NGÀY NÀY NĂM XƯA:
24-1-1848: James Marshall tìm thấy một viên vàng nhỏ tại California. Tin này được lan truyền nhanh chóng, gây ra cơn sốt đổ xô tìm vàng, thu hút rất nhiều người từ châu Âu, châu Á và châu Mỹ Latin.
Ẩn mình kín đáo giữa một thung lũng cây xanh tuyệt đẹp, nép dưới chân rặng núi Sierra và men theo con đường cao tốc 49 lịch sử của California, thắng tích ghi dấu cuộc săn vàng Marshall Gold Discovery ở ngay cuối ngã ba sông American River. Tại đây, ngày 24 Tháng Giêng năm 1848, doanh gia James Marshall tình cờ phát hiện những vụn vàng lấp lánh dưới lòng sông cạn, mở màn cho cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại thời đó.
Trải hàng ngàn năm, các bộ tộc Nisenan và Miwok sinh sống dưới bóng núi, trong những ngôi nhà mái vòm tự tay họ dựng lên bằng gỗ tùng, quây quần thành làng mạc ven những con suối nhỏ chảy ra sông American mà họ thương yêu gọi tên là “Cullumah,” ngày nay phát âm là Coloma. Cuộc sống trên sông nước êm đềm cho họ nguồn thực phẩm cá tươi đánh bắt dồi dào hàng ngày cùng với nhiều loại chim thủy sinh, hươu nai rừng và thức ăn căn bản của họ là hạt, quả từ cây sồi. Ngoài việc chăm nuôi con cái, thời giờ rảnh rỗi, phụ nữ các bộ tộc này tự tay đan những chiếc giỏ tre đựng hạt giống rất mỹ thuật. Dân làng sinh hoạt khép kín, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài cho tới cuối năm 1820, khi những tay đi săn lùng lông thú tìm tới đây và gặp gỡ họ. Cuối năm 1830, tiếc thay, số người mới xâm nhập vùng này mang theo họ các thứ tật bệnh dẫn tới tử suất dân làng tăng cao. Tiếp theo đó, vàng được khám phá dài theo dòng sông American trong thung lũng Coloma và khối đông người đi tìm vàng lập tức nắm quyền kiểm soát các địa điểm tập họp đánh cá của thổ dân. Năm 1849, con số thổ dân sống còn qua gian khổ, bệnh tật và mâu thuẫn đối nghịch với thành phần mới hạ cánh ở nơi này ngày càng tản mát vào sâu trong các thung lũng hoang vu, một số đổi sang nghề phu mỏ, một số làm công cho chủ nông John Sutter, người đã xây dựng nên vùng đất ngày nay có tên là Sacramento.
Đãi vàng
Ngoài vị thế làm chủ một đế chế nông nghiệp lớn trong thung lũng Sacramento, John Sutter sau kết hợp với James W. Marshall làm thêm công nghệ đốn gỗ và chính trong quá trình xoay chuyển hướng con nước từ dòng sông American để thuận tiện cho việc chuyên chở cây tới xưởng cưa, một buổi sáng Tháng Giêng năm 1848, James W. Marshall đã bất ngờ thấy vàng. Trong thời khoảng 50 năm tiếp theo biến cố này, ước lượng chừng 125 triệu ounce vàng đã được khai thác từ các ngọn đồi trong vùng, ảnh hưởng đến sự phát triển và hưng thịnh sớm sủa của California, tạo nên một nền văn hóa đa dạng và một đại chúng tiến bộ về mặt kỹ thuật. Nếu không có vàng, mọi thuận lợi khác của Cali như khí hậu, tài nguyên, vị trí địa dư… hẳn vẫn còn mai một trong bóng tối thêm một thời gian lâu nữa.
