Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

CHÍN NĂM ĐÈN SÁCH (9)


Tối hôm ấy, anh May, anh Phúc và tôi cùng nhau dạo quanh hồ Gươm, trao đổi với nhau về mức kỷ luật mà hai anh May và Phúc sẽ phải nhận sẽ như thế nào? Chúng tôi đều đã biết những người trong nhóm Nhân Văn giai phẩm hầu hết đã bị đưa đi lao động cải tạo, gọi là để xâm nhập thực tế, rồi cho sống lay lất, và cũng bị gạt ra khỏi sinh họat văn học nghệ thuật. Một số người nghe nói còn phải chịu tù giam nhiều năm. Ngôi Sao chẳng là cái muỗi gì so với Nhân Văn Giai phẩm nhưng rõ ràng nói như Nguyễn Khải là nọc độc của Nhân văn giai phẩm và nói như ban xét duyệt kỷ luật của trường là có khuynh hướng học đòi Nhân Văn Giai phẩm đã bị đóng cửa, thì lý lịch học sinh cũng bị coi như là có tì vết và ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập. 

Tôi nói với hai anh:
- Nhưng tôi tin rằng hai anh sẽ chỉ bị hạ điểm hạnh kiếm xuống loại “khá” thế thôi còn tôi thì án không nhẹ như thế đâu. 

Anh May gật đầu tán thành. Còn anh Phúc thì hỏi:
- Vậy thì mức án cho anh sẽ là thế nào?

Tôi nói:
- Hẳn các anh không quên nọc độc mạnh nhất của Nhân Văn Giai phẩm trong học sinh sinh viên Hà Nội có từ năm 1956. Đó là tờ Đất Mới do anh Bùi quang Đoài trường Đại học Văn khoa làm chủ bút. Tờ Đất Mới chỉ ra được một số thì bị bóp chết ngay vì tội “xuyên tạc sự thật vu khống và đả kích tổ chức và lãnh đạo trường Đại học, nói xấu tập thể nhà trường…”.  Sau vụ đó Bùi Quang Đoài bị đuổi ra khỏi trường. Tôi không bao giờ dám so mình với học vấn và tài năng của anh Bùi Quang Đoài. Tờ Ngôi Sao của chúng ta cũng không đủ tài trí để “xuyên tạc sự thật vu khống và đả kích tổ chức và lãnh đạo, nói xấu tập thể nhà trường”. Nhưng tội của tôi trong nhà trường phổ thông là không nhỏ. Ngoài tội đã đi bán báo Nhân Văn và cất dấu các số báo Nhân văn để lưu truyền trong bè bạn còn thêm nhiều tội như ban xét duyệt kỷ luật đã nói trắng ra hôm họp kiểm điểm chúng ta: Cầm đầu nhóm Ngôi Sao, tự tung tự tác cho đăng nhiều bài không đúng với nội quy nhà trường nhằm chống lại đường lối giáo dục của đảng đoàn trong nhà trường rồi chủ trương dịch một số tác phẩm Tây Âu để lôi kéo lớp trẻ trong nhà trường xa dời văn học dân tộc, xa dời văn học xã hội chủ nghĩa của các nước anh em Liên Xô, Trung Quốc. Thêm nữa còn chủ trương in roneo Tập san để truyền bá rộng ra ngoài phạm vi nhà trường. Đánh rắn phải đánh rập đầu. Vì thế, tôi sẽ phải kiểm thảo dưới cờ trước toàn trường và sau đó người của đảng đoàn, đại diện một số lớp lên phân tích những tội trạng của tôi chẳng khác gì một cuộc đấu tố địa chủ. Tội của tôi không thể chỉ bị hạ điểm hạnh kiểm mà sẽ ghi vào học bạ và chắc suất sẽ bị đuổi học như anh Bùi Quang Đoài, một Bùi Quang Đoài dưới trường phổ thông cấp 3!

Anh May bảo:
- Tôi cũng nghĩ sẽ như thế!

Anh Phúc lại hỏi:
- Thế anh có dự tính sẽ làm gì trong buổi đấu tố ấy?

Tôi đã nghĩ kỹ trong đầu nên trả lời ngay:
- Tôi sẽ không để có cuộc đấu tố ấy.
- Nghĩa là sao? - Anh Phúc hỏi.
- Nghĩa là tôi sẽ tự thôi học ngay từ hôm nay - Tôi đáp.
- Thôi học?

Cả hai anh bạn tôi đều cùng lúc ngạc nhiên thốt lên.Tôi chậm rãi nói:
- Đúng thế! Giả như tôi không bị đuổi mà vẫn được tiếp tục học thì con đường vào Đại học của tôi cũng đã bị bịt lối rồi. Không ai tuyển một học sinh phổ thông có học bạ xấu như tôi mà nếu có tuyển thì cũng chỉ vào được mấy cái trường hạng bét như Địa chất mỏ hay Nông lâm mà thôi.

Cả ba cùng im lặng. Để phá tan sự im lặng đó, tôi rủ hai bạn vào một quán vỉa hè, gọi ba cốc bột đậu xanh ăn cho ấm bụng rồi lặng lẽ bắt tay nhau ai về nhà nấy.


Từ trái sang: Nguyễn Văn May, Nguyễn Bàng, Lê Đình Phúc

Hôm sau, Chủ nhật tôi trốn các bạn bằng cách tìm một chỗ trong Thư viện Quôc gia (Hồi ấy học sinh cấp 3 được cấp thẻ đọc tại Thư viện quốc gia) mượn cuốn Những người khốn khổ đọc lại đoạn Fantine  đang hấp hối sau khi bị đuổi việc khỏi công xưởng và buộc phải làm nghề mại dâm để có tiền nuôi con gái Cosette đang phải sống với gia đình nhà Thénardier độc ác. Nhưng đầu óc tôi rối bời bởi nhiều ý nghĩ nên khi đứng lên ra về, tôi chẳng nhớ mình đã đọc chương nào.

Trưa hôm sau, tôi chờ trước cửa túp lều nhà anh May, đợi anh đi học về để hỏi tình hình buổi chào cờ sáng nay. Anh May kéo tôi vào nhà rồi nói:
- Đúng như anh dự tính, chẳng có việc gì xảy ra cả. Chỉ có việc, thầy Hoàng An đến sớm hơn mọi ngày, chờ ngoài cửa lớp, khi thấy tôi và mấy người cất sách vở vào ngăn bàn, thầy hỏi anh đã đến trường chưa, có ai biết anh đang ở đâu không? Chúng tôi đều trả lời bọn em chưa thấy anh ấy đâu cả. Gần giờ trống điểm, thầy đi vội lên văn phòng ban giám hiệu, chắc báo cáo việc anh nghỉ học hôm nay cho họ biết. Vì vậy buổi chào cờ đã diễn ra bình thường như mọi khi: học sinh xếp hàng theo khối lớp dưới cờ, trực ban thi đua lên sơ kết ưu khuyết điểm của trường trong tuần qua, biểu dương các tập thể và cá nhân tốt, phê bình các tập thể và cá nhân còn “tồn tại”, thế thôi.

Ba ngày sau, anh May bảo với tôi:
- Thầy chủ nhiệm hỏi sao anh nghỉ mà không có giấy phép. Biết thầy là người không ghét bỏ những người làm báo Ngôi Sao, tôi mạnh dạn nói cho thầy biết sự thật là anh không nghỉ học mà là bỏ học. Thầy tỏ vẻ buồn lắc đầu nói, sao nó lại nghĩ quẫn đến thế được!

Thế là tôi chấm dứt việc học của mình, chấm dứt 9 năm đèn sách.

