Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018


NGÀY GIỖ ĐẦU CHỊ CẢ

Kết quả hình ảnh cho khói hương


Chị cả mất ngày 29 tháng Sáu Âm lịch tức ngày 20/8/2017. Hôm nay là ngày giỗ đầu chị. Anh rể và các cháu ở quê đang làm cơm cúng chị. Em ở xa không thể về được, chỉ thắp nén hương trên bàn thờ gia tiên vọng về quê nơi linh hồn chị về vui vầy với chồng con cháu chắt hôm nay, chắc chị cũng rộng lòng lượng thứ cho em.

Thày u sinh được ba chị em mình. Chị cả sinh năm 1932, hơn anh Hồng 3 tuổi, hơn em gần 6 tuổi. Dân gian có câu: “ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng” ý nói thân làm con gái đầu lòng của bố mẹ, bao nhiêu việc sẽ phải lo toan hết thay các em trong nhà vì thời xưa, con trai chỉ lo việc học, việc kiếm tiền, lo trách nhiệm nhưng những công việc có thể san sẻ cùng mẹ, họ không làm được như con gái đầu lòng. Cũng có nghĩa người con gái đầu lòng là người thiệt thòi nhất trong các anh chị em. Mà em thấy chị cả của em thiệt thòi thật. Này nhé:

Năm thầy chơi bạc khuynh gia bại sản, phẫn chí thầy quyết định bỏ làng bỏ nước đi sang xứ người để làm giàu để lại em mới 9 tháng tuổi còn chị chưa đầy 6 tuổi. Ba năm sau thầy về ý định sẽ đem cả nhà đi theo thầy. Nhưng bà nội Chi không đi, bà bảo bà già rồi bà không muốn làm ma nơi đất khách quê người. U thì hoang mang không biết quyết định ra sao. Thuyền theo lái, gái theo chồng đi theo thầy thì trọn đạo làm vợ. Nhưng nhiều người bảo u, chị nhiều tuổi hơn chồng lại một nách ba con gái xề rồi mà anh ấy thì còn trẻ lại có máu ăn chơi và chuyện trai gái cũng đã có điều tiếng, đi theo anh ấy nhỡ bị anh ấy bỏ rơi 4 mẹ con thì biết bấu víu vào đâu? Chi bằng để anh ấy đi và bảo, nếu còn nghĩ tới vợ con thì thỉnh thoảng gửi măng đa về cho ở nhà ít tiền. Sống với nhau đã non chục năm, chắc u hiểu thầy hơn ai hết nên u quyết định không dắt díu con đi theo chồng.

Thầy giận lắm nhưng  đành nín giận làm lành bảo u thế thì đưa cả nhà ra Hà nội chụp một kiểu ảnh, tôi đem đi 1 cái , để nhà một cái. Nói là cả nhà nhưng thầy không cho chị đi mà chỉ đem theo 2 thằng con trai và nói trắng ra, con gái lớn lên rồi lấy chồng sẽ thành  con nhà người khác, không cần cho đi chụp ảnh làm gì. Tấm ảnh ở nhà còn giữ được đến ngày em đã học trung học. Ảnh chụp bằng chiếc máy thùng cổ, phim ảnh là một tấm kính nên nước ảnh bền vẫn còn sắc nét. Thầy mặc bộ com lê đũi trắng, cổ thắt cà vạt đen, chân dận xăng đan trắng, mốt của một thời. U mặc áo tứ thân may bằng bốn khổ vải hẹp, với hai vạt trước không cài khuy mà chỉ vắt chéo và được giữ lại bằng cái thắt lưng xanh quanh bụng cũng chính là áo cưới của u, đầu u  bọc bên ngoài bằng một cái khăn hẹp dài rồi quấn quanh đầu từ phía trước ra phía sau., chân đi guốc mộc. Hai đứa con trai thì ăn mặc giống nhau, quần sooc trắng, áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ trong quần ,đôi dép dưới chân cũng trắng nốt,  chỉ có cái thắt lưng da ôm cái bụng là màu đen. 

Trước khi khăn gói gió đưa, thầy kiếm một cái roi tre rồi bắt ba đứa con đứng xếp hàng trước mặt. Bà nội Chi và u hỏi thầy, anh làm gì thế thì thầy bảo, quất cho mỗi đứa một roi để chúng nó không còn nhắc nhớ đến tôi cho tôi yên tâm mà làm ăn ở nơi xa. Nói rồi vung roi quất vào mông mỗi đứa con một roi quắn đít. Về việc này thì thầy không phân biệt con giai con gái!

Trước khi đi, thầy đã gặp cậu Đào Văn Đổng, em trai út của u, đang học trường Canh nông. Thầy bảo với cậu:
-Tôi đi làm ăn xa bao giờ giàu có tôi mới về làng cho khỏi hổ thẹn. Ở nhà, chị cậu là đàn bà, một chữ bẻ đôi không biết, tôi có 2 thằng con trai sau này nhờ cậu trông nom dạy dỗ chúng thay tôi cho chúng nên người.

Năm 1943, cậu Đổng ra trường được bổ làm tham tá trưởng ty điền địa tỉnh Phúc Yên, có cả một dinh thự to để ăn ở và làm việc. Nhớ lời đã hứa với anh rể, cậu đem anh Hồng lên Phúc Yên nuôi cho ăn học. Ở nhà chỉ còn chị và em, năm ấy em mới hơn 6 tuổi, chỉ biết chơi và trông nhà còn chị đã gần 12 tuổi phải theo u giúp việc đồng áng, về nhà lại giúp bà nội Chi làm hàng xáo.

Cuối năm 1946, khi cuộc kháng chiến chín năm bùng nổ, bốn u con nhà mình theo gia đình cậu Đổng lên ấp Đại Bái của mợ. Bấy giờ em và anh Hồng đã biết chăn trâu, chăn vịt còn Chị với u thì làm ruộng để có cái ăn.

Năm 1949, cậu Đổng đưa gia đình nhà ta về làng cũ còn gia đình cậu thì ở nhà mẹ vợ Hà Nội. Trên mảnh đất của ngôi nhà gỗ 3 gian hai chái, mái lợp lá gồi đã bị đốt sạch hồi tiêu thổ kháng chiến, u dựng lại một ngôi nhà tranh vách đất nhỏ. Em và anh Hồng được đi học còn chị thì lại cùng u lo toan nghèo đói ngoài đồng ruộng. Năm sau cậu Đổng cho chúng em ra Hà Nội học, chị ở nhà với bà nội Chi và u.

Năm 20 tuổi, thấy làm ruộng quanh năm đầu tắt mà vẫn nghèo khó, chị tìm cách buôn gạo ra Hà Nội bán cho chủ các hiệu bánh lớn ở Hàng Ngang, Hàng Đường. Thời ấy chưa có nhiều phương tiện giao thông ngoài cái xích lô và cái xe điện nhưng đi xích lô thì đắt mà không chở được quang thúng và đòn gánh gạo nên chỉ có cách đi xe điện. Thế là chị như con thoi, đem quang gánh thúng mủng đi mua gạo ở các chợ trong vùng quê đem về nhà rồi lại gánh ra bến xe điện, xuống tàu ở Bờ Hồ lại gánh đến Hàng Ngang Hàng Đường, bán hàng xong mới trở lại bến xe điện để về nhà. Công việc vất vả nhưng còn nhàn hạ hơn làm ruộng mà cũng nhanh kiếm được tiền bạc. Dạo ấy, anh Hồng đã bỏ nhà cậu Đổng về quê học trường làng. Mình em ở lại Hà Nội, thi thoảng được cậu cho về quê gặp mọi người. Những lần ấy em vui lắm và nhớ mãi không quên những đồng quà tấm bánh chị mua để đãi thằng em út.

Sang thu năm 1953 chị chuẩn bị về làm dâu nhà chồng, làm vợ anh Lê Văn Phối ở ngõ gần bên. Chị đem hai đứa em ra Hà Nội may cho mỗi đứa một bộ quần áo mới, quần dài tropical màu xanh nước biển đậm, áo sơ mi dài tay vải trắng, mặc vào nom đứa nào mặt mũi cũng sáng sủa và kẻng giai hẳn lên. 


Sau ngày cưới, từ đây, theo tập tục của dân quê, không ai gọi chị bằng cái tên bố mẹ đã đặt cho là Nguyễn Thị Đô mà dân làng bè bạn vẫn gọi là chị Đô, cô Đô. Giờ mọi người gọi chị theo tên chồng: chị Phối, cô Phối, thím Phối.  

Nhà anh Lê Văn Phối bấy giờ đang trong cảnh bi thương. Mấy năm trước, bố anh, ông Lê Văn Dậu làm liên lạc cho Việt Minh bị bắt trong một lần lính Tây càn xuống làng, bị tra tấn dã man và đã hy sinh. Anh đang học trung học ở trường Chu Văn An cũng bị bắt giam tại nhà thờ Liễu Giai, cũng bị đánh đập tra tấn nhưng không có bằng chứng gì để kết tội nên ít ngày sau thì được thả ra. Từ đấy anh phải thôi học chữ để đi học sửa chữa ô tô trong cảnh nhà ngày một dần sa sút. Chị gái cả của anh lấy chồng ở làng Cót, anh là con trai lớn, dưới còn một cô em và một chú em mà mẹ anh, bà Nguyễn Thị Dứa đang thời kỳ lâm bệnh nặng.

Chị Cả về làm dâu nhà họ Lê trong tình cảnh ấy nhưng chị không buồn chán mà đã cùng chồng gánh vác giang sơn nhà chồng, vượt qua bao khổ ái không một lời than vãn. Rồi chị sinh con trai đầu lòng năm 1954, hai năm sau sinh tiếp cháu trai thứ hai rồi sinh hai cháu gái thứ ba và thứ tư. 

Sau tiếp quản Thủ đô 1954, không còn mấy ô tô để sửa chữa, anh Lê Văn Phối phải bỏ việc đi công trường đường sắt Lào Kai Yên Bái, mình chị ở nhà nuôi con, chăm sóc mẹ chồng và hai em chồng có nhiều lúc khó khăn bao vây tưởng không qua nổi, như những ngày mẹ chồng khuất xa, những ngày triền miên chị bị ốm mà không tìm ra căn bệnh rồi. Vậy mà khi em xuống Hải Phòng dạy học chị cũng móc hầu bao dúi vào tay em hai mươi đồng bạc khiến em vừa xúc động vừa thương chị và chỉ dám xin chị mười đồng. Chị hỏi:
- Mười đồng thì tiêu pha sao đủ ở nơi còn lạ nước lạ cái?
Em thưa:
- Em đã tính rồi, tiền xe lửa hết 2 đồng 5 xu, còn lại gần 8 đồng. Mỗi bữa cơm mậu dịch quốc doanh 3 hào, ngày hai bữa 6 hào, có thể ở đó một tuần vẫn chưa hết tiền. Người ta mà tuyển mình thì chắc sẽ có lương tạm ứng, còn nếu không được tuyển em sẽ ra ga xe lửa về lại Hà Nội ngay.

Ở Hải Phòng ít năm em lại nhận được tin cháu Lê Kim Thành, chết một cách đột ngột và đau đớn khi cháu chưa đầy 10 tuổi. Thời ấy y tế của ta còn quá kém và thiếu thốn lại thêm  nhà mình ơ làng quê. Thương con bé cháu xinh đẹp và thương người chị gái đau khổ quá.

Mấy năm sau do anh Phối gắng chí học thêm và nhờ là con liệt sĩ, anh được chuyển sang làm kế toán rồi trở thành một cán bộ lãnh đạo phòng ban, được về làm ở gần nhà, hai người em của anh đã khôn lớn, gia đình anh chị mới bắt đầu khởi sắc.

Chị cả được dân tín nhiệm cử làm thư ký đội sản xuất của HTX nông nghiệp. Việc nhà việc đội chị đều chăm lo tốt. Nào việc đồng áng HTX để có công điểm, nào con lợn con gà trong chuồng, nào ruộng phần trăm trồng thêm rau để bán, nào việc nuôi các con ăn học. 

Sau khi đất nước thống nhất, những ngày cuối của thời kỳ bao cấp, nhà nhà đều khó khăn, chị lại tìm ra hè đường Cầu Giấy mua đi bán lại chút lương thực để có thêm thu nhập. Rồi đến ngày các con trưởng thành chị lại cùng chồng lo việc dựng vợ gả chồng cho chúng rồi làm bà nội bà ngoại trông nom các cháu.

Những năm mấy đứa con của vợ chồng em học trên Hà Nội, đứa Đại học Sư phạm, đứa Đại học ngoại ngữ, thi thoảng chúng rủ nhau về thăm quê, thăm bà nội và thăm các bác, chị luôn yêu thương các cháu, khi đồng quà tấm bánh cho các cháu, khi cơm nước cho các cháu.

Năm cháu Ngà bị sang chấn tâm thần, gia đình chị đã đón hai mẹ con cháu về để tiện bác sĩ trong họ thuốc men hàng tháng trời. Nhưng không may gặp phải bác sĩ không đúng chuyên ngành và cũng thiếu lòng từ mẫu nên bệnh của cháu ngày càng bất ổn, hai mẹ con cháu phải về Hải Phòng chữa trị. Thật uổng công quan tâm chăm sóc hết lòng của anh chị và các cháu trên nhà.  

Năm chị 70 tổi, tưởng đã đến ngày được ngơi nghỉ hoàn toàn nhưng không, chị lại phải chăm sóc mẹ già đã ngoài 90 tuổi. Em ở xa không chăm sóc mẹ được ngày nào chỉ gửi chút tiền thêm thắt cùng chị lo việc quà bánh cho mẹ. Nhiều lần về quê, thấy chi bận rộn lo cho mẹ ăn sáng ăn tối rồi tắm giặt cho mẹ, nhìn mái tóc bạc của chị em rất cảm động đã nói đùa với chị “Đúng là cảnh bà cụ con chăm nuôi bà cụ mẹ”.

Rồi mẹ già của chị em mình cũng khuất xa. Tất cả con cháu đều buồn lo mồ yên mả đẹp cho mẹ. Riêng em nghĩ, mẹ đi cho con gái đầu lòng của mẹ đỡ vất vả. Vậy mà chỉ 11 năm sau chị cũng đi theo mẹ.

Hôm nay giỗ đầu chị cả. Một năm qua chị đã phiêu diêu những đâu ở cõi thiên thu? Chị đã gặp mẹ ở miền Miên viễn chưa? Chắc chắn là hai mẹ con đã gặp nhau rồi, chị nhỉ?!

Em không về quê được để thắp hương tưởng nhớ chị và được hưởng lộc giỗ đầu của chị. Nơi phương Nam xa xôi cách trở này, em xin được thắp mấy nén hương dâng chị, nhìn di ảnh chị đặt bên di ảnh mẹ và cầu mong cho linh hồn của mẹ và chị được mát mẻ dưới Suối vàng.

  




  
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...