Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

CHÍN NĂM ĐÈN SÁCH (8)


Năm sau, ngay ngày khai giảng năm học 1957 -1958, Ngôi Sao ra số 8 chào mừng ngày tựu trường được đông đảo bạn đọc xúm vào đọc trước giờ khai trường và cả khi tan học vẫn còn nhiều bạn nán lại xem. Sức Trẻ cũng ra cùng ngày, trình bày có nhiều công phu hơn năm trước nên cũng rất đông bạn đọc.

Nhưng chỉ hai tuần sau, tôi được gọi lên phòng ban giám hiệu gặp thầy hiệu phó bí thư chi bộ và được thầy chỉ thị:  
- Nhà trường đã thống nhất không cho tờ báo Ngôi Sao tiếp tục lưu hành nữa. Em và các bạn làm báo Ngôi Sao phải chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị này, trước mắt là gỡ tờ báo đang trương trong sân trường ra đem nộp về phòng Hội đồng giáo viên và không được tiếp tục ra thêm một số nào nữa.

Tôi và mấy anh tìm thầy Hoàng An hỏi han cho ra nhẽ. Thầy bảo:
- Chi bộ mới họp đầu năm ngày hôm qua ra quyết định như vậy, thầy chưa kịp nói cho các em biết thì thầy hiệu phó bí thư đã nói.Theo chi bộ nhận xét thì tờ Ngôi Sao của các em có khuynh hướng học đòi Nhân Văn Giai phẩm đã bị đóng cửa, đòi tự do sáng tác trong nhà trường nhằm chống lại sự lãnh đạo của Đảng Đoàn trong nhà trường, cổ vũ những bài viết thiếu lành mạnh trong tuổi học trò, thầy cũng bị chi bộ phê bình hữu khuynh dung túng cho các em làm báo mà không uốn nắn các em. Thôi, thầy nghĩ các em nghỉ làm báo và tập trung học tập cho tốt cũng là cái hay, năm nay là năm bản lề để năm sau thi tốt nghiệp cấp 3 rồi.

Chúng tôi tháo gỡ số báo đầu năm học cuộn lại rồi tôi đem nộp cho thầy hiệu phó bí thư. Sau đó, mấy ngày liền cả bọn không đứa nào để tâm vào việc học, có vài anh đã bị điểm 2 khi thầy cô kiểm tra bài cũ. Buồn quá, tối tối mấy anh em rủ nhau đến nhà anh Phúc nghe nhạc, toàn những đĩa của ban hợp ca Thăng Long với những nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ đã nổi danh từ thời tiền chiến, nổi bật là nhạc sĩ Phạm Duy, tưởng cho vơi sầu nhưng lại thấy buồn hơn. Nhiều tối mưa cuối tháng chín nhỏ hạt, ngồi một mình tôi như đã nghe thấy tiếng buồn nhỏ từng giọt trong mưa, tôi qua nhà anh Nguyễn Hưng Nhân rồi đến nhà anh Nguyễn Văn May cùng nhau dạo bộ quanh hồ Thiền Quang, chỉ cùng nhau lầm lụi đi trong mưa nhỏ mà chẳng biết nói với nhau chuyện gì. Anh Lê Xuân Doanh bảo, mẹ tôi cũng buồn khi biết tin tờ báo của chúng ta bị đóng cửa. Bà không biết gì về văn thơ và chẳng quan tâm gì đến báo chí mà chỉ thương bọn trẻ trong đó có tôi là con bà không có mỗi một nguồn vui sáng tạo thì nay bị dập tắt. 

Nhưng nỗi buồn nào cũng sẽ vơi khi còn phải sống và phải học. Chúng tôi bảo nhau hãy quẳng nỗi buồn đi và học tập tốt trở lại với hy vọng, năm sau hết lớp 10 sẽ được tuyển vào một trường đại học đúng theo nguyện vọng.

Nhưng sự ở đời đời đâu có con đường nào mà bao giờ cũng dẫn ta tới một nơi nào đó như ta mong muốn mà đường đời muôn nẻo, mình hướng tới nẻo này thì lại bị dẫn đến nẻo kia. 

Gần đến kỳ nghỉ hè năm 1958, nhà trường có lệnh lần lượt từng khối 8,9, 10 theo sắp xếp lên hội trường trường Chu Văn An trên Hồ Tây để nghe nhà văn Nguyễn Khải nói chuyện. Nguyễn Khải là một nhà văn quân đội trẻ bắt đầu viết văn từ những năm 1950, đang khá nổi tiếng với tiểu thuyết Xung đột  mà tác giả gọi là ghi chép, phần I đã đăng nhiều kỳ trên tạp chí Văn nghệ Quân đội mà tôi đã đọc từng kỳ một. Tác phẩm viết về những người theo đạo Thiên Chúa. Ấy là cái làng Hỗ công giáo toàn tòng với rất nhiều kẻ ác đã lung lạc nhiều người lương thiện, hiền hậu, chăm làm, giàu lòng nhân ái, giàu đức tin trong đó có không ít cán bộ như chị Nhàn, phó Chủ tịch xã cũng có lúc bị mê hoặc, nghe theo. Tôi rất phục cách ghi chép sắc xảo của Nguyễn Khải và văn tài của ông nhưng tôi không mấy tin bên công giáo lại lắm người ác và xấu xa như thế vì tôi đã sống cùng nhà với rất nhiều người công giáo như mợ tôi và gia đình ông cậu ruột của bà. Họ đều là những người hiền hậu và tốt bụng.Tôi cũng đã học thêm hai mùa hè tại trường Dũng Lạc do cha Nguyễn Huy Mai làm hiệu trưởng mà tôi thấy cha rất hiền từ và hết lòng chăm sóc yêu thương học sinh.

Hôm ấy, Nguyễn Khải mặc quần áo bộ đội, đầu đội mũ cối Tàu có lưới phủ ngoài, chân dận giày vải quân sự lên bục hội trường trường nói chuyện về: Quét sạch nọc độc Nhân văn giai phẩm ra khỏi nhà trường. Ông nói rất hùng hồn, kể chi tiết những  tội bọn Nhân Văn giai phẩm phản động và phân tích các biểu hiện nọc độc của Nhân Văn trong nhà trường rồi hô hào phải kiên quyết mạnh tay quét sạch những nọc độc đó ra khỏi nhà trường ngay.

Sau bài nói chuyện đó, hàng loạt học sinh ở các trường trung học bị kiểm điểm và kỷ luật. Những người  lãnh đạo trong các buổi kiểm điểm đó là bộ tứ nhà trường gồm đại diện chi bộ, ban giám hiệu, công đoàn và đoàn trường. 



Nhóm Ngôi sao có 3 người bị gọi lên là tôi, anh Nguyễn Văn May và anh Lê Đình Phúc, những người làm nên tờ báo. Thầy hiệu phó bí thư chi bộ vừa đại diện cho Chi bộ đảng vừa đại diện cho ban giám hiệu chủ trì cùng với cô giáo thư ký công đoàn và bí thư chi đoàn trường là anh Nguyễn Đăc Sinh tức Bình Vọng. Họ hỏi chúng tôi vì sao ra báo Ngôi sao, vì sao viết và đăng những bài thơ tình yêu học trò, dịch các tác phẩm phương Tây, viết các bài chống đối đường lối giáo dục trong nhà trường như đòi được học tiếng Anh, đả phá học tiếng Trung. Đã vậy còn ra tập san in lại các bài chính của báo Ngôi Sao để chuyển tải rộng rãi cho nhiều người đọc nhằm tới cả những người ngoài xã hội...Họ còn hỏi, nòng cốt Ngôi Sao là những ai và có ai đứng sau lưng xui giục không?…Chúng tôi lần lượt đứng lên khi bị gọi tên và trả lời các câu hỏi của ban kiểm điểm nhưng tất cả những câu trả lời của chúng tôi đều bị kết tội quanh co chưa thành thật. Sau đó ban xét duyệt kỷ luật cho chúng tôi về tự viết kiểm thảo nộp cho họ sau 3 ngày.

Qua những lời đưa ra để buộc tội chúng tôi trong cuộc kiểm điểm, tôi thật không hiểu vì sao họ biết rất chi tiết việc tôi đi bán báo Nhân Văn rồi truyền cho bạn bè đọc những số báo Nhân Văn đã bị cấm mà tôi không chịu đem nộp cho công an khu phố hay cho nhà trường. Họ cũng biết anh Nguyễn Văn May thích thơ lãng mạn suy đồi thời Tự lực văn đoàn đã nhờ các bạn đọc nhớ các bài họ đã thuộc rồi chép thành một tập ra sao, tập ấy đã đưa những ai đọc và chép lại. Còn anh Lê Đình Phúc không viết bài chỉ vẽ minh hoạ cho báo nhưng khi nói chuyện với bè bạn hay nhắc lại những câu thơ văn của Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung trong các bài viết của họ như Nhất định thắng, Ông Bình Vôi, Lời mẹ dặn, Con ngựa già của chúa Trịnh. 

Tội danh chính của ba chúng tôi đã được nêu rõ như thế. Riêng tôi còn thêm tội là kẻ cầm đầu nhóm Ngôi Sao, tự tung tự tác cho đăng nhiều bài không đúng với nội quy nhà trường nhằm chống lại đường lối giáo dục của đảng đoàn trong nhà trường rồi chủ trương dịch một số tác phẩm Tây Âu để lôi kéo lớp trẻ trong nhà trường xa dời văn học dân tộc, xa dời văn học xã hội chủ nghĩa của các nước anh em Liên Xô, Trung Quốc.

Sau khi nộp kiểm thảo, chủ yếu vẫn là những lời đã báo cáo hôm làm việc với ban xét duyệt kỷ luật, chúng tôi phải đợi hai tuần sau mới được gọi lại. Lần này có thêm thầy hiệu trưởng và thầy Hoàng An chủ nhiệm lớp. 

Anh Bình Vọng thay mặt ban xét duyệt kỷ luật đọc đánh giá kết luận về những sai phạm của chúng tôi rồi thầy hiệu phó bí thư chi bộ đọc quyết định kỷ luât: Hai anh Nguyễn Văn May và Lê Đình Phúc sẽ phải đọc kiểm thảo trước cả lớp vào buổi sinh hoạt cuối tuần này còn tôi thì phải đọc kiểm thảo dưới cờ trước toàn trường vào buổi chào cờ sáng ngày thứ hai tuần sau. 

Hôm ấy là ngày thứ tư, tức còn 2 ngày nữa thì đến ngày thứ 7 có tiết sinh hoạt lớp và 4 ngày nữa thì sang thứ hai tuần sau có buổi chào cờ đầu tuần của toàn trường.

Tiết sinh hoạt lớp cuối tuần đó do thầy Hoàng An chủ trì có anh Bình Vọng, bí thư đoàn, đại diện bộ tứ nhà trường tới dự. Sau khi nghe hai anh Nguyễn Văn May và Lê Đình Phúc đọc kiểm điểm, mấy bạn được thầy Hoàng An chỉ định trước giơ tay xin phát biểu. Sau vài lời phân tích những thiếu sót của từng bạn, họ đều nói hai anh May và Phúc đều là học sinh khá, đoàn kết chan hoà với các bạn, những sai sót của hai anh chỉ có tính nhất thời mong thầy chủ nhiệm và nhà trường xem xét, góp ý để sửa chữa. Sau đó thầy Hoàng An phát biểu tổng kết buổi sinh hoạt lớp. Thầy nhắc lại lời Bác Hồ “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”; “có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Từ đó thầy động viên anh May và anh Phúc cùng cả lớp hãy thành thật đối mặt với những khiếm khuyết của bản thân, biết sử dụng khuyết điểm của mình  làm bàn đạp cho những việc làm tốt hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Cuối cùng anh Bình Vọng được thầy chủ nhiệm lớp mời phát biểu. Anh tỏ ra rất khôn ngoan, chỉ nói ngắn gọn rằng đã ghi nhận cuộc sinh hoạt lớp và sẽ báo cáo với ban xét duyệt kỷ luật của nhà trường. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...