CHÍN NĂM ĐÈN SÁCH (5)
Sang năm học1956-1957, cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2 (1956) đã diễn ra nhằm thống nhất hai hệ thống giáo dục 9 năm và 12 năm của vùng tự do và vùng mới giải phóng thành Hệ thống giáo dục: 10 năm gồm 3 cấp nên năm học 1956-1957, tôi được lên lớp 8 trường Phổ thông cấp 3.
Năm học này, như đã nói trường trung học Nguyễn Trãi trả lại cơ sở cho trường trung học Trưng Vương rồi chuyển lên phố Cửa Bắc. Do vậy, tôi được chuyển sang trường Phổ thông cấp 3 Việt Đức (thường gọi là phổ thông cấp 3A), cơ sở trường nguyên là trường Dòng mang tên Giám mục Puginier được xây cất xong năm 1897. Các thầy giáo, cô giáo hầu hết là những thầy, cô trẻ được đào tạo từ khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc. Học sinh thì lẫn lộn con em những gia đình kháng chiến trở về với học sinh trong Hà Nội tạm chiếm như bọn tôi nên mặc dầu đã sau 2 năm tiếp quản nhưng vẫn còn nhiều cách biệt. Họ thì phấn khởi được về Thủ đô, bố mẹ đều có công việc trong các cơ quan nhà nước; bọn tôi thi thấy thua thiệt đủ mọi thứ trong đó cái thua nhất là không được học tiếng Anh tiếng Pháp mà bắt đầu từ năm lớp 8 này phải học tiếng Trung Quốc, mở đầu là những tiếng Lảo sư hảo, chào thầy giáo, ủa che, tên tôi là...Do vậy trong lòng hầu hết học sinh trong lòng Hà Nội cũ chúng tôi đều mang một nỗi chán nản và có phần bất mãn.
Đang sắp sửa khai giảng năm học, tháng 9-1956, nghe thiên hạ háo hức đồn đại và đón chờ sắp có một tờ báo mới tên là Nhân Văn, một tạp chí văn học định kỳ, ra mỗi nửa tháng một số mà chủ nhiệm báo là cụ Phan Khôi, một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu.
Cụ Phan Khôi
Tôi đã biết danh cụ Phan Khôi khi đọc Nhà Văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và đọc trực tiếp một số bài viết của cụ trên Nam phong tạp chí trong tủ sách của cậu tôi, nay nghe tin ấy tôi cũng háo hức chờ đợi. Vừa hay, anh Lê Văn Mãn, người bạn mới quen khi cùng nhận lớp 8H trường mới đến chơi. Anh Mãn quê ở Hưng Yên, đi tắt qua vùng bãi bồi hai bên sông Hồng thì làng anh chỉ cách Hà Nội chưa đầy hai chục cây số. Gia đình cho anh lên Hà nội trọ học ở nhà một người quen ở phố Bà Triệu. Anh vừa đi học vừa đi bán kem để đỡ đần bố mẹ. Anh bảo tôi, nhiều người mong ngóng đọc tờ Nhân Văn lắm, theo tôi anh nên nhận một số báo đi bán kiếm thêm ít tiền sách vở. Tôi không bận bán kem tôi cũng sẽ làm việc này.
Từ lâu tôi cũng đã có ý định tìm việc gì đó để làm kiếm thêm chút tiền, nay nghe anh Mãn gợi ý tôi thấy rất hay. Tôi lên phố Tràng Tiền tìm vào nhà Thông tin Tràng Tiền rộng mênh mông, có đến vài trăm mét vuông, là nơi chỉ để mọi người ghé vào đọc báo công cộng, xem thông báo về tình hình Thủ đô và cả để tranh thủ trú mưa, tránh nắng nữa. Căn nhà tiêu biểu của kiến trúc Pháp tại Đông Dương này hồi chưa tiếp quản là phòng thông tin của người Pháp ở Hà Nội , bởi thế hầu như chiều thứ năm hàng tuần nào lũ học sinh trung học chúng tôi cũng rủ nhau đến chờ phát vé vào xem xi nê không mất tiền ở phòng Studio trên gác hai. Toà soạn và trị sự báo Nhân Văn chiếm một góc nhỏ bên phải tầng một. Tôi được hướng dẫn ngày giờ lấy báo, giá bán và được động viên hãy hết lòng tích cực phát hành báo nhiều và rộng khắp.
Ngày 15 tháng Chín, 1956, số Nhân Văn đầu tiên ra mắt. Học xong buổi sáng, buổi trưa tôi lên lấy thử 50 tờ, đi bộ từ Tràng Tiền lên Hàng Đào, Hàng Ngang rồi vừa rẽ sang Hàng Bạc thì dã bán hết veo số báo. Tôi thật vui sướng thấy lần đầu trong đời mình đi bán báo mà tờ báo mình bán được hoan nghênh và bán chạy như thế. Có khi đang giao báo cho người nhà này thì người nhà bên biết, người ta chen ra cổng mua, có một vài người đưa tiền cho tôi mà không lấy tiền trả lại. Thế là, tôi đi như chạy về tòa soạn lấy thêm hơn trăm tờ báo nữa rồi vòng xuống phố Huế, phố Bà Triệu, phố Quang Trung, nhà nào cũng gõ cửa vào giới thiệu và mời chào cho đến tối thì bán hết. Hai ngày sau đi các phố nhỏ nhưng cũng bán được mỗi ngày 200 số rồi sang ngày thứ ba thì toà soạn đã không còn báo để phát hành. Giờ tôi cũng không nhớ mỗi hôm đi bán báo đã kiếm được bao nhiêu tiền mà chỉ nhớ ngày nào bán hết báo xong, tôi đã tự thưởng cho mình một bát phở bò tái ở hàng phở Hói phố Trần Nhân Tông với cái giá 2 hào rưỡi.
Báo Nhân Văn ra tiếp số 2 vào ngày 30- 9- 1956 thì ngày 20- 10 báo Trăm Hoa bộ mới do nhà thơ Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút ra số 1. Tôi vốn rất thích thơ Nguyễn Bính, thuộc lòng cả bài thơ dài Lỡ bước sang ngang của ông. Nhiều lần về quê đã đọc thuộc bài Lỡ bước sang ngang cho u tôi nghe đến nỗi u tôi cũng nhẩm thuộc nhiều câu. Nay thấy báo của ông phát hành, tòa soạn lại ở phố Hàng Chuối gần nhà tôi ở nên tôi cũng đến nhận báo Trăm Hoa đi bán và bán cũng rất chạy.
Trong thời gian bán báo, tôi đã có một gặp gỡ bất ngờ mà tôi coi là rất vinh hạnh. Ấy là lần đến lấy báo Nhân Văn số 3 đi bán, khi tôi đang đém và xếp báo thì thấy một người đàn ông đi từ ngoài cửa phòng thông tin vào. Đó là một người đàn ông người thấp, hơi thô, hai cánh tay chắc nịch với đôi mắt xếch và cặp mày rậm làm cho khuôn mặt trông hơi vẻ dữ dằn đặc biệt là ông ta còn có một vết sẹo to ở cổ khiến tôi ngờ ngợ tự hỏi: Trần Dần? Bởi tôi đã nghe đồn Tạp chí Giai phẩm mùa Xuân vừa in xong là bị tịch thu ngay, Trần Dần, với bài thơ Nhất định thắng bị đấu tố tơi bời, quy tội phản động, mang ra đấu tố công khai trước hội nghị và đã bị giam 3 tháng tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Trần Dần uất ức dùng lưỡi dao cạo cứa cổ tự sát nhưng không chết. Sau này còn vết sẹo to ở cổ. Nghĩ thế, tôi bỗng thấy mình như nhỏ lại khi người đàn ông ấy tiến lại gần rồi đứng sát bên tôi cạnh cái bàn của ban trị sự tòa báo. Thấy tôi dừng tay đếm báo nhìn, người đàn ông ấy há rộng miệng ra cười ròn rã hỏi:
- Học sinh hả?
Nghe tiếng cười ròn rã đó, tôi không còn thấy sợ nữa và lễ phép trả lời:
- Vâng.
Ông ta vỗ vai tôi bảo:
- Tốt lắm
Rồi hỏi:
- Chú em có thích viết văn không?
Tôi đáp:
- Dạ rất thích nhưng em chưa bao giờ viết văn cả.
- Không sao, hãy học và tiếp tục bán báo lấy thêm tiền ăn học đã. Khi nào có điều kiện đến chơi nhà anh ở phố Sinh Từ, anh sẽ dạy chú. Anh là Trần Dần, nhớ nhé!
Vậy đúng là Trần Dần, tác giả cuốn tiểu thuyết Người người lớp mà tôi đã đọc ở Thư viện thành phố, giờ lại là tác giả bài thơ Nhất định thắng vẫn đang ồn ào dậy sóng ngoài xã hội. Bài thơ tuy bị cấm nhưng đã được rất nhiều người thuộc nhớ và truyền tai nhau, chép lại của nhau. Bản thân tôi cũng thuộc những câu thơ như:
Em biết đâu
Mỹ Miếc, Ngô Nghê gì?
Khổ thân em mưa nắng đi về
lủi thủi...
Hay:
Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Tôi rất sung sướng vì đã được nói chuyện với Trần Dần đôi ba câu ấy, trong bụng thầm nghĩ, khi nào báo Nhân Văn được 10 số sẽ tìm tới phố Sinh Từ để gặp ông và xin ông nói về chuyện viết văn. Nhưng sau khi Nhân Văn ra số 5 vào ngày 20 tháng 11 năm 1956 thì bị buộc đình bản. Rồi ngày 15/12, ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn. Số 6 (số cuối cùng) của Nhân Văn không được in. Báo Trăm hoa của Nguyễn Bính phát hành được 11 số, đến tháng 1- 1957 thì cũng đình bản nốt. Tôi mất đi một việc làm vừa đầy hứng thú vừa có được chút tiền và mất đi một cơ hội gặp một nhà văn nhà thơ lớn bởi không còn dám nghĩ sẽ tìm tới phố Sinh Từ để được gặp ông Trần Dần nữa. Tuy vậy, tôi cũng có một niềm vui là đã giữ lại cho mình 5 số báo Nhân Văn, coi như là những ấn phẩm quý để cho các bè bạn thân cùng đọc.
Nhưng cũng chẳng được bao lâu, người ta kêu gọi ai có báo Nhân Văn phải đem nộp cho công
an khu phố, tôi sợ nên ai đã mượn cũng không lấy lại và vì thế mà về sau thất tán hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét