Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

CẬU ĐỔNG (2)



Trong dân gian có câu nói về quan hệ họ tộc:

Con cô, con cậu thì xa
Con chú, con bác thật là anh em

Suy ra từ câu này thì cậu không bằng chú. Mà đúng thế bởi dân gian cũng nói:

Sảy cha còn chú chứ có ai nói sảy cha còn cậu đâu.

Trong đồng dao còn có bài hát về hình ảnh rất xấu của một người cậu:

Cậu lậu quả cà
Cậu già cậu chết
Thổi nồi cơm nếp
Đem ra ngoài đồng
Đánh ba tiếng cồng
Cậu ơi là cậu!

Xem vậy, hình ảnh của người cậu trong quan hệ họ hàng không được nể trọng lắm. Nhưng từ lúc còn nhỏ tuổi đến khi đã có tuổi,  tôi thấy cậu Đổng không hề như vậy mà luôn luôn thấy cậu tốt bụng với tất cả họ hàng không phân biệt nội ngoại.

Năm cậu mới ra trường nhận chức trưởng ty diền địa Phúc Yên, cậu đã đem em gái út là dì Na cùng hai đứa cháu mồ côi bố gọi cậu bằng chú ruột cùng anh Hồng tôi lên Phúc Yên nuôi em và cho các cháu ăn học. Không chỉ mấy người ruột thịt gần nhát ấy với cậu mà thấy vợ chồng ông Phượng, anh con ông bác cậu sống ở làng nghèo khổ quá, cậu cũng cho lên theo làm chân bảo vệ dinh, hàng tháng có lương không phải chân lấm tay bùn vất vả nữa.

Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, dân chúng bỏ nhà gồng gánh tản cư, cậu Đổng không chỉ đưa gia đình anh cả là bâc Hanh, gia đình chị cả là u tôi theo lên áp Đại Bái của bên họ mợ tôi cùng tăng gia sản xuất lấy cái ăn cái mặc mà cậu còn cho một số người trong họ tộc lên theo như gia đinh anh Lê, con rể ông Chỉ là anh họ cậu.

Hòi cư về hà Nội, cậu Đổng tiếp tục cho hàng loạt cháu ra tỉnh ăn học như chị Thông con bác Hanh va hai anh em tôi.

Năm 1951, người ta đem về từ Thái Nguyên cho cậu mợ ba thiếu niên, hai trai một gái bảo là con của ông Đõ Đình Đạt với người vợ sau không hôn phối. Nay ông Đạt và người đàn bà ấy đều đã chết mà trên Thái Nguyên đang kháng chiến, không có ai nuôi ba người con đó. Cậu mợ tôi vui vẻ tiếp nhận ba người em cùng cha khác mẹ với mợ và nuôi cho ăn học. Đó là ba anh em Đỗ Đình Kim, Đỗ Đình Uy và Đỗ Thị  Lan chỉ đổi tên ba người theo yêu cầu của dòng họ Đỗ Đình thành Đỗ Kim Liên, Đỗ Uy Liêm và Đỗ Thị  Phấn Lan, chắc dòng họ Đỗ Đình không coi mẹ của 3 anh em họ là vợ có cưới xin của ông Đỗ Đình Đạt?

Những năm đầu thập kỷ 50, ở quê nhà thường bị lính cả Tây cả Ta từ bốt Cầu Giấy về càn, lùng bắt Việt Minh và bắt trai tráng đi lính, nhiều người trong làng mỗi lần nghe tin sắp có càn thường tìm cách trốn ra Hà Nội ẩn tránh, tìm đến xin nương nhờ chỗ nhà ở của cậu mợ đều được mở rộng cửa cho ăn ở đến khi hết càn mới trở về như các anh Ngô Văn Môn, Nguyễn Văn Đậu…

Năm 1953, ba anh em nhà họ Phan là ông Nguyễn Văn Đãng anh rể và hai em vợ là Phan Văn Ấu, Phan Văn Sơ, em họ con bà dì của cậu lấy chồng xóm dưới xin được việc làm ở hãng máy bay Pháp  Aigle Azur Indochine bên Gia Lâm xin cậu mợ cho ở nhờ để tiện việc ô tô của hãng đưa đón họ, sáng từ chợ Hôm sang Gia Lâm làm việc và ngược lại vào giờ tan tầm buổi chiều. Bấy giờ bà Phạm Thị Mai, vợ kế của ông ngoại đã mất, ông ngoại về quê ở chùa Thọ Cầu cùng với cụ sư Tuệ nên khu nhà xe được dành cho ba người em họ đó ăn ở.

Tháng 10 năm 1954, sau khi ta tiếp quản Hà Nội, dì Na dẫn chồng và 2 con nhỏ từ vùng kháng chiến trở về cũng tìm đến ông anh là cậu Đổng xin giúp đỡ chỗ ăn ở. Mặc dù trước đây, khi ở Phúc Yên với cậu, dì Na thấy cậu không hài lòng khi dì yêu anh ông Luân, sợ cậu không cho lấy ông Luân, dì đã bỏ nhà đi theo ông khiến cậu rất giận. Cậu mợ thu gọn nhà bếp lại đưa ra ngoài vườn đê lấy phòng cho gia đình em gái ở và giúp đỡ tiền nong, mọi mặt.

Trong thâm tâm, cậu Đổng không muốn bỏ Hà Nội di cư vào Nam vào năm 1954. Nhưng khi ở lại với danh phận công chức lưu dung, làm việc mấy tháng ở sở Canh Nông cậu cảm thấy rất khó sống. Lại thêm tin đồn về Cải cách ruộng đất sắp diễn ra long trời lở đất khiến mợ lo sợ đêm ngày mất ăn mất ngủ vì mợ có tới 200 mẫu ruộng ở dưới Hải Dương mặc dù mợ chưa một lần về đồn điền đó mà giao hết cho một người tên là Hai Duyên quản lý. Tôi nhớ, năm nào cũng sau vụ gặt mùa, ông Hai Duyên lại khăn xếp, áo dài the, quần vải trắng, giày Gia Định đen đi theo một chiếc ô tô tải chở đầy thóc dự hương, một bu gà, một lồng chim bồ câu và lưng sọt trứng gà về 25 Phùng Khắc Khoan Hà Nội nộp cho vợ chồng cô chủ rồi báo cáo sổ sách năm đó. Mặc dù đồn điền thực chất đã giao toàn quyền cho ông Hai Duyên nhưng tên chủ chính vẫn là tên mợ vì vậy mợ lo sợ sẽ bị bắt về Hải Dương đấu tố và có thể sẽ bị bắn chết là rất đúng.

Vì thế, cậu mợ tính kế nhân thời gian 300 ngày di tản sẽ tìm cách xin giấy đi Hải Phòng  nói là đi thăm người nhà sắp đi Nam để khuyên họ ở lại, đừng đi Nam nữa vì nước nhà đã độc lập tự do.


Gia đình cậu mợ khi sắp xuống Hải Phòng để di cư vào Nam

20 năm sau, gặp lại cậu mợ ở Sài Gòn, tôi mới biết, cậu mợ đã khôn khéo dấu vàng vào trong ruột một cái phích đựng nước nóng để pha sữa cho con nhỏ là em Đào Thị Thanh Hiếu mới được mấy tháng tuổi còn phải bế ẵm theo.

Trước khi xuống Hải Phòng để thực hiện cuộc di cư vào nam, cậu Đổng bảo tôi:

- Thực tâm thì cậu không muốn di cư vào Nam vì các em cả 6 đứa đều còn nhỏ. Em Nhị lớn nhất  mới 9 tuổi, em Hiếu bé nhất thì chưa đầy năm, bồng bế dắt díu chúng  đi là cả một sự cơ cực. Lại còn ông ngoại nữa, năm nay cũng đã gần bẩy mươi rồi, để ông ở lại quê thật không đành nhưng  nói thế nào ông cũng một mực không đi. Vì mợ là con cháu một dòng họ địa chủ lớn lại cũng có cả trăm mẫu ruộng đất ở Hải Dương, mặc dù từ lâu cậu mợ không trực tiếp trông coi mà đã giao cho ông Hai Duyên quản lý nhưng sau mấy tháng  ở lại, cậu thấy không đi sẽ bị nguy hại trong CCRĐ sắp tới. Cái gương bà Nguyễn Thị Năm còn gọi là bà Cát Hanh Long ở Thái Nguyên bị xử tử oan trong cuộc Cải cách ruộng đất đã làm cho cậu mợ lo lắng đêm ngày. Vì thế cậu mợ phải cấp tốc đưa các em vào Nam. Cháu ở lại cố mà học cho nên người. Cháu học được nên cậu tin rằng cháu sẽ có tương lai. Cậu mợ đi coi như trắng tay, không đem được gì đáng kể nhưng cũng không có tiền để lại cháu có thêm mà ăn học. Cậu chỉ có cái xe đạp, cái tủ sách và cái máy ảnh Kodak này cho cháu làm kỷ niệm. Cậu biết cháu rất ham đọc sách báo vậy nên giữ gìn cái tủ sách cho tốt nhé!

Cái xe đạp cậu cho tôi là xe nữ  cậu mới mua đầu năm 1954 còn rất mới. Nhãn hiệu xe là Aniella với hình một cô đầm mái tóc theo gió hất ngược về phía sau để lộ khuôn mặt xinh đẹp và vầng trán thông minh đầy gợi cảm. Chắc nhà sản xuất ngụ ý, khách nữ  đi xe Aniella, cô nào cũng sẽ xinh đẹp và thông minh gợi cảm như thế. 

Sau này cái xe đạp Aniella của cậu tôi cho đã theo tôi suốt hai chục năm trời, phụ tùng hỏng hết chỉ còn cái khung được lắp ghép đủ các thứ phụ tùng thay thế, được mua mới theo phân phối cũng có mà mua ở chợ giời vỉa hè sông Lấp cũng có.

Cái tủ sách thì quả thật tôi rất thích. Trong nó có cả trăm cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của các nhà văn trong nhóm Tự Lực văn đoàn đến các nhà văn khác như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Lan Khai...Báo chí thì vài chục tập chính tay tôi đóng lại từ từng số lẻ do cậu tôi hướng dẫn cách đóng. Nhưng rất tiếc, sau này khi đi miền núi rồi xuống Hải Phòng dạy học tôi không thể đem theo được mà vẫn để lại 25 Phùng Khắc Khoan nơi dì tôi và các con dì ở rồi dần dà đã bị mất mát hết.

Cái máy ảnh Kodak thì thời đó đào đâu ra phim, mua chui của những người đi học nước ngoài về thì tiền ăn còn phải tính từng ngày lấy đâu tiền mua phim chụp ảnh ăn chơi nên máy cứ để nằm im  một chỗ trên giá sách rồi lâu dần cũng đã bị hỏng.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  KÍNH   BÁO Chủ nhân trang blog Bị ốm. Vì Vậy trang NgườiLàngCốm.BlogSpot xin tạm đóng cửa. Xin kính báo cùng toàn thể Độc giả xa gần !!!  ...