Tin tức về vàng của Cali lan rộng trên toàn thế giới. Người dân ở Trung Hoa gọi California là “Gum San, Kim Sơn, núi vàng.” Giới lao động Hoa kiều chạy trốn chiến tranh và cảnh nghèo khó, đổ xô tới miền đất hứa Coloma, Cali, với hy vọng tạo dựng sự nghiệp. Họ chỉ có chừng 50 người nhưng kỹ năng khai thác vàng của họ đạt năng suất quá cao khiến lực lượng phu mỏ tại đây than phiền bị người Hoa xâm lăng lấn chiếm. Không khí thù nghịch trong giới phu mỏ đưa tới những luật lệ và chính sách thuế khóa kỳ thị áp dụng cho “người nước ngoài” khiến một số Hoa kiều bỏ cuộc nhưng một số nhỏ vẫn kiên trì bám trụ, ở lại làm các dịch vụ khác còn lưu dấu vết tại thắng tích lịch sử ở Coloma. Trong tòa nhà Man Lee có ngân hàng và một cửa tiệm bán các loại dụng cụ gia dụng, có tiệm ăn với bảng hiệu ghi bằng Hán tự hai chữ Wah Hop, phiên âm là Hòa Hợp (?).
Thợ đào vàng Trung Quốc
Đến khu đất lịch sử này mới thấy cung cách làm ăn đáng sợ của người Hoa. Họ không chỉ bỏ xứ đến Mỹ để lập nghiệp với tư cách người phu mỏ ăn trùm kẻ đồng hội đồng thuyền mà họ đến với đầu óc thống lĩnh để tận thu thành quả mồ hôi nước mắt của đám đông. Họ làm đường xe lửa để chuyên chở vật liệu và dụng cụ nặng cần cho kỹ nghệ tìm vàng, từ những máy móc cồng kềnh, búa xẻng, đĩa sắt để đãi vàng cho tới cái cân tiểu ly nhỏ xíu đặt trong lồng kiếng. Họ cung cấp không thiếu một thứ gì các phu mỏ cần. Họ mở nhà băng giúp trao đổi tiền tệ kiếm lời, họ mở tiệm ăn, tiệm rượu… Những người phu mỏ làm việc vất vả suốt ngày ngoài bãi sông, chiều về mang số vụn vàng kiếm được bán cho xì thẩu thu mua, đổi lấy chút tiền nào lại đem nộp tiếp cho xì thẩu ở ngân hàng, ở quán ăn, tiệm rượu, sòng bạc, một xu cũng không lọt ra ngoài mạng lưới phục vụ tinh vi của các doanh nhân Hoa Kiều. Nhiều chứng tích còn lưu lại trong khu vực tìm vàng, đánh dấu sự có mặt sớm sủa cùng với quyền lực và sự khôn ngoan bên trong những đôi mắt một mí sắc sảo, những cái đầu tóc tết đuôi sam dài quá thắt lưng nhìn thấy ở rất nhiều hình ảnh trưng bày tại khu công viên lịch sử Marshall Gold Discovery. Bên trong tòa nhà Wah Hop tường đá sứt mẻ nay là phế tích được trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng khởi thủy, xưa là cao lâu hay tửu lầu, du khách có dịp nhìn tận mắt giá treo thức ăn, bát đĩa, nậm rượu, ấm chén uống trà, đặc biệt bàn tính bằng gỗ cả chục cái vứt lăn lóc. Họ biết xây cả lò để quay thịt hay làm bánh mì ngay trong tiệm. Tôi đứng giữa cảnh vật hoang tàn, bụi bặm, ngửi thấy mùi thời gian ẩm mốc và hình dung ra một thời náo nhiệt với đông đúc người đến đây. Họ là những phu mỏ địa phương hoặc tới từ các tiểu bang lân cận, xa xôi nhất từ bên kia bán cầu là những người Hoa đánh hơi cơ hội kiếm tiền. Họ thở ra hơi rượu và tham vọng, thể hiện cơn sốt vàng từng khiến cho thành phố San Francisco vắng đi một nửa dân số bởi vì thanh niên trai tráng đổ xô về đây. Trong phút giây bất chợt, tôi rùng mình với cảnh tượng trước mắt, cảm giác như một người vừa thoát nạn khiến tôi bàng hoàng xúc động. Một ngàn năm bắc thuộc, bị thống trị bởi một sắc dân thông minh, quyền biến như vậy mà Việt Nam vẫn đứng vững, vẫn nguyên vẹn, hóa ra tổ tiên tôi, dân tộc tôi tài giỏi, xuất sắc, lẫm liệt đến thế! Cả kho sử sách làu thông dưới mái trường, chỉ một tích tắc cơ duyên đủ để cháy lên ngọn lửa huy hoàng âm ỷ nhiều thế kỷ.
“Giàu sang chưa chín một nồi kê.” Buổi bình minh nạm vàng nhanh chóng nhường chỗ cho hoàng hôn ảm đạm. Tháng chạp cùng năm 1848, một trận lụt lớn gây khó khăn cho xưởng cưa và chủ nhân chính, ông John Sutter, rút khỏi công ty. Marshall tìm hai cổ đông thay thế nhưng về sau, công việc quản trị gặp nhiều rắc rối về luật pháp, khiến công ty phải ngưng hoạt động rồi đóng cửa hoàn toàn sau năm 1850. Marshall tiếp tục theo đuổi công việc tìm vàng không mấy thành công. Năm 1857, ông mua 15 mẫu đất ở Coloma với giá $15, cất cho mình ngôi nhà gần nhà thờ Thiên Chúa giáo và đầu tư vốn vào nhiều giống nho ngoại quốc. Ông lập vườn nho trên lưng ngọn đồi nhìn xuống nghĩa trang, làm hầm chứa rượu và bắt đầu sản xuất rượu vang đưa vào thị trường. Năm 1860, thương vụ của ông phát triển tốt đẹp, nhận được bằng khen của hội chợ quận hạt nhưng cuối thập niên ấy, một loạt trở ngại lại đưa ông về khởi điểm. Trong thời gian này, ông cũng có cơ hội đồng sở hữu một mỏ thạch anh gần Kelsey. Nuôi hy vọng gây quỹ để có vốn khai thác dự án mới, ông hăng hái lên đường chỉ để thấy may mắn không cười với ông dễ dàng như trong buổi sáng cuối tháng giêng 1848, khi ông nhặt được từ lòng sông những hạt vàng đầu tiên đẹp như mơ. Không còn một xu dính túi, nhờ từ tâm của một người bạn mua tặng tấm vé xe, ông về thăm mẹ và em gái ở New Jersey, sống với họ vài tháng trước khi quay lại Kelsey.
Do công trạng của ông trong cơn sốt vàng, năm 1872, Quốc Hội tiểu bang ân thưởng cho ông trợ cấp $200 hàng tháng và trong hai năm. Nhờ vậy, ông thanh thỏa được một số nợ nần và mở cơ sở lò rèn ở Kelsey. Trợ cấp này sau giảm một nửa và kéo dài thêm được bốn năm nữa rồi chấm dứt vào năm 1878, giữa dư luận eo xèo bình phẩm về tật uống rượu của ông.
Từ đây cho tới cuối đời, bên cạnh công việc sinh nhai bằng nghề lò rèn, ông vẫn lặn lội chắt mót quanh cái mỏ vàng nho nhỏ của mình gần Kelsey. Năm 1885, ông qua đời ở tuổi 75, mộ phần nằm trên sườn ngọn đồi trông xuống thành phố. Năm 1890, bia tưởng niệm lịch sử đầu tiên của tiểu bang California, uy nghi, lộng lẫy, chạm khắc phương danh ông, niên đại tìm thấy vàng, các dụng cụ dùng để đào và đãi vàng với tượng toàn thân ông đứng trên chóp cao, tay co, tay duỗi, chừng như ngập ngừng nửa cầm chắc, nửa cho đi, được dựng trên đỉnh đồi, nhìn bao quát toàn cảnh khu vực khám phá ra vàng, đánh dấu nơi James W. Marshall yên nghỉ.
Theo Người Việt Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét