay trên mặt lá đa lật ngửa. Thứ đồ cúng ít ỏi ấy, không thể gọi là bát cháo mà chỉ là hớp cháo, được đặt lên những manh chiếu, những chiếc nong, chiếc nia, hay đơn giản là cài vào một cái que cắm dải dài trên con đường làng từ nách điình Chạ ra đến đường cái quan rồi từ nách đình Chạ chạy qua đường ruộng xuống tận cầu Vậy để cho những “cô hồn” được về thụ hưởng trong ngày “xá tội vong nhân”.

Bà tôi bảo phải làm như thế là vì các cô hồn nhiều không kể xiết, phải chia nhỏ ra như thế để có thể có đủ đồ cúng mà phân phát cho tất cả… Thập loại chúng sinh tất thảy đều được ăn uống tránh đói khổ, được siêu sinh.

Lớn lên ra tỉnh học, được đọc “Văn tế thập loại chúng sinh” của Đại thi hào Nguyễn Du, cảm động ngay từ mấy câu mở đầu:

“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt.
 Toát hơi may lạnh buốt xương khô.
Não người thay buổi chiều Thu…”.

 Và biết thêm được những người bất hạnh, phải chịu một cái chết oan khốc, bất thường, không theo quy luật sinh tử tự nhiên:

Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa cây
Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lã, kẻ lây lửa thành
Người thì mắc sơn tinh, thủy quái
Kẻ thì sa nanh khái ngà voi
Có người có đẻ không nuôi
Có người sa sẩy, có người khốn thương…

Rồi đọc tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của nhà văn Khái Hưng thấy có một thiên tuyệt bút viết về lễ “chạy đàn phá ngục” trong chùa. Phá cửa ngục để giải thoát cho các linh hồn đau khổ, có thể siêu thoát hoặc đầu thai trở lại cõi trần, đó là tinh thần nhân văn chất chứa trong các quan niệm của dân gian và dường như chỉ mượn “pháp lực” của Phật giáo để thể hiện

Ngày Rằm tháng Bẩy năm nay, đọc lại và trích ra đây để những ai chưa đọc cùng đọc:

Trong chùa Long Giáng kẻ tới, người lui, có vẻ tấp nập nhộn nhịp.

Dưới nhà ngang đối diện với nhà trai, ông Hộ và ba, bốn người làng đến giúp việc đứng bên chiếc bàn dài, kẻ lau lá mít kẻ đóng oản, tiếng kêu chí chát. Chốc chốc lại thấy có người đội voi giấy, ngựa giấy và những hình nhân đến.

Ngọc tuy lần đầu được mục kích quang cảnh ấy

ở chùa, nhưng cũng chẳng lưu ý tới. Lòng chàng đương băn khoăn về câu chuyện tối hôm qua, nên nhớt nhác chàng đi tìm Lan để dò cho ra bí mật.

Lên trên chùa chàng gặp chú Lan đương cầm phất trần phẩy bụi ở các pho tượng, còn chú Mộc thì lúi húi lau các cây đèn nến và bình hương, ống hoa. Ngọc lại gần hỏi:

- Chùa ta sắp có việc gì mà có vẻ náo nhiệt thế?

Chú Mộc quay lại trả lời:

- Hôm nay bắt đầu làm chay cho vong linh ông Hàn.

- Thảo nào ở nhà tổ thấy nhiều đồ mã thế.
Luôn hai tối các nhà sư ở những chùa lân cận tiếp được giấy mời của sư cụ Long Giáng về tề tựu đến dự lễ rất đông.

Ngoài sân chùa, ở giữa bày ba tầng án thư chồng lên nhau theo hình bậc thang. Hai bên cũng đều có án thư. Nến thắp linh tinh, ánh sáng phản chiếu vào những mặt kính tròn ở các mũ giấy bày la liệt, trong lấp lánh tựa những ngôi sao.

Ðêm nào các nhà sư cũng cắt lượt nhau tụng kinh đến tận hai, ba giờ sáng, hoặc ngồi ở chiếu giữa, hoặc đứng sát các án thư bên. Cứ xong một lần tụng niệm lại có đánh trống lớn, trống con, thanh la, não bạt, nghe rất là inh ỏi.

Ðêm thứ ba vào đàn giải kết.

Sư cụ chùa Long Giáng vì già yếu, mà việc đàn chay lại khó nhọc, nên một đồ đệ của cụ là sư ông chùa Long Vân đứng chủ trương. Sư ông ngồi ở chiếu giữa, tụng kinh một lúc lại chạy vòng quanh đàn vài vòng, nhanh hay chậm tùy theo nhịp trống. Sau lưng sư ông gần hai chục người chạy theo, nào tiểu, nào vãi, nào thiện nam, tín nữ cùng là những người nhà sự chủ.

Ðứng ngắm một tràng người, tay chấp ngực chạy lượn quanh co, khi tiến, khi lui rất nhẹ nhàng, ăn nhịp, như lăn trên đôi bánh xe nhỏ, Ngọc tưởng tượng đến những người bằng giấy trong chiếc đèn kéo quân đêm hôm rằm tháng tám.

Chạy xong một tuần, sư ông lại vào chiếu giữa múa mênh quyết ấn trông rất dẻo tay, rồi cầm kéo cắt những đồng tiền kết giấy thành hình người và treo lủng lẳng ở ba hàng giây chăng quanh bàn. Mỗi lần cắt bốn, năm đồng kỳ cho hết là tan đàn.

Trong khi ấy thì những người tì tùng hoặc ngồi lễ ở sau lưng sư ông, hoặc đứng sang một bên, lẩn vào chỗ người đi xem.

Ngọc đứng chờ ở một xó, hễ thấy chạy xong một lần lại vẫy gọi chú Lan nhờ giảng nghĩa hộ. Ðến lần thứ ba, thứ tư, Ngọc chỉ gật sẽ một cái, Lan đã vội chạy lại.

Ngọc cười, hỏi Lan:

- Này chú, sau lại có cả hai người kia cũng chạy đàn?

- Hai người nào?

- Một người gánh một gánh cỏ và một người buộc con ngựa giấy vào mình trông như cưỡi ngựa vậy, nhất nghe tiếng nhạc kêu càng thấy hệt lắm.

- Ðấy là người giữ ngựa và người cắt cỏ cho ngựa ăn, đi theo hầu thầy Ðường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Ðàn này tức là ôn những sự tích đi lấy kinh.

Sáng hôm sau cảnh chùa Long Giáng trở lại yên lặng như mọi ngày thường, vì việc đàn chay đã kết liễu.

Rất tiếc, các chùa chiền ngày nay không còn mấy chùa chạy đàn phá ngục như chùa Long Giáng xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...