Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018


NHÂN NHỚ LẠI MẤY CHỮ 
CỤ THIẾU HÀ ĐÔNG
TRONG TRUYỆN NGẮN “LÀNG” 
CỦA KIM LÂN


Hoàng Cao Khải

Mình đã dạy đi dạy lại truyện ngắn “Làng” của Kim Lân cho học sinh lớp cuối cấp 2.Trong truyện ngắn này có đoạn:

“Hồi còn đế quốc Pháp, mỗi bận đi đâu xa, khoe làng ông chỉ khoe cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông. Ông có vẻ hãnh diện cho làng có được cái sinh phần ấy lắm: “Chết! Chết, tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại được như cái dinh cơ cụ thượng làng tôi. Có lăm lắm là của. Vườn hoa, cây cảnh nom như động ấy. Thấy bảo còn hơn cái lăng cụ thiếu Hà Đông nhiều cơ mà!”   

Nhân vật Ông trong đoạn văn trên  là ông Hai, cũng như bao người nông dân quê từ xưa luôn gắn bó với làng quê của mình.Ông yêu quí và tự hào về làng Chợ Dầu và hay khoe về nó một cách nhiệt tình, hào hứng.
Cụ Thiếu Hà Đông chính là Hoàng Trọng Phu, con trai của Hoàng Cao Khải. 



Hoàng Cao Khải và vợ chồng con trai là Hoàng Trọng Phu

Từ sau CM tháng 8, người ta coi hai cha con Hoàng Cao Khải là tay sai của Pháp với những tội trạng khá nặng nề là  ngoài chuyện làm quan cho nhà Nguyễn, Hoàng Cao Khải còn mắc phải một "tội trạng" khác là đàn áp khởi nghĩa. Nhưng gần đây các nhà nghiên cứu đã có cái nhìn khác về cha con Hoàng Cao Khải khác lối đánh giá cứng nhắc và một chiều không thuyết phục trước đây. Đặc biệt là đã có những cái nhìn về công láo của cụ Thiếu Hà Đông Hoàng Trọng Phu.

Nhà nghiên cứu trẻ Sơn Kiều Mai có bài viết ngắn thể hiện cái nhìn mới đó:

Năm 2010, trong một lần tham gia thực hiện cuốn sách “Vạn Phúc xưa và nay”, tôi đã tiếp cận với tài liệu của các cụ cao tuổi trong làng còn giữ được. Đó là cuốn “Les Industries Familiales de Hadong” (Nghề truyền thống Hà Đông) do Tổng đốc Hoàng Trọng Phu viết. Cuốn sách mô tả chi tiết về các làng nghề truyền thống của tỉnh Hà Đông, trong đó có nghề dệt gấm, nghề dệt the lụa và nghề dệt lĩnh ở làng Vạn Phúc.

Trong Lời nói đầu, đề tại Hà Đông ngày 15/7/1932, tác giả Hoàng Trọng Phu viết: “Trong các tỉnh ở Bắc Kỳ, hình như Hà Đông tập hợp được phần lớn các nghề có tầm quan trọng đặc biệt bởi sự đa dạng và sự phát triển của ngành nghề. Những đồ dùng bằng đồi mồi, đồ gỗ, và nhất là the lụa và hàng thêu của Hà Đông được tất cả người sành ưa chuộng”.

Ngoài làm kinh tế, ông còn cổ súy phong trào chấn hưng Phật giáo tại Bắc Kỳ những năm 1930. Trong đó, có Tạp chí Đuốc Tuệ của Phật giáo Bắc Kỳ, ấn bản do ông và ông Nguyễn Năng Quốc đứng đầu, ra đời tháng 11/1934. Ông cho trùng tu các danh thắng như chùa Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay); chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay); và mở mang xây dựng ấp Thái Hà. Ông còn tham gia các hoạt động chính trị xã hội khác như thành viên Hội đồng quản lý Hội Khai trí Tiến đức; Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn bản xứ Bắc Kỳ…



Gia đình Tổng đốc Hoàng Trọng Phu (1872 – 1946)

Năm 1937, ông Hoàng Trọng Phu từ nhiệm Tổng đốc Hà Đông, người kế tiếp công việc của ông là một vị Tổng đốc từ Thái Bình lên. Nhưng rồi người kế nhiệm đã không tiếp tục phát triển các ngành kinh tế do ông vạch ra. Vì thế, năm 1941, mong muốn tiếp tục phát triển các ngành nghề thủ công tại Hà Đông nên ông đã đề nghị với triều đình Huế đưa con rể là Hồ Đắc Điềm đang là Án sát tỉnh tỉnh Bắc Ninh về làm Tổng đốc Hà Đông.