Do hoàn cảnh, 12 tuổi tôi mới được học lớp Năm. Nếu bình thường thì sau 12 năm tôi mới học xong Trung học, lúc ấy tôi đã 24 tuổi. May nhờ thầy giáo Đính cho bỏ nhanh lớp Năm lên lớp Tư rồi nhờ cậu tôi chọn trường cho thi nhẩy cóc từ lớp Tư lên lớp Nhì, tôi bớt đi dược 2 năm học. Và nếu không có ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 thì năm học 1958-1959, tôi sẽ học Đệ Nhất chuyên khoa để rồi cuối năm sẽ thi Tú tài toàn phần, năm ấy tôi 22 tuổi. Nhưng thời thế thay đổi, năm học 57-58 này, tôi mới học lớp 9 bằng một học sinh ngoài kháng chiến học xong từ 1 đến lớp 9 trong 9 năm. Nhưng sự thực tôi đâu đã học xong lớp 9 vì còn gần một tháng nữa mới nghỉ hè cơ mà.

Không biết có phải vì an ủi tôi mà sang đầu tuần sau, anh Nguyễn Hưng Nhân tìm tôi ở thư viện và nói anh cũng đã tự bỏ học trường kỹ thuật trung cấp. Anh bảo tôi:
- Bên trường cấp 3 của anh họ tư giấy sang trường tôi báo cáo tôi có tham gia viết bài cho tờ Ngôi Sao đã bị cấm, toàn những bài có tính cách chính luận đả phá đường lối giáo dục mới. Vì thế tôi cũng bị gọi lên ban giám hiệu kiểm điểm đi kiểm điếm lại khiến tôi thấy mệt mỏi và chán nản nên cũng tự bỏ như anh.

Tôi bắt tay anh Nhân, hỏi:
- Anh không vì thấy tôi đơn độc mà bỏ học giữa chừng chứ?
Anh Nhân bảo:
- Không! Mà vì tôi thấy chán nản và bế tắc quá. Ông Mác ông ấy nói: “Báo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người”. Nhưng ở ta hiện nay báo chí không có cái tự do ấy, kể cả những báo tường báo liếp cỏn con như của chúng ta.

Đến hết năm học thì anh May cũng gặp tôi và nói:
-Sang năm tôi cũng thôi học phổ thông, ở nhà tự học tiếng Nga chờ đến hè sẽ thi vào trung cấp ngoại ngữ. Tôi thích ngoại ngữ. Giờ chưa có Đại học ngoại ngữ thì học trung cấp cũng được.

Tôi hỏi:
-Tự học tiếng Nga bằng cách nào?

Anh đáp:
-Bằng sách dạy tiếng Nga qua tiếng Việt và tiếng Anh. Hiệu sách ngoại văn bán nhiều loại sách này lắm mà mình đã có chút vốn tiếng Anh rồi nên cũng dễ học được.

Tôi  hỏi đùa anh May:
- Anh định bỏ học phổ thông để tôi có bạn cho đỡ buồn à? 

Anh May khẽ cười trả lời:
- Đúng, một phần vì tôi cũng muốn chia bùi sẻ ngọt với anh, một phần vì tôi cũng chán học phổ thông và muốn chuyển sang học ngoại ngữ rồi đi làm. Hay sang năm anh cũng thi vào trung cấp ngoại ngữ cùng tôi?

Tôi lắc đầu:
-Tôi không có khiếu học ngoại ngữ mà cái tiếng Nga ấy, chắc tôi không bao giờ học nổi.

Rồi tôi bắt tay anh và nói:
- Tôi cũng chưa biết cái sang năm mà anh vừa nói sẽ ra sao nhưng trước mắt tạm lấy nơi Thư viên Quốc gia này làm trường học trong những ngày sắp đến. Có việc gì, anh tìm tôi ở đây nhé!

sách đọc hoa Tượng đài bức tượng màu xanh lá ngồi Thực vật học vườn Ngồi Điêu khắc nghệ thuật chạm khắc khắc đá đọc sách Đọc sách cho trẻ Cấu trúc nonbuilding Trẻ em đọc sách



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...