Bà giáo Hồ Thị Thể Tần, cháu ngoại Tổng đốc Hoàng Trọng Phu kể: “Ông ngoại nói với cha tôi: - Bây giờ toa phải giúp moa chấn hưng lại kinh tế Hà Đông”. Vậy là cha tôi tiếp tục những công việc ông ngoại tôi đã làm”.
Hà Đông dưới thời Tổng đốc Hồ Đắc Điềm được nâng cấp thêm một bước phát triển mới, với cả nhà hát cùng rạp chiếu phim. Nhưng đó lại là câu chuyện chúng tôi muốn kể vào một dịp khác.

Do có nhiều công lao với Nam triều, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu được phong Võ hiển điện Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu bảo, nên được gọi là cụ Thiếu Hà Đông. Năm 1937, ông về nghỉ hưu tại ấp Thái Hà và mất tại đây vào năm 1946, thọ 75 tuổi.

Mới đây, trong cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ quận Hà Đông (1926 - 2010)”, NXB Hà Nội (2014) những người biên soạn đã dẫn lại những đánh giá về Tổng đốc Hoàng Trọng Phu của viên Công sứ Pháp ở Hà Đông như sau: “Bằng cách đem lại mối lợi, ông (Hoàng Trọng Phu - PV) đã thành công trong việc thắt chặt dây liên lạc giữa các gia đình, hướng tâm trí người ta vào việc làm ăn, xua đuổi sự nhàn rỗi thường là nguyên nhân sinh ra nhiều tật xấu. Nền kinh tế phát triển giúp cho ông quan đầu tỉnh bản xứ rất lớn trong công việc cai trị về phương diện chính trị”.

Cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông Hai trong truyện ngắn của Kim Lân mà nhân vật có vẻ hãnh diện cho làng có được cái sinh phần ấy lắm, xem ra chỉ là cái sinh phần trong tiểu thuyết. Còn cha con Hoàng Cao Khải có một khu lăng mộ từng được xếp hạng di tích quốc gia. Khu lăng tẩm này được xem là công trình đá lớn nhất Hà Nội, và lớn thứ hai ở Việt Nam (sau Thành nhà Hồ). Lăng được xây theo kiểu chữ “Đinh”, dài tám mét, cao sáu mét, trần cách sàn hơn bốn mét. Ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng. Mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái, của vợ ông ở bên phải, đều bằng đá cẩm thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh vi, có khắc những dòng chữ Hán sắc xảo .

Toàn bộ công trình từ mái nhà, trần, các kèo, cột, cho đến nền nhà, các ngôi mộ, bệ thờ, diềm, tường và tượng các vị tướng đứng chầu ngoài sân… đều làm bằng đá, chạm trổ rất công phu với hoa văn cách điệu tinh xảo, phản ánh trình độ nghệ thuật điêu khắc đá khá cao của Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX


lăng hoàng cao khải

Một công trình hoàn toàn bằng đá không khỏi khiến ta liên tưởng đến nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình) - một công trình cũng được đánh giá đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc đá. Bên phải mộ Hoàng Cao Khải còn có mộ Hoàng Trọng Phu, con trai trưởng của Hoàng Cao Khải xây bằng đá xanh, đẹp và uy nghi không kém. Cách khu lăng không xa là khu đình thờ của họ Hoàng bẩy gian (lớn hơn tất cả những ngôi đình trên địa bàn Hà Nội) theo phong cách kiến trúc dân gian với mái cong hình thuyền và hệ thống vì kèo.


Cận cảnh lăng mộ đá hàng trăm năm tuổi sót lại giữa lòng Hà Nội

Nhưng khu lăng tẩm này giờ đã xuống cấp trầm trọng với ồn ào hàng quán, rác thải xung quanh. Rất nhiều nhà làm văn hóa cảm thấy tiếc nuối cho một di tích quốc gia nằm giữa lòng Hà Nội này.


lăng hoàng cao khải

  Hình ảnh trước lăng ngày nay 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...